Đình Nhi trở về.
Bay chuyến bay sớm nhất sang Mĩ, chưa bao giờ tôi lại thấy hồi hộp như thế này ngoài hôm tổ chức lễ cưới với Đình Phong. Chẳng ai có thể tin được Đình Nhi vẫn còn sống cả.
Khi nhận được điện thoại của anh Long, người vệ sĩ mà tôi sắp xếp đưa Đình Nhi bỏ trốn khỏi bọn bắt cóc, nói rằng Đình Nhi vẫn còn sống, tôi chỉ muốn mình có sức mạnh siêu nhiên giống trong phim, chỉ cần nhắm mắt một cái là có thể đến nơi mình muốn ngay lập tức.
Trong điện thoại anh Long cũng không nói nhiều, chỉ báo cho tôi địa chỉ của hai người và nói muốn gặp tôi.
Không biết trong gần một năm qua Đình Nhi sống như thế nào, có gì thay đổi không? Bắt một cô bé mới bảy tuổi sống cùng một người đàn ông xa lạ ở một đất nước xa lạ, thật là làm khó cho nó.
Theo địa chỉ mà anh Long nói trong điện thoại, tôi nhanh chóng tìm được chỗ hai người họ đang ở, là một bệnh viện nhỏ. Không hiểu tại sao hai người họ lại ở đây, chẳng lẽ... chẳng lẽ... Tôi không dám nghĩ thêm nữa, nhớ lại số phòng bệnh mà tôi vẫn nghĩ là số nhà, không do dự chạy thật nhanh đến đó.
Căn phòng nằm ở cuối hành lang, trông khá cũ kĩ. Đập vào mắt tôi là hình ảnh Đình Nhi cả người gầy rộc nằm trên giường bệnh, một bên mắt đeo băng trắng. Anh Long với vết sẹo lớn trên mặt đang ngồi ngay bên cạnh. Suýt chút nữa tôi đã bật khóc khi nhìn thấy hai người họ.
Cất hành lí sang một bên, tôi bắt đầu hỏi anh Long về những chuyện đã xảy ra với hai người họ trong suốt mười tháng qua.
*
Thì ra trước khi chiếc xe phát nổ, anh Long đã kịp thời ôm Đình Nhi nhảy ra khỏi xe và cả hai bị lăn xuống vực. Thật không may lúc lăn xuống Đình Nhi đã bị cành cây sượt qua mắt. Còn anh Long do phải cố gắng che chắn cho Đình Nhi nên một bên mặt bị đất đá cào rách. Cũng may là họ rơi xuống nước nên không bị thương nghiêm trọng. Sau đó thì anh Long theo sự sắp đặt của tôi từ trước đó dẫn Đình Nhi ra nước ngoài, định chờ một thời gian sẽ liên lạc lại với tôi.
Khó khăn này chưa hết khó khăn khác lại kéo đến. Do là lần đầu tiên ra nước ngoài nên mọi thứ vẫn còn chưa quen, số tiền tôi đưa cho anh Long bị kẻ xấu lừa mất. Thế là hai người họ phải lang thang đầu đường xó chợ, kiếm ăn từng ngày. Chả trách Đình Nhi từ một cô bé dễ thương mũm mĩn lại trở nên gầy gò ốm yếu như cành cây héo.
Thời gian sau đó anh Long kiếm được một công việc bán thời gian và tìm được một chỗ ở giá rẻ. Số tiền kiếm được vừa dùng để trả tiền nhà vừa dùng để mua thức ăn và mua thuốc cho Đình Nhi. Cứ như thế được khoảng sáu, bảy tháng thì bệnh của con bé trở nặng, bên mắt bị thương bắt đầu có dịch lỏng chảy ra, có dấu hiệu bị mù. Anh Long quyết định đưa con bé vào viện, nhưng vì không có tiền đóng viện phí nên chỉ một hai tuần là bị đuổi đi. Đến cái bệnh viện thứ năm thì họ may mắn không bị đuổi vì đây là bệnh viện từ thiện. Nhưng để phẫu thuật mắt cho Đình Nhi cần chi phí rất lớn, mà bệnh viện này lại nhỏ nên không thể tiến hành chữa trị, họ đành phải sắp xếp cho con bé nằm ở đây.
Vì cước gọi đường dài từ Mỹ về Việt Nam rất đắt nên anh Long không thể liên lạc được với tôi. Cho đến hai hôm trước, anh ấy vô tình gặp được một người bạn, năn nỉ mãi mới mượn được điện thoại của người đó để gọi cho tôi.
Nếu không phải tôi cố chấp, kiên quyết làm theo ý mình thì anh Long với Đình Nhi sẽ không phải chịu khổ như thế này. Tất cả là do tôi, tôi đã hại hai người họ.
*
Đẩy cửa bước vào phòng, tôi dặt túi đồ ăn vừa mới chạy đi mua lên chiếc bàn nhỏ gần giường bệnh, nở nụ cười yếu ớt nói với anh Long: "Anh mau lại ăn cái gì đi, để em chăm sóc cho Đình Nhi."
Do ăn uống không đầy đủ, lại thêm mắt bị nhiễm trùng dẫn tới sốt cao, Đình Nhi đã rơi vào hôn mê gần một tuần nay. Tôi đã thử lay gọi mấy lần nhưng con bé không có phản ứng. Tình hình đã trở nên rất tồi tệ nhưng tôi chẳng có cách nào gom đủ ba ngàn đô để làm phẫu thuật cho con bé. Tất cả tài sản của tôi cộng lại mới chỉ có hơn hai ngàn đô. Cũng không thể nhờ Đình Phong hay ba tôi, người khiến Đình Nhi ra nông nỗi này là tôi, nếu không thể biến con bé trở lại lành lặn như lúc đầu, tôi quyết không đưa nó trở về Việt Nam.
*
Hai ngày sau.
Trong lúc đang vắt óc suy nghĩ làm cách nào để có một ngàn đô thì tôi vô tình nghe thấy cuộc nói chuyện của hai y tá đến tiêm cho Đình Nhi. May mà tiếng Anh của tôi cũng không đến nỗi nên có thể hiểu được những gì họ nói.
"Bên bệnh viện MLA vừa gọi điện sang nói rằng cần gấp 600cc máu nhóm AB-Rh đấy." Y tá thứ nhất nói.
"Hình như là con trai thị trưởng bị tai nạn xe hơi, đang cấp cứu bên đó. Nếu không có máu thì e rằng sẽ không qua khỏi." Y tá thứ hai trả lời.
AB-Rh, nếu nhớ không lầm thì tôi cũng thuộc nhóm máu đó. Trong đầu tôi bỗng nảy ra một ý nghĩ, mặc dù việc này đi ngược lại với lương tâm và pháp luật nhưng tôi chẳng còn cách nào khác. Tôi thực sự rất cần tiền. Và đây sẽ là việc cuối cùng tôi làm cho người con trai mà tôi yêu thương nhất.
Không suy nghĩ nhiều, tôi liền nói với hai cô y tá: "Hãy giúp tôi liên hệ với người nhà của bệnh nhân đó, tôi có nhóm máu AB-Rh."
Hai cô y tá nhìn tôi với ánh mắt đầy ngưỡng mộ, miệng liên tục nói cảm ơn. Nếu họ biết mục đích của tôi, chắc chắn ánh mắt ngưỡng mộ kia sẽ chuyển thành khinh bỉ.
Sau khi liên hệ được với người nhà của người đang cần máu kia. Tôi ra giá một ngàn đô và họ muốn lấy bao nhiêu máu cũng được. Họ đồng ý ngay không có một chút do dự, còn cho xe đến đón tôi nữa.
Cuối cùng tôi cũng có đủ ba ngàn đô để làm phẫu thuật cho Đình Nhi. Số tiền còn lại để cho anh Long đi xóa vết sẹo trên mặt. Chờ cho cả hai bình phục hoàn toàn, tôi nhờ anh Long đưa Đình Nhi về nước, để con bé được trở lại với cuộc sống yên bình vốn có của nó.
Còn tôi quyết định ở lại Mỹ, bắt đầu một cuộc sống mới của riêng tôi. Những gì tôi nợ hai anh em Đình Phong đều đã trả xong. Vậy thì những yêu dấu, những tổn thương, những hiểu lầm, những lời nói dối trong quá khứ hãy quên hết đi.
Nguyên Ân của hôm nay đã không còn là Nguyên Ân của hôm qua, sẽ không tỏ ra yếu đuối trước mặt người con trai có tên Đình Phong, sẽ không dại dột ngồi chờ đợi một người không thuộc về mình, sẽ không để bản thân phải chịu thêm bất kì tổn thương nào nữa.
Đình Phong... tạm biệt! Có lẽ ngay từ đầu hai chúng ta đã không thuộc về nhau.