Rừng Nauy

Nếu anh lấy em, anh sẽ phải lấy toàn bộ những rắc rối của em, và chúng tệ hơn anh tưởng nhiều lắm đấy."
"Anh ấy bảo anh ấy không cần, rằng không phải anh ấy chỉ muốn ngủ với tôi, mà là muốn cưới tôi làm vợ và san sẻ mọi thứ của tôi với anh ấy. Mà anh ấy nói thật. Anh ấy là loại người chỉ nói đúng điều mình nghĩ, và đã nói là làm. Thế là tôi đồng ý cưới anh ấy. Tôi chỉ có thể làm thế. Chúng tôi cưới, để xem nào, hình như là bốn tháng sau đó thì phải. Anh ấy cãi nhau với bố mẹ về chuyện lấy tôi, và họ từ anh ấy. Gia đình anh ấy là một dòng họ lâu đời ở vùng nông thôn thuộc Shikoku. Họ cho điều tra về tôi và phát hiện tôi đã phải vào viện hai lần. Làm gì mà họ chẳng phản đối. Cuối cùng, chúng tôi không tổ chức lễ cưới, mà chỉ ra đăng kí kết hôn rồi cùng nhau đi Hakone hai ngày. Thế là nhiều rồi, chúng tôi thấy hạnh phúc lắm. Và cuối cùng thì tôi vẫn là gái tân cho đến tận ngày lấy chồng. Lúc ấy tôi hai lăm tuổi! Cậu có tin được không?"
Reiko thở dài và lại nhặt trái bóng lên.
"Tôi tưởng chừng nào còn ở bên cạnh anh ấy là tôi còn yên ổn," chị tiếp tục. "Còn ở với anh ấy thì tôi còn tránh được những rắc rối của mình. Đó là điều quan trọng nhất đối với một chứng bệnh như của chúng tôi ở đây: một cảm giác tin tưởng. Nếu tôi trao gửi mình vào tay người này, tôi sẽ ôkê. Nếu tình trạng tôi chậm tồi tệ dù chỉ là một chút xíu - nếu chỉ một cái ốc bị lỏng ra một tí anh ấy sẽ biết ngay và sẽ siết nó lại với lòng kiên nhẫn và âu yếm vô bờ, sẽ xếp tất cả nhưng sợi dây bị rối về lại chỗ của chúng. Nếu có được cảm giác tin tưởng ấy, chứng bệnh của chúng tôi sẽ không trở lại nữa. Không còn phựt một cái nữa! Tôi thật sự hạnh phúc! Cuộc đời thật đáng sống! Tôi thấy như có ai đó vừa vớt tôi từ dưới biển giông bão lạnh lẽo rồi quấn chăn cho tôi và đặt tôi vào một chiếc giường ấm áp. Hai năm sau khi cưới, tôi sinh cháu và bận luôn chân luôn tay, không còn nhớ gì đến bệnh não của mình nữa. Tôi dậy sớm, làm việc nhà, chăm con, và cơm nước cho chồng đi làm. Ngày nào cũng như ngày nào, nhưng tôi hạnh phúc lắm. Có lẽ đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất trong đời tôi. Không biết nó kéo dài được bao nhiêu năm, ít nhất cũng được đến năm tôi ba mốt tuổi. Và rồi, đùng một cái, nó lại đứt phựt! Tôi lại vỡ vụn."
Reiko châm thuốc. Gió đã ngưng. Khói thuốc bay thẳng lên và biến mất vào bóng đêm. Lúc ấy tôi mới để ý thấy trời đầy sao.
"Có chuyện gì chăng?" tôi hỏi.
"Phải," chị nói, "một chuyện rất lạ lùng, như có ai đặt bẫy tôi vậy. Đến bây giờ tôi vẫn lạnh cả người mỗi khi nghĩ đến nó." Reiko xoa một bên thái dương bằng bàn tay không cầm thuốc. "Tôi xin lỗi đã bắt cậu phải nghe tất cả những chuyện này của tôi. Cậu đến đây thăm Naoko chứ không phải để nghe chuyện tôi mà."
"Nhưng tôi thực sự muốn nghe chuyện chị," tôi nói. "Nếu chị không phiền, tôi xin được nghe nốt."
"Thế là," Reiko bắt đầu, "Khi con gái vào mẫu giáo, tôi lại bắt đầu chơi đàn, dần dần, tí một. Không đánh cho ai nghe, mà chỉ ình thôi. Tôi bắt đầu với những bài ngăn ngắn của Bach, Mozart, Scarlatti. Tất nhiên, sau một thời gian dài như thế, nhạc cảm của tôi chưa thể hồi lại ngay được. Và ngón tay cũng chưa thể linh hoạt như ý muốn. Nhưng được quay lại với cây dương cầm như vậy khiến tôi phấn khích vô cùng. Đặt tay lên phím đàn, tôi nhận ra rằng tôi đã yêu âm nhạc biết bao nhiêu - và đã thèm khát nó biết bao nhiêu. Có khả năng chơi đàn cho chính mình thật cũng là một điều kì diệu."
"Như tôi đã nói, tôi bắt đầu chơi đàn từ hồi lên bốn, nhưng lúc ấy mới chợt nhận ra là chưa từng bao giờ chơi cho chính mình. Lúc nào tôi cũng chỉ cỏ thi cho đỗ hoặc chỉ để gây ấn tượng với người khác. Những cái đó cũng quan trọng, tất nhiên rồi, nếu ta muốn làm chủ một nhạc cụ. Nhưng đến một tuổi nào đó thì phải bắt đầu có ý thức biểu diễn cho chính mình. Cái đó mới là âm nhạc. Phải rời bỏ con đường thượng lưu âm nhạc và qua tuổi ba mốt tôi mới có khả năng nhận ra điều đó. Tôi nhanh nhanh chóng chóng cho con đến mẫu giáo và vội vã làm các việc trong nhà để có được một hai tiếng đồng hồ chơi những bài đàn mình yêu thích. Đến đó mọi chuyện đều tốt đẹp cả, phải không nào?"
Tôi gật đầu.
"Thế rồi một hôm có bà hàng xóm sang tìm tôi, một người mà tôi cũng biết đủ để chào nhau ngoài phố, và xin tôi dạy đàn cho con gái nhỏ; Chưa biết đứa con gái bà ấy - mặc dù sống cùng một khu phố nhưng nhà chúng tôi cũng cách xa nhau - nhưng theo lời bà thì nó vẫn thường đi ngang nhà tôi và rất thích nghe tôi đàn. Nó cũng đã có lúc nhìn thấy tôi ở đâu đó và giờ thì nhất định đòi mẹ phải đến xin tôi dạy đàn cho nó. Con bé đang học năm thứ tư trung học, đã từng học đàn nhiều người nhưng chẳng biết vì sao mà không có mấy tiến bộ và lúc bấy giờ thì đang chưa học ai hết.
"Tôi từ chối. Tôi đã nghỉ đàn ngần ấy năm, và nếu có dạy ai mới bắt đầu học đàn thì nghe còn có lí, chứ không thể nhận dạy một người đã học được mấy năm rồi. Ngoài ra, tôi còn đang bận chăm con, và dù không nói ra nhưng tôi biết là chẳng ai có thể dạy loại học trò cứ hay đổi thầy xoành xoạch. Thế đấy, nhưng rồi bà ta xin tôi chiếu cố cho con gái bà được gặp tôi một lần thôi. Một người dai như đỉa và không dễ gì thoái thác, và tôi đành đồng ý gặp con bé - chỉ gặp thôi. Ba ngày sau, con bé tự tìm đến nhà tôi. Nó thực là một tiểu thiên thần, với một vẻ đẹp trong veo, dịu dàng và tinh khiết. Tôi đã chưa từng, đến giờ cũng vậy, thấy một con bé nào đẹp như thế. Tóc nó dài và đen bóng như mực tầu mới mài, chân tay mảnh dẻ duyên dáng, mắt sáng, và một cái miệng nho mềm mại như thể có ai đó vừa mới nặn nên. Mới nhìn thấy nó tôi không nói được lời nào, nó quá đẹp. Ngồi trên cái sô-pha, nó biến cái phòng khách nhà tôi thành một lễ đường lộng lẫy. Nhìn thẳng vào nó mà thấy đau cả người, tôi phải nheo mắt lại. Vậy là, con bé trông như thế đấy Tôi vẫn còn có thể thấy nó rõ ràng."
