Huệ tần đáp: "Ngươi bảo ta không lo sao được?" Ngừng một chút nói tiếp: "Xem tình hình ngày đó chúng ta đến Trữ Tú cung đấy, Vạn tuế gia lại ở trong đó... đến cả quy củ kiêng kị cũng chẳng thèm để ý nữa rồi, đứa Lâm Lang này..." Nhắc đến cái tên thì răng lại nghiến vào nhau: "Hiện giờ hoàng thượng ốm như thế còn không phải là vì..." Nói tới đây thì kìm được lời nói, chỉ tiếp tục: "Đến giờ lại tới thái hoàng thái hậu đứng ra lo liệu ở giữa."
Thừa Hương khuyên nàng: "Chủ nhân hãy bớt buồn, dù nàng ta có thế nào cũng không thể vượt chủ nhân được. Huồng hồ tình hình hiện tại, không phải là Vạn tuế gia cuối cùng đã tức giận với nàng ta rồi hay sao?"
Huệ tần đáp: "Cứ coi như lần này giận nó thật đi, chỉ sợ lỡ như... chỉ sợ lỡ như... Nếu nó biết chuyện ngày đó Vệ gia làm sao mà tan cửa nát nhà, nhất định sẽ sinh ác cảm, lỡ như nó có được cơ hội rồi nói hai ba câu gây họa trước mặt hoàng thượng, vậy ngày tháng sau này của chúng ta khổ sở ngay."
"Không phải chủ nhân thường nói, xưa nay Vạn tuế gia luôn phân rõ chuyện triều chính và chuyện hậu cung, sẽ không thiên về tình hay sao? " Thừa Hương hỏi.
Huệ tần đáp: "Làm sao mà biết chắc được. Cứ coi như chỗ hoàng thượng nó không làm được gì. Nhưng người hầu kẻ hạ thì muốn nịnh nọt nó, dù trước mặt hay sau lưng thì người chịu thiệt vẫn là chúng ta mà thôi. Ngươi xem tình hình hôm nay đi, đến thái hoàng thái hậu cũng ở cạnh bảo vệ, còn không phải là vì trong lòng hoàng thượng có nó hay sao? Ý của phụ thân ngày xưa, chỉ là đem nó đi ứng tuyển, cứ tưởng nó nhất định được tuyển, rồi lúc xuất cung cũng đã trở thành một nữ tử quá lứa, hơn 20 tuổi rồi thì chẳng gả được vào nhà nào tốt. Ai ngờ lại là lợn lành chữa thành lợn què."
Thừa Hương nghĩ nghĩ rồi nói: "Ngày nọ không phải Lão thái thái cũng vào cung sao... Thật tiếc là Tứ thái thái không tới, không thì cũng có thể bàn bạc được chút."
Huệ tần thất thần một hồi lâu, cuối cùng mới nói: "Lão thái thái tuổi đã cao lắm rồi. Những chuyện như thế này tốt nhất không nên để người biết." Duỗi tay cầm lấy tách trà, thổi nhẹ một hơi: "Đi một bước rồi tính một bước vậy. Nếu như Vạn tuế gia trước sau vẫn không bỏ được thì chúng ta cũng hết cách. Nhưng nếu Vạn tuế gia đã coi trọng nó như vậy, tất sẽ có người hận đến nghiến răng nghiến lợi. Sau này chúng ta chỉ cần cẩn thận nhìn trước sau, đến lúc lấy bốn lạng bạt ngàn cân, càng đỡ tốn công tốn sức."
Thời tiết ấm áp, liễu rủ phất phơ hai bên đường, bay nhẹ trong gió. Gió thổi mang theo mùi hương thơm ngát của hoa cỏ dại, khiến tâm tình người ta vui vẻ. Thái tử chỉ dùng nửa phần lễ nghi thông thường, cũng là ý muốn đơn giản hóa đi. Kiệu của Lâm Lang theo đằng sau, chỉ nghe thấy tiếng xe ngựa lăn lộc cộc trên đường, trong lòng cũng quay vòng liên hồi, chẳng có một chút yên tâm.
