Hanh phát hiện ra rằng là dạo này Quốc bận bịu lắm. Bình thường, vào các buổi chiều, anh hay thấy cu cậu chạy lăng xăng trong vườn, lúc thì nhổ cỏ, lúc thì bắt sâu, thi thoảng lại cầm gậy đuổi chó đuổi gà vì chúng xổng chuồng. Có lắm lúc Hanh hứng lên muốn ngủ một giấc từ trưa tới tối luôn, mà nghe Quốc đứng bên sân nhà mắng chó sa sả, ngủ không được, thế là lại mò dậy chạy sang tìm cu cậu nói chuyện chơi.
Thế nhưng mấy buổi chiều gần đây, Hanh chẳng thấy bóng dáng Quốc lượn lờ bên kia hàng rào nữa. Anh hỏi thì cu cậu đáp là bà ngoại ốm rồi nên đi thăm nom.
Thời tiết dần chuyển vào thu. Mấy tán lá ngả vàng bắt đầu chấp nhận rời xa cây mẹ, lảo đảo lìa cành rơi xuống đất. Quốc nhìn vòm hoa giấy tung bay trong nắng vàng, thầm đếm từng ngày còn được ở bên bà ngoại.
"Quốc ơi."
Hanh bắc nồi cơm điện ra ngồi đợi một lúc mà không thấy cu cậu đâu, đứng dậy xỏ dép chạy ra sân gọi. Quốc mím mím môi, chuyển ánh mắt từ tán cây sang chú hàng xóm, đáp.
"Cháu sang đây."
Quốc cất mâm bát vào chạn xong thì bị Hanh kéo ra phòng khách. Anh dúi vào lòng cu cậu một cái cặp lồng, cậu sờ còn thấy ấm nóng hết cả tay. Quốc nhìn Hanh như muốn hỏi cái gì đây.
"Đây là canh tổ yến, chị của chú mua cho nhưng chú không dùng. Chú nấu cho bà của cháu, lát nhớ mang cho bà uống nhé."
Quốc tuy học không giỏi, nói toẹt ra là dốt lắm, nhưng vẫn biết cái thứ gọi là tổ yến nó đắt và quý cỡ nào. Cậu suýt thì hẫng tay làm đổ, run rẩy đẩy trả lại cho Hanh.
"Cái này quý quá, cháu không nhận đâu."
Hanh phì cười, cầm lấy tay Quốc đặt lên tay nắm cặp lồng, vỗ nhẹ lên trấn an tinh thần cậu nhỏ.
"Không phải cho cháu, là cho bà của cháu. Chú nói rồi, chú không dùng, để lâu sẽ hỏng. Cháu biết nó quý thì cũng nên biết tổ yến là thứ đại bổ, người lớn tuổi và người có sức khoẻ yếu thì dùng mới là hợp nhất."
Người không thông thạo chuyện đời cùng với tài ăn nói tồi tàn như Quốc hiển nhiên là bị Hanh thuyết phục trong một nốt nhạc. Cu cậu ngẩn người nhìn cặp lồng ấm áp thấm qua da thịt, trong lòng tự nhiên có thứ cảm giác ngưa ngứa trỗi dậy, cọ qua cọ lại trái tim bé bỏng. Quốc ngước đầu lên, trưng ra đôi mắt tròn xoe nhìn vào mặt Hanh, nhẹ nhàng đáp.
"Vậy cháu xin chú."
"Ừ, không có gì."
Trong trường của Quốc dạo gần đây du nhập mấy thứ khá là mới mẻ. Quốc nghe phong phanh từ chỗ đám con gái trong lớp về cái gọi là "tình yêu đồng tính". Sau một hồi được tụi nó phổ cập kiến thức cho, cu Bin ngồi ngu tại chỗ, ngơ ngác nói.
"Hoá ra mấy hôm nay tao bị bọn con gái ngó chòng chọc là vì chúng nó tưởng tao chơi bê đê với cu Quốc à?"
Vừa nói xong, khắp người cu Bin nổi lên từng trận da gà da vịt. Nó rùng mình, lấy tay xoa xoa lên vai, càm ràm bảo.
"Thèm vào mà chơi bê đê với nó. Tao có thể yêu đương với bất kì ai, ngoại trừ hai cái đứa này."
Sự ghét bỏ được ám chỉ đến là rõ ràng. Cu Bí giơ nắm đấm, gõ boong boong lên đầu Bin, miệng bắt đầu chửi.
"Thằng ***********. Mày tưởng mày ngon lắm chắc? Bố mới dí ****** thèm yêu đương với cái loại như mày nhé."
