Quyền Thần Tái Thế


Trong một sân nhỏ, liễu phủ xanh mái hiên, hạnh đỏ mọc sát tường.
Ánh nắng đã xuyên qua cửa sổ gỗ lim với hoa văn Minh Ngõa, rọi lên tấm chăn đỏ nhô cao trên giường từ lâu.
Tấm chăn căng phồng nhúc nhích vài lần, nửa cái đầu bù xù thò ra, cánh tay trắng nõn ló ra dưới lớp chăn, mò mẫm loạn xạ trên đầu giường, rồi tóm lấy một cái đồng hồ quả quýt mạ bạc tráng men của Tây Dương.
Trong căn phòng yên tĩnh lập tức vang lên tiếng kêu thảm của một nam tử trẻ tuổi: "Ai da, dậy trễ quá rồi!"
Danh kỹ kinh thành Nguyễn Hồng Tiêu bưng thau đồng đẩy cửa bước vào, "Công tử đừng hoảng, nhìn sắc trời thì giờ Thìn chưa qua, chắc vẫn kịp.

Cho dù có trễ nửa khắc một khắc gì đó, thì đám binh lính kia cũng chỉ nhận tiền không nhận người, đút lót một ít là sẽ được vào thôi."
Tô Án vừa vội vàng thay y phục vừa nói: "Cô nương tốt của ta ơi, nàng tưởng ta sắp đi chợ à! Kỳ thi Hội ba năm một lần, thí sinh cả nước tập trung ở kinh thành, ở nơi tổ chức khoa cử, binh sĩ canh gác tầng tầng lớp lớp, nào có việc tiêu ít tiền là có thể đi vào được."
Nguyễn Hồng Tiêu đặt thau rửa mặt xuống, ngồi bên bàn, một tay chống cằm, vui vẻ cười nói: "Không vào được càng tốt, công tử vừa có dung mạo xinh đẹp, lại có tài hoa đầy mình, nếu thi đỗ tam giáp[1], chỉ e sẽ được hoàng thượng chọn làm phò mã, nô gia không nỡ đâu.

Tốt nhất là thi rớt, ở lại kinh thành đợi thêm ba năm, để nô gia bầu bạn với huynh mỗi ngày."
[1] Tam giáp:
Giáp thứ nhất: Trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa
Giáp thứ hai: Hoàng giáp
Giáp thứ ba: Tiến sĩ​
Tô Án búi tóc xong thì đeo khăn mềm lên, rồi lau mặt qua loa, cười mắng: "Dám trù thiếu gia thi rớt, trở về sẽ nhéo cái miệng quạ đen của nàng!" Nói xong thì xách tay nải trên bàn lên rồi xông ra ngoài.
Nguyễn Hồng Tiêu cười yểu điệu sau lưng hắn: "Lang quân đi thong thả, miệng của nô gia chờ huynh trở lại nhéo."
Ra khỏi con hẻm Yết Chi, Tô Án chạy như bay, trong lòng vừa mắc cười vừa bất lực: Tài hoa đầy mình gì chứ, một bụng heo gà thì đúng hơn.

Bản thân hắn còn không rõ trong bụng mình có bao nhiêu tri thức chắc? Học bốn năm đại học, chỉ từng đọc vài quyển tuyển tập bài luận cổ văn mà thôi, cùng lắm là đặt được hai câu thơ bằng trắc không đều, ở hiện đại cũng miễn cưỡng xem như một thanh niên có học vấn, về cổ đại lại chẳng khác gì một tên mù chữ.
Thi Hội là gì, đó là cuộc tuyển chọn tinh anh và phần tử trí thức cao cấp toàn quốc, chỉ dựa vào trình độ còn không được tính là sơ cấp của hắn, mà còn hi vọng đề tên bảng vàng chắc? Chỉ mong quan chấm thi đừng hộc máu khi đọc bài thi của hắn là được.
Nhưng nếu không đi thi lại không ổn, người cha hờ đang đảm nhiệm chức tri phủ của hắn, nếu ở hiện đại thì cũng là chức lớn cấp bậc thị trưởng, còn là gia đình rất nghiêm chỉnh.

Lần này bị ép đến tham gia thi Hội, nếu bị cha biết mình đến muộn vì ngủ quên, chẳng vào được cả cổng trường thi luôn, thì khi về đến nhà chắc chắn sẽ đánh gãy chân hắn.
Vì vậy hắn chỉ đành vừa oán giận công tử nguyên chủ từ nhỏ không siêng tập thể dục, chỉ một lòng đọc sách thánh hiền, đến nỗi lớn lên y như cọng giá trắng bóc, gió thổi là đổ, vừa cắn răng chạy như điên về phía trường thi, cũng sắp hụt hơi mà đi đời nhà ma luôn.
Vừa rẽ qua góc đường, một bóng người đột nhiên xuất hiện trước mặt, Tô Án kinh sợ không kịp thắng lại nên đã tông đầu vào.
Một tràng tiếng 'loảng xoảng' vang lên trên mặt đường lót đá, đồ đạc linh tinh lăn ra đầy đất.

Tô Án ngã đè lên người kia, sườn dưới bị đụng đau, vả lại vừa nãy chạy như điên nên hơi mất sức, nhất thời tay chân mỏi nhừ không bò dậy nổi.
Người làm đệm thịt kia còn thảm hơn, cái ót đập xuống mặt đường vang lên "cộp" một tiếng, đau muốn nhe răng trợn mắt.

Kẻ đụng vào người khác lại không đứng lên kịp thời, chỉ lo nằm sấp trên người hắn mà thở dốc.

Người kia lập tức nổi giận, hét lên: "Còn không mau cút ra cho ta!"
Vài tùy tùng ở bên cạnh nhào đến, cuống cuồng kéo Tô Án lên.
Tô Án dần hít thở bình thường, nhìn kĩ lại, người bị đụng ngã trên đất là một tiểu công tử khoảng mười ba mười bốn tuổi, đang mặc áo dài bó tay họa tiết trang hoa cát tường, khoác bên ngoài áo ngắn thân đối không tay màu đỏ thẫm, đầu đội mũ Tra Thiềm, trên chóp đính một chuỗi ngọc đỏ lung linh xinh xắn, có vẻ ngoài tuấn tú, sống mũi cao thẳng, mặc một bộ nhung trang chỉnh tề, trong vẻ xinh đẹp lại lộ ra khí khái anh hùng.
Chỉ thấy y đang dựng chân mày, nổi giận đùng đùng mà hét lên với mình: "Mắt ngươi mù rồi hả! Một người lớn như vậy mà cũng không nhìn thấy à? Gấp gáp chạy đi đầu thai hay gì?"
Tô Án thấy y đứng lên còn thấp hơn mình cả cái đầu, giọng nói đang ở thời kỳ vỡ giọng thô ráp khó nghe, trên mặt đang tràn ngập vẻ ngông cuồng, đoán là con cháu của gia đình quan lại nào đó, hơn nữa quả thật là mình không đúng, nên khách sáo chắp tay nhận lỗi: "Tại hạ vội chạy đi tham gia kỳ thi Hội, không cẩn thận đụng phải công tử, thật sự xin lỗi, không biết công tử có bị thương không?"
Nét mặt tiểu công tử hơi dịu lại, hừ lạnh một tiếng: "Chỉ dựa vào một thư sinh yếu ớt tay trói gà không chặt như ngươi, mà cũng có thể đụng ta bị thương à?"
Tô Án thở phào một hơi, chắp tay nói: "Công tử không sao thì tốt, tại hạ phải chạy đến trường thi cho kịp, thật sự không dám kéo dài thời gian nữa.

Công tử khoan dung độ lượng, tại hạ xin đa tạ, cáo từ." Nói xong thì đeo tay nải lên rồi co cẳng chạy mất.
Tiểu công tử kia ngây người, rồi mới gọi với theo bóng lưng hắn: "Khoan dung độ lượng gì chứ, ta cho ngươi đi lúc nào? Ngươi đứng lại cho ta! Này--"
Tô Án nào chịu đứng lại, chỉ coi như không nghe thấy.

May mà cổng trường thi đã ở gần phía trước, hắn bèn chui 'vù' vào trong như chim bay vào rừng vậy.
Tiểu công tử kia nhìn mảnh sứ vỡ và trà bánh vụn đầy đất, tức đến mức ngứa răng, cầm đồng hồ Tây Dương lên nhìn, bề mặt tráng men đã nứt thành mấy đường, ngay cả kim đồng hồ cũng không chạy nữa, liền rống giận: "Thằng nhóc này chuồn cũng nhanh thật, không ngờ ta chọn cả buổi lại phí công rồi!"
Một tùy tùng lại gần nói: "Tiểu gia bớt giận, hay là chúng ta đi vào, tóm tiểu tử không có mắt kia ra ngoài?"
Trên mặt tiểu công tử toàn là vẻ giận dữ, nhưng nghe thấy lời nói của hắn lại trở nên bình tĩnh, nói: "Kỳ thi mùa xuân là chuyện lớn, lễ bộ đang cúng trời đất bái Khổng thánh ở bên trong, mấy đại học sĩ của Nội các cũng ở trong đó, nếu gây ra động tĩnh gì thì không hay." Đôi mắt trắng đen rõ ràng của hắn hơi chuyển, gọi: "Thành Thắng."
"Có lão nô."
"Ông vào trường thi thăm dò họ tên của tiểu tử này.

Muốn đề tên bảng vàng à? Gia sẽ làm cho ngươi thi rớt, phải chán chường mà cuốn gói về quê!"
"Lão nô đi làm ngay, người yên tâm đi."
Tiểu công tử hừ mạnh một tiếng, vẫn chưa hết giận, quay đầu lại thấy móc cài của lồng chim bị lỏng ra, cửa lồng nửa khép nửa mở, con chim anh vũ da hổ mới mua ló đầu chìa mỏ ra, vội vã cất giọng vịt đực kêu lên: "Này, chim anh vũ của ta sắp bay mất rồi, mau bắt lấy nó cho ta--"
Chim anh vũ bị tiếng kêu của y dọa sợ, rướn cổ vỗ cánh phành phạch rồi bay thẳng lên trời.
* * *
Tô Án ở trong phòng thi một người của hắn-- đang cắn bút thở dài trong đó.
Cái gọi là phòng thi, thật ra chẳng khác gì với phòng giam cả, dài năm thước, rộng bốn thước, cao tám thước, như một cái hộp diêm, nếu nằm thẳng ra còn chẳng duỗi chân được nữa kìa.
Các thí sinh chỉ được phép mang theo văn phòng phẩm và đèn đuốc, mỗi người được phát ba cây nến, sau khi soát người xong thì ai cũng đi vào phòng thi, khóa lớn vừa khớp 'răng rắc', thành rồng hay thành rắn thì cũng chỉ ở trong gian phòng một tấc vuông với ánh sáng le lói này thôi.
Nhưng đây vẫn không phải vấn đề lớn, điều kiện gian khổ cũng chẳng bõ bèn gì, chẳng phải là thi đại học thêm lần nữa sao.

Điều khiến Tô Án thật sự đau đầu lại là..

văn tám vế[2] !
[2] Bát cổ văn: Chỉ một thể loại văn trong khoa cử thời Minh – Thanh, quy định về phân đoạn rất nghiêm ngặt, nội dung rỗng tuếch, hình thức cứng nhắc, gò bó tư tưởng con người.

Gồm 4 đoạn, mỗi đoạn 2 vế, tất cả có 8 vế.
Tám vế, đây căn bản là thứ danh từ phong kiến cổ hủ đối với người hiện đại, trong nhưng mắt người đương thời, lại là tinh túy do bậc thánh hiền ngày xưa chỉ dạy, là bước đầu để tiến đến việc thăng quan phát tài.
Lặp đi lặp lại chỉ có mấy cuốn tứ thư ngũ kinh kia, chắc chắn đề bài được lấy từ trong đó, các đại học sĩ ra đề có thể gọi là suy nghĩ nát óc, khoét cửa hông, đào góc tường, rút gân lột da để trích ra một hai câu làm đề thi.
Ví dụ như quyển trục dưới ngòi bút của hắn, đề bài là "Kẻ chấp nhất làm ác, kẻ vì đạo trộm cắp."
May mà trước đây hắn cũng là một học sinh giỏi nghiêm túc nghe giảng, vẫn còn nhớ mang máng hình như câu này trích từ của Mạnh Tử, có vẻ như là đòn công kích khó chịu của Mạnh Tử đối với sự "ích kỷ" của Dương Tử và sự "yêu thương" của Mặc Tử, hình như là thể hiện tư tưởng trung dũng vừa phải mà linh hoạt.
Nhưng vấn đề ở đây là, dù biết ý nghĩa của đề bài, nhưng cũng không thể tự do phát huy bài thi, cách thức và quy định của văn tám vế còn kinh khủng hơn là còng tay khóa chân nữa.
Giải đề, nói rõ, tóm tắt, bắt đầu, mấy bước đầu tiên đều là thừa thãi, còn quy định cả từ ngữ ban đầu; vế đầu, vế giữa, vế sau, kết luận mới là bài nghị luận chính thức.

Trong bốn vế này, mỗi vế đều phải có hai câu văn bài tỉ đối ngẫu, cũng chính là văn biền ngẫu, do đó được gọi là tám vế.
Xin trời rủ lòng thương, ngay cả lời thơ mà Tô Án còn không đối chỉn chu được, làm sao biết viết văn biền ngẫu, cán bút cũng sắp bị cắn nát rồi, mà một từ cũng không nặn ra nổi.
Tuy nói sự mong chờ của hắn đối với kỳ thi Hội của mình không hề cao, nhưng đối với một sinh viên đại học khoa văn mà nói, cứ nộp giấy trắng như vậy thì thật sự quá mất mặt.
Sau khi rút kinh nghiệm xương máu, Tô Án chợt nảy ra ý tưởng, nghĩ ra một chủ ý mà cũng không biết có phải là biện pháp tồi tệ hay không.
Hắn quyết định dùng cách viết văn nghị luận đương đại để viết bài "đạo trộm cắp" này, chỉ cần luận điểm rõ ràng mới mẻ, luận chứng chặt chẽ đầy đủ là được, trích dẫn danh ngôn của danh nhân một cách thích hợp, dùng thể văn ngôn để viết, chắc cũng ổn chứ nhỉ, nếu đặt vào bài thi đại học, nói không chừng còn đạt điểm tối đa luôn đó.
May mà hắn từng luyện viết thư pháp vài năm, viết chữ thì không thành vấn đề.

Chỉ cần đứng đúng lập trường, không mắc sai lầm chính trị, không viết ra những lời kinh hãi thế tục như lật đổ chế độ phong kiến gì đó, chắc sẽ không bị lôi đi chém đầu đâu ha? Tô Án đang âm thầm tính toán, bắt đầu múa bút thành văn vô cùng lưu loát.
* * *
"Thí sinh Phúc Kiến, Tô Án, tên tự Thanh Hà.."
Học sĩ thị giảng của Hàn Lâm viện kiêm thiếu chiêm sự của Chiêm Sĩ phủ Lưu Vi Nghị rút ra một quyển trục từ trong chồng bài thi của thí sinh, dùng đầu ngón tay cẩn thận cầm lên đưa đến: "Chính là bài này."
Thành Thắng cười híp mắt hớp một ngụm trà, "Lưu học sĩ, ta là người thô kệch, chẳng biết được mấy chữ, vẫn nên để ngài chấm bài văn của thí sinh này viết thì hơn, xem thử có đủ để lọt vào mắt xanh của hoàng thượng hay không."
Lưu Vi Nghị liếc nhìn một lượt, ngay cả bóng của chữ cũng nhìn không rõ, đã tiện tay đặt bên cạnh bàn, nói: "Lời văn của bài này vụng về, dàn ý nông cạn, là bài thi có trình độ rất thấp.

