- SAU KHI MẸ KẾ TỈNH LẠI - THƯ THƯ THƯ -
🌻🌻🌻🌻🌻
CHƯƠNG 52.
Người Dịch: Lan Thảo Hương.
Biết thầy thêu Chu Văn Khiết đang ở đây, cô không chỉ có thể hỏi bà xem bức tranh này có thêu được không, mà còn có thể hỏi bà một ít lời khuyên, vì vậy Ninh Hương ngồi đợi trong văn phòng của trạm trưởng Trần một lúc. Cho đến khi Chu Văn Khiết hết bận, cô và trạm trưởng Trần mới đi qua tìm bà.
Mỗi lần Chu Văn Khiết đến trấn Mộc Hồ để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện đều trùng hợp nhìn thấy Ninh Hương ở trạm thêu. Trên môi bà ấy lúc nào cũng nở một nụ cười, ngữ điệu nhẹ nhàng mang theo yêu thích rõ ràng chào hỏi Ninh Hương: "A Hương tới lấy vật liệu à?"
Ninh Hương luôn tươi cười trả lời bà bằng ngữ điệu vãn bối tôn kính trưởng bối: "Dạ vâng".
Hai bên gặp mặt hàn huyên vài câu, sau đó Ninh Hương nói có chuyện muốn hỏi bà và đem bức tranh lâm viên của Lâm Kiến Đông vẽ ra cho bà xem. Trong lúc bà xem tranh, cô đem suy nghĩ của mình nói ra cho bà nghe.
Chu Văn Khiết chăm chú nghe Ninh Hương nói, gật đầu tán thành. Ở sau khi Ninh Hương bày tỏ hết suy nghĩ của mình, bà không chút do dự nói luôn: "Đương nhiên là được".
Đây là loại công việc tốn công tốn sức nhưng chưa chắc sẽ có thành quả, thợ thêu bình thường làm việc là vì kiếm tiền, thế nên dạng công việc đòi hỏi tiêu tốn nhiều tâm sức và thời gian nhưng không có hồi báo rõ ràng như thế này, hầu hết mọi người đều không muốn thử. Có thử cũng không nhất định sẽ thành công, và rồi không chỉ lãng phí thời gian, công sức, nguyên vật liệu mà còn phí cả tiền. Mà dù có thử nghiệm thành công, có thể làm ra một bức tranh thêu tốt đi chăng nữa nó cũng chẳng khác gì so với lấy bản thảo ở trạm thêu về làm. Nói chung, việc này đơn thuần là tốn thời gian và công sức nhưng lại không có được hồi báo rõ ràng.
Thế nhưng Ninh Hương sẵn sàng thử theo cách này, sẵn sàng dành thời gian và tâm sức để tiến sâu hơn vào nghiên cứu. Theo quan điểm của Chu Văn Khiết, cô là đóng góp, cống hiến cho nghệ thuật thêu và bà rất ủng hộ hành vi này.
Nhìn thấy Chu Văn Khiết khẳng định ý tưởng của mình không chút do dự, Ninh Hương âm thầm thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, cô lại cầm tranh lên và hỏi Chu Văn Khiết một số vấn đề xin được tư vấn chuyên sâu hơn từ cách phối màu, ý tưởng, và một số phương diện khác.
Chu Văn Khiết tất nhiên sẽ cho cô một số lời khuyên, nói xong, bà mỉm cười nói với Ninh Hương: "Cứ mạnh dạn làm đi, em phải tin vào kỹ thuật và ý tưởng của mình. Cô đã xem tất cả tranh thêu em làm trong một năm qua, có rất nhiều người đều thích tranh thêu của em đấy".
Đây không phải là một lời nói dối mang tính khích lệ, trạm trưởng Trần cũng biết, trong một năm qua Ninh Hương đã tập trung rất nhiều vào việc thêu thùa các tác phẩm nghệ thuật cao cấp. Tác phẩm của cô từ kỹ thuật cho đến sự tinh tế đều thăng hạng đến không thể bắt bẻ. Giờ đây, cô đã có một danh tiếng nhất định ở thành phố Tô và có không ít người biết đến tên tuổi của cô.
Đây không phải là điều đáng để kiêu ngạo, Ninh Hương vẫn rất khiêm tốn: "Em vẫn cần phải học hỏi và nghiên cứu rất nhiều. Qua một thời gian nữa em sẽ tới thành phố Tô, đến lúc đó em sẽ thường xuyên tới tìm cô để thảo luận và xin lời khuyên, cô đừng chê em phiền cô nhé".
Chu Văn Khiết thích nhất loại tâm tính này của cô, vĩnh viễn không vừa lòng và muốn tìm tòi nhiều hơn trên con đường học tập, luôn giữ niềm yêu thích với nghề thêu, không tự mãn, đắc chí chỉ vì mình học được một ít kỹ pháp cao siêu hay lấy được một chút thành tựu. Tuy nhiên, bà lại chú ý đến nửa câu sau của Ninh Hương hơn, không rõ tại sao một thời gian nữa cô lại muốn đến thành phố Tô nên tò mò hỏi: "Em muốn đến thành phố Tô? Có người trong thành phố giúp em tìm được công việc à?".
Ninh Hương cười lắc đầu, không hề che giấu mà nói thẳng: "Em thi đậu vào đại học Đông Vu, tháng ba này sẽ khai giảng ạ".
Không nói tiếng nào, thi đậu đại học? Nghe vậy, Chu Văn Khiết và trạm trưởng Trần cùng ăn ý trợn mắt ngoác mồm. Cả hai đều khiếp sợ nhìn chằm chằm Ninh Hương một hồi lâu, sau đó vẫn là trạm trưởng Trần lên tiếng trước: "Cháu thi đậu đại học Đông Vu?".
Ninh Hương gật đầu: "Mới nhận được giấy thông báo trúng tuyển không lâu ạ".
Sau khi kịp phản ứng, nụ cười trên mặt Chu Văn Khiết sáng hơn, bà vội vàng nắm lấy tay Ninh Hương siết chặt trong lòng bàn tay, vui mừng nói: "Con bé này giỏi quá đi, thêu thùa tốt, giờ lại còn thi đậu đại học, tiền đồ sau này ắt sẽ rộng mở vô cùng".
Ninh Hương cũng cười cong mi: "Em vẫn càng hy vọng có thể làm ra càng nhiều tác phẩm hay hơn".
Trạm trưởng Trần kêu lên một tiếng "ôi": "Hóa ra cháu đã thành người ăn cơm nhà nước, là nhân tài quốc gia. Đã thi đậu đại học lại còn không sợ khổ sợ mệt tiếp tục làm thêu thùa, còn chịu khó bỏ ra tâm tư để nghiên cứu về nó. Giờ thì chú đã biết cháu thích thêu đến mức nào rồi. Chỉ bằng điểm này, về sau cháu cần vật liệu gì thì cứ nói chú, chú sẽ cung cấp vô điều kiện cho cháu. Dù có làm hỏng cũng không cần cháu gánh chịu bất cứ tổn thất nào".
Nói đến đây, bất chợt ông nghĩ đến cái gì đó, vội vàng đổi giọng điệu: "Đúng rồi, A Hương này, sau này cháu lên thành phố Tô học đại học cũng đừng quên trạm thêu nhỏ của trấn Mộc Hồ này nhé. Bây giờ cháu là thợ thêu nổi tiếng nhất ở trấn Mộc hồ chúng ta, đừng chạy mất nhé".
Ninh Hương mỉm cười, nói thẳng: "Sẽ không chạy đâu ạ. Cho dù đến thành phố Tô, sau này cháu vẫn sẽ lấy vật liệu thêu ở chỗ chúng ta. Thành phẩm làm ra vẫn sẽ giao cho chú, để chú đẩy hàng ra từ trấn Mộc Hồ".
