Thật ra hôm nay là sinh nhật mười tuổi của Tần Từ, nhưng đối với cô mà nói, sinh nhật cũng không khác gì những ngày bình thường.
Từ nhỏ Tần Từ đã sống nương tựa cùng với bố.
Ông nội rượu chè cờ bạc, trước khi qua đời để lại một đống nợ nần.
Bố phải trả hết từng chút một, ở nhà nhịn ăn nhịn mặc, cuộc sống vô cùng nghèo khó.
Con nhà khó sớm quen việc nhà, câu này thực sự không sai.
Với cô mà nói, điều kiện vật chất giàu có hư ảo như cuốn truyện cổ tích.
Cô không đọc truyện cổ tích, không tin cái kết có hậu của công chúa và hoàng tử, cũng chưa bao giờ hy vọng xa vời vào những thứ viển vông.
Bởi vì vậy nên dường như cô không hợp với đám con gái đồng trang lứa.
Không có chủ đề chung, thường xuyên bị bạn bè xa lánh, nhưng cô không hề quan tâm đến những điều đó.
Mình đi con đường của mình, mặc cho người khác nói này nói kia.
Bố cần cù, chất phác ngày ngày bôn ba, phơi nắng dầm sương trên công trường, đi sớm về khuya.
Có những lúc không có việc ở gần còn phải đến nơi xa xôi, một lần đi là cả mười ngày, nửa tháng.
Từ nhỏ đến giờ, gần như là cô tự chăm sóc bản thân.
Nấu cơm, gánh nước, giặt quần áo, cắt cỏ, chăn dê...!Không có gì là cô không làm.
Việc nặng việc nhọc cô cũng chưa khi nào phàn nàn, vào lúc con cái nhà người ta phải để bố mẹ ép học bài rất khổ sở thì cô học tập vô cùng tự giác, tập trung dành thời gian và công sức.
Bởi vì bố thường nói, phải nếm trải khổ đau mới là người hơn người khác.
Cuộc sống vất vả là thử thách trời cao ban cho.
Từ xưa đến nay, học tập là lối thoát duy nhất cho những đứa trẻ nhà nghèo.
Bố không cần cô phải giàu sang phú quý, chỉ mong cô có thể bước đi xa hơn trên con đường đời, bay xa ngàn dặm, nhìn ngắm phong cảnh ngoài kia.
Tần Từ ghi tạc những lời đó trong lòng, bình thường cô luôn giành giật từng giây một để chịu khó học tập.
Từ lớp một đến bây giờ, lần thi học kỳ nào cô cũng luôn đứng nhất toàn trường.
Cô là niềm kiêu hãnh lớn nhất của bố, cũng là niềm kiêu hãnh lớn nhất của bản thân.
Cô giặt quần áo xong rồi về nhà, phơi đồ, ăn vài miếng cơm nguội rồi lấy chiếc cặp sách cũ của mình ra, ngồi trên bệ đá dưới hiên nhà tựa vào chiếc ghế tre ố vàng xem trước bài tập.
Trên nền đất bên cạnh có một chồng sách giáo khoa cho năm học mới được đặt ngay ngắn, những con gà nhà cô nuôi bước lững thững đi cạnh cô, thi thoảng còn đái lung tung.
Cô đưa tay ra, mắt nhìn bao bố dưới chân, bốc một nắm thóc rồi tung về phía bãi đất ở cổng theo hình vòng cung.
Đám gà kia vỗ cánh kêu to chạy đến mổ lấy mổ để, quên cả trời đất, giành nhau ầm ĩ.
Tần Từ ngẩng đầu nhìn mấy con gà ngu ngốc của mình, chợt hơi ngẩn người.
À, ngày mai rảnh rỗi phải ra sau núi bới ít giun cho chúng nó bồi bổ cơ thể, lạc trong nhà cũng sắp hết, phải hái thêm.
Sau khi lập xong kế hoạch cho ngày mai, cô tiếp tục cặm cụi đọc sách.
Đó là tài liệu dạy học nâng cao và một ít sách học thêm mà cô mua từ cửa hàng sách cũ giá rẻ.
Cơ bản là ngoài tên bìa và hình vẽ chằng chịt lung tung thì không có vết bút và dấu vết làm bài.
Cô như bắt được bảo vật vô giá nên vui lắm.
Mới bắt nghỉ hè cô đã đọc đi đọc lại những quyển sách giáo khoa này, bây giờ đã thuộc bảy, tám phần, chuẩn bị bài trước cho thật tốt thì đến lúc khai giảng vào học sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Con nhà nghèo ở nông thôn hiểu lý lẽ "có công mài sắt, có ngày nên kim" này hơn bất kỳ ai.
Sự cố gắng của cô chưa hề từng uổng phí, hàng năm nhà trường sẽ trao học bổng cho học sinh nghèo có thành tích vượt trội, tên của cô luôn là người đầu tiên lấy được phần thưởng.
Mỗi lần cầm khoản tiền kia về nhà cho bố, trên khuôn mặt sạm đen vì nắng ấy sẽ xuất hiện nụ cười vui mừng đầy tự hào.
Đó là tia sáng duy nhất trong cuộc đời khô cằn của Tần Từ.
Bố cất phần lớn số tiền vào quỹ tín dụng nông thôn trên trấn, học bổng của Tần Từ cũng để trong đó.
Bố lấy cớ mình bôn ba ra ngoài làm việc nên để trong người không an toàn, nên mấy năm trước đã đưa tấm thẻ kia cho Tần Từ giữ, đặt mật khẩu là sinh nhật của cô.
Bố Tần cũng không ngăn cấm cô tiêu tiền, nhưng đứa nhỏ Tần Từ này hiểu chuyện đến mức làm ông đau lòng.
Cô luôn cố gắng hết sức để học tập và làm việc nhà, hơn nữa chưa khi nào tiêu tiền bậy bạ.
Vừa cố chấp lại quật cường, cực kỳ giống ông.
Hôm nay là sinh nhật mười tuổi của Tần Từ, đây là một ngày trọng đại đối với gia đình hai người, bố Tần muốn làm xong việc sớm nên giữa trưa cũng không nghỉ ngơi, tăng ca làm xong công việc vốn phải đến sáu giờ mới xong trước hai tiếng.
Quản đốc thấy ông như vậy bèn khuyên bảo mấy lần, bố Tần nghe theo.
Đợi đến bốn giờ thì ông xin nghỉ, thay bộ đồ lao động bẩn thỉu rồi vội vàng chạy lên trên trấn.
Sáng dậy sớm, giữa trưa lại không uống một giọt nước nào, thật ra ông đã sức cùng lực kiệt, nhưng trong lòng ông luôn thầm nhủ, con gái cưng thích ăn vải mà trước đến nay không nỡ mua, hôm nay đi chợ mua cho cô mấy cân.
Cô thích đọc sách, hôm nay nhất định phải đến tiệm mua cho cô một bộ "Tứ Đại Danh Tác".
Chiếc màn cũ của cô cũng nên thay, con gái đều thích màu hồng và màu xanh, cứ mua cho cô bộ mới.
Còn váy nữa, đúng, cái này rất quan trọng này, phải đến cửa hàng mua cho Tiểu Từ một bộ váy xinh đẹp...
Người ta thường nói con gái là người tình kiếp trước của bố, bố Tần nghĩ đến con gái cưng hiếu thuận của mình, trong lòng lập tức mềm nhũn.
Ông tự trách mình vô tích sự, không thể dành cho cô những gì tốt nhất trên đời.
Bây giờ cũng chỉ có thể dốc hết sức, tích thêm ít tiền cho cô, đưa cô đi học trường cấp hai tốt nhất, để cô được vùng vẫy thoả thích trong không gian rộng lớn hơn.
Chuyện khiến ông lo lắng nhất cuộc đời này chính là Tần Từ.
Hơn nữa, động lực sống lớn nhất của ông chính là để Tần Từ có cuộc sống hạnh phúc.
Mặc dù cuộc sống kham khổ, nhưng ông rất có niềm tin vào tương lai.
...
Sau đó, chuyện đời khó đoán, có lẽ đến thời khắc nhắm mắt, con người chất phác, đàng hoàng như ông cũng không thể đoán được, cuộc sống sau này của con gái mình sẽ rẽ hướng như thế nào.