Cu Bin đang quạt lửa nhiệt tình cũng hóng hớt bỏ lửa mà chạy ra nhìn.
Hàng xóm cao ráo đẹp trai, hai tay vẫn đưa lên vung vẩy hòng xua đuổi đám khói khét mù đang lững thững bay vào nhà mình. Quốc chột dạ, chớp chớp mắt ngại ngần.
"Cháu... chúng cháu nướng khoai."
Người nọ có vẻ bất ngờ vì cách xưng hô của thằng nhỏ đang ngồi dựa vào tường bên kia. Anh gãi gãi cằm, chợt phát hiện ba ngày rồi chưa cạo râu. Sờ tay lên còn thấy lợn cợn cứng đến khó chịu.
"Giữa trưa sao lại đi nướng khoai hả?"
Hàng xóm mới cất giọng rất bất lực. Cu Bin lanh lảnh cái mồm như con chim chích đáp lại.
"Chúng cháu đói ạ."
Nghe thôi đã biết là nói điêu rồi.
Hàng xóm mới cũng không muốn truy cứu tận cùng với đám trẻ mười mấy tuổi, chỉ thở dài hỏi.
"Khói tràn vào nhà tôi rồi. Mấy đứa định tính làm sao đây?"
"Thì chú mở cửa sổ cho khói bay bớt đi, rồi qua đây ngồi với chúng cháu này."
Quốc ngơ ngơ ngẩn ngẩn nhìn hàng xóm mới ngồi cạnh mình từ lúc nào, trong đầu lôi tổ tông tám đời nhà cu Bin ra hỏi thăm vì cái mồm không ai cản nổi của nó.
Cu Bí trông thế nhưng cũng ngại người lạ lắm. Nó lấm la lấm lét nhìn hàng xóm nhà Quốc, âm thầm lấy chiều cao của mình với chiều cao của người ta ra đo, xong thì ủ rũ mặt mày tự mình gặm nhấm tổn thương.
Hàng xóm nhìn ba đứa nhỏ, cười cười.
"Chó nhà cháu kêu gớm quá. Ai vào nhìn cũng thấy sợ. Tôi ở bên kia mà vài hôm nghe đàn chó sủa muốn điếc cả tai."
Quốc nhìn hàng xóm thả từ trong túi quần đùi ra mấy củ khoai tây, môi hơi mím mím lại, thích thú. Cu Bin đảm nhiệm vị trí đầu bếp, cười hề hề nhét hết đám khoai vào trong đống lửa bập bùng.
"À. Giới thiệu chút nhỉ? Tôi tên là Hanh, hai mươi lăm tuổi."
Hanh cầm lấy cái quạt nan từ tay Quốc, mạnh tay quạt mát luôn cho cả hai. Cu Bin nghe thế thì ồ lên ra chiều ngạc nhiên lắm, cái mặt của nó tràn đầy sự bất ngờ.
"Ồ. Chú trẻ thế. Chú từng học đại học ạ?"
Hanh lắc đầu.
"Đã từng là sinh viên đại học thôi. Tôi bỏ học mấy năm rồi, bây giờ thì về quê trồng rau nuôi cá."
Lũ trẻ vốn là những đứa tò mò bậc nhất thế gian, nhưng dù sao cũng chuẩn bị vào cấp ba rồi, tự biết điều mà không chõ mũi vào việc riêng của người khác. Bí với Bin ồ một tiếng, tranh nhau mở miệng khen chú giỏi ghê chú giỏi quá.
"Cháu tên là Minh, chú cứ gọi cháu là Bí, tại nhà cháu buôn bầu bí dưới chợ. Chú muốn ăn rau sạch bí tươi thì cứ xuống đó, cái hàng đầu tiên ngay cạnh cổng, chiều nào mẹ cháu cũng ngồi bán đến tận đêm mới về."
"Còn cháu tên Quang, mọi người gọi cháu là Bin. Cháu cũng suýt bỏ học, nhưng giờ không bỏ nữa, đang làm mộc trong xưởng của chị Nga. Tay nghề cháu không giỏi nhưng cũng làm nên chuyện lắm ạ."
Hanh ngồi nghe vui vẻ lắm. Cu Bin với Bí giới thiệu xong rồi, anh liền quay sang người vẫn chưa nói gì, ngồi im như đống gạch bên cạnh. Quốc định không mở mồm đâu, nhưng người ta nhìn như vậy rồi thì cũng đành lên tiếng.
"Cháu tên Quốc. Năm nay cháu vào lớp 10."
Ngắn gọn và xúc tích.
Hàng xóm mới rũ mắt cười, ừ một tiếng.
"Tôi biết. Ngày nào cũng nghe mẹ cháu hét "Quốc ơi. Chó nó gọi mày đòi ăn kìa" hết đó."
Nghe Hanh nói thế, Quốc phừng một cái đỏ hết cả hai bên vành tai, khuôn mặt thì vẫn ngầu như cũ, lạnh te. Cu Bin cầm cây củi lật mấy củ khoai lên, nói.
"Nhưng chú hơn bọn cháu có vài tuổi. Gọi chú xưng cháu nghe có già không, dù rằng chú già thật?"
Hanh đổi tay quạt gió, lắc đầu đáp.
"Không sao. Gọi chú cũng được, chú không ngại."
Cách nhau những mười tuổi cơ mà. Hoá ra Hanh cũng hơi hơi già rồi.
Dưới sự dẫn dắt lươn lẹo của cu Bin, cả đám cũng moi ra được ít thông tin về hàng xóm mới. Hanh là người dân thành phố, giác ngộ tư tưởng "Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, người khôn người đến chốn lao xao" mà gác đèn bút cắp thân mình bắt xe về quê. Căn nhà bên cạnh là bố của anh mua cho, chủ nhà cũ có mối quan hệ khá thân thiết với gia đình của Hanh nên mua được với giá rẻ. Trước đó thì Hanh học về nghệ thuật, chính là học về sản xuất âm nhạc. Nhưng vì biến cố nên anh bỏ, không học nữa.
Đám nhỏ ở quê nào biết học về sản xuất âm nhạc là cái gì. Cu Bin chu môi nhướng mày lên nghe Hanh kể chuyện, tò mò hỏi.
"Chú học về mấy cái đóng gói đĩa nhạc hay gì đó hả?"
Hanh nhìn đôi mắt xen lẫn giữa tò mò và hâm mộ của cả ba đứa nhỏ, bật cười khanh khách.
"Không. Có nhớ mấy bài hát trong sách giáo khoa âm nhạc không? Dưới tiêu đề bài hát thường có dòng phụ đề in nghiêng ghi tên tác giả viết ra bài hát đó. Chú học về cái đó đó."
Lũ trẻ một lần nữa lại ồ lên, ánh mắt càng lúc càng đậm vẻ sùng bái.
Hanh nhìn đứa trẻ ít nói nhất trong cả đám, cười với cậu một cái.
Đứa trẻ ấy chớp chớp mắt, vội vã quay đầu đi.
Đầu bếp của cả bọn căn bản là nướng giỏi hơn hai đứa còn lại thôi chứ thực ra cũng không làm nên được cái trò trống gì. Bí hét ầm lên khi ngửi thấy mùi khoai bị nướng đến khét lẹt, điên cuồng đập tay Bin kêu cu cậu bới mấy củ khoai ra. Bốn củ khoai lang cộng với bốn củ khoai tây Hanh cho, tổng cộng là tám củ khoai, dưới bàn tay của cu Bin đã hy sinh rất anh dũng.
Bí cầm một củ khoai lang, lật lên lật xuống cho bớt nóng rồi bẻ đôi ra. Củ khoai cháy xém gần một nửa, tuy nhiên thì phần bên trong không cháy nhiều lắm, vẫn ăn được. Quốc thì vớ một củ khoai tây, đập đập cho bớt tro và phần vỏ bị cháy rồi bóc ra thử. Khoai tây được bỏ vào sau, nhưng vỏ mỏng hơn nên cũng cháy tàn lụi ít nhiều.
Tuy vậy nhưng vẫn là cho vào bụng được.
Hanh ngồi đó nhìn lũ trẻ thành thạo bóc vỏ mấy củ khoai, còn mình thì cầm quạt nan phẩy gió cho cả bọn.
Quốc lấy ra từ sau lưng một quyển sách cũ mèm dùng để làm mồi lửa, xé lấy một tờ giấy rồi bọc quanh củ khoai tây. Cậu nhìn Hanh, chầm chậm chìa tay ra.
"Chú ăn đi."
Hanh cười cười, cầm lấy.
Tờ giấy đã cũ, ngả màu hơi ố vàng, dưới con mắt của người thành thị thì trông hơi bẩn. Nhưng ở quê thì nào để ý được những cái đó. Hanh nhìn lũ trẻ tay dính tro đen thùi lùi đang bóc khoai bỏ vào miệng nhai đến là vui, lại nhìn đến mảnh giấy vàng nhạt với củ khoai trên tay mình, gương mặt khẽ trùng xuống.
Tuy không có gia vị để chấm kèm nhưng ăn đồ nướng chính là như thế, cứ phải cháy cháy đen đen mới ngon. Khoai lang nhà bà Tình ngon lắm, củ nào củ nấy to như bắp tay, ăn nửa củ thôi cũng đã chớm chớm nặng dạ.
Hanh ăn hết một củ khoai tây, nhạt mồm đến không thể nói được gì, nhưng nhìn đám nhỏ chẳng kêu ca một câu mà còn tranh nhau ăn đến cuối, bỗng thấy cũng không phải là không thể chấp nhận được cái nhạt mồm này.
Quốc quay ra nhìn, thấy củ khoai trên tay Hanh đã hết. Cậu nhìn Hanh một cái, tuy không nói nhưng Hanh bỗng hiểu cậu nhỏ đang muốn ám chỉ điều gì. Anh lắc đầu với Quốc, bảo.
"Chú ăn trưa rồi, không đói. Mấy đứa cứ ăn đi."
Quốc "ưm" một tiếng bé tí trong cổ họng, xoay qua tiếp tục bóc khoai ăn. Hanh lại đổi tay quạt gió, tiếng quạt nan thi thoảng lại kẹt một cái. Anh nhìn đến mấy chữ trong tờ giấy mà ban nãy Quốc đưa.
Hẳn là vở của Quốc. Chữ xấu ơi là xấu, toàn rồng bay phượng múa tràn hết cả dòng, đầu trang thì to như quả trứng, cuối trang ngoáy ngoáy run run bé như kiến bò khiến Hanh bật cười.
"Chữ xấu quá."
"Quốc viết đấy chú. Hồi bé nó từng đi thi chữ đẹp, được giải cấp thành phố cơ. Nhưng mà lên cấp hai, được cầm bút bi một cái là nó múa bút trên trang giấy thành chữ tượng hình luôn."
Lần thứ hai không chặn kịp cái mồm của cu Bin, Quốc tức lắm, giơ chân đá cho nó một cái tí thì nhào cả người vào đống củi còn đỏ hỏn. Bin không vừa, đá lại Quốc một cái bẩn hết cả cái quần đùi đen.
Thấy hai đứa chuẩn bị lao vào tẩn nhau tới nơi, với tư cách là một người lớn, Hanh cầm quạt nan chắn trước mặt hai đứa, dịu giọng giảng hoà.
"Nào nào, không được đánh nhau."
Giữa tháng tám, trời thật sự rất nóng. Thời điểm nóng nhất trong năm đã khiến cho người ta bức bối không thể thở nổi. Bốn chú cháu ngồi dưới chuồng lợn với cái bếp còn cháy âm ỉ, lùa nhau như lùa vịt lên nhà của Quốc ngồi.
Nhưng đây không phải là một quyết định sáng suốt. Bởi vì làm trang trại nên mấy ngôi nhà ngoài chân đê được xây dựng rất sơ sài, giống như những chiếc lều đơn giản. Nhà của Quốc thì đúng là xây gọn gàng gạch men tử tế đấy, nhưng để tiết kiệm chi phí nên mái nhà được che bằng tôn.
Mà tôn thì sao? Nó hút nhiệt.
Quảng cáo điêu **********. Tôn mát cái con khỉ mốc.
Bố của Quốc có lắm hôm nóng đến không ngủ được, chín giờ đêm đứng giữa sân chửi đổng lên bảo tiết kiệm cái ********. Mẹ của Quốc một tay lau mồ hôi, một tay chỉ vào chồng và bảo là năm xưa ông muốn tiết kiệm chứ ai.
Quốc nằm trong góc phòng, chán không buồn lên tiếng.
Mái tôn hút nhiệt như cát hút nước giữa sa mạc, dồn nén nước xuống dưới tầng đất sâu như dồn cái nóng xuống dưới căn nhà. Bốn người ngồi dưới hiên có năm phút mà mồ hôi tuôn như suối, dù có quạt điện chạy o o bên cạnh cũng không xua được cái nóng đi đâu.
Hanh thở dài, hất mái tóc ướt nhẹp về sau cho thoáng, bảo với lũ trẻ.
"Có muốn sang nhà chú ngồi cho mát không?"
Nhà của Hanh vốn được đồn là có ma do chủ nhà bỏ hoang nó gần chục năm nay rồi. Hanh mới về nên không biết, chứ lũ trẻ trong làng thì nghe mòn cả tai về mấy chuyện bát quái xung quanh căn nhà. Bin với Bí không sợ mấy tin vịt vớ vẩn đó, nhưng chúng nó cũng chẳng thân thiết gì với Hanh nên lắc đầu từ chối.
"Thôi, ăn xong rồi thì cháu về thôi."
"Cháu cũng phải về trông nhà cho em gái cháu đi học thêm."
Thế là tàn cuộc ở đó.
Nhìn Bin với Bí loẹt quẹt đôi dép đi ra cổng, Hanh quay sang nhìn Quốc, hỏi.
"Còn cháu?"
Quốc cũng tự nhận thấy nhà mình với nhà hàng xóm chẳng thân thiết đến mức cần phải sang nhà nhau chơi, thế là cậu lắc đầu.
"Cháu phải trông nhà, với cho chó và cho gà ăn nữa."
Vậy là anh đi về nhà một mình.
Quốc ngồi một lát rồi đứng dậy, lấy phần cơm thừa trộn với cơm nấu sẵn dưới bếp củi ra, trộn tất cả lên với tương rồi cho năm con chó ăn. Nuôi chó đàn có một cái hay, đó là ăn thì tất cả cùng ăn, con nào không ăn con ấy chết. Thế nên cơm trộn tương vốn chẳng có gì ngon, ấy thế mà đàn chó ăn khoẻ lắm, cứ như được trộn thêm cá. Con nào con nấy ăn no căng cả bụng, phồng cả cái người lên như con cóc.
Gà thì dễ nuôi hơn, mỗi lần xát gạo thừa lại vỏ trấu sẽ đem xay nhuyễn ra thành cám gạo cho gà ăn. Đàn gà có hơn trăm con, một năm nuôi hai lứa, thu tiền về cũng được kha khá.
Nhà Quốc không giàu có, thậm chí còn có chút nghèo trong làng. Mẹ Quốc ngày ngày đi bốc gạch, sáng đi tối về. Bố của Quốc thì đi phụ hồ, ngày có việc ngày không, nhưng ít nhất buổi trưa vẫn về ăn cơm với Quốc được khoảng một tiếng rồi sớm chóng cũng lại đi mất. Quốc ở nhà một mình thành quen, ít nói chuyện với ai, cũng chẳng đi đâu chơi, loanh quanh quẩn với căn nhà và mảnh vườn nhỏ.
Cho gà ăn xong thì Quốc xuống ngó vườn rau. Rau là Quốc được mẹ dạy trồng từ năm lớp sáu, mẹ gieo hạt bón phân, còn Quốc chịu trách nhiệm tưới nước và bắt sâu. Rau đến vụ thì giữ lại một nửa cho nhà ăn, còn lại thì đem đi bán. Cũng chẳng được mấy đồng, nhưng mẹ cho Quốc hết để cậu mua sách vở và mấy thứ đồ linh tinh.
Mùa hè thịnh nhất là mấy cây ăn vào mát gan mát ruột. Đầu mùa, Quốc bảo mẹ gieo hạt gì thì gieo, nhớ mua thêm gói hạt dưa chuột. Hè thì nắng gắt nhưng mưa cũng nhiều, cây dưa lớn nhanh như thổi, Quốc phải bắc mấy cành cây khô lên để lấy giàn cho dưa chuột quấn vào. Lúc Quốc ra ngó thì dưa chuột đã ra mấy quả to như ngón tay cái rồi.
Sơ đồ minh hoạ nhà của 2 bạn: