“Bỏ họ Mặc tất về với họ Dương”, xuất xứ từ thiên Tận Tâm trong sách Mạnh Tử, nguyên văn là “Bỏ họ Mặc tất về với họ Dương, bỏ họ Dương tất về với Nho đạo.”
Khác với thời Xuân Thu có đến hàng trăm trường phái tư tưởng đua nhau hình thành, thời Chiến Quốc có ba trường phái lớn được người đời chấp nhận, bao gồm trường phái Mặc gia, trường phái Dương Chu và trường phái Nho gia.
Câu “Bỏ Mặc tất về với Dương” là cái nhìn của Mạnh Tử đối với ba trường phái này.
Ý của ông là “đào thải trường phái Mặc gia tất sẽ hướng về trường phái Dương Chu.
Đào thải trường phái Dương Chu, tất sẽ quy thuận trường phái Nho gia.”
Nói ngắn gọn là Mạnh Tử coi trường phái Nho gia là chính thống, là con đường ngay duy nhất cho các học giả.
Về cơ bản đề này không phải là dạng khó viết.
Trường phái Mặc gia chủ trương ôn hòa, nhân ái, phản đối chiến tranh, đề cao việc hi sinh bản thân để cứu đời, tạo phúc cho thế gian.
Trường phái Dương Chu thì chủ trương tư tưởng vị kỉ, không màng đến ai mà cũng chẳng màng tới thiên hạ, không hại người tức là làm lợi cho bản thân.
Đường Thận có thể nghĩ ngay ra mấy hướng giải đề khác nhau, tỷ như lấy góc nhìn của tư tưởng ích người ích mình trong Nho gia để phân tích ngược lại hai trường phái Mặc gia và Dương Chu, từ đó tôn vinh sự ưu việt của trường phái Nho gia.
Cái khó là hướng đi này phải lấy tư tưởng phê phán Mặc gia, Dương Chu và tôn sùng Nho gia làm điều kiện tiên quyết.
Đường Thận trông đề mục trên giấy, lại ngẩng đầu dõi mắt về lầu Minh Viễn, thở dài thườn thượt.
Thiên hạ này có ai không biết, hoàng đế Triệu Phụ hiện nay mải mê theo đuổi con đường trường sinh bất lão, tu luyện đan dược của Đạo gia!
Mà trường phái Dương Chu chính là một trong ba trường phái kinh điển của Đạo gia.
Thực ra thì Triệu Phụ chưa bao giờ công khai sùng bái Đạo gia, thậm chí ông ta cực kì coi trọng Nho gia, hằng năm cứ đến ngày kỵ của Đức thánh Khổng, ông ta lại viết một bài điếu văn.
Nhưng lòng si mê với Đạo gia của Triệu Phụ cả triều đình đều thấy rõ mồn một.
Lý Đại học sĩ ra đề mục thế này chẳng có gì sai cả, nhưng nếu thí sinh phê phán Dương Chu quá gay gắt, thì dẫu có cơ hội đề danh bảng vàng, làm quan đến hàng nhất phẩm đi chăng nữa, cũng tự khắc biến thành kẻ thù chính trị trong mắt Triệu Phụ mà thôi.
Quân tâm khó dò, gần vua như gần cọp, ai mà lường trước được suy nghĩ của Triệu Phụ!
Đường Thận nghĩ thầm, sơ sơ thôi cũng đã có hai tình huống rồi.
Hoặc là Triệu Phụ không phải hôn quân, mặc kệ anh muốn viết gì thì viết; hoặc là Triệu Phụ sẽ để ý tới kẻ bề tôi dám phê phán việc mình tu tiên.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, nếu chẳng may Triệu Phụ muốn xử lí bề tôi, thì bài văn phê phán đó chính là một trong những lí do ông ta sẽ vin vào để hạch tội kẻ bề tôi đó.
Các cử nhân khác có thể không suy nghĩ sâu xa tới vậy, nhưng Đường Thận nhất định phải suy tính trước sau cho chu toàn.
Bởi tầm nhìn của cậu không thể chỉ dừng lại ở kì thi Hội này, cậu phải nhìn xa, phải toan tính trước cho tương lai!
Nhắm mắt lại, Đường Thận lược bỏ dần từng phương án phá đề trong đầu.
Cậu quyết định chọn phương án đơn giản nhất, kém phần xuất sắc nhất, nhưng không sai vào đâu được.
Sau đó, cậu đặt bút viết: “Quan dị đoan giả phẫn lệ băng căng, xá nhất cầu tái dĩ cầu khoáng dật, dĩ mặc chi ác nhi quy vu dương, tất viết hà dĩ vi chi…”
Ta thấy những người không chung đường với Nho gia, thường là do chứng kiến cái sai ác nhiều nên sinh sợ sệt.
Bởi lẽ đó họ từ bỏ Mặc gia mà mưu cầu Dương Chu để cõi lòng được khoáng đạt, an nhàn.
Bỏ Mặc đề về với Chu, là vì cớ gì chứ?
Chính thế, lần này Đường Thận không suy luận mở rộng từ đề mục nữa, mà tập trung khai thác ý chính, viết bài văn bát cổ thảo luận về vấn đề “tại sao sau khi từ bỏ trường phái Mặc gia, các học giả lại chọn theo đuổi trường phái Dương Chu”.
Bài văn này cốt là để không làm mích lòng bên nào cả, Đường Thận không khẳng định trường phái Dương Chu là đúng đắn, thậm chí còn cho rằng trường phái này dựa trên mê tín dị đoan, nhưng cậu không trắng trợn hạ thấp trường phái Dương Chu trên giấy mực.
Đây là lần đầu tiên Đường Thận viết văn mà khổ sở thế, cậu biết bài này phá đề không tốt, nên chú trọng nhiều vào logic và luận chứng.
Sau ba canh giờ, chau chuốt từng li từng tí, cuối cùng Đường Thận cũng viết xong bài chế nghệ thứ hai.
Xong bài, cậu phát hiện lưng áo mình đã đẫm mồ hôi.
Giữa mùa đông tháng hai trời rét căm căm, thế mà mồ hôi mồ kê đầm đìa!
Làm bài nháp xong, Đường Thận chợt ngẩn ngơ, không hiểu là mình đang làm đúng hay sai nữa.
Phải chăng cậu đã suy nghĩ quá nhiều? Chẳng qua chỉ là một bài thi Hội, có cần để ý lắm thế không?
Nhưng cậu gạt đi ngay: “Nếu đặt Vương Tử Phong vào hoàn cảnh này, chắc chắn huynh ấy cũng làm giống mình.”
Đường Thận tự biết bài mình không vượt trội hẳn, nhưng chắc chắn vẫn thuộc tốp trên trong các thí sinh.
Cậu chép lại bài cho sạch đẹp rồi đánh một giấc.
Đến khi tỉnh lại, đã sang ngày thi thứ ba rồi.
Trước khi ngủ Đường Thận đã đọc đề số ba.
Đề mục lần này là “ngô nhật tam tỉnh ngô thân.”
Tăng tử viết: “Tôi, mỗi ngày tự xét mình ba điều: mưu việc cho người có hết lòng chăng? Cùng bạn bè giao thiệp có giữ niềm tin chăng? Được truyền dạy, có ôn tập chăng1?”
Đoạn này trích từ thiên Thuật Nhi trong sách Luận ngữ, cũng là một trích đoạn kinh điển mà ai cũng thuộc lòng ở thời hiện đại.
Hai bài chế nghệ vừa rồi khiến Đường Thận có chút phiền muộn, nhưng vừa đọc đề thứ ba thì cậu khoái chí lắm, suýt tí nữa thì cười phá lên giữa trường thi.
Bình thường trong các kì thi Hội, ba bài chế nghệ ở trường đệ nhất sẽ được ra đề từ những cuốn sau: Hai bài dựa trên Luận Ngữ hoặc Mạnh Tử, một bài dựa trên Đại Học hoặc Trung Dung.
Nhưng Lý Đại học sĩ lại rất ngược đời! Bài thứ nhất ông ta ra đề hiếm, bài thứ hai thì có bẫy phạm thượng, đến bài thứ ba lại vòng về Luận Ngữ!
Đường Thận kiếp trước trong đầu rặt Toán với Lý, chẳng có tí văn vẻ nào, nhưng cậu làm sao mà không biết câu “Tôi mỗi ngày tự xét mình ba điều” chứ, thậm chí cậu còn biết một câu khác.
“Hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn!”
Đây là lời bình của Chu Hi cho câu “Tôi mỗi ngày tự xét mình ba điều.”
Đến nước này thì Đường Thận cũng chẳng ngại ngần chi nữa, mượn luôn câu của Chu Hi để vào bài, dựa trên quan điểm của ông để viết áng văn này: “Tăng thánh mỗi ngày tự xét bản thân ba điều, quan sát người khác rồi dốc sức rèn luyện.
Nếu Khổng thánh biết học trò của mình nỗ lực đến vậy, ắt sẽ nhận xét rằng: có sai thì sửa, không sai thì khích lệ bản thân nỗ lực hơn nữa!”
Bài văn thứ ba viết trôi chảy, Đường Thận đọc lại vẫn thấy trào dâng cảm xúc.
Riêng câu “hữu tắc cải chi, vô tắc gia miễn” là ăn chắc thứ hạng cao rồi, kể cả phần sau có viết dở đi chăng nữa.
Chép nốt bài bát cổ chế nghệ này vào giấy thi, Đường Thận mở đề thơ thí thiếp ngũ ngôn bát vận cuối cùng.
Đề mục là: “Phong vũ thê thê.”
Mưa bay gió thổi lạnh lùng, tiếng gà eo óc, dặm chừng đìu hiu.
Thấy chàng quân tử mến yêu, lòng em thoắt đã muôn chiều thảnh thơi2.
Xuất xứ từ Kinh Thi, bộ thơ Quốc phong, phần Trịnh phong*.
(*) phong ở đây là “phong tục”.
Trịnh phong = phong tục nước Trịnh.
MTH viết sai là Trịnh Vũ, mình sửa lại cho đúng.
Câu thơ này miêu tả cảnh gió thảm mưa sầu, nhưng cả bài lại nói về nỗi tương tư của người con gái với tình lang.
Đường Thận ngẫm nghĩ cẩn thận rồi viết:
Ai tìm nẻo mây về, ve bàng hoàng trước gió
Hột mưa nảy chuối biếc, tám hồi sấm rì rầm
…
Bạc đầu đường đời tận, khắc khoải tiếng cuốc kêu
Đến kì thi Hội thì nét chữ của học trò không còn quan trọng nữa, dù sao các quan chấm thi đều không được thấy chữ thật của thí sinh.
Song Đường Thận vẫn chép bài thơ thí thiếp cho thật đẹp, kiểm tra không còn gì sai sót rồi mới đứng dậy nộp bài.
Cậu ra khỏi phòng thi, tới lối đi chính thì gặp ngay Mai Thắng Trạch.
Mai Thắng Trạch thấy Đường Thận thì mừng quýnh, hỏi: “Cảnh Tắc, phát biểu cảm tưởng coi.”
Đường Thận thật thà đáp: “Đúng là vô liêm sỉ!”
Thành ra Mai Thắng Trạch đang tí tởn vì gặp cạ cứng lại xẹp như bong bóng xì hơi: “Vô sỉ thấy ớn!”
Hai người cười phá lên, mồm miệng tía lia đi ra khỏi trường thi.
Mai Thắng Trạch: “Đề thứ nhất, huynh nghĩ mất hai canh giờ mới chốt là phá đề thế nào.
Huynh dở bát cổ chế nghệ lắm, riêng cái khoản này thì đệ với Lưu Phóng ăn đứt huynh rồi.
Hôm nay không tệ, đề thơ “Phong vũ thê thê” ngon ăn quá, chả hiểu sao cái bài chế nghệ đầu tiên khó thế không biết! May mà Lý đại học sĩ cho hai bài sau dễ, không thì hôm nay huynh đâm đầu vào cột lầu Minh Viễn chết luôn cho rồi!”
Đường Thận nghe thế thì biết Mai Thắng Trạch viết bài chế nghệ thứ hai không đắn đo nhiều như mình.
Hai người ra khỏi trường thi liền từ biệt nhau.
Diêu Tam đã dẫn theo thầy thuốc trực sẵn ngoài cổng chờ Đường Thận.
Đường Thận nói: “Về nhà đã, hôm nay tôi không mệt lắm, chắc là có kinh nghiệm thi Hương đợt trước nên khá ổn.
Về tắm cái, ngủ một giấc rồi mai thi tiếp.”
Diêu Tam và kế toán Lâm trút được gánh lo lớn.
Buổi tối tắm nước nóng xong, đánh một giấc ngon lành cành đào, hôm sau Đường Thận lại tới trường thi từ lúc trời chưa sáng.
Vương Trăn đã từng bảo Đường Thận rằng, trong bốn Đại học sĩ trong viện Hàn Lâm hiện giờ thì Dương Đại học sĩ và Phan Đại học sĩ thích Chu Dịch, Chu Đại học sĩ thích Xuân Thu.
Chỉ riêng Lý Đại học sĩ là chàng không bảo ông ta thích gì.
Đường Thận không hỏi, bởi cậu biết Vương Trăn không nói chẳng qua là vì trong Ngũ Kinh không có cuốn nào Lý Đại học sĩ thích hơn hẳn cả.
Rất có thể ông ta thích Luận Ngữ trong Tứ Thư, vì thế mà trường đệ nhất kì thi Hội mới ra đến hai đề về Luận Ngữ.
Nếu Lý Đại học sĩ không tâm đắc cuốn nào trong Ngũ Kinh thì Đường Thận chẳng phải nghĩ ngợi nhiều, chọn ngay đề dễ nhất bắt tay vào làm.
Ba ngày sau, Đường Thận mặt mũi bợt bạt đi ra khỏi trường thi.
Diêu Tam vội vàng chạy tới.
Đường Thận nói: “Không sao, buồn ngủ quá thôi.”
Ngủ kĩ cho hồi sức, Đường Thận lại trở về “trại giam”, cày thêm ba ngày ba đêm nữa, viết đủ ba đề về các vấn đề thời sự của trường đệ tam.
Ròng rã chín ngày, cuối cùng kì thi Hội cũng khép lại.
Cả nhà vừa về, quản lí Lục đã ghé thăm.
Ông lựa đúng lúc Đường Thận thi Hội xong để đến gặp, thế mà Đường Thận vừa thấy mặt ông thì xua tay lia lịa, nói: “Mai hẵng qua.”
Quản lý Lục cười méo cả miệng: “Vâng, xin nghe lời tiểu đông gia.”
Hôm sau Đường Thận ngủ tít đến lúc mặt trời cao ba sào, xơi bánh nướng kiểu Thịnh Kinh mà Phụng Bút mua về, đang húp dở tô cháo thì quản lí Lục gõ cửa vào nhà.
Ông vái chào Đường Thận, nói: “Tiểu đông gia, thành công rồi! Hôm trước lúc cậu đang thi thì quản lí Hình của lầu Thiên Lý tới tìm tôi.
Ông ta nói thẳng luôn rằng đã biết tôi chính là quản lí của lầu Tế Hà ở phủ Cô Tô, sau đó bóng gió hỏi thăm tôi có muốn hợp tác với Họa Đường Thu để bán xà phòng và Hoàng Kim Lũ không.”
Đường Thận nghe thế thì đặt bát cháo xuống, hỏi: “Ông ta biết chú là quản lí lầu Tế Hà rồi à?”
“Đúng vậy.
Hai tháng trước lúc tôi tặng ông ấy hộp Hoàng Kim Lũ cũng rầu lắm.
Tiểu đông gia không biết, lúc đó tôi nghĩ, chúng ta đã tỏ ý muốn hợp tác với Họa Đường Thu đến thế rồi, sao quản lí Hình nhận lễ vật xong vẫn tỏ ra không hiểu chứ? Mãi hôm nay tôi mới biết, không phải người ta không hiểu, mà người ta ngấm ngầm điều tra rõ thân phận của tôi, bấy giờ mới ngỏ lời hợp tác!”
Đường Thận cười: “Có thể phát triển lầu Thiên Lý và Họa Đường Thu thành những tên tuổi bậc nhất chốn kinh kỳ, quản lý Hình ắt chẳng phải người tầm thường.
Thế chú bàn bạc với ông ta đến đâu rồi?”
Quản lý Lục lần lượt nêu những thỏa thuận sơ bộ của mình với quản lí Hình: “…Tôi thấy không có vấn đề gì, các điều kiện quản lí Hình đề xuất đều rất có lợi.
Nhưng cụ thể hợp tác thế nào, hai quản lí chúng tôi không định đoạt được.
Quản lí Hình mong cậu có thể gặp trực tiếp ông chủ của lầu Thiên Lý, để hai vị cùng thương lượng rõ ràng với nhau.”
Đường Thận kinh ngạc: “Gặp Tiêu Dao vương gia Triệu Ngao ư?”
Quản lý Lục: “Là thế tử Cảnh vương, Triệu Quỳnh.”
Bóng dáng người kia liền hiện lên trong đầu Đường Thận, cậu gật đầu ngay: “Được, gặp chứ sao không.”.