Hè đến, mưa rào sầm sập đến rồi lại hối hả đi.
Sang tháng sáu, thời tiết càng ngày càng khô nóng.
Có lẽ năm ngoái ông trời đã làm mưa hết cả phần năm nay, nên mùa hè năm nay nóng bức khủng khiếp.
Trong điện Cần Chính, các quan tứ phẩm mồ hôi mồ kê nhễ nhại.
Mỗi tội họ đang ở trong cung, là quan thuộc điện Cần Chính, bắt buộc phải giữ gìn hình ảnh.
Dẫu cả người có đầm đìa mồ hôi, các quan cũng không thể cởi phanh quần áo ra cho đỡ nóng, chỉ đành ráng sức chịu đựng.
Đường Thận đọc xong một quyển tấu, suy nghĩ mãi, rồi mới dùng mực xanh lá viết hai hàng chữ nhỏ xuống mép sổ.
Đặt quyển tấu vào chồng tấu chương đã xem xong, Đường Thận lấy quyển khác ra xem.
Cậu quệt mồ hôi trên trán, chăm chú đọc.
“Các đại nhân, ăn canh đậu xanh1 thôi ạ.”
Qua giờ trưa, mười mấy sai nha bê những vò canh đậu xanh vào phòng.
Các quan thở phào nhẹ nhõm, bắt đầu ăn canh đậu xanh.
Tuy gọi là canh đậu xanh nhưng món này chẳng có tí nước cốt nào, thậm chí còn hơi đắng.
Song nắng nóng thế này, có bát canh đậu xanh giải nhiệt là mãn nguyện lắm rồi.
Húp canh đậu xanh xong, Đường Thận tiếp tục làm việc, bỗng có một sai nha cầm khay đến, đặt một tập tấu chương lên bàn cậu.
Sai nha thưa: “Đường đại nhân, theo lệnh của Từ tướng công, từ hôm nay ngài sẽ tập trung xem quân báo Tây Bắc ạ.”
Đường Thận ngừng tay, ngẩng lên đáp: “Xin tuân lệnh Từ tướng công.”
Đến giờ tan làm buổi tối, Từ Bí gọi Đường Thận qua, hỏi: “Hôm nay đọc quân báo Tây Bắc thấy thế nào?”
Đường Thận cúi đầu, cung kính thưa: “Trước đây hạ quan chủ yếu đọc tấu chương quan lại các nơi gửi về kinh, hôm nay mới làm quen với quân báo Tây Bắc nên chưa quen được ngay ạ.
Mong tướng công yên tâm, ngày mai hạ quan nhất định sẽ xử lí ổn thỏa.”
Từ Bí cười: “Đường đại nhân từng đi Thứ châu, tận mắt thấy quan đạo Thứ Châu, hẳn ngươi đã biết, xây ba quan đạo không chỉ nhằm mục đích tăng cường buôn bán mà còn để dự phòng cho chiến tranh.
Ta nói thế ngươi đừng bất ngờ nhé, chuyện này mọi người ai cũng có phỏng đoán, lẽ dĩ nhiên ta biết ngươi không ngoại lệ.
Song, các quan triều ta đều đoán ra, chẳng lẽ người Liêu lại không đoán được? Đầu năm nay, người Liêu đã vi phạm lệnh cấm, một kẻ tự nhận là sơn phỉ nước Liêu đã nhân lúc tối trời, lẻn vào thành U Châu gây án mạng.
Trước tình hình Tây Bắc phức tạp như vậy, quân tình Tây Bắc càng quan trọng hơn.
Ngươi phải nghiền ngẫm cẩn thận.”
Đường Thận bình tĩnh nhìn xuống, thưa: “Vâng.”
Rời khỏi điện Cần Chính, Đường Thận nhớ lại quân báo Tây Bắc mình vừa đọc hôm nay.
Từ Bí nói không sai, tình hình Tây Bắc năm vừa qua đã trở nên hết sức căng thẳng.
Không chỉ ở U Châu mà suốt một dọc biên giới về Đông đến tận Thứ Châu đều xuất hiện tình trạng người Liêu vi phạm lệnh cấm.
Các quan địa phương khi viết tấu trình báo, phần lớn chỉ báo cáo những chuyện lớn ở địa phương.
Thậm chí, nhiều quan muốn lấy lòng hoàng đế, viết hẳn một tấu chương gửi vạn dặm đường chỉ để tâng bốc nịnh nọt.
“Nhưng nếu từ giờ mình chỉ đọc quân báo Tây Bắc thì làm sao mà nắm được tình hình ở địa phương nữa?”
Đường Thận có chút tư lự.
Không hẳn là tất cả tấu chương địa phương đều được gửi về chỗ cậu.
Nhưng hiện giờ cậu hoàn toàn không được tiếp xúc với bất cứ thông tin gì.
Hành vi của Từ Bí khiến Đường Thận hết sức nghi ngờ, nhưng hiện giờ cậu cũng không tìm được đầu mối gì cả.
Mấy hôm sau, thượng tuần tháng sáu, bản tấu Hữu tướng Vương Thuyên dâng lên hoàng đế đã có kết quả.
Buổi triều trên điện Tử Thần ngày hai mươi chín tháng sáu.
Vương Thuyên bước lên khỏi hàng, tâu: “Từ thời tiên đế, quan hệ Đại Tống và Liêu luôn hết sức căng thẳng, chiến tranh liên miên, nhu cầu lương bổng nuôi quân là rất lớn, khiến quốc khố xưa kia trống rỗng trong thời gian dài.
Nhưng từ năm Khai Bình thứ mười, Đại Tống ta kí hòa ước với Liêu đến nay đã được mười chín năm, hai nước đều gìn giữ hòa bình, không xâm phạm nhau.
Xưa kia, dân chúng phải chịu sưu cao thuế nặng cũng vì chiến loạn.
Ngày nay thiên hạ thái bình, đã đến lúc phải có sự thay đổi.”
Ông vừa nói xong, có người đã lên tiếng phản bác: “Vương đại nhân nói thế không ổn đâu.
Tuy rằng Đại Tống và Liêu mười chín năm nay yên ổn hòa bình, nhưng chưa năm nào người Liêu thôi dòm ngó chúng ta.
Người Liêu lòng muông dạ thú, ai mà chẳng biết! Nếu tùy tiện cắt bớt chi phí cho quân đội, đến lúc có biến, ai sẽ gánh hậu quả đây?”
Người phản đối chính là một tướng quân bậc tam phẩm, đứng trong hàng ngũ tướng võ.
Phần lớn võ quan Đại Tống tản ra trấn thủ biên cương và quản lí quân đội từng khu vực.
Quan võ ở Thịnh Kinh chủ yếu là những người lớn tuổi, song chính vì thế mà họ chưa bao giờ kiềng nể uy thế của các quyền thần, ngay cả một Tham tướng2 tam phẩm cũng dám thách thức Vương Thuyên.
[2] Chức quan võ thống lĩnh quân trấn thủ biên giới.
Vương Thuyên không hề tức giận, ông chỉ hừ một tiếng: “Triệu tướng quân, ta có nói là sẽ cắt giảm lương bổng cho quân tướng đâu?”
Triệu tướng quân: “Ủa, vậy ý ông là gì?”
Vương Thuyên mặc kệ ông ta, cúi mình hành lễ với Triệu Phụ, tâu rằng: “Thần xin bệ hạ ban bố hai mươi ba điều sửa đổi thuế ruộng đất của thần!”
Triệu Phụ quan sát Vương Thuyên và các bề tôi của mình bằng ánh mắt cực kì sâu xa.
Sau một lúc, ông ta mới phất tay: “Tuyên.”
Đại thái giám Quý Phúc lập tức bước lên, giở một quyển tấu ra, dõng dạc đọc lên.
Hai mươi ba điều sửa đổi thuế ruộng đất!
Mười mấy ngày trước, Hữu tướng Vương Thuyên đã nhắc đến vấn đề này trong buổi chầu, nhưng đến tận hôm nay, các quan mới biết được hai mươi ba điều ấy là gì!
Cải cách của Vương Thuyên sẽ thay đổi từ thuế ruộng đất địa phương, bắt đầu từ các cấp thấp nhất và đánh dần lên các địa chủ quý tộc.
Ông thẳng tay cắt gọt những mắt xích trung gian rườm rà trong quy trình thu thuế, gần như thu trực tiếp thuế từ địa phương về trung ương, rồi cuối cùng triều đình trung ương sẽ phân chia đồng bộ về các địa phương.
Sau khi Quý Phúc đọc bản sửa đổi thuế ruộng xong, cả triều đình đều choáng ngợp.
Trong quá khứ, thuế địa phương về cơ bản đều được thu về trung ương, rồi trung ương lại phân phát xuống các cấp địa phương3.
Nhưng chưa có ai thiết kế lại quy trình đấy triệt để và cẩn thận đến mức này!
Nếu quả thật đề xuất này được thực thi, nguồn thu từ thuế của đất nước sẽ sụt giảm, nhưng dân chúng sẽ giàu có hơn.
Một khi dân chúng giàu có hơn, quốc khố sẽ lại sung túc trở lại.
Vấn đề nằm ở chỗ, đề xuất cải cách thuế này đòi hỏi hiệu suất thu thuế rất cao.
Các tỉnh, phủ gần Thịnh Kinh hoàn toàn đáp ứng được, nhưng các địa phương xa kinh thành thì phải làm sao?
Lúc bấy giờ, Tả tướng Kỷ Ông Tập mới bước lên khỏi hàng ngũ: “Hai mươi ba đề xuất sửa đổi thuế ruộng có ưu có khuyết, có thể thực hiện được.
Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ thiết lập lại ty Độ Chi4 để chỉ đạo việc thực thi cải cách ạ!
[4] Ty Độ Chi dưới thời Tống là cơ quan phụ trách quản lí thuế ruộng đất.
Sau khi ông tâu trình, các quan trong điện Tử Thần ồ cả lên.
Mọi người đều ngước nhìn Kỷ Ông Tập đứng đầu bách quan.
Tả tướng Kỷ Ông Tập chính là một nhân vật truyền kỳ.
Kỷ Ông Tập, tự Trùng Minh5, là tiến sĩ từ thời tiên đế.
Tả tướng thời trẻ khá lận đận, bị tiên đế phái đến Hình châu làm huyện lệnh một huyện khỉ ho cò gáy nào đó suốt sáu năm.
Về sau có một năm bộ Công lập công to trong việc sửa trị Hoàng Hà, huyện nơi Tả tướng quản lí thời ấy vừa hay nằm trên tuyến đường quy hoạch công trình của bộ Công.
Tả tướng gặp may, nhờ thành tích xuất sắc của bộ Công mà thăng lên ba cấp, trở thành phủ doãn cả một phủ.
Từ khi lên làm phủ doãn, truyền kỳ về Kỷ Ông Tập mới chính thức bắt đầu.
Hình Châu nằm trên dòng chảy sông Hoàng Hà và con sông chảy xuyên qua cả phủ này.
Kỷ Ông Tập rất có tài trong việc trị thủy, dưới thời ông, đoạn sông Hoàng Hà ở khu vực Hình Châu chưa bao giờ xảy ra ngập lụt.
Dân chúng được yên ổn, cả vùng nghiễm nhiên trở thành một miền đào nguyên.
Hình Châu ngày một phồn vinh, sau năm năm, tiên đế cũng phát hiện ra rằng Kỷ Ông Tập khá có tài, bèn điều ông về Thịnh Kinh.
Khi về tới Thịnh Kinh, Kỷ Ông Tập đã bốn mươi tuổi.
Năm sau, quân Liêu tấn công, ông đi theo toàn quân lên Tây Bắc đánh giặc.
Cả tiên đế và thủ lĩnh ba quân khi ấy là Từ đại nguyên soái đều không ngờ rằng một thư sinh bốn mươi tuổi lại có tài đánh bại quân Liêu! Tả tướng không có thần binh diệu kế, cũng không làm nên chiến dịch lấy ít thắng nhiều đi vào lịch sử, nhưng ông áp dụng chiến lược đóng vững đánh chắc, dàn đều sức quân để nghênh địch, kiên trì bào mòn dần lực lượng của quân Liêu, lấy ba mươi vạn quân Tống đánh bại năm mươi vạn quân Liêu.
Kể từ ấy, Tả tướng xuất thân hàn môn trở thành tâm phúc của tiên đế.
Tới khi Triệu Phụ lên ngôi, Kỷ Ông Tập cũng nhiều lần lập công.
Năm Khai Bình thứ hai mươi mốt, Triệu Phụ phong ông làm Tả tướng, thống lĩnh toàn thể quan lại.
Việc Kỷ Ông Tập đề xuất thiết lập lại ty Độ Chi khiến tất cả các quan đều khiếp sợ, thậm chí có người còn lén nhòm ngó Vương Thuyên và Thượng thư bộ Hộ Vương Trăn đứng sau ông không xa.
Ty Độ Chi là cơ quan tài chính bị chính vua Thái Tổ loại bỏ.
Triều đại trước đây cũng có Lục bộ, trong đó có bộ Hộ, nhưng quyền quản lí tài chính toàn quốc không tập trung riêng ở bộ Hộ mà nằm trong tay Tam ty gồm: ty bộ Hộ, ty Diêm thiết, và ty Độ Chi.
Bộ Hộ thuộc sự quản lí của ty bộ Hộ, và Tam ty nằm hết dưới quyền Tể tướng.
Như vậy, quá nửa quyền lực triều đình rơi vào tay Tể tướng!
Thái Tổ loại bỏ cơ chế Tam ty, nâng cao địa vị Lục bộ, cốt là để làm suy yếu quyền lực của Tể tướng.
Bây giờ Kỷ Ông Tập đột nhiên đề xuất lập lại ty Độ Chi, các quan làm sao mà không hoảng hốt cho được?
Trái lại, phản ứng của Triệu Phụ khá đặc biệt.
Ông ta thong thả hỏi Kỷ Ông Tập: “Lí do nào khiến Kỷ tướng đề xuất vậy?”
Kỷ Ông Tập: “Nếu thực thi hai mươi ba cải cách thuế ruộng thì khó khăn lớn nhất nằm ở phương thức cải cách hết sức đặc biệt, đi theo hướng từ dưới lên trên.
Từ cổ chí kim, tất cả mọi cải cách đều được thực hiện từ cao xuống thấp, từ số ít đến số nhiều, như thế mới tiện cho việc quản lí.
Ngược lại, hai mươi ba cải cách thuế ruộng ưu tiên thay đổi từ cấp hộ dân cực kì đông đúc.
Với tính chất ấy, làm thế nào để điều phối việc thu tiền thật chuẩn xác, làm thế nào để xác định được thành quả cải cách thuế, chính là vấn đề quan trọng nhất!
Một người bất ngờ lên tiếng: “Tả tướng muốn mở lại ty Độ Chi, hay mở lại cả Tam ty?”
Người ấy chẳng phải ai khác mà chính là Tả thừa Trần Lăng Hải – cùng phe hàn môn với Kỷ Ông Tập!
Kỷ Ông Tập nhìn ông ta, từ từ phân tích.
Trên triều đình, mọi người bắt đầu tranh luận xôn xao.
Đường Thận là quan tứ phẩm thấp bé nhẹ cân, cuộc tranh luận này không có cửa cho cậu chen vào.
Cậu lặng lẽ đứng ở khu vực dưới cùng trong bách quan, chỉ có thể nhìn loáng thoáng lưng bốn vị tướng công và Vương Trăn từ đằng xa, đến cả mặt Triệu Phụ cậu còn không thấy rõ.
Kỷ Ông Tập muốn xây dựng lại ty Độ Chi, Trần Lăng Hải phản đối, Vương Thuyên cũng phản đối.
Hiện giờ Thượng thư bộ Hộ là Vương Trăn, cháu ruột Vương Thuyên.
Thiết lập lại ty Độ Chi tức là Kỷ Ông Tập đang muốn tước bớt quyền lực của Vương Trăn, Vương Thuyên đồng ý mới là lạ.
Trên triều, các quan tranh cãi ầm ĩ.
Đường Thận nghe mãi mới phát hiện ra nãy giờ sư huynh mình không nói gì cả.
Cậu vô thức rướn cổ lên nhìn Vương Trăn.
Vương Trăn vẫn giơ cao hốt ngọc, đứng thẳng tắp giữa toàn thể các quan.
Đến khi phe Tả tướng và các quan khác cãi nhau quá gay gắt, Triệu Phụ mới hừ một tiếng.
Tức thì, các quan im bặt.
Ánh mắt Triệu Phụ lướt qua quần thần rồi dừng lại ở Vương Trăn.
Ông ta cười: “Tử Phong có ý kiến gì không?”
Vương Trăn tiến lên một bước: “Thần cho rằng, ý của tả tướng có thể thực hiện được.”
Chàng vừa dứt lời, Tả thị lang bộ Hộ là Từ Lệnh Hậu và Hữu thị lang Tần Tự đều không tin nổi vào tai mình.
Triệu Phụ bật cười: “Trẫm cũng thấy ý kiến đó khả thi.
Trẫm tuyên bố, kể từ hôm nay, ty Độ Chi sẽ được thiết lập lại!”
Năm Khai Bình thứ hai mươi chín, ngày hai chín tháng sáu, Tả tướng Kỷ Ông Tập mở lại ty Độ Chi.
Mùng một tháng bảy, Hữu tướng Vương Thuyên thi thành hai mươi ba điều cải cách thuế ruộng.
Các tỉnh, phủ trong khu vực Bắc Trực Lệ và Nam Trực Lệ là những nơi đầu tiên tiến hành cải cách.
Ty Độ Chi được mở lại, rất cần bổ sung nhân lực mới.
Nhiều người Đường Thận quen đã được triệu tập về ty Độ Chi, ví dụ như Trạng Nguyên Diêu Thiện – đỗ cùng khóa với Đường Thận, hay bạn thân ở Quốc Tử Giám của Đường Thận là Mai Thắng Trạch..