Sen Trắng - Taekook

Mấy cơn mưa rào mùa hạ đến thì nhanh mà đi cũng nhanh. Quốc đưa bé Tí về trước con ngõ nhỏ, vừa thả cô bé xuống đất thì đã thấy nắng vàng rọi xuống từ trên đỉnh đầu. Bé Tí vẫy vẫy tay với Quốc, chạy theo anh trai đang dắt theo bé Tin đi vào sâu tít phía trong cùng. Nhà của cu Bin nằm lọt thỏm trong con ngõ dài nhất của ngôi làng.

Quốc cởi áo mưa dắt vội vào lồng xe, quay lên nhà bán tạp hoá để mua ít thức ăn mang về nhà hàng xóm nấu như lời mẹ nói. Trước hàng quán có bà Vinh chuyên bán rau củ quả ngồi ở đó, hai nhà cùng bán cùng buôn. Quốc lựa một bó rau cải ngọt với một củ tỏi, lại mua thêm ba củ khoai tây với ráu hành hoa tươi, xong xuôi thì đạp xe về.

Nhà hàng xóm hôm nay vẫn mở cửa tang hoang, Hanh thì đang cầm cây chổi rễ loẹt quẹt quét đi đám lá rụng giữa sân. Thấy tiếng xe lạch cạch xóc nảy, anh quay đầu ra nhìn.

"Quốc về đấy à?"

"Vâng ạ."

Quốc dựng xe ở trước cổng, cầm túi rau quả mua được lon ton chạy sang dúi vào tay Hanh. Cu cậu mím môi, bảo.

"Mẹ cháu bắt cháu mua đấy, bảo không được để chú bỏ tiền ra mãi."

Hanh cầm hai cái túi bóng trên tay, không biết nên trưng ra vẻ mặt gì cho phải.

"Nhưng buổi sáng chú đã mua đồ ăn để trưa nay nấu cơm rồi."

"Vậy chú cứ nấu gì chú thích đi. Cháu không kén ăn đâu."

Sự thật chứng minh câu nói "cháu không kén ăn đâu" của Quốc là bốc phét.

Hanh nhìn cậu nhỏ nhăn hết cả lông mày lại, chĩa đũa vào bát cơm nhặt từng cọng hành hoa đã chín nhừ lẫn lộn với mấy miếng khoai tây xào, anh lặng lẽ nở một nụ cười rất bất lực.

"À. Sau vườn nhà chú có cây khế đấy. Lát ăn xong có muốn ăn thì ra mà vặt."

Cây khế cũng như giàn nho, chẳng ai chăm ai bẵm, mọc trên đất khô cằn cỗi như thế mà vẫn không chết, lại còn trổ đến là sai bông. Hôm qua Hanh ra ngó thử, thế mà lại có mấy quả khế như nắm tay đã đang ngả màu vàng nhàn nhạt.

Quốc "ưm" một tiếng trong cổ họng, vẫn rất là chăm chú lựa hành ra khỏi bát cơm. Hanh và đến miếng cơm thứ ba vẫn thấy cu cậu chỉa đũa nhặt nhạnh, anh cầm đũa của mình đánh nhẹ lên mu bàn tay cậu nhóc.

"Không được kén cá chọn canh."

"Nhưng cháu ghét ăn hành lắm, mà cháu lại thích khoai tây xào."

Nhìn cu cậu bĩu môi đầy tủi thân, nhắm mắt nhắm mũi nghe lời người lớn mà nhét miếng khoai với hai cọng hành vào miệng, Hanh cảm thấy vui vẻ cực. Anh bỏ qua cái mặt nhăn nhúm của cu cậu, đáp.

"Không ăn gì thì phải nói trước. Đã nấu lên rồi thì không cho phép chê. Như thế là không tôn trọng người nấu, biết chưa?"

"Dạ."

Quốc tiu nghỉu đáp lời.

Hanh có làm thêm bát canh trứng cho Quốc. Anh vào bếp múc canh ra, len lén cầm lấy thìa vớt từng cọng hành bỏ vào bát canh của mình tới khi bát của Quốc không còn dính một xíu màu xanh nào mới bưng ra cho Quốc ăn. Cậu nhóc ngó bát canh vàng đỏ của mình rồi lại ngó sang bát canh đầy hành của Hanh, mím môi không nói.

"Sao? Cảm động quá rồi hả?"

Biết là Hanh đang trêu, Quốc cũng hơi hơi bĩu môi, trêu lại.

"Có cảm động, mà chú nói xong thì hết rồi."

Hanh cười hì hì, cầm muôi xúc cơm vào bát canh trứng, vừa ăn vừa húp. Quốc tuổi trẻ tài cao, làm hai hớp là hết luôn một bát.

"À. Mẹ cháu bảo là không được gọi chú là chú mà phải gọi là anh."

"Chú nói rồi, thích gọi thế nào thì gọi, chú không ngại."

Tuổi hai mươi lăm mà đã có đứa nhỏ mười lăm mười sáu tuổi cứ "chú ơi" "chú à", nói thật là Hanh thấy cũng vui tai lắm.

Ăn cơm xong, Quốc chạy ra đằng sau vườn nhà Hanh ngó thử. Trước khi đi còn bị anh kéo lại, nhất quyết nhét đầu của cậu vào một cái mũ rộng vành rồi mới thả cho chạy đi đâu thì chạy.

Vườn cây nhà Hanh siêu to luôn, phải rộng gấp ba bốn lần vườn nhà Quốc. Hầu hết đều là những cây ăn quả chịu được khô hạn nặng như bưởi, táo ta, mít, khế. Nhưng cũng phải có lí do thì chúng mới sống tốt được dù chẳng ai chăm bẵm. Trong vườn rộng như thế có tận hai hồ nước, mặt hồ xanh lè toàn bèo tấm nổi lềnh bềnh. Quốc đoán chắc là cũng có cá, nhưng không nhiều.

Đang giữa mùa hè, thi thoảng lại gặp trận mưa to nên nước trong ao đẫy đà lắm. Đám cây ăn quả, cây nào cây nấy cao vổng lên, rợp hết cả một đường đi quanh vườn. Mới tháng chín, trong đây đúng là chỉ có khế mới đủ to đủ chín để ăn. Mít và ổi thì đều chưa ngả màu, mấy cây khác thì thậm chí còn không có hoa vì chưa đến mùa.

Quốc tăm tia được cây khế nằm ở góc cuối của khu vườn. Tường gạch chỗ này không được kiên cố cho lắm, trông như có thể đổ bất cứ lúc nào. Quốc rén lắm, không dám đứng lên tường vặt quả, thế là vận hết nội công để đu thẳng lên cây hái khế xuống. Vì trời vừa mới mưa nên cây khế vẫn có đầy nước, cậu vừa đu xong là bị nước đọng từ trên lá dội xuống, ướt như chuột.

Khu vườn nằm dưới chân đê nhiều xe cộ qua lại nên cả cây cả quả đều bám một lớp bụi nhạt màu. Quốc vặt được sáu bảy quả thì thôi, vén áo lên làm túi đựng khế rồi nhảy xuống đất chạy về.

Hanh nằm trên chiếc giường gấp dựng ở giữa sân, bên cạnh đặt cái quạt điện thổi gió vù vù. Vừa mới mưa xong nên không khí thoáng đãng hơn mọi hôm, nằm đây cũng dễ ngủ hẳn.

Quốc bình bịch bước chân chạy về, khắp người còn vương vài cái lá khế, áo còn ướt một vài mảng nho nhỏ. Hanh đưa cho cậu cái rổ để đặt khế vào rồi cu cậu mang đi rửa khế cho sạch. Xong rồi hai chú cháu mới ngồi chung một chỗ mà vừa ăn vừa nói chuyện.