Reiko nheo nheo mắt như thể đang thực sự nhìn thấy cô bé.
"Chúng tôi uống cà-phê và nói chuyện cả tiếng đồng hồ. Đủ thứ chuyện: âm nhạc, trường học của nó, nghĩa là đủ thứ. Tôi thấy ngay là con bé thông minh lắm. Nó biết cách nói chuyện. Nó có những ý kiến sắc sảo rõ ràng và có tài thu hút người khác vào câu chuyện. Tôi gần như phát hoảng. Chính xác cái gì làm cho con bé đáng sợ đến thế thì lúc ấy tôi chưa biết. Chỉ biết là con bé thông minh đến phát sợ. Trước mặt nó tôi mất hết khả năng suy xét bình thường của mình. Con bé trẻ và đẹp đến thế, và tôi bị choáng ngợp đến độ thấy mình chỉ còn là một tiêu bản thấp kém, một chống chế vụng về của nhân loại đã nghĩ xấu về nó chỉ vì chính đầu óc mình đã bị méo mó bẩn thỉu mà thôi."
Reiko lắc lắc đầu nhiều lần.
"Nếu tôi xinh đẹp và thông minh như nó, chắc tôi đã là một con người bình thường. Còn mong gì hơn nữa nếu ta thông minh như thế và đẹp đẽ như thế? Ta còn cần gì phải dằn vặt và vượt lên những yếu kém của mình nếu mọi người đều yêu quí ta đến thế? Lí do gì mới được chứ?"
"Con bé làm chuyện gì khủng khiếp với chị ư?"
"Là thế này, có thể nói rằng nó là một đứa dối trá bệnh hoạn. Nó bệnh hoạn, đơn giản và chính xác là như vậy. Nó bịa tạc đủ thứ. Và khi bịa những chuyện ấy, nó lại tin luôn là chúng có thật. Rồi bắt đầu thay đổi mọi thứ xung quanh cho phù hợp với câu chuyện ấy của nó. Và nó nhanh trí khủng khiếp, luôn luôn đi trước mình một bước để thu xếp những chi tiết sẽ có thể cảnh báo mình, và thế là mình không bao gỉờ nghĩ là nó đang nói dối. Trước hết, không ai có thể ngờ rằng một con bé xinh đẹp đến thế lại có thể dối trá về những chuyện tầm thường nhất. Tôi là một. Nó kể cho tôi hàng tấn chuyện dối trá trong suốt sáu tháng trời rồi tôi mới bắt đầu có linh cảm là có cái gì không ổn đây. Nó nói dối đủ mọi chuyện, mà tôi thì không ngờ vực gì cả. Tôi biết điều này nghe rất điên."
"Nó dối trá chuyện gì?"
"Khi tôi nói đủ mọi chuyện, thì nghĩa là đủ mọi chuyện." Reiko cười mai mỉa. "Khi nói dối chuyện gì đó, người ta phải bịa ra một mớ những dối trá khác đi cùng. Đó là một chứng bệnh hẳn hoi, gọi là mythomania. Người mắc chứng mythomania thông thường chỉ hay bịa ra những chuyện ngây ngô vô hại, và phần lớn ai nghe cũng biết ngay. Nhưng con bé này thì không. Để che đậy nó sẽ dám bịa những chuyện kinh khủng mà mặt vẫn tỉnh khô như không. Nó không từ một cái gì hết. Và nó sẽ bịa nhiều bịa ít tuỳ theo người nghe. Với mẹ nó hoặc đám bạn thân thì nó hầu như không nói dối, hoặc có thì nó sẽ rất thận trọng, cẩn thận chọn chuyện gì sẽ không bao giờ bị lộ mà thôi. Hoặc nếu có lộ rồi thì nó sẽ tìm cách chống chế hoặc xin lỗi với cái giọng thỏ the ấy của nó và với dôi mắt đẹp ròng ròng nước mắt. Lúc ấy thì không ai có thể giận nó được."
"Tôi vẫn không hiểu tại sao nó chọn tôi. Tôi là một nạn nhân nữa, hay là một nguồn cứu rỗi của nó? Tôi không biết. Tất nhiên, giờ thì chẳng sao nữa rồi. Mọi thứ đã kết thúc. Bây giờ tôi ra nông nỗi này đây."
Sau một lúc lâu im lặng, chị nói tiếp:
"Con bé nhắc lại những gì mẹ nó đã nói, rằng nó đã xúc động khi nghe tiếng đàn lúc đi ngang nhà tôi. Nó đã thấy tôi ngoài phố vài lần, và đã bắt đầu "tôn thờ" tôi. Nó dùng đúng từ ấy: "Tôn thờ". Tôi đỏ bừng hết cả mặt. Cậu biết đấy, được một thiên thần nhỏ bé xinh đẹp đến thế tôn thờ mình! Mà tôi vẫn nghĩ đó không hẳn là một lời dối trá hoàn toàn. Lúc ấy tôi đã qua tuổi ba mươi, tất nhiên, và tôi cũng chẳng bao giờ có thể thành đẹp đẽ và thông minh như nó, mà tôi cũng chẳng có tài gì đặc biệt, nhưng chắc là tôi phải có cái gì đó thu hút được nó, một cái gì đó mà nó không có, có lẽ thế. Chính cái đó đã khiến nó phải chú ý đến tôi lúc ban đầu. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn tin là thế. Chẳng phải là tự phụ đâu."
"Vàng, tôi nghĩ là tôi hiểu được điều chị nói."
"Con bé mang theo mấy bản nhạc và xin phép được đánh thử cho tôi nghe. Thế là tôi thuận theo. Nó chơi một bản Invention của Bach. Lối chơi của nó… cũng thú vị Hoặc có thể gọi là hơi là lạ. Nhưng không tầm thường. Tất nhiên là chưa được chau chuốt. Nó chưa từng học ở một trường chuyên nghiệp nào, và những bài học của nó là kiểu lúc có lúc không, nó có vẻ tự học là chính. Tiếng đàn của nó không có luyện tập. Thi vào trường nhạc mà chơi như vậy thì nó trượt ngay. Nhưng nó vẫn đánh ra bài. Mặc dù chín mươi phần trăm chẳng ra sao, nhưng vẫn có mười phần trăm được ở đó. Nó khiến cây đàn hát được. Đó là âm nhạc. Mà lại là một biến tấu phức điệu ngắn của Bach! Thế nên tôi mới thấy nó thú vị, và muốn biết tất cả về con bé ấy."
