Bà nội cười không khép miệng được, khiêm tốn nói: "Nói gì vậy! Phòng tốt như vậy bà còn chọn cái gì nữa? Bà ở phòng nào cũng đều là hưởng phúc!"
Thứ duy nhất khiến bà cụ không thể hiểu nổi chính là cái bồn cầu trong nhà vệ sinh: "Đây là cái gì? Ngồi đại tiện ở trên này? Như vậy thì bất tiện lắm! Đến lúc đó trong phòng thối um, làm sao mà ở được!"
"Bà nội, bồn cầu mới tiện! Đi vệ sinh không cần ngồi xổm, bà lớn tuổi đứng lên cũng tốn sức." Phùng Tiểu Hà làm mẫu cho bà cụ: "Bà xem, ấn chỗ này một cái sẽ xả sạch sẽ, trên tường bên cạnh còn có tay vịn, lúc đứng lên có thể nắm lấy tay vịn.
Bà thấy tốt không? Đều là do Giai Tuệ thiết kế để tiện cho hai bà đó."
Sau khi trở về từ cầu ngập nước, Giai Tuệ và Phùng Tiểu Hà tính toán sổ sách, tiền nhân công cho hai nơi tốn khoảng năm sáu mươi nghìn, chi phí vật liệu hơn một trăm nghìn, lại thêm mua thiết bị nhà vệ sinh, máy nước nóng năng lượng mặt trời, tổng cộng chỉ tốn hơn một trăm tám mươi nghìn.
Cộng thêm hơn sáu mươi nghìn chi phí sửa chữa mái nhà máy nấm hương và dựng lều lớn, tổng cộng tốn gần hai trăm năm mươi nghìn tệ.
Đương nhiên, trong đó không bao gồm tiền công cho dượng và cô, còn cả tiền thịt khô rau quả mà Phùng Bảo Quyên dùng lúc bao cơm mọi người.
Dù bọn họ có đưa, Phùng Bảo Quyên cũng sẽ không nhận, thậm chí còn vặn lại Giai Tuệ: "Cháu cấy lúa trồng khoai lang giúp cô, cô cũng phải tính tiền cho cháu đúng không?"
Thời đại này tiền công và tiền vật liệu vẫn còn rất rẻ, tính toán xong, Giai Tuệ không khỏi cảm thán trong lòng.
Cho đến hiện tại, cô mới thật sự yên lòng.
Dạo này tiêu tiền như nước, mỗi lần cô đều kinh hồn bạt vía, bởi vì đến tháng bảy nhà máy nấm sẽ phải mua nguyên liệu để trồng nấm hương, phải để dành một khoản vốn lưu động.
Bây giờ còn lại gần một trăm nghìn, khởi động nhà máy một cách bình thường chắc là không thành vấn đề.
Nhà của bọn họ còn có rất nhiều công việc sau cùng, phải xây nhà để xe và tường bao ở ven đường, trước và sau nhà cũng phải dọn dẹp gọn gàng, vườn rau dưới lưng chừng núi cũng phải nhanh chóng khai khẩn...!Nhưng Giai Tuệ không thể đợi được nữa, sau ngày trở về từ nhà mới, cô để con lại cho bà nội trông, đưa bản vẽ cho Phùng Tiểu Hà rồi tự mình lái xe ra ngoài, đi đến huyện kế bên đón bà ngoại.
Lái xe từ thành phố Bình An đến huyện Sa Hà phải mất ba bốn tiếng.
Con đường này Giai Tuệ rất quen thuộc.
Đời trước, mỗi năm trước tết, cô và Phùng Tiểu Hà đều sẽ về thăm bà cụ một chuyến, sau đó mới đi vòng về nhà bà nội.
Trước khi bọn họ mua xe, hành trình này rất phiền phức, phải đổi đi đổi lại ở bến xe, thậm chí có lúc phải tốn mất một ngày đi đường.
Sau khi bà ngoại qua đời, Giai Tuệ cũng rất ít khi trở về huyện Sa Hà.
Cô và mẹ cô gặp nhau nửa tiếng là cãi nhau, chi bằng không gặp nữa.
Giai Tuệ từng rất ghét mẹ, ghét sự cay nghiệt của bà ta, ghét sự nóng nảy và những lời oán trách không hồi kết của bà ta.
Rõ ràng có thể nói chuyện tử tế, nhưng hễ bà ta mở miệng là lại quát mắng và quở trách.
Mặc dù bà ngoại thường nói tuy bà ta ăn nói cay nghiệt nhưng tấm lòng mềm yếu, nhưng lời nói cay nghiệt vẫn sẽ khiến người khác tổn thương như thường, thậm chí còn tổn thương nặng hơn.
Nhưng sau nhiều năm trôi qua, Giai Tuệ tự xét lại cuộc đời mình, không thể không thừa nhận, cô giống mẹ mình nhất.
Cô cho rằng mình yêu Thất Bảo, quan tâm Phùng Tiểu Hà, nhưng nhiều khi những lời mà cô thuận miệng nói ra kia, bây giờ nghĩ lại, đó chỉ là muốn trút ra sự lo lắng, sự bất lực và sự sợ hãi của mình.
Cô trở thành loại người mà bản thân ghét nhất, cuối cùng mới hiểu được mẹ phần nào, có lẽ, người phụ nữ tính tình nóng nảy kia cũng có rất nhiều nỗi khổ tâm...