Trang Khiết bắt tàu cao tốc từ Thượng Hải về Bắc Kinh trước, đến ga mới đổi chuyến khác về thị trấn Nam Bình.
Cô vốn làm nhân viên sales thiết bị y tế ở Thượng Hải, lần này do mới phẫu thuật dạ dày, cực chẳng đã mới phải xin công ty cho nghỉ phép về quê dưỡng bệnh.
Cô đi rất nhanh, hai bước bằng những ba bước của người khác.
Đến cổng soát vé thấy còn sớm, cô bèn lấy điện thoại ra gọi lại một cuộc.
Máy vừa nối là Trang Khiết đã cười ngay mấy tiếng, điệu cười giòn tan khiến người qua đường bất giác liếc mắt nhìn, sau đó cô vừa nói chuyện điện thoại vừa ngó vội cửa tiệm hai bên, đã đến giờ uống thuốc nên cô muốn mua một chai nước.
Vừa tia thấy một siêu thị mini, Trang Khiết đã nghe tiếng loa báo tới giờ kiểm vé.
Cô sải bước vào siêu thị, quét mã thanh toán trước rồi nhận nước, mua xong quay lại vừa kịp đứng cuối hàng kiểm vé.
Cô lên tàu tìm chỗ của mình, cất hành lý xong bèn cầm bình giữ nhiệt đi rót nước nóng, quay lại ngồi cạnh cửa sổ, pha nước suối mới mua vào, khi lấy thuốc ra đang định uống thì nghe tiếng bà cô ngồi cạnh oang oang xin đổi chỗ vì người nhà bà ta ngồi hàng trước.
Tiếp đó, cô thấy một người đàn ông mặc com lê mang giày da ngồi xuống, tùy ý bắt tréo chân, đặt tay lên đầu gối, ngồi nhắm mắt dưỡng thần.
Trang Khiết vừa uống nước vừa ngắm anh ta, khi ngắm tới ngón tay thuôn dài bèn hỏi khơi khơi một câu:
– Cậu là người Nam Bình à?
Người đàn ông nọ lơ đẹp cô.
Trang Khiết cũng không để bụng, cười một cái rồi lôi máy tính ra lo chuyện của mình.
Trong sáu bảy năm làm sales, cô đã tiếp xúc với đủ hạng người, thái độ nào cũng từng gặp nên thứ không sợ nhất là phải giao tiếp với người khác.
Làm xong, cô lại vô thức nhìn người bên cạnh, ngắm kỹ gò má, đôi môi mỏng, sống mũi cao và vết sẹo nhỏ trên lông mày của anh ta, đang ngẫm ngợi thì người nọ mất kiên nhẫn mở mắt ra, nhìn xoáy vào cô.
…
Trang Khiết mỉm cười, vặn bình giữ nhiệt ra uống hớp trà, tỉnh bơ hỏi lần nữa:
– Cậu là người Nam Bình à?
Vừa hỏi xong đã nghe tiếng loa báo tàu sắp sửa vào ga, hành khách nào muốn xuống xe hãy chuẩn bị sẵn sàng.
Lúc Trang Khiết lấy hành lý toan xuống tàu thì người đàn ông kia bất thình lình nói một câu chẳng hề nể nang:
– Tôi không có hứng thú gì với cô hết.
Nói xong, anh bước xuống tàu ngay.
Trang Khiết cũng kệ, vẫn cười phớ lớ xách vali xuống theo.
Việc đầu tiên cô làm khi xuống ga là hít sâu một hơi, thấy có người đang đứng hút thuốc trong khu vực hút thuốc gần đó bèn móc bao thuốc ra đi sang đó xin tí lửa.
Mới rít được vài hơi, thấy người đàn ông ban nãy lướt qua mình đi về phía bãi đỗ xe, cô bèn dập thuốc gọi anh lại.
– Trần Mạch Đông.
Người kia ngoái lại.
Trang Khiết phóng khoáng cười nói:
– Tôi là Trang Khiết.
Trần Mạch Đông ngớ ra, không ừ hử gì.
Trang Khiết chỉ xuống bắp chân trái của mình, gợi ý:
– Trang Khiết lắp chân giả từng học chung lớp A5 trường cấp 2 thị trấn với cậu đấy.
Trần Mạch Đông nhìn xuống bắp chân cô, nghĩ ngợi một lát, bấy giờ mới đáp:
– Xin lỗi, vừa rồi tôi không nhận ra cô.
Giọng điệu chẳng có chút thành ý nào, như ngầm bảo với quan hệ đó của hai người, cô không nhất thiết phải gọi anh lại làm gì.
Trang Khiết chỉ vào đuôi lông mày của mình giải thích:
– Tôi cũng thấy vết sẹo trên đuôi lông mày cậu nên mới nhận ra cậu.
Mãi đến lớp Tám, Trang Khiết mới chuyển đến lớp họ nên hai người chẳng tiếp xúc gì mấy, lại thêm 14-15 năm không gặp thành ra không nhận ra nhau cũng bình thường, chẳng qua cô có hơi ngạc nhiên về sự thay đổi của Trần Mạch Đông.
Hồi đi học, anh là một thằng ma cà bông chính hiệu, nghe nói còn chẳng đậu nổi trường đại học ra hồn.
Trang Khiết cũng không bận tâm gì lắm vì cô chỉ tính xin quá giang, bèn hỏi:
– Cậu đỗ xe trong bãi à?
– Ừ.
Trần Mạch Đông gật đầu, sau đó khách sáo chào một câu:
– Bọn mình về trấn nói chuyện sau nhé.
– Ừ, nói chuyện sau.
“Nói chuyện sau cái mốc xì!” Trang Khiết nhìn theo bóng anh, chửi thầm một câu, do lần này cô về đột xuất nên làm gì có ai tới đón.
Cô xách vali, đang tính gọi taxi thì có mấy tay xe ôm dù xúm lại, bảo về thị trấn Nam Bình hết 25 tệ, cô có bắt taxi không cài đồng hồ tính tiền thì cũng phải trả giá này.
Thấy Trang Khiết liếc về bến xe buýt, bọn họ lại bảo xe buýt không chạy đúng giờ, nhiều khi nửa tiếng mới có một chuyến.
Trang Khiết mỉm cười, trả giá bừa xuống còn 10 tệ, bảo mình không phải khách du lịch mà là dân Nam Bình.
Một chú xe ôm thấy mặt cô quen quen bèn hỏi có phải nhà cô bán gà rán trong thị trấn không, vừa nghe Trang Khiết đáp phải là chú ta quay đầu xe nói luôn:
– Lên xe lên xe, không tiền nong gì cả, để chú chở cháu về, nhà hai ta cách nhau con phố thôi.
Chiếc xe máy chạy qua con đường quê dài.
Con đường này là đường nhựa mới xây mấy năm gần đây, hai bên đường phơi la liệt ngô mới thu hoạch, kế dãy ngô là những thửa ruộng vừa gặt, trên đồng có chỗ còn vết cày mới, có chỗ vẫn trơ xác ngô.
Chú xe ôm chỉ vào chiếc máy đặt cạnh chỗ xác ngô, giọng nói hoà vào gió:
– Ấy là máy nghiền rơm, chuyên dùng để nghiền xác ngô, dân thành phố làm gì mà thấy nó.
– Xác ngô nghiền xong bỏ đâu ạ?
Từ cấp Ba Trang Khiết đã lên thành phố học nên không biết nhiều về cây trồng ở quê.
– Trả cho ruộng thôi.
Chú xe ôm đáp.
– Trả gì cơ ạ?
Gió lớn nên cô không nghe rõ.
– Trả rơm cho ruộng!
Chú kia gào to:
– Giờ đốt rơm bị phạt tiền nên ai cũng nghiền nát rải xuống ruộng làm phân xanh hết!
– Thế lại hóa tiết kiệm.
Trang Khiết vuốt lại mái tóc bị gió thổi rối.
– Có điều bây giờ người ta chẳng trồng trọt mấy, đất đai nếu không bị ô nhiễm thì cũng cho thuê mở xưởng hết rồi.
Chú xe ôm vẫn cố nói:
– Hè năm nay, chất kiềm sunfat khu công nghiệp chỗ mình thải ra khiến bắp thôn bên cạnh cháy sạch, dân họ bức xúc quá bèn nộp đơn khiếu nại chính quyền.
– Chẳng phải khu công nghiệp đóng cửa hết rồi ạ?
Trang Khiết cũng cố nói lớn.
– Đóng là đóng ngoài mặt, chứ nhà xưởng nào có cơ to thì vẫn lén làm đêm, đã muốn lách thì kiểu gì chẳng có cách.
Cơ mà mấy tháng nay quản nghiêm phết, bên trên còn phái cả xe xuống kéo thiết bị đi cơ mà.
Rồi chú ta đổi chủ đề:
– Cháu là con gái lớn nhà ông Hà nhỉ?
– Sao ạ?
– Cháu là con gái lớn nhà ông Hà phải không?
Chú xe ôm hỏi to hơn.
– Vâng, cháu lớn nhất nhà.
– Bình thường chẳng mấy khi thấy cháu về.
– Công việc bận quá nên một năm cháu về được hai ba lần thôi.
Trang Khiết đáp.
– Bọn chú nào biết các cháu bận thật không, thằng con trai chú với vợ nó ở Hàng Châu một năm cũng về có mỗi một lần.
Chú ta vừa nói vừa chạy qua cổng vòm vào thị trấn Nam Bình.
Trang Khiết chỉ vào một công trình lớn, hỏi:
– Chỗ đó xây gì thế ạ?
– Sân trượt tuyết, nghe bảo muốn xây sân trượt tuyết lớn nhất châu Á.
Từ khi mấy khu công nghiệp chỗ mình ngừng hoạt động hết thì làng Hạ Khê đã biến thành làng du lịch rồi.
Họ gõ gõ đập đập hơn nửa năm trời, chẳng biết ra giống ôn gì nữa!
Chú ta lại đổi chủ đề, hỏi:
– Ông Hà cứ khen mãi là cháu ở Thượng Hải giỏi giang lắm, bọn chú hỏi ông ấy cháu làm gì thì ông ấy bảo chỉ biết cháu suốt ngày tiếp xúc với bệnh viện chứ cũng không rõ công việc cụ thể là gì, rốt cuộc cháu làm gì thế?
– Bán thiết bị y tế ạ.
Trang Khiết tóm tắt bằng một câu đơn giản, nói xong sợ chú ta không hiểu, bèn bồi thêm một câu bình dân hơn:
– Cháu bán máy nội soi, ai vào viện nội soi dạ dày thì chỉ cần nuốt một viên thuốc nhộng là được.
Chú xe ôm vỗ đùi hỏi:
– Ôi này con gái, thế cháu bán chú một viên nhé? Có người trong trấn mình từng làm kiểm tra kiểu ấy, nghe nói hết những mấy nghìn tệ lận!
Trang Khiết cười phá lên, sau đó liệt kê tên vài bệnh viện cho chú ta, dặn nếu có đi khám sức khỏe thì cứ báo tên cô, tuy không rẻ bớt nhưng chắc chắn không để chú ta phí tiền oan.
Nói xong, cô chỉ một ngã tư, bảo muốn xuống xe.
– Con gái à, từ đây về nhà cháu vẫn còn một đoạn nữa, chú có thể chở…
– Thôi ạ, cháu tính cho mẹ niềm vui bất ngờ.
Trang Khiết cười nói.
– Được đấy.
Chú xe ôm rất vui, nhất quyết không chịu lấy tiền của cô.
Thấy Trang Khiết đi đứng hệt như người bình thường, chú ta thầm cảm thán có tiền thật tốt, thế mới dám mua chiếc chân giả giá mấy mươi nghìn tệ.
Cách đây không lâu, mẹ cô từng kể với chòm xóm là con gái mình vừa chi mấy mươi nghìn tệ gắn chân giả, gắn xong có thể chạy nhảy và leo núi bình thường, mà mấu chốt là tiền ấy là do cô tự kiếm.
Trang Khiết tới thị trấn Nam Bình năm 14 tuổi, lúc mới lên lớp Tám.
Mẹ cô dắt díu hai chị em cô gả tới đây.
Bố ruột Trang Khiết qua đời sớm do gặp tai nạn giao thông, chính cô cũng mất bắp chân trái trong vụ tai nạn đó.
Trong trấn, mẹ Trang Khiết có tiếng giỏi giang.
Bà đến nhà họ Hà chưa đầy hai tháng đã bắt đầu dựng sạp bán đùi gà rán, nhờ có công thức bí mật nhà mẹ đẻ mà chuyện làm ăn nhỏ rất thuận lợi, dư sức nuôi cả nhà.
Năm Trang Khiết thi Đại học, mẹ cô lại hoài thai rồi sinh cho cô thêm đứa em gái cùng mẹ khác bố.
Hiện nay cô đang có một đứa em trai học cấp Ba và một đứa em gái khác bố lên lớp Sáu.
Bố dượng cô cũng có thể xem là người chí tình chí nghĩa, hồi bố cô còn sống từng kết nghĩa anh em với ông.
Khi bố cô qua đời, mẹ đang mang thai bảy tháng.
Mẹ cô sinh em chưa được hai tháng thì bố dượng đã dẫn ba mẹ con cô về thị trấn Nam Bình.
Giờ trong thị trấn, nhà Trang Khiết có hai tiệm gà rán.
Mẹ cô phụ trách khâu tiêu thụ và phát triển sản phẩm mới, còn bố dượng lo việc giết mổ và chế biến.
Cả nhà sống cũng khá, tuy ngó lên không bằng ai song nhìn xuống cũng chẳng ai bằng mình.
Hôm nay thời tiết rất đẹp, trời xanh mây trắng đúng vào độ cuối thu mát mẻ, mà thứ còn đẹp hơn là tâm trạng của Trang Khiết.
Trước khi vào nhà, cô dừng lại, nghiêng người mải ngó vào sân nên không để ý đằng sau có người hỏi:
– Cái Khiết về rồi đấy à?
Trang Khiết ngoái lại nhìn, thấy bố dượng Hà Chương Dược đi từ ngoài đường vào.
Thấy là Trang Khiết thật, ông lập tức đỡ chiếc vali trong tay cô, hỏi cô sao về mà không báo trước một tiếng để ông ra bến xe đón.
Trang Khiết bảo không sao, cô bắt xe chạy mười phút đã về đến nơi.
Hà Chương Dược hỏi cô chiếc chân giả nhập khẩu này thế nào, có thật là giống chân thật như đúc không? Trang Khiết vén ống quần lên cho ông xem, bảo tuy không ảnh hưởng đi đứng nhưng ít nhiều vẫn có chút chông chênh.
Hà Chương Dược đón cô vào nhà, đặt gọn vali rồi phủi tay, nhìn cô hỏi:
– Đói rồi hả? Để chú đi nấu cho cháu tô mì nhé?
– Không cần đâu chú Hà, cháu không đói.
Trang Khiết mỉm cười, rồi tiện thể hỏi:
– Mẹ cháu đâu ạ?
– Vẫn ngoài tiệm.
Hà Chương Dược sực nhớ ra gì đó, toan đi lên lầu:
– Để chú đem chăn trong phòng cháu ra phơi.
– Thôi ạ, mặt trời sắp xuống núi rồi, mai hẵng phơi.
– Thế cũng phải.
Sau đó, Hà Chương Dược chẳng biết nói gì nữa, bèn bảo:
– Để chú đi gọi mẹ cháu.
Vì thân phận nhạy cảm nên ông hiếm khi nói chuyện với Trang Khiết, chủ yếu là vì ông cũng không biết giao tiếp với cô kiểu gì.
– Dạ thôi, lát cháu tự ra tiệm luôn.
Trang Khiết ngó lên lầu, hỏi:
– Hôm nay không phải cuối tuần, Niễu Niễu ra ngoài chơi rồi ạ?
– Nó đi học, phải học bù cho lễ Quốc Khánh.
Hà Chương Dược nói:
– Tối cháu thích ăn gì bảo chú, chú nấu cho cả nhà ăn.
– Đồ dễ tiêu ạ, cháu thấy dạ dày hơi khó chịu.
Trang Khiết cười đáp.
– Do ăn cơm hộp đấy!
Hà Chương Dược nghiêm túc nói:
– Cứ ăn uống không điều độ với thường xuyên ăn cơm hộp thì sớm muộn gì cũng hỏng dạ dày! Để tối chú nấu ít cháo bổ dạ dày cho cả nhà.
Trang Khiết dạ khẽ một tiếng, chỉ vào chiếc áo khoác bết máu của ông hỏi:
– Chú đang giết gà ạ?
Hà Chương Dược giật nảy mình, quay lưng đi vội ra, ông đang bắc nồi nước làm lông gà ở sân bên cạnh!
Trang Khiết vào nhà tắm rửa trước, đến sẩm tối mới ra tiệm gà rán.
Mặt tiền tiệm nằm ở vị trí tốt nhất trong trung tâm thị trấn, rộng tầm 50-60 mét vuông, quy mô không xem là lớn nhưng cũng không nhỏ.
Trước tiệm có dăm ba người đứng đợi mua gà rán.
Trang Khiết tựa cửa ngắm mẹ mình thoăn thoắt gói gà, nhét gói nước chấm vào, xách túi lên là xong đâu ra đấy.
Trên túi có in dòng logo bắt mắt: Tiệm gà trứ danh trăm năm: Liêu Căn Kê, phía trên logo có in hình một chiếc mào gà đỏ tươi.
Liêu Căn Cơ là tên ông ngoại cô, tuy công thức gà rán bí mật do tổ tiên để lại nhưng tới đời ông ngoại mới nổi danh, bởi thế mới lấy luôn tên “Liêu Căn Kê”.
(*) Kê = Gà.
Ở đây cả 2 chữ “Cơ” và “Kê” đều phát âm là jī nên tác giả đang chơi chữ.
Thấy Trang Khiết đứng ngoài cửa, phản ứng đầu tiên của Liêu Đào là hết hồn, mắng bừa một câu xong thì trách cô sao về mà không báo một tiếng.
Trang Khiết đắc ý cười hô hố, sau đó vào phụ gói gà, nói công ty thưởng cho cô nghỉ phép nửa tháng, cô cũng không bận gì bèn về quê luôn.
Liêu Đào nghi ngờ hỏi:
– Sao công ty chỉ thưởng cho mỗi con thế?
Trang Khiết nói như chuyện đương nhiên:
– Do con giỏi chứ sao nữa.
Liêu Đào cười nhéo yêu cô, sau đó vớt mấy cái đùi gà khỏi chảo, bảo cô mang ra ghế mà ăn, rồi vừa gói gà vừa liên tục liếc sang chỗ cô, nói:
– Công ty con tính kỹ thật, ngoài bảy ngày nghỉ lễ Quốc khánh thì chỉ cho tám ngày nghỉ có lương.
– Vẫn là mẹ con tính nhanh nhất.
Trang Khiết vừa trả lời tin nhắn Wechat vừa đáp lời bà.
Liêu Đào đang vui nên tiện tay gói thêm cho khách mấy cái đùi gà rán mang về ăn thử, bảo là sản phẩm mới, rồi lại gọi điện cho Hà Chương Dược dặn tối ông nhớ nấu mấy món Trang Khiết thích ăn.
Nghe vậy, Trang Khiết cất điện thoại đi, nói:
– Vừa nãy chú Hà bảo con rồi.
– Sao con không gặm đùi gà? Đây là đùi gà rút xương mẹ mới nghiên cứu làm thử đấy.
– Sắp tối rồi, con muốn ăn gì thanh đạm thôi.
Cô không kể Liêu Đào chuyện mình mới phẫu thuật cần kiêng khem.
– Cũng đúng, ăn thanh đạm tốt cho dạ dày.
Liêu Đào cũng không để ý, cất đùi gà đi.
Bấy giờ ngoài cửa tiệm có hai người tới treo cờ đỏ lên bức tường trước cửa.
Treo xong, họ chào Liêu Đào một tiếng, bà đưa họ 50 tệ.
Thấy họ đi từng tiệm treo cờ, Trang Khiết tò mò hỏi:
– Treo cờ đỏ làm gì ạ?
– Năm nay là kỷ niệm 70 năm thành lập nước ta còn gì, nên tiệm nào nằm ngoài mặt đường cũng phải treo hết.
Liêu Đào ra ngoài ngó thử, rồi trở vào cười nói:
– Treo thế trông cũng đẹp phết đấy chứ.
Trang Khiết ngó ra, thấy phố xá rợp cờ hoa, còn giăng cả biểu ngữ ghi: Chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trước cửa một tiệm còn gắn đầy băng rôn thông báo 30 tháng Chín sẽ chính thức khai trương.
– Ôi thị trấn mình đỉnh thế, còn có cả KFC cơ à!
Trang Khiết ngạc nhiên.
Ủa? Sao chữ “C” này trông là lạ…
– KFC cái nỗi gì, ông ngoại con còn là Liêu Căn Kê kia kìa!
(*) Ừ thì vẫn chơi chữ từ cùng âm jī (C và Kê) thôi.
Trang Khiết cười ầm lên, Liêu Đào lại dặn con gái con đứa như cô phải giữ ý giữ tứ chút, đừng có suốt ngày ngửa mặt cười hô hố thế, tiệm kia cũng không phải KFC trong thành phố, mà là KFC nhái.
Nói xong, bà vào quầy thu ngân tính toán sổ sách, chuẩn bị dọn tiệm sớm để về nhà với Trang Khiết.