Trạm thêu ở trấn Mộc Hồ đối với cô mà nói là sự tồn tại đặc biệt quan trọng trong cuộc đời cô. Từ sau khi nghỉ học, cô đã lấy vật liệu thêu từ nơi này về nhà làm, từ kỹ thuật học được cho đến tiền kiếm được đều bắt nguồn từ nghề thêu. Sau này ly hôn cũng là dựa vào nghề này để sinh tồn. Trạm trưởng Trần vẫn luôn thích nhân cách và tay nghề của cô, cũng thường chiếu cố cô nhiều hơn một chút. Hễ có công việc tốt, chú ấy đều sẽ nghĩ đến cô đầu tiên. Mỗi khi có thầy thêu xuống dưới này đào tạo, chú ấy cũng sẽ tranh thủ cho cô một cơ hội để cô học hỏi thêm từ họ.
Cô là thợ thêu được trấn Mộc Hồ bồi dưỡng ra, vì vậy sẽ không có chuyện bỏ chạy sau khi kỹ nghệ thành thục.
Nghe cô nói vậy, trạm trưởng Trần cười đến là vui vẻ: "Vậy chú yên tâm rồi".
Trấn Mộc Hồ bọn họ có rất nhiều thợ thêu, các thợ thêu nhận làm thêu thùa quanh năm và cũng tham gia đào tạo các loại. Nhưng hiếm có người nào như Ninh hương có thể tạo nên danh tiếng tại thành phố Tô. Ninh Hương giờ đây có thể được coi là gương mặt đại diện cho nghề thêu ở trấn Mộc Hồ, vì vậy ông không nỡ để người khác nhặt sẵn.
Thời nay, lấy vật liệu thêu ở đâu cũng vậy, bởi vì lúc này mọi thứ đều thuộc về tập thể quốc gia. Chu Văn Khiết không quan tâm Ninh Hương lấy vật liệu thêu hay giao thêu phẩm ở đâu, cái bà quan tâm là Ninh Hương có thể tạo ra những tác phẩm tốt hơn hay không.
Sau khi trạm trưởng Trần nói xong, bà nói với Ninh Hương: "Đến thành phố Tô nhất định phải đến tìm cô đấy. Có cơ hội, cô sẽ giới thiệu em quen biết càng nhiều đại sư hơn và để họ dạy cho em một số kỹ thuật mới. Mỗi một thầy thêu đều có một phong cách thêu khác nhau, em có thể học được nhiều hơn từ họ".
Ninh Hương nghe nói có thể học tập thêm nhiều kỹ thuật từ các thầy thêu khác, trái tim cô bất giác đập bùm bùm. Ham muốn học tập như cơn đói khát làm cô rất hưng phấn, và càng có một loại cảm giác phiêu phiêu không chân thực, cảm thấy như mình đang nằm mơ.
Chu Văn Khiết thấy cô như vậy thì cười: "Không phải cô đang dỗ em chơi đâu".
Ninh Hương từ trong sự kích động phản ứng lại, vội vàng cúi đầu bái Chu Văn Khiết: "Em cảm ơn cô!".
Chu Văn Khiết nói thế cũng không phải muốn cô cảm kích mình, bà không lôi kéo làm chậm trễ thời gian của cô nữa, nói: "Em làm ra càng nhiều tác phẩm tốt chính là lời cảm ơn tốt nhất với cô. Tranh thủ thời gian đi lấy vật liệu với trạm trưởng Trần đi, cứ lấy hết can đảm mà làm".
Ninh Hương nhận được khích lệ tương đối lớn, cô trịnh trọng gật đầu: "Dạ!".
Những gì nên nói đều đã nói xong, trạm trưởng Trần không đứng đó nữa, ông chào hỏi Chu Văn Khiết một tiếng rồi dẫn Ninh Hương cầm theo bức tranh lâm viên đi đến chỗ chế tác bản thảo. Sau khi bản thảo chế tác xong, lại đưa cho cô đủ số chỉ thêu cô cần.
Lúc giao vật liệu đến tay Ninh Hương, trạm trưởng Trần cười nói: "Chú mong chờ kiệt tác gốc của cháu đấy, A Hương à!".
Ninh Hương gật đầu: "Cháu nhất định sẽ tăng thêm thể diện cho thợ thêu trấn Mộc Hồ chúng ta!".
Trạm trưởng Trần nhịn không được bật cười, chỉ cảm thấy Ninh Hương sống càng ngày càng có màu sắc, là kiểu sáng chói từ trong ra ngoài. Trước kia ông còn lo nghĩ về chuyện ly hôn của cô, nhưng hiện tại xem ra ly hôn mới là điều tốt cho cô.
Ninh Hương cầm theo vật liệu rời khỏi trạm thêu, đến cung tiêu xã một chuyến. Cô dành tất cả số tiền mà mình tiết kiệm được mua một thứ mà bình thường cô cảm thấy không nên mua nhất, đó là mua một hộp bút chì màu ở cung tiêu xã.
Về đến nhà, cô không bắt tay vào thêu ngay bản thảo mà cầm bức tranh của Lâm Kiến Đông lên nhìn chằm chằm vào nó một lúc lâu. Sau khi suy nghĩ về nó một lúc, cô vót nhọn từng cây bút màu, tính tô thử hai nét. Nhưng cô thực sự thiếu kinh nghiệm, không thuần thục và cũng không có cảm giác để vận dụng ngòi bút vẽ tranh, vì vậy cô dừng lại sau khi tô hai đường. Cô suy tư về cách vẽ các đường nét hồi lâu cũng không biết phải bắt đầu từ chỗ nào. Dù sao cũng không vội nhất thời nửa ngày này, đợi chiều tối khi đội sản xuất gần đến giờ tan tầm, cô sẽ cầm theo hộp chì màu và bức tranh đến phòng chăn nuôi tìm Lâm Kiến Đông.
Đặt bức tranh và hộp chì màu tới trước mặt Lâm Kiến Đông, cô nói với anh: "Em đã hỏi thầy thêu Chu Văn Khiết rồi, cô ấy rất ủng hộ em thêu bức tranh anh vẽ, trạm trưởng Trần cũng đã phát vật liệu cho em mang về và em có thể động kim bất cứ lúc nào. Nhưng trước khi động kim, em vẫn muốn xem anh tô màu như thế nào, dù sao đây cũng là tranh anh vẽ".
Lâm Kiến Đông không ngờ rằng chỉ mới một ngày mà cô thật sự muốn bắt đầu thêu bức tranh anh vẽ. Anh vẫn cảm thấy có chút thụ sủng nhược kinh, nhìn thẳng Ninh Hương nói: "Anh chưa từng nghiêm túc học hay nghiên cứu về màu sắc, vẽ thì vẫn có thể vẽ, nhưng có thể sẽ không đẹp".
Ninh Hương không có yêu cầu gì đối với anh, cô chỉ là muốn xem thử nếu để anh tô thêm màu thì bức tranh này sẽ có hình dáng gì. Chỉ cần có cảm giác chung chung là được, không cần phải quá tỉ mỉ hay chuyên nghiệp nhiều, vì nguyên bản phác thảo của anh cũng không tỉ mỉ.
Cô sẽ kết hợp ý tưởng của mình, gợi ý của Chu Văn Khiết và cách thể hiện bức tranh của Lâm Kiến Đông để bức tranh thêu này đạt được hiệu quả tốt nhất.
Vì vậy cô nói: "Anh cứ tô theo cảm nhận là được".
Lâm Kiến Đông quả thực không phải là người chuyên nghiệp, tự gây áp lực cho mình cũng vô dụng, thế là anh cầm bút chì màu lên dựa theo ký ức về lâm viên lưu lại trong đầu, hơi cấu tứ lại một chút, sau đó cầm bút bắt đầu vẽ, tô ra màu sắc từng chút một.
Ninh Hương yên lặng nhìn anh vẽ tranh, trong lòng bỗng sinh ra một ít cảm giác kỳ diệu. Cảm nhận chung về bức tranh màu của Lâm Kiến Đông rất gần với những gì cô tưởng tượng, chỉ là tranh của anh tương đối thô.
Đợi anh tô xong màu cho bức tranh thô, Ninh Hương nhìn bức tranh mỉm cười và nói: "Xem ra lý giải của em đối với bức tranh này không quá khác biệt, hơn nữa những gì em tưởng tượng cũng giống với những gì anh vẽ".
Lâm Kiến Đông không dám nói mình vẽ giỏi, chỉ nói: "Anh không vẽ được chi tiết hơn, nên chỉ có vậy".
Như vậy là đủ rồi, Ninh Hương vốn là muốn xem anh sẽ tô màu như thế nào để cho ra một cảm giác đại khái mà thôi. Cô không cần Lâm Kiến Đông phải trau chuốt từng chi tiết nhỏ nhặt, vì kim thêu và chỉ thêu của cô có thể làm được những điều này.
Xong xuôi, Ninh Hương đứng dậy, trực tiếp cầm tờ lịch cuộn lại và nói với Lâm Kiến Đông: "Anh chờ nhé, chờ chia tiền công cho anh".
Lâm Kiến Đông cũng từ bên cạnh bàn đứng lên: "Không cần tiền công gì đâu, anh chỉ tiện tay vẽ linh tinh thôi, cũng không có mất bao nhiêu thời gian. Ngược lại em phải tốn từng mũi thêu, từng sợi chỉ nên cực kỳ mất công, cho nên em không cần trả anh tiền công".
Ninh Hương không tiếp tục tranh luận đề tài này với anh nữa, cô cầm bức tranh và rời đi: "Trước lúc nhập học sợ là em không thêu được, đợi tới lúc khai giảng em sẽ cầm tranh đến trường thêu. Cũng không biết cuộc sống đại học sẽ như thế nào nhỉ, em còn chưa học hết tiểu học nữa, nghĩ đến là lại thấy có chút lo lắng".
Lúc cô là linh hồn lang thang khắp nơi đã từng đi qua lớp học ở đại học ở đời sau, bây giờ nghĩ lại vẫn hoàn toàn không có cảm giác chân thực. Rốt cuộc, cô chưa từng chân thực tồn tại, và tất cả cảnh tượng ấy giống như một giấc mơ hư ảo.
Lâm Kiến Đông theo cô ra ngoài, anh nói: "Anh cũng thế, cũng khẩn trương".
Đây là kỳ thi tuyển sinh đại học đầu tiên trong hơn mười năm qua, có cả những người đã rời sân trường rất lâu, có thể nói rằng người ở các tuổi tác, các ngành nghề nào cũng có. Quay trở lại sân trường để học tập và sinh hoạt, chắc hẳn trong lòng ai cũng đều hồi hộp và háo hức.
Ninh Hương mỉm cười, xoay người lại để anh dừng bước: "Ngày đi báo danh em sẽ đợi anh ở bến sông".
Lâm Kiến Đông gật đầu, khóe miệng hơi cong lên: "Được".
Lúc Ninh Hương cầm tranh đến tìm Lâm Kiến Đông, sắc trời vẫn còn sáng, nhưng khi cô quay trở lại nhà thuyền cùng với bức tranh, sắc trời bên ngoài đã tối xuống. Từ nhỏ lớn lên ở đây, cho nên mọi người đều thông thuộc các ngõ ngách và cô xưa nay chưa từng sợ đi đường tối. Chỉ là khi cô đang đi trên con đường tối sắp gần đến chỗ nhà thuyền bỗng nhìn thấy một người mà cô không muốn thấy.
