Đã khuya lắm rồi, Cửu Dương vẫn nằm thao thức mãi, nhìn xuyên qua khung cửa liếp những vì sao buồn nhấp nháy trên bầu trời u ám mây.
Một lúc sau chàng biết mình không thể nào ngủ được bèn sang thư phòng.
Còn vài canh giờ nữa trời sẽ sáng, chàng sẽ lại phải vận quan phục, tiếp tục đi làm cái công việc gây nhiều thù hằn với bá tánh như những năm qua.
Từ ngày vào làm ở trong sở quân cơ, chàng vất vả vì phải làm nhiều việc.
Nhưng cho dù mệt đến mấy cũng phải cố gắng mỉm cười trước mặt những người của tam mệnh đại thần.
Lúc đầu, chàng cảm thấy vô cùng khó khăn, khổ sở, nhưng rồi lần lần cũng quen đi, và chỉ còn làm như một cái máy.
Tất cả chỉ để đánh mất niềm tin và tình yêu của người chàng yêu nhất trên đời.
Nhiều lúc chàng tự hỏi như vậy có đáng không? Chàng thật sự muốn bỏ cuộc, chọn cách cùng nàng đi ở ẩn, không màng đến chuyện của thiên hạ nữa.
Dạo này trong đầu Cửu Dương không khi nào là không miên man nghĩ đến những ngày tháng trong quá khứ, một căn nhà tre bình dị, vườn hoa nhỏ bé, hai người đã tần tảo từng ngọn rau, từng ngọn cỏ, chăn nuôi gia súc.
Hai người thường đứng hàng giờ bên nhau ngắm nhìn đồng hoa vàng êm ả mộc mạc, chàng đã từng dỗ nàng ngủ bằng tất cả lòng trìu mến yêu thương.
Bây giờ thôi đã hết! Chàng một mình trong căn phòng sách rộng lớn này, và trở thành một A-tác-la trong mắt nàng!
Từ sáng tới giờ Cửu Dương chưa ăn hạt cơm nào, cả người xanh xao, uể oải, nhưng chàng vẫn không muốn ăn chút gì.
Từ lúc nàng phát hiện ra chàng đầu quân cho Ngao Bái không buổi trưa nào trong sở quân cơ chàng muốn ăn, chiều về phủ nuốt cũng không trôi.
Cuộc sống biến thành một khoảng trống lớn.
Dù bên cạnh bao giờ cũng có hạ nhân, cũng có Uyển Thanh, Tuệ Dung ríu rít, líu lo...! Nhưng cuộc sống như mất mát cái gì.
Trong những buổi cơm chiều ở Tư Đồ phủ chàng đều ngồi thừ ra, nhìn các món ăn trên bàn, như ngóng đợi, sự ngóng đợi từ tiềm thức...! Tiếng bước chân vào phòng ăn...! Có phải của nàng chăng? Bóng ai thấp thoáng bên ngoài hành lang? Nàng chăng? Tiếng cười ở khoảnh sân trong hoa viên gần phòng ăn...! Không, không phải nàng.
Nàng không còn quan tâm chàng sống cuộc sống thế nào nữa rồi!
Cửu Dương ngồi bên chiếc bàn trong thư phòng một thoáng bắt đầu với tay lấy giấy mực ra, trải giấy lên bàn, sau khi mài mực xong chàng cầm bút lên, vừa cầm bút vẽ trên giấy vừa nghĩ tới giấc mơ đêm qua.
Trong cơn mơ chàng thấy mình vào phòng thăm Nữ Thần Y như mọi khi, cơm canh vẫn còn bày đầy trên bàn trong căn phòng nàng.
Chàng bưng một chén canh lên, đi đến ngồi xuống giường, nhẹ nhàng nắm lấy tay nàng, nói với nàng bằng giọng lo âu: “Muội ngồi dậy ăn chút đồ đi…”
“Không cần!” Nữ Thần Y giật phắt tay về, nàng gằn giọng nói, mắt hãy còn nhắm nghiền.
Cửu Dương nhớ chàng đặt chén canh xuống chiếc ghế cạnh bên giường, nhìn Nữ Thần Y một cách đau lòng.