"Chẳng cần phải nói, thế giới này có dầy những đứa trẻ có thể đánh Bach hay hơn nó nhiều. Gấp hai mươi lần. Nhưng hầu hết lối chơi của bọn kia chẳng có gì trong đó cả. Trống rỗng hết. Con bé này thì kỹ thuật kém, nhưng nó lại có một ít cái gì đó thu hút được người nghe - ít nhất là tôi. Và tôi quyết định là dạy nó cũng đáng. Tất nhiên, không thể đặt vấn đề luyện lại cho nó thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp. Nhưng tôi cảm thấy có thể có khả năng làm cho nó thành một dương cầm thu hạnh phúc như tôi lúc ấy, và cả bây giờ nữa, một người có thể chơi đàn cho chính mình. Nhưng hy vọng ấy hoá ra hoàn toàn hão huyền. Con bé không phải loại người thích tặng lẽ làm việc của mình. Nó là một đứa trẻ luôn tính toán chi li để tận dụng mọi thứ chỉ cốt gây ấn tượng với mọi người. Nó biết chính xác là nó phải làm gì đề khiến mọi người khâm phục và khen ngợi nó. Và nó biết chính xác lối chơi nào sẽ hấp dẫn được tôi. Tôi chắc là nó đã tính toán mọi thứ, và đã vận dụng hết những thứ đó vào việc tập đi tập lại những đoạn nhạc chỉ cốt để làm vừa lòng tôi. Tôi vẫn có thể như thấy nó đang làm những chuyện ấy trước mắt."
"Vậy mà, đến tận bây giờ, sau khi đã hiểu rõ tất cả những cái đó, tôi vẫn nghĩ đó là một lối chơi tuyệt vời và nếu được nghe lại tôi sẽ vẫn thấy ớn lạnh sống lưng. Mặc dù đã biết mọi khuyết tật của nó, mọi dối trá và xảo quyệt của nó, tôi vẫn thấy xúc động. Tôi nói cậu nghe, trên đời này có những chuyện như vậy đấy."
Reiko hắng giọng khan một cái rồi ngưng bặt.
"Vậy chị nhận con bé làm học trò chứ?" tôi hỏi.
"Ờ. Mỗi tuần một buổi. Vào sáng thứ Bảy. Nó nghỉ học văn hoá vào thứ Bảy. Nó không nghỉ buổi đàn nào, không đến muộn bao giờ, và là một học trò lí tưởng. Nó luôn tập bài đầy đủ. Buổi nào học xong chúng tôi cũng ăn bánh và chuyện trò."
Đến đó, Reiko bỗng liếc nhìn đồng hồ như chợt nhớ ra chuyện gì.
"Mình nên về thôi chứ? Tôi thấy hơi sốt ruột về Naoko. Tôi chắc cậu vẫn không hề quên cô ấy, đúng không?"
"Tất nhiên rồi," tôi cười. "Nhưng chuyện chị cũng hấp dẫn quá."
"Nếu cậu muốn nghe nốt thì ngày mai tôi sẽ kể. Chuyện dài lắm, một lần không thể kể hết được."
"Chị thành nàng Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm rồi."
"Tôi biết chứ," chị cùng cười với tôi. "Còn cậu sẽ không bao giờ về Tokyo được nữa đâu."
Chúng tôi quay lại lối qua rừng và trở về căn hộ.
Mấy cây nến đã cháy hết và đèn phòng khách không bật. Cửa phòng ngủ để ngỏ và cây đèn trên bàn đêm vẫn bạt, ánh sáng nhợt nhạt của nó hắt ra cả phòng khách. Naoko ngồi trên sô-pha trong bóng tối lờ mờ. Nàng đã thay sang một bộ áo ngủ thùng thình xanh nước biển, cổ áo buộc chặt lên sát cổ, hai chân thu lại cả trên ghế. Reiko bước tới và đặt một tay lên đầu nàng.
"Em ổn rồi chứ."
"Em ổn rồi. Xin lỗi," Naoko đáp rất khẽ. Rồi nàng quay sang tôi và nhắc lại lời xin lỗi. "Chắc mình đã làm cậu sợ"
"Một tí thôi," tôi mỉm cười.
"Đến đây nào," nàng bảo. Khi tôi đã ngồi xuống cạnh nàng, Naoko, vẫn ngồi thu chân như cũ, liền nghiêng người sang tôi cho đến lúc mặt nàng gần chạm vào tai tôi, như thể nàng sắp san sẻ với tôi một bí mật.
