Chiến sự Giang Nam(*)
(*) Giang Nam là một tên gọi khác chỉ vùng đất quốc thổ Biện Đường đóng đô.
Lạc Vương khởi binh từ Mi Sơn. Với sự ủng hộ của Hoàng thái hậu, mẫu thân hắn, đoàn thiết binh thu nạp lên đến gần sáu mươi vạn đại quân, thiên thời địa lợi cổ vũ nên hắn không do dự khoát long bào lên mình, tự xưng đế lấy úy hiệu là Cảnh Hành. Chỉ trong vòng một tháng, từ biên giới phía Tây, đoàn thiết binh tấn công ào ạt các thành Khương Chiết, Phí Thành, Nam Vương và An Tức. Sau đó lần lượt công chiếm thành công các thành trì lân cận, lập nên mặt trận chiến hào rộng lớn, chiếm phân nửa giang sơn Đại Đường. Thế lực Cảnh Hành đế kéo dài đến bờ sông Hàm Thủy, vì địa thế nơi này hiểm trở và khác thường nên buộc đoàn thiết binh phải dừng ở đây, chờ thời cơ vòng lên phía Bắc tấn công sâu vào lãnh thổ phía Đông của quốc vương sở tại, chính là Lý Sách.
Cả Đại Đường vô hình dung bị chia cắt thành hai vùng cứ địa với hai quân chủ khác nhau, vô cùng hung hăng và kình chống nhau đến một mất một còn. Đoàn thiết binh hừng hực khí thế của Cảnh Hành đế đến đâu dân chúng bỏ chạy tán loạn về hai đầu bờ sông Hàm Thủy bấy nhiêu. Phần đông bọn họ chạy về hướng Đông, đến Đường Kinh và biên giới Biện Đường với Đại Yến tá túc, số còn lại ẩn mình ở phía Đông Nam.
Khắp nơi Đại Đường nhà cửa tan hoang, ruộng nương bị tiêu hủy, người chết trận rải khắp chiến trường, gặp mùa dịch hoành hành nên bệnh tật khắp nơi, đa số bị lây lan từ những người dân tị nạn. Một Đại Đường phồn vinh, yên ả của những năm tháng trước giờ như một khối điêu tàn, điêu đứng.
Để cổ vũ lòng chiến sỹ và cũng khếch trương thanh thế hoàng tộc vì dù sao đây cũng là cuộc đảo chính của huynh đệ họ Lý nên Lý Sách buộc mình phải đích thân ra trận. Bao năm ẩn dật tài hoa cùng trí tuệ vô song của mình, nay Lý Sách cũng phải đem chúng ra trưng dụng để bảo vệ lãnh thổ gia tộc. Trớ trêu thay, họa đến liên hồi, một cánh hữu thiết kỵ quân hai mươi lăm ngàn người đã bị phe cánh Cảnh Hành đế chiêu mộ khiến Lý Sách lâm vào thế bị động. lao đao. Cùng đường đành phải xin viện trợ quân đội từ Đại Yến, đổi lại phải làm nước chư hầu cho vua sư tử họ Yến mãi mãi. Lý Sách cười gằn: " Chết tiệt! Họ Lý ta cũng có ngày xin xỏ cái tên mặt lạnh Yến Tuân hắn bảo vệ. Mất mặt quá! Kiều Kiều để xem phu quân của nàng có một bước lên đằng trời với ta hay không?"
Khi đại quân của Yến Tuân đến thì chiến sự hai bên huynh đệ họ Lý vừa mới bắt đầu, phần thắng đương nhiên ở phía Cảnh Hành đế. Nam nhân khoác hắc bào đen tuyền cùng đôi mày kiếm vắt ngang ngạo nghễ, đôi mắt sâu như nước biển tựa hồ không đáy, khuôn mặt tuấn tú như trời đất tạc thành, khí thế vô cùng thần võ, bức người. Lý Sách thoáng nghĩ ngợi về nam nhân trước mặt, thấm thoát đã năm năm bọn họ mới gặp lại, cũng bởi vì chiến tranh của Đại Đường hắn. Lần thứ hai hắn buộc vì quốc gia nên phải hạ mình trước tên nam nhân mà hắn xem là máu lạnh vô tình này.
" Bổn vương bái kiến Hoàng đế bệ hạ. Đa tạ người đã vượt đường xa, đến giúp đỡ Đại Đường. Ân tình này nhất định ghi tạc trong lòng. Ngày sau sẽ hồi đáp. " Lý Sách cung kính chào hỏi.
Yến Tuân không thay đổi sắc mặt, môi chỉ khẽ động đậy: " Chúng ta lại gặp nhau."
" Mời người vào trong trướng, chúng ta hãy cùng nghị sự trong này." Lý Sách chỉ vào một lều trướng lớn lộng lẫy đặt giữa nơi binh đoàn mình đang hạ trại.
Tôn Đệ, tể tướng Biện Đường đi trước mở đường, vén màn cho hai vị quốc chủ bước vào trước, sau đó lần lượt các tướng sỹ hai bên cũng vào theo, đứng hai bên vô cùng nghiêm túc và đông đủ. Lý Sách chỉ vào vị trí trung tâm bên trong cùng của trướng phủ, chỗ được phủ gấm báo quý tộc vô giá, cung kính quay về hướng Yến Tuân nói:
" Mời bệ hạ an tọa."
Yến Tuân gật đầu, đĩnh đạc bước vào chỗ ngồi, chàng khẽ nhắm mắt chậm rãi, sau đó mở ra lộ quang tinh anh, cất giọng khàn đục nhưng vô cùng uy nghiêm nhìn người bên dưới:
" Các khanh bình thân."
" Tạ ơn Yến hoàng, ngô hoàng vạn, vạn tuế."
" Các khanh có đối sách gì với phiến quân chưa?" Yến Tuân nói.
Lý Sách nhìn Tôn Đệ, Tôn Đệ bấy giờ ngầm hiểu ý liền bước đến chính diện trình bày lộ trình phản công của kỵ binh hoàng gia:
" Bẩm bệ hạ, phản quân hiện đang hạ trại ở bên kia bờ Hàm Thủy quan. Thần nghĩ bọn họ có lẽ sẽ vòng lên hướng Đông Bắc đánh vào Mộc Khê, phòng tuyến cuối cùng giáp Đường Kinh. Chúng thần mạo muội phản công chúng từ hướng đó, sau đó dồn chúng về lại biên giới, nơi đó đất đai khô cằn, lương thực thiếu thốn. Không quá mười ngày phiến quân ắt không giữ nổi thành mà đầu hàng chịu trói."
" Phiến quân đã công chiếm thành công bao nhiêu thành rồi?" Yến Tuân hỏi.
" Bẩm đã mất ... tám thành." Tôn Đệ ủ rũ đáp. Vừa dứt lời, tất cả tướng sỹ theo bên cạnh Yến Tuân chợt ồ lên kinh ngạc. Chỉ trong vòng gần một tháng mà đã mất tám thành trì. Nếu nói quân đội Cảnh Hành đế quá vũ bão quyết liệt hay đúng hơn quân Đại Đường quá nhu nhược, ý chí chiến đấu kém cỏi thậm chí kém phòng bị, ỷ mình?!
Yến Tuân vẫn giữ sắc khí như cũ, không tỏ mấy ngạc nhiên hay hoảng hốt, điều này làm Lý Sách thấy hổ thẹn vô cùng. Đại Đường do hắn dẫn dắt bao nhiêu năm, hóa ra bạc nhược đến vậy, cơ đồ họ Lý chỉ e sẽ mất trong tay tiểu tử là hắn đây.
" Phản công lại phiến quân cần bao nhiêu thời gian?" Yến Tuân lại hỏi Tôn Đệ.
" Khoảng ... khoảng sáu tháng. Có lẽ vậy."
Bấy giờ Lý Sách mới lên tiếng tiếp lời Tôn Đệ: " Bổn vương có một kế sách khác, nhưng vô cùng hiểm trở, có thể rút ngắn thời gian hơn. Chỉ là khó thực hiện được..."
Yến Tuân quay ánh mắt kiên định lên chỗ Lý Sách, tò mò hỏi: " Là như thế nào?"
" Bẩm, chính là vượt sông. Đánh úp từ hướng Tây Nam, sâu trong lãnh địa phiến quân. Mặt khác, một đội quân khác sẽ tấn công chúng ở chiến tuyến Mộc Khê. Hai mặt phản và tấn công ắt phá thành nhanh chóng, dồn chúng đến chỗ hiểm ngặt nhất. Thời gian rút ngắn xuống chỉ còn bốn tháng."
Yến Tuân nghĩ ngợi một lúc, nhìn nét mặt đăm chiêu, mày kiếm sắc bén của Yến hoàng, cả phủ trướng cũng tuyệt nhiên không hề động tĩnh, sợ phá hỏng dòng suy nghĩ bất tận ẩn chứa dưới con mắt sâu thẳm không thấy đáy kia.
" Vậy hãy qua sông!" Yến Tuân bất ngờ lên tiếng.
Lý Sách hoảng hốt, vội đứng dậy phân trần: " Bệ hạ, kế sách qua sông Hàm Thủy quá nguy hiểm, chỉ là kế tạm để dự trù nếu không thể xoay chuyển tình hình được."
Tôn Đệ cùng vài tướng sỹ Đại Đường, Đại Yến khác cũng đồng loạt lên tiếng, quỳ rạp bên dưới cầu tình Yến hoàng suy nghĩ lại.
Bắc Yến quân ngày trước hay Hắc ưng quân, cùng Đại Đường thiết kỵ binh chỉ đánh trận trên chiến trường, gió ngựa chạy lang bạt khắp thảo nguyên đồng cỏ thì nhiều, còn chiến đấu bằng thủy chiến thì chưa bao giờ xảy ra nên khó trách thập phần lo lắng và bất an như vậy.
Nhưng Yến hoàng, hắn vẫn không lay chuyển ý nghĩ táo bạo đó, Lý Sách thầm trách mình sao lúc nãy đem chuyện kia ra trình tấu với hắn làm chi. Nếu vua sư tử hắn có chuyện không hay gì, Lý Sách ta lấy đâu ra một phu quân khác đền cho nàng. Kiều Kiều ơi. Xin lỗi nàng. Ngàn lần Lý Sách ta sai rồi. Lý Sách thầm than vãn thống khổ trong lòng, nhưng người kia nào để ý đến. Hắn vẫn kiên định với quyết định táo bạo ấy, thậm chí còn vô cùng tự tin sẽ tốc chiến tốc thắng phiến quân.
" Nếu các khanh có kế sách nào toàn vẹn hơn hãy nói ta biết? Nếu không, cứ y như vậy mà làm." Yến Tuân trịnh trọng phản hồi sự khuyên can của chúng tướng sỹ một lần nữa.
Khắp trướng phủ đều phăng phắc im lặng, không một cánh tay giơ lên hay một tiếng ho khẽ.
Bấy giờ Yến Tuân mới nói tiếp kế hoạch của mình.
" Các người nghĩ chúng ta không có kinh nghiệm thủy chiến. Vậy phiến quân thì sao? Lạc Vương hắn thì khác sao? Chúng ta đều khởi điểm giống nhau, vậy bọn chúng há chiếm phần thắng trong lần vượt sông này của chúng ta hay sao?"
Vẫn không một ai chịu lên tiếng, nhưng nét mặt lo lắng của bọn họ đã giãn ra thoải mái hơn lúc nãy rất nhiều.
" Sông Hàm Thủy thời gian này khá im ắng, không bão lũ như các mùa khác nên vượt sông sẽ không trở ngại gì. Ta chỉ cần thuyền lớn đủ sức chứa binh khí lẫn tướng sỹ qua sông. Ngoài ra tuyển chọn hai ngàn người biết bơi lội, nếu là thủy quân càng tốt. Còn những chuyện khác, ta tự có sắp xếp với các người sau."
Thấy kế hoạch mạo hiểm ban đầu có vẻ khởi sắc, từng chi tiết mô tả được Yến hoàng chỉ điểm khá rõ ràng nên mọi người cũng bớt căng thẳng, liền thở phào một hơi, thầm khen ngợi tài trí quân sự tuyệt vời của người đứng đầu Đại Yến, quả là danh bất hư truyền, ánh mắt tướng sỹ Đại Đường nhìn Yến Tuân ngày một cảm kích lẫn sùng bái, kính trọng vô cùng.
Lúc này Lý Sách nở nụ cười vô cùng sảng khoái, hai mắt híp lại, ngữ khí cẩn mật nói: " Bẩm bệ hạ, thuyền chiến nhất thời không có nhưng thuyền lớn qua sông bổn vương có thể lo liệu được ngay cho người. Số người dành cho thủy quân cũng không thành vấn đề. Phải không Tôn Đệ?" Lý Sách liếc nhìn Tôn Đệ nãy giờ ngây ngốc đứng phía sau, chợt nghe quốc vương Đại Đường gọi tên mình, hắn nhất thời bối rối, miệng quán tính ừ dạ liên hồi khiến cả trướng phủ đều phá lên cười rộ. Lý Sách trêu:
" Tôn Đệ, hay bổn vương để ngươi theo Yến hoàng làm tiên phong cho lần vượt sông này, có được không?"
Tôn Đệ nhất thời cả kinh, lẩm bẩm phân trần: " Thần vô năng, chỉ sợ làm vướng tay chân của Yến hoàng, thiết nghĩ cố thủ ở mặt trận phía Đông Bắc vẫn tốt hơn. Xin Yến hoàng minh giám."
Yến Tuân cũng không giấu sự thoải mái trong lòng, hành quân viễn chinh vội vã đến đây khiến người có chút ê ẩm, chỉ sợ đến đây không làm chủ được thời cục e chiến sự thêm kéo dài hơn. Nhưng giờ có thể thoải mái được rồi. Hơn bốn tháng nửa chàng có thể trở lại đế đô rồi. Nghĩ đến đó chàng thầm vui vẻ, hai mắt sáng như sao.
" Không cần. Ba mươi vạn Hắc ưng quân của trẫm không thiếu tiên phong. Không làm phiền tể tướng Đại Đường." Yến Tuân cười nói.
Từ lúc gặp Yến hoàng đến giờ, người chưa từng nở nụ cười vui vẻ như vậy nên chúng tướng sỹ Đại Đường có phần e dè, cẩn mật. Giờ thoáng thấy sự hài lòng trên khuôn mặt nam nhân anh tuấn ấy, bọn họ bỗng thở phào nhẹ nhõm. Hi vọng lần này chiến sự mau kết thúc. Chiến sự càng lâu thì quân lính cùng bá tính Biện Đường càng thống khổ hơn ai hết. Cho nên người nói đúng, đánh nhanh thắng nhanh mới là thượng sách. Hơn nữa với tài quân sự kinh diễm như vua sử tử Bắc Yến, chỉ kịp nghe đến tên họ thôi kẻ địch cũng mười phần khiếp sợ đến bảy tám phần, như vậy bọn họ há chẳng phải chiếm thế thượng phong hay sao?
Yến Tuân cùng đoàn kỵ binh của mình hạ trại tạm thời gần doanh trướng Lý Sách mười dặm. Đến tối, A Tinh đến chuyển thêm số than Bạch Lan đặt gần đầu giường cho Yến Tuân, tiện tay cho vào lò xông hương vài viên hương mới. Hắn quay qua thấy Yến Tuân vẫn ngồi xem binh thư, dường như chưa hề rời khỏi chỗ từ lúc chiều đến giờ, nên thầm nhắc khéo:
" Bệ hạ, thần đã chuẩn bị mọi thứ, người hãy nghỉ ngơi sớm. Đêm xuống bên bờ Hàm Thủy khí trời hơi lạnh. Vẫn nên sưởi ấm trong chăn mới giữ sức khỏe tốt được."
Yến hoàng vẫn không nhích người, chỉ nói khẽ đáp lời hắn: " Ừ, chút nữa đi. Để xem hết chỗ này đã."
A Tinh ngập ngừng nói chuyện lúc sáng ở trướng vua Đại Đường, hắn có phần không hiểu quyết định lúc ấy, nên giờ muốn được trần tình một lần nữa:
" Bệ hạ, thần thật không hiểu? Nếu thời gian kéo dài thêm đến mùa đông, phiến quân ở phía Tây sẽ bị thiếu hụt lương thực dự trữ từ Đường Kinh chuyển đến, không đánh ắt cũng tự vây khốn mình ở bờ bên kia. Há gì chúng ta lại mạo hiểm vượt sông như thế? Thần ngu muội, quả thật không hiểu được tâm ý của người."
Yến hoàng vẫn ngữ sắc không đổi, thản nhiên đáp: " Vì lúc đó nàng sắp lâm bồn. Ta cần phải ở bên nàng."
A Tinh nhất thời cả kinh. Thời gian qua chẳng phải người vẫn ở bên nữ nhân Ba Hy mới đến hay sao? Hắn từng có khoảng thời gian thấy khó hiểu cho sự thay đổi chóng vánh của nam nhân mình đã theo hầu hạ suốt ngần ấy thời gian dài như vậy. Đến nay đã vỡ lẽ mọi ẩn khuất đằng sau ấy. Sự suy tính của người có lẽ chỉ có trời mới hiểu được, mới đoán được tâm cơ ấy sâu xa đến dường nào.
" Bệ hạ, vậy sao người không ở lại cùng nương nương? Ở bên nàng, bảo vệ nàng còn hơn để nàng một mình giữa đế đô, bị bao vây bởi những người không cam lòng khuất phục ấy. Nương nương có lẽ rất đau lòng vì người."
Yến Tuân bấy giờ mới đặt quyển sách trong tay xuống bàn, chậm rãi rót chén trà nóng thơm nồng hương lài uống vài hớp, chàng nhìn vào khoảng không trước mặt, nói:
" Ngươi quên ta đã từng nói với ngươi ngày trước: Ta xem nàng là cánh chim bất bại, là người có thể cùng ta đương đầu mọi khó khăn trong thiên hạ. Nàng ắt không bị khuất phục dễ dàng như vậy. Năm xưa nàng một mình một ngựa dẫn dắt đoàn quân Tây Nam trấn phủ sứ mấy ngàn người vượt Chân Hoàng thành đường hoàng về đến Bắc Yến. Sau đó cố thủ thành công Bắc Sóc quan khiến quân Đại Hạ khiếp sợ. Nhưng sau đó thì sao? Những người Đại Đồng Hành đó chỉ xem nàng làm tất cả chuyện đó là vì ta, là chuyện nên làm chứ không phải vì bọn họ mà chiến đấu, vì Bắc Yến mà cống hiến bản thân. Sau đó nàng lại vì Gia Cát Nguyệt mà quay lưng chống đối Bắc Yến quân, bỏ quân đội Bắc Yến đến Đại Hạ. Các tướng sỹ theo ta ở Bắc Yến nhìn nàng với ánh mắt như thế nào? Chắc ngươi cũng hiểu rõ. Cũng bởi có ta đứng ra che chở cho nàng nên bọn họ mới mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng thực chất chưa bao giờ tâm phục khẩu phục. Trình Viễn cũng vì chuyện đó nên năm xưa không ngừng chống đối nàng. Nay nàng lại chân ướt chân ráo đến đế đô, ngẫm chỉ có vài tháng qua đi, bảo bọn họ thù xưa, nghĩa cũ sao dễ dàng quên hết, xóa bỏ tỵ hiềm dễ dàng?"
" Ta yêu nàng, ta có thể cho nàng cả giang sơn Đại Yến này. Nhưng ta không thể bắt mọi người phải tâm phục khẩu phục nàng. Nàng muốn cai trị quốc thổ Đại Yến rộng lớn này, nàng phải tự mình thu phục nhân tâm thần dân của mình. Chuyện này ta không thể làm thay nàng được, chỉ có thể bên cạnh âm thầm bảo vệ, âm thầm giúp đỡ. Đó chính là khó khăn khi ngươi muốn làm chủ giang sơn. Ngôi vị đó ngươi không thể dễ dàng ngồi lên đó, khiến người người khiếp sợ, cúi rạp người dưới chân. Nếu ta càng bảo bọc nàng, nàng sẽ vẫn là cái bóng bên cạnh ta mãi mãi, sẽ không thể là chủ nhân thật sự của quốc gia mình gắng công xây dựng. Yêu nàng bao nhiêu thì càng phải ủng hộ nàng, cho nàng một đế chế thật sự do chính nàng làm chủ thời cục, đó mới là lời thượng sách."
" Người tin nương nương một mình sẽ vượt qua được cửa ải khó khăn này sao?"
Yến hoàng cười nhẹ, nhưng ngữ khí vô cùng tự tin, vô cùng kiên định: " Tất nhiên rồi. Nàng là ai? Tú Lệ Vương đâu dễ bị thua cuộc như vậy chứ?!"
Hì hì ... A Tinh thấy Yến hoàng vui vẻ nên cũng cười ha hả theo, mọi lo toang của hắn bấy lâu nay đã xem có lời giải đáp, chả bù lúc trước mỗi lần thấy ánh mắt thấm nỗi bi ai trong mắt Hoàng hậu mà đau lòng không xiết. Chỉ bốn tháng nữa thôi, hoàng triều sẽ có cục diện khác. Hậu cung đế quốc sẽ không còn vẻ ảm đạm, lạnh lẽo nữa. Oanh ca điện sẽ trở về như trước kia, tràn ngập tiếng cười giòn tan cùng sự hân hoan vui vẻ của hai vị chủ tử đứng đầu Đại Yến. Bọn họ vui, thần dân cũng vui lây và A Tinh hắn ... cũng thập phần hoan hỉ.