Bà Trần véo tai Trần Mạch Đông, anh ăn đau oai oái hứa năm nay sẽ tìm vợ.
Điều bà Trần lo nhất bây giờ chính là thằng cháu này, sắp 30 tới nơi, trông rõ cao to đẹp trai mà đào không ra nổi mống bạn gái, bình thường cũng chẳng có bà mai nào hỏi tới.
Dù là thế, bà Trần vẫn có yêu cầu về cháu dâu, đằng gái xấu tí cũng được nhưng không được làm việc tại nhà tang lễ.
Ý là cấm Trần Mạch Đông yêu đồng nghiệp, còn lại thì sao cũng được.
Vì chuyện này mà bà Trần đã tới đơn vị Trần Mạch Đông hai lần, khăng khăng đòi cấp trên của anh giải quyết, hơn nữa lý lẽ nghe còn rất hiện đại.
Bà bảo sở dĩ không ai thèm lấy cháu bà là vì anh làm việc tại nhà tang lễ, thế là không công bằng, là kỳ thị, là đi ngược đường lối xã hội chủ nghĩa.
Đừng có mà khinh bà Trần nhé! Hồi trẻ bà là huấn luyện viên đội tuyển bóng bàn thành phố, cũng ra gì phết đấy, chẳng qua giờ luống tuổi nên lúc tỉnh lúc lẫn thôi.
Trần Mạch Đông đang tính đi ngủ thì nhận được đoạn phim ngắn bạn gửi.
Anh ta đi qua làng bên thấy có nhà đang làm đám ma, nửa đêm nửa hôm rồi mà còn múa thoát y.
Trần Mạch Đông nhận ra đây là gia đình tổ chức hỉ tang hồi chiều, giờ anh cũng không ngủ được bèn chạy xe sang xem.
Anh không ham hố gì vụ nhảy thoát y, mà đến xem đội kèn xô na kia vì trong đoạn phim ngắn ban nãy thấy họ thổi hay quá.
Do đặc thù nghề nghiệp, anh không có nhiều bạn, trong số đó cũng chỉ năng nói chuyện với vài ba người.
Bình thường anh hiếm khi đến dự lễ lạc gì ngoài đám ma, dù người ta có lịch sự mời thì anh cũng biết điều không tới tránh làm người khác khó chịu.
Trần Mạch Đông đang đứng dựa xe máy xem đám thì gia chủ nhận ra anh bèn lôi bằng được anh ra phía trước ngồi, còn dúi cho hai bao thuốc.
Nhà này thuê một đoàn ca múa và một đội kèn xô-na đến biểu diễn.
Hai bên đứng đối diện trên sân khấu, kẻ hát người đệm, phụ họa nhau cực hăng.
Tình cờ Trang Khiết lại tới đây giao hàng.
Tang gia đặt mua 50 con gà rán, vì cả nhà đều bận làm gà bán lễ Quốc khánh, chỉ mỗi cô là rảnh nên đi chuyến này.
Bắt gặp Trần Mạch Đông đang ngồi ngay ngắn xem múa thoát y, Trang Khiết sốc đến nỗi không khống chế nổi nét mặt của mình.
Thấy cô như vậy, anh vô thức đứng bật dậy.
Trang Khiết thấy anh đứng dậy, lập tức xua tay nói như quen thân lắm:
– Ngồi xuống ngồi xuống, xem tiếp đi.
Nói xong, cô cũng nán lại xem vì sợ anh thấy quê.
Múa thoát y chỉ là chiêu quảng cáo bịp bợm, thật ra họ có mặc áo lót bên trong.
Trần Mạch Đông thấy cô thoải mái như vậy bèn ngồi xuống, còn tiện thể đưa cô cái ghế.
Đoàn ca múa đã đổi tiết mục, bấy giờ một nam một nữ lên sân khấu hát Nhị nhân chuyển, mới đầu còn đứng đắn nhưng càng về sau càng tục tĩu không chịu được.
Trần Mạch Đông lia mắt nhìn quanh, đám người vẫn ngồi xem rặt mấy lão già mất nết, bọn thanh niên trai tráng đã bị vợ lôi về hết, chỉ có hai khán giả trẻ nán lại xem là anh và Trang Khiết.
Anh ngó sang Trang Khiết, thấy cô vừa nhổ toẹt một bãi nước bọt và chửi đổng:
– Mẹ! Hát gì mà tục thế không biết!
Nói xong là cưỡi chiếc xe ba bánh chở hàng đi luôn, chẳng buồn chào tạm biệt anh.
Trần Mạch Đông lôi thuốc ra hút, vẫn ngồi xem tỉnh bơ.
Khi rã đám, anh ngậm điếu thuốc chạy xe về nhà, tưới cho gốc vả tây trong sân một bãi, xong xuôi đang vẩy ráo nước thì nghe tiếng bà hỏi vọng ra từ trong nhà:
– Đông Tử về rồi đấy à?
Trần Mạch Đông ngậm điếu thuốc dạ một tiếng, phủi tàn thuốc dính trên áo, vào phòng ngủ của bà nội mở chiếc giường xếp ra nằm lên đó.
Bà Trần hỏi mấy giờ rồi, anh đáp sắp 11 giờ.
Bà Trần vẫn chưa buồn ngủ bèn ca cẩm mấy chuyện chẳng đâu vào đâu.
Bà mắng bố Trần Mạch Đông là đồ bất hiếu, bảo mẹ anh cũng chẳng ra gì, cả năm trời không chịu về thăm con.
Thi thoảng lên cơn lẩm cẩm, bà hay ra rả vài chuyện cũ nhưng không tự ý thức được.
Nếu là lúc minh mẫn, bà không đời nào thốt ra những lời như thế trước mặt Trần Mạch Đông.
Từ độ ông mất, bà đâm nhát, đêm đến không dám ngủ một mình nên hễ ở nhà là Trần Mạch Đông sẽ vào ngủ với bà.
Anh vừa nhắm mắt chuẩn bị ngủ, vừa thò tay lên giường vỗ cho bà ngủ.
Mới chợp mắt được hai tiếng thì điện thoại dưới gối rung.
Nhà tang lễ gọi tới báo đã tìm thấy đứa bé kia, thi hài đã biến dạng sau mấy ngày ngâm nước.
Đó là đứa bé làng bên bị mất tích một tuần vừa được tìm thấy xác ngoài bờ sông cách đó 20 cây số.
Trần Mạch Đông tới hiện trường, đeo găng tay vào đứng quan sát, khi được cảnh sát cho phép thì bế đứa bé đã trương phình như quả bóng bay vào xe chở xác.
Xe về đến nhà tang lễ đúng lúc bố mẹ đứa bé hay tin chạy tới.
Người mẹ vừa trông thấy bộ đồ trên người thi hài là ngất xỉu luôn.
Trần Mạch Đông chuyển đứa bé vào phòng đông lạnh còn người bố đi làm thủ tục.
Vừa rồi ở bờ sông anh không nhìn rõ, giờ mới nghiêm túc ngắm kỹ cái xác dưới ánh đèn.
Mặt mũi thi hài đã bị biến dạng hoàn toàn nên không đoán ra tuổi.
Cảnh sát bảo thằng bé mới 15, vừa lên lớp Mười.
Hôm ấy nhà trường gọi cho phụ huynh báo nó không đi học, bố mẹ tìm hai ngày không thấy đành phải báo cảnh sát, bước đầu cảnh sát nghi ngờ là bị chết đuối.
Lúc nhóc Tôn tới, Trần Mạch Đông đã mặc xong đồ bảo hộ, đang chuẩn bị làm sạch thi hài.
Nhóc Tôn mới vào làm hai ba tháng, vừa liếc sơ cái xác đã vô thức lùi tít ra cửa, cúi xuống nôn mửa.
Trần Mạch Đông mặc kệ cậu ta, bắt đầu cầm kéo cắt quần áo người quá cố.
– Thầy ơi, xin thầy cho em 10 phút chuẩn bị tâm lý.
Nói xong, nhóc Tôn chạy ra hành lang đứng.
Cậu ta cố gắng bình tĩnh lại, song mới tĩnh tâm được một phút, vừa ngửi thấy mùi tử khí là lại lao ra ngoài nôn tiếp.
Mất khoảng tầm mười phút, nhóc Tôn mới ổn định tinh thần quay lại sau khi đã mặc thêm đồ bảo hộ.
Cậu ta làm trợ thủ cho Trần Mạch Đông, nhìn anh kiên nhẫn giúp người quá cố nắn chỉnh khuôn mặt rất mực dịu dàng.
Sảnh tang lễ bên ngoài cũng đang được trang hoàng, người nhà đứa bé xem phong thủy rồi ấn định thời gian địa điểm hỏa táng, những mong con mình thuận lợi về cõi vãng sanh.
Mấy tiếng sau, khi thấy thi hài, người mẹ cứ khăng khăng rằng đó không phải con bà ta.
Con bà ta trông khác thế, nó còn đang đi học, vừa nói vừa khóc thảm thiết trong nỗi tuyệt vọng.
Trần Mạch Đông tắm xong đi ra, nhóc Tôn sùng bái khen anh:
– Thầy giỏi thật đấy, chẳng hề phản ứng gì, đây là lần đầu em gặp phải chuyện này.
– Mai mốt cậu thấy nhiều là quen ngay ấy mà.
Trần Mạch Đông đáp rồi rời khỏi nhà tang lễ, cách một quãng xa mới lấy thuốc trong người ra châm, sau đó rít mạnh mấy hơi.
Nhóc Tôn ngắm trời xanh mây trắng, lẩm bẩm khen thế gian thật tươi đẹp.
Trần Mạch Đông chỉ lo hút thuốc, không tiếp lời cậu ta.
Nhóc Tôn nói:
– Thầy à, lúc thầy làm việc và không làm việc trông khác hẳn nhau.
Vốn dĩ cậu ta tính nói lúc Trần Mạch Đông làm việc trông cứ như… đang thực hiện sứ mệnh cao cả nào đó, nhưng trình độ văn hóa có hạn khiến cậu ta không tìm được từ chính xác để diễn đạt, đại khái là thái độ làm việc của Trần Mạch Đông dễ cuốn hút người ta, khiến họ lầm tưởng anh đang làm một việc vô cùng thần thánh vĩ đại, nhưng kỳ thật anh cùng đường bí lối mới phải vào nhà tang lễ làm.
Nhóc Tôn mới 24 tuổi, người làng bên, đang ôn thi chứng chỉ kế toán, tính bao giờ có bằng là đổi nghề luôn.
Không giống Trần Mạch Đông, cậu ta chỉ là nhân viên hợp đồng, tiền lương làng nhàng, hồi xưa theo học ngành này là vì những toan tính hết sức thực tế.
Nhưng bây giờ nhà tang lễ đã ra văn bản quy định rõ nhân viên không được phép nhận phong bì, nếu bị tố cáo sẽ mất chén cơm.
Nhóc Tôn đang phàn nàn với Trần Mạch Đông thì có nhân viên nhà tang lễ ra tìm họ.
Trần Mạch Đông dập điếu thuốc mới rít được ba hơi đi, chỉnh trang quần áo rồi vào nhà tang lễ.
Tất bật mãi từ rạng sáng đến tận trưa, anh mới nhín chút thời gian ăn phần bánh bao nhân thịt nhờ lễ tân mua giúp hồi sáng.
Anh ăn một cái, đưa nhóc Tôn cái kia, cậu ta lắc đầu nguầy nguậy, bảo mình không đói.
Ăn xong, anh uống ly trà, tính về nhà ngủ bù.
Lễ tân đang tám chuyện với nhóc Tôn, bảo Phó giám đốc bảo muốn cử hai người lên thành phố học để nâng cao chất lượng nhân viên đội tang lễ thị trấn.
Lúc Trần Mạch Đông về đến nhà, bà đã nấu mì xong đi đâu mất, chắc bà lỡ nêm muối quá tay nên mì mặn chát không ăn nổi.
Anh cố ăn một chén rồi lén đổ sạch, sau đó bắc nồi nấu lại chén khác.
Bà Trần về thấy mì trong nồi trông khang khác cũng không để ý, múc một chén, gọi Trần Mạch Đông ra ăn.
Anh bảo mình vừa ăn rồi, bà hãy ăn đi.
Bà Trần bê chén vào ngồi ở đầu giường Trần Mạch Đông, vừa ăn vừa kể bà thấy người ta dựng rạp ngoài đường.
Hàng năm cứ đến ngày 2/10 là hội chùa truyền thống lại được tổ chức, khi ấy bè bạn người thân từ khắp nơi sẽ về quê thăm viếng nên rất náo nhiệt.
Bà dặn đến hôm đó anh ráng lượn lờ hội chùa nhiều vào, xem có tìm được cô nào độc thân không.
Trần Mạch Đông ậm ừ bảo:
– Giờ thanh niên không đi trẩy hội chùa nữa đâu bà ơi.
– Ôi chao, trẻ ranh chúng mày đúng là bọn nhát cáy.
Than xong, bà dém chăn cẩn thận cho anh rồi bê chén ra ngoài.
Hội chùa ở quê đã có truyền thống hàng trăm năm và thường được tổ chức vào mùa nông nhàn, hồi xưa có múa lân múa rồng, khua chiêng gõ trống, giờ chỉ còn người già ngóng đợi chứ giới trẻ chẳng mấy để tâm, cũng không thiết tha gì chuyện trẩy hội.
Trần Mạch Đông ngủ dậy ra mở tủ lạnh kiếm đồ ăn, nhưng lục cả buổi chỉ được cái bánh cứng ngắc.
Bà Trần bèn kéo anh ra ngoài mua đồ ăn, lượn một vòng chợt bảo ăn thịt là bổ nhất rồi dẫn anh vào tiệm gà rán nhà Trang Khiết.
Mai là lễ Quốc Khánh nên Liêu Đào bận đóng gà vào bịch hút chân không trong kho nên Trang Khiết ra tiệm phụ.
Cô vừa thả miếng gà tẩm bột kỹ lưỡng vào chảo dầu thì nghe bà Trần đứng cuối hàng nói muốn ăn gà rán, giờ gà rán đang là món thịnh hành nhất.
Thấy Trần Mạch Đông, Trang Khiết gật khẽ xem như chào hỏi rồi tiếp tục lo chuyện của mình.
Bà Trần thấy hai người quen nhau bèn quay sang hỏi ngay:
– Đông Tử, cháu quen con bé này hả?
Trần Mạch Đông đáp:
– Bạn cấp Hai ạ.
– Ừ.
Bà Trần nghiêm túc ngắm nghía Trang Khiết.
Tuy mặt cô trông bình thường nhưng nhìn lâu lại hoá duyên, dáng người cao ráo, tay chân nhanh nhẹn, trông có vẻ giỏi giang biết quán xuyến.
Cảm nhận được ánh mắt bà, Trang Khiết nhìn lại, nở nụ cười thân thiện, mời bà ra ghế ngồi chờ một lát, gà sẽ rán xong ngay.
Bà Trần mừng lắm, càng ngắm Trang Khiết càng thấy ưng, quay sang hỏi nhỏ:
– Đông Tử này, cô bạn này của cháu có người yêu chưa thế?
– Cháu không rõ.
Trần Mạch Đông lướt điện thoại, đáp cho có.
– Nếu hai đứa học chung thì bằng tuổi nhau nhỉ?
Bà Trần vừa lẩm bẩm vừa sáp tới cửa sổ rán gà, cười tủm tỉm hỏi:
– Ơi con gái, cháu đã có người yêu chưa?
Trang Khiết ngớ ra, liếc sang Trần Mạch Đông rồi nín cười đáp:
– Chưa đâu bà ạ.
Bà Trần càng cười tươi rói, khen ngay:
– Trông cháu duyên đáo để, đã thế còn cao ráo, cười lên lại đáng yêu.
Bà mà có đứa chắt gái giống cháu thì chắc nằm mơ cũng cười tỉnh cả ngủ.
Trang Khiết cười khanh khách.
Trần Mạch Đông ngượng chín người, anh đoán được bà mình sắp nói gì tiếp nhưng chưa kịp cản đã nghe thấy bà bảo:
– Nếu bà trẻ ra 50 tuổi thì nhất định sẽ dán ảnh cháu lên đầu giường, ngày ngày ăn chay niệm Phật cầu trời phù hộ cho bà đẻ được đứa con gái tri kỷ như cháu.
– Đời này điều bà tiếc nhất là không có cháu gái, may mà bù lại được một thằng cháu đẹp trai phong độ ngời ngời.
Nói xong vội kéo Trần Mạch Đông đang đi dép lào, mặc quần thể dục ra trước mặt Trang Khiết, bảo:
– Này con gái, thôi thì bà tự tiến cử nhé.
Cháu thấy thằng cháu bà thế nào?
…
Trần Mạch Đông không còn mặt mũi nào nhìn Trang Khiết nữa.
Anh gãi ót, nằng nặc đòi kéo bà về bằng được.
Bà Trần đời nào chịu nghe, cố nói tiếp:
– Cháu bà cao mét tám, thân thể cường tráng lắm.
Rồi đét lưng anh hai phát đau điếng, bảo:
– Thằng cháu này của bà chẳng những đàng hoàng đứng đắn mà còn đẹp ngất trời mây, thật sự không chê được điểm nào.
Hiện nó đang công tác ở Cục dân chính, vì nhân dân phục vụ, có biên chế hẳn hoi, mà cháu bà không thiếu tiền đâu nhé, có cả nhà thành phố…
Thấy hết đường cứu vãn, Trần Mạch Đông chỉ biết câm nín ngó chảo gà rán.
Trang Khiết thấy anh ăn mặc thế này, so với lần trước mặc com lê đi giày da cứ như thể hai người khác nhau.
Trần Mạch Đông ngước lên nhìn cô bị cô cười đáp lại như trêu ngươi.
Anh quay sang hỏi:
– Bà có về không đây?
– Bà không về, cháu muốn thì về một mình đi.
Kèm theo lý do cực xác đáng:
– Gà của bà đã rán xong đâu.
Trần Mạch Đông quay đầu ra khỏi tiệm gà rán.
Anh cũng không đi xa, đứng chờ ngay ngã tư đằng trước.
Thấy anh tháo chạy, bà Trần nháy mắt với Trang Khiết, nói:
– Cháu bà nó xấu hổ đấy, trông to xác thế chứ thật ra bên trong vẫn chỉ là thằng nhóc thẹn thùng thôi.
Ha ha ha ha…