"Chú. Hình như cu Bí lậm yêu đương rồi."
Trong lúc ăn, Quốc rất ít khi nói chuyện, nên hôm nay nghe cu cậu mở miệng ra khiến Hanh hơi bất ngờ. Anh chọc chọc đũa vào bát cơm, nhớ lại gương mặt của cu Bí, gật gật đầu.
"Mặt nó có tướng đào hoa, yêu sớm cũng là chuyện thường."
Nhìn chung tổng thể gương mặt Bí thì không nổi bật lắm, nhưng đôi mắt nó đẹp, hẹp và dài, đuôi mắt trũng xuống nhìn cứ buồn buồn, thả vào đám người thường dân thì sáng hơn hẳn, nhưng cũng không phải sáng chói như đôi mắt cáo. Nhưng giữa đám con trai mặt sắc nghiêm nghị thì đúng là đáng chú ý hơn thật.
Quốc nghe Hanh nói thế, đôi mắt của cậu không nhịn được liền nhìn vào mắt Hanh lâu hơn.
"Cháu thấy mặt chú còn đào hoa hơn cái mặt nó nhiều."
Mắt của Hanh cũng dài, nhưng to hơn. Quốc từng nghe mẹ mình bảo mắt của anh là mắt phượng, rất đẹp, cũng rất thu hút. Quốc nghe thế liền tự cảm nhận Hanh đúng là người thanh cao, tựa con Phượng hoàng trong truyền thuyết cổ Trung Hoa, cao sang diễm lệ không gì bì nổi.
"Mẹ cháu bảo mắt của chú là mắt phượng, đẹp lắm luôn."
Hanh phì cười. Anh gõ đũa lên bát canh cá nấu chuối, bảo.
"Nếu mặt cháu là cái mâm này thì bát canh cá chính là mắt của cháu."
Bát canh cá chiếm diện tích hơn nửa cái mâm.
Quốc bĩu môi.
"Mắt to chẳng có gì tốt cả."
Hanh lại không cho là đúng.
"Mắt cháu không chỉ to mà còn sáng nữa đấy. Sáng như thể sao đêm, cứ lấp la lấp lánh, đẹp cực."
Chiều đến, loa trong làng oang oang vang lên tiếng thông báo của bác quản lý nhà văn hoá, nhắc đến chuyện đóng tiền điện tháng này. Quốc đang vặt nốt mấy quả dưa chuột còn sót lại trên giàn để mấy hôm sau chặt đi trồng cây mới, nghe thế thì vung tay làm nhanh hơn.
Bốn giờ chiều, gió từ ao nhà dì thổi lên, mát lắm.
Trên đê, mấy xe container lướt qua ầm ầm, thả lại phía sau khói bụi mù mịt. Sườn đê mọc nhiều cỏ dại, mấy đứa trẻ lớp năm lớp sáu thả bò cho chúng đi loanh quanh, còn bản thân túm lại thành nhóm chơi đuổi bắt. Có cô buôn chuối dắt chiếc xe đạp thấp tè tè với buồng chuối to bự phía sau yên xe từ trên đê đi xuống, cô đi chậm lắm.
Nắng chiều vẫn gắt, nhưng cũng đỡ hơn ban trưa nhiều.
Quốc lấy khăn lau sơ qua mồ hôi trên người rồi thay một chiếc áo mới sạch sẽ hơn. Cậu vào trong nhà cầm tiền mẹ đưa cho hồi sáng để vào đóng tiền điện. Tháng này dùng quạt nhiều nên chắc tiền điện sẽ tăng cao, mẹ Quốc cũng đưa cho nhiều hơn.
Hôm nay trời không quá nóng, buổi chiều đi cũng thoáng hơn. Quốc khoá cổng cẩn thận, cầm tiền qua nhà Hanh rủ anh đi đóng tiền điện cùng.
Quốc đứng ở cổng, định gọi với vào nhưng trong nhà lại vọng ra tiếng Hanh quát lên.
"Mẹ không thấy tội lỗi với bố à? Mẹ giấu ông ấy hai mươi ba năm, để ông ấy nuôi con của tình nhân của mẹ, và bây giờ mẹ vẫn còn nghĩ rằng mẹ làm đúng à?"
Quốc giật điếng người, nhanh chóng nép mình qua một bên.
"Phải. Con hỗn, con không phải là con của mẹ. Vâng. Mẹ nói gì cũng đúng hết."
Có lẽ do quá tức giận, Hanh quát lên một tiếng rất to sau đó.
"Đủ rồi. Chỉ bốn tháng nữa thôi, mẹ sẽ không còn nhìn thấy mặt con nữa đâu."
Bốn tháng nữa???
Thời gian ở cạnh Hanh vừa qua, đúng là Quốc chưa được nghe anh kể về gia đình. Hanh giấu nhẹm mái ấm của mình đi, không để cho bất kì ai biết bố mẹ anh là ai, trong nhà gồm bao nhiêu người. Từ ngoài nhìn vào, người ta chỉ thấy Hanh là một cậu ấm có tiền và rất dễ gần.
Quốc đoán sau cuộc nói chuyện vừa rồi, tâm trạng của Hanh sẽ rất tệ. Thế nên cậu rón rén bước từng bước nhẹ tênh rời khỏi, định bụng sẽ đi vào làng một mình.
Nhưng Hanh đã đi ra cổng từ lúc nào, nhìn Quốc thả nhẹ bước chân, gọi giật lại.
"Quốc ơi."
Giọng anh không còn gay gắt nữa mà trái lại còn rất thoải mái.
Quốc đứng sững lại rồi mới quay người nhìn anh.
Hanh hỏi.
"Đi đâu thế?"
"Cháu đi vào làng đóng tiền điện ạ."
"Thế đợi chú khoá cổng rồi mình cùng đi."
Hanh không có xe đạp. Cái con xe cao nghều nghều cổ lỗ sĩ kia là do người chủ cũ để lại trong nhà, Hanh nhìn thấy cũng khá vừa mắt nên để lại trưng bày trong góc tường phòng khách. Thật ra cái hôm Quốc mượn xe ấy, anh định bảo là không có xe đâu mà cho mượn. Nhưng nhìn mặt cu cậu rối quá, chắc là bất lực lắm, nên thôi anh đánh liều mang ra. Lúc cho mượn xong thì anh cũng lo chết đi được, sợ ngộ nhỡ đi đường cu cậu có ngã hay làm sao. May mà về nhà an toàn.
Hai chú cháu cuốc bộ vào làng. Bình thường thì Hanh sống khá xuề xoà, tóc lười không chải, râu lười không cạo, quần áo rộng thùng thình như cái vải bố vắt vội lên người, trông chán đời lắm. Hanh có bảo với Quốc rằng đấy là do anh quá chú tâm vào làm nhạc nên mới không để ý đến chuyện râu ria cốc tách. Sau khi viết được một bài hát là nhịp điệu cuộc sống của anh lại ngăn nắp trở lại liền.
Nên quãng thời gian ăn cơm chung với nhau, cu cậu thấy anh đúng là khác hẳn. Tuổi hai mươi lăm tưng bừng sức sống, người cao ráo đẹp trai năng động, da trắng ngà đẹp ơi là đẹp, tóc chải chuốt gọn gàng, cạo râu sạch sẽ, mặc cái quần jean với áo phông cộc tay là thôi khỏi phải chê.
Để chứng minh cho chuyện đó thì Quốc đã đếm.
Đếm số người quay đầu lại nhìn Hanh từ nãy tới giờ.
Hơi bị nhiều luôn nhé.
Cu cậu cảm thấy mình được hưởng thụ sự đẹp trai ké. Mắt Quốc híp híp lại đầy thoả mãn.
Hanh vươn tay vò lên mái đầu tròn, anh hỏi.
"Nãy nghe thấy rồi à?"
Quốc quay sang nhìn anh. Gương mặt của Hanh vẫn rất tươi tắn, không thấy gì là buồn rầu cả. Quốc đánh bạo gật đầu.
Hanh chẹp miệng một cái, nhìn về phía đám nhỏ đang chơi ô ăn quan đằng xa.
"Chuyện gia đình của chú phức tạp lắm. Cháu còn nhỏ, vẫn là không nên biết. Nhưng nếu cháu muốn nghe thì chú sẽ kể cho cháu nghe."
Hanh nói rất dịu dàng, nhưng Quốc nghe ra được sự buồn rầu ở trong đó. Hanh bảo là Quốc còn nhỏ, thế nhưng liên kết với cuộc hội thoại kia thì mọi chuyện không hay vỡ lở khi người nào đó hai mươi ba tuổi. Nếu người đó là Hanh, vậy thì tuổi tác chênh lệch với Quốc cũng không nhiều lắm, nhưng ở tuổi đó anh đã phải đối mặt với nó rồi.
Nhưng chắc gì Hanh đã là nhân vật chính. Quốc nghĩ thế.
Nên cậu lắc đầu.
"Nếu chú thấy khó khăn quá thì chú không cần phải nói ra đâu."
Hanh cười cười, ừ một tiếng như đã biết.
Nhà văn hoá của thôn tương đối rộng rãi, tường được sơn màu vàng nhạt đầy cổ điển. Đặc trưng nhất chính là chiếc cầu thang ngoài trời hình xoắn ốc siêu sáng tạo khiến dân làng khác cứ nhìn nhà văn hoá làng của Quốc mà ghen tỵ mãi thôi.
Từ cổng đi vào sân nhà văn hoá là làm thành một cây cầu, hai bên được đào lên xây ao súng. Mùa hè, hoa súng nở tím hết cả hai bên ao.
Quốc chỉ vào mấy bông súng, cười cười giới thiệu.
"Bên cạnh cái cầu thang xoắn ốc thì hai ao súng này chỉ làng cháu mới có thôi, mấy làng xung quanh trong xã không có đâu."
Làng của Quốc cứ phải gọi là nghèo rớt mồng tơi, khéo nói nghèo nhất trong xã thì cũng không có ai phản đối. Thế mà công trình đặc trưng của ngôi làng nhỏ cứ khiến làng hàng xóm phải thòm thèm suốt bao nhiêu năm. Ông bà tổ tiên của làng cũng tâm huyết với làng quá rồi.
Tháng chín, hoa bằng lăng đã héo úa qua mùa. Quốc chỉ hai bên cổng nhà văn hoá có hai cây bằng lăng cao ơi là cao, bảo.
"Hồi xưa bọn cháu hay vặt quả bằng lăng để ném nhau. Tuy đau lắm, nhưng vui cực."
Cuộc sống của mấy đứa trẻ vùng thôn quê thật bình dị và đặc sắc. Chúng chẳng bao giờ thiếu thứ để chơi. Từ ném quả bằng lăng rồi đến chơi ô ăn quan, lúc thì trộm ngô trộm khoai, khi thì đào giun bắt dế, bữa thì chăn bò lội ao, hôm thì đuổi vịt chọc chó. Chúng lớn lên như thế, đơn thuần và hồn nhiên hơn bất cứ ai.
Hanh nhớ tuổi thơ của mình lớn lên với những món đồ chơi bằng nhựa, tiếng cười đùa nhạt nhẽo phát ra từ hoạt hình trên máy tính, hay những lần cắp sách vở tới lớp quốc tế học ngoại ngữ. Cuộc sống ấy của Hanh tốt thì đúng là có tốt thật, thậm chí còn được bao nhiêu người khác thèm muốn, nhưng Hanh cảm thấy nó vô vị quá.
Cứ như những đứa trẻ này, thoải mái tự do bay nhảy, tự do làm loạn, thế không phải là tốt hơn sao?
Quốc mải mê giới thiệu, lúc nhìn lại hồ súng thì phát hiện được điều thú vị lắm.
"A. Hoa sen kìa chú ơi."
Hồ súng nở tím lịm, hương thơm hăng hắc lại dịu dàng phảng phất dưới nắng chiều. Mấy tấm lá tròn tròn xanh ngát che chở cho một đoá hoa sen trắng ngóc đầu lên khỏi mặt nước trong, e ấp nở được ba bốn cánh.
"Cháu vặt trộm súng ở đây từ bé tới lớn, thế mà bây giờ mới biết trong hồ có cả hoa sen."
Quốc hào hứng lắm, ngắm nghía bông hoa ấy mãi thôi. Hanh tựa người vào lan can của cây cầu, khoé miệng cong cong lên, bảo.
"Đoá sen trắng ấy giống cháu lắm. Đơn thuần và trong sáng."
Quốc không đồng ý.
"Giống chú chứ. Cao sang và thanh lịch."
"Giống cháu."
"Giống chú."
Chẳng biết là giống ai, chỉ biết trong hồ hoa súng có nở rộ một đoá hoa sen.
Một đoá sen trắng.
Nơi thu tiền điện là phòng họp nhà văn hoá. Từ lúc Hanh đặt chân đến cổng là hai cô thu ngân đã ló đầu ra nhìn rồi. Người ta trẻ trung cao ráo sáng sủa như thế cơ mà. Hai cô đây cũng mới xấp xỉ ba mươi thôi, tán tỉnh vẫn được, nhỉ?
"Tên gì nào?"
Quốc đóng tiền điện xong, đã đứng sang một bên cạnh lối ra vào để chờ Hanh.
"Thái Hanh ạ."
"Tên đẹp quá. Thế đã có bạn gái chưa?"
Quốc nghe thế, trừng trừng mắt nhìn qua. Ủa đang đóng tiền điện hay đi xem mắt vậy?
"Dạ có rồi."
Hanh cười cười đáp lại. Quốc có thấy rõ ràng hai cô thu ngân xì mặt xuống đấy nhé.
"Có bạn gái thì có bạn gái. Nếu chú thấy bạn gái chú không tốt hoặc cô ta làm gì có lỗi với chú thì cứ tìm đến chị. Chị thề là chị sẽ làm chú hạnh phúc. Này nhé chị là cô gái dịu dàng ngoan hiền có tiếng trong xã đấy."
Quốc rất chi là nghi ngờ cô thu ngân này có vấn đề. Nói thế khác nào hy vọng cuộc tình của người ta gặp chuyện đâu.
Lúc đưa hoá đơn đóng tiền cho Hanh, cô thu ngân nọ còn cố ý nháy mắt với anh một cái. Hanh không duy trì nổi nụ cười nữa, mím môi cầm lấy rồi nhanh chân chạy ra khỏi phòng.
Quốc dự là mấy ngày sau sẽ có nhiều cô gái trong làng chạy xuống ngõ nhà mình cho mà xem.
Nghĩ thế, Quốc sầm sì mặt mày, bĩu bĩu môi.
Buổi tối, lúc giặt xong chậu quần áo là Quốc được phép lên giường nghỉ ngơi. Nhưng sau khi phát hiện cu Bí đâm đầu vào yêu đương mà cố gắng học tập, Quốc cũng cảm thấy bản thân nên thay đổi một cái gì đó. Cậu nhìn chồng sách giáo khoa mới tinh sau một tháng học ở trên bàn, cắn cắn môi nghĩ ngợi.
Hay là mình cũng học nhỉ?
Trong người mấy đứa mới lớn thường có tồn tại một cái gọi là lòng hiếu thắng. Nhìn thấy bạn bè mình giỏi hơn mình thì một là sẽ cảm thấy tự ti, hai là sẽ cảm thấy mình cần cố gắng hơn nữa để ít nhất phải đứng cùng vị trí với nó. Tuổi trẻ bồng bột, nhất định không chịu đứng dưới một ai hết.
Bí cố gắng học tập, Quốc cũng muốn học tập theo nó.
Nghĩ thế, Quốc ngồi vào bàn học, lật sách giáo khoa với vở ghi môn toán ra.
Điện tắt cái phụt.
Xung quanh tối om om.
Mất điện rồi.
Quốc ngẩn cả người.
Này là ông trời không cho Quốc có cơ hội chăm chỉ chứ không phải cậu lười học bài đâu đấy nhé.