Sắc Xuân Gửi Người Tình


Trần Mạch Đông theo sát một lão già ế vợ dụ con bé mặt rỗ vào rừng đào.

Anh túm lấy lão già kia, còn chưa giơ tay đánh thì lão ta đã ngã vật ra đất la toáng lên đánh người đánh người một cách vô lại.

Bị Trần Mạch Đông liếc một cái, lão ta biết điều câm miệng ngay.

Trang Khiết vẫn không hiểu gì cho đến khi trông thấy con bé mặt rỗ đứng ăn kẹo mút bên cạnh mới sực ngộ ra.

Con bé mặt rỗ độ 15-16 tuổi, hồi nhỏ bị sốt cao tổn thương não nên hóa khờ, một chữ bẻ đôi không biết, cũng không đi học, cả ngày lang thang khắp làng.

Năm ngoái hay tin con bé mang thai, bà nội nó bèn lên loa thị trấn mắng xơi xơi.

Bà ta không biết phải mắng đích danh ai bèn mắng hết đám đàn ông thị trấn.

Lão già ế vợ này đã sáu bảy chục tuổi, ở vậy cả đời, cũng suốt ngày ăn mặc lôi thôi lòng vòng khắp phố.

Trần Mạch Đông lật tấm thẻ con bé mặt rỗ đeo trên cổ ra xem, trên ấy có ghi số điện thoại của bà nó.

Anh vừa gọi điện vừa bảo Trang Khiết:

– Cô đợi một lát nhé.

– Không sao, chuyện này quan trọng mà.

Trang Khiết chủ động bắt chuyện với con bé mặt rỗ nhưng nó chẳng hiểu gì cả, toàn cười ngu.

Bọn họ đợi bà con bé đến bàn giao xong mới đi.

Dọc đường về, hai người không nói gì với nhau.

Khi đến cổng nhà Trang Khiết, Trần Mạch Đông mới ngoái đầu hỏi:

– Vừa nãy cô bảo thích tôi à?

Trang Khiết ngớ ra, rồi nín cười đáp:

– Ừ đấy, em thích anh.

Sau hành động nghĩa hiệp vừa rồi của anh, có nói thích một câu cũng chẳng ghê gớm gì.

Dứt lời, cô vào nhà ngay, trước khi khuất cổng còn hào phóng tặng anh chiếc hôn gió.

Nụ hôn vừa bay sang, Trần Mạch Đông tức thì nhìn chằm chằm chân cô.

Trang Khiết cúi xuống ngó chân mình, toan giải thích với anh nhưng Trần Mạch Đông không cho cô cơ hội, giẫm ga phóng vèo đi luôn.

Thế này thì cô không thoát nổi cái danh giở trăm phương ngàn kế mồi chài anh rồi.

Trang Khiết mê người đẹp, hễ đẹp là nam nữ gì cô cũng làm quen tuốt.

Cô vịn tường gọi với vào trong nhà:

– Trang Nghiên, Trang Nghiên ơi.

Trang Nghiên nghe tiếng chạy ra.

Trang Khiết nói:

– Mau mau lấy cho chị cái gậy.

– Chân chị sao đấy?

Trang Nghiên đưa gậy cho cô.

– Chỗ mỏm cụt của chị hơi…

Đang nói chợt thấy cô bé trong nhà, cô bèn quay đầu lại nhìn Trang Nghiên.

Cậu giới thiệu:

– Đây là Vương Thư Đình – bạn học của em.

– Em chào chị ạ.

Vương Thư Đình lễ phép nói.

– Chào em.

Trang Khiết nhìn con ngỗng trắng trong lòng con bé.

Con bé giao con ngỗng trắng cho Trang Nghiên, dặn dò mấy câu rồi về.

Trang Khiết ngồi xuống, tháo chi giả ra hỏi:

– Ngỗng trắng là tín vật đính ước hả?

– Ơ không chị ơi, do mẹ cậu ấy đòi làm thịt nó nên cậu ấy mới lén mang sang cho em nuôi.

Trang Nghiên cúi đầu ghẹo ngỗng.

Con ngỗng trắng vươn cổ gào lên, Trang Khiết không chịu được tiếng gào chát chúa của nó, bèn bảo:

– Chị cũng luộc nó cho mà xem.

– Nó là ngỗng Kỷ Sơn, một loại ngỗng nuôi làm thú cưng, không phải để ăn.

Rõ ràng chỉ là một con ngỗng bình thường chứ báu gì, Trang Khiết tiếp lời cậu:

– Thế giờ chị đặt tên cho con gà trong lồng là Kỷ Tam thì nó cũng lên đời nhỉ?

(*) Chữ “sơn” trong Kỷ Sơn đọc là shān (san), nhưng Trang Khiết lại đánh vần nhầm thành sān (xan) nghĩa là Tam nên toàn gọi con ngỗng này là Kỷ Tam.

Trang Nghiên chê chị chẳng biết gì cả, rồi bế ngỗng lên lầu vẽ tranh.

Phần mỏm cụt hơi sưng, Trang Khiết chống gậy cầm chi giả lên phòng ngủ trên lầu.

Cô đang định đi lấy nước nóng thì Trang Nghiên đã đặt thau nước ấm lên chiếc ghế đẩu trước giường.

Cô ngâm mỏm cụt vào đấy, rồi vẩy nước lên cả phần đùi.

Trang Nghiên đưa khăn lông và kem dưỡng cho cô.

Trang Khiết hỏi:

– Mẹ với chú Hà vẫn ở nhà xưởng à?

– Dạ, tối em mang cơm cho họ.

Trang Nghiên đáp.

– Ôi tri kỉ thế, em giỏi hơn chị rồi đấy.

Trang Khiết cười hỏi tiếp:

– Mà Niễu Niễu đâu?

– Nó chạy xe đạp điện…

Đang nói dở thì nghe cổng kêu kẹt một tiếng, Hà Niễu Niễu phóng xe vọt vào sân.

Sau đó con bé chạy huỳnh huỵch lên cầu thang, mở cửa phòng Trang Khiết ra, nhìn cô nổi quạu.

Vừa nghía thấy bộ đồ của con bé là Trang Khiết biết ngay nó mới lọt mương.

Cô dè dặt hỏi:

– Em đi đón chị à?

Hà Niễu Niễu cáu điên, con bé chạy xe đạp điện không thạo nên lao xuống mương, chật vật mãi mới bò lên được, còn phải nhờ người lớn kéo hộ xe lên.

Nhưng sau đó nó tìm mấy vòng vẫn chẳng thấy Trang Khiết đâu.

Con bé quay lưng đi về phòng mình, ôm cục tức nằm vật ra giường.

Trang Khiết lau khô chân, sang nhận lỗi, bảo mình thật sự không biết em gái đến đón, rồi còn rủ nó tối nay sang ngủ với mình.

Hà Niễu Niễu hết giận ngay, ôm quần áo đi tắm rửa.

Trang Khiết tìm lọ cồn i-ốt sát trùng vết trầy trên tay cho con bé.

Trang Nghiên bảo cậu cũng muốn ngủ phòng này, Trang Khiết bèn đề nghị ba người nằm ngang ngủ, vì giường phòng cô rộng những hai mét.

Hai anh em sung sướng nằm vào chỗ, nhìn Trang Khiết lắp thử cái chi giả sơ cua cất trong tủ.

Trang Nghiên hỏi cô mùng mấy về Thượng Hải, cô đáp:

– Chị mua vé mùng 10.

Hà Niễu Niễu hỏi:

– Lần này chị đi Thượng Hải là tận tết âm mới về ạ?

– Ừ.

Bọn em phải chăm chỉ học hành vào, chị ở Thượng Hải đợi bọn em.

– Em ứ thích Thượng Hải, em thích Bắc Kinh cơ.

Bắc Kinh có Thiên An Môn, có cố cung, có Vạn Lý Trường Thành, còn có đại học Bắc Kinh với Thanh Hoa.

Hà Niễu Niễu nói.

Trang Khiết trêu con bé:

– Có Thiên An Môn thì sao nào?

– Có Thiên An Môn tức là to hơn hẳn Thượng Hải.

Hà Niễu Niễu ngồi bật dậy, khua tay giải thích:

– Tức là làm đại ca, là bọn mày phải nghe anh vì anh to nhất.

Em muốn tới nơi to nhất.

Trang Khiết cười ngất, nói thế cũng có lý.

Trang Nghiên mắng:

– Cái đồ đầu đất, không thể so kiểu ấy được.

Thượng Hải là cửa sổ nhìn ra thế giới…

– Thế thì Bắc Kinh là cửa chính đi ra thế giới nhé!

Hà Niễu Niễu cãi, hôm qua chúng cũng cãi nhau về chuyện này một lần rồi.

– Bắc Kinh nói: Nhà tôi lúc nào cũng mở cửa, dang rộng vòng tay chờ đợi bạn… Bắc Kinh chào đón bạn, sẵn lòng tạo ra thế giới mới cho bạn.

– Rồi rồi, em đúng được chưa?

Trang Nghiên nhận thua.

– Thì em vốn đúng từ đầu mà.

*

Mấy ngày kế tiếp, tiệm gà rán làm ăn rất khá, có ngày bán được những 1300 con gà hút chân không, chưa kể số gà quay và gà rán trong tiệm.

Trang Khiết quen một cô nàng nổi tiếng trên mạng, bèn nhờ cô ta quảng cáo khéo lúc livestream.

Hiềm nỗi Trang Khiết chưa cân nhắc thấu đáo vấn đề giao hàng, tuy mỗi cô nhận đơn hàng nhưng cả nhà phải thức thâu đêm viết đơn hàng chuyển phát nhanh, viết đến tái cả mặt, run cả tay, điên cả người.

Trước kia họ chỉ bán gà hút chân không cho du khách mang về chứ hiếm khi bán qua mạng nên cả nhà chưa gặp tình huống này bao giờ.

Liêu Đào thấy khả thi nên tính tìm một chỗ chuyên nghiệp đăng ký khoá học dạy mở shop online, chụp ảnh đẹp và livestream.

Một ngày trước khi kỳ nghỉ kết thúc, Trang Khiết nhận được thiệp mời của Ủy ban báo Chủ tịch thị trấn mời họ tới uống trà.

Tấm thiệp đưa rất đường đột, 7 giờ sáng nhận lời mời thì 2 giờ chiều đã phải đi uống trà.

Trang Khiết tưởng có chuyện gì nghiêm trọng, song cô nghĩ đi nghĩ lại vẫn không thấy mình từng phạm lỗi gì, cũng không làm mất mặt thị trấn, sao một đứa dân đen như cô lại bị Chủ tịch thị trấn mời tới uống trà không biết.

Cô diện một bộ đồ trang trọng đi vào tòa nhà Ủy ban, tới sảnh đón khách thì thấy một đám người đang ngồi thành vòng tròn quanh bàn làm việc.

Liếc sơ thấy Trần Mạch Đông trong số đó, mà Trang Khiết thân với anh nhất bèn ngồi ngay xuống cạnh anh.

Cô quay sang hỏi khẽ:

– Vụ gì thế?

Cô lia mắt nhìn quanh, thấy tất cả người ngồi đây đều là thanh niên thị trấn, nếu không làm xa quê thì cũng kinh doanh gì đó, đều có chút thành công trong sự nghiệp.

Trần Mạch Đông không đáp lời cô, một người ngồi gần nói:

– Chắc muốn bọn mình đóng góp cho thị trấn.

Tôi là Vương Tây An, cậu là con gái chú Hà hả?

– Ừ.

Mới đầu Trang Khiết nói đôi ba câu với anh ta, sau đó cả bàn góp lời, từng người tâm sự công việc của mình rồi thêm Wechat nhau.

Trần Mạch Đông trơ mắt nhìn chiến thần ngoại giao Trang Khiết quét Wechat mọi người, xong xuôi còn bảo:

– Sau này nhớ liên lạc thường xuyên nhé, cần gì cứ ới một tiếng.

Anh chưa từng thấy ai có kỹ năng giao tiếp mạnh đến mức đó.

Trước khi cô tới, mọi người chỉ nói chuyện xã giao, không ai chủ động thêm Wechat, vì mọi người đều sống xa quê và làm trong những lĩnh vực khác nhau, cũng chẳng quen biết gì mấy.

Thế nhưng sau khi Trang Khiết tới, cô là người đầu tiên móc điện thoại ra kêu gọi mọi người:

– Nào nào, bọn mình kết bạn đi, bôn ba bên ngoài hễ thêm bạn là thêm đường ra.

Sau đó nói toẹt luôn:

– Đều là đồng hương cả, sau này có việc còn nhờ vả nhau được.

Trang Khiết nhìn quanh rồi liếc sang Trần Mạch Đông hỏi:

– Wechat anh đâu?

– Quên mang.

Anh đi vội nên để quên điện thoại ở nhà tang lễ.

Trang Khiết cũng không để ý, thuận miệng hỏi:

– Sao anh cũng tham gia? Không phải buổi gặp này chỉ nhắm tới người xa quê…

Cô đang nói dở thì cửa mở, sau đó vài người bê trà thơm và mấy món điểm tâm đẹp đẽ bước vào.



Chủ tịch thị trấn vào ngay sau đó.

Đầu tiên, ông mỉm cười niềm nở, sau đó tự giới thiệu bản thân với mọi người rồi dùng giọng điệu thân tình trình bày:

– Các cháu ngồi xuống cả đi, cứ tự nhiên như ở nhà nhé.

Hôm nay bác đến đây không phải với tư cách Chủ tịch thị trấn mà chỉ là ông bác ngồi tâm sự với đám con cháu thôi.

– Bác muốn trò chuyện với các cháu lâu lăm rồi, vốn định gác việc này đến tết âm lịch, không ngờ các cháu lại về nghỉ lễ Quốc khánh đông đủ cả, nếu đã có duyên thì ta hội ngộ luôn hôm nay vậy.

Đáng lẽ hôm nay bác có một cuộc họp rất quan trọng nhưng đã dời lại rồi.

Nói xong còn cười mấy tiếng.

Sau đó ông ta vào chủ đề chính, trình bày tình hình của thị trấn và những làng đặc biệt khó khăn, đề cập chuyện nếu di dời nhà máy dược lên thành phố thì sẽ có hơn 1000 công nhân thất nghiệp.

Ngành du lịch cũng không ổn, mùa cao điểm và mùa thấp điểm chênh lệch quá lớn khiến nông sản ế ẩm v.v… Sau đó cho biết thị trấn vẫn muốn phát triển công thương nghiệp, hiện có rất nhiều nhà xưởng trong khu công nghiệp bị bỏ hoang, nếu không tận dụng được thì thật đáng tiếc.

Tiếp đến, ông bảo nếu mọi người ngồi đây có nguồn lực hoặc kiến nghị nào để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, hay muốn gợi ý ngành nghề mới hoặc đóng góp ý kiến xây dựng thị trấn thì cứ mạnh dạn phát biểu rồi mọi người cùng thảo luận xem có khả thi không.

Chủ tịch thị trấn nói rất có lý có tình, còn trích dẫn cả câu châm ngôn “Nghèo thì chỉ đủ lo thân, Đến khi hiển đạt đỡ đần thế nhân” của Mạnh Tử, khúc giữa còn trình chiếu cả powerpoint, dùng đủ mọi lời hay ảnh đẹp ca ngợi thị trấn Nam Bình.

Có người ngồi đây xúc động, bèn bảo nếu thị trấn cần thì anh ta sẵn sàng quyên góp.

Chủ tịch thị trấn lắc đầu cười, nói thị trấn không thiếu tiền mà chỉ thiếu nhân tài.

Đây cũng là vấn nạn phổ biến ở nông thôn hiện nay, đám trẻ giỏi giang đều bỏ đi hết, để lại rặt người già trẻ em nên quê hương có muốn phát triển cũng lực bất tòng tâm.

Sau đó ông ta đính chính rằng nói thế không có ý gì khác, không phải muốn khuyên họ ở lại mà chỉ mong mọi người có thể nghĩ tới quê nhà.

Thấy đã nói đủ thấm, Chủ tịch thị trấn bèn lảng sang chuyện khác, còn đùa rằng:

– Hôm nay còn một chuyện quan trọng hơn là tạo cơ hội cho đám trẻ độc thân các cháu gặp nhau và quét Wechat làm quen.

Nước phù sa chớ nên chảy ra ruộng ngoài, nếu tự sản tự tiêu được thì ta cố mà làm.

Ông vừa dứt lời, mọi người đều bật cười.

Chủ tịch thị trấn giở tập tài liệu trên tay, điểm danh:

– Con gái thị trấn mình giỏi giang đáo để, chẳng hạn như Tây Hạ, Trang Khiết, Thắng Nam, Hà Uẩn đều là người học rộng tài cao.

Con trai thì kém nhiều lắm, mấy đứa thế là không được đâu.

Lại một tràng cười to vang lên.

Một anh chàng gỡ gạc:

– Chẳng qua bọn cháu nhường cánh chị em thôi Chủ tịch ơi.

– Mấy đứa chỉ giỏi tự an ủi.

Chủ tịch thị trấn tiếp lời.

Mọi người cười mãi không dứt, Chủ tịch thị trấn nhân thể điểm danh Trần Mạch Đông:

– Đây là nhân tài của thị trấn ta, thanh niên năm tốt do cấp trên bình bầu, đã bỏ Bắc Kinh về xây dựng quê nhà đấy.

– Người cao tuổi luôn là vấn đề lớn của mọi làng.

Năm ngoái có một ông cụ đi biệt bốn ngày mới được tìm thấy.

Trong hoàn cảnh đặc thù, đồng chí Tiểu Trần của chúng ta đã chỉnh trang dung nhan giúp cụ ấy.

Trước kia thị trấn mình không có chuyên viên trang điểm thi hài chuyên nghiệp, nên những ai mất một cách bất thường khó lòng giữ được thể diện khi lâm chung, nhất là các cụ qua đời trong viện dưỡng lão hoặc mất do gặp tai nạn hay bị bệnh tật tra tấn lâu ngày, may mà giờ chúng ta đã có cháu Trần.

Dân quê mình chưa có nhận thức đầy đủ và chú trọng việc giữ tôn nghiêm cho người mất kiểu bất thường, nhưng bấy nay đồng chí Tiểu Trần của chúng ta vẫn luôn gánh vác công việc vĩ đại này.

Nói xong, ông đi đầu vỗ tay.

Người bên dưới đồng loạt vỗ tay theo.

– Thôi vào việc chính nhé, các cháu gái ngồi đây hãy nghe cho rõ: Đồng chí Tiểu Trần của chúng ta vẫn còn độc thân.

Lại một tràng cười vang lên.

Trang Khiết nhìn sang thanh niên năm tốt, thấy anh đang mặc com lê đi giày da ngồi ngay ngắn trên ghế.

Cô lén đá anh dưới gầm bàn mà anh chẳng suy suyển gì.

Buổi uống trà này kéo dài từ 2 giờ đến tận 5 giờ chiều.

Cả quá trình đều diễn ra thoải mái, Chủ tịch thị trấn không hề giở giọng quan mà vô cùng thân thiện, rõ ràng ông đang dùng chiêu bài tình cảm làm khó người ta nhưng không khiến ai thấy phản cảm.

Trước khi kết thúc, mọi người được phát cho một tập tài liệu liệt kê các ngành nghề và danh mục nông sản của thị trấn cùng một tấm vé xem phim “Tôi và Tổ quốc tôi”.

Trang Khiết vừa ra ngoài là nhắn tin ngay cho Vương Tây Hạ truyền đạt tinh thần cuộc họp, còn lấy hộ bạn một tập tài liệu, bảo trước khi về Thượng Hải sẽ tới Bắc Kinh thăm bạn.

Nghe tiếng ồn, cô ngẩng lên xem thì thấy một chiếc flycam đang lượn lòng vòng trên tòa nhà Ủy ban, vừa rồi Chủ tịch thị trấn nói thị trấn đang quay phim quảng bá cho từng làng.

Lúc ngồi trong phòng họp, cô cũng ngẫm xem phải làm gì để giúp đỡ quê hương, nhưng vừa xuống lầu thì ý nghĩ đó đã bị gió thổi bạt mất.

Kệ đi, phải sống vì mình trước đã.

Nghèo thì chỉ đủ lo thân, bao giờ phất như diều gặp gió hẵng bàn.

Cô kéo vạt áo khoác lại, chợt thấy mình cũng là hạng ích kỷ y như Quý Đồng.

Cô đã từng là một người có lý tưởng và tín ngưỡng, nhưng hiện tại lý tưởng và tín ngưỡng duy nhất của cô là an cư lập nghiệp ở Thượng Hải.

Thấy người vĩ đại đi đằng trước, cô rảo bước đuổi theo nói:

– Lưu số đi, sau này cần gì còn liên hệ.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui