NGHE THẾ HỆ TRƯỚC KỂ CHUYỆN TÀ MÔN (phần 1)
1. Hồi bé tôi thường nghe ông bà ngoại dặn rằng tuyệt đối không nên đánh chồn bởi chúng là loài động vật có linh tính và sẽ trả thù những ai làm hại nó.
Thời trẻ, do điều kiện gia đình không tốt nên ông ngoại tôi đến Đông Bắc làm thuê, thời đó muốn kiếm miếng cơm nuôi gia đình là chuyện rất khó khăn nên mỗi ngày ông đều phải làm việc rất khổ cực, về sau khi được đề bạt lên làm bí thư đại đội thì cuộc sống gia đình mới đỡ hơn. Lúc ấy, Đông Bắc khắp nơi đều dự trữ thóc gạo trong các kho lương thực cỡ lớn, điều đó tựu chung đã thu hút rất nhiều loài động vật đến kiếm ăn, khi đó người còn không đủ ăn thì nào có dư để "chia sẻ" với động vật, thế nên cả đại đội của ông ngoại tôi đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn chúng.
Một ngày nọ, ông ngoại nghe người ta nói rằng có động tĩnh trong khu vực ổ gà tại kho lúa, thế là mọi người bèn vội buông đũa đến đó xem sao, vừa tới nơi bèn trông thấy một con gì đó còn to hơn cả chó đang ngậm một con gà, đương lúc nó đang tính bỏ chạy thì ông ngoại và đám thanh niên đã nhanh nhẹn bắt được. Nhìn kỹ hóa ra đó là một con chồn đang mang bầu, cái bụng của nó đã rất lớn, bên mép có vài sợi ria bạc. Hoàng bì tử (một cách gọi chồn vàng của dân vùng núi) là loài động vật có linh tính, trông thấy có người muốn giết mình, nó bèn ư ử trong miệng như đang khóc, hai chân sau áp xuống đất, liên tục... giơ tay lên lạy. Ông ngoại tôi tuổi trẻ khí thịnh bèn cầm búa đập chết nó rồi lột da mang về nhà.
Đêm đó, ông ngoại tôi mơ một giấc mộng, ông mơ thấy một con chồn lông trắng bước đi bằng hai chân, còn miệng thì đang lẩm bẩm gì đó, đại khái nó nói rằng mày là một thằng nhãi không có tính người, vợ con tao chết thảm trong tay mày, tương lai con trai mày cũng sẽ bị ta hại chết. Hồi đó ông ngoại tôi không tin bởi sang hôm sau, cậu tôi lúc đó mới ba tuổi chẳng xảy ra chuyện gì cả. Vài năm sau, bà ngoại hạ sinh cậu Ba tôi, ngày nọ ông ngoại đi làm về thì phát hiện đứa con thứ của mình chết đuối trong hang nước, nghe thế bà ngoại ngất xỉu ngay tại chỗ, ông ngoại cảm thấy có điều chẳng lành bèn tìm thầy xem bói, người đó nói rằng do ông ngoại đã hại chết vợ con người ta nên giờ người ta tới trả thù, rồi bảo ông tôi phải tìm cách đền bù, bằng không đứa con mới sinh cũng không giữ lại được.
Lúc đó ông ngoại tôi sợ run người bèn lập tức đốt tiền và mổ heo cúng tế, cho rằng thế là xong nhưng không ngờ năm cậu Ba mười chín tuổi, lúc ra ngoài làm thuê bị người ta đánh, tuy không bị thương nhưng lại phát điên và phải đưa đến bệnh viện tâm thần để điều trị.
Nói chung là đừng tùy tiện giết hại động vật, chúng cũng là sinh linh có linh tính đấy.
2. Hồi còn đi học tôi thường cùng bạn bè trò chuyện về mấy chuyện kinh dị kỳ quái, giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe vài ba chuyện mà tôi được nghe thời còn học đại học.
Tuy trường đại học của tôi nằm ở Thanh Đảo (Sơn Đông) nhưng đa phần bạn học đều không phải là người ở đây mà là người vùng khác chuyển đến. Năm hết tết đến, đa phần sinh viên đều về nhà sum vầy với gia đình, câu chuyện đầu tiên xảy ra ngay tại nhà của bạn cùng lớp tôi.
Ngày 30 tết năm ấy trời đổ tuyết lớn, nhưng đến đêm thì bỗng dừng. Trong thôn có ba người nọ định rằng sau khi dùng bữa cơm tất niên xong thì sẽ đến nhà của một người trong thôn đánh mạt chược. Họ chơi tới ba bốn giờ sáng thì một người trong số đó phải về nhà, bởi mùng Một đầu năm phải đi chúc tết người thân, thấy thế nên những người còn lại cũng không chơi nữa, ai về nhà nấy. Vì tuyết rất dày nên ánh tuyết phản xạ lại rất sáng. Họ đi tới đầu cầu thì trông thấy một người mặc đồ trắng không đầu đang đứng đó. Họ quyết định đuổi theo con quỷ không đầu đó, cả ba cùng chạy nhưng dù có chạy nhanh thế nào cũng không bắt kịp, cuối cùng đuổi tới cái cây cổ thụ nọ thì không thấy đâu nữa.
Câu chuyện thứ hai xảy ra với ông ngoại của bạn tôi, thời đó thôn xóm chẳng mấy phát triển, không có đèn điện nên nhà nào cũng dùng đèn dầu. Đêm nọ, bà ngoại của cậu ấy vá giày dưới ánh đèn dầu, còn mẹ và các cậu các dì của cậu ấy thì ngồi làm bài tập. Lát sau thì đèn hết dầu, trong nhà lại không có sẵn dầu nên ông ngoại bèn qua nhà bác mình mượn tạm (người bác này là cô của mẹ ông ấy tức là bà cố của bạn tôi) vì trong thôn không có nơi bán dầu nên muốn mua phải đi rất xa mới mua được. Ông ngoại cậu ấy cầm cây đèn bão bước ra ngoài, nhà bác của ông ấy nằm trên quả núi đối diện, nhà hai người cách nhau một khe núi. Nói cách khác, nếu ông ngoại cậu ấy muốn đến nhà bác mình thì phải đi qua cái khe núi đó rồi lại leo lên quả núi đối diện thì mới có thể tới nơi. Ông ngoại cậu ấy vừa xuống núi bên này bèn trông thấy có hai người đang đi lên núi bên kia, bởi khoảng cách hơi xa nên nhìn không rõ, ông ngoại cậu ấy còn cho rằng là người cùng thôn nên tính chạy qua bắt chuyện. Đến khi ông ngoại cậu ấy sắp đuổi kịp thì thấy rõ ràng hai người đó mặc áo liệm (áo mặc cho người chết) dành cho địa chủ thời cũ, hơn nữa đầu lại đội mũ cao, cử động lắc lư và thường hay va vào nhau giống như bị say rượu, trong tay của một người trong đó còn cầm cả đèn lồng. Ông ngoại bạn tôi cảm thấy không ổn, cho rằng đó không phải người nên bèn di chuyển chậm lại, không dám lớn tiếng sợ bị phát hiện. Sau khi đi tới khu vực đất bằng thì không thấy hai người kia đâu nữa, ông ngoại bạn tôi sợ tới mức vã mồ hôi hột, không dám dừng lại lâu bèn chạy nhanh tới nhà bác, song mới bước chưa được mấy bước thì bị rơi xuống một cái giếng bỏ hoang (thời đó trong thôn hay có những cái giếng như này chuyên dùng để tưới tiêu), lạ là bên trong giếng toàn là đá tảng. Ông ngoại bạn tôi va vào đá, bị gãy chân nên không bò lên được, cuối cùng cậu của bạn tôi (tức em trai của mẹ cậu ấy) đợi mãi không thấy bố mình đâu bèn đi tìm, tìm được rồi thì tìm cách kéo bố lên. Kết quả là ngay cả dầu cũng không mượn nữa mà về thẳng nhà.
Câu chuyện thứ ba có liên quan đến một người bạn ở Giao Châu (Thanh Đảo). Thanh Đảo là nơi có rất nhiều đập chứa nước, có làng thậm chí có tới tận hai, ba con đập. Cứ hè về là lũ trẻ trong thôn lại háo hức ra đó nghịch nước. Quê cậu ta cũng có một cái. Năm nọ, có mấy đứa trẻ tới đó chơi, kết quả có một đứa bất cẩn rơi xuống đập và chết chìm, những đứa còn lại đều sợ hãi chạy về cầu cứu người lớn. Đến khi phụ huynh của đứa trẻ kia tới nơi thì bóng dáng của đứa trẻ đã không còn trong con đập nữa.
Bởi Thanh Đảo thắt rất chặt kế hoạch hóa gia đình nên đứa trẻ này là con một trong nhà, phụ huynh khóc lóc thảm thiết nói rằng sống phải thấy người, chết phải thấy xác. Sau đó bỏ tiền ra thuê một đội vớt xác, tới tối mịt rồi mà cả đội vẫn chưa phát hiện ra thi thể của đứa trẻ, hôm sau lại tiếp tục lần mò nhưng kết quả chẳng hề thay đổi. Thế rồi bất kể gia chủ có trả thêm bao nhiêu tiền, đội vớt xác cũng không làm tiếp nữa.
Người trong thôn thấy vậy bèn sinh lòng thương cảm, những ai biết bơi đều xuống tìm giúp. Trời đã tối mịt nhưng vẫn không có kết quả, cuối cùng mọi người bảo rằng hay là tìm cụ XXX để hỏi thử xem sao. Có người đến nhà vời ông cụ tới con đập, sau khi quan sát, cụ bảo rằng lúc đứa trẻ chết không mặc quần áo, giờ nhiều người mò vớt quá nên thằng bé ngại không dám lộ diện, sau đó ông cụ bảo bố mẹ đứa trẻ ném quần áo của nó xuống nước. Quần áo trôi nổi một hồi trên mặt nước rồi cố định ở một vị trí, xong ông cụ bảo rằng hãy tới vị trí đó mà vớt thằng bé lên. Thật không ngờ, xác đứa trẻ đang ở ngay dưới bộ quần áo đó.
Trước khi về nhà, ông cụ còn nói rằng trong vòng ba năm tới, con đập này còn muốn "ăn" thêm năm người nữa, căn dặn mọi người đừng tới đây chơi. Quả y thế, chưa tới ba năm nhưng trong thôn đã có hai người vong mạng, trẻ con cũng chẳng dám tới đó chơi đùa nữa.
3. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện mà mẹ tôi đã trải qua. Mẹ tôi có một anh và một chị, họ ở trong thôn còn mẹ thì ở ngoài thôi, thường thì mẹ tôi sẽ tới nhà anh chị (tức là cậu dì của tôi) chơi.
Tối nọ, mẹ ở nhà dì tôi hơi muộn, tầm 10 giờ tối mới về. Quê mà, 10 giờ đã là khuya lắm rồi, chẳng ai mở đèn nữa, mà mẹ cũng không mang theo đèn pin. Mẹ về nhà theo đường đường sắt, nương theo ánh trăng yếu ớt và ánh đèn tín hiệu của đường ray. Đường sắt trống trải chẳng có ai, phụ nữ đi một mình giữa đêm khuya thanh vắng, ai mà chả sợ, nhưng vì phải về nhà nên kiên trì bước tiếp.
Đi được một chặp, mẹ bỗng trông thấy phía trước có bóng dáng ai đó, nửa người trên màu trắng, nửa người dưới không nhìn thấy rõ. Mẹ nghĩ chắc là chú hàng xóm gần đó bởi tối ông ấy thường hay đi đánh bài. Mẹ gọi to tên của chú ấy nhưng không có câu trả lời, mẹ lại gọi thêm vài lần nữa song vẫn chẳng ai đáp lại. Mẹ cũng không nghĩ gì nhiều, tưởng đối phương không nghe thấy nên chạy tới, nhưng dù mẹ chạy thế nào cũng không đuổi kịp chú ấy. Tới khi đến được vị trí mà "người kia" vừa đứng lúc nãy song không thấy ai cả, lúc này mẹ mới biết có lẽ rằng đã gặp phải thứ gì không sạch sẽ, lòng bèn dấy lên cảm giác sợ hãi. Nhưng sau đó mẹ đã lấy lại được tinh thần, tự cỗ vũ chính mình rồi tức tốc chạy về nhà, vừa về tới nhà thì đóng sập cửa lại, đầu đổ đầy mồ hôi. Kể từ đó, có một khoảng thời gian rất dài mẹ không ra ngoài vào buổi tối nữa, trừ phi dẫn tôi theo hoặc có bố đi cùng.