“Nhà họ Chung” mà thầy nhắc tới chỉ có thể là một, chính là nhà họ Chung ở Dương Thành.
Ôn Bạch là người Nam Thành nhưng ít nhiều cũng có nghe nói về nhà họ Chung ở Dương Thành.
Trước đây Phương Nhạc Minh từng nói đùa rằng Lâm Diệu Sinh là trùm bất động sản của Nam Thành nhưng nếu so với nhà họ Chung ở Dương Thành thì ở giữa sợ là còn cách khoảng năm, sáu cái tập đoàn Diệu Sinh nữa.
Bởi vì nhà họ Chung ở Dương Thành không phải đời sau phất lên mà là hưng thịnh từ thời tổ tiên, giàu có suốt mấy trăm năm, nhà tổ “nhà lớn họ Chung” còn được liệt vào danh sách di vật văn hóa cần bảo vệ và gìn giữ, đến nay vẫn là một công trình kiến trúc nổi bật nhất của Dương Thành.
Ban đầu lúc nhìn thấy ba chữ “Chung Thời Ninh” trên con dấu, Ôn Bạch cũng thoáng nghĩ tới liệu có liên quan đến nhà họ Chung ở Dương Thành hay không, dù sao thì cái họ “Chung” này cũng quá nổi tiếng.
Cậu còn quay lại quầy bán đồ cổ tìm Trần Thế Văn hỏi tỉ mỉ lại lần nữa, cuối cùng mới phủ định.
Đầu tiên, ngày đó Trần Thế Văn cũng xác nhận với bên cung cấp, cơ bản có thể chắc chắn con dấu này được nhặt trên một ngọn núi ở Nam Thành, mà tổ tiên nhà họ Chung thì luôn sống tại Dương Thành.
Thứ hai, ngọc này là ngọc dễ vỡ, chất lượng không tốt lắm, với tài lực của nhà họ Chung, nếu đúng theo lời Đế Thính thì hẳn là không thể làm vật bồi táng được.
Thứ ba, một người cung cấp có quan hệ tốt với Trần Thế Văn là người gốc Dương Thành, sau khi nghe câu hỏi của Ôn Bạch, ông ta lắc đầu, nói ở Nam Thành và những chỗ khác thì họ “Chung” chỉ có một số ít nhưng ở Dương Thành thì không thế, không chỉ không ít mà còn cực kỳ phổ biến.
Mà đây không phải là dân di cư hay người trong gia tộc tụ tập thành “làng cùng họ” mà là báo ơn nên đổi họ.
“Ơn” này chính là nhà họ Chung ở Dương Thành.
Tổ tiên nhà họ Chung từng trải qua thời kỳ thiên tai liên miên, mở kho phát thóc, cứu sống không biết bao nhiêu bách tính, tiếng lành đồn khắp nên ai cũng đều biết là người tốt.
Một người giàu lương thiện như vậy, theo lý mà nói thì chẳng thiếu gì cả.
Nhà họ Chung quả thực chẳng thiếu gì hết, chỉ có một thứ, chính là nhân khẩu không nhiều.
Hai đời chỉ truyền duy nhất cho con một, vào thời điểm đó thì khá là ít thấy.
Ơn cho gạo đối với bách tính mà nói cũng chính là ơn cứu mạng.
Bách tính cảm động ghi nhớ nhưng không biết báo đáp thế nào, dẫn đến có khá nhiều người lựa chọn đổi họ hòng muốn giúp nhà họ Chung vượng đèn nhang hơn, thêm ít nhân khí.
Sau đó họ “Chung” lan rộng khắp Dương Thành, cho đến nay vẫn là một họ phổ biến nhất ở Dương Thành, cho nên chỉ dựa vào họ “Chung” thôi thì căn bản không thể xác định được.
Quan trọng nhất là tất cả mọi người, chưa ai từng nghe qua cái tên “Chung Thời Ninh”.
Với tiếng tăm của nhà họ Chung ở Dương Thành, lại thêm con cháu đều là những người có sự nghiệp rực rỡ, các lĩnh vực từ thương nghiệp đến chính trị, nghiên cứu khoa học, tùy tiện bốc ra một cái tên cũng đều xuất hiện trên trang bách khoa toàn thư, nếu đúng là người của nhà họ Chung thì không thể không có ai nghe qua.
Kết hợp các thông tin lại với nhau, Ôn Bạch không hướng mục tiêu về phía nhà họ Chung ở Dương Thành nữa.
Sở dĩ cậu nhờ giáo sư Lý để ý giúp mình cũng là bởi vì cậu cảm thấy dường như mình đã từng thấy hoặc nghe qua cái tên này ở đâu đó, trông con dấu cũng đậm dấu vết tháng năm, không giống đồ vật của mấy năm gần đây.
Ai ngờ cuối cùng vẫn quay lại nhà họ Chung.
“Thầy có chắc đúng là nhà họ Chung ở Dương Thành không ạ?” Ôn Bạch hỏi.
“Nhà họ Chung ở Dương Thành cũng có một Chung Thời Ninh, chỉ là không biết “Chung Thời Ninh” của em và “Chung Thời Ninh” kia có phải là cùng một người hay không.”
Giáo sư Lý nói xong rồi yên lặng, hồi lâu sau mới tiếp tục hỏi: “Tiểu Bạch, thầy muốn hỏi em một chút, em nghe được ở đâu cái tên “Chung Thời Ninh” này vậy? Tại sao đột nhiên lại hỏi đến chuyện đó?”
Lúc đó Ôn Bạch cũng chỉ ôm suy nghĩ tìm vận may nên mới nhắc qua với giáo sư Lý chứ chưa nói đến chuyện “con dấu bị gãy”, vậy nên giáo sư Lý vẫn chưa biết.
Ôn Bạch đáp: “Em vô tình tìm được một con dấu ở một quầy bán đồ cổ, bề ngoài của nó cũ kỹ nhiều năm rồi, con dấu này còn bị gãy, trên mặt có khắc ba chữ “Chung Thời Ninh”.”
“Em có cảm giác mình từng nghe qua cái tên này ở đâu đó nhưng không nhớ ra được nên mới đi hỏi thầy.”
Đầu dây điện thoại bên kia lại yên lặng hồi lâu, lát sau mới nói: “Nhiều năm đại khái là khoảng bao nhiêu năm, em có biết không? Hoặc là chủ quầy bán đồ cổ có nói gì về nó không?”
Con dấu này bao nhiêu năm, Ôn Bạch thật sự không nhìn ra nhưng cậu lại biết tử khí trên đó bám vào trong bao nhiêu năm bởi vì Lục Chinh từng đề cập đến một lần.
Khi ấy Lục Chinh nói tử khí tồn tại trên con dấu khoảng năm mươi, sáu mươi năm, dựa thêm vào tuổi tác của chủ nhân con dấu, Ôn Bạch suy đoán: “Khoảng sáu mươi, bảy mươi năm ạ.”
“Số năm cụ thể hơn thì em không rõ lắm, nhưng ít nhất cũng khoảng năm mươi năm, chỉ có nhiều hơn chữ không có ít hơn ạ.” Dù sao cái này cũng được Lục Chinh xác nhận rồi.
“Vậy xem ra “Chung Thời Ninh” mà em nói chính là người của nhà họ Chung ở Dương Thành.” Giáo sư Lý nói.
Trong lòng Ôn Bạch vẫn có vài điểm mơ hồ: “Thưa thầy, thực ra lúc trước em cũng từng nghĩ liệu con dấu có liên quan đến nhà họ Chung ở Dương Thành không nên lên mạng tìm kiếm thông tin, nhưng mà…”
Giáo sư Lý tiếp lời cậu: “Nhưng mà không tra ra được người này.”
Ôn Bạch: “Vâng.”
“Bởi vì lúc Chung Thời Ninh còn đang quấn trong tã lót đã bị mất tích, chưa kịp đề tên vào gia phả.” Giáo sư Lý giải đáp thắc mắc của Ôn Bạch.
“Mới sinh? Mất tích ấy ạ?” Ôn Bạch nghĩ tới rất nhiều khả năng nhưng lại không nghĩ tới cái này.
“Thầy ơi, thầy…”
“Muốn hỏi tại sao thầy biết đúng không?”
Ôn Bạch mỉm cười, thầy cứ như đi guốc trong bụng cậu, biết cậu sẽ nói câu gì tiếp theo, cũng bởi vậy nên cậu mới nói chuyện về con dấu ra, ban đầu vốn chỉ định tùy tiện bịa ra một lý do để ứng phó thôi nhưng cuối cùng vẫn phải nói thật, giáo sư cũng rất hiểu nên không truy hỏi nhiều.
“Kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập trường, ban lãnh đạo muốn mời Chung Vân tới dự lễ khai trương bảo tàng lịch sử của trường.”
Khoảng thời gian này quá bận nên Ôn Bạch quên béng mất chuyện tổ chức kỷ niệm trăm năm ngày thành lập trường.
Đương nhiên cậu cũng biết Chung Vân.
Tuy chưa được gặp người thật nhưng ông ta là một nhân vật được liệt kê trên bức tường tôn vinh các cựu sinh viên của trường, đồng thời cũng là người thừa kế đương nhiệm của nhà họ Chung.
Nghe đến đó, Ôn Bạch lại nghĩ tới một chuyện: “Con trai của ông Chung Vân có phải đang theo học ở trường chúng ta không ạ?”
Lúc trước có lần làm bài tập nhóm với nhau, Phương Nhạc Minh từng nhắc qua, nói đời cháu nhỏ nhất của nhà họ Chung năm nay mới thi đại học, hình như còn báo danh vào trường của bọn họ, nếu không có gì bất ngờ thì bốn năm sau trên bức tường tôn vinh cựu sinh viên lại có thêm một cái tên nữa rồi.
“Tin tức rất nhạy.” Giáo sư Lý khen ngợi, “Tên là Chung Hạo, vừa khéo báo danh vào khoa tài chính, là đàn em cùng khoa với em.”
Ôn Bạch mỉm cười, thực ra cũng chẳng tính là vừa khéo, người như Chung Hạo mai này kiểu gì cũng phải thừa kế cơ ngơi của gia tộc, trốn không khỏi số kiếp phải học về tài chính.
Trường học mời Chung Vân đến tham gia lễ khai trương bảo tàng, Ôn Bạch cũng không ngạc nhiên mấy.
Từ năm ngoái trường đã bắt đầu chuẩn bị cho lễ kỷ niệm một trăm năm ngày thành lập, nguyên tắc đầu tiên đề ra chính là không được dùng tới nguồn tài chính mà chính phủ cấp cho để nghiên cứu khoa học, tất cả kinh phí sẽ đều dựa vào cựu sinh viên hoặc các tổ chức xã hội quyên tặng.
Kinh phí đầy đủ thì làm to, kinh phí ít ỏi thì làm đơn giản.
Bên trường học cũng đã chuẩn bị xong tâm lý sẽ làm đơn giản nhưng mà đại học Nam Thành tuổi đời trăm năm, học trò khắp thiên hạ, trường học đánh giá quá thấp mức độ nhiệt tình của nhóm “học trò” này, tin tức vừa công khai, các khoản quyên tặng đổ về dồn dập, kinh phí dồi dào đến nỗi sửa sang lại luôn cả trường cũng được.
Trong dự án xây bảo tàng trường này, Chung Vân coi như là người bỏ vốn nhiều nhất, lễ khai trương đương nhiên phải mời ông ấy.
“Trường học cũng chỉ thử mời thôi, cuối cùng còn phải xem Chung Vân có thời gian hay không, bởi vậy sáng nay thầy mới gọi điện cho ông ấy.” Sau khi trò chuyện xong giáo sư Lý mới sực nhớ tới lời dặn dò của Ôn Bạch, thuận miệng hỏi một câu.
Ai ngờ một Chung Vân thường ngày thong dong bỗng trở nên gấp gáp, sau khi qua loa đối phó một hồi, giáo sư cúp điện thoại rồi gọi cho Ôn Bạch.
Nghe giáo sư Lý kể lại đại khái xong, Ôn Bạch hỏi: “Chung Thời Ninh này có thân phận gì ở nhà họ Chung vậy ạ?”
Đầu dây bên kia vẫn không đáp ngay, sau đó Ôn Bạch mới nghe thấy tiếng của giáo sư Lý: “Ông nhỏ nhà họ Chung.”
Ngoài cửa sổ đúng lúc thổi qua một cơn gió, xông thẳng vào cổ họng của Ôn Bạch.
Cậu bị sặc ho sù sụ, cộng thêm bị kinh ngạc vì hai chữ “ông nhỏ” mà ho đến suýt tắt thở.
“Ông nhỏ ấy ạ?”
“Theo bối phận thì là ngang với ông nội của Chung Vân, ông cố của Chung Hạo.” Giáo sư Lý nói, “Cụ thể đã xảy ra chuyện gì thì Chung Vân lại không nói nhiều, chỉ nói ông nhỏ của mình bị bắt cóc từ lúc mới sinh ra.”
“Khi đó hai ông bà nhà họ Chung tuổi già mới có thêm mụn con nên cực kỳ thương yêu đứa trẻ này, đặc biệt là cụ bà, bởi vậy nên mới bị đả kích rất lớn, về sau trong nhà rất hạn chế nhắc về chuyện này, đến gia phả cũng phải chờ sau khi cụ mất vì bệnh mới ghi thêm vào.”
Ôn Bạch nhỏ giọng “vâng” một tiếng.
Hèn gì không tìm ra được thông tin nào, hóa ra là bị cố ý giấu giếm.
“Nghe Chung Vân nói trước khi ông nội mình qua đời vẫn luôn nhớ đến người em trai mất tích này, nhớ thương tới tận cuối đời rồi đi.”
“Nếu như con dấu kia của em thật sự là đồ của ông nhỏ nhà họ Chung thì coi như cũng là một tâm nguyện khắc cốt ghi tâm của bọn họ.”
Bầu không khí bỗng trở nên nặng nề, Ôn Bạch cân nhắc một lát rồi nói: “Chuyện con dấu có khi phải để từ từ thầy ạ.”
Giáo sư Lý: “Ý em là bây giờ chưa thể đề cập chuyện này với người nhà họ Chung?”
Ôn Bạch: “Vâng.”
Cậu đang băn khoăn.
Nếu như đây chỉ là một con dấu bình thường, sau khi xác định là đồ của ông nhỏ nhà họ Chung thì có thể lập tức trả về.
Nhưng vấn đề là… đây không phải một con dấu “bình thường”.
Con dấu bị gãy thành hai mảnh, bên trên còn có tử khí.
Nếu cứ tùy tiện trả về cho nhà họ Chung, nhỡ đâu xảy ra chuyện gì thì hối hận không kịp, hơn nữa nếu con dấu này thật sự là vật chôn cùng, nói không chừng sẽ lần theo nó để tìm ra được nhiều thứ hơn.
Tuy giáo sư Lý không biết tại sao Ôn Bạch lại nói vậy nhưng ông rất hiểu cậu, chu toàn một chút cũng tốt, tránh cho về sau phải thất vọng, ông nói: “Không sao, em cứ xử lý trước đi, bên chỗ nhà họ Chung để thầy lo.”
“Làm phiền thầy rồi ạ.”
Sau khi cúp điện thoại, Ôn Bạch vẫn tập trung nhìn chằm chằm màn hình.
Chung Thời Ninh là ông nhỏ của Chung Vân, là đứa con trai mà họ Chung có lúc tuổi già, vậy tính theo tuổi tác thì sẽ nhỏ hơn ông nội của Chung Vân ít nhất mười tuổi.
Mà Lục Chinh lại nói tử khí bám trên con dấu này khoảng năm mươi, sáu mươi năm, nói cách khác, Chung Thời Ninh qua đời vào năm chỉ mới hai mươi tuổi?
Ôn Bạch nghĩ quá tập trung, đèn sen nhỏ gọi cậu hai lần mà cậu cũng không nghe thấy, mãi đến tận khi cửa văn phòng của Lục Chinh mở ra đánh rầm một phát, Ôn Bạch mới bị tiếng động này làm cho tỉnh táo lại.
Từ lúc Ôn Bạch đứng trước cửa phòng Lục Chinh đã nhận ra rồi.
Hắn vẫn còn đang rất bứt rứt, nhưng bứt rứt này không xuất phát từ chỗ Ôn Bạch mà là từ Đế Thính – người mà đêm qua vừa mới đánh với hắn một trận.
Cứ nghĩ tới Đế Thính là trong lòng Lục Chinh lại như có một ngọn đuốc đang cháy hừng hực.
Hắn cũng không biết mình đang nóng ruột cái gì, chỉ biết khi cảm thấy người kia đang đứng trước cửa, cảm giác này không những không giảm mà còn tăng thêm, thậm chí còn nghĩ liệu có nên để cậu chờ đến khi mình bình tĩnh lại chút đã.
Sau đó, “bình tĩnh” hết cả nửa ngày.
Nhưng không phải hắn đang lấy lại bình tĩnh mà là người ngoài cửa bơ hắn suốt nửa ngày.
Sau đó trước mắt xuất hiện khung cảnh này.
Ôn Bạch nhìn cánh cửa đột nhiên bật ra, nhìn ông chủ đột nhiên xuất hiện ngay trước mặt, lại nhìn biểu cảm không tốt lắm của ông chủ: “???”
Hình như cậu… có làm gì đâu nhỉ?
Ôn Bạch không biết, chính cậu cũng không biết mình “có làm gì” chọc giận Lục Chinh hay không.
Lục Chinh: “Gió ở cửa sổ mát lắm à?”
Ôn Bạch hoang mang không hiểu vì sao, theo phản xạ lắc đầu.
“Vậy nửa ngày rồi em không vào, đứng ở đây làm gì?” Lục Chinh lạnh mặt hỏi.
Ôn Bạch giơ di động lên: “Nhận điện thoại, thầy gọi đến.”
“Tôi làm ồn anh rồi à?” Ôn Bạch nhỏ giọng hỏi.
Cậu còn tưởng đứng ở chỗ cửa sổ này là đủ xa rồi, vậy mà vẫn có thể nghe thấy ư?
À đúng rồi, suýt chút nữa quên mất, ông chủ của cậu có phải là người đâu.
Sau khi nhẩm lại câu “ông chủ không phải là người” để tự nhắc nhở mình, Ôn Bạch thật thà nói: “Lần sau tôi sẽ chú ý.”
Lục Chinh: “…”
Đế Thính nói người này rất thông minh, đến cùng là thông minh ở chỗ nào hả? Rõ ràng chẳng biết cái gì hết!
“Vào đi.” Lục Chinh ném lại một câu rồi quay người vào văn phòng.
Ôn Bạch ôm đèn sen nhỏ đi theo phía sau.
Bức tranh Đêm Tế ngày hôm qua trải kín cả mặt bàn đã không còn, nếu không phải vì khung cảnh đèn sông ban đêm ấn tượng quá sâu sắc thì có lẽ Ôn Bạch sẽ hoài nghi liệu có phải đó chỉ là một giấc mơ của mình hay không.
“Bức Đêm Tế bị mang đi cất rồi ạ?” Ôn Bạch phá vỡ bầu không khí yên lặng.
Lục Chinh nghe không ra cảm xúc của Ôn Bạch, còn tưởng rằng cậu vẫn chưa tận hứng, hỏi lại: “Còn muốn chơi nữa à?”
“Không, không ạ.” Ôn Bạch lắc đầu, đâu thể thả đèn sông mỗi ngày được?
Hơn nữa Đế Thính từng nói, tìm bức Đêm Tế này rất tốn sức, không thể tiếp tục làm phiền người ta được, Ôn Bạch vội vã trả lời: “Chỉ là thấy tranh không còn nên tôi hỏi thử thôi.”
Nhắc đến bức Đêm Tế, Ôn Bạch sực nhớ ra còn có một câu cậu quên chưa nói, bổ sung: “Ngày hôm qua thực sự chơi rất vui, cảm ơn ông chủ nhiều.”
Lẽ ra nên nói luôn trong tối hôm qua nhưng quá buồn ngủ nên quên mất.
“Cũng cảm ơn ông chủ ngày hôm qua đã đắp chăn cho tôi.”
Lục Chinh: “…”
Tên nhóc này… đến cùng là có biết bản thân đang nói gì không thế?
“Nguyên Nguyên cũng chơi rất vui.” Đèn sen nhỏ nhanh nhảu giơ tay phụ họa.
Ôn Bạch mỉm cười xoa đầu nó.
Thấy sắc mặt của Lục Chinh hơi tốt lên một chút rồi Ôn Bạch mới nói về cuộc gọi ban nãy.
“Cái cục ngọc dễ vỡ kia?” Ấn tượng của Lục Chinh về cái này chỉ có nhiêu đó.
Ôn Bạch: “Vâng.”
“Tử khí trên đó đã bị Nguyên Nguyên giải trừ hết rồi, nhưng Đế Thính nói có thể chỉ là tạm thời sạch sẽ thôi, không tìm được nửa bị gãy còn lại thì vẫn còn nguy cơ gặp phiền phức.”
Lục Chinh: “Em định tra thế nào?”
“Trước đó tôi có hỏi qua một lần, đại khái biết được vị trí mà con dấu này xuất hiện.” Tiếp đó phải dựa vào vận may thôi.
Lục Chinh nhíu mày: “Âm ty không có ghi chép gì về Chung Thời Ninh à?”
“Vâng.” Đây cũng là nguyên nhân tại sao mất thời gian lâu vậy mà không tìm ra được manh mối nào.
Trước khi đi tìm tung tích của nửa con dấu còn lại, Ôn Bạch vẫn muốn tổng hợp một số thông tin liên quan đến nhà họ Chung trước đã, tranh thủ xác định thân phận của Chung Thời Ninh luôn.
Hơn nữa nếu thông tin trước đó không sai, vị trí con dấu này xuất hiện là trên một ngọn núi hoang không có ai qua lại ở Nam Thành.
Thật sự muốn tìm thì cũng phải từ từ suy tính, không vội được.
Sau khi kể lại sơ qua với Lục Chinh, Ôn Bạch về nhà một chuyến.
Vừa vào cửa, đèn sen nhỏ bay thẳng tới chỗ hồn tranh, kể lại chuyện ngày hôm qua Ôn Bạch dạy nó ghi tên, còn thả cho nó một thỏi vàng to bự, kể từng chi tiết qua một lần.
Nghe đến đoạn Ôn Bạch không chỉ thả một cái, hồn tranh ngắt lời: “Tiểu Bạch thả hai cái đèn, trên thỏi vàng viết tên của cậu, trên cái đèn hoa còn lại cũng có viết tên sao? Viết tên ai thế?”
Đèn sen nhỏ ngơ ngác không trả lời được.
Tối hôm qua đúng là nó có nhìn thấy chữ trên đèn hoa nhưng nó không biết chữ đấy là gì.
“Bạch Bạch, trên đèn hoa hôm qua anh thả, anh viết tên ai thế?” Đèn sen nhỏ lập tức bay qua chỗ Ôn Bạch hỏi.
Ôn Bạch đang tra thông tin, nghe đèn nhỏ hỏi vậy, cậu đáp lại: “Cha em đó.”
Cánh của đèn sen nhỏ lệch qua một bên.
Ôn Bạch phì cười: “Lục Chinh.”
Đèn sen nhỏ: “Không đúng không đúng.”
Ôn Bạch: “???”
“Nguyên Nguyên biết viết tên của Lục Chinh, mà hai chữ ngày hôm qua Ôn Bạch viết thì Nguyên Nguyên không biết.” Đèn sen nhỏ giải thích.
Ôn Bạch khó hiểu.
Hai chữ cậu viết tối hôm qua quả thực là hai chữ “Lục Chinh”, không sai, nhưng đèn sen nhỏ lại nói vậy, hẳn là cũng có đạo lý riêng của nó.
Ôn Bạch xòe lòng bàn tay mình ra, nói: “Cũng có thể là anh viết sai, giờ Nguyên Nguyên viết lại tên của Lục Chinh cho anh xem được không?”
Ôn Bạch còn tưởng đèn sen nhỏ nhớ nhầm, chờ đến khi nó viết xong cậu mới nhận ra vấn đề.
Đèn sen nhỏ không nhớ sai, cậu cũng không viết sai.
Bởi vì nó viết là “Lục Trưng”, có khả năng là tên của Lục Chinh từ rất nhiều năm về trước.
Đèn sen nhỏ viết xong liền nói: “Bạch Bạch đừng viết sai nha, tên của Lục Chinh là thế này, lần sau thả đèn sông phải viết thế mới đúng.”
Ôn Bạch nở nụ cười, cầm bút viết lên quyển vở ở bên cạnh hai chữ “Lục Trưng”.
Truyện Sủng
“Nhớ kỹ rồi.”[Hết chương 34].