Rồi nàng đặt một cái hôn nhẹ nhàng vào cạnh tai tôi.
"Xin lỗi nhé," nàng lại nói, lần này thì ngay bên tai tôi, rất hạ giọng. Sau đó nàng lại dịch ra xa.
"Đôi khi," nàng nói, "Mình bị lẫn lộn hết cả, chẳng biết có chuyện gì nữa."
"Mình thì lúc nào cũng thế," tôi nói.
Naoko mỉm cười nhìn tôi.
"Nếu không phiền," tôi nói, "mình muốn nghe nữa về cậu về cuộc sống của cậu ở đây. Những việc cậu làm hàng ngày. Những người cậu gặp."
Naoko kể về những việc thường nhật của nàng bằng những câu ngắn nhưng rất rõ ràng. Buổi sáng thức dậy lúc sáu giờ. Ăn điểm tâm ở nhà mình. Dọn nhà nuôi chim. Rồi đi làm những việc đồng áng thường lệ. Nàng trông coi những ruộng rau. Trước hoặc sau bữa trưa, nàng thường có độ một giờ gặp bác sĩ hoặc tham dự điều trị nhóm. Buổi chiều thì nàng có thể chọn một lớp học nào nàng thích, nếu không chơi thể thao hoặc có việc gì khác. Nàng đã theo nhiều lớp: tiếng Pháp, đan len, dương cầm, lịch sử cổ đại.
"Reiko đang dạy mình đàn dương cầm," nàng nói. "Cả ghi-ta nữa. Ai cũng lần lượt làm thầy và làm học sinh. Người giỏi tiếng Pháp thì dạy tiếng Pháp, người từng nghiên cứu xã hội học thì dạy sử, người khác thạo đan len thì dạy đan len: trường học ở đây thế mà hoá hay. Chỉ có mình là chẳng dạy được ai cái gì."
"Mình cũng thế," tôi nói.
"Ở đây mình chịu khó học nhiều hơn hồi ở đại học. Mình rất chăm, và rất thích."
"Sau bữa tối thì cậu thường làm gì?"
"Chuyện trò với Reiko, đọc sách, nghe nhạc, đến nhà người khác chơi, đại loại thế."
"Tôi thì tập ghi-ta và viết tự truyện," Reiko nói.
"Tự truyện ư?"
"Đùa đấy thôi," Reiko cười. "Bọn tôi lên giường vào quãng mười giờ. Một nếp sống khá lành mạnh, phải không nào? Bọn tôi ngủ như trẻ nhỏ."
Tôi liếc nhìn đồng hồ. Còn vài phút nữa thì đến chín giờ. "Chắc mọi người sắp buồn ngủ rồi."
"Không sao. Hôm nay mình có thể thức khuya," Naoko nói. "Mình đã không gặp cậu lâu lắm rồi, mình muốn nói chuyện nữa. Cậu nói đi."
"Lúc còn một mình ban nãy, tự nhiên mình nhớ lại ngày xưa," tôi nói. "Cậu còn nhớ lần Kizuki và mình đến thăm cậu ở bệnh viện không? Ở bờ biển ấy. Mình nghĩ đó là học kỳ đầu của năm trung học cuối cùng."
"Lần mình phải mổ ngực," Naoko mỉm cười nói. "Có, mình nhớ. Cậu với Kizuki đến bằng môtô. Các cậu mua ình một hộp sô-cô-la và chúng chảy nhoét vào với nhau. Mà lại cứng rất khó ăn. Có vẻ đã lâu lắm rồi, mình không biết nữa."
"Ờ, đúng thế. Mình nghĩ lúc ấy cậu đang làm một bài thơ, một bài thơ dài."
"Tuổi ấy đứa con gái nào chẳng làm thơ," Naoko khúc khích. "Sao tự nhiên cậu lại chợt nhớ lại những chuyện ấy thế?"
"Mình cũng đang tự hỏi đây. Mùi gió biển, mùi hoa trúc đào, rồi tự nhiên những cái đó cứ thế hiện ra trong đầu Kizuki có đến bệnh viện ấy thăm cậu nhiều lần không?"
"Làm gì có chuyện đó! Và vì thế mà bọn mình đã cãi nhau to. Anh ấy đến một lần, sau đó thì đến cùng với cậu, và chỉ có thế thôi. Anh ấy thật khủng khiếp. Và cái lần đầu anh ấy còn không thể ngồi cho ấm chỗ nữa, chỉ ở khoảng mười phút. Anh ấy mua ình mấy quả cam và lầu bầu những chuyện gì mình nghe không hiểu, rồi anh ấy bóc một quả và tiếp tục lầu bầu, rồi thì về luôn. Anh ấy bảo rất kị bệnh viện." Naoko cười. "Anh ấy rất trẻ con trong những chuyện như vậy. Mình muốn nói là, ai mà chẳng ngán bệnh viện, đúng không nào? Và vì thế mà người ta đến bệnh viện thăm nhau để làm cho nhau thấy dễ chịu hơn, phấn khởi hơn, đại khái thế. Nhưng Kizuki lại không nghĩ như vậy."
"Cậu ấy không đến nỗi thế lúc cùng đi với mình đến bệnh viện. Cậu ấy vẫn như thường."
"Vì có cậu ở đấy mà," Naoko nói. "Có mặt cậu thì anh ấy luôn như thế, cố gắng giấu những điểm yếu của mình. Chắc anh ấy phải mến cậu lắm. Nhất định chỉ cho cậu thấy những mặt tốt của anh ấy thôi. Với mình thì lại không thế. Không cần giữ ý gì cả. Và có thể rất thất thường. Vừa mới vui vẻ tán chuyện đấy mà cũng có thể cáu bẳn được ngay. Lúc nào cũng vậy. Anh ấy đã như vậy từ hồi còn bé. Nhưng anh ấy cũng đã cố gắng thay đổi bản thân, cố gắng để tốt hơn."
Naoko đổi tư thế thu chân trên ghế.
"Anh ấy rất cố gắng, nhưng chẳng ăn thua gì, và anh ấy lại càng buồn và cáu bẳn hơn. Có biết bao nhiêu cái hay cái tốt ở anh ấy, nhưng anh ấy chưa bao giờ có được tâm lý tự tin cần thiết. "Mình phải làm cái này, mình phải thay đổi cái kia," lúc nào anh ấy cũng nghĩ như vậy, cho đến tận lúc lâm chung. Kizuki tội nghiệp!"
"Nhưng mà," tôi nói, "nếu quả là cậu ấy luôn cố gắng ình thấy mặt tốt nhất của cậu ấy, thì cậu ấy đã thành công rồi. Lúc nào mình cũng chỉ thấy mặt tốt nhất ấy của Kizuki."
Naoko mỉm cười:
"Nếu nghe cậu nói thế chắc anh ấy thích lắm đấy. Cậu là bạn duy nhất của anh ấy."
"Và Kizuki là bạn duy nhất của mình," tôi nói. "Không bao giờ có ai mình có thể gọi là bạn nữa, trước sau cũng vậy.
"Đó chính là nguyên nhân tại sao mình thích được ở bên cạnh hai người đến vậy. Lúc ấy mình cũng chỉ thấy những cái tốt nhất của anh ấy. Mình có thể thư giãn mà không lo lắng gì cả khi có ba chúng ta với nhau. Đó là nhưng lúc ưa thích nhất của mình. Mình không biết cậu nghĩ thế nào?"
"Còn mình thì vẫn thường lo không biết bản thân cậu nghĩ gì," tôi nói, lắc đầu một cái.
"Vấn đề là ở chỗ một thứ như vậy sẽ không thể tiếp tục mãi," Naoko nói. "Nhưng nhóm nhỏ hoàn hảo như thế không thể duy trì. Kizuki biết thế, mình cũng biết thế, và cả cậu nữa. Đúng không nào?"
Tôi gật đầu.
"Nhưng nói thật với cậu," Naoko tiếp tục, "Mình cũng yêu cả điểm yếu của anh ấy, chẳng khác gì mặt tốt. Anh ấy không có cái gì có thể gọi là xấu xa hoặc mờ ám. Anh ấy chỉ yếu đuối, vậy thôi. Mình đã cố nói với anh ấy điều đó, nhưng anh ấy không tin mình. Anh ấy bảo đó là vì bọn mình đã gần gũi nhau từ hồi còn lên ba. Mình biết quá rõ anh ấy mà, anh ấy sẽ bảo là mình đâu có phân biệt được điểm mạnh và điểm yếu của anh ấy, rằng với mình thì chúng như nhau cả thôi. Nhưng anh ấy không thay đổi được ý nghĩ của mình. Mình vẫn yêu anh ấy như thường, và sẽ không bao giờ thích ai khác được nữa."
Naoko nhìn tôi với một nụ cười buồn bã.
"Quan hệ trai-gái của bọn mình cũng thực sự khác thường. Dường như cơ thể hai đứa được gắn liền với nhau ở đâu đó. Nếu tình cờ phải xa nhau, một lực hút đặc biệt nào đó sẽ kéo hai đứa lại với nhau. Trở thành người yêu của nhau là việc tự nhiên nhất trên đời của bọn mình. Không phải suy nghĩ hay quyết định gì cả. Bọn mình bắt đầu hôn nhau lúc mười hai tuổi và biết vuốt ve nhau lúc mười ba tuổi. Mình đến phòng anh ấy hoặc anh ấy đến phòng mình và mình sẽ cho anh ấy ra bằng tay. Mình chưa bao giờ nghĩ rằng thế là quá sớm. Nó cứ xảy ra một cách tự nhiên thế thôi. Nếu anh ấy thích nghịch vú hoặc chỗ kín của mình, mình chẳng hề ngại chút nào, hoặc nếu anh ấy muốn phóng tinh, mình cũng chẳng ngại gì giúp anh ấy ngay. Mình chắc là cả hai đứa sẽ choáng nếu có ai lên án những hành động ấy của bọn mình là sai trái. Bởi vì bọn mình không làm gì sai. Bọn mình chỉ làm nhưng gì phải làm. Bọn mình vẫn luôn cho nhau xem mọi chỗ trên người. Gần như là bọn mình cùng sở hữu cơ thể của nhau. Nhưng ít nhất thì trong một thời gian dài bọn mình bảo nhau không đi quá trớn. Cả hai đứa đều ngại mình có thai, và lúc đó còn chưa biết tí gì về chuyện ngừa thai… Tóm lại, Kizuki và mình đã lớn lên với nhau như thế đấy, tay trong tay, thành một cặp đôi khăng khít. Bọn mình hầu như không biết tí gì về những nỗi khắc khoải của tình dục hoặc tâm trạng đau khổ đi kèm với sự trưởng thành của bản ngã mà bọn trẻ bình thường đều phải trải qua trong tuổi dậy thì. Bọn mình hoàn toàn cởi mở trong tình dục, còn về bản ngã thì vì bọn mình đã thu hút nhau và chia sẽ với nhau đến mức đó rồi nên cũng chẳng có ý thức gì về nó nữa. Cậu có hiểu mình nói gì không?"
"Chắc là hiểu," tôi nói.
"Bọn mình không thể chịu nổi phải xa nhau. Cho nên nếu Kizuki còn sống, nhất định là bọn mình sẽ vẫn ở bên nhau, yêu nhau, và dần dần trở thành bất hạnh."
"Bất hạnh ư? Tại sao lại thế?"


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui