Con cháu Trịnh gia ở bên ngoài ăn nói lung tung, chuyện này thế nào cũng phải báo cho Hoàng hậu nương nương một tiếng.
Cho nên thời điểm Trình thị cùng A Âm đi tới Trịnh gia thì Du lão phu nhân cũng không nhàn rỗi, bà dẫn theo Du Lâm Sâm tiến cung.
Đúng ra thì lão phu nhân định dẫn theo cả hai nhi tử của tam phòng, vì dù sao bọn nhỏ cũng ở tại Giang Nam suốt ba năm chưa được gặp mặt cô cô.
Ai ngờ Du Lâm An bị phụ thân kiểm tra việc học, không thông qua, bị tam lão gia Du Chính Minh hạ lệnh cấm túc, trong vòng mười ngày không cho phép bước ra khỏi phủ, ôn lại tất cả các kiến thức đã học.
Nhi tử của mình xưa nay nói một là một hai là hai, Du lão phu nhân biết sẽ không khuyên được, bất đắc dĩ chỉ đành dẫn theo mình Du Lâm Sâm.
Lúc họ vào cung, Du Hoàng hậu đang ở trong cung chuẩn bị nghỉ ngơi.
Hoàng hậu mới khỏi bệnh nên thân thể còn hay mệt mỏi, cứ cách một khoảng thời gian là phải nghỉ ngơi.
Đoàn ma ma đang hầu hạ Hoàng hậu gỡ búi tóc thì nghe cung nhân tới bẩm báo Du gia lão phu nhân cầu kiến.
Đã lâu không được gặp mẫu thân, Du Hoàng hậu rất vui mừng, lập tức truyền vào không quan tâm đến chuyện nghỉ ngơi nữa, vội vàng sửa soạn chỉnh tề, ngồi chờ mẫu thân đến.
Bởi vì nghe nói nhi tử lớn nhất của tam đệ cũng tới nên hoàng hậu sai người gọi Ký Hành Châm.
Ký Hành Châm cùng với vị biểu huynh này trước giờ quan hệ không tệ, sau khi gặp nhau lại cùng đi vào đình nghỉ mát bàn thơ ca.
Sau đó, trong điện cũng chỉ còn lại hai người Du lão phu nhân và Du Hoàng hậu.
Du lão phu nhân nhân cơ hội kể cho nữ nhi nghe về việc thiếu gia Trịnh gia.
Du Hoàng hậu lẳng lặng lắng nghe, không bộc lộ cảm xúc, cuối cùng cũng chỉ gật nhẹ đầu, nói một câu "Nữ nhi đã biết".
Du lão phu nhân lập tức nóng nảy, hạ thấp giọng nói: "Không lẽ nương nương để mặc bọn họ làm loạn sao?"
"Nếu không thì thế nào." Du Hoàng hậu khẽ xoa mi tâm thở dài: "Chẳng lẽ còn có thể vì mấy câu nói mà bắt toàn bộ những người đó sao?"
"Nhưng mà…"
"Mẫu thân không cần lo nghĩ.
Chỉ cần ta còn ở đây một ngày, bọn họ sẽ không gây ra được đại họa gì đâu, chỉ sợ …" Du Hoàng hậu dừng một chút nói tiếp: "Đến lúc ta không còn."
"Nương nương nói bậy bạ gì đó!" Lão phu nhân quát lên, mặc kệ lễ nghi tiến lên nắm tay của nữ nhi nói: "Nương nương tất nhiên có thể phúc trạch dài lâu, sống lâu trăm tuổi."
Du Hoàng hậu thản nhiên cười, kéo lão phu nhân ngồi sát bên mình, đầu tiên là than thở: "Mẫu tử chúng ta đã rất lâu rồi chưa gần gũi thế này", rồi sau đó mới nói: "Thân thể của nữ nhi, nữ nhi tự biết.
Sợ rằng không còn gắng gượng được mấy năm nữa, nên lúc này nữ nhi muốn an bài một số chuyện, còn những chuyện bên ngoài kia thì không quan trọng, trước mắt nữ nhi phải an bài thỏa đáng cho Hành Châm mới được."
Lời này giống như là di ngôn, Du lão phu nhân nhìn nữ nhi gương mặt trang điểm kỹ lưỡng cũng không giấu sự được mệt mỏi, ánh mắt nhất thời ươn ướt.
"Chỗ này đúng thật là không phải chỗ để người sống." Lão phu nhân thấp giọng nghẹn ngào: "Nếu như có thể, dù thế nào mẫu thân cũng không cho con bước vào chốn thâm cung này."
Đáng tiếc là Du gia không muốn đưa nữ nhi vào còn tiên Hoàng thì không thể không đưa nữ nhi Du gia vào.
Du lão thái gia uy chấn sa trường, chiến công hiển hách.
Tiên Hoàng làm chủ để cho Hoàng đế lúc ấy còn là thái tử cưới nữ nhi của Du gia.
Thứ nhất là tạo chỗ dựa cho thái tử, thứ hai là cũng để cho bản thân an tâm.
Du Hoàng hậu nhẹ giọng an ủi mẫu thân mấy câu, sau đó nói: "Nói đến chuyện này, ngược lại nữ nhi có một việc muốn cầu mẫu thân mong rằng người đồng ý."
"Nương nương cứ nói."
"Ta muốn chọn một nữ tử từ phủ của chúng ta gả đến Đông cung."
Nghe thấy lời này sắc mặt Du lão phu nhân thay đổi.
Du hoàng hậu biết Du lão phu nhân băn khoăn, dịu dàng nói: "Nữ nhi biết người không muốn cô nương Du gia gả vào trong cung.
Nhưng nhi tử của nữ nhi trong lòng nữ nhi hiểu rõ, tuyệt đối sẽ không có chuyện ba tâm hai ý.
Chỉ cần thái tử cưới người nào thì sẽ toàn tâm toàn ý chung sống với người đó.
Người hãy thỏa mong nguyện của nữ nhi đi."
Nói đến nhi tử, rốt cuộc Du hoàng hậu khó có thể giữ bình tĩnh ôn hòa, vành mắt đỏ lên: "Người duy nhất nữ nhi không yên tâm chính là Hành Châm.
Đứa nhỏ này lấy nữ tử nhà ai nữ nhi đều không yên lòng.
Chỉ có nữ tử trong phủ chúng ta mới có thể chăm sóc cho Hành Châm, biết quan tâm nó mới có thể cùng nó trải qua một đời được, vậy thì nữ nhi mới có thể an tâm mà ra đi.
Nữ tử gia đình nào cũng đều không được."
Đã nói đến vậy Du lão phu nhân cũng chỉ đành cảm thán.
Vừa đau lòng ngoại tôn của mình vừa đau lòng nữ nhi của mình.
Do dự một hồi lâu sau mới hỏi: "Bên Hoàng thượng có ý chỉ gì không?"
"Nữ nhi đã sớm nói với Hoàng thượng ý nghĩ của mình, Hoàng thượng đã đáp ứng." Du hoàng hậu nhẹ giọng nói: "Hoàng thượng nói cứ theo ý nữ nhi mà làm là được.
Người còn nói đáng tiếc nữ nhi của tam đệ tuổi còn quá nhỏ nếu không thì chọn con bé là thích hợp nhất."
Nhắc tới A Âm, Du lão phu nhân không che giấu được sự vui vẻ: "Tiểu nha đầu kia đúng là còn quá nhỏ.
Làm khó bệ hạ còn có thể nhớ đến con bé."
Kể ra mà nói thì thuở nhỏ lão tam làm thư đồng của bệ hạ, tình cảm của hai người cũng không tệ, vừa nhắc tới nữ tử Du gia bệ hạ liền nghĩ đến A Âm cũng là chuyện dễ hiểu.
Sau khi nói đến cháu giá nhỏ yêu quý của mình, không khí liền thoải mái hơn.
Du lão phu nhân suy nghĩ cẩn thận hồi lâu, nhớ tới mấy ngày trước Du hoàng hậu cho gọi các tôn nữ tới ngắm hoa, cuối cùng hỏi: "Nương nương vừa ý đứa nhỏ nào?"
Nói vậy chính là mẫu thân đã đồng ý.
Du hoàng hậu mừng rỡ, vội nói: "Nữ nhi nhìn trúng đại nha đầu."
Du lão phu nhân gật đầu, thì ra là Du Hàm.
Quả thật đứa nhỏ này so với Hành Châm và Thiên Tuyết cùng lứa thì trầm ổn hơn không ít.
Mặc dù số tuổi có lớn hơn nhưng cũng vì vậy mà hiểu cách quan tâm tới người khác hơn, vậy cũng tốt.
Cũng không biết lão đại ở nhà có đồng ý hay không? Dù sao Du Hàm cũng là nữ nhi duy nhất.
Đang lúc Du lão phu nhân do dự Du hoàng hậu đã nói ra toàn bộ suy tính lúc trước của mình: "Nữ nhi và bệ hạ đã bàn bạc qua, bây giờ tuổi Hành Châm còn nhỏ, chuyện nghị hôn cứ từ từ bàn tính.
Sau khi định đoạt thì viết sẵn hôn thư rồi đợi đến tuổi thích hợp thì mới công khai việc này, chuyện này như vậy là thỏa đáng rồi."
Lão phu nhân thấy nữ nhi đã an bài hết thảy đều thỏa đáng, nói vậy thì đã có ý định này từ lâu.
Nếu vậy, e rằng nữ nhi của bà đã đoán chừng thân thể này không còn bao nhiêu thời gian.
Trong lúc nhất thời Lão phu nhân hết sức sầu lo, im lặng hồi lâu không lên tiếng.
Giờ phút này Du Hoàng hậu cũng đang trầm ngâm, một lát sau cảm thấy không yên tâm lắm, muốn việc này phải nhanh chóng được giải quyết, liền nói: "Sáng mai là ngày tốt mẫu thân nếu như không có chuyện gì, thì đi một chuyến đến chùa Sơn Minh được không?"
Du lão phu nhân biết được nữ nhi gấp gáp, nên không nói chuyện mình vốn định đi bái phỏng mấy tỉ muội già của bà, chỉ nói: "Nương nương có tính toán gì thì cứ việc nói đi."
"Nữ nhi đã viết xong ngày sinh tháng đẻ của Hành Châm, vốn muốn mấy hôm nữa cho truyền mẫu thân vào cung nào biết lại đúng lúc như vậy, mới nói thì hôm nay mẫu thân đã tới rồi." Du Hoàng hậu giao vào tay lão phu nhân bên một cái hộp vuông nói: "Mẫu thân giúp nữ nhi đưa cho đại phương trượng xem thử."
Cái hộp này kiểu dáng cực kỳ tầm thường, được sơn đen kèm hoa văn như ý.
Chiếc hộp có năm ngăn, nước sơn bên trên tróc ra không ít chỗ, nhìn y như cái hộp của nhà bình thường tùy ý đặt ở góc phòng không hề gây chú ý.
Từ hôm qua sau khi nhóm nữ tử rời cung, Du hoàng hậu đã chuẩn bị ngay những thứ này đặt ở trong ngăn kéo khóa kỹ.
Mới vừa rồi nghe nói mẫu thân tới mới phân phó Đoàn ma ma lấy ra.
Lão phu nhân hiểu suy nghĩ của Du hoàng hậu nói: "Ý nương nương là cũng bỏ bát tự của đại nha đầu vào đây?"
Không cho biết là ai chỉ xem coi có phù hợp hay không là được
Du Hoàng hậu khẽ gật đầu: "Không cần cho đại sư biết là ai, chỉ cần xem có thích hợp không là được."
Nàng không để cho người của Khâm Thiên Giám xem cũng là vì muốn giữ bí mật, tránh cho chuyện còn chưa ra đâu lại bị người cản trở.
Dù sao hiện nay Trịnh Hiền phi đang rất được sủng ái, vạn nhất bị nàng biết rồi thổi gió bên tai bệ hạ chuyện này liên lụy đến triều chính này kia, lỡ bệ hạ nảy sinh chủ ý nào khác thì sao? Nếu Trịnh Hiền phi không chủ động nhắc tới chuyện này, Hoàng thượng cũng đã đáp ứng giữ bí mật thì nhất định sẽ không nói, vậy thì người của Trịnh gia tự nhiên cũng sẽ không biết.
Chuyện ngày hôm nay chỉ mấy người họ tự hiểu rõ trong lòng là được.
Lão phu nhân ngầm hiểu ý, ở trước mặt Du hoàng hậu viết ngày sinh tháng đẻ của Du Hàm, tự mình đặt vào trong hộp.
Lúc đặt vào lão phu nhân suy nghĩ thấy để bát tự của Du Hàm đè lên bát tự của Ký Hành Châm thì không tốt, liền đặt vào ngăn dưới.
Cầm hộp trong tay nói: "Nương nương yên tâm, sáng mai ta sẽ đi."
"Làm phiền mẫu thân." Du Hoàng hậu nắm tay của mẫu thân thật lâu không chịu buông ra.
Du lão phu nhân mang theo phiền muộn dẫn Du Lâm Sâm hồi phủ.
Vừa vào cửa, lão phu nhân liền nhìn thấy hai người cũng như mình mới vừa xuống xe ngựa, một người có khuôn mặt nhỏ nhắn cũng tràn đầy muộn phiền.
Nhìn thấy dáng vẻ mặt ủ mày chau của A Âm, dù trước đó Du lão phu nhân có nhiều tâm sự hơn nữa thì giờ phút này cũng tản đi năm sáu phân, không khỏi cười lên.
Hướng Du Lâm Sâm ra hiệu ý bảo đứng ra phía sau, lão phu nhân cất giọng hỏi cháu gái nhỏ: "A Âm sao vậy? Giận dỗi ai đây?"
Tâm trạng A Âm đang rất buồn bực nghe được giọng nói của tổ mẫu liền chạy tới nghênh đón, kéo tay lão thái thái nũng nịu: "Tổ mẫu, con thêu thùa thật sự không đẹp sao?"
Nhìn dáng vẻ nhỏ nhắn, mập mạp, trắng trẻo của nàng khiến người ta yêu mến không thôi.
Du lão phu nhân quyết định không nói thật: "Ai nói vậy? Tài nghệ của A Âm nhà chúng ta là tốt nhất, đẹp nhất."
"Tổ mẫu chỉ là an ủi con thôi đúng không?"
Lão phu nhân bật cười: "Con nói xem, rốt cuộc là thế nào? Có chuyện gì con cứ nói, tổ mẫu sẽ làm chủ cho con."
A Âm quay đầu lại nói với mẫu thân và đại ca một tiếng, rồi dắt tay lão phu nhân một đường đi vào trong, kể lại sự tình hôm nay đi đến Trịnh gia.
Lúc mẫu thân Trình thị đang nói chuyện cùng với người Trịnh gia, nàng cũng không tiện ở đó, được nha hoàn chỉ dẫn đi tìm Đoàn nương tử.
Khi đó lại đúng lúc Đoàn nương tử đang dạy, hướng dẫn các vị cô nương thêu một số cái đơn giản.
Sau khi Đoàn nương tử nhìn thấy nàng thì rất mừng rỡ, bởi vì đang lúc dạy, thuận tay đưa cho A Âm cái khung thêu để cho nàng thêu một một vài hoa lá cành xem thử tài nghệ của nàng hiện tại như thế nào.
A Âm uyển chuyển cự tuyệt.
Nhưng mấy vị cô nương kia không chịu buông tha nàng, bắt nàng không thêu không được.
Lúc này Đoàn nương tử mới phát hiện quyết định vừa rồi của mình có phần không ổn, liền mở lời với mấy vị cô nương Trịnh gia tạm thời gác lại khóa học để hàn huyên với A Âm.
Lúc mấy vị cô nương Trịnh gia rời đi, có người đụng ngã khuông kim chỉ, cái khuông vừa vặn bay về phía A Âm ở bên này.
A Âm sợ bị kim đâm vào người, vội vàng lui về phía sau mấy bước.
Đang gấp gáp lui về sau thì khăn tay trong tay áo không biết làm sao lại tự rơi xuống đất.
Cái khăn tay kia là nàng tự làm.
Mấy vị cô nương đó sau khi nhìn thấy thì cứ giễu cợt nàng.
Vì không muốn thua Ký Hành Châm, thường ngày A Âm học tập cầm - kỳ - thi - họa rất nghiêm túc, lại nghiêm túc học pha trà, nên quả thật thời gian luyện nữ công của nàng rất ít.
Thỉnh thoảng tự thêu thùa vài sản phẩm chỉ để giải trí thôi nhưng hôm nay lại bị chế ngạo trước mặt nhiều người như vậy, lòng nàng rất khó chịu không cách nào giải toả.
Kể xong, A Âm thở dài một hơi: "Nói đi nói lại cũng do vận khí của con quá kém.
Nếu vận khí của con tốt thì cũng sẽ không có một màn như vậy."
Du lão phu nhân buồn cười, đứa nhỏ này lúc nãy còn hỏi bà bản thân thêu thùa thế nào bây giờ đã tự khẳng định.
Lão phu nhân hỏi: "Sao lại là vận khí kém?"
"Cái kém đầu tiên là lúc cháu đi tìm Đoàn nương tử lại đúng lúc người đang giảng bài.
Cái kém thứ hai là lúc cháu lui về sau tự nhiên khăn tay lại rơi ra.
Từ nay về sau, khi ra khỏi phủ con sẽ không đem theo bất cứ đồ gì tự thêu thùa theo nữa."
Sau khi nghe A Âm nói, lão phu nhân thấy con bé không nói đến việc cái khuông ngã nhào về phía nàng là "Vận khí kém", liền hiểu ra cái khuông kia nhất định là có người cố ý xô ngã.
Lão phu nhân thấy A Âm cứ lắc đầu oán thán cũng không nói gì nữa trong lòng biết cháu gái này sẽ không đặt điều nói bậy, nên nói: "Sáng mai tổ mẫu dẫn con đi chùa dâng hương giúp con đổi vận."
A Âm vừa nghe có thể đi ra ngoài chơi, nhất thời hai mắt sáng rỡ hỏi lại: "Thật sao? Tổ mẫu nhất định phải dẫn con đi theo nha!"
"Đương nhiên rồi." Du lão phu nhân nói: "Tổ mẫu nhất định sẽ không lừa con."
Lại đi về phía trước một đoạn đường nữa A Âm mới một mình đi về Ngọc Trúc Uyển.
Còn Trình thị thì đi theo Du lão phu nhân đến Thương Bách Uyển, kể lại chuyện hôm nay đi đến Trịnh gia cho lão phu nhân nghe.
Buổi tối lúc sắp sửa tắt đèn, đột nhiên Du lão phu nhân nhớ tới chuyện A Âm oán trách mình vận khí kém liền khoác áo ngoài đứng dậy, cất giọng gọi Triệu ma ma.
Triệu ma ma vội vàng thắp đèn.
Du lão phu nhân ở phòng ngủ viết ngày sinh tháng đẻ cho cháu gái nhỏ, suy nghĩ ngày mai thời điểm gặp phương trượng đại sư cũng thuận tiện để cho đại sư xem cho A Âm luôn.
Lúc cầm cái hộp về đã bà đã cất vào cái rương gỗ ở góc phòng cái rương cũng đã khóa lại.
Buổi tối có chút lạnh Du lão phu nhân lại chỉ khoác áo ngoài, mới viết xong mấy chữ đã cảm thấy lạnh, nên cũng không tự mình đi cất mà đưa tờ giấy viết bát tự của A Âm với chìa khóa của cái rương giao cho Triệu ma ma.
Triệu ma ma cũng không biết tờ giấy mình cầm là gì cũng không biết bên trong hộp là đựng cái gì, sau khi mở hộp ra chỉ hỏi xác nhận lại: "Lão phu nhân, cái này đặt vào trong hộp là được rồi đúng không?"
Triệu ma ma đi theo lão phu nhân đã mười mấy năm, bà làm việc lão phu nhân rất yên tâm.
"Đúng vậy cứ đặt vào đó đi."
Du lão phu nhân đã buồn ngủ, giờ phút này cũng không suy nghĩ nhiều đều là bát tự của bọn nhỏ, cứ đặt hết vào đó rồi hỏi phương trượng đại sư một lượt luôn.
Triệu ma ma đáp một tiếng, theo lời cất tờ giấy của A Âm vào hộp.
Triệu ma ma hiểu được nặng nhẹ cũng không tò mò coi bên trong hộp đựng cái gì, nên chỉ thuận tay đặt tờ giấy vào ngăn đầu tiên, bát tự của A Âm lại vô tình chồng lên bát tự của Ký Hành Châm.
Tác giả có lời muốn nói:
Thái tử: ...!Tại sao ta lại bị A Âm đè...