Dư Triều Sinh đến U Châu để tiếp quản công việc của Đường Thận; Vương Trăn đến U Châu nhằm hỗ trợ việc chuyển giao này.
Giờ việc đã bàn giao xong, Vương Trăn và Đường Thận cùng nhau lên đường về Thịnh Kinh.
Vì Đường Thận bị thương, hai người nán lại U Châu thêm vài ngày.
Chờ khi Đường Thận khỏe hơn một chút, họ mới xuất phát.
Xe ngựa cũng đi chậm để tránh ảnh hưởng đến vết thương của cậu.
Hai người đi thong thả, thỉnh thoảng lại nghỉ chân, coi như ngắm cảnh dọc đường luôn.
Cứ thể, chừng mười ngày thì về tới Thịnh Kinh.
Vương Trăn đưa Đường Thận về phủ Thám Hoa trước.
Lúc xuống xe, Đường Thận dừng lại trước xe ngựa, bất đắc dĩ phải hỏi Vương Trăn: “Sư huynh, huynh làm thế này có tính là lấy việc công làm việc tư không?”
Vương Trăn ngạc nhiên hết sức: “Tiểu sư đệ nói gì vậy?”
Đường Thận: “Đáng lẽ chỉ cần đi năm, sáu ngày, chúng ta lại tiêu tốn gấp đôi thời gian ấy.
Thế chẳng phải là lấy quỹ công để đi du lịch như người ta hay đồn sao?”
Vương Trăn ngẩn ra: “Đi du lịch bằng công quỹ à? Cách nói này mới nhỉ?” Chàng mỉm cười: “Tây Bắc cát vàng mù mịt, không thấy trời xanh; gần về Thịnh Kinh, hai ta chủ yếu đi đường nhỏ thôn quê chứ ít khi lên quan đạo hay vào thị trấn.
Thế mà ta không biết tiểu sư đệ thích đi du lịch ở những nơi hoang vắng không người, thú vị thật đấy.”
“Ơ kìa?”
“Lần tới nhất định sẽ làm hài lòng đệ.”
Đường Thận: “…”
Huynh nói cái gì vậy trời?!
Bấy giờ hai người mới chia tay.
Trở về Thịnh Kinh, Đường Thận không về điện Cần Chính làm việc ngay.
Chuyến đi đốc tra ty Ngân Dẫn của cậu kéo dài những bốn tháng liền, giờ đang là giữa tháng sáu, Thịnh Kinh nóng như đổ lửa, Đường Thận phải đến bộ Lại báo cáo tình hình công tác trước, chờ xét duyệt xong rồi quay về điện Cần Chính.
Lúc ở U Châu, Vương Trăn nhắc cậu rằng Thịnh Kinh đã thay đổi, dặn Đường Thận phải “thay áo mới”, chớ nên mặc giống như mọi khi.
Nhưng về Thịnh Kinh mấy ngày nay, Đường Thận không hề phát hiện ra sự khác thường nào cả.
Kinh thành vẫn sầm uất náo đông vui như trước.
Dòng người ùn ùn như thủy triều trên phố lớn Tiền Môn phía tây Đại Vận Hà.
Đường Thận tranh thủ “cải trang vi hành”, đến thăm Bách Bảo Các.
Lưu lượng khách của Bách Bảo Các đã ổn định, mỗi ngày phải có hàng nghìn lượt dân chúng Thịnh Kinh đến đây mua sắm.
Đồng thời, Đường Hoàng đã mở xong dịch vụ “chế tạo theo yêu cầu.”
Từ năm ngoái, Bách Bảo Các bắt đầu bán gương lưu ly.
Gương lưu ly rõ nét vượt trội, lại rẻ hơn gương bạc, chẳng mấy chốc đã trở thành mặt hàng ưa chuộng của các gia đình giàu có, quyền thế ở Thịnh Kinh.
Nhưng gương lưu ly không phải mặt hàng cao cấp thực thụ của Bách Bảo Các, bởi tại thời điểm Đường Thận mở Bách Bảo Các, cậu cũng được Triệu Phụ giao việc đổi toàn bộ cửa sổ trong hoàng cung thành cửa sổ kính.
Hoàng đế đương nhiên không ăn bớt của Đường Thận, ông ta thanh toán tiền công sòng phẳng, song đơn hàng này ngốn sức lao động ghê gớm, Bách Bảo Các phải làm suốt nửa năm mới hoàn thành.
May mắn là kể từ khi đó, cửa sổ trong suốt của hoàng cung đã biến thành bảng hiệu di động cho Bách Bảo Các.
Vương công đại thần, có ai vào hoàng cung mà không thấy những cánh cửa sổ thủy tinh ngay ngắn, sạch sẽ tinh tươm?
Những tấm kính cửa sổ ấy tinh xảo quá đỗi, khiến nhiều quan to nghe ngóng được rằng Bách Bảo Các đã chế tạo chúng đều sai người đến Bách Bảo Các đặt hàng.
Chẳng mấy chốc, quyền thần quan lớn từ nhị phẩm đổ lên, trừ những người xuất thân hàn môn như Tả tướng Kỷ Ông Tập làm quan liêm khiết sống đời thanh bạch, còn lại quan nào cũng muốn đặt làm riêng cửa sổ kính.
Số lượng đơn hàng khổng lồ như vậy đủ cho Đường Hoàng và Diêu Tam bận tối mắt tối mũi cả năm trời!
Chỉ hai ngày sau khi Đường Thận đến bộ Lại báo cáo, còn chưa được Triệu Phụ triệu vào cung, một chuyện tày đình đã xảy ra.
Giám sát Ngự sử Cao Mính thuộc Sát Viện – Ngự Sử Đài, dâng tấu.
Trong bản tấu, Cao Ngự sử liệt kê mười bảy tội trạng, tố cáo Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân cùng bè lũ đồ tử đồ tôn của y.
Trên triều đình, Giám sát Ngự sử Cao Mính lên án gay gắt sự lộng hành của bọn đạo sĩ ở quê nhà, hết làm điều xằng bậy lại coi mạng người như cỏ rác, khẩn cầu hoàng đế thực thi công lí, diệt trừ quân vô lại.
Giám chính Khâm Thiên Giám Lý Tiêu Nhân là quan tứ phẩm, lúc bấy giờ cũng có mặt trong điện Tử Thần.
Lý Tiêu Nhân nghe cáo trạng, sợ nhũn cả chân, thiếu điều quỳ phục xuống.
Tuy nhiên, vì quan viên Đại Tống không phải quỳ trước hoàng đế, nên Lý Tiêu Nhân chỉ đứng run lẩy bẩy và khóc lóc thảm thiết rằng mình chưa từng nghe tới những việc này, cũng không hề hay biết lũ đồ đệ phạm tội tày trời như vậy.
Đó cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm, dù sao Cao Ngự sử tố cáo bọn đồ đệ của Lý Tiêu Nhân là chính chứ không đụng đến y.
Tuy Cao Mính rất muốn lật đổ tên đạo sĩ rởm chuyên môn xu nịnh a dua này, nhưng ông ta không tóm được đuôi của Lý Tiêu Nhân, đành phải tấn công vào lũ đồ đệ rồi khép tội Lý Tiêu Nhân dạy dỗ không nghiêm.
Mặt Triệu Phụ sầm sì, ông ta nghe bọn họ lời qua tiếng lại hồi lâu rồi mới cất tiếng tằng hắng.
Tất cả các quan im bặt, ngẩng lên nhìn hoàng đế.
Trên ngai rồng, Khai Bình hoàng đế Triệu Phụ điềm nhiên hỏi: “Giám chính Khâm Thiên Giám, có chuyện này thật không?”
Mặt Lý Tiêu Nhân tái mét, y tiến lên tâu: “Thần cũng không biết.
Nhưng nếu quả là có chuyện như vậy, thần tuyệt đối không nương tay.”
Triệu Phụ bèn nói với Cao Mính: “Xem ra Cao ái khanh đã nắm chắc tang chứng vật chứng, vậy theo ý ái khanh, việc này nên xử trí thế nào?”
Cao Mính chỉ mong Triệu Phụ sẽ xử lí Lý Tiêu Nhân, nhưng dường như Triệu Phụ không có ý định trừng phạt y.
Cao Mính đành phải tâu: “Thần xin nghe theo phán quyết của bệ hạ.”
Triệu Phụ phất tay: “Thế thì để Đại Lý Tự điều tra cho rõ ràng, nên xử sao thì cứ y theo vậy mà thực hiện.”
Vốn chỉ là một việc cỏn con, Lý Tiêu Nhân lại bị Triệu Phụ phạt ba tháng bổng lộc, kiểm điểm tại nhà.
Nhưng đố ai ngờ, sau hôm ấy, Triệu Phụ đột nhiên vời một hòa thượng từ chùa Định Quốc đến.
Hòa thượng này tên là Thiện Thính, tuổi chạc tứ tuần, là cao tăng lừng danh ở chùa Định Quốc, nghe đâu đã được chọn để kế vị chức trụ trì.
Triệu Phụ chưa bao giờ thờ Phật mà chỉ thờ Đạo, nên Lý Tiêu Nhân mới có cơ hội thắp đèn trường minh, luyện chế đan dược cho ông ta.
Vậy mà bỗng dưng Triệu Phụ lại bắt đầu sùng bái Phật giáo.
Dù là đạo Phật hay đạo Lão thì người bình thường chỉ theo một đạo mà thôi, riêng Triệu Phụ thì thờ phụng cả hai đạo liền.
Hòa thượng Thiện Thính được triệu vào cung chỉ điểm và khai sáng cho hoàng đế, thế mà ông ta lại giúp hoàng đế luyện chế đan được luôn.
Quả là cứ có tiền thì tha hồ sai quỷ khiến ma! Đời thuở nào có hòa thượng nhà Phật làm việc của Đạo gia? Nhưng trước đấng cửu ngũ chí tôn, ngài muốn anh làm gì anh phải làm đúng y như vậy.
Thế nên, hòa thượng Thiện Thính và Lý Tiêu Nhân mới cùng nhau luyện đan dược và truyền thụ thuật trường sinh bất lão cho Triệu Phụ.
Triệu Phụ vẫn lên triều từ sớm tinh mơ như mọi ngày, không hôm nào ngơi nghỉ, nhưng tính cách của ông ta càng lúc càng quái gở khó lường.
Có một hôm Vương Trăn được gọi đến đài Đăng Tiên, chàng thấy Triệu Phụ ngồi ở giữa đại điện, xung quanh là ba lò luyện đan làm từ đồng thau.
Ông ta đã trút bỏ y phục hoàng đế xa hoa cầu kì để khoác lên mình bộ đạo bào nhẹ nhõm.
Lửa cháy rừng rực trong ba lò luyện đan, gió mát thổi vào qua cửa sổ lưu ly rộng mở, phớt qua dãy đèn trường minh trước mặt Triệu Phụ, hắt lên gương mặt võ vàng càng lúc càng giống đạo sĩ của ông ta.
Vương Trăn im lặng đứng hầu, đợi Triệu Phụ hoàn tất quá trình tu tiên.
Nhưng lần này, Triệu Phụ tu tiên xong lại không về hậu cung ngay.
Ông ta tự cầm quạt hương bồ, đến luyện đan bên cạnh ba chiếc lò.
Triệu Phụ phất tay gọi Vương Trăn.
Ông ta chỉ vào một lò đan, hỏi: “Tử Phong có biết trong lò kia luyện vật gì không?”
Vương Trăn đáp rành rọt và nhũn nhặn: “Thần không biết, cúi xin bệ hạ chỉ dạy.”
Triệu Phụ cười: “Đây là Cửu Chuyển đan làm từ chì mà Thiện Thính dâng cho trẫm.
Mỗi ngày dùng một viên, trẫm thấy tỉnh táo sảng khoái vô cùng, cứ như trẻ ra mười tuổi.
Tử Phong có muốn thử không?”
Vương Trăn ngẩng đầu, kinh ngạc quá đỗi: “Niềm vinh hạnh tột bậc nhường ấy, thần chưa xứng được hưởng ạ.”
Triệu Phụ bình thản nhìn chàng, lắc đầu nói: “Ôi chao, thứ tiên đơn này, mỗi ngày chỉ có đúng một viên, trẫm không nỡ tặng cho ngươi.” Im lặng một thoáng, Triệu Phụ nói: “Trẫm nhớ lần đầu tiên trẫm gặp ngươi là mười hai năm về trước.
Ngươi và Dư Triều Sinh cùng đứng trong điện Tử Thần, trẫm chấm hắn làm Bảng Nhãn, chấm ngươi làm Trạng Nguyên.
Giờ ngẫm lại, hóa ra chuyện đã xưa như thế rồi.
Trẫm ở ngôi ba mươi mốt năm, từng gặp mười Trạng Nguyên, nhưng trẫm chỉ ban bốn chữ ‘Trạng Nguyên vô song’ cho ngươi, ngươi có biết vì sao không?”
Ngón tay Vương Trăn giật khẽ, chàng trấn định thưa: “Thần không biết.”
“Bởi vì cứ hễ trông dáng vẻ hào hoa phong nhã của người trẻ các ngươi, trẫm thấy trẻ trung hơn hẳn!”
Hôm sau, đến lượt Đường Thận được Triệu Phụ gọi vào.
Ông ta không gặp Đường Thận ở đài Đăng Tiên mà triệu cậu đến điện Thùy Củng.
Đường Thận thay quan bào tinh tươm, vào điện theo thái giám.
Từ đầu chí cuối cậu luôn cúi mặt, suy ngẫm những lời Vương Trăn nói với mình đêm đó.
Đúng lúc ấy, một giọng cười hiền hòa cất lên: “Cảnh Tắc đi U Châu về sao lại câu nệ thế này? Ngẩng đầu lên nhìn trẫm nào.”
“Vâng.” Đường Thận ngẩng đầu, khi đường nhìn của cậu chạm đến Triệu Phụ, Đường Thận bỗng sững người.
Song vì phản ứng rất nhanh nên khi chưa ai kịp phát hiện ra sự giật mình của cậu, nét mặt Đường Thận đã trở về như cũ.
Trong điện Thùy Củng rực rỡ sáng sủa, Triệu Phụ ngồi nghiêm trang trên ngai vàng, trên môi ông ta vẫn là nụ cười bí ẩn, nhưng ông ta đã già rồi! Dường như sau một đêm, trời đã xoay, đất đã chuyển, hai bên tóc mai Triệu Phụ chi chít tóc bạc.
Thực ra ở độ tuổi này, dù Triệu Phụ có bạc trắng đầu cũng không phải chuyện lạ.
Điều khiến Đường Thận choáng váng chính là sự sống bỗng chốc đã lụi tàn trong ánh mắt Triệu Phụ.
Trước đây, Triệu Phụ lúc nào cũng tràn trề nhiệt huyết.
Dường như ông ta luôn cảm thấy mình còn trẻ khỏe chứ chưa bao giờ già.
Chính vì thế, ông ta cho xây dựng ba tuyến quan đạo, ông ta thành lập ty Ngân Dẫn; ông ta cảm thấy mình vẫn còn làm được rất nhiều việc.
Vậy mà bỗng dưng, Triệu Phụ đã mang dáng vẻ già nua ứng với tuổi tác của mình.
Đường Thận nghĩ thầm, khuya hôm ấy khi Vương Trăn đến thăm mình, chàng muốn nói với cậu rằng bây giờ Triệu Phụ dễ tính hơn mà cũng càng khó tính hơn.
Lúc đó cậu không hiểu ý Vương Trăn, bởi việc hệ trọng liên quan đến sống còn như tiếp xúc với đế vương, Vương Trăn không đời nào đánh đố cậu hết.
Nhưng lúc Đường Thận hỏi, Vương Trăn im lặng rồi chỉ nói: “Khi nào tiểu sư đệ thấy thì sẽ hiểu thôi.”
Đến khi được diện kiến Triệu Phụ, Đường Thận mới hiểu, cảm giác này không thể diễn tả bằng lời.
Rốt cuộc điều gì đã thay đổi Triệu Phụ?
Đường Thận nghĩ Tần nghĩ Sở, chỉ có thể đoán rằng đó là cái chết của Thái hậu.
Thái hậu băng hà khiến hoàng đế bàng hoàng, tinh thần sa sút.
Nhìn Triệu Phụ thế này, lòng Đường Thận rối bời, thật khó để miêu tả tâm trạng hiện giờ của cậu.
Triệu Phụ: “Cảnh Tắc đi U Châu có gặp chuyện gì lí thú không?”
Đường Thận nghĩ nhanh, đáp: “Thần là người Giang Nam, lần đầu lên Tây Bắc mới được biết thế nào là phong cảnh đại mạc.
U Châu không giống với những vùng miền khác của Đại Tống, phong cảnh hùng vĩ tráng lệ, khoáng đạt rộng mở.
Miền đất ấy tuyệt vời đến nỗi thần bịn rịn chẳng nỡ chia xa, chẳng qua vì công việc đã thu xếp đâu ra đấy, nên đành phải quay về.”.