Sông Đông Êm Đềm

Những que băng màu rơm vàng vàng từ trên mái xuống, vỡ ra với những tiếng như thuỷ tinh. Trời trở ấm làm khắp thôn như nở hoa với những váng nước và những khoảng đất tan tuyết. Vài con bò chưa thay hết lông lang thang trong các phố, mũi luôn luôn hít hít.

Những con chim sẻ ríu rít bới lung tung trong các đống cành cây chất trong các sân gia súc, cứ như trời đã sang xuân. Ngoài bãi thôn, Marchin Samin đuổi theo con ngựa hồng béo căng chạy trong sân nhà hắn ra. Con ngựa vươn thẳng cái đuôi có những sợi lông rất thô của giống ngựa sông Đông, vừa chạy vừa đá hậu, lông bờm rối như bòng bong phấp phới trước gió, bốn vó hất tung ra xa những đám tuyết tan dở. Nó chạy vài vòng bãi, rồi đứng lại bên dãy tường bao nhà thờ, hít hít những viên gạch. Nó để cho chủ lại gần một chút, đưa cặp mắt tim tím liếc nhìn đoạn dây hàm thiếc trong tay chủ rồi lại vươn thẳng lưng phi như điên.

Tháng giêng cho mặt đất được hưởng những ngày u ám nhưng ấm áp. Nhìn ra sông Đông, bà con Cô- dắc đoán rằng mùa nước lũ sẽ sớm hơn mọi năm. Hôm ấy, Miron Grigorievich đứng rất lâu trên cái sân sau nhà, nhìn bãi cỏ, tuyết và mặt băng xanh xanh xám xám trên sông Đông, bụng bảo dạ: "Rồi mà xem, năm nay nước lại to như năm ngoái thôi. Toàn tuyết là tuyết, đổ xuống cơ man nào tuyết! Đất bị đè nặng như thế kia, đến không thở được mất!"

Mitka đang dọn sân nuôi bò, trên mình mặc độc một cái áo quân phục cổ chui màu cứt ngựa. Cái mũ lông cừu trắng nó đội hất ra sau gáy không rơi như nhờ phép mầu. Vài món tóc mượt đăm mồ hôi xoã xuống trán. Mitka đưa mu bàn tay bẩn thỉu, nặc mùi phân bò gạt lên. Một con dê đực lông xồm dẫm lên những thỏi phân gia súc đóng băng quét lại thành đống bên cạnh cổng sân gia súc. Những con cừu đứng chen chúc bên cạnh hàng rào. Một con cừu non đã cao hơn mẹ mà còn đòi bú, con cừu mẹ húc đuổi nó đi. Cách đấy một chút, một con cừu đực lông đen có bộ sừng uốn vòng, cọ mình vào cái cày gãi ngứa.

Một con chó vàng nằm sưởi nắng bên căn nhà kho có cái cửa bôi đất sét vàng. Bên ngoài nhà kho, trên những mảng tường dưới mái hiên có treo những thứ dùng để đánh bắt cá. Cụ Grisaka chống nạng đứng nhìn, có lẽ cụ đang nghĩ tới mùa xuân sắp ập tới đến nơi và việc sửa chữa lưới đánh cá.

Miron Grigorievich bước vào sân đập lúa. Bằng cặp mắt quen làm ăn, ông ước lượng mấy đống rơm. Ông vừa bắt đầu cầm cào vơ gọn chỗ rơm kê bị mấy con dê bới tung thì vãng nghe thấy tiếng người lạ ông bèn ném cái cào bên đống rơm, bước ra sân gia súc. Mitka đưa một chân sang bên cuốn điếu thuốc, cái túi thuốc rất đẹp được nhân tình thêu tặng kẹp giữa hai ngón tay.

Khristonhia lấy ra một mẩu giấy cuốn thuốc lá nhớp nhúa từ bên trong cái mũ cát két xanh da trời của trung đoàn Atamansky. Kotliarov phanh tà áo ca- pôt, đứng dựa lưng vào cái cửa đan bằng cành cây của sân gia súc. Anh tìm loạn trong các túi chiếc quần bông của bộ binh, một vẻ bực bội thoáng hiện lên trên bộ mặt cạo nhẵn nhụi có một chỗ hõm sâu đen đen dưới cằm: có lẽ anh đã để quên một cái gì.

- Ông ngủ ngon chứ, ông Miron Grigorievich? - Khristonhia chào.

- Ơn Chúa, chào hai thầy quyền!

- Mời ông lại cùng hút cho vui.

- Chúa miễn cho. Tôi vừa hút xong.

Miron Grigorievich bắt tay hai chàng Cô- dắc, bỏ chiếc mũ đỉnh đỏ có tai và mảng che gáy xuống, vuốt những món tóc hoa râm dựng đứng trên đầu, mỉm cười.

- Anh em trung đoàn ngự lâm lại chơi có việc gì thế?

Khristonhia nhìn chủ nhà một lượt từ đầu đến chân, không trả lời ngay, mà cứ thè cái lưỡi to tướng, ráp như lưỡi bò ra liếm tờ giấy cho đẫm nước bọt, cuốn xong điếu thuốc anh chàng mới trả lời ồm ồm:

- Chúng tôi đến tìm Mitka, có chút việc.

Cụ Grisaka lệt sệt bước qua, tay giơ ra mang những vòng gỗ của cái lưới Kotliarov và Khristonhia ngả mũ chào cụ. Cụ mang các thứ lên thềm rồi lại bước ra.

- Các anh làm sao thế, lính với tráng gì mà cứ ru rú xó nhà như vậy? Chỉ hú hí với vợ cho ấm có phải không? - Ông cụ hỏi các chàng Cô- dắc.

- Nhưng có chuyện gì thế cụ? - Khristonhia hỏi.

- Thối anh câm cái mồm đi, Khristonhia? Chẳng nhẽ anh cũng không biết hay sao?

- Thật đấy, cháu có biết gì đâu? - Khristonhia thề sống thề chết - Có cây thánh giá đây, cháu chẳng biết gì đâu cụ ạ.

- Hôm nọ có một gã từ Voronez tới đây, là lái buôn, người quen của thằng Mokhov hay họ hàng thân thích với nó, lão cũng chẳng biết. Nó đến đây nói rằng có một đạo quân không phải của người mình đến đóng ở Trekova: chính là bọn Bolsevich đấy. Quân Nga đến gây chiến tranh với chúng ta mà các anh cứ nằm lì ở nhà hay sao? Cả mày nữa, cái thằng bỏ đi nầy. Mày có nghe thấy không, Mitka? Sao mày cứ câm như hến thế hử? Các anh nghĩ ngợi những gì hử?

- Nhưng chúng cháu chẳng nghĩ ngợi gì đâu cụ ạ. - Kotliarov mlm cười.

- Các anh chẳng nghĩ gì cả, tai hoạ chính là ở chỗ ấy đấy! - Cụ Grisaka khùng lên. - Các anh sẽ bị chúng nó quơ vào lưới như người ta bắt gà gô cho mà xem! Bọn mu- gích sẽ kéo đến, các anh sẽ bị tràn ngập, sẽ bị quạng vào mõm cho mà xem.

Miron Grigorievich mỉm cười, vẻ dè dặt. Khristonhia đưa tay lên xoa má làm những sợi râu cứng như rễ tre, đã lâu không cạo, kêu ràn rạt. Kotliarov vừa hút thuốc vừa đưa mắt nhìn Mitka. Trong cặp mắt xanh lè của nó, hai cái đồng tử hẹp và đứng như của loài mèo loé lên những tia bừng bừng: không thể biết được hai con mắt ấy cười hay đang để lộ một nỗi căm hờn chưa nguôi.

Kotliarov và Khristonhia nói thêm vài câu, chào như sắp sửa ra về rồi gọi Mitka ra cửa hàng rào:

- Tại sao tối qua cậu không đến họp? - Kotliarov hỏi giọng nghiêm khắc.

- Không có thì giờ.

- Nhưng lại vẫn có thì giờ đến nhà Melekhov?

Mitka hất đầu, cho chiếc mũ lông cừu chạy ra trước trán và cố giấu vẻ tức tối nói:

- Không đến là không đến, có thế thôi. Có chuyện gì để chúng ta nói với nhau thế?

- Trong thôn tất cả các anh em ở ngoài mặt trận về đều đã đến. Thằng Petro nhà Melekhov không có mặt. Cậu có biết không… mọi người đã quyết định cử đại biểu của thôn ta lên Kamenskaia. Trên ấy đến mồng mười tháng Giêng sẽ họp đại hội đại biểu các binh sĩ ở mặt trận về. Mọi người đã gắp thăm, ba chúng mình đã được cử đi: mình, Khristonhia và cậu.

- Mình không đi. - Mitka tuyên bố dứt khoát.

- Cậu làm sao thế? - Khristonhia cau mày nắm lấy một cái khuy trên chiếc áo quân phục cổ chui của Mitka. - Cậu bỏ anh em à? Không ăn cánh với anh em à?

- Nó đi theo thằng Petro nhà Melekhov. - Kotliarov kéo tay áo ca- pôt của Khristonhia, mặt anh rõ ràng tái đi - Thôi, ta đi đi. Xem ra chẳng còn ở đây làm gì nữa. Cậu không đi phải không, Mitka?

- Không… Đã nói không là không.

- Thôi chào cậu! - Khristonhia nghiêng đầu chào.

- Chúc mọi sự tốt lành?

Mitka đưa mắt ra chỗ khác, chìa cho Khristonhia một bàn tay nóng hổi rồi bước vào trong nhà.

- Thằng chó đẻ! - Kotliarov khẽ nói, cánh mũi run run. - Cái thằng chó đẻ! - Anh nhắc lại to hơn và nhìn theo cái lưng cánh phản của Mitka lúc nầy đã đi xa.

Trên đường về, hai người báo cho một gã cựu chiến binh biết rằng Mitka từ chối không đi họp và ngày mai hai người sẽ cùng lên đường đi dự đại hội.

Rạng ngày mồng tám tháng Giêng Khristonhia và Kotliarov ra khỏi thôn. Gã Yakov "Móng lừa" tự nguyện đánh xe đưa hai người đi. Cặp ngựa rất tốt thắng hai bên cái càng giữa rảo bước chạy ra ngoài thôn rồi leo lên gò. Trời trở ấm làm con đường bị bóc trần. Ở những chỗ tuyết tróc ra, đòn trượt dính xuống đất, chiếc xe tiến được một đoạn lại dừng lại, hai con ngựa phải vươn mình kéo dây thắng.

Ba chàng Cô- dắc đi sau chiếc xe trượt tuyết. Không khí ban mai hơi băng giá làm mặt "Móng lừa" đỏ rực lên, đôi ủng của hắn nghiến ràn rạt trên lớp băng dội tiếng. Trên khuôn mặt đỏ bừng của hắn, chỉ riêng vết sẹo hình bầu dục là xám ngoét như thây người chết.

Khristonhia đi bên cạnh đường leo lên dốc, chân dẫm trên những đám tuyết to hạt đã lún. Phổi anh chàng hít không khí và cứ kêu phù phù như tiếng kéo bễ, vì năm 1916 có lần Khristonhia đã trúng hơi ngạt của quân Đức ở gần Davno.

Gió hoành hành thoả thích trên ngọn gò. Lên đến đây thì lạnh hơn. Ba chàng Cô- dắc vẫn ngậm tăm, Kotliarov giấu kín mặt trong cổ áo lông. Cánh rừng nhỏ ở đằng xa mỗi lúc một gần. Con đường xuyên qua cánh rừng ấy, leo lên đến đường sống đồi. Trên ấy có nhiều nấm kurgan. Gió trong rừng rì rào như gạc hươu, những tảng vẩy của vỏ cây với những đường nét rắc rối, chỗ vàng chỗ xanh, nom cứ như rỉ. Xa xa không biết chỗ nào có con chim ác là kêu ríu rít. Nó bay vút qua đường, cái đuôi ngoắt chéo sang bên. Bị cuốn theo chiều gió, nó nghiêng mình bay vun vút, chỉ loáng thấy đám lông lốm đốm.

Từ lúc ở trong thôn ra, "Móng lừa" cứ im như thóc. Mãi sau hắn mới quay nhìn Kotliarov, nói tách bạch từng tiếng (có lẽ hắn đã nhẩm sẵn trong óc câu nói lâu lắm rồi):

- Lên tới đại đội, các cậu phải cố làm thế nào cho đừng có chiến tranh. Sẽ chẳng có thằng nào muốn đánh nhau đâu.

- Tất nhiên là thế rồi - Khristonhia đồng ý. Anh chàng vừa nói vừa nhìn con ác là tự do bay lượn bằng cặp mắt ghen tị, và cứ thầm so sánh cuộc đời hạnh phúc không vẩn chút lo âu của con chim với cuộc sống đời con người.

Ba người đến Kamenskaia ngày mồng mười tháng Giêng lúc trời sắp tối.

Từng toán Cô- dắc đi theo các phố vào trung tâm cái trấn lớn. Quang cảnh có vẻ náo nhiệt hẳn lên. Kotliarov và Khristonhia tìm thấy chỗ Grigori Melekhov ở, nhưng được biết rằng chàng không có nhà. Chủ nhà, một người đàn bà béo núng nính, lông mày trắng phếch, cho biết người khách thuê phòng đã đi dự đại hội.

- Nhưng đại hội ở chỗ nào chứ? - Khristonhia hỏi.

- Có lẽ ở nhà hội đồng Khu hay là nhà dây thép gì đó. - Chủ nhà vừa trả lời vừa thản nhiên đóng sập cửa trước mũi Khristonhia.

Đại hội đang họp tới lúc sôi nổi nhất. Căn phòng rộng thênh thang có rất nhiều cửa sổ vẫn không chứa nổi số đại biểu. Một số Cô- dắc đứng tụm túm trên thang gác, trong các phòng bên cạnh.

- Bám sát mình nhá, - Khristonhia nói è è trong họng, đưa hai khuỷu tay hích mọi người để len lên.

Kotliarov xông vào cái khe nhỏ mà Khristonhia để lại sau lưng.

Khi đã gần đến cửa căn phòng dùng làm phòng họp, Khristonhia bị một gã Cô- dắc ngăn lại. Nghe giọng nói, anh chàng nầy đúng là dân vùng dưới.

- Xô đẩy vừa vừa chứ, cái con cá diếc nầy 1 - Hắn nói giọng châm chọc.

- Buông tay ra, có buông ra không?

- Đứng lại ở đây thôi? Giương mắt ra mà xem, có còn chỗ nào nữa đâu!

- Lánh ra ngay, đồ muỗi nhắt, nếu không đây chỉ cho một cái móng tay là đủ biết thân. Đây sẽ dẫm bẹp dí cho mà xem? - Khristonhia doạ như thế rồi hơi kiễng chân, đẩy gã Cô- dắc nhỏ bé ra, tiến lên trước.

- Chà con gấu khổng lồ.

- Thằng lính trung đoàn Atamansky nầy khoẻ khiếp!

- Lấy nó làm cái xe thồ thì tốt lắm! Chở được một khẩu pháo bốn điu- im 2 đấy!

Bọn Cô- dắc đứng chen chúc như đàn cừu mỉm cười nhìn Khristonhia với một vẻ kính nể bất đắc dĩ, vì Khristonhia cao hơn họ hẳn một đầu.

Hai người len đến bức tường cuối phòng thì tìm thấy Grigori.

Chàng ngồi xổm hút thuốc và đang nói chuyện với anh chàng Cô- dắc nào đó, đại biểu của trung đoàn 35. Grigori nhìn thấy hai ông bạn cùng thôn, hai chòm ria chảy xễ đen như lông quạ rung rung trong nét cười.

- Chà… làn gió nào đưa hai bạn đến đây thế nầy? Chào anh, anh Kotliarov! Có khoẻ không, bác Khristonhia nhà tôi!

- Khoẻ lắm, nhưng xem ra không hơn được con bò giống đâu, - Khristonhia cười đưa bàn tay rộng đến nửa ác- sin ra nắm gọn lỏn cả bàn tay của Grigori:

- Gia đình nhà tôi ở quê ta như thế nào?

- Ơn chúa cũng khá. Có gửi lời hỏi thăm đấy. Ông cụ nhà cậu có nhắn cậu về thăm nhà đấy.

- Anh Petro mình như thế nào?

- Petro ấy à… - Kotliarov mỉm nụ cười ngượng nghịu. - Petro không đi lại với anh em chúng mình nữa rồi.

- Mình có bìết. Thế còn Natalia? Và hai đứa con của mình nữa. Các bạn có trông thấy chúng nó không?

- Tất cả đều khoẻ mạnh, đều gửi lời hỏi thăm cậu. Còn ông cụ nhà cậu thì giận…

Khristonhia ngoái cổ nhìn đoàn chủ tịch ngồi ở một cái bàn. Dù đứng ở phía sau, anh chàng vẫn nhìn được rõ hơn tất cả mọi người.

Grigori lợi dụng những phút nghỉ họp ngắn ngủi để hỏi han thêm.

Trong khi kể cho chàng nghe về thôn xóm, về những việc xảy ra trong thôn, Kotliarov thuật lại ngắn gọn cuộc họp của các anh em ở ngoài mặt trận về đã cử anh và Khristonhia đến đây. Anh đã bắt đầu hỏi xem ở Kamenskaia có những việc gì xảy ra và tình hình như thế nào, nhưng giữa lúc đó có người ngồi ở bàn tuyên bố:

- Thưa anh em đồng hương, bây giờ vị đại biểu của anh em công nhân hầm mỏ sẽ lên phát biểu ý kiến. Đề nghị mọi người chú ý lắng nghe và giữ trật tự.

Một người tầm thước vuốt lại bộ tóc đỏ lòm chải ngược ra sau, bắt đầu nói. Những tiếng nhao nhao như ong vỡ tổ lập tức lắng đi, như bị cắt đứt.

Anh ta nói sôi nổi, bừng bừng nhiệt tình, và mới nghe mấy câu đầu Grigori cũng như tất cả những người khác đều cảm thấy ngay sức mạnh trong niềm tin tưởng của arih ta. Anh ta nói về chính sách phản bội của Kaledin, một chính sách xúi giục dân Cô- dắc chống lại giai cấp công nhân và nông dân Nga, về thống nhất lợi ích giữa dân Cô- dắc và giai cấp công nhân, về các mục đích mà người Bolsevich theo đuổi trong khi tiến hành cuộc đấu tranh chống các lực lượng phản cách mạng trong dân Cô- dắc.

- Chúng tôi chìa bàn tay anh em bắt tay người lao động Cô- dắc và mong rằng trong cuộc chiến đấu chống bè lũ Bạch vệ, chúng tôi sẽ tìm thấy những đồng minh đáng tin cậy trong anh em Cô- dắc ở mặt trận về. Trên các mặt trận trong cuộc chiến tranh của vua Nga, những người công nhân và Cô- dắc đã cùng phải đổ máu, và trong cuộc chiến tranh chống bọn trọc phú tư sản, được Kaledin nuôi dưỡng, chúng ta phải cùng sát cánh với nhau và sẽ sát cánh bên nhau! Tay nắm chặt tay, chúng ta sẽ cùng chiến đấu chống những kẻ đã nô dịch nhân dân lao động bao nhiêu thế kỷ nay! - Anh ta gầm lên như tiếng kèn đồng.

- Quân cho- o- ó đẻ! Diệt hết nòi chúng nó đi! - Khristonhia cao hứng khẽ nói và nắm lấy khuỷu tay Grigori mạnh quá làm chàng nhăn mặt.

Kotliarov he hé miệng lắng nghe. Tinh thần anh quá căng thẳng nên hai con mắt cứ nháy liên hồi. Anh lẩm bẩm:

- Đúng lắm. Đúng là như thế đấy!

Sau khi người đại biểu ấy nói xong, một anh chàng thợ mỏ cao lêu đêu vừa nói vừa ngật ngưỡng như cây tần bì trước gió. Anh ta đứng lên, dướn thẳng lưng như người có thể gập lại mở ra, nhìn khắp hàng trăm cạp mắt của đám người, và chờ rất lâu cho những tiếng ồn ào lắng đi. Chàng thợ mỏ nầy y như một đoạn chão buộc thuyền, người những đốt là đốt, chắc nịch, khô đét, lại có một ánh xanh lá cây như rắc sulfat đồng. Các lỗ chân lông trên mặt anh ta bị những bụi than nhỏ li ti két vào đen sì, không thể nào rửa sạch. Hai con mắt màu vàng nhạt, mất sắc vì bao năm sống trong bóng tối dưới những lớp đất đen ngòm, nom cũng ảm đạm như ánh than đá.

Anh ta vung hai cánh tay đầy lông ngắn như để bổ những nhát cuốc, hai nắm tay nắm chắc lại.

- Đứa nào đem án tử hình áp dụng đối với anh em binh sĩ ngoài mặt trận? Kornilov! Đứa nào cùng với Kaledin đè nén, áp bức chúng ta? Cũng nó? - Anh nói mỗi lúc một nhanh, không phải là nói mà là gào lên - Thưa bà con Cô- dắc! Các anh em! Các anh em! Vậy thì anh em sẽ sát cánh với ai? Thằng Kaledin đang muốn chúng ta uống máu những người anh em của mình? Không được! Không được? Nó sẽ không làm nổi cái trò ấy đâu! Chúng ta sẽ dẫm chết nó, cho nó về chầu Chúa, cho nó xuống âm ti địa ngục! Cái loại hút máu ấy chúng ta sẽ quăng tuốt xuống biển!

- Quân cho- o- ó đẻ! Khristonhia vỗ hai tay vào nhau đánh đét, miệng há hốc. Đầu tiên anh chàng chỉ mỉm cười, nhưng sau không nhịn được nữa, phá lên cười khồ khồ - Đu- ú- úng lắm! Đánh hộc máu chúng nó ra?

- Có im cái mồm đi không? Khristonhia, cậu làm sao thế? Họ tống cổ cậu ra bây giờ! - Kotliarov hoảng lên.

Laguchin càng làm cho tinh thần các binh sĩ Cô- dắc cháy bừng bừng với những lời tâm huyết, không mạch lạc lắm, nhưng sống động, rất trúng đích. Anh chàng Cô- dắc trấn Bukanovskaia nầy làm chủ tịch thứ nhất ban quản lý Cô- dắc trong Ban chấp hành Xô viết trung ương toàn Nga khoá thứ hai. Rồi Pochenkov, người chủ toạ cuộc họp lên phát biểu, tiếp theo là Sadelko, một anh chàng đẹp trai, ria tỉa theo kiểu ăng lê.

Anh chàng nào thế? Khristonhia giơ cánh tay dài như cán cào ra hỏi Grigori.

Sadelko, tay chỉ huy của bọn Bolsevich.

- Còn cậu kia.

- Manđenstam.

- Dân ở đâu thế?

- Moskva.

- Còn kia là những ai? - Khristonhia chỉ nhóm đại biểu của đại hội vùng Voronez.

- Cậu hãy ngơi cái miệng một chút, Khristonhia.

- Lạy chúa tôi, không hiểu sao mình muốn biết quá! Cậu hãy bảo cho mình biết, cái anh chàng ngồi bên cạnh Pochenkov, người dài ngoẵng ấy, hắn là ai thế?

- Krivoslykov người trấn Elanskaia thôn Gorbatov. Mấy cậu ngồi đằng sau Krivoslykov là anh em vùng ta đấy: Gudinov, Doneskkov Cho mình hỏi thêm nhé… Thế cậu kia… không phải đâu! Ngồi cái cuối cùng, có cái bờm tóc xoã ấy?

- Eliseeev mình không biết là dân trấn nào.

Khristonhia hỏi đã thoả bèn ngồi im không nói gì nữa để lắng nghe một người khác lên phát biểu rồi lại là người đầu tiên át tiếng hàng trăm người khác bằng cái giọng trầm hạng thấp nhất của anh ta "Đúng lă- ă- ắm!"

Sau Stekhin, một anh chàng Cô- dắc Bolsevich, thì đến lượt đại biểu của trung đoàn 44. Anh chàng nầy nói cứ ngắc ra với những câu không trơn tru, suy nghĩ cực nhọc. Nói được một lời, như đóng một cái dấu nung vào không khí, rồi lại ngừng lời, hỉ mũi. Nhưng các đại biểu Cô- dắc đều lắng nghe anh ta với một thái độ rất đồng tình, chỉ lâu lâu mới ngắt lời bằng những tiếng hô tán thành. Rõ ràng những lời anh ta nói đã gây một tiếng vang sống động trong lòng họ.

- Thưa anh em! Đại hội đại biểu của chúng ta phải đi vào giải quyết một vấn đề quan trọng là làm thế nào cho nhân dân khỏi bị xúc phạm và mọi việc đều chấm dứt bình an vô sự? - Anh ta è è như người nói lắp. - Tôi muốn nói rằng đã có chiến tranh đẫm máu. Chúng ta đã sống dở chết dở trong chiến hào ba năm rưỡi trời, và nếu còn phải đánh nhau lần nữa dân Cô- dắc sẽ chết hết…

- Đúng đá- â- ấy?

- Chí lý lắm!

- Chúng ta không muốn chiến tranh?

- Cần phải đàm phán với cánh Bolsevich cũng như với Cơ- rúc quân khu?

- Chúng ta cần đi theo con đường hoà bình, chứ không dùng phương pháp nào khác cả? Chẳng có gì phải bàn cãi quẩn quanh?

Pochenkov đấm mạnh nắm tay xuống bàn làm những tiếng la thét lắng cả xuống. Đại biểu trung đoàn 44 lại vuốt chòm râu để như người Sibiri, kéo dài giọng:

- Chúng ta cần phải cử một số anh em mình trong đại hội đại biểu đi Novocherkask yêu cầu quân tình nguyện cùng mọi thứ quân du kích ra khỏi nơi đây. Còn người Bolsevich thì họ cũng chẳng có việc gì phải làm trong vùng chúng ta. Tự chúng ta sẽ giải qụyết với các kẻ thù của nhân dân lao động. Hiện nay chúng ta không cần đến sự giúp đỡ của người khác. Bao giờ cần đến chúng ta sẽ tới yêu cầu họ giúp đỡ sau.

- Nói như thế không xong đâu!

- Đúng lă- ă- ắm!

- Hượm đã nào? Hượm đã nào! Thế nào là "đúng mới được chứ? Trong lúc mình còn đứng chưa vững chân, chúng nó xiết chặt vòng vây quanh chúng ta, rồi đến lúc ấy mới đi cầu cứu phải không? Không được đâu, chờ được mạ thì má đã sưng 3.

- Phải lập nên chính quyền của mình mới được!

- Gà mẹ đã vào ổ rồi mà trứng còn chưa biết để đâu… Lạy chúa tôi! Người đâu mà ngu khổ ngu sở!

Đại biểu trung đoàn 44 nói xong, Laguchin đưa ra những lời kêu gọi sôi nổi. Có những tiếng kêu cắt đứt lời anh. Có người đề nghị chỉ mười phút, nhưng vừa lấy lại được yên lặng thì Pochenkov tung những lời dưới đây vào giữa đám người đang sôỉ sục:

- Anh em Cô- dắc! Trong lúc chúng ta hội họp ở đây, những kẻ thù của nhân dân lao động không ngủ đâu. Chúng ta cứ muốn sói cũng no mà cừu cũng toàn vẹn, nhưng Kaledin hắn lại không nghĩ như thế. Chúng ta đã có được bản mệnh lệnh của hắn, sai bắt giữ tất cả các đại biểu tới dự đại hội nầy. Bản mệnh lệnh nầy sẽ được đọc ngay cho mọi người nghe.

Sau khi văn bản mệnh lệnh của Kaledin về việc bắt giữ các đại biểu dự đại hội được đọc xong, tinh thần xao xuyến lập tức truyền lan qua từng toán đại biểu như một làn sóng. Những tiếng ầm ầm dội lên to gấp trăm lần bất kỳ cuộc họp nào của trấn.

- Phải có hành động cụ thể mới được, không thể chỉ nói suông?

- Yên lă- ă- ặng! Suỵt!

Bây giờ thì "yên lặng" cái gì? Phải tiêu diệt chúng nó đi!

- Lobob? Lobob? Cậu nói với anh em vài lời đi?

- Chúng ta hãy chờ một lát!

- Kaledin, nó không phải là một thằng ngốc đâu!

Grigori chẳng nói chẳng rằng, chỉ vểnh tai lắng nghe. Chàng nhìn dám đại biểu, nhìn những cái đầu ngả nghiêng và những cánh tay vung lên loạn xạ, rồi cuối cùng không nhịn được nữa, phải kiễng chân gào lên:

- Có im đi không nào, bọn quỷ dữ! Các anh đến đây họp chợ hay sao thế nầy? Để cho Pochenkov nói đã?

Kotliarov cứ bám lấy một gã đại biểu của trung đoàn 8 để tranh cãi. Khristonhia bị một anh chàng cùng đơn vị công kích bèn gầm lên cãi lại:

- Trong chuyện nầy thì phải tỉnh táo đề phòng mới được? Cậu nói nhăng nói cuội với mình cái gì thế hả? Đồ ngốc? Thôi nầy, anh bạn thân mến ơi! Thuốc lá chúng ta trồng lấy hút tốt chán, việc chúng ta, chúng ta lo!

Bỗng nhiên những tiếng gào thét inh tai nhức óc lắng hẳn đi, cứ như có cơn gió thổi rạp làn sóng lúa lao xao. Tiếng hô the thé như tiếng con gái của Krivoslykov xuyên như một mũi khoan qua bầu không khí ngay từ lúc chưa hoàn toàn yên lặng.

- Đả đảo Kaledin? Uỷ ban quân sự cách mạng Cô- dắc muôn năm!

Đám người cũng gầm lên. Những tiếng hô đồng tình vang rền như sấm, xoắn lại với nhau, nặng nề quất vun vút vào tai như những ngọn roi. Krivoslykov vẫn đứng yên với một bàn tay giơ cao, những ngón tay anh khẽ rung rung như những cái lá đầu cành. Những tiếng la thét ầm ĩ vừa lắng hết, Krivoslykov kêu lớn, vẫn cái giọng the thé, rất to, như con sói bị vây bắt:

- Tôi đề nghị bầu lấy trong số chúng ta một Uỷ ban quân sự cách mạng Cô- dắc? Trao cho Uỷ ban đó nhiệm vụ tiến hành cuộc đấu tranh với Kaledin và tổ…

- Ha- a- a- a- a! - Những tiếng hô nổ ra như những trái đạn pháo. Thạch cao trát trên trần rơi xuống lả tả như những mảnh đạn.

Mọi người bắt đầu bầu các uỷ viên của Uỷ ban quân sự cách mạng. Một số không đáng kể, đứng đầu là gã đại biểu trung đoàn 14 vừa phát biểu cùng vài người khác, tiếp tục đòi kiên trì dùng con đường hoà bình để giải quyết cuộc xung đột với chính quyền quân khu, nhưng đa số những người có mặt trong đại hội không còn ủng hộ họ nữa. Sau khi đọc bản mệnh lệnh chứng thực Kaledin muốn bắt giữ mình, các đại biểu Cô- dắc đã nổi nóng, khăng khăng đòi phải tích cực chống lại chính quyền Novocherkask.

Grigori bị gọi cấp tốc lên trung đoàn bộ, không nán lại được tới khi bầu cử xong. Lúc rời khỏi đại hội, chàng dặn Khristonhia và Kotliarov:

- Các việc xong xuôi thì hai bạn lại nhà mình nhé? Mình rất muốn biết có những ai được bầu làm uỷ viên.

Đến đêm Kotliarov mới quay về. Vừa bước tới ngưỡng cửa, anh đã cho biết:

- Pochenkov chủ tịch, Krivoslykov thư ký!

- Còn các uỷ viên?

- Tham gia Uỷ ban có cả Laguchin, Ivan và Golovatrep, Minaev, Kudinov ngoài ra còn vài người khác nữa.

- Thế Khristonhia đâu rồi? - Grigori hỏi.

- Cậu ấy cùng một số anh em Cô- dắc đi bắt bọn cầm quyền ở Kamenskaia. Cô- dắc gì mà nóng như lửa, nước bọt nhổ vào cậu ấy là cháy xèo xèo. Của nợ!

Trời rạng Khristonhia mới về. Anh chàng thở như kéo bễ giờ lâu rồi vừa cởi ủng cởi tất, vừa lầu bầu không biết những gì. Grigori châm đèn, thấy khuôn mặt đỏ tía của Khristonhia vấy máu, và phía trên trán có vết đạn sướt.

- Đứa nào bắn cậu thế? Băng lại nhá! Mình sẽ băng ngay cho cậu cậu chờ một lát, mình tìm thấy băng ngay đây! - Grigori nhảy phắt trên giường xuống, tìm vải ga và băng.

- Sẽ khỏi ngay thôi, cũng như vết thương trên một con chó ấy mà, Khristonhia làu bàu - Thằng chỉ huy quân sự làm mình toạc da với khẩu Nagan của nó đấy. Người ta đi cửa tiền vào nhà nó như những vị khách mà nó lại chống cự. Nó còn bắn bị thương một cậu nữa. Mình đã muốn moi linh hồn nó ra xem cái linh hồn của bọn sĩ quan nó như thế nào, nhưng anh em đã không để cho mình làm như thế, nếu không mình đã nắn thử nó… sờ nắn nó đến nơi đến chốn rồi!

--- ------ ------ ------ -------

1 Biệt hiệu của dân Đông Thượng (ND).

2 80 ly.

3 Nguyên văn: "Chờ được bánh chín thì bà lão đã chết ngỏm rồi"


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui