Vương Đình Chi nằm trên boong, hai mắt nhắm nghiền, hôn mê bất tỉnh.
Vương Thê Nu vừa lên tới liền cởi áo của anh ta ra cho thoáng khí, để cho anh ta nằm thẳng, đệm bụng cao lên, mặt hướng xuống, ấn ngực anh ta.
Sau mấy lần, có nước trong miệng mũi chảy ra, đợi chảy hết rồi lại tiếp tục dùng sức vỗ mặt anh ta, ấn ngực anh ta.
Hộ vệ cũng gọi Vương công tử liên hồi.
Đây là kinh nghiệm chữa đuối nước khi cứu lên.
Phương pháp này trước đây đã cứu sống rất nhiều người, nhưng lần này, Vương công tử lại không có chút phản ứng nào.
Tô Tuyết Chí đẩy mấy hành khách đang chắn đằng trước vây xem náo nhiệt ra, chạy nhanh tới, đuổi tất cả hộ vệ và mọi người đi, ngồi xuống nói:
– Tam đương gia, cháu từng được học phương pháp chữa nghẹt thở, chú làm theo cách của cháu, hỗ trợ cho cháu.
Tam Đương gia gật đầu.
Tô Tuyết Chí đúng là gần đây có đọc về phần giới thiệu hô hấp nhân tạo và điều trị thở bằng lồng ngực trong một cuốn sách hướng dẫn chẩn đoán và điều trị thực hành gần đây.
Nguyên lý của hồi sinh tim phổi cũng giống như thao tác cơ bản, nhưng tính khoa học chính xác của thao tác cụ thể dĩ nhiên không thể nào so sánh với CPR được.
Tô Tuyết Chí lập tức dạy ông phương pháp hồi sinh tim phổi CPR kép tiêu chuẩn, yêu cầu ông ấn ngực với tần suất riêng, cô phụ trách mở đường khóa hô hấp, thổi khí và quan sát sự biến hóa ở động mạch và con ngươi của Vương công tử.
Cứ như thế phối hợp lẫn nhau lặp lại nhiều lần, cuối cùng, mí mắt của Vương công tử đã hấp háy, đã khôi phục hơi thở tự chủ được.
Lát sau, anh ta từ từ mở mắt, giọng khàn khàn, lẩm bẩm:
– Đây là đâu, sao mình cứ có cảm giác có người thổi khí vào miệng mình….
Hộ vệ mừng rỡ:
– Tứ gia xem kia, công tử tỉnh rồi, tỉnh rồi.
Anh ấy không sao rồi.
Tô Tuyết Chí ngẩng đầu lên, nhìn thấy Tứ gia phía đối diện hàng lông mày vốn nặng nề lập tức giãn ra, liếc nhìn mình, ngay sau đó phân phó mọi người đưa Vương công tử đi lên nghỉ ngơi.
Cô đứng lên, quay nhanh người đi đưa tay lên chùi miệng.
Vừa rồi vì quá cấp bách, cũng không kịp tìm vải xô để chắn, chỉ có thể như vậy, lau miệng xong, sực nhớ tới một chuyện đi tới nói với Vương Nê Thu:
– Tam đương gia, chú hãy nhớ mấy điểm quan trọng vừa rồi, rất quan trọng để cứu người ạ.
Về sau nếu gặp ai bị đuối nước và bế khí thì cứ làm theo phương pháp này, có lẽ tốt hơn phương pháp cũ của chú ạ.
Vương Nê Thu tận mắt nhìn thấy cho nên vô cùng tin tưởng, gật đầu ghi nhớ, lại khen:
– Tô thiếu gia, cậu vừa thông minh lại can đảm.
Có thể nói là trên thông thiên văn, dưới rành địa lý đó.
Tô Tuyết Chí cười nói:
– Tam đương gia mới là anh hùng hào kiệt ạ.
Hôm nay chú còn cứu cháu, cháu còn chưa cảm ơn chú nữa.
Thái độ công tử nhà họ Tô hòa nhã như vậy làm cho Vương Nê Thu vừa mừng vừa bất ngờ, xua tay liên tục:
– Tô thiếu gia khách sáo rồi, tôi có là anh hùng gì đâu, chút việc cứu người dưới nước chỉ là tài mọn thôi.
Tô Tuyết Chí đang nói chuyện, qua khóe mắt thoáng thấy Tứ gia hình như đi tới bên này, vừa hay Tô Trung ở đầu khác đang nhìn mình như có lời muốn nói, vì vậy xoay người đi tới chỗ ông.
Tứ gia dừng lại, hỏi tên tuổi của Vương Nê Thu, cảm ơn ông.
Anh mỉm cười, giọng chân thành.
Chuyến đi này của Tam đương gia Thủy hội Vương Nê Thu lẽ ra không lộ mặt trước mặt người nhà họ Tô, ngày mai, chờ qua khu vực thượng du cuối cùng, thuyền tiến vào tỉnh ngoài, thủy đạo tương đối an toàn rồi thì ông sẽ quay về, nhưng không ngờ hôm nay lại gặp phải chuyện bất ngờ ngay chỗ thủy vực tiếp giáp hai tỉnh.
Sở dĩ ông ra mặt cứu Tô thiếu gia thoát khỏi hiểm cảnh vì đây là chuyện ông phải làm.
Mà vừa rồi mạo hiểm quyết định xuống nước hỗ trợ, nói thật, ngoài việc biết thiếu gia nhà họ Tô có quan hệ thân thiết với nhóm người ở tầng trên cùng ra, trong lòng ông cũng có phần bị sự táo bạo và gan dạ của vị “Tứ gia” kia thuyết phục, lòng dũng cảm, sự kiên định đối mặt với lâm nguy mà không sợ, tuyệt đối không phải người tầm thường có thể làm được.
Bây giờ mọi người đều đã lên bờ rồi, người sắp chết đuối cũng nhờ vào phương pháp cứu chữa của Tô thiếu gia mà đã tỉnh, cũng coi như có kinh hãi nhưng không có nguy hiểm, thấy vị Tứ gia này đến cảm ơn thì cũng chỉ nói chút lai lịch, chỉ nói là người của Thủy Hội Trịnh Long Vương.
Đang nói chuyện, thấy một bên đùi trái của đối phương máu nhuộm đỏ thẫm cả y phục, màu hòa lẫn nước, không ngừng nhỏ dọc xuống, biết có lẽ vừa rồi anh ở dưới nước bị mảnh san hô sắc bén cắt trúng, nói:
– Xin Tứ gia đi trị thương trước, sức khỏe quan trọng hơn.
Nói xong ôm quyền, xoay người mà đi.
Tứ gia cũng không giữ lại, nhìn theo bóng lưng của ông, cho đến khi đối phương biến mất trong lối đi cuối trên boong mới đưa tay bám vào cánh tay của anh Báo đứng bên cạnh, thấp giọng nói:
– Đỡ tôi lên.
Anh Báo nhìn thấy trán Tứ gia phủ một lớp nước mỏng, không biết là mồ hôi hay là nước chưa khô, lòng bàn tay lạnh ngắt, cả người nhìn như không còn sức lực, nói như đã mất hơi, sợ là mất máu quá nhiều, không chịu đựng nổi nữa thì vội đỡ lên.
Lên chỗ ở, ngồi xuống, nâng chân Tứ gia lên đặt lên một chiếc ghế, xé gấu quần ra, vết thương ở đùi dài hơn một thước lộ ra, mảng da lật cả ra ngoài.
Ngâm dưới nước lâu như thế, máu vẫn còn đang chảy.
Tứ gia cúi đầu, dùng mảnh khăn đưa tới đè lên vết thương, tạm thời cầm máu.
Thím Vương từ chỗ Vương Đình Chi tới, thấy vậy thì hoảng loạn đi lấy nước ấm.
– Thầy thuốc trên thuyền còn chưa tới à?
Anh Báo thấy Tứ gia xử lý vết thương qua loa, cả người dựa vào lưng ghế, hơi nhắm mắt, thần sắc suy sụp thì trong lòng sốt ruột lo lắng, hỏi thủ hạ ở bên ngoài.
Bên ngoài có tiếng bước chân.
Kinh lý và Tư vụ trên thuyền vội vã chạy tới.
– Thầy thuốc đâu?
Kinh lý lấy khăn ra lau mồ hôi, lắp bắp đáp:
– Không…không có thầy thuốc…
– Cái gì?
Tư vụ vội giải thích, ban đầu theo quy định của thuyền thì bắt buộc phải bố trí thầy thuốc trên thuyền, nhưng sau đó dù sao cũng không có chuyện gì xảy ra, thuyền ti đề xuất cắt giảm thầy thuốc đi theo thuyền nhằm tiết kiệm chi phí.
Anh Báo quay đầu lại nhìn một cái.
Chiếc khăn đè lên vết thương kia chỉ trong chốc lát đã nhuộm máu đỏ sẫm.
Vết thương như vậy, không xử lý khâu lại thì không thể cầm máu được, chứ đừng nói là lành lại.
Nếu máu vẫn cứ tiếp tục chảy, chỉ sợ sẽ không chịu được nữa.
Anh ta lập tức hỏi thăm gần đây có nơi nào dừng lại được không, khi biết nhanh nhất tối mai mới có thể đến đó thì mặt tái nhợt đi.
Kinh lý tận mắt nhìn thấy người này chĩa súng vào đầu thủy thủ chút nữa thì nổ súng, kinh hồn bạt vía, không biết làm gì khác ngoài khom người xin lỗi liên tục.
Tứ gia bỗng mở mắt ra nói:
– Báo, cậu gọi thím Vương mang rượu mạnh và kim khâu tới xử lý đi.
Thím Vương vừa bưng nước ấm vội vã đi vào nghe thế la lên:
– Không phải có Diệp công tử à? Cậu ta nói có học phẫu thuật gì đó ở Nhật Bản.
Mời Diệp công tử tới đi.
…..
Tô Tuyết Chí bị Tô Trung kéo ra một góc nói chuyện.
Ý là nhóm Tứ gia nhìn rất nguy hiểm, hành trình này mới chỉ đi được một nửa, lại để hai vị thiếu gia ở cùng với họ, ông thật lòng không yên tâm.
Tô Trung không giấu được vẻ lo lắng trên mặt.
Vị quản sự già chỉ muốn tốt cho mình thôi.
Hơn nữa, lo lắng của ông cũng có lý.
Tô Tuyết Chí suy nghĩ một chút, nói:
– Để cháu lên xem anh họ đang làm gì, sau đó tìm cơ hội nói với họ, nói Vương công tử và Tứ gia cần tĩnh dưỡng, chúng cháu không làm phiền họ nữa.
Dù cho có bị mấy người Tứ gia đoán được họ tìm cớ tránh họa thì cũng đành kệ thôi.
Dẫu sao thì chỉ đồng hành cùng nhau có vài ngày, sau này cũng chẳng bao giờ gặp lại nữa.
Tô Tuyết Chí trở lại tầng trên cùng.
Xảy ra nhiều chuyện như vậy, hiện tại đã chạng vạng tối.
Cô gặp anh họ mình đang ngáp dài đi ra, nhìn thấy cô thì hỏi:
– Tuyết Chí, em đi đâu thế? Giờ cơm rồi, sao không thấy thím Vương ở bếp nhỉ?
Cả thuyền bị nhốn nháo cả một ngày, anh ta lại ngủ ngon lành đến bây giờ mới tỉnh, mở miệng là đòi ăn.
Tô Tuyết Chí đẩy anh ta vào phòng, đóng cửa lại, kể lại chuyện vừa xảy ra cho anh ta nghe.
Diệp Hiền Tề thật sự có nằm mơ cũng không nghĩ mình say rượu ngủ một giấc dậy lại có nhiều chuyện xảy ra như thế, giật mình nhảy dựng lên:
– Cái gì? Tứ gia bị ám sát? Vương công tử bị rơi xuống sông? Họ bây giờ thế nào rồi?
Tô Tuyết Chí nói:
– Vương công tử nghỉ ngơi chút thì sẽ không sao.
Tứ gia chắc cũng không đáng ngại, lúc lên thuyền, em có thấy phía dưới có một phòng y tế…
Còn chưa nói hết đã nghe tiếng đập cửa rầm rầm.
Tô Tuyết Chí đi ra mở cửa, thấy là hộ vệ đến tìm Diệp Hiền Tề:
– Diệp công tử, có chuyện muốn nhờ đến anh.
– Tứ gia bị thương, trên thuyền không có thầy thuốc.
…..
Diệp Hiền Tề đi vào phòng.
Khi anh ta lấy ra chiếc khăn cầm máu kia, hai mắt nhìn chăm chăm vào vết thương vừa dài vừa sâu, mặt trắng bệch, cũng không hề kém so với Tứ gia bị thương chảy máu nhiều đến tái nhợt.
Thím Vương cầm khay đứng chờ bên cạnh anh ta, trên khay là rượu mạnh để rửa vết thương và kim may vá.
– Diệp công tử, làm phiền cậu nhanh một chút.
Anh Báo thấy anh ta cứ đứng bất động, mà sắc mặt Tứ gia thì càng lúc càng tái đi, máu ở vết thương vẫn nhuộm đỏ, thật sự là lo lắng vô cùng, không kìm nén được mở miệng thúc giục.
Diệp Hiền Tề run rẩy, trong những ánh mắt tha thiết chờ mong kia đưa tay cầm kim lên.
Nhưng có lẽ là ngón tay quá trơn, giữ nó nhiều lần mới miễn cưỡng cầm chắc được, tay run rẩy đưa tới chỗ vết thương của Tứ gia, cuối cùng khi sắp chạm phải thì đột ngột anh ta như bị kim đâm lui về sau một bước, buông cây kim xuống, mặt như đưa đám nói:
– Tôi nói thật, những gì tôi nói là học y ở Nhật Bản đều là nói dối.
Tôi qua đó học y, nhưng học được mấy tháng thì bỏ học.
Mọi người tìm người khác đi, tôi thật sự không làm được.
Tứ gia vốn dựa vào ghế, hai mắt khép hờ, tinh thần sắp không chống đỡ nổi, giờ phút này ngước lên nhìn anh ta, tỏ vẻ khá kinh ngạc, nhưng không hề nói gì.
Những người còn lại trong phòng lại không hề bình tĩnh được như anh.
Thím Vương thất vọng tràn trề:
– Ôi, cậu là đồ lừa gạt à?
Anh Báo cố nén cơn phẫn nộ:
– Cậu nói gì? Cậu không làm được?
Diệp Hiền Tề vốn đã sợ anh ta rồi, thấy anh ta nổi giận thì lật đật lui về sau, xin lỗi liên miệng.
Tứ gia đột nhiên nói:
– Thôi.
Anh vừa lên tiếng, trong phòng liền yên tĩnh lại, mọi người quay lại, thấy anh đưa tay lên xoa mi tâm, quay sang thím Vương nói:
– Thím Vương, thím làm đi.
Sắc mặt thím Vương cũng biến đổi, xua tay lia lịa:
– Tứ gia, tôi sao mà làm được? Tôi chỉ biết khâu áo rách, nào biết khâu vết thương đâu.
Tứ gia một tay vịn lên tay ghế, chống thân thể, cười:
– Thím cứ coi như áo rách đi.
– Tứ gia, tôi không làm được đâu, tôi sợ khâu không chuẩn…
– Khâu chỗ rách lại, cầm máu trước.
So với họ, thím thích hợp nhất.
Thím Vương cuối cùng nghiêm trang đồng ý, lấy hết toàn bộ can đảm, cầm kim lên, run rẩy đưa đến gần vết thương.
– Tứ gia, tôi…tôi…- Tay bà run lên cầm cập.
Tứ gia mỉm cười khích lệ nói:
– Cháu không đau đâu.
– Chờ chút!
Tô Tuyết Chí vừa rồi đi theo đứng ở bên ngoài, lúc này không thể nhìn nổi nữa.
Trong ánh nhìn khó hiểu của mọi người, đi vào.
– Để cháu làm cho.
– Cô nói, – Cháu từng học y hai năm, cũng từng học cái này.
Thực ra thì cô chỉ có kinh nghiệm xử lý vết thương cho người chết thôi.
Cô từng khâu lại tất cả những vết cắt giải phẫu.
Tuy nhiên, xuất phát từ sự tôn trọng vật thể bị mổ xẻ, mỗi khi khâu lại cô chưa từng làm qua loa lấy lệ.
Nên như nào thì như thế đó, một kim cũng không thiếu.
Cho nên bất luận như thế nào, bàn về sự thành thạo kỹ thuật, cô chắc chắn làm tốt hơn hẳn người phụ nữ gần như giây tiếp theo sẽ ngất xỉu đi này, việc xử lý loại vết thương hở có vẻ như không làm tổn thương đến động mạch đùi này, vấn đề chắc không lớn.
Thím Vương thở phào nhẹ nhõm, buông kim xuống chạy ra, chào đón cô như chào đón Bồ tát cứu mạng vậy.
Cô bảo bà ấy đi đun nước, nấu kim chỉ trong một phần tư giờ.
Thím Vương vâng dạ liên tục.
Cô đi vào phòng tắm, sắn ống tay áo lên, dùng xà phòng rửa tay.
Lúc đang rửa tay thì ông anh họ Diệp Hiền Tề đi theo vào, mồ hôi ròng ròng, đóng cửa lại, thì thào:
– Tuyết Chí, em làm được không đấy? Em từng học cái kia ở trường y thật à?
Vẻ không tin lộ rõ trên mặt, anh ta quay đầu lại thật nhanh, liếc ra phía sau lưng.
– Không phải bảo thím Vương làm rồi à, em cần gì phải nhiều chuyện? Nhỡ không làm được, họ trách tội thì làm sao?
Tô Tuyết Chí nhìn anh ta một lúc, giơ tay đã rửa xong lên, nói:
– Mở cửa cho em!
Hết chương 9