Tại sao nàng lại căm hận chàng như vậy? Nàng vốn không hề hiểu chàng.
Chàng định ra ngoài, nhưng khi nhìn gương mặt xanh xao của nàng chàng không thể để nàng tự hành hạ bản thân mình, chàng phải ở lại bên nàng, tìm cách dỗ nàng ăn chén canh này.
Cửu Dương dùng khuôn mặt mệt phờ vì những công việc dồn dập trong sở quân cơ nhìn Nữ Thần Y, nén tiếng thở dài, chàng nhoài người, đưa tay ra vuốt lấy những cọng tóc lòa xòa trước trán nàng.
Nữ Thần Y mở choàng mắt gạt tay chàng ra khỏi mặt nàng.
“Nghe lời huynh ăn một chút gì đi, Nữ Thần Y…”
Nữ Thần Y lắc đầu, cướp lời chàng: “Nếu bây giờ huynh hứa từ quan, hoặc vẫn làm quan nhưng không còn đầu quân cho Ngao Bái muội sẽ nghe theo huynh, ngồi dậy ăn hết chén canh.”
“Chuyện đó để mai tính.
Bây giờ muội không khỏe, huynh không muốn tranh luận những vấn đề trong quan trường với muội.
Mai khi muội khỏe, hai ta sẽ nói chuyện.”
Nữ Thần Y lắc đầu.
Chàng tiếp: “Muội có biết sức khỏe của muội quan trọng với huynh lắm không, muội có biết khi muội ngã bệnh lòng huynh đau như thế nào không?”
Nữ Thần Y vẫn lắc đầu.
“Muội thật nhẫn tâm!” Chàng kêu lên, “xưa tới giờ huynh chưa hề van xin ai, cũng chưa bị ai làm cho đau khổ thế này! Muội quả là một cô gái có trái tim bằng đá, vừa lạnh lùng vừa sắc bén, muội quả đáng sợ!”
Nữ Thần Y nhếch mép: “Cám ơn sự ca ngợi của huynh.”
Nữ Thần Y nói xong liền nằm quay mặt vào trong vách phòng, đồng thời lấy tay che cả hai tai lại.
Cửu Dương nhớ chàng chợt nổi giận, chồm người gỡ tay nàng ra khỏi đầu, rồi kéo vai Nữ Thần Y để nàng quay mặt lại đối mặt với chàng, lớn tiếng: “Muội phải nghe huynh nói này!”
Nữ Thần Y trừng mắt nói: “Muội đã bảo là muội không muốn nhìn thấy huynh! Hãy mang cái bộ mặt độc ác của huynh đi chỗ khác đi, đừng quấy rầy muội nữa!”
“Huynh đã chọn muội và sẽ quấy rầy muội suốt đời, không quấy rầy người khác!”
Nữ Thần Y hừ mũi, lại định quay mặt đi, nhưng chàng giữ chặt vai nàng không cho nàng quay đi, nói nhanh và rất lớn: “Nữ Thần Y, hai chúng ta lớn lên bên nhau, lẽ nào muội không có một chút lòng tin với huynh ư?”
Nữ Thần Y nhìn chàng chằm chằm.
Rồi nàng cũng nói, nhưng giọng nói của nàng như vọng lại từ hư vô, một giọng nói xa lạ với chàng: “Hai chúng ta không quen nhau, Lí đại nhân! Trước kia dân nữ có quen một nam nhân, tên chàng ấy là Tần Thiên Văn, chàng ấy hiền hoà, thật thà, siêng năng, dân nữ mến chàng ấy, nhưng bây giờ thì chàng ấy đã biến mất.
Còn đại nhân, đại nhân là Lí Tài, dân nữ hoàn toàn không quen biết ngài!”
Nữ Thần Y nói xong gương mặt giận dữ của chàng đổi sắc, chàng có vẻ đau khổ: “Muội nói gì thế, Nữ Thần Y?”
Nữ Thần Y đáp một cách bình thản: “Dân nữ nói là dân nữ không quen ngài, Lí đại nhân, và không hiểu sao hôm nào ngài cũng đến đây gây rắc rối cho dân nữ không chịu tha.”
“Muội có quyền giận huynh, nhưng muội không có quyền bảo là không quen huynh.” Cửu Dương nhớ chàng đã dùng cả đôi tay nâng lấy mặt Nữ Thần Y trong cơn mơ, bảo nàng.
“Dân nữ đã nhìn rõ lắm rồi, dân nữ lặp lại lần nữa, dân nữ không quen ngài, vì ngài là Lí đại nhân!”
“Thì huynh cũng là Tần Thiên Văn.”
Nữ Thần Y cương quyết lắc đầu phủ nhận: “Ngài không phải Thiên Văn.
Thiên Văn huynh ấy dịu dàng, thương người, biết quý trùng sinh mạng của muôn loài, không phải một A-Tác-La coi thường sinh mạng những người vô tội.
Huynh ấy hiền lành, không mưu toan thiệt hơn, tham lam bả vinh hoa, đi đầu quân cho hạng người sát hại chúng sinh.
Đại nhân ngài không phải là người dân nữ quen, xin ngài đừng mạo nhận người dân nữ quen.”
“Huynh không phải là tay ranh ma quỷ quyệt Nữ Thần Y, huynh vẫn là Tần Thiên Văn.”
Nữ Thần Y nói như khóc: “Không! Huynh chính là Lí Tài, một con người xa lạ.
Huynh đã giết chết Thiên Văn, cũng như giết chết Trang gia!”
Cửu Dương nhớ trong cơn mơ đó chàng đã nhìn Nữ Thần Y thật lâu, rồi định đặt môi mình lên môi nàng, nhưng còn chưa chạm vào môi nàng, Nữ Thần Y vung tay tát chàng một cái nói:
“Đại nhân ngài định làm gì thế?”
“Định làm lại những ngày cũ của chúng ta.”
“Giữa chúng ta không có quá khứ! Ngài không có quyền đụng đến dân nữ nữa!”
Chàng không đợi Nữ Thần Y nói tiếp, tiếp tục cúi xuống, đặt môi mình lên môi nàng một lần nữa và Nữ Thần Y dùng tất cả sức lực vùng vẫy, nàng vùng vẫy một cách cật lực, hét lên: “Tư Đồ đại nhân! Nếu ngài ỷ lại mình là một vị quan to, định cưỡng bức dân nữ, thì ngài cứ làm, dân nữ yếu đuối không đủ sức chống trả lại ngài đâu!”
Nữ Thần Y nói xong nằm yên không phản ứng, như trở thành một pho tượng bằng sáp, khiến chàng phải ngồi thẳng người dậy.
Chàng cũng đành lơi tay, buông nàng ra.
Nàng nằm quay mặt vào tường.
Cửu Dương nhớ lại giấc mơ đó tới đây chàng đưa mắt nhìn chậu cúc đặt cạnh bên xấp giấy tờ, ít ra trong cơn mơ đó nàng còn nói chuyện với chàng, còn ngoài đời… mối quan hệ của hai người như một sợi dây, đang càng lúc càng thắt chặt.
Cửu Dương nhìn chậu cúc đang nở rực rỡ, chàng bắt đầu thấm thía một điều, cành hoa cúc vẫn ở đây, nhưng chẳng còn giống thuở xưa, mà chỉ là một chiếc bóng trong mơ, chàng đã vĩnh viễn mất nàng rồi!
Cửu Dương ngồi bên chiếc bàn trong thư phòng vẽ vời không biết bao lâu sau, có tiếng chân tiến lại gần chàng.
Cửu Dương ngẩng đầu lên một thoáng chàng lại cúi nhìn trang giấy.
Uyển Thanh nhìn gương mặt tiều tụy của Cửu Dương, cảm thấy lòng đau thắt:
- Ngài thấy nô tì không phải biểu muội của ngài, thất vọng lắm phải không?
- Trời đã khuya sao nàng chưa nghỉ ngơi?
- Thế còn ngài, biết trời đã khuya mà cũng vẫn còn thức, hỏi nô tì làm sao an lòng đi ngủ được?
Uyển Thanh nói, đoạn nàng nhìn bức chân dung đã được Cửu Dương vẽ sắp xong, giống Nữ Thần Y như thật, chỉ có điều, từng đường nét đong đầy tình thương mến nhưng cũng đầy nỗi sầu bi xót xa, đầy đến nổi tưởng chừng sắp tràn cả ra ngoài.
Uyển Thanh xao xuyến trong lòng, một nỗi xao xuyến pha lẫn đau xót, thương cảm.
-Ngài thật tài - Uyển Thanh dịu dàng nói - Mặc dầu không có người ở đây làm mẫu nhưng bức chân dung giống y như thật vậy!
Cửu Dương im lặng, Uyển Thanh nào hay, hình ảnh của Nữ Thần Y từ lâu rồi đã in sâu trong tâm trí chàng, chẳng cần người làm mẫu cho chàng.
Uyển Thanh tìm cách gợi chuyện đến đây không biết nói gì thêm hơn, bèn đứng yên, không nói năng gì trong một lúc.
-Thưởng họa tranh phải có trà - Uyển Thanh cầm bình trà trên bàn cạnh chậu hoa lên, lắc lắc vài lần, thấy bình đã cạn, nói - Như vậy mới thú vị, ngài chờ một lát nô tì sẽ trở lại.
Uyển Thanh nói đoạn đi ra ngoài, một lát sau nàng mang vào thư phòng một mâm chứa đầy các dụng cụ pha trà, bày lên bàn.
Than trong lò cháy tí tách, siêu nước đang sôi, Uyển Thanh dùng nước sôi tráng bình trà, đổ nước sôi vào tô lớn, dùng kẹp gỗ kẹp từng chiếc chén nhẹ nhàng đặt vào tô.
Kế đến, nàng mở nắp hộp trà được tiện bằng tre vẽ tranh sơn mài rất khéo, dùng muỗng gỗ múc trà cho vào ấm, đặt ngay ngắn giữa khay rồi tráng chiếc ấm sứ Tử Sa, chuyên nước sôi vào.
Đặt siêu nước lên lò than, xong xuôi nàng dùng ấm Tử Sa chế vào ấm trà.
Khoảng cách hai ấm độ một gang tay.
- “Cao sơn đường thủy” hay “trường thủy” nhỉ, nô tì quên mất? - Uyển Thanh chớp mắt hỏi.
- Theo ta hiểu là “trường thủy.”
Uyển Thanh lắc ấm theo chiều kim đồng hồ ba lượt, đổ hết nước, lại chuyên nước từ ấm Tử Sa vào, lần này khoảng cách giữa hai ấm gần hơn.
- “Hạ sơn nhập thủy” phải không ạ?
Cửu Dương nhẹ nhàng gật đầu, mắt không rời bức tranh.
Uyển Thanh đậy nắp, chế nước sôi lên ấm, nói:
- Thú ẩm thực pha trà thật là tinh tế, nô tì lại không biết nhiều hơn chừng này, hay là bây giờ ngài dạy cho nô tì cách pha trà theo bài bản, thưởng trà theo tuần tự, được không ạ?
Bấy giờ Cửu Dương mới rời mắt khỏi tấm tranh.
Uyển Thanh mỉm cười, đề nghị chàng giải thích ý nghĩa từng động tác pha trà theo bài bản.
Cửu Dương chậm rãi dùng kẹp gỗ nhấc từng cái chén lên.
Uyển Thanh nói:
- Nô tì nghe người ta hay nói câu gì mà...!cũng là uống cả, nhưng uống đúng cách không dành cho kẻ phàm phu tục tử.
Cửu Dương gật đầu, thong thả lau khô những cái chén, đặt cạnh nhau theo hình bán nguyệt, tuần tự rót nhanh từ trái qua phải rồi rót điểm giọt từ phải sang trái, đều đặn hai phần ba chén.
Sau đó chàng mời Uyển Thanh dùng trà.
Xong tuần trà thứ nhất, châm nước xong, Cửu Dương nhẹ nhàng giải thích:
- Theo ta được biết thì động tác đầu tiên múc trà cho vào ấm là “ngọc diệp hồi cung” có nghĩa là lá ngọc về cung.
Động tác rót nước vào ấm, tráng rồi đổ đi là “cao sơn trường thủy” nghĩa là núi cao sông dài.
Khi rót nước có độ cao mục đích là làm dội trà trong ấm rồi lắc đều để bong tạp chất, bụi bẩn bám vào trà.
Chế nước vào để trà chín là “hạ sơn nhập thủy” có nghĩa xuống núi nhập sông.
Uyển Thanh nói:
-Vì sao không chế nước đang sôi trực tiếp vào trà?
Cửu Dương đáp:
-Nếu chế như thế thì trà bị cháy.
Mục đích chế nước lên ấm là giữ nhiệt, pha trà vào mùa hè không cần thao tác này.
Uyển Thanh gật đầu.
Cửu Dương tiếp:
-Khi rót nhanh, không nhấc tay từ trái qua phải gọi là “Quan Công tuần thành,” tiếp đến rót điểm giọt từ phải qua trái là “Hàn Tín điểm binh.” Rót như vậy đều vị trà và độ nóng cho các chén.
Khi thưởng trà dùng ngón tay trỏ, giữa và ngón cái bàn tay trái nâng chén trà lên, đặt vào lòng bàn tay phải, động tác này có tên “tam long giá ngọc” nghĩa là ba con rồng đỡ ngọc.
Nâng chén trà ngang cằm, đưa từ trái sang phải để thưởng thức mùi hương trước khi nhấm nháp là “du sơn lãm thủy” nghĩa là chơi núi ngắm sông.
Giọng Cửu Dương trầm ấm làm cho không gian trong thư phòng cũng ấm áp dễ chịu, ngoài sân ánh trăng trong và sáng.
Uyển Thanh như nuốt từng lời.
Cửu Dương rót tuần trà thứ hai.
Hương trà thơm nhẹ, chén trà dưới ánh đèn lóng lánh, vị chát dịu ở đầu lưỡi, ngòn ngọt nơi cổ họng.
Chưa bao giờ Uyển Thanh được uống trà ngon như thế.
Nàng hỏi Cửu Dương đấy là loại trà gì? Cửu Dương cầm lên một trong bảy hộp trà trong mâm, trả lời:
- Đây là trà phía Tây Bắc vùng Hồi Cương, có tên Bạch Liên Sơn, dân sành trà cho là ngon nhất.
Uyển Thanh lại hỏi:
- Nô tì không rõ có khi gọi chén trà, có khi gọi tách trà, không biết có khác nhau không?
Cửu Dương nói:
- Chén là loại không có quai, tách là loại có quai.
Uyển Thanh nói:
- Như thế nào là bộ ấm tốt?
Cửu Dương đặt hộp trà xuống, giở nắp ấm trà ra nói:
- Khi mở nắp, lật úp thì miệng vòi, miệng ấm, đỉnh cao nhất của quai đều nằm trên một mặt phẳng.
Đậy nắp lại, để trong chậu nước ấm nổi rất thăng bằng.
Đổ nước đầy, bịt lỗ thông hơi trên nắp rót nước không chảy, không bịt lỗ thông hơi thì nước chảy đều.
Cầm quai ấm, mở nắp, búng vào bụng ấm nghe tiếng "bung" trong, rõ.
Uyển Thanh suy nghĩ những lời này, một chốc sau tiếp tục hỏi:
-Như vậy khi mua ấm chỉ cần xem xét các bộ phận của ấm là được, không nhất thiết phải mua bộ đồ trà Thế Đức, Lưu Bội, Mạnh Thần?
Cửu Dương gật đầu, đậy chiếc nắp trở lại bình trà:
-Các loại ấm đó chỉ là hình thức cầu kì, sắc sảo hơn các ấm thông thường một chút mà thôi.
Đoạn chàng đổ bã, pha sang ấm trà sen, nói:
- Loại trà này không thể dùng chiêu thức “cao sơn trường thủy,” vì nếu làm như vậy mất hết mùi hương.
Thứ trà Đông Bắc này chuyên chở về theo đường sông, để ba, bốn năm cho nhạt mùi, sau đó ướp gạo sen.
Phải một ngàn đến một ngàn hai bông sen mới ủ được một ít trà như này.
Do đó, ngay cả các vương tôn công tử cũng ít khi dùng loại trà này thường xuyên.
Uyển Thanh uống hết chén trà sen, nói nàng muốn thử pha một bình trà theo tuần tự như chàng đã làm.
Cửu Dương dễ dãi gật đầu.
Trong khi chờ đợi, chàng đi đến bên cửa sổ mở hai cánh cửa ra để cho gió đêm lộng vào thư phòng.
Không lâu sau Uyển Thanh mang hai chén trà đến.
Cửu Dương vẫn đứng bên cửa sổ, nhấc lên nhấp một ngụm nhỏ.
Uyển Thanh cũng lặng lẽ nếm náp, vừa uống vừa nhăn mặt bảo:
- Nước đắng quá! Quả là tài nghệ pha trà của nô tì thật kém.
Cửu Dương lắc đầu:
- Đây là đại hồng bào.
Thường thì nàng và mọi người trong phủ này hay uống trà xanh, hương vị nhạt hơn loại này một chút nên không quen.
Chàng nói rồi uống một hơi cạn sạch.
Uyển Thanh nghe nói vậy, một niềm vui dâng lên trong lòng nàng, hỏi chàng bằng giọng ngọt ngào:
- Ngài uyên bác thế này, chắc ngoài biểu muội ngài ra còn có rất nhiều cô gái đeo đuổi ngài, có nhiều mối tình lắm?
- Tình yêu với học vấn không có liên quan gì đến nhau cả - Cửu Dương lắc đầu nói - Học vấn có thể đi tìm, còn tình yêu thì chỉ có thể gặp nhưng không thể tìm, dẫu muốn tìm cũng tìm không gặp.
Uyển Thanh nghe Cửu Dương đáp vậy, gật gật đầu nâng chén lên tiếp tục uống trà.
Uyển Thanh vừa uống, vừa nhìn như dán vào Cửu Dương, thấy chàng đang hướng mắt đến một căn phòng.
Trong lòng Uyển Thanh xúc động vô cùng.
Kể từ lúc gặp người đàn ông này, nàng mới chân chính cảm nhận được chữ yêu, hiểu thế nào là yêu một người mặc dầu tình yêu của nàng chàng không hề hay biết.
Bấy lâu nàng sống trong Ngao tông phủ, được Ngao Bái rèn luyện, cuộc sống không bình thản được một lúc nào.
Có nhiều khi đang thiu thiu ngủ ngay cả cơn gió nhẹ cũng làm nàng phản ứng, mọi biến đổi xung quanh nàng đều phải đề phòng, hồi hộp lắng nghe.
Nàng sống trong căn phủ đó cứ cảm thấy mình như con thuyền lá tròng trành giữa biển sôi giận dữ, nay căn phủ này và nhất là bên chàng như bến bình an để nàng cập lại.
Uyển Thanh lại nghĩ đến lời Tuệ Dung đã nói với nàng, khuyên nàng bày tỏ nỗi lòng, nhưng Uyển Thanh nhanh chóng xóa bỏ ý nghĩ đó ra khỏi đầu nàng.
Uyển Thanh nhớ khi còn nhỏ, nàng đã từng nghe có người nói yêu là không nhất thiết phải để người mình yêu biết được mình yêu họ, có những cảm xúc, tốt nhất nên cất cho riêng mình.
Chỉ cần mình quý trọng từng ngày, từng giây, phút, được ở bên người ấy, cùng trò chuyện, cùng cười, thấy người ấy hạnh phúc, vui vẻ, là đủ.
Trên đời này có những lời yêu không cần phải nói ra.
Vì có những lời yêu dù có nói ra, nhưng không nhận lại được câu trả lời khiến mình ưng dạ, tâm trạng lúc đó lại càng thêm u uẩn.
Mối quan hệ tốt đẹp của hai người cũng sẽ vì lời bộc bạch mà trở thành bất tiện, ngượng ngập..