Chương 11: Thân phận Nhung Lê, ông mai Trình Cập
Thứ Ba, trời vẫn sầm sì, gió thổi mưa phùn thành hơi nước, che mờ cửa kính, làm nhòe bóng dáng.
Nhung Lê lại đang đập hộp trang phục trong game với khí thế không lấy được đồ ngon sẽ không bỏ qua.
Trình Cập không biết kiếm đâu ra nguyên liệu, đang nhàn nhã vấn thuốc lá: "Cuối tuần trông tiệm vài ngày giúp tôi."
Nhung Lê không buồn ngẩng đầu, dứt khoát từ chối: "Không rảnh."
Trình Cập vừa se sợi thuốc vừa liếc nhìn anh, "Bớt chơi game đi, coi chừng đột quỵ bây giờ." Anh ta không hề nể nang chế giễu: "Cái thằng gà mờ chỉ lấy được huy chương đồng như cậu, ngày ngày vào game cho người ta hành hạ có gì vui?"
Nhung Lê ném bật lửa sang.
Trình Cập chụp gọn lấy.
Vẻ mặt anh lạnh lùng, ánh mắt như dao, gằn giọng: "Tôi là huy chương bạc."
Trình Cập cười đùa, "Vậy hả? Tiến bộ quá nhỉ."
Nếu ánh mắt có thể giết người, Nhung Lê đã băm Trình Cập thành hàng nghìn mảnh, không, là nghiền xương thành tro luôn mới đúng.
Trình Cập tiếp tục vấn thuốc, cho sợi thuốc lá lên giấy, vuốt phẳng bằng hai ngón tay: "Tôi có nhiệm vụ, phải quay về một chuyến."
"Trông tiệm cũng được thôi." Nhung Lê cất di động, ra giá: "Một ngày mười nghìn tệ, thanh toán theo ngày."
Trình Cập nhồi bông vải vào đầu thuốc bên kia: "Tiệm xăm nghèo nàn của tôi một năm còn chưa kiếm được mười nghìn.
Nhung Lê, cậu không làm tình báo, chuyển sang làm bảo kê hả?"
Nhung Lê làm tình báo, còn Trình Cập là nhận tiền làm việc cho người khác, không cùng bộ phận với nhau.
Năm đó, Tích Bắc International còn chưa tan đàn xẻ nghé, có những sáu ông lớn, Nhung Lê là người thứ sáu.
Tuy nhiên hiện giờ Tích Bắc chỉ còn ba, nói chính xác chỉ còn hai người thôi, dù sao trong mắt những người kia, Nhung Lê đã chết rồi.
Nhung Lê và Trình Cập dù không "đồng môn", nhưng cũng tính từng vào sinh ra tử với nhau, tình cảm cũng thâm hậu hơn mấy tên giả tình giả nghĩa khác.
Có điều, nếu nói đến tiền thì không còn tình cảm gì nữa, một chút cũng không.
Dĩ nhiên, những việc này đều do Trình Cập đơn phương nghĩ thôi.
Thỏa thuận không được thì không còn gì để bàn, Nhung Lê đứng dậy bỏ đi.
Trình Cập hỏi sang chuyện khác: "Vụ án của Nhung Hải khi nào xét xử?" Chắc hẳn cũng sắp rồi.
"Thứ Sáu này."
Trình Cập bỏ điếu thuốc đã vấn xong qua một bên, không hề gọi Nhung Lê lại, chỉ hỏi tiếp: "Sau khi vụ án xử xong cậu có dự định gì không?"
Nhung Lê đã ra đến cửa: "Không có dự định gì cả."
Anh trở về trấn Tường Vân chính là muốn tận mắt chứng kiến cái chết của một vài người, chứng kiến Nhung Hải xong, vậy nên đến một người khác rồi.
Chuông gió treo ở cửa vang leng keng, Nhung Lê ngước mắt thấy Từ Đàn Hề, cô đang chầm chậm đi lên từng bậc thang.
Hiếm khi cô không mặc sườn xám, mà mặc áo len cổ tròn màu trắng khoác ngoài chiếc váy dạ tua rua cổ điển màu hồng nude, khăn quàng cổ màu xanh nhạt che đi một nửa tóc, trông rất nhu mì.
Cầu thang chật hẹp, nếu hai người đồng thời đi ngang qua nhau sẽ trở nên chen chúc.
Nhung Lê không đi xuống, áp người vào cạnh cửa nhường đường.
Anh cao 1m85, chiếc chuông gió buông rủ trên cửa vừa khéo chạm vào tóc anh.
Từ Đàn Hề khẽ cảm ơn rồi đi vào: "Anh Trình.
Tôi mới pha trà, anh Trình có muốn uống thử không?"
Cô luôn gọi Trình Cập là anh Trình, nhưng cô rất hiếm khi liên tục gọi Nhung Lê là anh Nhung, đa số đều bỏ qua họ, chỉ gọi là anh.
Cô lễ nghĩa chu đáo, song giọng nói quá khách sáo nên có vẻ xa cách.
Trình Cập rất hiếu kỳ, gia đình thế nào mới nuôi dạy được một cô gái dịu dàng hàm xúc khiêm tốn như vậy.
Con người của anh ta bình thường đều thân thiết với cánh chị em phụ nữ, "Vậy phiền cô Từ rồi."
Từ Đàn Hề lịch sự đáp: "Không phiền đâu ạ."
Thấy Nhung Lê đi xuống lầu, Trình Cập gọi anh lại: "Uống trà rồi đi."
Nhung Lê không đếm xỉa, Trình Cập lại chậm rãi lên tiếng: "Giá tiền công trông tiệm vẫn có thể bàn bạc mà."
Lúc này Nhung Lê quay đầu lại, cuối cùng định giá là một ngày tám nghìn, Trình Cập không kiềm được tò mò: "Cậu sống ở thị trấn bé tẹo này, chả có việc gì xài tiền, cần nhiều tiền để làm gì?"
Nhung Lê dáng ngồi ngả ngớn, giọng điệu hờ hững: "Mua vật phẩm trong game."
Trình Cập nghẹn họng.
Tích Bắc International chia làm năm bộ phận, ngoài trừ buôn lậu súng ống và ma túy, tình báo là nghề kiếm ra tiền nhiều nhất.
Con người Nhung Lê không phải người ham tiền, nhưng là kiểu người chỉ cần có thể dùng tiền phân chia rạch ròi thì tuyệt đối không muốn nợ nửa xu giao tình với bất cứ người nào.
Chốc lát sau, Từ Đàn Hề bưng khay lên, trên khay đặt một bình trà, hai cái chén, hai đĩa bánh ngọt, và hai đĩa mứt hoa quả khô.
"Hai anh cứ dùng từ từ."
Cô lấy từng món ra khỏi khay.
Trình Cập rất am hiểu trà đạo, chỉ cần là thú tiêu khiển, bất kể trang nhã hay thấp hèn, anh ta đều có hiểu biết, "Trà này vừa ngửi đã biết không phải loại tầm thường, khi không lại bị hai tên thô thiển chúng tôi lãng phí."
Từ Đàn Hề mỉm cười, chỉ nói không quấy rầy, sau đó đi xuống lầu.
Trình Cập rót trà ra, đưa cho Nhung Lê một chén: "Tôi từng gặp bình trà này trong một buổi đấu giá đồ gốm sứ, giá ban đầu những sáu chữ số." Anh ta lại đưa một điếu thuốc vừa vấn cho Nhung Lê, "Cô Từ này không hề đơn giản."
Nhung Lê châm thuốc, rít một hơi: "Thuốc này không ngon, gắt họng quá."
Anh đặt điếu thuốc lên gạt tàn, xé miếng bánh ngọt cho vào miệng.
***
Cửa hàng bên dưới vẫn đang trang trí, tổng cộng có bốn người thợ, do Từ Đàn Hề yêu cầu vài chỗ khó, nên họ sợ không làm được như yêu cầu của cô, bèn mời cô đến trông coi.
Tần Chiêu Lý bảo cô bận chút cũng tốt, nếu không cứ chạy đến chỗ chuyển phát nhanh, sẽ bị lòi đuôi.
Từ Đàn Hề thấy cũng đúng, cô của cô biết dượng cô nửa năm mới nói chuyện với nhau, một năm mới tặng túi thêu, nào lỗ mãng như cô.
"Cô Từ." Thợ trang trí họ Trần hỏi han: "Cô thấy tủ trưng bày này được chưa?"
Từ Đàn Hề thôi nghĩ miên man, "Có thể thấp một chút không?" Khách đến mua hàng của cô đoán chừng đa số là trẻ em, cao quá sẽ với không tới.
"Không thành vấn đề."
Mấy người thợ uống trà chiều xong lại tiếp tục làm việc, Từ Đàn Hề đi dọn dẹp bàn.
Nhung Lê nhanh chóng xuống lầu, không hề nấn ná, lập tức rời đi.
Từ Đàn Hề gọi anh: "Anh Nhung."
Anh dừng bước.
"Bên ngoài trời đang mưa." Cô lấy ô đưa cho anh bằng cả hai tay, "Anh coi chừng bị lạnh."
Nhung Lê luôn ăn mặc phong phanh.
Tuần này mưa dầm, anh lại không thích mang theo ô, thường xuyên tay không rời khỏi nhà.
"Cảm ơn."
Giọng nói nhàn nhạt hệt con người anh, luôn thờ ơ tản mạn, Nhung Lê nhận lấy ô rồi ra khỏi cửa hàng.
Từ Đàn Hề đứng dõi theo ở cửa một lát mới quay vào cửa hàng.
Bấy giờ có một cô gái đẩy cửa đi vào: "Chào chị." Là một cô gái trẻ mặc áo khoác cũ kỹ, đã giặt đến bạc màu, và chật ních.
Mái tóc cô ấy đen nhánh, mắt cũng lay láy, dáo dác ngó vào cửa hàng, "Anh Trình Cập có ở đây không ạ?"
Nom cô ấy chỉ khoảng mười mấy tuổi, nhưng khí chất và ánh mắt lại không hề có nét hồn nhiên rạng rỡ như lứa tuổi của mình, trái lại có chút ảm đạm và chán chường.
Dáng vẻ cô ấy rất ngọt ngào, nhưng hình như không thích cười.
Từ Đàn Hề nhỏ nhẹ cho hay: "Anh Trình ở tầng hai."
"Cảm ơn." Cô gái lên tầng.
***
Trình Cập nghe thấy tiếng bước chân, cho rằng khách đến, ngẩng đầu lại thấy một gương mặt non nớt, bèn cợt nhã: "Em gái, có phải em tìm nhầm chỗ rồi không?"
Cô gái chăm chú nhìn anh: "Không tìm nhầm, tôi đến xăm hình."
Cô ấy cao khoảng 1m6, dáng vóc nhỏ nhăn.
Ánh mắt Trình Cập nghiêm túc đánh giá: "Em đủ mười tám tuổi chưa?"
Cô ấy cởi balo ra, ngồi xuống: "Hôm nay vừa đúng mười tám tuổi."
Cô gái này mang nét học sinh ngoan hiền, thế mà lại đến xăm mình.
Trình Cập rót cốc nước ấm cho cô: "Đưa thẻ căn cước cho tôi xem."
Cô gái nói được, mở balo lấy thẻ căn cước trong ngăn nhỏ ra.
Có thể do hấp tấp, sơ ý kéo ra luôn cả thẻ học sinh.
Lâm Hòa Miêu, học sinh lớp 12/8 trường Trung học Hồng Thủy 1.
Trình Cập nhặt thẻ học sinh lên, "Học sinh cấp ba?"
Cô không phủ nhận, chỉ cứng nhắc lặp lại: "Tôi đã đủ mười tám tuổi rồi." Rồi đặt thẻ căn cước lên bàn.
Ngày sinh 24 tháng 10, hôm nay là sinh nhật mười tám tuổi của cô.
"Không ngại tôi hút thuốc chứ?"
Lâm Hòa Miêu lắc đầu.
Trình Cập rít một hơi thuốc do mình vấn, Nhung Lê nói đúng, thuốc này không ngon, gắt quá.
Anh ta đưa lại thẻ học sinh lẫn thẻ căn cước cho cô gái: "Học sinh cấp ba không thể xăm mình."
Lâm Hòa Miêu truy vấn: "Tại sao?"
Trình Cập dụi thuốc, giọng nghiêm trang hiếm có: "Con người tôi có một ưu điểm, không gây họa cho mầm non đất nước."