Hôm qua là Ninh Ba, Ninh Dương tới, cầm theo bánh nhưỡng rượu do Hồ Tú Liên tỉ mỉ làm, nhưng sau đó bị cô đâm chọc hai câu liền bỏ chạy. Hôm nay lại là Hồ Tú Liên đích thân đến, trên tay ôm một cái rổ, khi thấy cô trở về, bà lập tức mỉm cười nói: "Về rồi à".
Ba phen mấy bận, Ninh Hương đã bị bọn họ tìm đến mức hoàn toàn bình tĩnh. Cô đứng lại, cách Hồ Tú Liên không xa và nhìn bà, không nói lời nào.
Hồ Tú Liên mặt mày chứa ý cười, đi vài bước đến trước mặt Ninh Hương, nói bằng giọng lấy lòng: "A Hương, mẹ tới thêm đồ ăn cho con này. Con nhìn con xem, cả ngày không phải bận học hành thì lại bận thêu thùa, đoán chừng cơm cũng ăn không ngon, gần đây trông gầy đi nhiều rồi".
Ninh Hương lui về sau một bước, kéo ra khoảng cách phù hợp với Hồ Tú Liên, nhìn bà và vô cảm nói: "Hồ Tú Liên, bà thấy thú vị không? Các người làm như vậy có thấy thú vị không?".
Nụ cười trên mặt Hồ Tú Liên cứng lại, nhưng vẫn cố chấp mỉm cười, nhỏ nhẹ nói: "Thế thì sao? Dù gì chúng ta cũng là người một nhà, chẳng lẽ cả đời thật sự không qua lại với nhau? Trước đây ba mẹ xác thực có làm không đúng, nhưng giờ chúng ta đã nhận thức được sai lầm, ngay đến nằm mơ cũng thấy hối hận. Sống ở đời có ai mà không mắc sai lầm, A Hương à, con tha thứ cho chúng ta lần này đi".
Ninh Hương nhìn bà: "Nếu tôi không thi đậu lên đại học, các người có cảm thấy mình có lỗi không? Nếu tôi vẫn là con nhỏ A Hương đã ly hôn, chỉ biết bôi tro trát trấu lên mặt mũi gia đình, liệu các người có ăn nói khép nép như thế này không?".
Đầu năm nay lúc Hồ Tú Liên đến tìm cô, ngôn từ của bà lúc đó vẫn rất kiên cường. Rõ ràng là đến tha thứ cho cô, khoan thứ cho cô, muốn kéo cô về để tiếp tục cung cấp máu cho cái nhà đấy. Nhưng lần này bà đến, thái độ và ngữ khí đã hoàn toàn khác. Ninh Kim Sinh cũng khác, ở trên việc này thái độ của hai vợ chồng họ vẫn là vô cùng ăn ý và nhất trí.
Hồ Tú Liên mặt dạn mày dày nói: "Chuyện cũng qua lâu rồi còn gì, thật ra mẹ và cha con đã muốn gọi con về nhà từ lâu rồi. Một mình con lẻ loi trơ trọi ở đây, bình thường chỗ này cũng chẳng có người nào vãng lai, qua lại, chúng ta cũng rất đau lòng".
Ninh Hương bật cười với hai chữ đau lòng của bà, mất một lúc mới kìm được ý cười và nói: "Đừng chọc cười tôi, tôi sẽ không tha thứ cho các người đâu, cả đời này cũng sẽ không hòa giải với các người. Mấy người đừng nghĩ đến chuyện tôi sẽ bỏ ra thêm một xu tiền cho nhà các người. Ninh A Hương tôi, đời này không có nhà".
Nụ cười trên mặt Hồ Tú Liên rốt cuộc không nhịn được nữa, ráng chống đỡ nhưng cuối cùng vẫn sụ xuống, sau đó bà bực bội khảo vấn lương tâm của Ninh Hương: "Tao với ba mày chết, mày cũng không quay về đúng không?".
"Chết?". Ninh Hương nhếch miệng cười: "Đương nhiên là phải về rồi".
Giọng điệu bỗng chốc thay đổi ở giây sau đó: "Phải trở về để...... đốt giấy tang cho mấy người nữa chứ.....".
Nghe cô nói, sắc mặt Hồ Tú Liên thoáng chốc tối đen lại-- Này không phải đang trù yểu bọn họ chết sớm sao? Cô đây là từ tận đáy lòng ước gì bọn họ chết đi à! Có thể thản nhiên nói ra một câu như vậy, lương tâm nó đen xì luôn rồi!
Hồ Tú Liên giận đến khó thở, thật sự hận chết cái đồ khó chơi trước mắt này!
Nếu không phải nó thi đậu đại học!
Ninh Hương thấy bà vẫn đứng đó không đi, cũng không nói chuyện, thế là nói: "Đã không còn chuyện gì, vậy tôi không tiễn".
Hồ Tú Liên hít sâu một hơi, đến cùng không có lên tiếng cãi cọ với Ninh Hương, chỉ phải nghẹn lại cục tức xuống bụng. Kế tiếp, bà không tiếp tục liếm mặt lấy lòng Ninh Hương nữa mà giữ lại cho mình một chút thể diện và hòa khí cho Ninh Hương. Bà thu lại toàn bộ cảm xúc và biểu tình, giấu hết nó xuống bụng, ôm rổ xoay người rời đi.
Biểu tình trên mặt Ninh Hương vẫn rất nhạt, từ đầu đến cuối không dùng tới một chút xíu cảm xúc nào. Thấy Hồ Tú Liên thức thời rời đi, cô cũng mở rộng bước chân đi lên boong thuyền, mở khóa vào nhà. Đầu tiên là đi làm một ít đồ ăn, sau đó lại dốc lòng nghiên cứu về bức tranh lâm viên. Đây là lần đầu tiên cô bắt đầu từ việc vẽ tranh, cho nên nhất định phải làm tốt tất cả các công tác chuẩn bị. Tìm ra tất cả các chi tiết cần phải cân nhắc, cách thêu và mũi thêu, như vậy mới có thể làm ra một tác phẩm thêu có hiệu quả tốt nhất.
Còn Hồ Tú Liên xách rổ về đến nhà liền quăng mạnh nó xuống mặt bàn, Ninh Kim Sinh chỉ nhìn sắc mặt khó coi của bà cũng biết bà lại bị cho ăn bế môn canh, cả người lẫn đồ đều bị Ninh Hương đuổi trở về.
Ninh Hương không biết Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên có còn tiếp tục đến quấy rầy cô không, vì tránh đi dạng quấy rối này, cô bắt đầu đến nhà Vương Lệ Trân từ rất sớm và quay trở lại nhà thuyền vào đêm muộn kể từ ngày hôm sau.
Hiện tại, vấn đề thành phần vẫn chưa bị hủy bỏ, trên người Vương Lệ Trân vẫn treo mác hắc ngũ. Tuy nói tư tưởng và thái độ của bà ấy không có vấn đề gì, biểu hiện ngày thường cũng tốt, nhưng vẫn có không ít người xem thường bà, bao gồm nhà họ Ninh. Ninh Kim Sinh và Hồ Tú Liên cảm thấy bà ấy là người cực kỳ xúi quẩy. Đại khái cũng không muốn để cho loại người như bà chế giễu, nên ở trước lúc giao thừa bọn họ không hề tới nhà bà để tìm Ninh Hương. Mãi đến gần ngày giao thừa và Tết xuân, bọn họ mới mặt dạn mày dày tìm tới, nhưng đều bị đuổi trở về.
Ninh Hương vẫn luôn rất bình tĩnh, có thể tránh thì tránh, không tránh được thì đáp trả, tóm lại là binh đến tướng chắn, nước đến đất chặn.
Nhiều lần bị Ninh Hương đánh trả không kiêng nể mặt mũi, người nhà họ Ninh cũng nghẹn ra một bụng lửa giận, nhưng họ lại không thể tức giận. Cũng bởi vì cất trong mình một bụng nín nhịn và hối hận nên không khí Tết năm nay ở nhà họ chẳng cảm nhận được không khí vui mừng, chỉ có thêm ngột ngạt.
Sau Tết, trong khoảng thời gian trước lúc nhập học, bọn họ ngược lại sống yên ổn, không có chạy đến nhà Vương Lệ Trân tìm Ninh Hương nữa. Không có việc gì làm, Ninh Hương ngoại trừ ăn uống ngủ nghỉ thì tất cả thời gian còn lại đều dùng vào việc thêu thùa. Cô không chỉ phải nghĩ cách thêu bức tranh lâm viên mà còn thêu thêm hai bức tranh khổ nhỏ khác. Còn năm, sáu ngày nữa là đến ngày nhập học, cô tăng thêm giờ làm việc muốn nhanh chóng hoàn thành hai bức thêu nhỏ trong tay, đuổi kịp trước lúc nhập học giao thành phẩm cho trạm thêu, nhận tiền công, đồng thời nhận một bức thêu lớn hơn một chút và vật liệu, dự định mang đến trường học làm.
Sau khi giao thành phẩm cho trạm thêu, Ninh Hương ghé qua chợ một chuyến mua rất nhiều đồ ăn trở về. Cô mua một ít cá, một ít thịt bình thường không hay mua trở về, kiên nhẫn rửa, nấu, chưng, xào làm ra một bàn đồ ăn ngon.
Lúc ngồi xuống ăn cơm, cô gắp cho Vương Lệ Trân một đũa thức ăn và nói: "Bà ơi, ngày mai cháu đi rồi, có lẽ bốn, năm tháng tới sẽ không trở về, bà ở nhà một mình nhớ chăm sóc tốt cho mình bà nhé. Đợi đến lúc nghỉ hè, cháu sẽ quay về".
Vương Lệ Trân rất thích ăn cơm Ninh Hương nấu, bà vừa thỏa mãn ăn vừa gật đầu: "Bà không sao, ở một mình sớm đã quen lâu rồi. Cháu đến trường học thì cứ an tâm mà học, đừng để mình bị đói. Nếu có tâm sự mà muốn kể cho bà thì cứ viết thư gửi về, mấy chữ đơn giản bà vẫn có thể xem hiểu".
Ninh Hương cười đồng ý: "Dạ, vậy mỗi tháng cháu sẽ viết cho bà một lá thư".
@layla.lth - À, tui chỉ muốn nói là: "Tiktok của tui, ai rảnh thì ghé nhà chơi nhé!".
Cũng nhân đây cảm ơn các nàng, các tình yêu đã luôn đồng hành, ủng hộ tui, mặc dù con lười này đôi lúc chơi trò "lặn" hơi sâu. Đọc comment của các nàng, tui vui lắm, thường hay cười tủm tỉm mỗi khi đọc comment. Các nàng khen tôi, những lời khen ấy với tôi nó như một sự khẳng định và cho tôi biết rằng, tôi cũng giỏi đấy chứ và tôi không hề vô dụng đâu. Thật đấy, nó tiếp thêm sức mạnh cho tui nhiều lắm. Mỗi khi mỏi mệt là tui hay mở comment của các bà lên đọc. Kaka, nhìn xem tôi lại tào lao nữa rồi kìa, thôi nhé, chúc mọi người một ngày may mắn, đọc truyện vui vẻ. Yêu các bà già nhiều nhiều lắm!!!!
- HẾT CHƯƠNG 52 -