Chương 6
Reiko và tôi rời khu nhà chính, vượt qua một trái đồi, rồi đi qua một bể bơi, mấy sân bóng quần, và một sân bóng rổ. Hai người đàn ông - một người trung niên gày gò và một thanh niên béo phục phịch - đang chơi bóng quần. Cả hai đều sử dụng vợt thành thạo, nhưng tôi có cảm tưởng như họ đang chơi cái gì đó không phải bóng quần. Có vẻ như cả hai đều có chung một mối quan tâm đặc biệt đến cách nảy qua nảy lại của trái bóng và đang cùng nghiên cứu lĩnh vực đó. Họ đánh trái bóng qua lại với một thái độ tập trung rất lạ. Cả hai đều đẫm mồ hôi.
Anh thanh niên ở bên phía sân gần chúng tôi bỗng để ý thấy Reiko và chạy ra. Hai người trao đổi vài lời, miệng mỉm cười. Gần sân bóng, một người đàn ông có gương mặt không biểu lộ tí gì đang điều khiển một cái máy cắt cỏ lớn.
Đi tiếp chúng tôi đến một đám rừng trong đó có khoảng mười lăm hoặc hai mươi ngôi nhà nhỏ ngay ngắn đứng cách quang nhau khá xa. Ở trước cửa hầu hết các ngôi nhà ấy đều thấy có một chiếc xe đạp sơn vàng như của ông thường trực.
"Đây là khu nhà của gia đình cán bộ," Reiko nói. "Chúng tôi có đủ thứ, hầu như không phải vào thành phố," chị nói khi chúng tôi sánh bước. "Về thực phẩm thì như tôi đã nói, chúng tôi hầu như tự cấp được hết. Trứng thì chúng tôi nuôi gà đẻ. Chúng tôi có sách, đĩa hát, trang thiết bị thể dục, có cửa hàng bách hoá nhỏ riêng của chúng tôi, và tuần nào cũng có thợ cắt tóc và trang điểm đến phục vụ. Thậm chí cuối tuần nào cũng có chiếu phim. Cần thứ gì đặc biệt thì đề nghị cán bộ mua hộ trong thành phố. Quần áo thì đặt mua qua catalogue. Sống ở đây không có vấn đề gì hết."
"Nhưng không ai được phép vào thành phố phải không?"
"Đúng thế, cái đó thì chúng tôi không được phép. Tất nhiên nếu có chuyện gì đặc biệt, như phải đến nha sĩ chẳng hạn, thì lại là chuyện khác, nhưng quy định chung là chúng tôi không được vào phố. Ai cũng hoàn toàn được tự do ra khỏi nơi này, nhưng đã ra là không được trở lại nữa. Coi như cắt cầu. Không thể vào phố mấy ngày rồi lại mong quay lại đâu. Cũng là hợp lý thôi. Nếu cứ vậy. thì rồi ai cũng đi đi về về suốt."
Qua khỏi đám rừng chúng tôi đến một sườn đôi thoai thoải. Ở những quang cách không đều nhau dọc sườn đồi ấy là một dãy những ngôi nhà gỗ hai tầng có cái gì đó là lạ. Rất khó nói cái gì làm cho chúng có vẻ là lạ như thế, nhưng đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi mới nhìn thấy chúng. Phản ứng ấy của tôi rất giống với cảm giác khi ta thấy cái gì đó không có thực mà lại được vẽ ra một cách rất thú vị. Tôi bỗng nghĩ ra rằng có thể đó là cái cảm giác khi ta thấy một bộ phim hoạt hoạ của Wall Disney vẽ dựa trên một bức tranh của Munch. Tất cả những ngôi nhà ấy đều có hình dáng và màu sắc hệt như nhau, gần như một khối vuông, trái phải hoàn toàn đối xứng nhau, với cửa ra vào lớn và rất nhiều cửa sổ. Con đường chạy vòng vèo qua khu nhà ấy như một lộ trình giả tạo để luyện tập trong một trường dạy lái xe. Trước cửa nhà nào cũng có một dãy bụi hoa xén tỉa cẩn thận.
Không đâu có bóng người, và các cửa sổ đều buông rèm kín mít.
"Đây gọi là Khu C. Phụ nữ sống ở đây. Chúng tôi đấy! có mười nhà, mỗi nhà có bốn đơn nguyên, mỗi đơn nguyên hai người. Vị chi là tám mươi người tất cả, nhưng hiện thời chúng tôi chỉ có ba mươi hai người."
"Yên tĩnh quá, phải không ạ"
"Ấy là vì lúc này không có ai ở nhà," Reiko nói. "Tôi thì được phép tự do đi lung tung thế này, nhưng mọi người khác đều đang bận làm các việc theo lịch riêng của họ. Có người lúc này đang tập thể dục, có người đang làm vườn, có người đang dự nhóm điều trị, có người đang đi hái thuốc. Mỗi người tự lên lịch cho chính mình. Đề xem bây giờ Naoko đang làm gì nào? Có lẽ cô ấy đang sơn hoặc lăn giấy dán tường ở đâu đó. Tôi không nhớ. Một số việc như vậy chỉ kết thúc vào lúc năm giờ."
Reiko vào ngôi nhà có đánh dấu "C-7", lên cầu thang ở cuối hành lang, rồi mở cánh cửa bên phải vẫn để không khoá. Chị dẫn tôi vào căn hộ đó, một đơn nguyên bốn phòng thú vị mặc dù hơi đơn điệu: phòng khách, phòng ngủ, bếp và nhà tắm. Không có đồ đạc gì thừa hoặc trang trí gì không cần thiết, mà vẫn không có vẻ khắc khổ. Chẳng có gì đặc biệt, nhưng ở trong căn hộ ấy cũng kiểu như ở bên cạnh Reiko: ta có thể thư giãn và để mọi căng thẳng rời bỏ thân xác mình. Phòng khách có một cái sô-pha, một cái bàn, và một cái ghế xích đu. Trong bếp có một cái bàn nữa. Bàn nào cũng có một cái gạt tàn to tướng. Phòng ngủ có hai giường, hai bàn viết và một khoang tủ quần áo. Giữa hai đầu giường là một cái bàn đêm có cây đèn và một cuốn sách bìa mềm đọc dở úp trên đó. Bếp có một cái nồi điện nhỏ cân xứng với một cái tủ lạnh nhỏ, và được bố trí thiết bị để có thể nấu nướng đơn giản.
"Không có bồn tắm, chỉ có hương sen, nhưng cũng được đấy chứ, cậu thấy thế nào? Tắm bồn và giặt giũ thì vào nhà tắm chung."
"Quá tốt rồi. Phòng học xá của tôi chỉ có một cái trần và một cửa sổ"
"A, nhưng cậu chưa thấy mùa đông ở đây," Reiko nói, chạm tay vào lưng tôi để hướng tôi vào cái sô-pha rồi ngồi xuống cạnh tôi. "Dài và khắc nghiệt. Chẳng có gì ngoài tuyết và tuyết và tuyết, nhìn đâu cũng chỉ có thế. Ẩm thấp và lạnh thấu xương. Suốt mùa đông chúng tôi chỉ xúc tuyết. Hầu hết là chỉ ở trong nhà cho ấm, nghe nhạc, tán chuyện hoặc đan lát. Nếu không rộng rãi thế này thì chết ngạt. Cậu sẽ hiểu nếu cậu đến đây vào mùa đông."
Reiko thở dài thườn thượt như đang mường tượng cảnh mùa đông, rồi úp cả hai bàn tay lên hai đầu gối.
"Đây sẽ là giường của cậu," chị nói, vô vỗ cái sô-pha. "Chúng tôi ngủ trong phòng kia, còn cậu sẽ ngủ ở đây Thế được chứ, cậu nghĩ sao?"
"Nhất định là được rồi."
"Vậy là xong nhé," Reiko nói. "Chúng tôi sẽ về khoảng năm giờ. Naoko và tôi đều có việc phải làm cho đến lúc đó. Cậu chịu khó ở đây một mình được không?"
"Được chứ ạ. Tôi sẽ làm bài tiếng Đức của mình."
Khi Reiko đã đi rồi, tôi nằm dài trên sô-pha và nhắm mắt lại. Tôi nằm đó, đắm mình vào cái im lặng, rồi bỗng nhớ lại thời Kizuki và tôi đi chơi bằng môtô với nhau. Thì ra đó cũng là vào mùa thu. Mùa thu, mấy năm rồi nhỉ. Phải rồi, bốn năm. Tôi nhớ lại mùi chiếc áo da của Kizuki và tiếng động cơ đinh tai của chiếc Yamaha 125 phân khối màu đỏ. Chúng tôi phóng đến một nơi mãi tít dưới bở biển rồi trở lại ngay tối hôm đó, mệt nhoài. Chẳng có gì đặc biệt trong chuyến đi ấy, nhưng tôi nhớ nó rất rõ. Gió thu quật rát hai bên tai, và vừa ngẩng nhìn trời vừa bám chặt lấy cái áo da của Kizuki, tôi ngớ như mình có thể bị gió thổi bay lên vũ trụ.
Tôi nằm đó rất lâu, mặc cho tâm trí lang thang từ kí ức này sang kí ức khác. Không hiểu sao, khi nằm trong gian phòng ấy tôi bỗng nhớ lại những kỉ niệm xa xôi mà trước đấy tôi rất ít khi hoặc chưa bao giờ nhớ đến. Nhiều kỉ niệm thật vui, nhưng nhiều cái buồn man mác.
Như thế này bao lâu rồi nhỉ? Tôi đắm đuối trong dòng thác hồi tưởng (quả thực là một dòng thác, như một ngọn suối vọt ra từ khe đá) đến nỗi không biết là Naoko đã lẳng lặng mở cửa và bước vào nhà. Tôi mở mắt, và nàng đã ở đó rồi. Tôi ngẩng đầu và nhìn vào đôi mắt nàng một lúc lâu. Nàng đang ngồi lên tay ghế sô-pha nhìn tôi. Lúc đầu tôi nghĩ nàng chỉ là một hình ảnh hiện ra từ những kí ức của tôi. Nhưng đó là Naoko bằng xương bằng thịt.
"Đang ngủ à?" nàng thì thầm.
"Không," tôi nói, "chỉ đang nghĩ". Tôi ngồi dậy và hỏi, "Cậu khoẻ không?"
"Mình khoẻ," nụ cười nho nhỏ của nàng giống như một cảnh trí nhợt nhạt xa vời. "Mình không có nhiều thời gian đâu. Đáng ra mình không được ở nhà bây giờ. Chỉ chạy đi được một phút thôi, mình phải trở lại ngay. Cậu có ghét tóc mình không?"
"Hoàn toàn không," tôi nói. "Xinh đấy chứ." Tóc nàng để giản dị như kiểu nữ sinh, một bên có dải buộc như nàng vẫn buộc ngày trước. Nó rất hợp với nàng, như thể lúc nào nàng cũng buộc tóc như thế. Nàng giống như một trong những bé gái xinh đẹp vẫn thường thấy trong các bức tranh khắc gỗ thời Trung cổ.
"Thật khổ vì đầu với tóc, mình nhờ Reiko cắt đấy. Cậu nghĩ thế này đẹp thật à?"
"Thật mà."
"Mẹ mình ghét lắm." Nàng cởi dải buộc, buông tóc xuống, vuốt thẳng, rồi buộc trở lại. Cái dải có hình giống một con bướm.
"Mình muốn gặp cậu một mình trước khi cả ba tụi mình ở với nhau. Không phải là mình có gì đặc biệt muốn nói. Mình chỉ muốn nhìn mặt cậu và quen với việc có cậu ở đây. Nếu không, mình sẽ khó lòng làm quen lại với cậu. Mình kém giao tiếp quá."
"Thật vậy sao? tôi hỏi. "Thế này đã được chưa?"
"Hơi hơi rồi," nàng nói, lại đưa tay lên dải buộc đầu. "Nhưng hết giờ rồi. Mình phải đi đã."
Tôi gật đầu.
"Toru này," nàng bắt đầu, "Mình thực lòng cảm ơn cậu đã đến thăm. Mình hạnh phúc lắm. Nhưng nếu ở đây mà cậu thấy nặng nề, cậu cứ việc bảo mình ngay nhé. Đây là một nơi đặc biệt, và nó có một chế độ đặc biệt, và có những người không thể hoà nhập được. Vậy nếu cậu thấy thế thì hãy làm ơn ình biết thực lòng nhé. Mình sẽ không sao đâu. Ở đây chúng mình chân thực với nhau. Chúng mình nói với nhau mọi thứ với tháị độ hoàn toàn chân thực."
"Mình sẽ cho cậu biết," tôi nói. "Mình sẽ chân thực."
Naoko ngồi xuống và dựa vào tôi trên sô-pha. Khi tôi quàng tay quanh người nàng, nàng dựa đầu lên vai tôi và dụi mặt vào cổ tôi. Nàng giữ tư thế ấy một lúc, như thể đang đo nhiệt độ cho tôi. Ôm nàng trong tay, tôi thấy ngực mình ấm áp. Một lúc sau, nàng lẳng lặng đứng dậy rồi đi ra cửa, cũng im lìm như lúc nàng vào nhà.
Naoko đi rồi, tôi ngủ thiếp đi trên sô-pha. Tôi không định thế, nhưng cứ thiếp đi vào một giấc ngủ sâu chưa từng có đã rất lâu rồi, và tràn đầy một cảm thửc về sự có mặt của Naoko. Trong bếp là những bát đĩa Naoko vẫn dùng, trong nhà tắm là chiếc bàn chải đánh răng Naoko vẫn dùng, và trong phòng ngủ là chiếc giường Naoko vẫn ngủ. Ngủ say trong căn hộ của nàng, tôi vắt kiệt cảm giác mệt nhọc ra khỏi từng tế bào của thân xác mình, từng giọt một. Tôi mơ thấy một con bướm đang bay lượn như múa trong ánh sáng mờ ảo.
Khi tỉnh lại, kim đồng hồ trên tay tôi chỉ bốn giờ ba mươì lăm phút. Ánh sáng đã khác, gió đã ngừng thổi, hình dạng nhưng đám mây cũng đã đổi khác. Tôi ra mồ hôi trong khi ngủ, nên lấy một chiếc khăn nhỏ trong ba-lô ra lau mặt và thay một chiếc áo chẽn mới. Vào trong bếp, tôi uống nước rồi đứng đó nhìn qua cửa sổ phía trên bồn rửa. Tôi đang nhìn thẳng sang một cửa sổ của toà nhà đối diện, bên trong thấy treo nhiều hình cắt giấy: một con chim, một đám mây, một con bò, một con mèo, tất cả được cắt rất khéo và được nối với nhau. Cũng như trước, không có bóng dáng một người nào ở quanh đó, và không có bất cứ một thứ tiếng động gì. Tôi cảm thấy như đang đứng một mình giữa một nơi hoang phế được chăm sóc rất cẩn thận.
Sau năm giờ thì mọi người bắt đầu lục tục quay về Khu C. Nhìn qua cửa sổ bếp, tôi thấy ba người đàn bà đi ngang qua ở bên dưới. Tất cả đều đội mũ nên tôi không thể đoán tuổi họ, nhưng nghe giọng nói thì họ có vẻ không còn trẻ nữa. Ngay sau khi họ khuất dạng sau góc nhà, lại thấy bốn người nữa xuất hiện ở cùng hướng đó và cũng biến mất sau góc nhà đó. Mọi vật đắm chìm trong một tâm trạng chiều tà. Qua cửa sổ phòng khách tôi có thể thấy rừng và một rặng đồi. Một dải nắng nhạt lửng lơ trên rặng đồi ấy. Naoko và Reiko về nhà cùng với nhau lúc năm rưỡi.
Naoko và tôi chào nhau đúng mực như thể mới gặp nhau lần đầu. Nàng có vẻ lúng túng thật sự. Reiko để ý thấy cuốn sách tôi đang đọc và hỏi đó là cuốn gì. Núi Thiêng của Thomas Mann, tôi bảo chị.
"Sao cậu có thể đem theo một cuốn sách như thế đến nơi này được nhỉ?" chị hỏi. Chị có lý, rõ quá rồi.
Sau đó Reiko làm cà-phê cho cả ba chúng tôi. Tôi kể cho Naoko về sự biến mất đột ngột của Quốc-xã và về lần cuối cùng chúng tôi còn thấy nhau, khi hắn cho tôi con đom đóm.
"Cậu ta biến mất như vậy thật đáng tiếc," nàng nói. "Mình vẫn muốn nghe thêm chuyện về cậu ta."
Reiko hỏi Quốc-xã là ai, tôi bèn kể cho chị nghe những câu chuyện đã thành cổ tích về hắn và chị được một mẻ cười vỡ bụng.
Thế giới thanh bình và tràn ngập tiếng cười mỗi khi được nghe chuyện về Quốc-xã.
Sáu giờ thì chúng tôi đến nhà ăn ở khu nhà chính ăn tối. Naoko với tôi ăn cá rán với rau trộn, rau luộc, cơm trắng và súp đậu tương. Reiko chỉ ăn rau trộn mì với cà-phê, rồi đến một điếu thuốc lá.
"Già rồi đâu có cần ăn nhiều," chị nói như để giải thích.
Khoảng hai mươi người khác đã đang ở trong nhà ăn. Trong khi chúng tôi ăn, có vài người nữa đến, và cũng vài người đi. Ngoài chuyện tuổi tác khác nhau của những người ở đây, quang canh nhà ăn cũng không khác là mấy so với ở khu học xá của tôi. Có cái khác là ở đây mọi người trò chuyện bằng một giọng đều đều. Không có hò hét mà cũng không có thì thầm, không ai cười, không ai khóc, không ai làm bộ tịch và kêu gào, chỉ có những đối thoại yên ắng, và tất cả đều bằng một giọng đều đều.
Người ta ăn thành từng mâm từ ba đến năm người, mỗi mâm có một diễn giả duy nhất mà cả mâm đều gật gù lắng nghe và tán thưởng, và khi người đó đã nói xong thì người khác lại bắt đầu lên tiếng. Tôi không thể biết mọi người đang nói những chuyện gì, nhưng cung cách của họ làm tôi nhớ đến trận bóng quần lạ lùng đã thấy hồi trưa. Tôi tự hỏi liệu Naoko có nói năng như thế không khi ăn cùng với họ, và lạ lùng thay, tôi bỗng thấy một thoáng cô đơn nhuốm màu ghen tị.
Ở bàn sau, một ông hói đầu mặc áo choàng trắng có điệu bộ oai vệ của một bác sĩ đang phải cầm cự với một thanh niên đeo kính trông rất lo lắng và một bà mặt chuột đứng tuổi về tác dụng của tình trạng mất trọng lượng đối vởi quá trình bài tiết các chất lỏng tiêu hoá. Hai người kia lắng nghe với những "Trời đất ơi" hoặc "Thật ư" chêm vào lúc này lúc khác, nhưng càng nghe ông hỏi nói năng tôi càng cảm thấy không biết ông ta có phải là bác sĩ thật không, mặc dù mặc áo choàng trắng.
Không ai trong nhà ăn để ý đặc biệt gì đến tôi. Không ai nhìn tôi, hoặc thậm chí có vẻ như biết có tôi ở đó. Sự có mặt của tôi chắc phải là một sự kiện hoàn toàn tự nhiên. Tuy vậy, có một lần, ông mặc áo trắng quay lại hỏi tôi "Anh sẽ ở lại đây bao lâu?"
"Hai đêm," tôi nói. "Thứ Tư thì tôi đi."
"Bây giờ thì ở đây đang đẹp, phải không nào? Nhưng anh phải trở lại vào mùa đông kia. Lúc ấy mởi thực là đẹp. Cái gì cũng rrắng muốt hết."
"Có thể lúc tuyết xuống thì Naoko cũng không ở đây nữa rồi," Reiko bảo ông ta.
"Đúng thế, nhưng mà, mùa đông mới thực là đẹp," ông ta nhắc lại với vẻ ảm đạm. Tôi lại càng không chắc ông có phải là bác sĩ hay không.
"Mọi người thường chuyện trò những gì vậy?" tôi hỏi Reiko. Chị có vẻ như chưa hiểu tôi hỏi gì.
"Bọn tôi nói chuyện gì với nhau ư? Thì những chuyện thường thường vậy thôi. Trong ngày có chuyện gì xảy ra, ai mới đọc được những sách gì, ngày mai thời tiết sẽ ra sao, cậu còn lạ gì. Chẳng nhẽ cậu tưởng sẽ có người nhảy lên và hò hét những chuyện như "Mai trời sẽ mưa nếu đêm nay gấu trắng ăn hết sao trên trời!" hay sao?"
"Không, không, tất nhiên là không rồi," tôi nói. "Tôi chỉ đang tự hỏi những đối thoại rì rầm kia là những chuyện gì mà thôi."
"Đây là một nơi yên ắng, nên mọi người nói năng yên ắng vậy thôi," Naoko nói. Nàng xếp xương cá thành một đống gọn ghẽ ở mép đĩa và chấm chấm miệng bằng một chiếc khăn tay. Ở đây không ai phải lên giọng làm gì Không cần phải thuyết phục ai về chuyện gì, cũng không cần phải làm cho ai phải chú ý."
"Có lẽ thế," tôi nói, nhưng khi đang ăn trong môi trường yên ắng ấy, tôi ngạc nhiên thấy mình nhớ tiếc âm thanh của một đám đông người. Tôi muốn nghe thấy tiếng cười và tiếng người hò hét vô cớ và nói những thứ linh tinh quá đáng. Đó cũng chính là thứ âm thanh đã làm tôi mệt mỏi trong nhiều tháng qua, nhưng ngồi ăn món cá trong gian phòng yên ắng bất thường ấy, tôi không thể nào thư giãn nổi. Cái nhà ăn ấy có không khí của một hội chợ máy công cụ chuyên dụng. Những người cùng quan tâm về một lĩnh vực chuyên biệt tụ họp với nhau ở một nơì và trao đổi thông tin mà chỉ có họ mới hiểu được.
Trở lại phòng sau bữa ăn, Naoko và Reiko tuyên bố họ sẽ đến nhà tắm chung của Khu C và nếu tôi không ngại phải tắm hương sen thì tôi có thể tắm ở buồng tắm trong nhà. Tôi bảo sẽ tắm ở nhà, và sau khi họ đã đi, tôi cởi quần áo, xối nước tắm và gội đầu. Tôi tìm thấy một đĩa nhạc Bill Evans trên giá sách và vừa nghe nó vừa lau đầu thì bỗng nhớ ra đó chính là cái đĩa tôi đã nghe ở phòng Naoko đêm hôm sinh nhật nàng, cái đêm mà nàng đã khóc và tôi đã ôm nàng vào lòng. Chuyện đó mới chỉ có sáu tháng trước đây, nhưng có vẻ như đã thành một quá khứ rất xa vời. Có lẽ vì tôi đã nghĩ đến nó quá nhiều, đến mức làm méo mó cả cám thức của mình về thời gian.
Trăng thật sáng. Tôi tắt hết đèn rồi nằm dài trên sô-pha nghe tiếng dương cầm của Bill Evans. Tràn vào qua cửa sổ, ánh trăng hắt nhiều bóng tối đổ dài và làm tường nhà loang lổ những mảng như mực tàu vẽ bút nhòe. Tôi lấy trong ba-lô ra bình rượu kim loại, để cho rượu chảy vào đầy miệng, thả cho cảm giác ấm áp chậm chạp lan từ cổ họng xuống bụng rồi từ đó toả đi khắp tứ chi. Sau ngụm cuối cùng, tôi đóng nắp bình và cất nó lại vào ba-lô Giờ thì ánh trăng có vẻ như đang nghiêng ngả cùng âm nhạc.
Hai mươi phút sau, Naoko và Reiko từ nhà tắm trở về.
"Ôi chao! Sao tối thế này, bọn tôi cứ tưởng cậu đã khăn gói về Tokyo mất rồi!" Reiko kêu lên.
"Sao lại thế được," tôi nói. "Bao nhiêu năm rồi tôi mới thấy trăng sáng như thế này. Tôi muốn nhìn trăng mà không có đèn đấy thôi."
"Thế này mới thích đấy," Naoko nói. "Chị Reiko, mình còn cây nến nào từ lần mất điện trước không nhỉ?"
"Có lẽ còn, trong ngăn kéo bàn bếp ấy."
Naoko mang ra một cây nến trắng lớn. Tôi thắp nến, nhỏ một ít sáp vào lòng một cái đĩa rồi dựng cây nến lên đó. Reiko dùng lửa nến châm thuốc. Khi ba chúng tôi ngồi đối diện cây nến giữa khung cảnh yên ắng ấy, có vẻ như chúng tôi bắt đầu cảm thấy như mình là những kẻ duy nhất còn lại của loài người ở một góc xa thẳm của thế giới. Bóng trăng im lìm gặp gỡ và trộn lẫn với bóng nến lung linh trên những mảng tường trắng của căn hộ.
Naoko với tôi ngồi cạnh nhau trên sô-pha, còn Reiko ngồi ghế xích đu đối diện chúng tôi.
"Mình uống tí vang chứ?" Reiko hỏi tôi.
"Mọi người được phép uống rượu à?" tôi hỏi, hơi ngạc nhiên.
"Thật ra thì không," Reiko nói, gãi gãi tai ra bộ lúng túng. "Nhưng họ cũng sẵn lòng bỏ quá cho chuyện ấy nếu chỉ là vang hoặc bia và đừng có quá chén. Có một bạn cán bộ thỉnh thoảng vẫn mua một ít cho tôi."
"Bọn mình vẫn uống với nhau," Naoko nói với một giọng láu lỉnh. "Chỉ hai bọn mình thôi."
"Thế mới hay," tôi nói.
Reiko lấy từ tủ lạnh ra một chai vang trắng, dùng cái mở nút chai khui nó ra, và đem ra ba cái cốc pha lê. Thứ vang ấy có một hương vị thơm ngon và thanh khiết như rượu nhà làm. Khi hết đĩa hát, Reiko lôi từ dưới gầm giường ra một cây ghi-ta, và sau khi lên dây đàn với vẻ âu yếm, chị bắt đầu chơi một bài phức điệu chậm của Bach.
Ngón đàn của chị thỉnh thoảng có trượt nốt này nốt kia, nhưng đó thực sự là nhạc Bach, với một tình cảm chân thực, ấm áp, thân mật, và tràn ngập niềm vui biểu diễn.
"Tôi bắt đầu chơi ghi-ta ở đây," Reiko nói. "Không phòng nào có dương cầm, tất nhiên rồi. Tôi tự học, và không có tay ghi-ta lắm nên chẳng bao giờ chơi thật hay được nhưng tôi thật sự yêu cây đàn này. Nó nhỏ, giản dị và dễ dàng, như một căn phòng nhỏ ấm áp vậy."
Chị chơi thêm một bản Bach ngắn nữa, có vẻ như trích từ một tổ khúc. Mắt nhìn lửa nến, miệng nhấp rượu vang, tai nghe nhạc Bach, tôi cảm thấy những căng thẳng của mình đang cạn dần, trôi đi nơi khác. Khi Reiko kết thúc bài Bach, Naoko đề nghị chị chơi một cả khúc Beatles.
"Đến giờ âm nhạc theo yêu cầu đây," Reiko nói, nháy mắt về phía tôi. "Ngày nào cô cũng bắt tôi chơi Beatles, như thể tôi là ca nô của cô ta vậy."
Nói thế, nhưng Reiko vẫn chơi bài "Michelle" thật tuyệt "Bài này hay thật," chị nói. "Tôi rất thích bài hát ấy" Chị nhấp một ngụm rượu và rít một hơi thuốc lá.
"Nó khiến tôi tưởng như mình đang ở trên một đồng cỏ lớn dưới làn mưa nhè nhẹ."
Rồi chị chơi bài "Người đàn ông vô định" và bài "Julia", Trong khi chơi, thỉnh thoảng chị nhắm mắt và lắc đầu bên này bên kia. Chơi xong chị lại uống và rít thuốc.
"Chơi bài Rừng Na-uy đi," Naoko nói.
Reiko đem từ trong bếp ra một con mèo bằng sứ có điệu bộ đang ngoắc tay ra hiệu. Đó là một cái bình đựng tiền đề dành, và Naoko lấy từ trong ví mình ra một đồng 100 Yen rồi thả vào đó.
"Chuyện gì vậy?" tôi hỏi.
"Luật đấy," Naoko nói. "Khi mình yêu cầu bài Rừng Na-uy, mình phải bỏ 100 Yên vào bình. Đó là bài mình thích nhất, nên mình phải trả tiền. Mình chỉ yêu cầu bài này khi thực sự muốn nghe nó."
"Còn tôi thì có tiền mua thuốc lá!" Reiko nói.
Reiko co duỗi các ngón tay một lúc rồi chơi bài Rừng Na-uy. Chị vẫn chơi với tình cảm rất thật, nhưng không bao giờ để bản nhạc thành bi luỵ. Tôi lấy trong túi quần ra một đồng 100 Yên và thả vào bình.
"Cám ơn," Reiko nói với một nụ cười ngọt lịm.
"Bài hát đó có thể làm ình thật buồn," Naoko nói. "Củng không biết nữa, nhưng có lẽ mình tưởng tượng như đang lang thang trong một khu rừng sâu.
Mình chỉ có một mình và trời thì lạnh và tối, và chẳng có ai đến cứu mình. Chính vì vậy mà Reiko chỉ chơi nó khi nào mình yêu cầu thôi."
"Nghe như Cazablanca 1 ấy nhỉ? Reiko cười.
Sau bài Rừng Na-uy, chị chơi tiếp vài điệu nhảy bossa novas trong khi tôi không rời mắt khỏi Naoko. Đúng như nàng đã viết trong thư, trông nàng khoẻ mạnh hơn trước, rám nắng, thân hình rắn rồi nhờ tập thể dục và lao động ngoài trời. Mắt nàng vẫn là hai vùng nước trong sâu thẳm, môi nàng vẫn e ấp run rẩy như xưa, nhưng nhìn chung vẻ đẹp của nàng đã bắt đầu chuyển biến sang cũng cách của một người đàn bà trưởng thành. Hầu như không còn thấy vẻ sắc lạnh - cái sắc lạnh của một lưỡi dao mỏng - vẫn lẩn quất bên dưới vẻ đẹp của nàng ngày trước, và thay vào đó giờ đây là một vẻ bình thản im ắng đặc biệt dịu dàng. Tôi cảm thấy xúc động bởi vẻ đẹp dịu dàng mới mẻ này của nàng, và kinh ngạc thấy rằng một người đàn bà có thể đổi thay nhiều đến thế chỉ trong vòng nửa năm trời. Tôi thấy mình bị nàng cuốn hút hơn bao giờ hết, có lẽ hơn cả trước đây, nhưng ý nghĩ về những gì nàng đã mất trong thời gian qua cũng khiến tôi hoài tiếc. Sẽ không bao giờ nàng có lại được vẻ đẹp vị kỉ thường chỉ biết nghe theo tiếng gọi độc lập của chính mình vốn chỉ thấy ở nhưng cô gái vị thành niên chứ không thể ở ai khác.