Cẩm Thu đã mấy năm rồi không ra khỏi cung nên chuyến đi này rất vui vẻ. Tuy ngại quy củ nên không dám nói cười, nhưng thi thoảng sẽ bắt gặp sự vui mừng trong ánh mắt mỗi khi nàng liếc nhìn cảnh vật bên ngoài qua cửa sổ, khi thấy những mái nhà trên đường đi, thấy ruộng lúa nương dâu. Lâm Lang nhìn Cẩm Thu như vậy thì lòng lại thấy hơi buồn, nàng hỏi nhẹ nhàng: "Cẩm Thu, ngươi sắp xuất cung rồi đúng không?"
Cẩm Thu đáp: "Bẩm chủ nhân, năm nay nô tì sẽ được xuất cung."
Lâm Lang khẽ thở dài một hơi, nhỏ giọng nói: "Năm nay được xuất cung rồi... có thể được gả rồi." Nàng nhìn qua khung cửa sổ. Gió thổi vào tấm vải mành khiến nó hơi bay lên. Bầu trời xanh thẳm không có lấy một gợn mây. Ngắm thật lâu, lâu đến mức chỉ muốn có cánh để bay lẫn vào bầu trời quang đãng đó.
Thời tiết nắng đẹp, đường rộng, không quanh co. Những người đi đường cùng xe ngựa đã bị phong tỏa cách vài dặm từ lâu. Vì thế nên tốc độ đi rất nhanh, chưa đến buổi trưa đã đến Nam Uyển.
Lâm Lang vừa khỏi mới khỏe lại sau đợt ốm nặng, lại vất vả đi xe kiệu cả nửa ngày nên nàng khó tránh có chút mệt nhọc. Tổng quản Nam Điện đã sai người dọn dẹp quét tước Thiên điện sạch sẽ, thái tử đi vào điện liền thay y phục. Lâm Lang cũng đi tới chỗ nghỉ để thay đồ, tất nhiên đã có người đi báo Lương Cửu Công để hắn bẩm lên hoàng đế.
Hoàng đế đã sốt cao mấy ngày, ngày đó mới hơi khỏe hơn một chút, hắn cố gắng ngồi dậy, thấy Sách Ngạch Đồ cùng Minh Châu thì hỏi việc chiến sự Tứ Xuyên. Từ Trị Đô đánh bại phản tướng Dương Lai Gia. Vu Sơn được thu hồi, thừa thắng xông lên giành được Quỳ Châu, Dương Mậu Huân thu được hai huyện Đại Xương, Đại Ninh. Hoàng đế nghe xong, lòng thoải mái hơn. Minh Châu lại trình lên tấu báo tin thắng trận của đề đốc thủy quân Phúc Kiến - Vạn Chính Sắc đánh bại bọn xâm lược trên biển. Lúc này hoàng đế mới nói: "Tên Vạn Chính Sắc này cuối cùng đã không phụ lòng mong đợi của trẫm."
Minh Châu đáp: "Hoàng thượng dùng người như thần. Ngày đó Vạn Chính Sắc được thả đi, hoàng thượng từng nói người này có tài dụng binh tuyệt vời, tính tình cương quyết, có thể dùng để phòng hoạn phía Trịnh. Bây giờ xem ra, hoàng thượng thật có mắt nhìn xa trông rộng, ánh mắt tinh tường cao siêu."
Hoàng đế đang muốn nói thì ho sặc sụa. Lương Cửu Công vội chạy lên hầu hạ, hoàng đế ho khan dữ dội. Minh Châu cùng Sách Ngạch Đồ vốn đã được ban cho ngồi, lúc này không kìm nổi lòng mà đứng bật dậy từ ghế. Cung nữ đứng bên vội vội vàng vàng dâng lên sữa nóng. Hoàng đế lại giãy dụa, ra ý không cần. Qua một lúc mới dần bình phục lại, hắn cật lực đè nén cơn ho: "Trẫm biết rồi, các khanh lui xuống làm việc đi."
Minh Châu cùng Sách Ngạch Đồ quỳ gối dập đầu sát đất, cả hai cùng nói: "Xin hoàng thượng bảo trọng thánh thể." rồi đi lùi ra sau. Hoàng đế chợt gọi: "Minh Châu, khanh ở lại." Minh Châu vội đáp "vâng" một tiếng rồi đứng lại.
