Ráng Chiều

Im lặng nhìn về phía bóng lưng có phần chật vật của Vũ Dương khi nói chuyện với sếp của anh ta, Huệ Lan chợt thở phào. Gã bác sĩ pháp y đó sau một lúc thuyết phục thì hình như đã có được sự đồng ý của đối phương.

- Ổn rồi! Nhưng khi vào phòng đó thì có phải mang bao tay và có sự giám sát của tôi cũng như một đồng chí công an nữa.

Khẽ gật đầu ra hiệu là bản thân đã hiểu, Huệ Lan chậm chạp đưa chân bước lên từng bậc cầu thang một

- Cô sao vậy? Mệt ư?

Vũ Dương dừng bước chân lại nhìn sâu vào trong mắt Huệ Lan.

- Nếu cô mệt thì nghỉ ngơi chút đi đã. Khi nào khỏe rồi tôi sẽ cùng cô lên đó để chọn váy cho bà Duyên. Yên tâm! Tôi có thời gian nên cô không cần phải vội đâu.

- Không phải tôi mệt. Chỉ là.. tôi bị ám ảnh thôi. Với cảm ơn anh đã giúp tôi.

- Không có gì.

Vũ Dương lạnh nhạt.

- Tôi giúp chuyện này không phải vì cô đâu, mà vì ba tôi là bác sĩ riêng của bà Phụng, và không đáp ứng chuyện này thì cũng sẽ có lỗi với người chết.

Ra là vậy! Huệ Lan định nói cảm ơn với anh chàng cũng chỉ vì phép lịch sự mà thôi. Nhưng lời chưa kịp nói ra thì ở phía đối diện của cầu thang có hai nữ cảnh sát đi xuống. Vừa nhìn thấy Vũ Dương, hai người kia đã lập tức cúi chào.

- Sếp Dương! Anh lên phòng riêng của nạn nhân để lấy váy phải không ạ? Bao tay chuyên dụng đâu ạ.

Đợi cho hai nữ cảnh sát đi khuất, Vũ Dương mới mở miệng nói với Huệ Lan.

- Họ là người của bộ phận khám nghiệm hiện trường.

Huệ Lan gật đầu. Nàng cùng Vũ Dương bước vào phòng riêng cũ của bà Duyên trong sự giám sát của một viên cảnh sát canh cửa. Rộng rãi, sang trọng nhưng có chút bừa bộn. Những cái váy áo màu trắng bị vứt đầy khắp sô pha và giường ngủ.

Vũ Dương đưa mắt nhìn quanh một bận rồi không ngại mà buông nhận xét.

- Dì của cô có vẻ rất thích những màu trắng nhỉ? Cả mười cái váy là màu trắng nổi bật.

- Vâng.

Lời nhận xét của gã đàn ông trẻ tuổi làm Huệ Lan chợt nhớ tới lần đầu tiên gặp mặt người phụ nữ ấy. Cũng là một thân váy trắng dù phải di chuyển và ngồi máy bay suốt 3 ngày trời. Khi ấy dì Duyên đã nói gì với bà Phụng, mẹ của Huệ Lan nhỉ?

- Em thích màu trắng lắm!

- Tôi nhớ rồi! Sở thích đó bắt nguồn từ cô bạn cùng lớp với dì phải không? Trúc Uyên.. một đại tiểu thơ và thích diện màu trắng. - Bà Phụng lúc đó đã góp lời như thế.

Ngồi đằng sau xe, bà An cũng chép miệng nói: - Ai chứ em cũng biết cô gái đó. Cổ có tới nhà em nhờ anh Hưng vài chuyện. Thiệt! Đẹp mà lại thích mặc đầm trắng khiến em cứ ngỡ cổ là một thiên sứ không đó.

Câu nói của bà An vừa dứt thì bà Duyên đã bật cười lên một cách thích thú. Tiếng cười khanh khách vui vẻ ấy của bà Duyên tới giờ Huệ Lan vẫn còn nhớ rất rõ.

Trao cái đầm trắng mà bà Duyên đã mặc hôm xuống máy bay cho Vũ Dương, Huệ Lan lần nữa nhìn lại người phụ nữ đã nhắm chặt mắt trong túi xác. Thế là hết một kiếp người rồi sao?

Đánh bánh lái sang trái để xe ôm lấy cái vòng xuyến trước mặt. Đại tá Văn đưa mắt nhìn sang người đang ngồi ở ghế phụ.

- Vũ Dương à, cậu nghĩ sao về vụ này? Hiện trường camera ghi lại thì đều cho thấy bà Kim Duyên tự sát nhưng ông Quyền, chồng của bà ấy lại nhất mực không tin.

- Vậy trước khi sự việc xảy ra bà Duyên có biểu hiện gì lạ không? Hai vợ chồng tự cách ly trong phòng tận bảy ngày đó có khi nào bà Duyên bị trầm cảm không?

- Tôi cũng đã hỏi ông Quyền câu hỏi tương tự nhưng ông ta khẳng định là vợ mình rất vui vẻ. Ăn uống rất ngon miệng. Và cũng hay nhắn tin cho bà Phụng và ông Hưng để tám chuyện gì thì ông Quyền lại bảo không biết.

Vũ Dương nhìn con đường vắng người qua lại, không đừng được mà buông tiếng thở dài. Anh chép miệng.

- Vậy lời khai của những người khác thì sao?

- Không có gì đặc biệt, chỉ ngoài bà Phụng và ông Hưng vì lý do sức, khỏe chưa thể lấy lời khai thì những người khác đều có chung một lời khai là tận mắt nhìn thấy bà Duyên bắn ông Hưng, rồi sau đó là tự sát.

- Nếu vậy thì khẩu súng mà bà Duyên dùng từ đâu mà có.

- Đây có thể là câu hỏi khó nhất trong vụ này. Một khẩu SVN – 88 thì không thể xuất hiện ở Đức và quan trọng hơn là nếu bà Duyên thật sự đem nó từ Đức về thì làm sao có thể đem nó qua khỏi an ninh sân bay.

Vũ Dương nghe Đại tá Văn nói mà không khỏi thở dài. Anh mệt mỏi hướng tầm mắt ra khoảng trời đen đặc ở bên cửa sổ.

- Vậy thì chỉ có thể bà Duyên đã bắt đầu sở hữu nó trong thời gian cách ly. Nhưng ai đã đưa nó cho bà ấy? Ai đã đưa khẩu súng SVN – 88 đó cho dì Duyên?

Thoạt đầu khi bà Duyên rút thứ đó ra để uy hiếp mọi người thì Huệ Lan đã nghĩ nó hẳn chỉ là một khẩu súng đồ chơi được làm giống thật của bọn con nít. Bởi dù sao nơi này cũng là Việt Nam, muốn sở hữu một khẩu súng đương nhiên không phải là chuyện dễ.

Nhưng ngay sau đó chú Quang đã nói thứ đó là đồ thật. Đồ thật, đồ giả? Có lẽ Huệ Lan phải đi gặp chú Quang một chuyến mới được. Trong chuyện này dù nghĩ thế nào nàng vẫn thấy nó có gì đó không đúng. Đứng dậy để bật mở cánh cửa sổ, Huệ Lan thấy lòng chợt nhẹ đi khi nàng thấy từng tia nắng mai ấm áp đang xuyên qua những tán cây ngọn cỏ.

Có lẽ sau hàng loạt những biến cố của đêm qua thì sáng nay sự bình yên đã trở về với căn biệt phủ. Và một ngày mới lại bắt đầu rồi. Nhưng suy nghĩ kia vừa mới lướt qua đầu thì ngoài cửa đã vang lên tiếng gõ và liền sau đó là tiếng gọi có phần gấp gáp của Hứa Kim Phát.

- Huệ Lan! Huệ Lan! Chị đã dậy chưa?

Đêm qua sau khi lực lượng công an làm xong công việc của mình thì họ lần lượt rút đi để lại một gian phòng khách đầy máu me và một nỗi ám ảnh kinh hoàng với những người chứng kiến sự việc.

Trong khi chú Quang lấy xe chở 2 đứa Kim Khanh và Ngọc Minh vào viện với ông Hưng thì Kim Phát và Huệ Lan thay phiên nhau chăm sóc và Phụng và ông Quyền.

Không suy nghĩ ra nhưng cả Kim Phát lẫn Huệ Lan đều lo sợ ông Quyền và bà Phụng không chịu nổi đả kích mà gây ra hành động không hay. Mọi sự lo lắng chỉ dịu xuống khi cả hai người ấy chịu tác dụng của thuốc ngủ mà thiếp đi. Thêm nữa là sự trở về của chú Quang.

Và sau đó vì được sự thúc giục và khuyên can của hai người đàn ông nên Huệ Lan đã trở về phòng của mình. Có điều nàng đã không ngủ mà miên man với hàng loạt những suy nghĩ trên. Mở cửa, không ngoài dự đoán Kim Phát đang đứng trước phòng nàng với một khuôn mặt cực kì lo lắng.

- Chị Huệ Lan à, có chuyện rồi!

Thì ra bà Phụng, sau khi tỉnh dậy từ giấc ngủ bị cưỡng ép kia thì nhất quyết không chịu ăn cơm hoặc uống bất kì viên thuốc nào.

- Ai cô hai cũng không cho vào phòng nên em nghĩ đến chị.

- Vậy thì chịu rồi đấy Phát.

Huệ Lan chép miệng.

- Trước giờ em biết là mẹ rất coi trọng em mà. Nay lại không cho vào..

Huệ Lan đứng lại. Nàng không muốn huỵch toẹt ra chuyện Huệ Lan chỉ là một đứa con nuôi, không máu mủ ruột rà. Đến việc làm giấy tờ để chính thức nhận nàng bà Phụng còn chưa làm, nên đương nhiên vị trí của nàng trong lòng người đàn bà kia làm sao bằng được gã trai đang đứng trước mặt.

Đúng vậy, Kim Phát là cánh tay phải của bà Phụng, là luật sư cố vấn về tài chính và đường hướng phát triển của công ty cũng như tỉ tỉ thứ khác. Bên kia Hứa Kim Phát hình như cũng hiểu được tâm ý của Huệ Lan, nhưng thay vì sừng sộ hay tỏ vẻ khó chịu như mọi khi thì gã đàn ông đó đã chép miệng than thở.

- Em hiểu ý của chị. Đúng là xưa nay em luôn được lòng của cô Hai. Nhưng lần này thì khác rồi. Mà nguyên do thì chị cũng biết rồi đó. Có điều khi ấy mà lao vào thì chết sao? Chị Lan không biết chứ lúc cô Út lôi khẩu súng kia ra là tay chân em bủn rủn rồi. Đến giờ nghĩ lại mà tay hãy còn chảy mồ hôi nè.

Vừa nói Hứa Kim Phát vừa đem khay thức ăn nhét vào trong tay của Huệ Lan. Này gọi là gì? Có lợi thì hưởng, còn họa thì đẩy sang cho người khác. Nhìn khay thức ăn trong tay mà lòng của Huệ Lan lập tức nảy lên một cảm giác kinh sợ.

Kinh sợ như thể bản thân đang ôm trong lòng một quả bom, mà nếu như không nhanh ngắt ngòi nổ thì chắc chắn Huệ Lan sẽ tan xác. Nhưng ngẩng đầu nhìn Hứa Kim Phát, cô gái trẻ biết mình không thể thảy lại cái khay thức ăn kia cho anh chàng.

Và nếu không đem trách nhiệm quẳng cho người khác được thì chẳng còn cách nào là đương đầu ra gánh vác nó. Vươn tay gõ vài tiếng vào cánh cửa gỗ, Huệ Lan gọi vừa đủ nghe.

- Mẹ ơi! Mẹ đã dậy chưa ạ? Con đem cháo và thuốc vào nha mẹ.

Không có một tiếng động nào vang lên để đáp lại Huệ Lan, nhưng khi cô gái trẻ đang chuẩn bị lùi ra để rời đi thì cánh cửa trước mặt nàng lại bật mở. Quá bất ngờ, Huệ Lan suýt chút nữa đánh rơi khay thức ăn.

Và may sao nó đã được bà Phụng đỡ lấy. Vẫn là một ánh mắt lạnh lùng đến xa cách, bà hết liếc nhìn Huệ Lan rồi đến Kim Phát và sau đó là đám người Mẫn Nhi, chú Quang và bà Năm.

- Tôi không sao rồi. Nhờ mọi người trông chừng dượng Quyền giúp tôi. Vợ mới mất đó tôi sợ dượng ấy không chịu nổi đả kích mà hành xử thiếu suy nghĩ.

Hứa Kim Phát dạ lớn. Anh chàng toan sấn tới đỡ lấy cái khay thức ăn để bê vào phòng bà Phụng. Một việc làm mà bấy lâu nay Hứa Kim Phát vẫn làm, nhưng hôm nay anh chàng đã bị bà Phụng ngăn lại.

- Mọi người ai làm việc nấy đi. Tôi có chuyện muốn nói riêng với Huệ Lan.

Bà Phụng vừa nói xong thì quay lưng đi để mặc cho Huệ Lan vừa phải đỡ lấy cái khay thức ăn từ Hứa Kim Phát, vừa loay hoay đóng cửa. Bên kia người đàn bà luống tuổi nọ dù biết đứa con gái nuôi của mình đang rất chật vật, luống cuống, nhưng bà mặc kệ.

Buông người ngồi xuống cái ghế mây được kê sát bên giường ngủ, bà Phụng chỉ tay qua cái bàn nhỏ gần đó. Một ngôn ngữ hình thể mà nếu ai đó tiếp xúc ít với bà Phụng thì chắc chắn không hiểu được.

Nhưng Huệ Lan thì khác. Nàng ngoan ngoãn bê cái khay thức ăn đặt lên bàn, rồi lễ phép lùi lại một bước. Cẩn trọng, nhẹ nhàng hệt một nhân viên bồi bàn đang đợi thực khách sai bảo.

Và Huệ Lan cũng đã nghĩ trong đầu rằng bà Phụng sẽ bảo nàng chờ một chút để bà ăn xong thì dọn đồ dơ ra khỏi phòng. Nhưng không.. người đàn bà luống tuổi kia không có ý định đụng đến tô cháo yến đang bốc khói nghi ngút hoặc ly sữa nóng thơm lựng. Bà Phụng đang nhìn chằm chằm Huệ Lan.

Cảm giác đỉnh đầu nóng ran làm Huệ Lan không nhịn được mà ngẩng đầu lên nhìn. Thời điểm hai ánh mắt chạm nhau khiến cô gái trẻ bất giác run rẩy. Bên kia hình như cũng nhìn thấy sự sợ hãi của Huệ Lan, nên bà thôi không làm khó đứa con gái nuôi của mình nữa.

Bưng tô cháo yến lên bà Phụng vờ đưa mũi ngửi:

- Thơm đó! Tay nghề nấu nướng của con ngày càng khá rồi đấy!

- Dạ, tô cháo đó là do bà Năm nấu. Con chỉ bưng lên cho mẹ thôi ạ.

- Vậy sao?

Nhàn nhạt hỏi lại, bà Phụng lấy cái muỗng nhỏ để cạnh tô cháo mà khuấy đều những thứ bên trông ấy lên. Màu vàng nhạt của đậu xanh cùng những sợi yến óng ánh làm người đứng cạnh là Huệ Lan cũng phải nuốt nước bọt thèm thuồng.

Ấy vậy mà bà Phụng lại chẳng ăn được lấy một miếng. Nhìn người mẹ nuôi của mình chưa ăn mà đã buông đũa, Huệ Lan đứng cạnh không khỏi lo lắng. Nàng vội lên tiếng:

- Sao.. sao mẹ không ăn đi ạ? Tối qua không ăn gì, sáng nay cũng không ăn gì, con sợ mẹ sẽ không chịu nổi mất.

- Không đến mức như vậy đâu.

Bà Phụng chép miệng.

- Mà Huệ Lan này, nghe thằng Phát nói thì tối qua con đã tự ý lấy đồ của dì Duyên đưa cho bên pháp y. Lan à, có phải con vẫn để bụng những chuyện dì Duyên nói ở sân bay nên mới làm thế?

Huệ Lan sững người. Nàng lắp bắp:

- Con.. con không có. Những chuyện ở sân bay con vẫn nhớ, nhưng con không có để bụng. Con..

Sự im lặng và chờ đợi của bà Phụng làm tâm trạng rối bời của Huệ Lan phút chốc được xoa dịu. Nàng hít sâu vào một hơi để lấy lại bình tĩnh.

- Dạ, thưa mẹ. Quả thật chuyện ở sân bay con vẫn nhớ, nhưng con không để bụng đâu. Bởi dì Út nói con có phần khó nghe thật nhưng đó là chuyện rất thường tình. Một đứa trẻ bá dơ đột nhiên bước vào hào môn chắc chắn sẽ khiến không ít người phải đề phòng. Mà dì Út là vì lo nghĩ cho mẹ nên mới có những câu nói như thế. Con hiểu tình cảm mẹ dành cho dì và ngược lại nên con mới lấy cái váy trắng kia đưa cho pháp y muốn anh ấy..

Dừng lại một chút để lấy hơi, Huệ Lan lắp bắp tiếp:

- Muốn anh ấy mặc cho dì Duyên sau khi kết thúc quá trình mổ tử thi. Mẹ à, là phụ nữ ai cũng muốn mình sẽ mãi xinh đẹp trong mắt những người thân, bạn bè nên con nghĩ dì Duyên cũng vậy.

(Hết chương 5)


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui