Tối hôm Chu Minh Khải trở lại thủ đô, mảnh đất vốn mấy năm chưa từng có tuyết nay lại hạ xuống cơn mưa tuyết lớn đầu tiên. Khoảng hơn tám giờ tối, hoa tuyết bay lả tả giăng kín cả không gian.
Tại thư phòng, Chu Minh Khải đang bận làm việc, còn tôi đứng trên ban công ngắm tuyết bay.
Đây là trận tuyết lớn giống Liễu thành nhất mà tôi thấy kể từ khi đến thủ đô trong nhiều năm qua, hỗn độn và dữ dội.
Tuyết ở thủ đô không thường xuyên, tuyết lớn thế này đã là khó gặp, chắc phải năm, sáu năm mới xuất hiện một lần. Khác với Liễu thành, vừa vào đông là có tuyết rơi xuống, giống như không nhuộm trắng thế giới thì không ngừng được vậy.
Thực vật duy nhất trên ban công chính là cây xương rồng trước đây tôi trồng. Nó đã bắt đầu khô héo, bị tuyết bao trùm hơn nửa, có lẽ nó cũng không sống được tới mùa xuân sang năm. Đoán chừng, chắc nó sẽ tan biến cùng với tôi.
Tới tận hơn mười một giờ đêm, Chu Minh Khải mới đi ra từ thư phòng rồi đứng ngắm cảnh trên ban công. Dưới bóng đêm, các công trình kiến trúc đã phủ một tấm màn trắng xóa.
Tôi nhìn xương rồng, Chu Minh Khải dựa vào lan can hút thuốc. Hơi thở của hắn hết sức rõ ràng trong cái giá buốt băng lãnh của thời tiết. Từng vòng khói tan lẫn trong tuyết, khiến tôi nhớ lại sân patin vào rất nhiều năm trước, vòng khói hình trái tim của Chu Minh Khải làm nhóm người chúng tôi kinh ngạc không thôi.
Chu Minh Khải liên tục hút nửa bao thuốc lá, không hề bận tâm tới việc mình vừa xuất viện, hút thuốc như thể không còn cơ hội hút nữa ấy.
Mãi cho đến khi hết thuốc lá, hắn mới quay người vào trong phòng.
Thời điểm ở một mình thường không có việc gì để làm, Chu Minh Khải bật TV, vẫn đang tiếp tục phát đĩa video chưa lấy ra từ lần trước, chiếu bộ phim ‘Bá vương biệt cơ’. Hắn cũng không xem, chỉ mở ra rồi đến thư phòng. Nhưng hắn lại chỉnh âm lượng rất lớn, các đoạn đối thoại trong phim vang khắp căn phòng.
Gần tới mười hai giờ, Chu Minh Khải cầm áo khoác và khăn quàng cổ ra ngoài, tôi theo sau. Hắn rời khỏi căn hộ rồi đi thẳng đến phố chợ đêm. Vào tầm này, nơi đó vẫn rất náo nhiệt. Tuyết lớn khó gặp càng khiến người thủ đô thêm hưng phấn.
Trước đây Chu Minh Khải rất ít khi ăn hàng quán lề đường, luôn luôn lo lắng về vấn đề vệ sinh. Tôi thích ăn, nhưng hắn chưa bao giờ nhường tôi. Mình không ăn cũng chẳng cho tôi ăn. Hiện tại, hắn chọn một quán hoành thánh ven đường, gọi một bát hoành thánh.
Có một chiếc ô đỏ rất lớn che lên quầy hàng, có thể bày được ba cái bàn phía dưới, chỗ bên cạnh thì có thể bị dính phải tuyết rơi lất phất.
Vị trí của Chu Minh Khải gần sát bên trong, dựa vào quầy hàng. Gió lùa yếu hơn không ít, tuyết cũng không bay vào.
Chu Minh Khải cúi đầu lặng lẽ ăn hoành thánh, một thân hàng hiệu chất lượng cao trên người không phù hợp với nơi này cho lắm. Cặp tình nhân đối diện hắn xoi mói bình phẩm, phần lớn là vài vấn đề không liên quan.
Tiệm CD bên cạnh đang bật nhạc, là những bài tiếng Quảng Đông mà người thế hệ trước yêu thích, từ “Im lặng là vàng” đến “Năm tháng huy hoàng”(1). Đa số mấy bài hát vàng xưa cũ của Hongkong đều được phát. Bài cuối cùng là “Phiêu tuyết” của Trần Tuệ Nhàn, rất hợp hoàn cảnh.
(1) “Im lặng là vàng” là bản song ca của Trương Quốc Vinh và Hứa Quan Kiệt, phát hành năm 1988. “Năm tháng huy hoàng” của nhóm nhạc Beyond được phát hành năm 1990, viết về lãnh tụ Nelson Mandela. (Baidu)
Đây là bài hát mẹ tôi thích nhất khi còn sống, thường dùng để giục tôi rời giường, thành nhạc nền xuyên suốt rất nhiều hồi ức của tôi về bà. Khúc nhạc dạo vừa vang lên, gần như tôi sẽ nhớ tới gương mặt bà, nhớ tới sủi cảo bà gói, nhớ tới chậu lan quân tử bà trồng ở ban công.
Sau đó, nhớ nhiều hơn nữa, là dáng vẻ bà đứng tưới hoa trên ban công, quay đầu cười với tôi, nói “Gia Dương con đã về nhà rồi”.
Tại sao tình thâm kia vẫn mãi nồng nàn
Cô độc vượt qua những năm tháng hồi ức
Có lẽ cả đời này em sẽ không hiểu.
Lại lần nữa nhớ đến anh
Nhớ cái ôm giữa tuyết trắng bay
Khiến lòng anh ấm áp
Xua tan đi giá buốt trong em.
Gió lạnh thúc em tỉnh
Thì ra ở bên anh chỉ là một giấc mộng.
Giọt lệ rơi xuống, tựa hạt tuyết bay nhẹ.
Tôi nghe nhạc, nhìn Chu Minh Khải ăn hơn nửa bát hoành thánh. Hắn ăn xong cũng không lập tức trả tiền rời đi, mà tiếp tục ngồi yên lặng, ánh mắt rơi trên cửa hàng CD kia. Có thể là một loại ăn ý nào đó khó giải thích được, hắn nghe rất nhập thần, lộ ra vẻ mặt đau buồn.
Lúc Chu Minh Khải đứng dậy rời đi, nhạc đã đổi thành một bài tiếng Quảng Đông tôi chưa nghe bao giờ. Chu Minh Khải cũng không quay đầu lại, bước thẳng về hướng khu chung cư, trên tóc lưu không ít tuyết.
Không hiểu sao, tôi đột nhiên có chút nhẹ lòng, như chính lời bài hát, gió lạnh thúc tôi tỉnh, thì ra ở bên anh chỉ là một giấc mộng.
Nếu đó là một giấc mộng, bạn sẽ muốn để mình tỉnh lại, dù sao con người không thể luôn sống trong mộng được.
Gió lạnh thúc tôi tỉnh, thì ra ở bên anh chỉ là một giấc mộng.
Sau khi trở lại căn hộ, Chu Minh Khải vỗ rơi tuyết trên người, ném áo khoác lên ghế sofa rồi tiến vào buồng tắm. Hắn tắm rửa sạch sẽ, thay đồ ngủ mới đi ra. Vài viên thuốc ngủ trôi theo nước xuống bụng, sau đó hắn đặt cốc nước lên chiếc bàn cạnh giường, đắp chăn đi ngủ.
Có lẽ là bởi bài hát quen thuộc kia, bây giờ tôi nhớ mẹ tôi vô cùng. Con người chính là như vậy, khổ sở, đau thương, đều sẽ nhớ đến mẹ. Dẫu đó là việc vô bổ, nhưng ít nhất có thể bám víu vào tình yêu thuần khiết nhất giữa người thân để an ủi bản thân mình.
Tất cả bắt đầu lệch khỏi quỹ đạo vào thời điểm nào?
Bắt đầu học kỳ tiếp theo của lớp 11, tôi đã mơ hồ cảm thấy bầu không khí trong nhà đang dần thay đổi. Không còn coi đối phương như người thân mật gắn bó nữa, mỗi người đều giấu giếm tâm sự và bí mật của riêng mình.
Kỳ thực, rất nhiều chuyện đã sớm có thể dự đoán được, nhưng người tắm mình trong hạnh phúc lâu ngày thường quá mức trì độn, nên họ có một niềm tin mù quáng, tin rằng rất nhiều thứ kiên cố không thể phá vỡ. Thực chất chẳng qua là gương vỡ được dán băng dính, đặt ở trong lòng bàn tay, nắm quá lỏng thì sẽ vụn nát chảy máu đầm đìa, nắm quá chặt, sẽ càng vụn nát hơn, nỗi đau từ tay xuyên thấu trái tim.
Sau hôm khai giảng lớp 12, mẹ và cha tôi cãi nhau rất ác liệt, vì cha tôi lại biến mất suốt kỳ nghỉ đông. Đúng, nghỉ đông, ngay cả dịp Tết cũng chưa từng về nhà, chỉ gọi cho tôi một cuộc điện thoại vào tối giao thừa, nói ông ấy đến thủ đô tham gia triển lãm tranh của một hoạ sĩ nổi danh.
Tôi không biết triển lãm tranh gì mà thời gian về nhà ăn tết cũng không có, nên tôi rất tức giận cúp điện thoại của ông. Từ nhỏ đến lớn, đây là lần đầu tiên tôi cúp điện thoại của cha tôi. Trước đây tôi chưa bao giờ tức giận như thế.
Đêm giao thừa mẹ tôi gói sáu loại sủi cảo, chờ cha tôi về nhà, song ông chưa từng trở về. Ở nhà tôi, kỳ thực người chân chính thích ăn sủi cảo chỉ có cha tôi, nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào, ông đã không thường xuyên ăn cơm ở nhà nữa.
Trong cơn giận dữ, mẹ tôi đổ cả bàn sủi cảo vào thùng rác, hoàn toàn quên mất rằng cả ngày nay tôi và bà đều chưa ăn gì.
Cha tôi trở về vào ngày sau buổi khai giảng. Tôi đến trường, vui vẻ phấn khởi vì tôi và Chu Minh Khải vẫn có thể tiếp tục làm bạn cùng bàn. Về đến nhà, tôi phát hiện bọn họ đang cãi nhau banh nóc.
Thật ra chỉ là mẹ tôi đơn phương tranh cãi.
Cha tôi là hoạ sĩ, trong xương có cái mà nhà nghệ thuật gọi là khí khái và phong độ. Cho tới bây giờ ông vẫn luôn khinh thường việc cãi nhau với phụ nữ, chỉ ngồi trong phòng khách xem một tập tranh vẽ, vận dụng trôi chảy kỹ năng “không để ý” này.
Điều hận nhất khi cãi nhau, có lẽ chính là không để ý.
Bạn nói khàn cả giọng, đối phương lại không hề để ý chút nào. Bạn dùng hết sức lực để biểu đạt bất mãn và oan ức, dùng đủ mọi phương thức không mấy vẻ vang, buông xuống sự kiên trì của chính mình, nhưng đến một ánh mắt từ đối phương cũng không nhận được. Nó chỉ tỏ rõ sự xem thường và phớt lờ của đối phương. Bạn không chỉ không ở trong lòng người đó, mà thậm chí còn chẳng tồn tại trong mắt.
Tôi nhớ kết thúc của đợt cãi nhau lần đó là, cha tôi vào phòng vẽ, mẹ tôi đóng sập cửa rời đi, còn tôi một mình thu dọn bát đũa cốc chén hoặc là mấy đồ vật linh tinh như điều khiển từ xa bị mẹ tôi đập trong phòng khách.
Tôi dọn nhà xong liền đi ra ngoài muốn giải sầu, bất tri bất giác đi tới dưới nhà Chu Minh Khải. Nhà hắn ở tầng hai. Cửa sổ phòng hắn đối diện thảm cỏ khu chung cư, tôi đứng trên bãi cỏ gọi tên hắn.
Chu Minh Khải không nghe thấy, trái lại, là mẹ hắn nghe được. Vào lúc ấy, mẹ Chu vẫn đối xử với tôi rất tốt, vì tôi chỉ là bạn học của con trai bà mà thôi. Bà thấy tôi bèn bảo tôi vào ngồi, tôi chỉ nhờ bà gọi Chu Minh Khải ra giúp tôi.
Giữa khu nhà tôi và khu nhà Chu Minh Khải có không ít kiến trúc cổ, có lầu gác màu son, có hành lang bằng gỗ, còn có mái hiên tránh mưa.
Chu Minh Khải dẫn tôi tới hành lang ấy, có một chiếc ghế tựa dài tróc sơn, hắn đặt áo khoác lên trên ghế.