Rất lâu sau hoàng đế không mở lời, thái giám cung nữ đi lại nhẹ nhàng, trong điện chỉ nghe thấy tiếng hoàng đế ho vài lần. Trong lòng Minh Châu buồn bực. Hoàng đế cầm lấy thanh bạch ngọc như ý ở bên gối ngắm nghía rồi nói: "Hôm qua khanh dâng lên thanh như ý này trẫm vừa nhìn đã thấy rất thích." Lại ho vài tiếng, xong tiếp tục nói: "Trẫm nhớ là từng nhìn thấy thanh tử ngọc như ý rồi ("tử" là màu tím), có phải Dung Nhược từng tặng cho ai không?"
Minh Châu không biết rõ đầu đuôi, chỉ đáp: "Lần này về thần sẽ hỏi... chắc là tặng cho bằng hữu."
Hoàng đế nói: "Trẫm chỉ thuận miệng hỏi một câu thôi. Lần này về khanh đề cập đến, nếu như người khác biết chẳng phải sẽ tưởng trẫm muốn đồ vật này nọ của quần thần hay sao?"
Minh Châu sợ hãi toát mồ hôi, lặp đi lặp lại: "Vâng, là thần ngu dốt." Hoàng đế lại ho, gắng gượng vẫy tay, Minh Châu vội dập đầu lui xuống.
Lương Cửu Công giúp hắn nửa nằm nửa ngồi xuống, lén nhìn trộm sắc mặt hoàng đế, thấy ổn ổn mới bẩm: "Thái tử gia đã xin ý chỉ của thái hoàng thái hậu đến thỉnh an Vạn tuế gia." Quả nhiên hoàng đế vui vẻ hơn: "Thật làm khó nó... nó... mấy vị sự phụ đã dạy dỗ rất tốt." Lại ho liên tục, xong nói tiếp: "Nó đã đến rồi thì bảo vào đây đi."
Hoàng đế gặp thái tử thì hỏi tình hình thái hoàng thái hậu và thái hậu trước rồi mới đến việc học tập. Thái tử trả lời từng câu. Hoàng đế vốn đang ốm, chỉ thấy cả người cứ đau đớn, tứ chi, xương cốt đều như bị nung lên vậy, bản thân biết là lại sốt, hắn gắng gượng hỏi thêm vài câu rồi bảo thái tử lui xuống.
Thái giám tiến tới hầu hạ hoàng đế uống thuốc. Lương Cửu Công suy nghĩ đắn đo, cuối cùng vẫn nói: "Vạn tuế gia, Vệ chủ nhân cũng đến." Hoàng đế uống một hơi hết sạch chén thuốc. Có lẽ do quá đắng nên hắn hơi nhíu mày. Súc miệng xong lại bắt đầu ho liên tục, ho đến mức như muốn ho đến rách phổi, cả người run lên liên hồi. Nửa người nằm trên tràng kỉ, Lương Cửu Công vội giúp hắn vỗ nhẹ vào lưng, cuối cùng thì hoàng đế bớt ho dần, chỉ nói: "Bảo nàng về đi, trẫm........." lại ho vài tiếng: "Trẫm không gặp nàng."
Lương Cửu Công đành cười cười: "Vệ chủ nhân chắc là đã khỏe rồi nên mới xin ý chỉ đến thỉnh an Vạn tuế gia. Vạn tuế gia hãy nể chủ nhân xa xôi như thế đến đây...." lời chưa nói xong thì hoàng đế đã cầm thanh ngọc như ý bên gối lên. Sau đó là một tiếng "choang", thanh như ý bị hoàng đế đập vào tràng kỉ, mảnh vỡ văng ra bốn phía, khắp mặt đất là những mảnh ngọc vỡ vụn.
Thái giám cung nữ sợ quá đều quỳ hết xuống, cả người Lương Cửu Công run rẩy cũng quỳ luôn xuống, hoàng đế nói: "Trẫm bảo không gặp..." Lời chưa nói hết đã gập cả người mà ho, ho mãi đến mức không thở nổi.
Vì thời tiết ấm áp nên hoa hải đường trước điện nở hoa, đỏ như lửa, như ráng chiều. Cành hoa chĩa ngang nghiêng nghiêng, khe khẽ lay động trong gió nhẹ. Nó ngả bóng lên lớp giấy trắng tinh dán trên cửa sổ, trông như một bức tranh thêu tuyệt đẹp.
