Gần đến tháng sáu, thời tiết lúc nắng lúc mưa, bếp lò cũng đã làm xong, được ốp gạch men, trên mặt tường phía sau lò còn lắp đặt quạt thông gió.
Bếp lò hiện giờ tinh xảo hơn lúc trước rất nhiều, liền kề bên cạnh bếp là một dãy tủ bát.
Tủ bát cũng là sản phẩm của chú Thái, bên trong dùng gạch xây ngăn cách, ốp gạch men, vừa kiên cố vừa tiết kiệm tiền, bên ngoài cửa tủ gỗ màu trắng như mặt bàn, trên mặt bàn có bồn rửa, còn lắp đặt bếp gas và máy hút khói.
Cái này cũng rất cần thiết.
Bởi vì dùng bếp lò để nấu ăn cho cả nhà thì sẽ tiết kiệm hơn, nhưng nếu như vội nấu một hai món thì không cần phải nhóm bếp lò, dù sao đun nóng bếp cũng cần phải có thời gian.
Công việc sơn tường cũng đã hoàn thành, bây giờ là thuê mấy người hỗ trợ xây bể tự hoại ở sau nhà.
Theo yêu cầu của Giai Tuệ, các thợ xây mấy cái hố vuông vức, xử lý chống thấm chống rò.
Sau khi đưa vào sử dụng, chất thải nhà vệ sinh sẽ lần lượt đi qua ba bể, lên men và phân hủy, không chỉ có thể diệt khuẩn mà còn không có mùi hôi thối nữa.
"Cái này thật sự hữu dụng như vậy ư?" Hai người thợ vừa xây bể vừa nghi ngờ, xong còn nói: "Nếu tốt thì đợi chú xây nhà mới cũng sẽ làm một cái như vậy."
"Không tin thì một thời gian nữa chú đến xem lại đi." Giai Tuệ nói: "Sau này nhà xí của nông thôn đều sẽ phải đổi thành cái này.
Trước nhà sau nhà chỗ nào cũng sạch sẽ không tốt à?"
"Cũng phải!" Người thợ rất tán thành: "Đúng là phải cải tạo lại.
Mỗi lần trời mưa, nhà xí đều thối không chịu nổi, ruồi nhặng bay tứ tung rất khó chịu! Quả nhiên các cháu sống lâu ở thành phố lớn nên sẽ hiểu biết hơn! Các cháu biết đến loại bể năm ngăn này từ đâu vậy?"
Qua nhiều lần sửa chữa, bể tự hoại ba ngăn trên bản vẽ đã được sửa thành bể năm ngăn.
Ba bể đầu là bể tự hoại, hai bể sau được nối với ống thoát nước của phòng, dùng để xử lý nước thải sinh hoạt, một bể dùng để bồi lắng, bể còn lại tiến hành phân hủy sinh học, đến lúc đó có thể trồng bèo lục bình, cỏ đồng tiền và dong riềng đỏ, không chỉ làm sạch chất lượng nước mà còn đẹp nữa.
Bèo lục bình còn có tên gọi khác là phượng nhãn lam, chỉ cần nghe tên là biết hoa của nó đẹp thế nào.
Bởi vì trời mưa nên công việc chà nhám của Giai Tuệ được chuyển vào trong nhà.
Có máy chà nhám nên công việc nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Sau khi những vết bẩn cũ trên các vật dụng cũ kia được rửa sạch, lớp sơn loang lổ bị chà đi, lộ ra hoa văn nguyên bản.
Giai Tuê vốn đang suy nghĩ nên dùng sơn màu gì, nhưng nhìn thấy vân gỗ cũng rất đẹp nên chỉ sơn hai lớp sơn bóng.
Chờ sơn khô, cô thay bản lề mới và tay nắm mới cho cửa tủ, lắp đặt thanh trượt mới cho ngăn kéo, sau đó tiến hành cải tạo dựa theo đặc trưng của món đồ vật.
Hai trong số sáu chiếc chân của tủ quần áo cũ đã bị khập khiễng nên phải cưa bỏ toàn bộ, đổi thành chân gỗ thấp vừa mua; một chân của bàn Bát Tiên bị mối mọt một nửa, Giai Tuệ dứt khoát cưa ngắn bốn chân, biến nó thành một chiếc tủ TV bền chắc; cánh cửa tủ tầng trên của tủ bát vốn được khắc hình chim khách đậu trên cành cây, đã mục nát đến mức không thể sửa chữa, Giai Tuệ bèn lên mạng đặt cửa tủ gỗ với những ô vuông nhỏ chạm rỗng, lắp thêm một lớp lưới chống ruồi muỗi, sau khi lắp đặt xong trông càng giản dị và trang nhã hơn.
Sau khi hai cánh cửa sổ được mang lên từ chuồng heo bị tháo ra, dượng đã tự mình ra tay, dùng cái bào bào từng tấm gỗ đến mức không còn chút gai gỗ nào, sau đó ghép lại.
Giai Tuệ sơn hai lớp sơn bóng, lắp đặt bốn chân, cùng Phùng Tiểu Hà khiêng vào phòng bếp.
Phòng bếp sáng sủa sạch sẽ, sàn nhà đá mài bóng loáng bằng phẳng, kết hợp với bếp lò và tủ bát mới, chiếc bàn dài nặng nề cổ xưa, tủ bát được sơn màu xanh biếc xinh đẹp, sau khi nhìn thấy, cô và dượng đều đồng lòng cho rằng, kể cả đặt ở trong thành phố, căn phòng bếp này cũng rất ấn tượng.