Mấy đứa con gái trong lớp nhìn Bin với Bí đánh nhau, cả đám cười vui vẻ lắm. Có vài đôi mắt còn híp lại trông đến là nguy hiểm, cứ như mấy cô nàng đã khám phá ra một điều gì đó hay ho. Quốc không rảnh để quản suy nghĩ của mấy nàng, xách cổ áo cu Bin kéo nó về chỗ. Minh xăm trổ nhìn chằm chằm tụi con gái, cũng vươn tay kéo tay cu Bí ngồi xuống.
Lớp trưởng của Quốc, tên Thanh, là một cô gái nhỏ nhẹ trong sáng, trong mắt mọi người thì nàng hiền như cục đất. Con bé cứ nhìn cu Bin với Quốc mà cười tủm tỉm. Cu Bin vùng vằng với Quốc xong, quay ra cửa lớp nhìn thì bắt gặp ngay ánh mắt của Thanh. Nó như bị đạp vào đuôi chuột, vội vã đứng bật dậy, vung tay lên chỉ chỉ cô bé.
"Cái bà lớp trưởng kia. Tôi cấm bà nghĩ lung tung đấy nhé."
Thanh bị giật mình, nụ cười trên mặt cô bé cứng đờ. Đám con gái thấy đồng đội bị doạ cho sợ, tức giận chạy tới đấm hội đồng cu Bin. Quốc không muốn bị lôi vào cuộc ẩu đả, đạp cu Bin rơi từ ghế xuống đất.
"Nó đùa tí mà ông làm như nó bắt ông phải chơi gay thật ấy. Đến là quá đáng."
"Đúng là đồ trai thẳng. Đường não trông chán chết đi được."
"Đánh đi chị em. Đánh cho nó tỉnh ra."
Cu Bin bị hội đồng, Quốc với Bí nhìn xem đến là vui vẻ.
Cô Thanh, giáo viên chủ nhiệm lớp Quốc, xách giáo án đi vào lớp sau khi tiếng trống trường vang lên. Ngay từ buổi đầu gặp mặt, cô đã nhí ngay con bé Thanh làm lớp trưởng, lí do thì là vì cùng tên với cô. Thế là để phân biệt sao cho dễ nhớ và dễ hình dung, hơn ba mươi mống lớp học cùng nhất trí gọi cô chủ nhiệm là Thanh lớn, còn lớp trưởng thì là Thanh bé.
Cô Thanh lớn cũng có tuổi rồi, dẫn dắt bao lứa học sinh, quậy có ngoan có, thế nên cũng bắt đầu tự giác không quản mấy chuyện lông gà vỏ tỏi với đám học trò của mình, kệ chúng nó muốn gọi sao thì gọi, không phản cảm là được.
Tiết này học như bình thường, nhưng cô Thanh lớn vẫn giành ra vài phút đầu giờ để phổ biến vài nội dung cho hoạt động chào đón ngày nhà giáo. Đám học trò mắt tròn mắt dẹt nhìn nhau. Mới tháng 10 mà sao đã chuẩn bị cho hoạt động của tháng 11 rồi???
"Có nhiều sự kiện phải chuẩn bị trước cả nửa năm ấy chứ, một tháng thì có là gì? Bàn sớm chóng còn tập luyện, học không tốt nhất trường thì ít ra thể dục cũng phải thuộc tầng lớp tiên phong. Bàn nhau đi, rồi xem xem diễn cái gì để báo lại cô."
Thế là những giờ ra chơi sau đó, đám trò nhỏ túm đầu tụm cổ lại hội ý xem nên trình diễn cái gì để gây ấn tượng. Khổ nỗi cái lớp có sáu đứa con gái, còn lại toàn đực rựa, đã thế còn học ngu, trông ngược trông xuôi đúng là chẳng được cái nước gì sất. Thanh bé thân là lớp trưởng, được phép toàn quyền quyết định chuyện văn nghệ vì cái lớp này quá lười bầu lớp phó, cô bé cắn cắn môi, đưa ra đề nghị.
"Hay là chúng ta hát nhé."
Chuyện văn nghệ văn hoá là cái chuyện mà đám học sinh lười tham gia nhất. Vừa mất thời gian vừa chẳng được đồng lương cắc bạc nào, giữa trời nắng vỡ đầu lại còn lọc cọc đạp xe tới nhà một đứa bạn nào đấy để vung tay vung chân xấu đau đớn, thật chẳng có gì thu hút. Cô bé vừa nói xong, cả đám đồng loạt xua tay phản đối.
"Lớp mình làm gì có ai hát được đâu."
"Thật. Lên hát Con cò bé bé cho cả trường nó cười vào mặt à?"
"Đúng thế. Giọng như vịt đực cả đám. Bỏ đi bỏ đi."
Thanh bé bị bác bỏ ý kiến, tự nhiên trong lòng thấy buồn buồn. Cô bé còng lưng xị mặt xuống, trông rõ là tủi. Cu Bin bình thường thần kinh thô như xơ mướp, thấy Thanh bé như thế, đầu nảy số thế nào tự nhiên lại dỏng mỏ lên hát.
"Ở nơi phương xa ấy, giờ em có biết không?
Trái tim anh lạnh lẽo cô đơn biết bao nhiêu.
.."
Hát đến là tởm.
Quốc đã chứng kiến cái giọng như bò rống của cu Bin, cũng đã đích thân thị phạm bao nhiêu lần nhưng bò rống cũng chỉ sửa được thành trâu rống, nghe không lọt tai được. Cậu vo tờ giấy nháp mà ban nãy xé vội ra để chùi mực trên tay thành một cục, nhét tọt vào mồm nó. Cu Bin bị nghẹn, ho sặc sụa, ú ớ rơi tọt từ trên ghế xuống đất.
Thanh bé nhìn thấy thế, bật cười.
Sau một buổi sáng thảo luận mà không đi đến được thống nhất cuối cùng, cả lớp quyết định giải tán, ngày mai lại nói tiếp.
Quốc đạp xe vào làng mua mấy quả cà chua với một cái bắp cải mang về cho Hanh nấu cơm. Lúc cậu đạp vào đầu ngõ liền thấy có người đứng thập thò trước cổng nhà hàng xóm. Đám chó bên nhà Quốc đang sủa ầm lên. Thấy Quốc đạp xe tới, người nọ len lén giả vờ đi lên dốc đê, chốc chốc lại quay xuống nhìn.
Quốc dựng xe ở cổng, nhìn theo bóng dáng người nọ mà nhíu mày.
Đó không phải bà Thùy, chuyên đi làm mối dạo à?
"Quốc về rồi hả cháu?"
Hanh đứng ở giữa sân từ lúc nào, trên tay cắp ba quả bưởi, vỏ vàng tươi. Bưởi diễn nên hái sớm rồi để khô vỏ trong vài tháng, lúc ăn sẽ ngọt nước và ngon hơn.
Quốc đưa cải bắp cho Hanh rồi về nhà cắm cơm cho đàn chó. Mấy ngày trước Hanh xin ở đâu về được hai bụi cây hoa loa kèn, đem đưa cho Quốc trồng. Cu cậu sung sướng cười suốt cả một ngày, hứa tới hứa lui với anh là sẽ chăm nó như chăm con ruột.
Buổi trưa không thích hợp để tưới cây nên Quốc chỉ ra vườn ngó một cái. Cây mới lạ đất, trông như đang héo dần đi. Cậu gẩy gẩy tán lá dài màu xanh, tỉ tê bảo với nó.
"Lớn nhanh và mạnh khoẻ nhé."
Đầu giờ chiều, Quốc lại lóc cóc đạp xe vào làng chơi với bà ngoại. Bà ốm thì ốm nhưng vẫn đứng lên đi lại được, chỉ là rất yếu, đứng cũng không được lâu, muốn đi phải có người dìu. Bác thứ của Quốc dìu bà đi vệ sinh xong, để bà ngồi ở dưới hiên hong nắng ấm. Bà nói là ở trong phòng ngột ngạt, muốn ra sân.
Nhà bác thứ là đông con cháu nhất, có ba người con trai, con cả với con hai đều lấy vợ rồi mỗi người đẻ được hai con. Bốn đứa cháu, hai trai hai gái, tuổi cũng xêm xêm nhau, nô đùa ríu rít ngoài sân. Cứ một lúc lại "cụ ơi nhìn cháu này", "cụ ơi cháu được kẹo". Cụ ơi cụ ơi cứ ầm cả lên, người trẻ thì thấy ồn, người già thì thấy vui. Quốc thấy bà ngoại cứ híp mắt, lâu lâu lại cười rộ lên.
Ở tuổi gần đất xa trời, nhìn con cháu nô đùa hạnh phúc, thế là cũng vui vẻ mà nhắm mắt được rồi.
Bốn đứa sóc nhỏ nô chán rồi thì quấn quanh chân cụ ngoại ngồi ăn kẹo. Trẻ nhỏ hay tranh giành nhau, an ổn ngồi được một lúc là lại bắt đầu "của em" với "của tao" ầm ĩ, còn vung tay vung chân đấm nhau bùm bụp. Bà ngoại khàn tiếng rồi, can không được, nhấc tay nhấc chân còn khó khăn, chỉ biết nhìn cháu mình nô đùa.
Quốc vung nắm tay, cốc cho mỗi đứa một cái vào đầu, gằn giọng.
"Còn đánh nhau là chú đuổi về đấy."
Đám sóc nhỏ bĩu môi với Quốc, lại ê ê a a tranh nhau.
Đưa bà ngoại vào giường nằm, đợi bà ngủ rồi Quốc mới dám đi về.
Vẫn như ban sáng, vừa đạp xe vào đầu ngõ là Quốc đã thấy thấp thoáng bóng bà Thùy trước cổng nhà Hanh. Thậm chí, chú hàng xóm còn đang nói chuyện với bà ấy.
Quốc khó hiểu đạp xe về, lúc đi qua thì va phải ánh mắt của Hanh. Anh nhìn Quốc, cười một cái. Cậu xì một tiếng, bĩu môi. Cười đẹp thế cho ai nhòm?
Cu cậu đủng đỉnh mở cổng dắt xe vào sân.
Lúc cắm cơm làm cơm cho gà ăn rồi quét sân quét xướng xong xuôi thì Quốc vẫn thấy hai người đứng nói chuyện bên cổng, ríu ra ríu rít cười vui vẻ lắm. Quốc ngứa mắt chết đi được, giậm chân đùng đùng đi mở cổng chuồng chó thả một con ra.
Chó thấy người lạ đứng ở ngay bên kia đường, thế là vọt thẳng ra cổng, đứng dưới giàn hoa giấy sủa gâu gâu. Bà Thùy bị doạ giật mình, nụ cười cứng đờ trên môi.
"Cái nhà kia vô duyên thật đấy. Tự nhiên thả chó ra làm gì?"
Hanh không biết lí do Quốc thả chó, chỉ nhàn nhạt đáp.
"Chắc là xổng chuồng ấy mà. À cũng muộn rồi, chị về đi nhé."
Mối làm ăn sắp nắm được trong tay khiến bà tâm trạng bà Thùy rất tốt. Bà gật gật đầu, vẫy tay với Hanh.
"Vậy tôi đi trước. Cậu nhớ cân nhắc cô Nga mà tôi nói nhé. Hiếm người nào mà được cô ấy để ý lắm. Cậu may mắn ghê đó."
Hanh đứng bên cổng, nhìn bóng bà Thùy hoà dần vào chiều tà đỏ lựng, buồn bực thở dài. Người phụ nữ này đột nhiên bắt chuyện với anh, kể về một cô gái nào đó tên Nga mà anh chẳng quen biết, nói ti tỉ những điều tốt đẹp về cô ấy cho anh nghe. Nào nhà giàu, đang là giáo viên, ngoan hiền, có tri thức học vấn tốt, lại đảm đang, khuôn mặt xinh nghiêng nước nghiêng thành, vân vân và mây mây. Anh nghe muốn thủng cả não, rốt cuộc vẫn không biết là bà ấy muốn ám chỉ điều gì.
Mà nghe xong câu nói cuối cùng kia thì anh hiểu rồi.
Ra là gia đình nhà cô Nga nọ muốn gán ghép con gái với anh đấy à?
Đến là phiền.
"Con mất nết. Ai cho mày chạy ra? Đi vào chuồng không là tao sút vỡ a lô của mày đấy."
Hanh đang trầm tư thì nghe thấy đứa trẻ nhà hàng xóm đanh đá rống lên. Quốc cầm trên tay cái gậy nhỏ, bình bịch chạy ra như muốn đánh chó. Con chó nhìn thấy cái gậy thì rén lắm, ư ử kêu đến là tội nghiệp. Quốc cầm phần da gáy của nó kéo dần vào chuồng rồi nhốt chó lại.
"Hư không chịu nổi. Còn xổng ra nữa là mày liệu hồn với tao. Tưởng tao hiền mà láo à? Tao đánh đấy."
Hổ báo thế thôi chứ cu cậu chưa đánh chó bao giờ.
Hanh khoanh hai tay lại, đứng dựa bên tường nhà mình rồi nhìn vào sân nhà bên cạnh, cười cười.
"Chó nhà cháu hư thật đấy."
Quốc quay ra, hứ một tiếng với anh, trên mặt viết rõ hai chữ "khó ở".
"Chú cũng hư."
Hanh nghe thấy cu cậu bảo thế.
"Ồ. Chú hư chỗ nào?"
Quốc cũng chẳng biết sao mình lại nói hàng xóm nhà mình hư, miệng giật giật, bật thốt lên.
"Cháu bảo chú hư thì chính là chú hư."
"Ừ. Chú hư quá."
Hanh cười, đáp.
_________________________________
Lời từ author: Chương này toi chưa beta lại nên nếu thấy lỗi sai chính tả thì báo toi nhó.