Lương Cửu Công khẽ ho một tiếng: "Vạn tuế gia đã có ý chỉ như vậy thì ngày mai chủ nhân hồi cung thôi. Thân thể người mới khỏe lại, về yên tĩnh dưỡng bệnh cũng tốt."
Lâm Lang nhìn bóng hoa hải đường trên giấy kia, chầm chậm hỏi lại: "Vạn tuế gia còn nói gì nữa?"
Lương Cửu Công đáp: "Vạn tuế gia hoàn toàn không nói gì khác." Nghĩ nghĩ một chút rồi nói tiếp: "Theo lý thì phận nô tài như tiểu nhân không nên lắm lời, nhưng mà lần Vạn tuế gia đi thăm chủ nhân đó........" lại ngừng một chút, không biết nên dùng từ gì để nói. Lâm Lang hơi hất đầu, Cẩm Thu quỳ gối hành lễ rồi lui xuống.
Lâm Lang bắt đầu thấy hơi buồn trong lòng, nàng nói: "Lương am đạt, lần trước hoàng thượng đến thăm ta đúng lúc ta vừa uống thuốc ngủ, thật sự thất lễ. Lúc dậy thì hoàng thượng đã đi mất rồi. Ta đã hỏi Cẩm Thu, Cẩm Thu nói là do Vạn tuế gia không cho đánh thức dậy. Không biết có phải do ta trong lúc nằm mơ đã thất lễ trước ngự tiền hay không."
Lương Cửu Công vốn lo rằng nàng trước việc mất con mà đau lòng quá nên nói lời đoạn tuyệt với hoàng đế rồi tạo thành kết cuộc như hiện tại, giờ nghe nàng nói vậy hắn nhẹ giọng hẳn mà đáp: "Chủ nhân nghĩ kỹ lại việc hôm đó xem, có phải đã vô ý làm hoàng thượng bực mình hay không? Nô tài cũng chỉ có thể nói nhiều thế này thôi."
"Am đạt vẫn luôn chiếu cố, trong lòng ta luôn biết. Nhưng mà việc lần này đúng là ta không biết ngọn ngành."
Lương Cửu Công là người nào chứ, cũng chỉ là người liên quan ở giữa mà thôi, hắn hơi chần chừ. Lâm Lang đã đứng dậy khỏi tràng kỉ, nhìn hắn mà nói: "Toàn bộ câu chuyện am đạt đều tận mắt thấy. Am đạt vẫn luôn toàn tâm toàn ý đối với hoàng thượng, hoàng thượng đã phái am đạt đến bảo ta hồi cung chắc chắn có ý bên trong. Lâm Lang vốn không nên hỏi nhưng thật sự là ta không biết cho nên mới xin am đạt chỉ bảo cho."
Lương Cửu Công nghe nàng nói xuôi tai, giọng nói vô cùng chân thành. Trong lòng hắn cũng biết rõ tuy hôm nay hoàng đế giận nàng nhưng sâu tận đáy lòng thì vẫn cực kì coi trọng nàng. Vị trí của vị chủ nhân này về sau là gì, bản thân hắn cũng không nói được chính xác. Trước mắt thì dù gì chăng nữa hắn cũng chẳng dám không vì bản thân mà lưu lại một đường sống, thế là hắn cười lấy lòng nói: "Tính tình Vạn tuế gia chủ nhân còn không rõ hay sao? Nô tài là kẻ thấp hèn, không dám đoán tâm tư tình cảm của người, nô tài tuyệt đối không dám đoán bừa." Ngừng một lát rồi tiếp: "Từ ngày Vạn tuế gia đi thăm chủ nhân đó thì vẫn không nói gì cả. Hôm nay đúng là có xảy ra một việc, không biết có liên quan gì không... Vạn tuế gia đột nhiên hỏi tới một thanh ngọc như ý màu tím của Nạp Lan đại nhân."
Lâm Lang nghe đến Dung Nhược thì giật mình, suy nghĩ hỗn loạn. Nàng biết từ trước tới nay hoàng đế không để ý mấy đến châu ngọc, trong lòng thầm suy nghĩ, chỉ là nghĩ mãi không ra nguyên do. Đợi Lương Cửu Công đi rồi, nàng suy nghĩ đến mất hồn một hồi, rồi gọi Cẩm Thu đến hỏi: "Ngày đó thanh tử ngọc như ý mà Đoan chủ nhân sai người tới đó còn nói thêm gì không?"
Cẩm Thu không nghĩ đến nàng nhớ lại mà hỏi chuyện này, đáp rằng: "Đoan chủ nhân chỉ nói tặng cho chủ nhân để dễ ngủ, cũng không nói gì nữa."
Lâm Lang nghĩ nghĩ, lại hỏi: "Ngày Vạn tuế gia đến thăm ta đã nói những gì?"
Hôm đấy Cẩm Thu đã từng trả lời nàng một lần, giờ nàng lại hỏi, Cẩm Thu đành kể lại từ đầu: "Hôm đó Vạn tuế gia đi vào thì thấy chủ nhân đang ngủ. Nô tì định gọi chủ nhân dậy nhưng Vạn tuế gia bảo không cần nên nô tì mới lui xuống. Sau đó không lâu thì Vạn tuế gia cũng ra ngoài, hoàn toàn không nói lời nào."
Lâm Lang hỏi: "Lúc hoàng đế đến thì thanh như ý đặt ở bên gối à?"
Trong lòng Cẩm Thu cũng loạn cả lên: "Vẫn luôn đặt ở bên gối của chủ nhân."
Lòng nàng dần dâng lên một chút lạnh lẽo, nàng khẽ rùng mình. Cẩm Thu thấy khóe môi Lâm Lang dần hiện lên một nụ cười, nụ cười mang theo sự buồn bã cùng bi thương. Cẩm Thu sợ hãi, khe khẽ hỏi: "Chủ nhân, người sao vậy?"
Lâm Lang khẽ lắc đầu: "Ta không sao, tự dưng thấy cái lạnh ngấm vào, lạnh hẳn lên." Cẩm Thu vội nói: "Tuy là trời nắng to nhưng vẫn có gió thổi vào qua tấm bình phong đó." Lấy thêm một chiếc áo đến cho nàng mặc vào. Lâm Lang nghĩ nghĩ rồi nói: "Ta đi chính điện."
Cẩm Thu nghe nàng nói vậy, đành theo nàng đi thẳng tới chính điện. Lúc đi qua dãy nhà hai bên chính điện thì thấy một đợt vó ngựa bụi tung mù mịt phía xa xa khiến nàng dừng bước. Cứ tưởng là có tấu khẩn. Lúc tới gần mới thấy là vài con ngựa cao lớn, chúng đều bị ghìm cương bắt dừng lại ngay trước cửa thùy hoa. Con ngựa dẫn đầu có lông màu đỏ thẫm, vừa phi như bay nên đang còn hăng, hí vang liên hồi. Lúc này nàng mới nhìn rõ người cưỡi ngựa. Áo choàng lớn đỏ sẫm tung bay một cái, vén chiếc mũ tránh gió ra, hóa ra là một vị nữ tử vô cùng thanh tú.
Tiểu thái giám vội tiến đến kéo con ngựa lại, cung kính hành lễ: "Thỉnh an Nghi chủ nhân."
Vị Nghi tần kia xuống ngựa, vừa đi vừa tháo hai dải lụa buộc nơi cổ xuống, nàng nói: "Đứng dậy hết đi." Cởi xong áo choàng thì tiện tay quăng một cái về phía sau, có một cung nữ nhún gối đỡ lấy rồi lui xuống.
Lâm Lang đi dưới mái hiên, hỏi Cẩm Thu: "Vị đó có phải là Nghi chủ nhân không?" Cẩm Thu cười đáp: "Còn không phải sao, ngoài vị ấy ra thì hậu cung còn ai có thể cưỡi ngựa? Vạn tuế gia từng nói, chỉ có Nghi chủ nhân mới là Mãn Châu cách cách thật sự. Ở Tây Uyển mấy năm trước, Vạn tuế gia còn tự mình dạy Nghi chủ nhân cưỡi ngựa bắn cung nữa." Nói đến đây tự biết mình lỡ lời nên lén nhìn sắc mặt của Lâm Lang. Không có gì khác lạ, chỉ đành thầm trách trong lòng.
Đã tới trước chính điện, lại nghe tiếng bước chân lộn xộn, một đoàn mấy người cùng đi tới. Người đi đầu chính là vị Nghi tần vừa mới gặp. Nàng ta đã thay xiêm y, lại là một thân áo gấm đỏ tươi. Tuy là nữ tử nhưng lại cực kì có khí khái anh hùng. Nhìn thấy Lâm Lang thì hơi hất cằm, sai người: "Vào bẩm với hoàng thượng, nói là thái hậu phái ta đến thỉnh an hoàng thượng."
Tiểu thái giám vâng lời đi, Nghi tần vốn đứng ở nơi có gió thổi qua, chợt ngửi thấy một hương thơm xa xôi, không phải hương hoa lan cũng chẳng phải xạ hương, càng không phải mùi son phấn tầm thường. Không kìm được mà xoay người nhìn, chỉ thấy ánh mắt Lâm Lang đang nhìn chăm chú vào cây bích đào trước điện. Đúng độ hoa nở rộ, màu đậm tươi đẹp, đỏ như hoàng hôn xán lạn, làm cho hành lang phủ một lớp hoa màu đỏ. Cả khuôn mặt nàng giống hệt như bạch ngọc vậy, không có lấy chút máu, trông đau khổ cảm động lòng người. Hoa đào rơi sau lưng nàng cũng biến màu ảm đạm.
Là Lương Cửu Công tự mình ra đón, hắn hướng Nghi tần phủi phủi hai tay áo rồi quỳ xuống: "Vạn tuế gia cho gọi chủ nhân vào."
Nghi tần đáp một tiếng. Đã có người vén cao chiếc mành lên từ lâu, Nghi tần đã đi đến bên cửa, không nhịn được mà quay đầu lại. Lâm Lang vẫn đứng ở chỗ cũ, người như chưa động đậy một chút nào. Ánh mắt vẫn nhìn vào cây hoa đào không chớp lấy một lần. Gió thổi qua, thổi vào những bông hoa rực rỡ rụng trên nền đất làm nó bay loạn lên như một trận mưa hoa đỏ. Một vài bông rơi vào trong tay áo nàng, vài bông rơi lên búi tóc dày đen nhánh, chúng hơi run run, cuối cùng vẫn rơi hết xuống.
Nghi tần đi vào trong điện. Lương Cửu Công lại không theo vào. Hắn quay đầu thấy Lâm Lang đang từ từ phủi đi những bông hoa rơi trên áo. Lại một trận gió nữa khiến càng nhiều bông hoa đỏ tươi rơi xuống lộn xộn. Nàng cũng chẳng buồn phủi đi nữa, mặc kệ trận mưa hoa rơi hết lên người. Lương Cửu Công cứ muốn nói lại thôi, cuối cùng mở miệng: "Chủ nhân vẫn nên hồi cung đi thôi."
Lâm Lang gật gật đầu, đi ra vài bước thì bỗng dừng chân. Nàng lấy ra một miếng ngọc bội trong tay áo: "Lương am đạt, phiền ngươi đưa thứ này cho hoàng thượng."
Lương Cửu Công đành nhận lấy, là một miếng như ý đường viền là hoa văn rồng, ngọc trong suốt, chạm vào thấy ấm áp. Trên bề mặt có khắc chữ mảnh bằng những sợi tơ vàng, là "Tình thâm bất thọ, cường cực tắc nhục. Khiêm khiêm quân tử, ôn nhuận như ngọc." Ở phía dưới có kết tua rua màu vàng, biết ngay là vật dụng của hoàng đế. Cầm thứ nóng bỏng này trên tay thật khiến hắn tiến thoái lưỡng nan.
Hắn đành cười cười: "Chủ nhân, ngày tháng vẫn còn dài. Đợi qua mấy ngày nữa Vạn tuế gia khỏe hẳn, người tự mình đến gặp rồi giao lại Vạn tuế gia là được."
Lâm Lang thấy hắn không nhận thì hơi mỉm cười: "Cũng tốt." Nàng cầm lấy miếng ngọc trong tay rồi quay lại nói với Cẩm Thu: "Chúng ta quay về thôi."
Nghi tần tiến vào trong điện. Trong điện rộng rãi sáng sủa vô cùng. Vải thưa trên song mới được thay, sáng trong như tuyết, hiện lên bóng hoa bích đào trên đó. Gió thổi nó lay động, mang đến một hương thơm như có như không.
Nàng đi đôi giày da hoẵng, bước đi cực nhẹ. Hoàng đế đang dựa người vào một chiếc gối lớn, trong tay có cầm một bản tấu. Ánh mắt hình như nhìn xuyên qua bản tấu mà thẳng tới một nơi nào đó trên tràng kỉ không xa trước mặt. Nàng thấy trên tràng kỉ cũng đang chất đống tấu chương mấy ngày tích lại, đoán là hoàng đế lại đang lo lắng chuyện chính sự. Nàng lặng lẽ khéo léo thỉnh an, cười nhẹ rồi gọi một tiếng: "Hoàng thượng."
Hoàng đế như mới bất chợt lấy lại tinh thần, kiễng người dậy. Trên mặt là nụ cười hơi ngẩn ngơ: "Nàng tới rồi." Ngừng một lúc rồi hỏi tiếp: "Sao nàng lại tới?"
"Thái hậu phái thần thiếp đến." Nghi tần đáp.
Thấy vẻ mặt bình thản của hoàng đế, sắc mặt đã dần hồi phục như bình thường. Hoàng đế lại bắt đầu ho, nàng vội vàng bước lên vỗ nhẹ vào lưng hắn. Bàn tay hắn lạnh lẽo đẩy nàng. Trong lòng nàng không hiểu sao dâng lên một nỗi lo lắng, lại gọi một tiếng: "Hoàng thượng." Hoàng đế như cực kì mệt mỏi, nói: "Trẫm vẫn còn vài bản tấu, nàng lặng lẽ ngồi đây với trẫm... bảo bọn họ thay hương đi. Loại hương này không tốt, mùi hắc cả người."
Trong cái đỉnh lớn trên nền đang đốt hương Long Tiên. Nghi tần tự mình đi lấy hương Tô Hợp đến thắp. Hương này vốn dùng để làm tâm thần ổn định. Hoàng đế tập trung xem tấu sớ, thi thoảng ho lên một hai tiếng. Gió thổi qua, hoa đào ngoài hiên vốn rụng đầy trên đất, gió cuốn hết lên, hoa rơi vào trên giấy dán. Bay bay rồi lại rơi xuống nhẹ nhàng, không thấy nữa.
Nghi tần nhớ lại ngày xưa hoàng đế từng dạy nàng một câu thơ: "Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân, phong phiêu vạn điểm chính sầu nhân."* Lúc đó là ở Tây Uyển, đúng lúc hoa đào nở rộ. Nàng cưỡi ngựa giữa rừng hoa đảo đỏ rực rỡ như mây ngũ sắc, hoàng đế mỉm cười từ xa xa, đợi nàng thở hổn hển xoay người xuống ngựa, hắn liền đọc câu thơ này cho nàng nghe. Nàng cười rạng rỡ: "Thần thiếp không hiểu." Hoàng đế cười nói: "Trẫm biết nàng không hiểu, trẫm cũng không hy vọng nàng hiểu. Hiều rồi lại sinh buồn phiền."
(* Trích "Khúc Giang nhị thủ" của Đỗ Phủ
Gió thổi khiến từng cánh hoa rơi xuống làm nhà thơ buồn bã trước dấu hiệu mùa xuân đang dần trôi đi.)
Nhưng hôm nay lúc nàng đứng dưới mái hiên, nhìn nữ tử gây xôn xao cả hậu cung đó, lại vô tình nhớ tới câu thơ kia. Trong lòng không hiểu có cảm xúc gì, chỉ thấy khó chịu đến rầu rĩ. Nàng vốn ngồi trên một chiếc ghế nho nhỏ, ngẩng mặt lên, hoàng đế hình như vừa quay mặt trong vô thức, nhìn lên cây bích đào, rồi lại cúi đầu xem tấu sớ. Trong điện chỉ có mùi hương Tô Hợp vây quanh, tỏa ra bốn phía.