TỨ ĐẠI QUỶ TRẠCH NỔI TIẾNG CỦA TRUNG QUỐC
Trung Quốc là nơi tồn tại rất nhiều "tứ đại" dưới những cách gọi rất say lòng như "tứ đại mỹ nhân", "tứ đại mỹ nam", "tứ đại danh tác", "tứ đại tài tử",... Thế nhưng, quý vị đã từng nghe đến "tứ đại hung trạch" hay còn gọi là "tứ đại quỷ trạch" tức bốn ngôi nhà ma ám chưa? Và đây cũng chính là chủ thể mà An muốn giới thiệu với các bạn trong bài viết ngày hôm nay. Tứ đại quỷ trạch này đều nằm tại Bắc Kinh, gồm: hội quán Hồ Quảng ở Hổ Phường Kiều, nhà số 33 ngõ Tiểu Thạch Hổ phố Tây Đan, nhà số 81 phố Triều Dương Môn và Lễ vương phủ phố Tây An Môn.
1. Hội quán Hồ Quảng ở Hổ Phường Kiều:
Hội quán Hội Quảng được xây vào năm Gia Khánh thứ mười hai (1807), nằm ở số 3 đường Hổ Phường thuộc khu Tây Thành, là một trong những hội quán lâu đời về hí kịch còn tồn tại ở Bắc Kinh. Nơi đây vốn là nhà riêng của rất nhiều danh nhân nổi tiếng, bên trong có Hương Hiền từ, Văn Xương các, Bảo Thiện đường, Sở Uyển đường,... Trong vườn có các loại hoa cỏ quý hiếm, hòn non bộ, đá Thái Hồ,... Trước thời Thanh là nơi các học sĩ nổi danh đến đối ẩm, đồng thời cũng là nơi dùng để chiêu đãi các cử nhân đến Hồ Nam và Hồ Bắc tiến kinh tham gia thi cử.Trải qua mấy trăm năm lịch sử, hội quán thấm đẫm mùi hương của quá khứ. Những trọng thần được người người kính trọng như Kỷ Hiểu Lam, Tăng Quốc Phiên, Lê Viên đều từng đặt chân đến đây. Trong lịch sử cận đại Trung Quốc, danh tiếng của hội quán Hồ Quảng rất lớn, vào những năm dưới thời vua Quang Tự, nơi đây từng vô cùng náo nhiệt với biết bao tài tử giai nhân và các nhân vật lớn trong xã hội thời bấy giờ.
Nghe nói, trước khi xây dựng thành hội quán thì nơi đây là một bãi tha ma được trông giữ bởi một ông già bị bệnh hủi, kể từ khi ông ấy tới đó ở thì tiếng ma khóc và ma trơi dần ít đi, mãi tới khi ông ấy qua đời. Bởi mặt mũi ông cụ quá kinh khủng nên không một ai dám đến gần, thân phận của ông cụ cũng trở thành bí ẩn. Nghe nói kể từ khi ông cụ qua đời, xung quanh hội quán Hồ Quảng có ác quỷ trùng sinh, những người bất chính và những kẻ bất hiếu khi đi ra ngoài thường bị ném đá ném gạch, thậm chí có khi còn truyền tới tiếng mắng mỏ, song mở cửa ra thì lại chẳng thấy ai... Kể từ đó, nguyên cả khu vực Hổ Phường Kiều, ngay cả thanh niên trai tráng cũng không dám ra ngoài lúc khuya.
Có một câu chuyện khác về hội quán Hồ Quảng. Tương truyền đây là nhà cũ của Trương Cư Chính đời Minh. Trương Cư Chính là một nhà cải cách lớn đời Minh, tự là Thúc Đại, hiệu là Thái Nhạc, ông là người Giang Lăng (nay là ngoại ô Hồ Bắc). Tuy nhiên sau khi qua đời, ông lại bị vu oan giá họa, tháng Năm năm Vạn Lịch thứ mười một (1583), Minh Thần Tông hạ chiếu tịch thu gia sản của ông (sau khi hủy bỏ chức vụ chỉ huy Cẩm Y Vệ của con trai ông là Giản Tu và tước đi phong hào Thượng Trụ Quốc của ông vào tháng Ba cùng năm), khiến hơn mười người nhà của ông chết đói, trưởng tử Kính Tu tự sát, chỉ có con trai thứ ba là Mậu Tu may mắn sống sót. Dưới sự cầu xin của Thượng thư Hình Bộ là Phan Quý Tuần, gia quyến của Trương Cư Chính được giữ lại một căn nhà trống và mười khoảnh ruộng để phụng dưỡng người mẹ già đã tám mươi tuổi của ông.
Nếu muốn đến đây, các bạn có thể di chuyển bằng xe buýt bằng các tuyến xe số 6, 14, 15, 25, 23, 109, sau khi xuống xe thì bạn hãy hỏi những người bản địa chung quanh, họ sẽ chỉ cho địa chỉ cụ thể. Hoặc các bạn có thể đi tuyến tàu điện ngầm số 7 và dừng tại trạm Hổ Phường Kiều. Từ tối thứ ba đến tối chủ nhật vào lúc 8 giờ tối sẽ có diễn hí, đặc biệt có suất vào chiều thứ bảy và chiều chủ nhật lúc 14h30. Giá vé ngồi ngay vị trí trung tâm đối diện sân khấu là 200 đồng (tầm 700 ngàn VNĐ), ngồi hai bên cánh trái phải là 60 đồng (tầm 210 ngàn VNĐ), các ghế lẻ tẻ khác thì dao động ở mức từ 20 đến 100 đồng (tuy nhiên đây là mức giá cách đây gần chục năm, hiện tại có khi đã tăng lên khá nhiều). Khi đến đây ngoại trừ xem hí, các bạn cũng hãy đến thăm nơi lưu giữ những tư liệu lịch sử về hí khúc nhé, họ có cả một khu trưng bày rất đẹp.
2. Nhà số 33 ngõ Tiểu Thạch Hổ thuộc phố Tây Đan:
Trong trong ngõ Tiểu Thạch Hổ có hai căn nhà nổi tiếng là căn nhà số 31 và 33, vào những năm 60 thì được gọi là nhà số 7 số 8. Theo như những gì được ghi chép lại thì vào thời Minh, nhà số 7 (tức nhà số 31) là hội quán Diên Lăng, hay còn được gọi là hội quán Thường Châu hoặc Võ Tiến, là nơi ở của rất nhiều sĩ tử Giang Nam xưa. Cuối thời Minh thì trở thành phủ đệ của Đông các Đại học sĩ kiêm Tể tướng Chu Diên. Đến đầu thời Thanh thì trở thành phủ đệ của Ngô Ứng Hùng - con trai của Ngô Tam Quế, sau khi Khang Hi diệt Ngô Tam Quế thì cũng diệt luôn cả Ngô Ứng Hùng. Đến năm Ung Chính thứ ba thì đổi thành Hữu Dực Tông học phủ.
Còn nhà số 8 (tức nhà số 33) nguyên là phủ Miên Đức, hay còn gọi là phủ Trấn Quốc Công hoặc phủ Dục Công. Đây cũng là căn nhà có quan hệ sâu rộng với tiểu thuyết gia Tào Tuyết Cần nổi tiếng đời Thanh. Sở dĩ nói căn nhà này có liên quan đến Tào Tuyết Cần là vì ông đã từng ở đây, đồng thời đây cũng là nơi ông sáng tác và hoàn thành danh tác Hồng Lâu Mộng. Ở phía Bắc trong căn nhà có một cây táo cao 15 mét, có niên đại hơn sáu trăm năm, là cây táo cổ thụ có tuổi thọ cao nhất. Theo như lời của Châu Nhữ Xương: "Trong viện có một cây táo có tuổi đời ba trăm năm, hẳn là đã từng "gặp qua" Tào Tuyết Cần". Kỷ Hiểu Lam và Tào Tuyết Cần sống cùng một thời đại, theo như lời kể của Kỷ Hiểu Lam thì căn nhà này cũng đã từng là một quỷ trạch "có tiếng", thế nhưng Tào Tuyết Cần vẫn can đảm tới ở.
Nghe nói những người ở trong ngõ Tiểu Thạch Hổ này thi thoảng sẽ nghe thấy tiếng sáo, có lúc còn nghe cả tiếng phụ nữ u oán ngâm thơ... Người đó là ai? Tương truyền có liên quan đến cái chết của Ung Chính, Ung Chính từng cướp đoạt tình nhân của Tào Tuyết Cần, chia rẽ đôi uyên ương tình đầu ý hợp. Thế nên Tào Tuyết Cần và tình nhân của ông ta mới hợp mưu chặt đầu Ung Chính, vì vậy lúc nhập liệm nhà vua, các quan đành phải dùng một chiếc đầu lâu vàng để thế vào phần đầu đã bị cắt. Một truyền mười, mười đồn trăm, chuyện dần trở nên ly kỳ, kết quả là chuyện ma về căn nhà số 33 dần trở thành đề tài trà dư tửu hậu của biết bao người. Hiện tại thì ngõ Tiểu Thạch Hổ đã không còn nữa, chỉ còn lại mỗi vị trí đại khái, giữa những căn nhà xi măng san sát nhau còn lưu lại một khu vực đổ nát. Nơi đó chính là vị trí căn nhà số 7 và số 8 tức nhà số 31 và 33.
3. Nhà số 81 phố Triều Dương Môn:
Tòa nhà này được xây dựng vào năm 1900 thế kỷ thứ 20, vốn là giáo đường do người Anh xây dựng, thuộc quyền sở hữu của tín đồ Thiên Chúa Bắc Kinh gồm 188 gian phòng diện tích 2925,7 mét vuông. Được khởi công cùng lúc với giáo đường ở Vương Phủ Tỉnh, song do thời hạn xây quá lâu lại xảy ra chiến tranh nên đã bị đình công. Nghe nói sau đó nơi đây từng là nhà của một sĩ quan thời dân quốc, khi thời dân quốc đi đến hồi tận thì vị sĩ quan đó hoảng hốt chạy trốn tới Đài Loan bỏ lại gia quyến, vợ bé của ông ta đã thắt cổ tự sát trong một căn phòng ở đó. Đây cũng là căn nhà xảy ra biết bao chuện kỳ quái. Mỗi khi trời mưa to gió lớn, trong nhà sẽ truyền ra tiếng khóc, cả tiếng thủy tinh vỡ...
Có một câu chuyện khá nổi tiếng về căn nhà này, vào một tối ngày hè năm 2001, tối đó các công nhân uống hơi nhiều nên chạy đến đây tiểu tiện. Bỗng họ cảm giác có gió thổi qua cổ và lưng, khi quay người mới phát hiện thấy trên bức tường phía Bắc căn nhà có một cái lỗ (có thể gọi là động) khá to. Họ cầm nến bước qua nhìn, một công nhân uống hơi nhiều bèn giơ chân đạp lên bức tường đó, bức tường sụp một mảng, bên trong tối đen như mực. Một công nhân khác bảorằng đó là địa đạo, lúc đập móng cũng đã nhìn thấy cái địa đạo này, sau đó đã chất gạch lên che lại. Có ba công nhân trẻ tuổi lớn mật muốn vào xem một chút, chỉ riêng vị công nhân lớn tuổi kia không vào mà bỏ về chỗ cũ. Sau khi về lều, tầm 20 phút sau, vị công nhân lớn tuổi đó vô tình nhìn thoáng qua cửa sổ lầu 2 của căn nhà đối diện đường lớn, hướng đó cũng chính là hướng căn nhà ma số 81, ông ta trông thấy cửa sổ lóe lên vài tia sáng sau đó tắt hẳn... bốn phía bỗng chốc an tĩnh... Song vị công nhân lớn tuổi ngoại trừ trong lòng có chút bất an thì cũng không nghĩ gì nhiều, bèn nằm ngủ tới sáng. Hôm sau, ba anh công nhân kia vẫn chưa quay lại chỗ làm, ngày thứ 3, thứ 4,... cũng không thấy đâu.
Nếu bạn đi ngang qua một căn nhà nào đó vào ngày hè nóng rẫy mà bỗng cảm thấy lạnh thì quả thực bạn đã đi ngang qua một nơi "không được sạch sẽ". Đã từng có người làm thí nghiệm, phát hiện nhiệt độ trong căn nhà đó thấp hơn bên ngoài đến tận mấy độ. Có một câu chuyện khác cũng rùng rợn không kém, đài truyền hình trung ương CCTV từng làm một chương trình tài liệu về căn nhà số 81 này, trong đó có chi tiết chính phủ từng tính phá dỡ căn nhà này, song trong quá trình phá dỡ, có một vài công nhân vô duyên vô cớ biến mất nên kể từ đó về sau không ai dám động vào căn nhà này nữa.
Công an quận Đông Thành cùng công an Triêu Dương Môn từng điều tra về vụ việc các công nhân mất tích năm nào, cùng với cả chuyện có người vào đó thám hiểm và mất tích năm 2007 và đưa ra kết luận: "Nếu có án nhất định sẽ được ghi lại, nhưng hiện tại xem ra tất cả chỉ là lời đồn thổi." Bởi căn nhà số 81 không ai sử dụng nên có nhiều người vô gia cư đến đó ở, ánh đèn họ đốt lên vô tình khiến mọi người nghĩ rằng đó là ma trơi. Còn chuyện có người vào đó thám hiểm, xông vào nhà người khác là hành động trái pháp luật, nếu thật sự có vấn đề thì cảnh sát sẽ tiến hành xử lý vì đã gây rối trật tự trị an. Bên cạnh đó, về vấn đề tại sao vẫn không dỡ bỏ thì đây là một căn nhà thuộc danh sách các kiến trúc xuất sắc của Bắc Kinh nên không thể phá dỡ, chỉ có thể tu sửa lại, nhưng muốn tu sửa phải bỏ ra một khoản phí rất lớn, rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy không có lời nên cứ gác lại mãi, đến tận bây giờ vẫn chưa trùng tu.
4. Lễ vương phủ phố Tây An Môn:
Lễ vương phủ phố Tây An Môn nằm ở phía Tây Tử Cấm Thành. Vào đời Minh là tư trạch của Chu Khuê - ngoại thích của hoàng đế Sùng Trinh. Vào triều Thanh, sau khi nhập vào Bắc Kinh thì thuộc sở hữu của Lễ Thân vương - thứ tử của Thanh Thái tổ Nỗ Nhĩ Cáp Xích - một trong bát đại thiết mạo tử vương đầu thời Thanh, tức Hoà Thạc Lễ thân vương Ái Tân Giác La Đại Thiện. Song lúc đầu nơi đây không được gọi là phủ đệ của Lễ Thân vương, mà là vương phủ mới được xây cho cháu nội của ngài tên là Kiệt Thư. Khi Kiệt Thư được phong làm Khang Thân vương thì phủ đệ này được gọi là Khang vương phủ. Năm Càn Long thứ bốn ba (1788), Càn Long khôi phục lại phong hào Lễ vương, đổi lại tên thành Lễ vương phủ. Năm Gia Khánh thứ mười hai (1897) thì tòa phủ đệ này bị phá hủy bởi hỏa hoạn, sau đó đã được một vị Lễ thân vương thời ấy xây lại với hình hài như bây giờ chúng ta thấy.
Bắc Kinh có một câu nói như thế này: "Phòng của Lễ vương phủ, tường của Dự vương phủ", tức phòng của Lễ vương phủ rất nhiều còn tường ở Dự vương phủ rất cao. Bởi thế nên không khó để hình dung được đẳng cấp của tòa phủ đệ này. Vào thời chiến thì tòa phủ này trở thành ký túc xá của học viện Hoa Bắc, sau giải phóng thì đổi thành nơi làm việc của bộ dân chính, hiện được quản lý bởi chính phủ, đa phần các kiến trúc đều được bảo tồn, đại bộ phận kiến trúc ở khu Tây đã bị phá bỏ song tổng thể thì vẫn được bảo vệ rất tốt.
Có không ít chuyện ma quái xoay quanh Lễ vương phủ. Trong đó có một phiên bản có liên quan đến một người phụ nữ họ Thạch. Nghe nói bà từng là nô tài trong phủ Lễ thân vương, hồi bà ấy còn làm việc trong phủ thường nhìn thấy có gió lốc "cao hơn ba mét" thổi tới, lạ là mười bước quanh cơn lốc ấy lại không hề có bất kỳ chút gió nào. Lễ vương phủ tồn tại cách đây 300 năm, người phụ nữ ấy cũng là truyền nhân đời thứ năm rồi. Giờ muốn tìm kiếm hậu nhân của người phụ nữ họ Thạch từng có tổ tiên sống tại Lễ vương phủ, quả chắc khác nào mò kim đáy bể. Song những người sống quanh Lễ vương phủ lại chưa từng nghe nói có người nào họ Thạch từng sống ở đó, càng chưa từng trông thấy lốc xoáy. Tỷ lệ tin tưởng của tin đồn ma quái này quả rất thấp.
Có một phiên bản khác về cơn gió xoáy này. Nhị cách cách Lan Tâm của Lễ vương gia du học Pháp trở về, ngày nọ ngồi xe qua cầu trông thấy một thanh niên đang tấu nói được rất nhiều người vây xem, cách cách tò mò bèn xuống xe xem thử thế nào. Bởi dung mạo của Lan Tâm xinh đẹp, nàng lại mặc trang phục hoa lệ người thường hiếm thể thấy được nên ai cũng lén lút liếc nhìn. Lúc nàng đến gần gánh hát thì chàng diễn viên nọ bỗng ngừng diễn và bước tới trước mặt Lan Tâm kính cẩn nói: "Mời tiểu thư về cho, những gì chúng tôi nói không thích hợp để nàng nghe". Lan Tâm nghe vậy đành phải trở về xe, nhưng vẫn luôn có ấn tượng với chàng thiếu niên ngọc thụ lâm phong ấy. Sau khi về nhà, nàng cho người nghe ngóng thì biết được rằng tên thường gọi của chàng trai ấy là Tiểu Nộn Thông (Hành nhỏ mềm mại). Hôm sau, Lan Tâm cùng nha hoàn giả nam trang đến cây cầu đó nhưng không thấy chàng trai nọ đâu cả. Đương lúc nàng nản lòng thoái chí thì trông thấy một quán trà nhỏ ở phía trước cây cầu. Tấm biển bên trên có viết: bình kịch "Nghĩa yêu truyện", Hứa Tiên - Phùng Dược Thông. Phùng Dược Thông hóa thân thành nhân vật Hứa Tiên, giọng nói trong trẻo, tiếng hát uyển chuyển đa tình khiến Lan Tâm si mê. Xem xong, do không gọi được xe kéo nên Lan Tâm và nha hoàn đành đi bộ về nhà, khi đi ngang qua con hẻm nọ thì bị một người cản đường, hai người sợ tới mức hồn phi phách tán, song nhìn kỹ lại hóa ra người ấy chính là Phùng Dược Thông. Hóa ra Phùng Dược Thông đã nhận ra nàng từ sớm nhờ chiếc vòng trên cổ tay nàng, sợ nàng về nhà không an toàn nên sau khi tẩy trang đã đi theo hộ tống nàng hồi phủ. Dọc đường Lan Tâm vui mừng khôn xiết, song Phùng Dược Thông chỉ cúi đầu chẳng nói chẳng rằng. Lúc đưa Lan Tâm đến cửa vương phủ thì chàng khuyên nàng đừng nên quay lại nữa, sau đó xoay người rời đi, Lan Tâm bởi thế mà càng mến chàng hơn gấp bội.
Mấy ngày sau đó, Phùng Dược Thông theo sư ca đến nghe nghệ nhân khác hát, vì muốn giấu mình nên chàng và các sư huynh đệ ngồi tại một quán hoành thánh gần đó, sau khi nghe xong một đoạn thì chàng chợt trông thấy Lan Tâm và nha hoàn Nguyệt Nương ăn mặc giản dị đang ngồi ở bàn gần đó, đang nhìn chàng mỉm cười. Hôm ấy là mùng một đầu tháng Tám, Lan Tâm nghe lời cha mẹ đến Quảng Hóa tự thắp hương, vừa khéo trông thấy chàng đang vô cùng chăm chú "học lỏm" người khác. Sư ca thấy thế, sợ Lan Tâm phá rối họ bèn bảo Phùng Dược Thông qua trò chuyện với Lan Tâm. Bởi kế hoạch "học lỏm" bị phá hỏng nên chàng rất tức giận, đâm ra lạnh nhạt với Lan Tâm, nhưng Lan Tâm không những không buồn mà còn chủ động dạy chàng hát Xóa Khúc - một kiểu nhạc chỉ có quý tộc Mãn Châu mới được hát. Một thời gian sau đó, chàng sa vào lưới tình với người con gái xinh đẹp và đáng yêu này, Lan Tâm tặng chiếc vòng trân châu trên tay mình cho Phùng Dược Thông xem như tín vật.
Tiếc rằng ngày vui chẳng tày gang, vào ngày trung thu năm ấy, Phùng Dược Thông không những không đợi được Lan Tâm mà còn bị cảnh sát bắt. Hóa ra, do bởi đại sư ca của chàng ganh tỵ mối tình giữa chàng và Lan Tâm nên đã nói cho Lễ vương gia hay. Lễ vương gia giận tím tái mặt mày bèn lệnh giam lỏng Lan Tâm, vu cáo cho Phùng Dược Thông trộm bảo vật là "vòng tay Bát Bảo", sau đó sai người cho chàng uống thuốc khiến chàng bị mất giọng. Sau khi Phùng Dược Thông ra tù thì được một nghệ nhân đàn nhị thu nhận và truyền nghề cho. Kể từ đó cứ vào mỗi độ trăng tròn, Phùng Dược Thông lại đến bên ngoài Lễ vương phủ diễn tấu khúc Phong Tán mà Lan Tâm yêu thích nhất, còn Lan Tâm bị giam lỏng trong vương phủ cũng sẽ cùng hát theo. Dần dà điều này lại chọc giận Lễ vương gia, ngài bèn sai người sát hạt Phùng Dược Thông, Lan Tâm biết được chuyện đó bèn tự tử. Vương gia chôn thi hài Lan Tâm dưới gốc cây hòe trong hoa viên với ý dù có chết nàng cũng không được ra khỏi vương phủ, còn vong linh của Phùng Dược Thông thì hóa thành gió lốc quẩn quanh Lễ vương phủ.
Ngoài bốn căn nhà kể trên thì còn có rất nhiều ngôi nhà ma khác. Đằng sau mỗi một ngôi nhà lại có một câu chuyện khác nhau, một nỗi thương tâm khác nhau. Thoạt trông có chút đáng sợ nhưng đó đều là chứng nhân lịch sử với sự uy nghiêm và thâm trầm được tôi rèn qua tháng năm bão táp. Nếu các bạn có dịp đến đó chơi thì xin đừng sợ hãi, mà hãy nhìn những ngôi nhà ấy bằng đôi mắt kính trọng của hậu nhân dành cho tiền nhân. Bởi đó là một trong những thứ hiếm hoi của quá khứ mà bạn có thể chạm vào. Chúc bạn có một chuyến đi vui vẻ và bổ ích khi có dịp đặt chân đến phố phường Bắc Kinh.
P.S: Triều Dương Môn hay Tây An Môn thì cũng đều thuộc Triều Dương và Tây An nha các bạn.