Quốc vặt toàn mấy quả khế ngả màu vàng nhạt nên ngọt lắm, mấy quả vàng khè ra là cháy nắng mất rồi nên Quốc không hái. Hanh ăn mà cứ tấm tắc khen ngon suốt thôi.

"Sao không hái nhiều thêm, lát nữa mang về mà ăn?"

"Thôi ạ. Lúc nào cháu thèm thì cháu sang xin chú mấy quả, chứ vặt về mà không có hứng ăn là héo hết, mất ngon."

Ngồi được một lúc thì chó nhà Quốc sủa ầm ĩ lên hết cả. Cu Bin đứng ngoài cổng gọi Quốc, cậu ngồi bên sân nhà Hanh vọng qua.

"Tao ở bên này."

Cu Bin xách một chai coca đầy ú ụ đi sang. Nó cười hề hề nhìn Hanh, rút từ trong lồng xe ra ba cái cốc nhựa rồi đặt xuống đất.

"Bố tao mua về, bảo cho chúng mình uống. Con bé Tí với Tin cứ nằng nặc đòi mà bố không cho, bố bảo uống vào da thâm xì xì, xấu lắm. Thế là tao mang đi luôn."

Quốc, Bí với Bin thân nhau từ bé, có quả khế cũng cắn nửa xẻ ba chia cho nhau ăn cùng. Giờ có chai coca to như vậy, hiển nhiên Bin sẽ đem sang chia cho Quốc và Bí thưởng thức chung.

Ngồi chưa ấm mông thì cu Bí cũng lật đật dắt xe đến. Nó vẫn hơi ngài ngại Hanh thế nào nên cứ đứng ở cổng ngó mãi. Tới lúc đàn chó nhà Quốc lại réo ầm lên thì nó mới tò tò đi vào.

Hanh lôi từ trong phòng ngủ ra một cái quạt nữa, cắm dây điện vào ổ rồi chĩa sang mấy đứa nhỏ cho mát. Trời mùa hè nắng nóng gần bốn chục độ, có cốc coca thêm đá, ngồi dưới dàn cây mát với cái quạt điện và bạn bè, ôi chao sao mà nó sướng.

Quốc ngả lưng tựa vào cái giường gấp. Cậu nhớ đến Minh xăm trổ, quay sang hỏi cu Bí.

"Này. Bạn cùng bàn của mày có sao không?"

"Tao nghĩ là không sao. Lúc về tao nhìn rồi, vẫn ổn. Mà cậu ta biết mình báo giáo viên rồi đấy, nãy có nói cảm ơn."

"Hờ. Thế thì cái đám côn đồ kia kiểu gì cũng tới tìm bọn mình tính sổ cho mà xem."

Cu Bin uống một ngụm coca, chầm chậm lắc đầu. Quốc với Bí cũng thở dài một hơi. Cái tuổi bồng bột này mà còn dính phải mấy tên nóng máu thì sớm muộn cũng phải chịu ăn đấm thôi.

Quốc biết kiểu gì mình cũng bị đánh, mà không ngờ sớm thế.

Hanh nằm trên giường gấp thưởng ngoạn phong cảnh yên bình, nghe tụi nhỏ nói thế thì không hiểu lắm. Anh ngóc đầu lên nhìn đám nhỏ, hỏi.

"Mấy đứa nói gì thế?"

"Tụi đầu gấu đánh bạn cháu. Cháu mách thầy cô xong bọn nó biết được. Thế là bọn cháu sắp bị trả thù rồi chú ơi."

Cu Bin lau láu cái miệng, mất có ba câu để kể xong vấn đề. Quốc vốn không muốn để Hanh biết, nhưng không cản kịp cu Bin. Cậu sợ anh sẽ lo lắng, vì dù sao bố mẹ cũng gửi gắm cậu cho anh mỗi khi vắng nhà.

Quốc cứ tưởng Hanh sẽ lo lắng lắm, hoặc là phải nhắc nhở là đi đứng cẩn thận. Thế mà người chú hai mươi lăm tuổi này lại chẹp miệng một cái, coi như đây là chuyện hết sức bình thường.

"Tuổi trẻ thì nên đánh đấm một lần đi mấy đứa à."

Cả ba đứa trợn mắt lên nhìn Hanh.

Hanh cầm quả khế đưa lên miệng rồi cắn một cái, vừa nhai vừa nói.

"Nghĩ kĩ đi. Kiểu gì chúng nó cũng tìm đến mấy đứa thôi. Mấy đứa có trốn được một ngày chứ không trốn được một đời. Cái tính của đám trẻ mấy đứa là thù dai, cứ phải làm cho ra ngô ra khoai mới hả dạ được. Chuyện chưa giải quyết xong thì cứ như cục xương mắc trong họng vậy đó, nuốt cái gì cũng không trôi. Vả lại, thử đi đánh nhau một lần xem sao. Thắng cũng được, thua cũng được. Cái đó gọi là tuổi trẻ bồng bột, sau này còn có cái mà gợi nhớ để kể cho con cháu nghe."

"Chú kì thật đấy. Chẳng có người lớn nào lại xúi trẻ con đi đánh nhau cả."

Chỉ có cu Bin mới dám trả treo với Hanh như thế này.

Hanh không giận. Anh bật cười một cái, cắn nốt quả khế còn dang dở. Có lẽ quả này hơi chua nên anh nhăn hết cả mặt vào.

"Vì chú trải qua rồi nên chú mới khuyên thế. Hồi chú mười bảy tuổi, chú cũng có rủ bạn chú đi đánh đứa mà dám nói xấu giáo viên của chú. Bọn chú đánh nhau ba lần, hai lần đầu chú thua, nhục nhã lắm chứ. Lần thứ ba chú đánh thắng, cảm giác còn thành tựu hơn so với việc giật học bổng nhiều."

Hanh biết làm thế nào để khích đúng vào tâm lý và lòng tự trọng cao ngút trời của ba đứa nhỏ. Tuổi trẻ háo thắng, cho chúng bắt đầu mở mang kiến thức về đời sống xã hội cho biết.

Cu Bin với cu Bí thì nghe có vẻ như là bị thuyết phục rồi, trông hai đứa nó hào hứng lắm. Còn Quốc thì gieo cho anh một cái ánh mắt đầy nghi ngại. Cu cậu chọc chọc vào eo của anh, hỏi nhỏ.

"Chú đánh nhau thế... có bị thương nhiều lắm không?"

Hanh không nghĩ cu cậu sẽ hỏi về chuyện đó. Anh ngẩn người ra mất một lúc rồi mới nhớ lại thời gian trước, đáp.

"Có chứ. Nếu chúng nó còn tình người thì sẽ đánh mà chừa mặt với tay chân ra, chủ yếu nhắm vào bụng và lưng vì không muốn người khác nhìn thấy. Còn mà gặp phải cái bọn vô nhân tính á, chúng nó đấm bể đầu có chừng."

Quốc nhớ tới Minh xăm trổ bị đám đầu gấu kia đấm đá thế nào mà cả mặt sưng vù, máu còn chảy ở dưới mắt và khoé môi, trong lòng kêu lên "không ổn rồi".

"Chú sẽ mua sẵn cồn và bông băng y tế. Đánh nhau về mà không muốn tự xử lý vết thương thì cứ chạy sang đây, chú làm cho."

Hanh biết Quốc lo lắng, nên anh vươn tay xoa lên đầu cu cậu. Quốc nhìn anh, môi mím lại.

Cậu bé rũ mắt, gật gật cái đầu.

___________________

Chúc mọi người năm mới bình an, vui vẻ và hạnh phúc nha ~.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui