Lúc Quốc tỉnh dậy thì thấy mình đang nằm dài trên ghế sofa, bên cạnh còn có cái quạt phả gió vừa tầm.
Mặc dù đã được chườm lạnh nhưng hai bên má vẫn âm ẩm đau nhức. Quốc không nghĩ là sức lực của một người phụ nữ khi nổi giận lại có thể lớn được đến như vậy. Hồi còn nhỏ quen thói trộm xoài vặt khế, cậu bị cả bố lẫn mẹ lôi ra đánh toè mông, đau thì đau nhưng không chấn kinh được đến mức độ này. Thậm chí, ngay khi vừa ăn hai cái tát, Quốc còn nếm được vị máu tanh nhàn nhạt trong miệng.
Bà Tình tát muốn méo cả hàm răng.
"Tỉnh rồi đấy à? Uống sữa không chú lấy cho?"
Hanh đi từ trong phòng ra, trên tay còn cầm theo cái điện thoại, màn hình hiển thị khung trò chuyện với một ai đó. Quốc không được tiếp xúc nhiều với đồ điện tử thông minh, chỉ biết là Hanh đang nhắn tin, còn lại thì nhìn không hiểu.
"Dạ có ạ."
Hanh cất điện thoại vào túi quần, mở tủ lạnh lấy ra một chai sữa đậu này. Hanh thích uống sữa không đường, nhưng một lần vô tình bốc phải dây sữa đậu nành có đường, đem về rồi mới biết. Bỏ đi thì phí quá, thế là anh vẫy gọi đứa trẻ nhà hàng xóm qua cho nó xử lí hộ. Đứa trẻ ấy lớn lên trong nghèo đói, khéo khi cả tháng mới được hộp sữa mà uống, giờ tự nhiên được cho, sướng quá tu liền hai chai. Hanh thấy đôi mắt lấp lánh sáng ngời của đứa trẻ, mềm lòng như người cha già, tuần nào cũng vác về một lốc chất thành đống trong tủ lạnh để đứa trẻ ấy uống dần.
Hanh nghĩ, anh sắp thành gà mẹ mất rồi.
Hanh mở sẵn nắp chai rồi đưa cho Quốc. Cậu cầm lấy bằng hai tay, ghé môi đến tu một ngụm dài thật là dài, tu xong còn chẹp miệng sảng khoái như mấy ông lớn uống rượu.
Hanh xoa đầu Quốc.
"Không đau miệng à?"
"Có đau chứ ạ."
"Đâu há miệng ra chú xem xem má có bị thương không nào."
Quốc lui người vào trong để Hanh ngồi xuống, ngoan ngoãn há miệng thật to để chú nha sĩ tay mơ xem miệng. Hanh dùng flash điện thoại rọi vào, thấy má của cậu quả nhiên bị rách rồi, cả hai bên luôn. Thế này mà ăn đồ chua hay cay thì xót phải biết.
"Ồm áu ó ôi hông cú?"
Quốc vẫn há miệng, ngọng líu ngọng lô nói. Hanh phì cười, chọc chọc vào cái má đau của cu cậu.
"Nói tử tế nào. Chú nghe không hiểu."
Quốc nghe lời, ngậm miệng lại, chẹp chẹp nuốt nước bọt rồi mới nói.
"Cháu muốn hỏi là mồm cháu có hôi không chú?"
"Hôi lắm. Buổi tối nhớ chăm đánh răng lên nhé. Lớn đầu to đùng rồi mà vẫn bị sâu răng."
Quốc bĩu môi, âm thầm dỗi chú hàng xóm một phút. Cậu cũng giống như bao đứa trẻ khác, ngày còn nhỏ rất lười đánh răng, trốn được hôm nào là hay hôm ấy. Răng cứ thế sâu dần, tới năm lớp 8 được khám sức khoẻ ở trường cấp hai, bác sĩ bảo răng cháu sâu lắm rồi đó. Quốc có nói với mẹ, nhưng người nhà quê nào có quan tâm được nhiều đến thế, răng sâu thì cũng sâu rồi, họ không biết phải đưa con đi nha sĩ chữa.
Vài lần Quốc cũng bị đau răng, nhưng vẫn trong khả năng chịu được nên mặc kệ.
Hanh nhìn hai má của Quốc sưng phồng lên như vừa đi nhổ răng khôn, trông có chút đáng yêu, cười cười bảo.
"Tối về nói thế nào với bố mẹ đây?"
Quốc không coi điều này là vấn đề nghiêm trọng. Cậu đậy nắp chai nước, để lại trên bàn, còn mình thì tiếp tục nằm ườn ra sofa, buồn chán mở miệng.
"Thì nói thật thôi ạ. Cháu không làm gì sai nên cháu không phải giấu."
Hanh gật đầu, ngả lưng tựa lên thành ghế, như có như không mà đè lên bụng Quốc.
"Chú nghĩ mẹ cháu sẽ làm ầm lên đấy."
Đúng như Hanh nói. Mẹ của Quốc thấy con trai vô duyên vô cớ bị đánh, tức đến dựng ngược cả mái đầu lấm tấm bạc, đùng đùng dắt xe đèo con vào tận nhà bà Tình ở sâu tít trong con ngõ tối tăm giữa làng. Quốc yên lặng đứng một bên, trông ngoan như một bé cún nhỏ, lẳng lặng giương đôi mắt đáng thương với hai má đỏ chót sưng phồng lên nhìn vào trong. Mẹ Quốc nhìn thấy, đau lòng xót con đến khó chịu, hùng hùng hổ hổ gào tướng lên.
"Bà Tình đâu. Đi ra đây ngay cho tôi. Ai cho phép bà đánh con tôi sưng hết cả mặt nó lên thế kia hả?"
Bà Tình lù lù đi ra, hai người phụ nữ người ngoài cổng người trong sân mắng nhau um sùm. Hàng xóm xung quanh đứng ngó đầy đường, có người hỏi Quốc làm sao mà chửi nhau kinh thế. Quốc ấp úng kể lại, trông đến là đáng thương. Người trong làng chỉ chỉ trỏ trỏ, có người nóng tính còn trực tiếp nói lớn.
"Gớm cái bà Tình già đầu rồi mà còn cãi bướng. Con nhà người ta đang yên đang lành lại đánh đến sưng cả mặt thằng bé, giờ mẹ nó đến phân bua thì chối đây đẩy, còn bảo hiểu lầm. Hiểu lầm thì kệ bà, bà đánh nó là bà sai. Nhận lỗi xong xin lỗi một câu thì chết ai đâu. Đứng đây cãi nhau đến đêm à."
"Ông biết cái chó gì mà chõ mồm vào. Tôi mượn ông ở đây để giảng hoà à."
Bà Tình vẫn còn cãi bướng.
Người ta cũng biết tính bà Tình rồi, đã ngang như cua lại còn đanh đá, lúc nào cũng cho là mình đúng. Quốc chẳng thèm cái lời xin lỗi của bà ấy làm gì, cho bà ta bẽ mặt một bữa là đã đủ thoả mãn.
Lúc đi về, mẹ còn dừng lại ở quán tạp hoá mua cho Quốc hai hộp sữa chua. Quốc thích lắm, hihi haha cười suốt đường về. Đèn đường trong thôn không sáng mấy, nụ cười trong trẻo lẩn mình giữa màn đêm đen. Mẹ hỏi có cần mua gì thể đắp lên vết thương không, Quốc lắc đầu nói chú hàng xóm bảo ổn rồi.
Ăn cơm tối xong, Quốc xỏ đôi dép tổ ong vàng bị chó cắn nát bươm lạch bạch chạy sang chia cho chú hàng xóm một hộp sữa chua. Hanh nhìn chữ có đường in trên bao bì, dở khóc dở cười.
"Mẹ mua cho thì cứ giữ mà ăn, đem sang cho chú làm gì?"
"Chú lúc nào cũng bảo vệ cháu nên cháu đem biếu. Quà không lớn, tấm lòng lớn, hề hề."
Hanh bất đắc dĩ cười cười, đem quà của cu cậu tặng cất vào tủ lạnh, trưa mai đem ra cho cu cậu ăn. Quốc mải mê liếm nốt phần sữa chua bám đầy trên tấm vỏ mỏng, không hề hay biết tấm lòng của mình bị đem đi đâu rồi.
"À chú ơi. Sắp tới lớp cháu tổ chức diễn kịch mừng ngày nhà giáo, xong bọn nó tống cháu đi diễn chú ạ."
Quốc vừa ăn vừa lúng búng kể. Hanh ngoái đầu nhìn đứa nhỏ múc từng thìa sữa chua bé xíu bỏ vào miệng, chậm rãi nghiền ngẫm, sợ bị hết nhanh, anh cười cười.
"Sướng nhé. Được đứng trên sân khấu đó."
"Èo. Cháu không thích chút nào. Tự nhiên lại phải nhớ một đống thoại. Cháu ghét học thuộc lắm."
"Thế có biết là phân vai nào chưa?"
"Chưa ạ. Còn chưa có kịch bản luôn. Cháu cũng chẳng biết cái bọn dở hơi kia sẽ lựa ra một cái tiểu phẩm mất mặt nào nữa."
Kết quả là cả cái lớp lựa chọn một tiểu phẩm mà Quốc nhìn vào thật sự không thể ưa nổi.
"Chàng bán diêm bán giỏ giêm cho một nữ tỷ phú và hai người sống với nhau hạnh phúc đến cuối đời??? Đứa nào viết cái kịch bản ngớ ngẩn này vậy???"
Quốc nghe Thanh bé kể sơ sơ về kịch bản mà cả lớp chọn, cái đầu đau muốn toác ra. Thanh bé cắn cắn môi, ngại ngùng bảo.
"Không biết. Tôi lụm trên mạng."
"Bà lụm cái nào tử tế một chút chứ sao lại lụm cái dở hơi phi lí thế này???"
"Nhưng nó mới mà..."
Nếu Thanh bé không phải là con gái thì Quốc thật sự muốn chạy đến để sút tung nó ra khỏi lớp cho rồi. Quốc ủ rũ, chống tay lên trán bất lực thở dài.
Khó ở quá.
Muốn đi đấm người.
Sáng hôm nay, mẹ Quốc trộn bột mì lên với trứng để rán bánh. Bánh có hương thơm nhàn nhạt, vị trứng không quá đậm, nhưng ngon lắm. Có lẽ mẹ còn cho thêm thìa đường, ăn ngon ơi là ngon.
Mẹ biết con trai ngồi học cạnh đám bạn nên bà rán nguyên một túi bột để Quốc đem đi ăn với bạn bè. Lúc cậu lôi bọc bánh ra, Bí với Bin sáng quắc hết cả mắt lên, như con hổ đói nhào đến muốn cướp. Quốc cầm quyển sách đập cho mỗi đứa ba cái, gằn giọng.
"Trật tự. Để tao tức lên là chúng mày gặm nilon."
Từng đứa cầm bánh lên ăn. Minh xăm trổ cũng thó tay vào nhón lấy một cái ăn góp vui. Tay nghề của mẹ Quốc không phải dạng vừa, đứa nào ăn cũng muốn trào nước mắt, xúc động tới mức muốn bay về lắc lắc kêu bà làm thêm mẻ bánh nữa.
Tuổi mười lăm đang tuổi ăn tuổi lớn, chục cái bánh chẳng mấy mà hết veo. Bin mút ngón tay, muốn níu giữ lại chút hương vị thơm ngon cuối cùng, quay sang bạn cùng bàn, bảo.
"Mai mày bảo bác làm thêm nữa đi."
"Dở à? Nay mẹ tao được nghỉ nên mới làm thôi. Ngày mai đi làm lại."
Mấy hôm trước, mẹ của Quốc nghỉ làm bốc gạch. Bà nói rằng làm ở đó vất vả quá, lương thì bèo mà nghỉ thì ít. Thế là bà xin nghỉ luôn, quyết định về nhà làm tự do, ai có việc gì thì gọi. Tuy như vậy lương còn bèo bọt hơn, nhưng làm thoải mái hơn, ngày được nghỉ cũng dài hơn.
Thực ra là do Quốc khuyên mẹ nghỉ.
Quốc biết chân tay của bà bắt đầu không ổn rồi, nếu còn làm nụng quá sức như vậy thì sớm muộn cũng nhập viện thôi. Quốc xót lắm, tối đến nhân lúc bố mẹ ngồi uống nước thì nói lên ý kiến của mình. Ban đầu ông bà cũng không đồng ý, nếu nghỉ làm thì gánh nặng tiền bạc đè hết lên vai bố của Quốc, vất vả lại thêm nhân đôi.
Nhưng Quốc lại nói, cậu muốn đi làm.
Tất nhiên, ông bà phản đối vô cùng quyết liệt.
Chẳng có bố mẹ nào lại để con đi làm kiếm tiền nuôi gia đình trong khi con còn đang đi học cả. Ông bà lấy hết nước hết cái khuyên can, hứa rằng khi cậu học hết cấp ba rồi thì ông bà sẽ nghỉ bớt, cậu muốn làm gì cũng được. Nhưng Quốc vẫn nhất quyết muốn đi làm, còn thẳng thắn chỉ ra hôm trước mẹ cậu phải đi vào nhà thuốc để xin thuốc xoa bóp.
Con trai đã dần trưởng thành, đã bắt đầu đứng lên để tham gia gánh vác gia đình. Hai ông bà vừa mừng vừa lo. Cuối cùng, khi không thể xoay chuyển suy nghĩ của Quốc, ông bà đành nhường một bước, quyết định cho mẹ nghỉ làm, và Quốc nếu đi làm thêm phải chọn nghề tử tế và gần nhà.
Quốc có hỏi qua Minh xăm trổ. Gã nói vẫn đang tìm cho, bởi mấy việc gã tìm được thì toàn mấy việc không sạch sẽ, gã cảm thấy Quốc không nên làm nên không nhận. Gã bảo rằng sẽ cố gắng tìm nhanh hơn.
Quốc không vội, đáp ừ.