Sắc Xuân Trên Đỉnh Non Ngàn


Khang Chiêu mở cửa ghế phụ, ôm eo cô ra hiệu lên xe.
“Đấy gọi là đôi bên cùng có lợi.”
Chợt Liễu Chi Nhàn sực nhớ ra một chuyện, nhưng trong chốc lát lại chẳng thể hỏi thành lời.
Gia cảnh Khang Chiêu khá giả, đáng nhẽ không nên thông đồng với thương nhân mới phải.
Không biết vì Liễu Chi Nhàn đã viết rõ cảm xúc lên mặt hay là Khang Chiêu có khả năng nhìn thấu quá mạnh.
“Em nghi ngờ anh và Phàn Kha làm chuyện mờ ám?”
Trong chớp mắt, Liễu Chi Nhàn nhận ra một vấn đề còn nhạy cảm hơn.
“Liệu có ai đó vì muốn lợi ích từ anh mà đến tìm em không?”
Khang Chiêu sửng sốt.
Liễu Chi Nhàn nắm tay, hắng giọng đầy trịnh trọng.
“Đồn trưởng yên tâm, nhất định em sẽ bảo vệ sự trong sạch của anh.”
Đôi mắt đào hoa híp lại, khóe miệng loáng thoáng ý cười.
“Sự trong sạch đã bị em vấy bẩn rồi còn đâu, hả?”
*Rầm* một tiếng, cửa xe bên ghế phụ đóng lại.
Liễu Chi Nhàn ngớ ra, đoạn bật cười.
Khang Chiêu ngồi vào ghế lái, gương mặt ấy vẫn như mọi khi – điển trai hào sảng, nhưng vì đã chứng kiến vẻ phong tình ở anh nên Liễu Chi Nhàn chỉ muốn khiêu khích ranh giới cuối cùng của anh.
Cherokee từ từ rời khỏi bãi đậu xe.
Liễu Chi Nhàn nghiêng người, tay đặt trên quần chà lui chà tới như vuốt lông mèo, chẳng mấy chốc lòng bàn tay đã nóng lên.
“Chưa đủ bẩn, vẫn còn chỗ để phát huy đây.”
Bàn tay trắng muốt đặt trên quần đen, tựa mỹ ngọc được dâng lên.
Khang Chiêu thong thả nói: “Hay là anh lái xe lên núi?”
“…”
Mỹ ngọc rụt về, chỉ còn lại lớp vải lót màu đen.
Liễu Chi Nhàn ra vẻ bình tĩnh, nghiêm mặt nói: “Trong lúc lái xe nhớ chú ý an toàn.”
Tối hôm ấy hai người tới nhà bà Liên ăn cơm.
Toàn là những gương mặt thân quen – trước khi Liễu Chi Nhàn và Khang Chiêu chính thức quen nhau, hai người vẫn thường xuyên cùng ra cùng vào nên mọi người đều quen nhau.
Đến khi bọn họ ở bên nhau thật thì mọi người lại lấy làm bất ngờ: Ơ, thế không phải trước nay hai người đang hẹn hò à?
Trong trấn nhỏ không có nhiều nơi để hẹn hò, vợ chồng bình thường hễ tan làm là lại về nhà, cùng quây quần bên bàn cơm nóng hổi.
Ở vườn ươm cũng có nhà bếp, nhưng Liễu Chi Nhàn không biết nấu ăn, lại không muốn phiền Khang Chiêu đã vất vả còn phải nấu cơm.
Rất nhiều lần đang hẹn hò thì giữa chừng anh lại có công việc đột xuất, Liễu Chi Nhàn càng không muốn tốn nửa tiếng lái xe lên huyện chỉ vì một bữa ăn cho có vẻ.
Một ngày ba bữa cũng chỉ để lấp bụng, điều cô mong chờ hơn cả là đi dạo tiêu thực sau bữa ăn cùng Khang Chiêu.
Trước kia ở thành phố, cứ mỗi tháng Liễu Chi Nhàn sẽ đi nhậu với Hi San San một lần.

Nhưng từ ngày đến trấn Nam Ưng, chuyện thức đêm gần như được loại bỏ, làm việc nghỉ ngơi không khác gì người già.
Thậm chí ngay tới trạng thái yêu đương bây giờ cũng vậy, toàn bị Hi San San gọi đùa là “vợ chồng già”.
Ban ngày, Liễu Chi Nhàn và Khang Chiêu sống chung như bạn bè, đến chiều lại ngọt ngào như mới cưới.
Cô thật sự rất thích những ngày tháng yên ổn thế này.
Rời khỏi nhà bà Liên, Liễu Chi Nhàn nửa than nửa lẩm bẩm: “Anh Tiểu Chiêu, em không biết nấu ăn, sau này phải làm sao đây?”
Khang Chiêu tiện tay mở cửa xe cho cô, “Em thấy thế nào?”
Khang Chiêu đi vòng về ghế lái, Liễu Chi Nhàn không thấy được biểu cảm của anh, không biết anh đang hỏi vui hay nghiêm túc hỏi ngược.
Hơn nữa…
Cô tự đặt ra câu trả lời của anh sẽ là: Anh biết là được.
Chênh lệch lớn quá.
Liễu Chi Nhàn bĩu môi nói: “Em sẽ cố gắng học, chỉ cần anh không ngại làm chuột bạch…”
Khang Chiêu cười nổ máy.
“Học cái gì, cố kiếm tiền đi rồi thuê giúp việc.”
“…”
Quả nhiên cô chưa bao giờ đoán được trong đầu anh nghĩ gì.
Liễu Chi Nhàn: “Có lý.”
Khang Chiêu bổ sung: “Nếu em muốn học thì anh dạy cũng được.”

Liễu Chi Nhàn nhại giọng anh: “Nếu anh đã biết thì việc gì em phải lãng phí thời gian nữa, làm chuyện khác không tốt sao?”
“Đi thôi, vận động tiêu thực nào.”
Khang Chiêu cười cười, đạp chân ga.

Tuy nói thế nhưng cả hai không hề làm thật.
Khang Chiêu nghiêm túc báo cáo lịch trình gần đây, Liễu Chi Nhàn mở lịch trên điện thoại ra xác nhận từng mục một, thêm chú thích, thảo luận về thời gian có thể ăn chung tiếp theo.
Không ngạc nhiên chút nào, phải thêm mấy ngày nữa.
Khang Chiêu trêu: “Em còn cẩn thận hơn cả nhân viên bán hàng đấy.”
Liễu Chi Nhàn cười cười: “Em cũng sợ mình bận rồi quên, nếu so sánh thì thời gian của em linh hoạt hơn, sẽ cố gắng cân đối với anh.”
Cô nói chuyện nhưng mắt vẫn nhìn chằm chằm điện thoại, đang cài đồng hồ báo thức.
Bảo là nói chuyện với Khang Chiêu, chẳng thà nói đang tự lẩm nhẩm.
Chính vì thế nên cứ nghĩ gì là cô lại thốt ra hết, bộc bạch tình cảm với anh một cách tự nhiên.
Trong mối tính trước đó, Khang Chiêu và đối phương chưa bao giờ nhân nhượng nhau, cầm cự lâu ngày, cuối cùng chia tay trong không vui.
Nay lại bỗng gặp được một người con gái cực kỳ ăn ý, lại sẵn sàng hy sinh càng khiến Khang Chiêu rung động, đồng thời cũng cảm thấy có sự áy náy chung của những người hành cùng nghề.
Khang Chiêu lại gần ôm lấy cô.
“Đừng ghi nữa, có thời gian anh sẽ đến tìm em.”
Tất nhiên Liễu Chi Nhàn không biết được nội tâm mạnh mẽ trong anh, vỗ nhẹ vào lưng anh.
Tới khi buông ra, Liễu Chi Nhàn nói: “Em thấy vẫn nên phải ghi…”
Khang Chiêu bật cười bất đắc dĩ.
Sau khi đại công cáo thành, Liễu Chi Nhàn nói: “Vẫn tốt hơn là hẹn hò với quân nhân, một tháng chỉ gặp được một hai ba bốn năm sáu lần.”
Khang Chiêu im lặng.
“Ờ…” Liễu Chi Nhàn chun mũi, “Một hai ba lần.”
Khang Chiêu cân nhắc: “Tới tháng Bảy tháng Tám có thể sẽ bận hơn.”
Liễu Chi Nhàn: “Một lần.”
Khang Chiêu chồm người tới dán vào môi cô.
Liễu Chi Nhàn trấn an anh: “Được rồi, không sao mà.

Anh không ở đây em cũng có thể tự chơi, tìm tụi Ni Ni San San chơi.”
Quả nhiên Khang Chiêu lại “mất tích” mấy hôm nữa.
Ba hay bốn ngày sau, Liễu Chi Nhàn lái xe đến nhà ông ngoại ở thôn Đồng Bình.
Lúc sắp rẽ vào đường xi măng trong thôn thì chiếc Cherokee quen thuộc bỗng lướt qua, xe chạy theo hướng tới huyện.
Thứ nhất là đang lái xe, thứ hai là nghĩ chắc Khang Chiêu đang bận nên Liễu Chi Nhàn không gọi hỏi
Đến khi dừng xe cô mới nhắn tin, nói với Khang Chiêu là vừa nãy suýt thì gặp anh.
Nhưng đối phương không trả lời.
Liễu Chi Nhàn đã quá quen với việc Khang Chiêu thỉnh thoảng biến mất giữa chừng, bởi vậy cũng không nghĩ sâu xa.
***
Tại khoa nhi bệnh viện thành phố.
Khổng Mân gọi số kế tiếp, trong lúc chờ người vào, bà cầm lấy cốc nước.
Đúng lúc này điện thoại rung lên.
Bạn cũ gọi đến, thật là hiếm thấy.
Khổng Mân nhận điện thoại từ cựu thị trưởng.
Bên kia chỉ nói một câu: “Tôi nhận được tin, Tiểu Chiêu đến cục cảnh sát trong huyện tìm hồ sơ năm đó, e là cậu ấy đã biết rồi.”
Phụ huynh bệnh nhân đã tới ngồi bên ghế chờ.
Khổng Mân cúp máy, ngón tay rê chuột run run như thể vừa hoàn thành cuộc giải phẫu quá lâu, tay mềm nhũn không cầm nổi bất cứ thứ gì.
Nhưng bà vẫn dịu dàng hỏi: “Bé nhà bị gì nào?”

Khoảng bảy giờ, Khổng Mân đã khám xong cho bệnh nhân cuối cùng.
Bà rửa tay, thay sang thường phục, uống nước ấm rồi xách túi ra về.
Biệt thự nhà họ Hứa chỉ có hai garage, sau khi Hứa Gia Hoành về nước thì thường đậu xe ở đây, có lúc Khổng Mân phải đậu xe ở bãi đỗ công cộng.
Tối nay xe của Hứa Kiến Hoài lẫn Hứa Gia Hoành đều không có trong garage, thay vào đó là có mặt chiếc xe Cheeroke.
Khổng Mân đi vòng sang phía bên kia, xem ra của cựu thị trưởng chính xác rồi.

Con trẻ lớn lên rời nhà, vượt ra ngoài tầm với giáo dục và bầu bạn của cha mẹ, rồi khi sở hữu một vài bí mật mà cha mẹ không biết, trong tính cách cũng bắt đầu lộ ra một mặt khác lạ và phức tạp.
Như lúc này đây, Khổng Mân mở cửa, Khang Chiêu vẫn bình thản như mọi khi, anh ngồi bên bàn ăn cơm, còn quay qua hỏi bà đã ăn chưa, có cần xới một bát không.
Khổng Mân đáp được.
Bà cầm bát cơm, bắt đầu nghi ngờ tin tức của bạn cũ.
Có lẽ Khang Chiêu chỉ đi kiểm tra ghi chép phạm tội của tình nghi nào đó mà thôi…
Hai mẹ con im lặng ăn hết bữa cơm.
Dì giúp việc đến thu dọn bát đũa, Khang Chiêu ngồi xuống salon, cầm lấy điều khiển chuyển từng kênh một.
Cuối cùng dừng ở bản tin thời sự.
Điện thoại Khổng Mân lại rung lên.
Gọi vào giờ này thì chỉ có thể là từ bệnh viện.
Nhưng khi thấy một cái tên quen thuộc ít gặp, Khổng Mân thà rằng đó là cuộc gọi từ bệnh viện còn hơn.
“Đai Sao Thổ” xuất hiện trên màn hình hiển thị.
Ba chữ này không giống tên người, trái lại như một ký hiệu đến từ không gian khác, như một lá bùa phong ấn một bí mật.
Đai Sao Thổ cũng chỉ nói một câu.
Ông ấy nói: “Bác sĩ Khổng, Tiểu Chiêu tới tìm tôi.”
Sau khi Khang Thụ Dương hy sinh, Khổng Mân và Đai Sao Thổ chỉ dừng lại ở mức liên lạc nhắn tin hỏi thăm sức khỏe vào ngày lễ tết.
Thậm chí bà cũng không kết bạn Wechat với Đại Sao Thổ.
Về phần Đai Sao Thổ, ông còn giống người đến Wechat cũng không xài.
Ở Đai Sao Thổ có hơi thở của thời đại cũ, vì ông đã lớn tuổi nhưng suốt ngày hi hi ha ha, khiến người ta có ấn tượng ban đầu là chỉ số thông minh của ông không cao.
Khang Chiêu bô trai từ nhỏ, tính cách cởi mở hoạt bát, ngoài bà Khang ra, trai gái già trẻ đều thích gọi anh là “anh Tiểu Chiêu”, chẳng liên quan đến tuổi tác bối phận mà chỉ là cách bày tỏ sự quý mến mà thôi.
Nhưng vừa nãy Đai Sao Thổ chỉ gọi mỗi tên anh.
Một câu nói ngắn ngủi bình thường nhưng lại khác mọi ngày một trời một vực.
Chuông báo động trong đầu Khổng Mân kêu inh ỏi.
Những người năm đó đã khép lại thành một vòng khép kín, nhốt chặt một bí mật, nhưng nay đã có hai điểm thất thủ.
Khổng Mân biết không thể giấu giếm bí mật được nữa…
Bên tai Khang Chiêu là bản tin thời sự địa phương nhàm chán, nhưng trong đầu lại đang phát một “bản tin” khác.
Ít nhất thì người kể chuyện cũng đã cố gắng tách câu chuyện ra khỏi Khang Chiêu càng nhiều càng tốt, để anh cảm thấy như đang nghe về nỗi bất hạnh của người khác.
Nhưng Khang Chiêu biết rõ nhân vật chính chính là anh, là Khang Chiêu, là đứa trẻ vừa chào đời đã bị vứt bỏ.
Hồi chiều, Khang Chiêu chặn đường Đai Sao Thổ ở quanh khu nhà La Y Vân.
Trong tay Đai Sao Thổ là một túi kẹo mút, nói thật tình cờ.
Khang Chiêu bảo không tình cờ, anh mới từ thôn Mỗ Mỗ về.
Thôn Mỗ Mỗ là quê ngoại của La Y Vân.
Chẳng qua Khang Chiêu thiếu thời gian rảnh, nếu không đã có thể tìm ra mọi manh mối.
Anh có công việc bận rộn, còn muốn được gặp bạn gái thường xuyên, cũng có cuộc sống bình thường rất quy luật.
Anh chỉ có thể sử dụng chút ít thời gian để ghép từng mảnh từng mảnh vào bức tranh.
Đai Sao Thổ bật cười, nhưng không phải là kiểu cười vui như trước mà là kiểu cười bất đắc dĩ.
Ông ấy nói, cậu đợi một lát, để tôi đưa cái này cho Y Vân đã.
Đai Sao Thổ cầm túi kẹo mút đi vào nhà của La Y Vân.
Một lát sau ông lại đi ra, nói, không biết Y Vân đi đâu chơi rồi, hay cậu vào ngồi một lát?
Càng đến gần đáp án thì càng trở nên sợ sệt, có lẽ điều đó sẽ phá hủy bề ngoài bình tĩnh mà nhiều người đã giúp anh duy trì.
Trong nhà đúng là có thể nói nghèo rớt mồng tơi, đồ đạc rất ít, thành ra La Y Vân cũng hiếm khi đóng cửa.

Vậy mà mọi thứ lại được dọn dẹp sạch sẽ gọn gàng, không một vết bẩn, khó hình dung nổi đây là chỗ ở của “người điên”.
Khang Chiêu đi qua đi lại, thấy quen rồi thì dần dà không còn chấn động như lúc đầu.
Những khi giúp đỡ người nghèo anh còn gặp nhiều nhà có hoàn cảnh cơ cực hơn thế này, như La Y Vân là khá lắm rồi.
Mấy lần trước Khang Chiêu đến cũng chỉ đi loanh quanh trong thôn, có đi ngang qua thì cũng chỉ nán lại vài giây.
Đai Sao Thổ đem tới một chiếc ghế đẩu, Khang Chiêu gập chân ngồi xuống, thực chẳng mấy thoải mái.
Ông còn cầm đến một cốc trà iểu cổ, nhưng vách trong sạch sẽ như mới, không một vết trà.

Khang Chiêu đưa cho Đai Sao Thổ một điếu thuốc, lặng lẽ châm lửa.
Anh búng tàn thuốc rồi đi thẳng vào vấn đề.
Khang Chiêu hỏi, bố tôi từng bảo, có gì khó hiểu phải làm cho rõ, chú biết tôi muốn hỏi gì.
Đương nhiên là Đai Sao Thổ biết, và ông cũng đang đợi Khang Chiêu hỏi.
Ông nói, tôi tưởng cậu sẽ không để tâm.
Nụ cười vẫn thế, vẫn giọng điệu không thay đổi mấy mươi năm qua.
Nhưng cũng chính sự cởi mở đó đã làm dịu đi cơn run sợ trong anh, khi anh đọc hết hồ sơ trong văn phòng lưu trữ vào buổi sáng.
Đai Sao Thổ kể cho Khang Chiêu câu chuyện “người nông dân và con rắn”.
Rất nhiều năm về trước khi La Y Vân đang học cấp ba, một buổi sáng mùa đông bị bố mẹ đuổi lên núi, bắt tìm thảo dược chữa bệnh cho em trai.
La Y Vân gặp một người đàn ông nằm dưới đất trên núi, bị gãy chân không dậy nổi, cứ đứng đó lớn tiếng kêu.
La Y Vân đi tới nhìn, là một người thanh niên điển trai.
“Y Vân ấy, thích đàn ông đẹp mã lắm.

Hồi cấp hai bà ấy từng yêu thầm lão Hùng, lén vẽ rất nhiều tranh của người ta, cậu có biết không?”
Đương nhiên là Khang Chiêu không biết.
“Mà cậu cứ xem bà ấy nhiệt tình với cậu thế nào là hiểu.

Nếu tôi mà dễ nhìn hơn chút thì chưa chắc bà ấy đã xem tôi là bạn tốt.

Thói xấu!”
Mới đầu La Y Vân còn phòng bị, không dám lại gần, nhưng thấy chàng trai này chỉ ở yên một chỗ, cô đánh bạo đi tới bắt chuyện.
La Y Vân đề xuất gọi tiếp viện cho anh ta, nhưng anh ta không chịu, xin La Y Vân ít thức ăn, tự sinh tự diệt tại chỗ.
La Y Vân mềm lòng, cứ mấy hôm là lại đem đồ ăn tới cho anh ta, nhưng điều kiện hồi đó không được tốt, thức ăn còn không đủ nên cô không dám nói với ai.
Có ôm trời mưa, trời đã tối, cô lo chàng trai kia không chịu nổi rét lạnh, bèn lén ôm một tấm chăn cũ lên núi.
Sau đó được cảnh sát ở đồn đưa về…
Tàn thuốc trong tay Khang Chiêu tích một đoạn dài, bỗng lúc này búng một cái, tàn rơi đầy đất.
La Y Vân không học cấp ba, bị bố mẹ đuổi đi làm ở ngoại tỉnh, mùa Đông cùng năm quay về, cơ thể mập lên rất nhiều.
Mùa Xuân năm sau, lyv biến thành “La Phong Vân”.
*Cạch* một tiếng, cốc trà đặt xuống bàn, nước trà trong cốc dao động mạnh.
Đai Sao Thổ nhìn cốc trà tới nỗi xuất thần.
“Người đem lại tổn thương lớn nhất cho bà ấy không phải là người đàn ông nọ, mà chính là cha mẹ bà ấy.

Nghèo nhưng thích sĩ, Y Vân vốn là hy vọng cải thiện gia đình của bọn họ…”
Đai Sao Thổ bỗng lắc đầu, chuyện cũ xua mãi không đi lại thật nực cười.
“Bạn học cấp hai của bọn chú hồi đó hầu hết đều đã qua đời, tai nạn giao thông, ung thư, thậm chí là tự sát, còn lại vài người thì ngờ nghệch, điên dại, bại liệt.

Thật ra nghĩ theo hướng tích cực thì Y Vân như bây giờ cũng tốt lắm rồi, không phải lo mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, không cần lo con cái cưới gả, được mấy ai ngày ngày vui vẻ như bà ấy ở cái tuổi này đâu, cậu nói xem có đúng không?”
Đai Sao Thổ hoàn hồn, chàng trai có nét loáng thoáng giống La Y Vân ngày trẻ đã không còn ở đối diện nữa rồi.
Tâm trí Khang Chiêu dần dần ngưng lại.
Có lẽ ba mươi năm trước khi không có TV, những câu chuyện phiếm truyền qua miệng của mọi người đã trở thành trà dư tửu hậu cho dân làng sau bữa tối, cũng như bây giờ anh đang xem tin về của người khác sau giờ cơm tối.
Khổng Mân lấy cớ bảo dì giúp việc ra ngoài, sau đó ngồi xuống cạnh Khang Chiêu.
Từ sau khi Khang Chiêu đi làm, việc hai mẹ con ngồi với nhau xem tivi đã trở thành điều xa xỉ.
Bên ngoài vọng tới tiếng động của cửa sắt tự động.
Khổng Mân cầm điều khiển từ xa mà Khang Chiêu mới đặt xuống, hạ thấp âm lượng.
Hai mẹ con rất ăn ý, tuy không nói gì nhưng hành động và sắc mặt đã âm thầm chuẩn bị cho phần dạo đầu cuộc trò chuyện.
Khổng Mân lên tiếng: “Đai Sao Thổ đã nói với con rồi.”
Khang Chiêu vẫn dán mắt nhìn TV, giọng trầm trầm đầy kìm nén.
“Còn ai biết nữa?”
Khổng Mân bổ sung ý mà Đai Sao Thổ không nhắc đến.
Chuyện quan trọng nhất phải do người thân cận nhất nói rõ.
Ngày hôm ấy Khang Thụ Dương tuần núi, phát hiện La Y Vân nằm trong lùm cây phía trước, sau đó đồn trưởng đồn cảnh sát tiếp nhận vụ án này – về sau đồn trưởng được điều đến bộ máy nhà nước, lên làm thị trấn trưởng, hiện đã nghỉ hưu.
La Y Vân im lặng suốt cả đêm, tới khi được bố mẹ đến đón về thì mới “cám ơn” một tiếng.
Bố mẹ La đã muốn con gái nghỉ học từ lâu, muốn con sớm đi làm kiếm tiền, tíc h góp tiền cưới vợ cho em trai đau ốm.
Xảy ra chuyện như thế, vì sợ ảnh hưởng đến danh dự gia đình nên bố mẹ La đã bưng bít mọi chuyện, rất không phối hợp điều tra, mấy hôm sau đưa La Y Vân đến tỉnh khác đi làm.
Manh mối cứ vậy đứt đoạn, vụ án treo mãi đến tận bây giờ.
Mùa Đông cùng năm, La Y Vân một mình quay về, không lâu sau thì từ một người biến thành hai người.
Ngay đêm đó ông La đã “giải quyết” xong đứa trẻ…
Một thôn làng truyền thống phong kiến, các mối quan hệ chặt chẽ như mạng lưới đan xen dày đặc, một cô gái trẻ sinh con ngoài giá thú là chuyện bại hoại đến nhường nào, về sau còn ai dám gả vào nhà họ La nữa.
Khổng Mân chỉ trần thuật đơn giản, không thêm dầu dặm muối, thậm chí không trực tiếp nhắc đến đứa bé chào đời ngoài ý muốn kia.


Nhưng từ góc độ của ông La, Khang Chiêu dễ dàng hiểu được động cơ muốn bỏ rơi đứa trẻ sơ sinh của ông.
Khổng Mân nói: “Vì lý do cơ thể nên mẹ không thể mang thai, bà nội con rất hận, nhưng bố con gánh hết, nói với bên ngoài là vấn đề ở ông ấy.”
Thế nên đứa bé vô tình gặp trong ánh ban mai ấy đã trở thành niềm khao khát của hai vợ chồng.
Khang Chiêu vẫn ôm tia may mắn cuối cùng.
“Bà ấy ra ngoài làm công gần một năm, liệu có khả năng…”
Khổng Mân khẽ gật đầu.
Trong thời gian La Y Vân đi xa, Đai Sao Thổ vẫn giữ liên lạc qua thư với bà.
Qua câu chữ suy đoán, tinh thần La Y Vân vẫn ổn định, không mắc PSTD*.
(*Là bệnh rối loạn căng thẳng sau chấn thương.)
Năm thứ hai Đai Sao Thổ đến tìm La Y Vân, La Y Vân ấp úng bộc bạch, bà từng nói mình hận gã đàn ông kia, nhưng hơn hết là hận bố mẹ mình.
Có ngày hàng xóm qua hỏi tiếng khóc bất thường ở nhà họ La, cha mẹ La nói là tiếng mèo động dục; hỏi vì sao con gái lại gầy trơ xương như thế, cha mẹ La nói là mới qua khỏi bệnh nặng.
Nếu cha mẹ La chịu tha cho đứa trẻ vô tội thì có lẽ La Y Vân vẫn còn chốn nương tựa;
Nếu khi Đai Sao Thổ đến cửa cầu hôn, cha mẹ La không tham lam đòi sính lễ trên trời, để La Y Vân có nơi dựa dẫm, thì có lẽ bà vẫn có thể sống tiếp cuộc sống bình thường.
Nhưng những điều trên lại chẳng xảy ra, cha mẹ La đã bóp chết tất cả cơ hội để La Y Vân được bình thường trở lại.
Vì để gom góp đủ “sính lễ trên trời” mà Đai Sao Thổ phải mở miệng vay tiền của lão Hùng, nhưng lão Hùng cũng cần kết hôn, lấy đâu ra tiền dư cho vay.
Đai Sao Thổ không muốn để lão Hùng biết mục đích mình mượn tiền, dù gì La Y Vân cũng từng đơn phương lão Hùng, ông muốn được thắng lão Hùng.
Đai Sao Thổ bí quá hóa liều nên mới làm “Chuột núi”.
Còn La Y Vân thì “điên” rồi.
Bà bắt đầu trang điểm thật đậm, mặc những bộ quần áo kệch cỡm không hợp độ tuổi.
Mới bảnh mắt đã ra đứng ngoài nhà mắng xối xả, ban ngày lại đi khắp thôn khoe khoang với mọi người, những nhân vật có tiếng tăm nào từng lên báo đều trở thành họ hàng của bà.
Về sau “La Phong Vân” được gả cho một lão mù trong thôn Đồng Bình, nhưng qua ngày kế lão ta đã chết đuối dưới sông.
“Danh tiếng” của La Y Vân lập tức được đồn âm, người dân trong thôn truyền nhau bà giết chồng khắc chồng.
Mấy năm sau, Đai Sao Thổ mãn hạn tù, được Khang Thụ Dương cải tà quy chính, Đai Sao Thổ vô tình khen một câu: mắt thằng bé này đẹp quá, giống hệt mắt của Y Vân.
Năm ấy chính tay Khang Thụ Dương đeo còng số 8 vào tay Đai Sao Thổ, Đai Sao Thổ thường xuyên nhắc “Y Vân Y Vân”, lẽ đương nhiên ông cũng biết bà là ai.
Đấy chính là sự nhầm lẫn lớn nhất mà Khang Thụ Dương phạm phải.
Trong hai vụ án đầu năm cuối năm, Khang Thụ Dương đều là người đầu tiên phát hiện hiện trường, nhưng thời gian địa điểm cách nhau quá xa, rồi sau đó đồn cảnh sát thị trấn vào cuộc xử lý nên ông không hề liên hệ hai chuyện này với nhau.
Có lẽ năm ấy Khang Thụ Dương cũng có tâm tư riêng, cảm thấy mình có duyên với đứa bé trong nắng ban mai, mà đã là trẻ sơ sinh thì cũng không cần tìm hiểu nhiều về quá khứ.
Tâm lý này đã ngăn Khang Thụ Dương đào sâu thêm.
Thôn Đồng Bình có người chê La Y Vân là kẻ mất trí xui xẻo, không cho phép bà lại gần cửa nhà trong vòng mười mét; nhưng cũng có người tốt sẵn sàng cho bà một lối thoát.
Mấy năm trước La Y Vân còn làm ít việc vặt ở thôn Đồng Bình, chặt mía, băm thức ăn cho heo, cấy mạ thu hoạch vân vân.
Có lúc người thuê sẽ trả ít tiền, có khi lại là bữa cơm.
Ông ngoại của Liễu Chi Nhàn là một trong số đó.
Trông bà vô dục vô cầu, như một đứa trẻ to xác không có khả năng tự chăm sóc.
Khang Thụ Dương lấy lý do công việc để đến thăm bà, đem theo ít bột gạo dầu muối, La Y Vân bèn gọi ông là anh họ.
Khang Thụ Dương còn muốn đưa thêm những thứ khác nữa, nhưng Đai Sao Thổ không chịu, nói tiền công ông đi tuần núi vẫn đủ nuôi sống hai người.
Dù lúc ấy La Y Vân vẫn giận ông đi theo con đường tà môn ngoại đạo, thường xuyên đuổi ông ra khỏi nhà.
Sau khi ra tù Đai Sao Thổ chỉ chạy đi chạy về hai nơi, một là làm hòa với La Y Vân, hai là giảng hòa với lão Hùng.
Về sau ông ngoại của Liễu Chi Nhàn lại biết được nội tình trước cả lão Hùng, ôm im lặng bắc cầu, giúp hai người nối lại tình bạn năm xưa.
Tuy ông đã già nhưng mắt rất sáng, biết cả những chuyện không rõ ràng, những chuyện không ai hỏi.
Hứa Kiến Hoài cũng lấy lý do đi làm từ thiện đến thăm La Y Vân, cung cấp cho bà các thủ tục bảo hiểm cần thiết, La Y Vân cũng gọi ông là anh họ.
Khổng Mân thở dài, “Nói đến đây chắc con đã hiểu.

Chỉ có mẹ là chưa đến thăm bà ấy…”
Khang Chiêu vốn đang ngồi tựa vào lưng ghế, bất tri bất giác khuỷu tay chống lên đầu gối, lưng còng xuống.
“Mong con tha thứ cho sự ích kỷ của người mẹ này, năm đó mẹ rất sợ, rất sợ con sẽ bị đoạt đi…”
Cái đầu giữa hai tay run lên, không rõ là Khang Chiêu không để ý hay chỉ là phản ứng tự nhiên khi không muốn tin.
Một lực nhẹ nhàng đặt lên sống lưng, khác với cái chạm của Liễu Chi Nhàn, nhưng cũng đong đầy sự dịu dàng và an ủi của phái nữ.
Khổng Mân đã nói rõ nỗi bất an, chậm rãi kể chuyện một cách vô cùng bình tĩnh như đang đối mặt với bệnh hiểm nghèo.
“Khang Chiêu, con nhớ những gì mẹ nói đây, nếu một người phụ nữ muốn giết bào thai trong bụng thì có hàng trăm hàng nghìn cách thức và lý do, và ngược lại cũng vậy, nếu người ấy muốn giữ sinh mệnh này thì cô ấy cũng biết dùng hàng trăm hàng nghìn cách bảo vệ để con mình chào đời, đấy là tình mẫu tử trời ban.”
Khang Chiêu biết chứ.
Dĩ nhiên là anh biết.
Trong hồ sơ có một bức thư mà La Y Vân gửi lại vào giữa năm, trong đó viết rõ về quyết định có con của cô và đính kèm một bức chân dung tự vẽ của nghi phạm.
Nhưng vì công nghệ hồi ấy còn lạc hậu nên vụ án vẫn chưa được giải quyết, rồi dần dần cũng hết thời hạn truy tố…
Người đang vùi mặt vào hai tay đột nhiên ngẩng đầu, như một làn gió lao nhanh ra cửa.
“Tiểu Chiêu?”
Cherokee phóng vụt đi, biệt tung biệt tích..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận