--- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ ---
🌻🌻🌻🌻🌻
CHƯƠNG 4.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Ninh Hương không về nhà ngay sau khi rời khỏi bãi sông, thay vào đó cô đi lang thang quanh bờ sông để gió trời thổi mát, nói chung so với ở nhà thì ngoài này mát mẻ hơn nhiều. Mặc dù bây giờ đã vào thu nhưng ở Vu huyện không có "mùa thu", mà sẽ vào thẳng mùa đông sau khi cái nóng qua đi.
Đi dạo một vòng cho đến khi trời tối hẳn, Ninh Hương mới về nhà.
Về đến nhà, cô tắm rửa sạch sẽ, giặt quần áo rồi vào phòng đi ngủ.
Ninh Lan vẫn chưa ngủ, cô ở trong bóng tối nhỏ giọng hỏi Ninh Hương: "Chị, không thì chị kể cho em nghe đi?".
Ninh Hương ở trong bóng tối nhắm lại hai mắt, giọng hơi trầm buồn: "Nói cái gì?".
Ninh Lan nói: "Ấm ức trong lòng chị ấy".
Nói ra sẽ dễ chịu hơn, cứ ôm trong lòng như thế này, e rằng sẽ vì buồn bực mà sinh ra bệnh.
Cho dù lúc này cô và Ninh Lan là chị em tốt chân thành, Ninh Hương vẫn không có ý muốn và tâm tình để kể khổ. Cô quay lưng về phía Ninh Lan, giọng hơi trầm trầm: "Không có gì muốn nói".
Ninh Lan ăn bế môn canh, nhất thời không biết phải nói gì nên không khăng khăng hỏi nhiều nữa.
* * *
Đêm đầu tiên trở về sau khi trọng sinh, Ninh Hương ngủ không an tâm. Ánh trăng bàng bạc xuyên qua khung cửa sổ lẻn vào trong phòng, cô lặng lẽ nhìn hình thêu hoa lan trên màn, đó là tay nghề kiếp trước của cô, trong đầu bất giác hiện lên những mảnh vụn của kiếp trước.
Mặc dù đêm qua ngủ muộn nhưng sáng ngày thứ hai vẫn dậy khá sớm. Những người khác trong nhà đều đã dậy, sau khi ăn sáng, Ninh Lan, Ninh Ba và Ninh Dương cùng nhau đi học, còn Hồ Tú Liên và Ninh Kim Sinh đi đến đội sản xuất bắt đầu làm việc. Hiện tại đang là ngày mùa thu hoạch nên trong đội khá bận rộn.
Ninh Hương không đi học cũng không đi làm, cô cầm bát xới cho mình một muỗng cơm nhỏ, chan thêm nước sôi để nguội và lót dạ cùng với dưa muối. Cơm nước xong, cô cầm bát đũa của cả nhà đi rửa rồi ra ngoài xử lý chuyện của mình.
Qua mấy ngày nữa sẽ đến Trung thu, cô tính toán lên huyện thành gửi một bức điện tín cho Giang Kiến Hải, người chồng trên danh nghĩa của mình, để anh ta ở trở về vào dịp tết Trung thu. Cô không muốn đợi đến cuối năm, không muốn kéo dài thêm nửa năm rắc rối nữa, cô muốn ly hôn ngay hiện tại.
Trong đầu đã có tính toán như vậy, Ninh Hương đeo chiếc cặp quai chéo cũ màu vàng đã sờn mép đi ra ngoài. Đi đến bờ sông, cô ngửa đầu xem xét xung quanh, xem có thuyền để đi nhờ đến huyện thành không. Thời bây giờ, xung quanh Vu huyện từ làng đến trấn, trấn đến huyện không có quá nhiều đường để đi, cơ bản là phải ngồi thuyền để đi lên thành phố. Thực ra Ninh Hương muốn tự mình đi bộ đến huyện thành hơn, nhưng cô sợ mình bị lạc đường, có khi đi hết một ngày cũng chưa đi đến huyện thành cũng nên.
Đứng trên bãi sông đợi một lúc, khi Ninh Hương đang nắm dây quai đeo của chiếc cặp màu vàng thì chợt nghe sau lưng có người hỏi: "Muốn đi đâu à?".
Ninh Hương hoàn hồn nhìn qua, là đội trưởng Lâm Kiến Đông của đội bọn họ đang đong đưa thuyền nhỏ đi đến trước mặt cô. Cô cười khách khí trả lời Lâm Kiến Đông: "Em muốn lên huyện thành có chút việc, đội trưởng muốn đi đâu thế?".
Lâm Kiến Đông là một đội trưởng nhiệt tình và rất tốt, từ khi lên làm đội trưởng đội sản xuất, anh vẫn theo nguyên tắc "vì nhân dân phục vụ" tận tâm mưu kế phúc lợi vì các xã viên trong đội của mình.
Anh cười đáp: "Thật trùng hợp, anh cũng lên huyện thành có việc, lên đây đi".
Ninh Hương không khách sáo với anh, khi con thuyền nhỏ lắc lư đến bên cạnh bãi sông, cô bước lên boong thuyền và ngồi xuống thuyền.
Cả hai cùng lớn lên trong một đội, từ nhỏ đã quen biết và chơi đùa cho đến lúc mười mấy tuổi nên đương nhiên không hề xa lạ. Hơn nữa, tối qua họ đã hàn huyên vài câu khi ở bờ sông nên giờ không cảm thấy có bao nhiêu lạ lẫm. Chủ đề trò chuyện đa số xoay quanh lúc còn nhỏ.
Cả đời người, ước chừng chỉ có lúc tuổi thơ mới là thời gian không buồn không lo nhất. Ninh Hương đã sống một đời, có rất nhiều chuyện khi còn bé cô đã không nhớ rõ nữa. Hiện tại nghe Lâm Kiến Đông kể lại từng chuyện từng chuyện trước kia, cô nghe không khỏi có cảm giác vui vẻ, thỉnh thoảng còn sẽ bật cười thành tiếng.
Kể từ lúc Lâm Kiến Đông nhìn thấy Ninh Hương vào tối hôm qua, anh đã nhìn ra trên người cô phủ một tầng lo lắng. Lúc này nhìn thấy cô cười vui vẻ như thể ánh nắng phá tan bóng tối khiến đôi mắt cô nhìn rạng rỡ hẳn lên, thế là anh càng ra sức kể chuyện.
Hai người cười nói suốt cả dọc đường, con thuyền nhỏ đong đưa từ đội Thủy Điềm đi lên huyện thành.
Thời điểm xuống thuyền, Lâm Kiến Đông nói với Ninh Hương: "Nếu anh về muộn, em cứ ngồi ở bên kia chờ anh một lát, anh sẽ đưa em trở về”.
Ninh Hương gật đầu nói câu cám ơn với anh, sau đó xoay người đi vào huyện làm việc. Trên người cô có cầm theo ít tiền mà cô đã bí mật thêu thùa trong gần nửa năm qua, cô đi đến cục điện báo gửi một bức điện tín cho Giang Kiến Hải trước. Bởi vì điện tín thu tiền theo số chữ, một chữ tốn bốn xu, cho nên Ninh Hương chỉ gửi bốn chữ—— Trung thu mau trở về.
Gửi xong điện tín, Ninh Hương đi in một tờ đơn ly hôn, sau đó cất bước đi dạo trên đường lớn của huyện thành.
Trong tay cô hiện tại chỉ có chút tiền, tương lai còn phải tính toán cho sinh hoạt nên cô không dám mua sắm, ăn uống hay vui chơi, cuối cùng chỉ mua hai hộp dầu sò*.
- - -
(*) 蛤蜊油 - Dầu sò: hay còn gọi là dầu con sò. Là một loại sản phẩm chăm sóc da được chiết xuất từ vỏ ngao tự nhiên, có tác dụng giữ ẩm cho da và ngăn ngừa tình trạng khô da.
- - -
Dầu sò là sản phẩm chăm sóc da rẻ nhất trong cửa hàng bách hóa quốc doanh ở huyện thành. Ninh Hương mua dầu sò là muốn dưỡng lại hai tay của mình.
Tuy rằng cô có thể nuôi sống mình thông qua làm việc kiếm điểm công, nhưng cô vẫn muốn kiếm tiền bằng nghề thêu hơn. Trong nửa năm qua ở nhà họ Giang, vì bị bắt làm hết tất cả công việc ở trong ngoài nhà, tay cô giờ đã thô ráp đi nhiều. Trong khi đó, thêu thùa là công việc tinh tế cần dùng đến những sợi tơ rất mảnh và rất nhỏ, một khi ngón tay thô ráp là không thể nào làm được, cho nên muốn thêu lại thì trước hết phải dưỡng lành tay trước đã.
Ninh Hương rất có tài thêu thùa, nhưng từ khi gả cho Giang Kiến Hải ở kiếp trước, vào hai năm đầu cô ở lại nông thôn để chăm sóc mẹ chồng Lý Quế Mai, cô còn có thể vụng trộm làm một ít thêu thùa để tích chút tiền riêng. Tuy nhiên, sau này lên thành phố với Giang Kiến Hải thì cơ bản chưa từng chạm vào đồ thêu lần nữa.
Cuộc sống ở thành phố không gì khác hơn là hầu hạ chồng và dạy dỗ ba đứa nhỏ, bận trong bận ngoài, lo liệu tất cả các công việc liên quan đến ăn uống ngủ nghỉ. Thế nhưng, dù có làm được nhiều hơn nữa thì cũng không ai công nhận sự đóng góp của cô, bọn họ chỉ cảm thấy cô đã chiếm tiện nghi lớn và hưởng phúc nhờ Giang Kiến Hải.
Không muốn nghĩ nhiều đến chuyện kiếp trước, Ninh Hương bỏ hai hộp dầu sò mới mua vào trong cặp sách màu vàng rồi ngẩng đầu nhìn mặt trời trên cao. Sau đó, cô không tiếp tục đi dạo nữa mà đeo cặp sách màu vàng quay trở về bến tàu ngừng thuyền.
Thời điểm đến bến tàu Lâm Kiến Đông vẫn chưa về, cô quyết định đi tìm chỗ có bóng cây gần đó ngồi đợi. Ngồi xuống, cô nheo mắt nhìn những chiếc thuyền qua lại trên sông, có thuyền chèo nhỏ, nhà thuyền, có thuyền lớn in dòng chữ “Vì nhân dân phục vụ”, thuyền động cơ kêu ầm ầm. Ninh Hương nhìn một hồi rồi lấy ra tờ đơn ly hôn từ trong cặp sách. Cô ngồi ở dưới bóng cây nhìn mấy dòng chữ trên trang giấy trắng, lòng thầm nghĩ—— Đến đại đội đóng một con dấu, sau đó cầm đơn ly hôn đưa đến công xã là hoàn tất thủ tục ly hôn. Từ đây, để cho Lý Quế Mai và ba tên đầu gấu con Giang Ngạn, Giang Nguyên và Giang Hân cút xa đi!