Công công yên tâm, hạ quan nhất định sẽ xử lý công bằng, tuyệt đối sẽ không nhận sĩ tử học hành không ra gì này làm cống sinh[3] ."
[3] Là người được phủ, châu, huyện tiến cử đến Quốc Tử Giám ở kinh thành học tập (trong chế độ khoa cử của hai nhà Minh – Thanh)
Thành Thắng hài lòng gật đầu, "Lưu học sĩ làm việc cẩn trọng, đương nhiên ta rất yên tâm, tiểu gia vẫn đang đợi câu trả lời, ta đi trước đây."
Lưu Vi Nghị chắp tay nói: "Công công đi thong thả." Sau khi nhìn Thành Thắng chầm chậm lắc lư bước ra ngoài, mới phất tay áo, âm thầm thở dài một hơi.
Tuy hắn là thiếu chiêm sự, học sĩ thị giảng Hàn Lâm viện chính tứ phẩm, thường ngày trợ giúp việc học tập của thái tử, nhưng vẫn phải tỏ ra cung kính trước mặt hoạn quan lục phẩm Thành Thắng này, không dám sơ suất chút nào.

Vì sao? Người ta là người bên cạnh thái tử, lo việc sinh hoạt thường ngày của đông cung, chơi đùa cùng thái tử, một thị giảng nho nhỏ như hắn không thể so bì về mức độ gần gũi được.
Chuyện đương kim thiên tử yêu thương trữ quân rõ như ban ngày, nếu đám nội thần này nói bóng nói gió bên tai thái tử vài câu, thái tử lại vô tình nhắc đến trước mặt hoàng đế, thì chẳng những hắn không giữ được chức quan, mà nhiều khi còn phải kéo theo một nhà già trẻ đi lưu đày biên quan luôn.
Một thí sinh cỏn con mà thôi, không đáng phải chống lại ý chỉ của thái tử vì hắn, Tô Án à Tô Án, muốn trách thì trách bản thân ngươi đi, còn chưa vượt long môn thì đã đắc tội thái tử gia, là ngươi tự chuốc họa vào thân, không oán trách bổn quan được.

Lưu Vi Nghị đã quyết định, bèn cầm bút chấm chu sa, chuẩn bị gạch tên trên sổ sách.
Lại nghe thấy một giọng xướng lễ trong trẻo âm vang ngoài cửa sổ: "Hoàng thượng giá lâm trường thi, chúng thần cùng đón thánh giá."
Dù gì cũng là hành vi trái quy tắc, nên trong lòng có quỷ ấy mà, Lưu Vi Nghị chợt run tay, bút lông rớt xuống đất, vương ra nền gạch mấy vết đỏ như lạc hồng của trinh nữ vậy.
Hắn nâng mũ quan, khóe mắt liếc thấy vạt áo màu vàng sáng bước vào phòng, vội vàng hành đại lễ quỳ rạp xuống, trán chạm đầu ngón tay, nói: "Thần Lưu Vi Nghị khấu kiến ngô hoàng vạn tuế."
Cảnh Long hoàng đế đi vào Chí Công Đường, chắp tay sau lưng, cười nói: "Đứng dậy đứng dậy đi, đây không phải hoàng cung, bên cạnh cũng không có ngôn quan, không cần giữ lễ như vậy."
Lưu Vi Nghị đứng dậy rồi cung kính đứng đó, liếc trộm thấy hôm nay hoàng đế mặc một bộ thường phục tay áo rộng cổ tròn màu vàng, đằng trước và phía sau có họa tiết rồng bay được dệt kim, đầu đội mũ Dực Thiện 'hai con rồng tranh giành trân châu', nét mặt thư thái, có vẻ như tâm trạng khá tốt, nên hắn như đã được ăn một viên thuốc an thần trước.
Cảnh Long đế nhìn quanh một vòng rồi nói: "Sao trống không vậy, chỉ có mình ngươi à?"
Lưu Vi Nghị cung kính nói: "Khởi bẩm bệ hạ, Phương học sĩ đang chấm thi trong các, Triệu học sĩ nghe nói phòng thi bị ngấm nước nên đến đó quan sát rồi, Lâm học sĩ nói..

nói.."
"Nói gì?"
"Nói dạ dày khó chịu, đã đi ngoài rồi."
Cảnh Long đế cười, ngồi xuống chiếc ghế bành khắc hoa văn Hoàng Hoa Lê Li, tiện tay cầm một bài thi của thí sinh bên bàn lên, "Chắc hẳn tối qua Lâm học sĩ tranh thuyền hoa với người ta, không cẩn thận rớt xuống hồ, nên bị nhiễm lạnh rồi."
Y nói rất ung dung, nhưng trên lưng Lưu Vi Nghị lại đổ mồ hôi lạnh, áo trong cũng thấm ướt luôn.
Quả nhiên Cẩm Y Vệ chỗ nào cũng nhúng tay vào, khiến người ta sởn cả gai ốc, có phải hành động khi nãy của hắn cũng đã rơi vào trong những đôi mắt len lỏi khắp mọi nơi kia không? Ý nghĩ này lóe lên trong lòng, cơ thể Lưu Vi Nghị chợt lảo đảo, bắp chân bị chuột rút, dường như sắp đứng không vững.
May mà hoàng đế đang cúi đầu xem bài thi, không chú ý đến sắc mặt tái mét của hắn, chỉ là đôi mày kiếm sắc nét chầm chậm nhếch lên.
"..

Đây là bài thi của thí sinh kỳ này à?" Sắc mặt hoàng đế hơi sa sầm, chợt vỗ mép bàn: "Viết mấy thứ lộn xộn lung tung gì đây!"
Lưu Vi Nghị bị dọa hết hồn, vội thò đầu đến xem, đáng chết lại chính là bài của Tô Án được hắn tiện tay đặt ở mép bàn, lập tức câm như hến.
Cảnh Long đế thở ra một hơi, dùng đầu ngón tay chọt quyển trục: "Ngay cả cách thức tám vế mà người này còn làm không xong, sao có thể thông qua thi Viện và thi Hương? Rồi sao mà làm cử nhân được?"
Y ném bài thi lên bàn: "Trẫm ghét nhất là quan viên văn võ làm rối kỉ cương vì tình riêng, coi thường quốc pháp! Ngươi tự xem đi, với vết mực vương vãi khắp trang giấy thế này, mà cũng có thể thi đậu liên tiếp đến kinh thành luôn hả, rốt cuộc là ai cho hắn thông qua mà không gặp trở ngại gì vậy!"
Tội danh này lớn rồi đây, khi quân phạm thượng, là tội lớn rơi đầu đó!
Chân Lưu Vi Nghị lại không run nữa.
Có câu "lang sói nắm quyền, phải hỏi hồ ly", đã có những quan viên phạm tội lớn này hứng chịu cơn giận lôi đình, nhân vật nhỏ như hắn có được xem là gì đâu, mưa phùn còn chẳng dính đến.
Lập tức trấn định trong lòng, nói hùa theo: "Hoàng thượng thánh minh, lúc nãy thần đọc bài thi, thấy sĩ tử Phúc Kiến này nói năng bậy bạ, bôi nhọ thánh hiền, trong lòng phẫn nộ không thôi, đang chuẩn bị đánh giá bài thi là 'hạ hạ'[4] cho hắn."
[4] đánh giá thấp nhất (trong chín cấp)
Cảnh Long đế nói: "Đâu chỉ ngừng ở 'hạ hạ', đuổi ra khỏi trường thi ngay, vĩnh viễn không trọng dụng!".


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui