Một cỗ xe ngựa lăn bánh chầm chậm, dừng lại trước đại môn Vương phủ Dự Vương.
Đánh xe là một gã hán tử râu quai nón, đoán chừng đã đánh xe liên tục mấy canh giờ dưới trời nắng cho nên hai má đỏ bừng, vẻ mặt mệt mỏi.
Tung mình nhảy xuống từ ván gỗ, sải mấy bước chân lên bậc ngũ cấp, gã lại bị gia binh đứng gác trước cửa ngăn lại.
Gã quát: "Khẩn trương lên, mau mau cho quản gia của các ngươi ra kiểm tra trà bánh, nhận hàng để ta còn quay về báo cáo."
Gia binh nhìn gã một lượt từ trên xuống dưới rồi đảo mắt nhìn nhau, lúc này một tên mới đi vào báo với quản gia.
Không lâu sau, lão quản gia tên Vương An chậm chầm bước đi ra, dáng bộ thong thả, tay áo rộng đung đưa theo bước chân: "Trà bánh từ đâu gửi tới? Sao ta chưa từng nghe vương phủ có loại giao dịch mua bán này?"
Hán tử không nhiều lời, lấy ra từ trong ngực áo một tờ biên lai, đưa tới cho Vương An: "Ta khát muốn chết đến nơi, đâu ra là lắm lời mà phí với ông.
Tự mình xem đi."
Vương An mở ra tờ giấy bị gập thành bốn, nhìn thấy quả thực là giấy trắng mực đen, thời gian địa điểm đều rõ rành rành.
Đoạn, chỉ vào tờ giấy, chất vấn: "Ở đây rõ ràng ghi chỗ trà này phải đến Đế kinh muộn nhất là mấy ngày trước, vậy mà hôm nay mới đưa tới?"
Hán tử cau mày, tỏ rõ bực tức bằng cách chỉ chỉ: "Ông nghĩ ta muốn chậm trễ như vậy à? Uy Viễn tiêu cục bọn ta thanh danh khắp nơi không ai không biết, cho dù thời tiết không thuận lợi nhưng đã hẹn ngày nào ắt sẽ nhận được hàng vào ngày ấy, đã từng thất tín chưa? Từ Vân Châu đến kinh thành không gần, đã thế đường còn đang tu sửa, làm cho ta phải đi đường thuỷ mới tới.
Mà đi đường thủy cũng không sao, nhưng ai ngờ đến bến thuyền còn bị quan phủ ngăn cản không cho đi, có mang bao nhiêu tiền ra cũng không qua được..."
"Vì sao lại như thế?" Vương An thuận miệng hỏi.
"Còn có thể là vì sao nữa? Lão Hoàng đế muốn đại trùng tu lâm viên thượng uyển gì gì đó, đá nguyên khối ở Thái Hồ thì chuyển về từ phía Nam, mà phía Nam đường thủy ngang dọc thuận tiện hơn đường bộ, cho nên hoàn toàn là vận chuyển bằng thuyền.
Dọc đường đi phải chặt bỏ không ít cây cối để dọn đường đấy, toàn là những tảng đá lớn.
Quá đáng thế rồi lại còn là còn dám chặn thuyền của dân thường, hàng hóa cũng không cho qua!" Trời nắng lại lặn lội đường xa, xem ra gã bực bội đến hồ đồ rồi, cứ nói không dừng.
Hán tử là người thô thiển không hiểu lễ nghi, nhưng Vương An thì không như thế.
Vương An bày ra khuôn mặt tươi cười cắt lời: "Càng vất vả thì công lao sẽ càng lớn! Như vậy đi, ngươi vào phủ nghỉ chân uống chén nước, ta sẽ cho người đem trà vào, thuận tiện mang biên lai này tới cho Quận chúa xem qua.".
||||| Truyện đề cử: Tổng Tài Anh Tàn Nhẫn Quá Rồi |||||
Vẫy tay một cái, tức thời đã có mấy gia nhân chạy ra, dỡ trà xuống đem vào phủ.
Trên án kỷ, sổ sách chồng thành từng cột, một bên là nghiên mực, một bên là bàn tính, mà mi tâm Nhu Kha nhíu chặt không thể nào giãn ra.
Phụ vương chỉ lo thi thư tiêu khiển, mẫu phi đã qua đời được ba năm, nội vụ trong phủ từ trên xuống dưới nay đều do Nhu Kha quản lí.
Lúc trước rời kinh để giữ trọn đạo hiếu, nàng đã đem các khoản chi tiêu của Quận vương và Thế tử gia giao cho Quản gia, dặn rằng phải chú ý khuyên nhủ.
Nàng khi ấy vốn là vẫn nuôi hy vọng hai tiểu đệ chỉ biết chơi bời hưởng lạc kia có thể tu thân dưỡng tính một chút, thay mình quản lý Vương phủ.
Rốt cuộc, ba năm trở về lại thấy tư khố thâm hụt nghiêm trọng, sợ rằng dù là năm nay Vương phủ được tiếng tiền vào như nước cũng khó mà bổ khuyết lại phần kia.
Xoa xoa thái dương, nàng gác bút bên nghiên, đứng dậy đi lại mấy bước.
Ở ngoài có tiếng gõ cửa truyền vào, hẳn là Vương An.
Nhu Kha nhận lấy tờ biên lai, lúc này mới chợt nhớ tới ngày ấy ở Bích Vân tự, Đường Từ đã hứa sẽ mang trà đến tặng.
Đi ra tiền viện thấy có hai rương gỗ cỡ lớn, ước chừng phải đến mười cân cả thảy.
Vừa mở nắp hương trà đã tản khắp không trung, hương trà bay ngang mũi liền biết đây là trà thượng hạng.
Tuy rằng đến nay nàng và Đường Từ mới chỉ gặp nhau có vài lần, nhưng ấn tượng mà người kia để lại trong nàng quả thật có chút...!một lời khó nói hết.
Chỉ có điều rằng thực kỳ quái ở chỗ, không hiểu vì lí do gì thâm tâm nàng luôn cảm giác như mình đã quen biết người này từ lâu lắm rồi, tựa như là một mối thâm giao lâu ngày bỏ quên.
Trực giác của nữ nhân vô lý như vậy đấy, dù là bèo nước gặp nhau, thế mà lại có loại cảm xúc muốn kết giao, muốn hiểu thêm một chút.
"Phải, chỗ trà này là của một vị bằng hữu của ta gửi từ Vân Châu tới.
Tuy không so được với trà mà Vương phủ ở Kiến Ninh nhưng phụ vương xưa nay vốn vẫn thích trà Phổ Nhị Vân Châu hơn cả.
Mỗi ngày ngươi nhớ lấy mấy lạng, pha hầu phụ vương.
Còn chỗ Thế tử và Quận vương mỗi nơi mang tới chừng một cân, còn thừa lại bao nhiêu đem tới chỗ râm mát để." Đoạn, Nhu Kha lại nghĩ tới lời Vương An kể về hán tử Uy Viễn tiêu cục kia, thêm lời, "Cứ thưởng công cho người của tiêu cục như thường lệ.
Trời nắng thế này, mang cho hắn chén nước mơ chua."
Vương An gật đầu cười, khom lưng cáo lui.
Mới đó đã nghe Tiêu Thanh lại hớt hải chạy tới đây, bộ dạng vội vã khẩn trương: "Quận chúa, tiểu sư phụ ở Bích Vân tự gửi thư tới báo bệnh cũ của Tĩnh Từ sư phụ lại tái phát rồi! Giấu diếm hai ngày tới hôm nay càng nghiêm trọng, Xuân Hoa cô cô lo lắng tới mức phát khóc, nói tiểu sư phụ phải gửi thư tới cho Quận chúa báo tin ngay."
Ánh mắt Nhu Kha trầm xuống, cũng không kịp suy nghĩ nhiều, vừa đi vừa nói: "Mau mau chuẩn bị ngựa, ta sẽ thúc ngựa đi trước, ngươi ngồi xe mời đại phu theo.
Nhớ phải chọn người giỏi nhất trong y quán, biết chưa.
Trên đường đi nhớ nói rõ bệnh tình cho đại phu nghe, rồi còn thuốc thang, không được thiếu."
Tác phong Tiêu Thanh lanh lợi nhanh nhẹn, hiểu được đối với Nhu Kha Tĩnh Từ sư phụ quan trọng tới thế nào, nghe phân phó xong liền chạy đi ngay.
——
Đông Cung.
"Điện hạ, vi thần đã làm theo lời ngài phân phó, dặn dò kỹ người trong Thiên lao liệu mà đối xử cho hẳn hoi, chắc chắn Hình đại nhân sẽ không phải ăn đói mặc rách đâu." Phó úy, tên Uông Hoằng, bước vào tẩm điện, trên thân còn đang nguyên vẹn khôi giáp.
Thái Tử đặt một quân cờ ngọc xuống bàn cờ, chẳng cả ngẩng đầu lên: "Vậy cũng vẫn là chưa đủ.
Hắn hiện tại đang bị giam trong Thiên lao đợi hành hình, thân là phu quân, là phụ thân, vướng bận lớn nhất trong lòng lúc này vẫn là vợ con."
Uông Hoằng về dưới trướng Đông cung Thái Tử đã lâu, cũng thấy chủ nhân không phải kiểu người hỉ nộ thất thường mà là loại tâm tư khó dò suy tư chu đáo, cho nên đã quen thuộc với tính cách này.
Nghe vậy cười ha hả, "Điện hạ từ ái, đâu phải thần không biết.
Thần có một phủ đệ nho nhỏ ở gần thành Bắc, năm xưa mở ra là để làm nơi lui về an tĩnh, giờ đã sắp xếp cho Hình phu nhân và Hình công tử tới ngụ tạm rồi.
Thần cũng đã cho mời thầy tới dạy Hình công tử chuyện sách vở.
Tiền trảm hậu tấu, mong điện hạ đừng trách."
Thái Tử nghe vậy mới nâng mi mắng, khóe môi hơi nhếch lên: "Toàn những chuyện tốt, sao có thể trách ngươi?"
Uông Hoằng thấy vẻ mặt của Thái Tử có phần chán nản mỏi mệt, cũng biết rằng gần đây phe cánh của Đông cung đang bị Vương phủ Lỗ Vương áp chế, Thái Tử ở đây khó tránh được việc khó chịu trong lòng.
Bèn cả gan nói: "Ngày ấy thần đi đón Hình công tử trùng hợp thế nào lại bắt gặp một người gần đây cũng có chút danh tiếng, xem ra...!có lẽ vị này cũng tin rằng Hình đại nhân bị tính kế vu oan."
Từ khi án Thất Phượng lâu xảy ra tới nay, hảo hữu trong triều đều đã quay lưng hết, dù còn cũng không ai dám nghịch thánh ý.
Thái Tử có chút hứng thú, nhướn mày ngạc nhiên: "Ai vậy?"
Uông Hoằng giấu đi suy tư trong ánh mắt, thần tình phấn khởi: "Ba năm trước vị này bị phán trượt Thám Hoa lang, chính bởi hắn là người duy nhất dùng thể chữ Liễu Phong trong bài sách luận.
Còn hiện tại, giờ đã là Lục phẩm Biên tu dưới trướng Hàn Lâm Viện, Đường Từ."
Hứng thú của Thái Tử tới đây chợt giảm đi không ít, hóa thành một đám mây đen phủ lên dung nhan.
Một hồi sau hắn mới lẩm bẩm: "Đường Từ ư..."
Người người nhìn vào đều nói rằng Đường Từ người này năm nay được phong Thám hoa, nhậm chức Lục phẩm Biên tu đều nhờ cả vào Thánh thượng rộng rãi ban ân.
Năm đó Thuần Hữu đế còn là Tề Vương đã dấy lên chính biến, kéo binh đánh vào Đế kinh, bức tử thân huynh trưởng của chính mình, trong một đêm huyết tẩy Hoàng cung Ký Châu, tàn sát rất nhiều hoàng thân tôn thích và cận thần của đương kim Hoàng đế.
Lại bộ Thượng thư Tần Diên đã phục vụ qua hai đời vua, xuất sĩ làm quan từ đời Đức Tông, khi xưa tài năng xuất chúng đến độ được mệnh danh là Văn Khúc Tinh chuyển thế.
Cũng bởi tài năng này mà Tề Vương tha cho một mạng, nhưng vì lời thề độc chỉ phò một đời vua mà bị giam cầm trong Thiên lao, ăn uống sinh hoạt đều có người chăm lo thỏa đáng.
Sau, Tần Diên không biết vì lí do gì mà viết một bức thư tạ tội mười ngàn chữ, lại dâng tấu đề cử đặt niên hiệu là Thuần Hữu.
Hoàng đế vừa ý phấn khởi, lập tức đặc xá Tần Diên, khôi phục nguyên chức.
Nhưng không ngờ, dần dần tính tình Tần Diên lại càng thay đổi, chẳng những không còn quan tâm đến triều chính quốc sự mà thậm chí còn thường xuyên cáo bệnh không thượng tiều.
Cũng vì thế mà hiềm khích giữa quân thần càng sâu.
Đã vốn như thế, kỳ thi mùa Xuân năm nay ở Quỳnh Lâm yến còn xuất hiện một Đường Từ, một môn sinh độc nhất của Tần Diên, một người duy nhất viết chữ thể Liễu Phong.
Cho Đường Từ một cơ hội, vừa tỏ được tâm địa của minh quân, cũng chính là vừa muốn qua Đường Từ dò xét tâm tư của Tần Diên, liệu có phải là hạng hai lòng phản trắc hay không.
- --
Đầu ngõ Mã Lý có một chuồng ngựa.
Một lão hán đầu đội mũ rơm đang cặm cụi lật giở mấy quyển sổ cũ nát, bấm ngón tay tính toán, tính một hồi ngồi ngồi thụp thở dài: "Tính đi tính lại vẫn là thấy không đúng.
Tên tiểu tử ở ngõ Điềm Thủy kia tiền mượn ngựa mấy lần rồi vẫn chưa trả hết! Lần sau còn dám tới đây mượn ngựa ta nhất định không để yên đâu!"
'Đinh' một tiếng, mấy đồng bạc vụn đáp xuống ngay trong bát, dưới ánh nắng ban trưa tỏa ra thứ ánh sáng lấp lánh.
Chưa kịp phản ứng đã lại nghe thấy tiếng ngựa hí vang, lão hán quay đầu lại nhìn, thầm nghĩ, lại là hắn.
Đường Từ níu cương dắt hắc mã ra, thân hình nhẹ nhàng bay bổng như cành liễu, phi lên thân ngựa.
Tay phải giữ dây cương cho ngựa quay đầu lại, tay trái vung roi thúc cho ngựa chạy đi, thậm chí còn không có thời gian chào hỏi lão hán.
Đôi mắt mờ đục nheo nheo lại, lão hán nhìn theo bóng ngựa chạy đi, cười khúc khích: "Tên tiểu tử này cũng thật thú vị, lần nào cũng chạy ra phía ngoại ô, ngoại ô thì làm gì có thanh lâu nào cơ chứ." Đường Từ trước nay chỉ cưỡi một con ngựa, mà mỗi khi đi về vó ngựa cũng đều dính đầy bùn đất, nhìn qua là biết vừa chạy đường mòn về.
Đường Từ đến vội vàng đi cũng vội vàng, còn lão hán mắt mờ tay chậm chỉ để ý được đến nắm bạc, cho nên không hề để ý mà phát hiện ra hôm nay người trẻ tuổi này mặc nguyên quan phục mà tới.
Chứ nếu không, hẳn là lão đã chẳng dám nói ra những lời kia.
—— Hết chương 13 ——.