Rừng Nauy

Chương 11
Reiko viết cho tôi nhiều lần sau cái chết của Naoko. Chị nói đó không phải là lỗi tại tôi. Không phải lỗi của ai cả, cũng như không thể đổ lỗi cho ai vì trời đã mưa. Nhưng tôi không trả lời chị lần nào. Tôi có thể nói gì đây? Mà có được gì nữa đâu! Naoko không còn tồn tại trên đời này nữa; nàng đã chỉ còn là một nhúm tro tàn.
Người ta làm một tang lễ lặng lẽ cho Naoko ở Kobe vào cuối tháng Tám, và khi đã xong, tôi trở lại Tokyo. Tôi nói với ông chủ nhà là sẽ đi vắng một thời gian, và với ông chủ tiệm ăn Ý rằng tôi sẽ không đi làm nữa. Tôi viết cho Midori mấy chữ rằng tôi chưa thể nói gì được trong lúc này, nhưng hy vọng rằng cô sẽ chờ tôi thêm một chút nữa thôi. Ba ngày liền sau đó tôi chỉ ngồi trong các rạp chiếu phim, và sau khi đã xem hết các phim mới ở Tokyo, tôi xếp ba-lô, rút hết tiền tiết kiệm ở ngân hàng, đến ga Shinjuku và lên chuyến tàu tốc hành đầu tiên ra khỏi thành phố.
Không thể nhớ là tôi đã đi những đâu. Tôi chỉ còn nhớ được những cảnh trí, âm thanh và mùi vị, nhưng tên những nơi tôi đã đi qua thì chẳng còn dấu vết gì trong kí ức, kể cả cảm thức về thời gian trong chuyện đã đến chỗ nào trước chỗ nào sau. Tôi đã đi từ chỗ này sang chỗ kia bằng tàu hoả, xe buýt, hoặc xin ngồi nhờ trên thùng xe tải trải túi ngủ qua đêm trong những bãi đỗ xe, nhà ga, công viên, bên bờ sông hoặc bờ biển. Một lần tôi thuyết phục họ cho tôi ngủ trong góc một sở cảnh sát, lần khác thì ngủ ngay cạnh nghĩa địa. Tôi chẳng cần biết mình ngủ ở đâu, chỉ cốt sao chỗ đó thật vắng vẻ và tôi có thể nằm trong túi ngủ bao lâu tuỳ thích. Đi bộ kiệt sức rồi, tôi chỉ việc chui vào túi chăn, nốc vài ngụm whisky rẻ tiền rồi ngủ say bí tỉ. Ở những nơi tử tế thì người ta mang cho tôi đồ ăn và mùng màn, còn những nơi không được tử tế lắm thì người ta gọi cảnh sát đuổi tôi ra khỏi công viên. Với tôi thì cũng chẳng khác gì. Tôi chỉ muốn được ngủ ở những nơi hoàn toàn xa lạ.
Khi đã sắp cạn tiền, tôi xin làm lao công gì đó vài ngày. Lúc nào cũng có những việc như vậy cho tôi làm. Tôi cứ thế đi từ nơi này qua nơi khác, không có chủ đích gì. Thế giới rộng lớn và đầy rẫy những sự vật và con người quái lạ. Có một lần tôi gọi cho Midori chỉ cốt để nghe giọng nói của cô.
"Vào học đã lâu rồi, cậu biết không," cô nói. "Có những lớp đã bắt đầu phải làm kiểm tra rồi. Cậu sẽ làm thế nào? Cậu có biết là cậu biệt vô âm tín đã ba tuần rồi không? Cậu đang ở đâu? Đang làm gì?"
"Tớ xin lỗi, nhưng tớ chưa thể quay về Tokyo được. Chưa thể được."
"Cậu chỉ biết nói có thế với tớ thôi ư?"
"Hiện giờ tớ thật sự chẳng biết nói gì hơn. Có thể đến tháng Mười…"
Midori gác máy luôn, không một lời nào nữa.
Tôi tiếp tục đi. Lâu lâu một lần tôi vào một nhà trọ công cộng để tắm táp cạo râu. Cái mặt tôi nhìn thấy trong gương thật gớm guốc. Nắng gió đã làm da tôi khô nẻ, hai mắt trũng sâu, hai má đầy những vết bẩn vết xước lạ lâm. Trông tôi như vừa mới ở trong một cái hang nào đó bò ra, nhưng vẫn có thể nhận ra được. Đó vẫn là tôi.
Lúc bấy giờ tôi đang xuống đến bờ biển rồi, có vẻ đã rất xa Tokyo, có lẽ ở mạn Tottori hoặc ở một nơi hẻo lánh gần Hyogo. Đi dọc bờ biển là dễ nhất. Lúc nào cũng có thể tìm được một chỗ ngủ thoải mái ở trên cát. Tôi sẽ đốt một đống lửa củi rều và nướng mấy con cá khô mua của dân chài quanh đó. Rồi tôi sẽ trợn trừng trợn trạc nuốt cho xuôi chút rượu whisky trong khi lắng nghe sóng vỗ và nghĩ đến Naoko. Thật quá lạ lùng là nàng đã chết và không còn là một phần của thế giới này nữa. Tôi không thể chấp nhận được sự thật ấy. Tôi không thể tin được. Tôi đã nghe tiếng đóng đinh vào ván thiên quan tài nàng, nhưng vẫn không thể quen với sự thật rằng nàng đã trở về cõi hư vô.
Không, hình ảnh nàng vẫn còn quá sinh động trong kí ức tôi. Tôi vẫn thấy nàng ấp ngậm tôi trong miệng, mái tóc rủ xuống bụng ở dưới kia. Tôi vẫn cảm thấy cái nóng ấm của nàng, hơi thở của nàng, và cái giây phút khi tôi không thể cưỡng lại được cơn cực cảm đang bùng lên ấy.
Tôi có thể sống lại tất cả những giây phút ấy như thể chúng vừa mới diễn ra chỉ năm phút trước đây, và chắc rằng Naoko vẫn ở bên cạnh mình. Nhưng không, nàng không có ở đó; da thịt nàng không còn tồn tại trên thế gian này nữa.
Những đêm không ngủ được, hình ảnh Naoko lại hiện về với tôi. Không có cách gì ngăn lại được. Kí ức về nàng đây ứ trong tôi, và khi một trong số chúng đã tìm được kẽ hở để lọt ra, tất cả những cái khác cũng chen nhau ùa ra như nước lũ không thể ngăn lại được: Naoko trong bộ áo mưa vàng đang cọ rửa nhà nuôi chim và mang bao tải thức ăn sáng hôm trời mưa đó; chiếc bánh sinh nhật sứt sẹo và nước mắt nàng ướt súng sơ-mi tôi (đúng vậy, hôm ấy trời cũng mưa); Naoko sánh bước bên tôi trong bộ áo khoác lông lạc đà mùa đông; Naoko đưa tay len nghịch cái dải buộc tóc; Naoko nhìn xoáy vào tôi với cặp mắt trong veo không thể tưởng được của nàng; Naoko đang ngồi trên sô-pha, hai chân thu dưới bộ áo ngủ màu xanh da trời, tựa cằm lên đầu gối.
Nhưng kí ức ấy ào đến tôi như những đợt sóng triều cường, cuốn tôi đi đến một nơi xa lạ - nơi rồi sống với những người đã chết. Naoko sống ở đó, và tôi có thể nói với nàng và ôm nàng trong tay. Ở nơi ấy sự chết không phải là yếu tố quyết định làm chấm dứt sự sống. Ở đó, sự chết chỉ là một trong nhiều yếu tố cấu thành nên sự sống. Ở đó Naoko sống với cái chết trong con người nàng. Và nàng nói với tôi, "Đừng lo, nó chỉ là cái chết thôi mà. Đừng để nó làm phiền cậu."
Tôi không cảm thấy buồn ở nơi ấy. Chết là chết, và Naoko là Naoko. "Có chuyện gì thế?" nàng hỏi tôi vởi một nụ cười trách móc, "Mình ở đây mà, phải không nào?" Những cử chỉ nho nhỏ quen thuộc của nàng làm dịu cõi lòng tôi như một liều thuốc diệu kì. "Nếu đây là cái chết," tôi tự nhủ, "thì chết cũng chẳng đến nỗi nào."
"Đúng thế," Naoko nói, "chết thì có gì lắm đâu. Chỉ là chết thôi mà. Ở đây mọi chuyện với mình đều nhẹ nhàng cả." Naoko nói với tôi giữa những đợt sóng triều như vậy.
Nhưng cuối cùng thì thuỷ triều cũng rút đi, và chỉ còn lại một mình tôi trên bãi biển. Bất lực, tôi không đi đâu được nữa; buồn đau sẽ vây bọc tôi trong bóng tối sâu thẳm cho đến lúc nước mắt tuôn trào. Tôi thấy như không phải mình đang khóc, mà đơn giản chỉ là nước mắt tôi cứ ứa ra như toát mồ hôi vậy
Tôi đã học được một điều từ cái chết của Kizuki, và tôi tin rằng mình đã biến nó thành một phần của con người mình dưới dạng một triết thuyết: "Sự chết tồn tại, không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống."
Bằng cách sống cuộc đời của mình, chúng ta đang nuôi dưỡng sự chết. Hiển nhiên như vậy, nhưng đó lại là một chân lí duy nhất mà chúng ta phải học mới biết được. Còn cái mà tôi học được từ cái chết của Naoko lại là thế này: không có chân lí nào có thể làm dịu được nỗi đau buồn khi chúng ta mất một người yêu dấu. Không một chân lí nào, một tấm lòng trung thực nào, một sức mạnh nào, một tấm lòng từ ái nào, có thể làm dịu được nỗi đau buồn ấy. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng nỗi đau ấy cho đến tận cùng và cố học được một điều gì đó, nhưng bài học ấy cũng lại chẳng có ích gì nữa khi chúng ta phải đối mặt với một nỗi đau buồn mới sẽ ập đến không biết lúc nào. Nghe sóng biển ban đêm và lắng nghe tiếng gió thổi ngày này qua ngày khác, tôi chỉ chăm chú đến những ý nghĩ ấy của mình. Ba-lô trên lưng, cát vương trên tóc, tôi cứ đi mãi về phía tây, chỉ sống bằng whisky, bánh mì và nước lã.
Một chiều lộng gió, khi tôi nằm khóc cuộn tròn trong túi ngủ cạnh một vỏ tàu hoang phế, một ngư phu còn trẻ tuổi đi ngang và mời tôi một điếu thuốc lá. Tôi nhận lấy và hút điếu thuốc đầu tiên sau hơn một năm trời nhịn khỏi. Ông ta hỏi làm sao tôi khóc, và tôi đáp gần như một phản xạ tự nhiên rằng mẹ tôi vừa mới mất. Tôi nói tôi không thể chịu đựng nổi đau buồn và chỉ biết bỏ ra đi. Anh ngỏ lời chia buồn sâu sắc với tôi và về nhà đem ra một chai sakê thật lớn với hai cái cốc.
Gió thổi mạnh đọc theo bờ cát khi chúng tôi ngồi uống với nhau ở đó. Anh ta bảo tôi rằng anh đã mất mẹ lúc mười sáu tuổi. Không khỏe mạnh gì, bà mẹ đã kiệt quệ vì phải lao lực từ sáng đến đêm. Tôi lơ mơ nghe anh kể, nhấm nháp sakê và thỉnh thoảng lại ậm ừ theo câu chuyện. Tôi thấy như mình đang nghe một câu chuyện từ một thế giới nào xa lắm. Anh ta đang kể chuyện quái quỉ gì thế không biết? Tôi tự hỏi, và bỗng nổi giận đến điên cuồng. Tôi chỉ muốn bóp chết anh ta lúc đó. Ai thèm để ý cứt gì đến mẹ ông nào? Tôi vừa mất Naoko đây này! Da thịt đẹp đẽ của nàng đã biến khỏi thế giới này rồi! Việc quái gì mà ông lại kể cho tôi nghe về bà già chết tiệt của ông thế hả?
Nhưng cơn giận của tôi lụi đi ngay như một đám lửa rơm. Tôi nhắm mắt và tiếp tục lơ mơ nghe câu chuyện lê thê của tay chài. Cuối cùng anh ta hỏi tôi đã ăn gì chưa. Chưa, tôi đáp, nhưng trong ba-lô tôi có bánh mì và pho-mát, một quả cà chua và một miếng sô-cô-la. Bữa trưa anh ăn gì? Anh ta hỏi. Bánh mì và pho-mát, cà chua với sô cô la, tôi đáp. "Đợi ở đây nhé," anh nói rồi chạy đi. Tôi định ngăn anh lại, nhưng anh đã biến vào bóng tối mà không hề ngoảnh lại.
Không biết làm gì hơn, tôi tiếp tục uống sakê. Bãi biển đầy những vụn giấy xác pháo từ những trận pháo bông đốt bên bờ biển, và những con sóng gầm rú xô lên bờ như điên dại. Một con chó hốc hác vẫy đuôi chạy đến hít ngửi quanh đống lửa trại của tôi tìm thức ăn, nhưng cuối cùng bỏ cuộc và chạy đi chỗ khác.
Nửa tiếng sau, tay chài trở lại với hai hộp sushi và một chai sakê nữa. Anh ta nói tôi nên ăn ngay cái hộp ở trên vì nó có cá trong đó, còn hộp dưới thì chỉ có toàn xôi quấn rong với đậu phụ rán giòn nên có thể để đến mai ăn cũng được. Anh ta rót đầy sakê ra hai cốc. Tôi cám ơn anh và ăn hết nhẵn hộp sushi trên, mặc dù nó đủ cho cả hai người. Đến khi chúng tôi không thể uống sakê tiếp tục được nữa, anh mời tôi về ngủ ở nhà anh, nhưng tôi nói muốn ngủ một mình ngoài bãi biển, và anh cũng không nài nữa. Khi đứng lên ra về, anh lấy một tờ 5000 Yên đã gập lại từ túi quần ra và nhét nó vào túi áo tôi. "Đây," anh nói, "hãy ăn tử tế lấy vài bữa đi. Trông anh khiếp quá."
Tôi nói anh đã giúp tôi quá nhiều và tôi không thể còn nhận tiền của anh như vậy được, nhưng anh không chịu cầm lại tiền. "Không phải tiền đâu," anh bảo, "đó là tình cảm của tôi. Đừng phải nghĩ nhiều, cứ nhận đi." Tôi chỉ còn biết cảm ơn anh.
Khi anh đi rồi, tôi bỗng nhớ đến cô bạn gái cũ của mình, người con gái đầu tiên đã ngủ với tôi vào năm cuối trung học. Tôi lạnh người khi nhận ra mình đã xử tệ với cô như thế nào. Tôi đã không để ý gì đến những ý nghĩ và tình cảm của cô, hoặc nỗi đau khổ mà tôi đã gây ra cho cô. Cô thật dịu dàng ngoan ngoãn, nhưng khi đã có cô thì tôi lại quên hết những gì mình đang có và không hề nghĩ đến cô nữa. Hiện giờ cô làm gì? Và cô có tha thứ cho tôi không?
Một cơn buồn nôn dâng lên khôn cưỡng và tôi nôn oẹ dữ dội cạnh chiếc vỏ tàu. Đầu nhức như búa bổ vì uống quá nhiều sakê, tôi giận mình đã nói dối anh thuyền chài và lấy tiền của anh ta. Đã đến lúc phải về Tokyo rồi; tôi không thể sống như thế này mãi. Tôi nhét túi ngủ vào ba-lô, luồn tay khoác nó lên vai rồi đi bộ ra ga tàu hoả địa phương. Tôi bảo người bán vé tôi muốn đến Tokyo càng nhanh càng tốt. Ông ta kiểm tra lại bảng giờ tàu rồi nói tôi có thể đến tận Osaka vào sáng mai nếu chịu khó đi tàu đêm và đổi tàu một lần ở nửa đường, rồi từ Osaka lấy tàu siêu tốc về Tokyo. Tôi cám ơn và dùng tờ 5000 Yên của anh thuyền chài để mua vé. Ngồi đợi tàu, tôi mua một tờ nhật bảo và xem ngày tháng: mồng hai tháng Mười, 1970. Vậy là tôi đã đi lang thang cả một tháng ròng. Tôi biết đã đến lúc phải trở lại với thế giới thực tại.
Một tháng lang thang ấy chẳng nâng đỡ gì cho tôi về mặt tinh thần mà cũng chẳng làm dịu được cơn choáng vì cái chết của Naoko. Tôi về đến Tokyo cũng vẫn tâm trạng gần như lúc bỏ đi. Thậm chí tôi không dám gọi cho Midori. Tôi biết nói gì với cô? Và bắt đầu thế nào đây? "Mọi chuyện đã xong rồi, bây giờ cậu và mình có thể hạnh phúc bên nhau" Không được, không thể nói vậy được. Mà dù tôi có nói thế nào đi nữa thì sự thật cũng khác gì đâu: Naoko đã chết, còn Midori thì vẫn ở đây. Naoko là một nhúm tro trăng trắng, còn Midori là một con người đang thở và đang sống.
Tôi bị đè bẹp bởi cảm thức về chính tình trạng bi đát của mình. Về đến Tokyo rồi, nhưng tôi không làm gì, chỉ đóng cửa ở tịt trong phòng nhiều ngày liền. Kí ức tôi vẫn còn gắn liền với người chết chứ không phải người sống. Những căn phòng tôi đã dành riêng cho Naoko trong kí ức đều đã cửa đóng then cài, đồ đạc phủ vải trắng, bạu cửa sổ phủ đầy bụi. Phần lớn thời gian trong ngày tôi ở tịt trong những căn phòng ấy. Và tôi nghĩ đến Kizuki. "Thế là cuối cùng cậu đã làm cho Naoko thành của cậu được rồi," tôi thấy mình nói với Kizuki. "Dù sao, ngay từ đầu cô ấy cũng là của cậu. Bây giờ, có lẽ cô ấy đã về đúng chỗ của mình. Nhưng trong cái thế giới này, cái thế giới bất toàn này của người sống, mình đã làm hết sức mình cho Naoko. Mình đã cố thiết lập một cuộc sống mới cho hai đứa bọn mình. Nhưng thôi quên chuyện đó đi, Kizuki à. Mình trả lại cô ấy cho cậu. Gì thì gì, cậu mới là người cô ấy chọn. Cô ấy đã tự treo cổ mình trong những khu rừng tăm tối như những tầng sâu thẳm của chính cõi lòng cô ấy. Ngày xưa, cậu đã lôi tuột một phần con người mình vào thế giới của người chết, và bây giờ thì Naoko vừa lôi một phần nữa của mình vào đó. Đôi khi mình cảm thấy như mình là người phải trông nom một nhà bảo tàng - một nhà bảo tàng rộng lớn và trống rỗng không bao giờ có ai vào xem, và mình phải trông nom nó để cho chính mình xem mà thôi."
Bốn ngày sau khi về lại Tokyo, tôi nhận được thư của Reiko. Phát chuyển đặc biệt. Chỉ là một thông báo ngắn:
"Đã nhiều tuần lễ tôi không thể liên lạc được với cậu, và tôi đang lo lắng đây. Làm ơn gọi cho tôi. Lúc chín giờ sáng hoặc chín giờ tối. Tôi sẽ đợi máy."
Tôi gọi chị lúc chín giờ tối hôm đó. Reiko nhấc máy ngay lập tức.
"Cậu có sao không thế?" Chị hỏi.
"Cũng không có gì," tôi nói.
"Tôi đến thăm cậu vào ngày kia có được không?"
"Thăm tôi? Ở Tokyo này ư?"
"Đúng thế đấy. Tôi muốn được nói chuyện thật thoả thích với cậu."
"Chị sẽ ra khỏi khu an dưỡng chứ?"
"Chỉ như thế tôi mới có thể đến thăm cậu, đúng không nào? Dù sao, cũng đã đến lúc tôi phải rời khỏi nơi này. Ở đây cũng đã tám năm rồi còn gì. Nếu họ giữ tôi nữa, tôi sẽ bắt đầu thối rữa mất."
Tôi thấy rất khó nói. Sau một lúc im lặng, Reiko tiếp tục: "Tôi sẽ đi tàu siêu tốc chuyến ba giờ hai mươi ngày kia. Cậu đón tôi ở ga được không? Cậu còn nhớ mặt mũi tôi không đấy? Hay Naoko chết rồi thì cậu chẳng còn nghĩ gì đến tôi nữa?"
"Làm gì có chuyện ấy," tôi nói. "Hẹn gặp chị ở ga Tokyo ngày kia lúc ba giờ hai mươi."
"Cậu sẽ nhận ra tôi dễ thôi. Một bà già có hộp đàn ghi-ta. Chẳng có mấy người như vậy đâu."
Và quả thực là tôi nhận ngay ra Reiko trong đám đông.
Chị mặc áo tây đàn ông vải tuýt, quần dài trắng, và giày thể thao màu đỏ. Tóc chị vẫn ngắn như thế, vẫn từng chỏm nhọn lởm chởm như thế. Chị nở một nụ cười sảng khoái đầy nếp nhăn lúc nhìn thấy tôi, và tôi thấy mình mỉm cười đáp lại. Tôi đỡ chiếc vali cho chị và đi bên cạnh chị ra của đi tàu về vùng ngoại ô phía Tây.
"Này Watanabe, cậu đeo cái vẻ mặt kinh khủng này từ hao giờ thế hả? Hay bây giờ ở Tokyo đang có mốt như vậy?"
"Tôi vừa đi đây đi kia một thời gian, ăn uống linh tinh quá," tôi nói. "Chị thấy tàu siêu tốc thế nào?"
"Chán chết được? Chị nói. "Không mở được cửa sổ. Tôi chỉ muốn mua một suất ăn trưa trong hộp ở một nhà ga nào đó mà không được."
"Họ có bán thức ăn trên tàu mà."
"Có, nhưng toàn bánh kẹp trong gói nilông đắt chết người. Đến ngựa đói cũng không muốn đụng đến cái thứ đó. Tôi thường thích ăn cơm suất trong hộp ở nhà ga Gotenba."
"Ngày xửa ngày xưa, trước khi có tàu siêu tốc."
"Thì tôi chính là một kẻ từ ngày xửa ngày xưa trước khi có tàu siêu tốc mà!"
Ngồi trên tàu đi Kichioji, Reiko ngắm phong cảnh vùng Musashino trôi qua ngoài cửa sổ với tất cả vẻ tò mò của một khách du lịch.
"Tám năm có thay đổi nhiều không chị?" Tôi hỏi.
"Cậu không biết tôi đang cảm thấy những gì bây giờ, đúng không, Watanabe"
"Đúng, tôi không biết."
"Tôi đang sợ," chị nói. "Sợ đến mức tôi có thể cứ thế phát điên lên. Tôi không biết mình sẽ phải làm gì, tự nhiên lại ném mình ra ngoài như thế này." Chị ngừng một chút. "Nhưng cái câu "Cứ thế phát điên lên nghe cũng hay đấy chứ cậu?"
Tôi mỉm cười và cầm lấy tay chị. "Đừng lo," tôi nói. "Chị sẽ ổn mà. Chị đã đến được tận đây nhờ sức mạnh của chính mình."
"Chẳng phải vì sức mạnh của chính mình mà tôi ra khỏi được đó đâu" Reiko nói. "Chính là vì Naoko và cậu đấy. Thiếu Naoko tôi không thể chịu đựng nổi ở đó nữa, và tôi phải đến Tokyo để nói chuyện với cậu. Có thế thôi. Nếu không có chuyện gì, có lẽ tôi sẽ ở lại đó suốt đời mất."
Tôi gật đầu.
"Từ giờ thì chị tính sẽ làm gì?" tôi hỏi Reiko.
"Tôi sẽ đi Asahikawa," chị nói. "Mãi tận trên Hokkaido hoang đã! Một người bạn hồi đại học có một cái trường nhạc ở đó. Cô ấy đã đề nghị tôi đến giúp một tay hai ba năm nay rồi. Tôi bảo cô ấy ở đó quá lạnh đối với tôi Mà thật thế, chẳng nhẽ mãi mới lấy lại được tự do thì tôi lại phải lên tận Asahikawa sao? Rất khó phấn chấn vì một nơi khỉ ho cò gáy như thế?"
"Không đến nỗi chán thế đâu," tôi nói và bật cười. "Tôi đã đến đấy rồi. Thị trấn ấy làm gì đến nỗi nào. Nó có một không khí riêng rất đặc biệt."
"Cậu chắc không?"
"Tuyệt đối chắc mà. Còn hay hơn Tokyo nhiều."
"Ôi chao," chị nói. "Tôi cũng chẳng biết đi đâu nữa, và cũng đã gửi hết đồ đoàn lên đấy rồi. Này Watanabe, cậu phải hứa sẽ đến thăm tôi ở Asahikawa đấy nhé."
"Tất nhiên rồi. Nhưng chị có phải đi lên đó ngay không? Chị có ở lại Tokyo được ít ngày không?"
"Tôi cũng thích quanh quẩn ở đây vài ngày nếu có thể được. Cậu cho tôi tá túc được không? Tôi sẽ không làm phiền cậu chứ?"
"Không có vấn đề gì," tôi nói. "Tôi có một cái khoang để đồ rộng lắm, tôi sẽ ngủ bằng chăn túi ở trong đó."
"Tôi không thể làm thế với cậu được."
"Có gì đâu mà, thật đấy. Cái khoang để đồ ấy rộng lắm.
Reiko gõ gõ ngón tay theo nhịp lên mặt cái hộp đàn kẹp giữa hai đầu gối. "Có lẽ tôi phải làm quen một tí trước khi lên Asahikawa. Tôi quên hết nếp sống bên ngoài rồi. Tôi thiếu thốn nhiều thứ lắm, và tôi lại lo sợ nữa. Cậu nghĩ có giúp được tôi một tí không? Tôi chỉ có mỗi cậu để hỏi thế thôi đấy."
"Làm được gì là tôi sẽ làm hết để giúp chị," tôi nói.
"Hy vọng là tôi không làm vướng đường cậu."
"Tôi chẳng có đường nào để cho chị làm vướng cả."
Chị nhìn tôi và nhếch cả hai mép lên trong một nụ cười, nhưng không nói gì cả.
Chúng tôi hầu như không nói gì nữa trong suốt quãng đường đến ga Kichijoji và từ đó về chỗ tôi bằng xe buýt. Chúng tôi chỉ trao đổi bâng quơ vài câu về những thay đổi ở Tokyo, về thời gian Reiko còn ở đại học âm nhạc, và chuyến đi của tôi đến Asahikawa, nhưng không ai đả động đến Naoko. Mười tháng đã trôi qua kể từ lần trước tôi gặp Reiko, nhưng tôi thấy bình tĩnh và thoải mái lạ lùng khi sánh bước bên chị. Đây là một cảm giác quen thuộc, tôi nghĩ thầm, và chợt nhận ra đó chính là cảm giác tôi vẫn thường có khi đi bộ khắp phố phường Tokyo cùng với Naoko. Và cũng như Naoko với tôi đã chia nhau cái chết của Kizuki, Reiko và tôi nay lại đang chia nhau cái chết của Naoko. Ý nghĩ đó khiến tôi không thể nói năng gì được nữa. Reiko tiếp tục nói một lúc, nhưng khi thấy tôi cứ nín thinh, chị cũng im lặng luôn. Chúng tôi chẳng ai mở mồm trên xe buýt.
 


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui