Quốc ngơ ngác hỏi lại.
"Cho cháu á?"
"Ừ. Cho cháu."
Hanh gật đầu, cúi người túm lấy vạt áo của Quốc.
"Áo bị rách này, cần phải thay rồi."
Nào chỉ có rách. Áo của Quốc đã cũ lắm rồi, sờn vải sờn cả màu, còn lẫn đất cát ố hết cả, dưới vạt áo bị rách hai lỗ to, chắc là mắc vào cành cây hay mảnh kim loại.
Quốc nhìn thử, trong mắt cậu thì nó vẫn còn dùng tốt lắm.
"Có sao đâu chú? Cháu dùng nó khéo phải được thêm vài năm nữa."
Hanh cười cười, lắc đầu một cái. Anh túm tay cậu nhóc giơ lên, chọc tay vào lỗ thủng dưới nách áo của cu cậu, ngoáy ngoáy vài nhát khiến Quốc co rúm người lại như con sâu, vừa tránh đi vừa cười sặc sụa.
"Chú kì quá đi."
Hanh quay sang anh chủ quán, đưa tiền rồi nhận áo về. Anh xách đồ trên tay, một tay còn lại kéo Quốc sang quầy bán đồ nam khác.
Hanh cũng lựa cho mình hai cái áo mới, mua thêm vài ba cái quần đùi. Đồ đông bây giờ chưa bày bán, chứ không anh cũng muốn mua vài chiếc phòng trừ trời bất chợt đổ lạnh.
Quốc chỉ mang mấy đồng bạc lẻ, nếu không thì cậu cũng muốn mua cho bố mẹ cái áo cái quần mới.
Quốc nghía qua chỗ bán đồ ăn tươi, lựa một con cá chép to, bảo Hanh mua về kho tương, ăn được lâu. Hanh bảo kho thì tốn ga lắm, Quốc lại bảo kho bếp củi, hơi lâu một tí nhưng ngon hơn kho bếp ga nhiều.
Hai chú cháu mua con cá to với dăm ba cọng rau đem về. Hanh không biết làm thịt cá nên để Quốc lọc vẩy cắt miếng, còn lại nêm nếm là phần Hanh. Hai chú cháu lại lúi húi bắc nồi lên bếp củi, người cầm quạt thổi gió, người châm lửa bén củi.
Chốc lát sau, khói bốc lên xám xịt cả một góc bếp.
Quốc quệt tay nhọ nhem đen sì vào quần cho bớt bẩn, đứng dậy rút thêm ít củi khô. Hanh móc từ trong góc bếp ra mấy củ khoai tây bé như ngón tay thả vào trong đống lửa để lát ăn tạm, phòng trừ khi đói.
Trưa hôm đó, mẹ Quốc đột nhiên về sớm. Hanh mời bà sang ăn cơm cùng cho vui. Thế là bữa trưa với nồi cá kho diễn ra hết sức vui vẻ.
Chiều chiều, Quốc với mẹ ra đồng vạc bờ. Mẹ tay cầm cuốc con tay cầm liềm, hai người mỗi người một đầu bờ, người nào làm việc người nấy.
Bão chuẩn bị về tới nơi rồi nên cũng có nhiều người ra đồng tháo nước, phòng trừ trường hợp mưa to quá mà vỡ bờ thì chết dở. Mây dông đã thấp thoáng thấy bóng đằng xa. Quốc khoắng tay làm nhanh hơn để hai mẹ con về cho sớm.
Ruộng nhà Quốc được chia ngay sát đường liên thôn. Lúc Quốc ngẩng đầu lên thì tự nhiên thấy cu Bí từ đâu về, phía sau còn có cả Minh xăm trổ.
Đám của Quốc coi gã như anh em cũng được một thời gian rồi. Dù sao thì bốn đứa cũng ngồi một góc, quay lên quay xuống là thấy mặt nhau, lại cùng trải qua cái vụ đánh đấm chết tiệt lúc mới vào nên tự nhiên có hảo cảm hẳn. Cu Bí cũng không cảm thấy Minh xăm trổ có mối đe doạ nào đến tính mạng của bản thân mình, thế là nó buông xuống lòng cảnh giác, tự nhiên thân thiện kết bạn.
Từ làng của Quốc tới chỗ nhà của Minh xăm trổ hơi xa. Gã nói tên địa chỉ cho tụi Quốc biết, mà ba đứa nhìn nhau ngơ ngác không nói tiếng nào, hiển nhiên không rõ chỗ đó là chốn thần tiên nơi nao. Minh xăm trổ nói là từ nhà gã lên trường cũng mất ba chục phút đạp xe.
Vậy cũng coi như nhà của gã với làng của tụi nó cách nhau không gần tí nào.
Thế mà sắp mưa bão tới nơi rồi lại nhìn thấy cái mặt gã chình ình ở đây.
"Ê. Đi đâu đấy?"
Quốc ngừng tay, ngẩng đầu lên hỏi hai đứa nó. Cậu đội cái mũ cối xanh cũ kĩ của bố, đầu có cảm giác hơi nặng, lúc ngẩng lên có hơi khó khăn.
Minh xăm trổ giơ tay lên chào Quốc. Gã dắt bên tay một cái xe máy cũ, có lẽ là bị hỏng ở đâu đó.
"Xe nó hỏng, nó biết mình ở đây nên có hỏi người gọi tao ra. Thế là tao dắt nó về."
Thân nhau rồi là không còn "cậu ơi" "bạn hỡi" nữa, tất cả cứ "mày tao" cho thân thiện. Trích lời từ cu Bin.
Minh xăm trổ chỉ đám mây đen kịt dần tiến về phía này, gã bảo.
"Sắp mưa tới nơi rồi, sửa xe cũng lâu. Nên tao định vào nhà Bí ké một hai hôm."
"Thế bố mẹ mày cũng cho à?"
"Ông bà ấy không quản đâu."
Quốc biết Minh xăm trổ có điện thoại, lại còn là đời mới. Cái tướng tá dữ dằn của gã được trọng dụng lắm, hiện tại gã đang làm thêm ở một quán net, chuyên tính tiền cho đám học sinh vào chơi điện tử. Từ lúc gã vào làm là ít người quỵt tiền lắm, bởi trông gã hung dữ chết đi được, như thể chuẩn bị lao vào đánh nhau ấy. Ông chủ thấy thế thì mến gã lắm, thi thoảng còn cho gã thêm tiền cơ.
Tụi nó cũng có lần nghe gã kể phong phanh về gia đình. Thì vì một vài lí do nào đó mà bố mẹ gã ghét gã lắm, mấy lần còn đuổi gã ra khỏi nhà, mắng mỏ nhiều lần nhưng cái mặt của gã cứ sưng sỉa lên, nhiều rồi chán không quản nữa, để gã tự sinh tự diệt, rồi họ có đứa con gái mới. Đứa bé năm nay hơn một tuổi, gã không ghét con bé, nhưng không quan tâm nhiều, vì bố mẹ gã không cho.
Giống như là thật sự bỏ rơi đứa con trai này rồi.
Điều duy nhất họ còn duy trì được đó là cho gã một căn phòng để ở. Còn lại tiền học là gã tự kiếm, ăn uống gã cũng đi ra ngoài. Căn nhà ấy giống như là một phòng để thuê trọ miễn phí thì hơn.
Bí có hỏi mấy lần, nhưng Minh xăm trổ không nói lí do vì sao gã và gia đình trở mặt.
Gió thổi mạnh từ sáng, giờ càng lúc thổi càng lớn hơn. Bí với Minh xăm trổ dắt nhau vào làng mất hút. Quốc và mẹ đắp lại cái bờ rồi cũng vội vã đi về.
Bố của Quốc vừa hay về nhà kịp lúc trước khi cơn mưa ào ào đổ xuống.
Nhà của Quốc là nhà mái tôn, lúc mưa dội xuống đập vào mái phát ra âm thanh vừa to lại vừa chói tai. Cũng may họ ở đã quen, chứ mấy hôm đầu dọn ra thì đinh hết cả đầu, đêm mưa là xác định không ngủ được.
Đài có báo là cơn bão chỉ đi qua vùng bên cạnh thôi, sẽ không tác động đến vùng này nhiều, nhưng chẳng rõ là làm sao mà đến gần sáng thời tiết thay đổi chóng mặt, mưa càng lúc càng to, sấm sét đánh rất dữ dội.
Trời càng lúc càng xấu.
Thanh thiếu niên tuổi của Quốc giỏi nhất là ngủ, thế mà vẫn bị mưa gió gào thét gọi cho tỉnh. Gió giật quá mạnh, mép tôn chốc chốc lại có cơn gió lùa vào bẩy lên ầm ầm như muốn gảy tung cả mái nhà. Qua khung cửa sổ, Quốc nhìn thấy chớp rạch sáng rạng cả bầu trời như giữa ban trưa, cây cối đổ ngang đổ ngửa xiêu xiêu vẹo vẹo. Loáng thoáng còn nghe thấy đàn chó kêu ầm lên vì sấm chớp, còn gà như muốn toán loạn lên vì mưa hắt ướt chuồng.
Tiếng mưa rơi quá đỗi nhức đầu khiến Quốc lo đến không dám ngủ. Mưa giông chớp giật như thế, hẳn là điện đã bị cắt rồi.
Chớp loé lên mấy giây rồi lặng đi, bầu trời chưa kịp tối thì lại có chớp khác nháy mắt bừng sáng. Thế rồi tiếng nổ của sấm to đến mức Quốc phải rụt người vội vã vào trong cái chăn mỏng. Cả nhà cả giường như rung lên vì quả sấm to quá.
Trên bầu trời nhùng nhằng chớp như mấy luồng điện hở bị chập, trông sợ khiếp.
Càng lúc Quốc càng cảm thấy không ổn.
Mái tôn có vài chỗ đã bắt đầu bị dột. Quốc nghe thấy tiếng nước rơi từ trên nóc nhà xuống gối của mình, hai ba giây lại tạch một cái. Cậu ngóc đầu ra khỏi chăn, vừa hay giọt nước rơi cái tõm trúng vào má, ướt nhẹp.
Mưa không có dấu hiệu dừng lại, thậm chí càng lúc càng to hơn. Sấm chớp đánh liên miên không dứt, cây ổi vì gió mà quẹt ầm ầm vào mái tôn, nghe tiếng có hơi rợn rợn. Mẹ của Quốc lo ngay ngáy không ngủ được, gọi ới từ ngoài phòng khách.
"Quốc ơi. Ra đây với mẹ."
Vì để tiết kiệm nên bố của Quốc chỉ xây một phòng ngủ cho con trai, còn hai ông bà đặt giường ngoài phòng khách ngủ luôn cho tiện. Quốc xốc màn, cầm cái gối chạy ra nằm xuống bên cạnh mẹ. Mẹ xoa lưng xoa đầu cho cậu, rầm rầm rì rì bảo.
"Mưa to quá. Thế này rồi không biết có bật cả mái lên không."
Quốc nghe thấy bố nói.
"Bật lên thì thôi chứ biết sao bây giờ."
Nhà của Quốc cũng từng bị bật mái một lần, hôm đó cũng gió bão to y như thế này. Bố Quốc phải bỏ ra gần một triệu bạc để tu sửa lại.
Mẹ Quốc vỗ nhẹ lên người cậu như ru ngủ, nhưng Quốc biết bà đang lo lắng lắm. Bà không ngồi yên được, chốc thì duỗi tay chốc thì duỗi chân. Không chỉ bà, đến cả bố lẫn Quốc đều không thể chợp mắt nổi.
Quốc nghĩ, không biết nhà hàng xóm ra sao rồi.
Quốc còn chưa nghĩ xong, một trận gió thổi tới, đùng một cái bật luôn cả mảng tôn to bự trong phòng Quốc lên. Cả ba người cùng bật dậy chạy vào ngó.
Phòng của Quốc có đặt một cái tủ quần áo to đựng cho cả nhà nằm đối diện với giường của Quốc. Mái tôn bị lật ngay trên đầu cái tủ.
Mẹ Quốc đập tay cậu.
"Quốc. Vào gấp gọn giường với dọn sách vở cẩn thận kẻo ướt."
"Vâng."
Quốc thu dọn sơ qua cái giường, tháo màn gấp chăn rồi lôi ra phòng khách, rồi lại chạy vào dọn sách vở trên bàn vào một cái tủ con trong góc.
Ba người nhìn mưa dội vào nhà qua chỗ tôn bị lật, thở dài.
Quốc cùng bố mẹ thức nghe mưa tuôn gió thổi từ hai giờ tới sáng hôm sau.
Mưa vẫn chưa dứt nhưng đã đỡ hơn ban đêm nhiều rồi. Dưới mắt của Quốc xuất hiện quầng thâm nhàn nhạt.
Cây ổi dai như thế mà cũng bị quật cho gãy mấy cành, lá sưa lá ổi lá mít rụng đầy trên sân. Mấy con chó nằm trong chuồng nhìn ra, không kêu nữa. Chuồng gà không ngập, nhưng vườn ngoài chuồng thì ngập như ao.
Quốc đội nón của mẹ chạy xuống cuối vườn xem mấy cây hoa loa kèn mới trồng được một tháng. Cây hoa bị vùi dập thảm thương, bên cạnh là rau cải, cây cà chua, rau muống rồi xà lách cũng tan hoang tơi bời hết cả. Quốc suy sụp lắm, ngồi ngẩn người nhìn vườn rau tanh bành.
Bố của Quốc gọi thợ tới sửa mái nhà. Thợ gồm hai người, là anh em họ của Quốc cả, chỗ quen biết nên họ cũng sẽ làm tận tâm hơn.
Hai anh sửa này sửa nọ mất đâu cả tiếng đồng hồ. Quốc với mẹ dọn sơ qua cái sân với cho gà cho chó ăn. Bố của Quốc thì cầm con dao to phạt bớt cành ổi cho gọn gàng lại.
Đến chiều thì mưa dứt, trời vẫn âm u nhưng khó có khả năng mưa lại lắm. Hôm nay bão quá nên trường học cho học sinh nghỉ hai ngày. Mất cả trưa để dọn lại cái nhà nên Quốc cảm thấy hơi mệt.
Hai ông bà đã vào làng để xem xem nhà cũ của họ có làm sao không, tiện thì thăm nom họ hàng luôn.
Quốc ngồi ngơ ngác ngoài hiên được một lúc thì Hanh cũng sang.
"Sao trông rầu rĩ thế?"
Hanh ngồi xuống cạnh Quốc, vươn tay xoa đầu cu cậu. Cu cậu thở dài, nói.
"Đài báo dỏm quá chú ạ. Họ nói là bão không về chỗ mình đâu, thế mà nó đâm thẳng vào chỗ mình luôn ấy chứ."
Trong làng cũng rầm rộ chuyện này lắm. Đài địa phương báo là bão không ảnh hưởng quá nhiều nên dân làng không chuẩn bị kĩ. Nhiều ruộng bị vỡ bờ, nước ngập lênh láng từ mương lên tận đường đi. Hoa màu cũng chung số phận, bị vùi dập không thương tiếc.
Mấy nhà ầm ầm kéo đến nhà ông trưởng thôn đòi làm loạn. Ông trưởng thôn rất bất đắc dĩ, lí giải rằng đài của xã báo thế chứ ông có báo đâu.
Mà đài của xã thì phát tin từ thành phố.
Người dân không hiểu, cũng không muốn hiểu. Cái họ muốn là lời giải thích và sự đền bù thiệt hại, nhưng không biết bắt đền ai nên chỉ có thể đổ dồn lên đầu người lãnh đạo của ngôi làng.
Sự nhầm lẫn của một số người đã khiến người dân vùng nghèo đói càng lúc càng nghèo đói hơn.
...
Lời của author: "Sự kiện bão trên kia thực sự xảy ra tại ngoại ô Hà Nội, ở quê của mình và với chính căn nhà của mình vào nhiều năm về trước. Thực sự lần đó người dân vô cùng bức xúc vì dự báo thời tiết thông báo sai hướng đi của bão, khiến thành phố nói chung và vùng quê của mình nói riêng bị thiệt hại rất rất nặng nề. Giờ nhớ lại vẫn thấy tức.
Nói thêm một chút thì bối cảnh của fic được lấy nguyên mẫu từ quê của mình. Từ nhà mình tới nhà hàng xóm rồi cả cái nhà văn hoá lẫn trường học. Mình dựa hoàn toàn vào đời sống thực để miêu tả, mong sao cho mọi người có cái nhìn gần gũi nhất với vùng ngoại ô Hà Nội mộc mạc và đơn sơ."