Lời nói này chủ yếu là để bà cụ bớt lo, những người khác cũng không có gì để nói, cuối cùng chuyện được quyết định như vậy.
Cả nhà bàn bạc xong, mợ bèn kéo cậu muốn đi, đến bên ngoài lại sai chồng và con trai đi bắt gà hái rau: "Không thể để nhà La Ngọc Hoa được hời!" Thấy không ai để ý đến bà ta, bà ta bèn tự mình đi ra sân sau bắt gà, vừa bắt vừa mắng: "Trong nhà này không có một người bớt lo, đều là người chết! Chuyện gì cũng đến tay tôi!"
Nhân lúc mẹ cậu ấy bắt gà hái rau, La Tử Dật đến trong phòng bà nội an ủi bà cụ vài câu, nói tính tình của mẹ cậu ấy chính là như vậy, bảo bà nội đừng tức giận, cuối cùng lại len lén đưa cho bà cụ mấy trăm tệ rồi mới đi.
Còn La Ngọc Hoa thì ở lại ăn một bữa cơm trưa, trên bàn ăn, bà ta lúng túng nói với bà ngoại: "Không phải con cố ý nhằm vào mẹ! Chỉ là con không nhịn được cục tức này! Nhìn bộ dạng kia của cô ta, nhạn bay trên trời đi qua trước mắt cô ta cũng sẽ bị vặt sạch lông! La Ngọc Cường cũng không phải hạng tốt lành gì, nếu như nó nên thân một chút thì sẽ không để kẻ gây rối kia làm loạn trong nhà..."
"Ăn cơm thì ăn đi, sao mẹ nói nhiều thế?" Giai Tuệ cắt ngang lời oán trách của bà ta.
La Ngọc Hoa lập tức trợn trắng mắt, bắt đầu nổ súng với cô: "Mẹ còn chưa nói con đâu.
Hai đứa đang yên đang lành tại sao lại trở về làm nhà máy? Không cần công việc nữa à? Học hành nhiều năm như vậy phí không hả? Đến lúc đó nếu Phùng Tiểu Hà ngoại tình, ngay cả một công việc đàng hoàng con cũng không có mà làm đâu, để xem đến lúc đó con làm thế nào..."
Bà ngoại gắp đồ ăn cho Giai Tuệ, ở bên cạnh yếu ớt khuyên nhủ: "Ôi này, con nổi nóng như vậy làm gì? Có lời gì không thể nói tử tế được à?"
Đúng vậy, có lời gì không thể nói tử tế được sao?
Đời trước, những lúc mẹ hùng hổ với Giai Tuệ như vậy, hai người đã cãi nhau từ lâu rồi.
Nhưng sống lại một đời, Giai Tuệ nhìn ra sự lo lắng từ trong những lời trách móc của người phụ nữ này, cùng với sự quan tâm vụng về.
Có, nhưng không nhiều.
Cô cụp mắt xới đồ ăn trong bát, sau đó lại từ tốn ngẩng đầu nhìn mẹ cô: "Sao thế? Mẹ đang quan tâm con à?"
Trên mặt mẹ cô lập tức xuất hiện vẻ lúng túng, sau đó lắc đầu: "Hừ, mẹ quan tâm con làm gì? Có bao giờ con nghe lời mẹ không?" Bà ta thở dài một tiếng: "Mẹ cũng là người số khổ, không có một ai nghe lời mẹ, con cái của người khác đến để trả ơn, còn con của mẹ đều đến để trả thù..."
Giai Tuệ quyết định dùng phép thuật đánh bại phép thuật.
Cô cắt ngang lời than vãn của bà ta: "Mẹ, con nghe bà ngoại nói, bình thường mẹ cũng thắp hương bái Phật, không biết cửa Phật có cách nói 'Tạo khẩu nghiệp' không? Người hay nói mình số khổ thường sẽ càng khổ.
Người hay nói mình may mắn thì làm gì cũng thuận lợi.
Những điều này đều có đạo lý cả, người hiện đại gọi là 'Luật hấp dẫn'.
Còn nữa, thở dài cũng sẽ làm tổn hại số mệnh đấy..."
Nghe thấy mấy lời vớ vẩn này, quả nhiên mẹ cô đã ngừng lại, nhỏ giọng lẩm bẩm: "Hừ, trước giờ mẹ chưa từng nghe thấy mấy lời hoang đường như vậy..."
"Còn nữa, nếu muốn con gái mẹ nghe lời thì đừng mắng con bé nữa, mẹ càng mắng con bé càng không nghe lời." Giai Tuệ tiếp tục nói: "Phải học cách khen ngợi nhiều vào, nói mấy lời dễ nghe, lời mà người khác thích nghe, đây cũng là tích công đức, trong Phật giáo gọi là 'Tích khẩu đức', có tác dụng hơn việc mẹ thắp hương nhiều.
Mẹ không tin thì về nhà lên mạng tra thử xem..."
Bà ngoại ở bên cạnh nghe, cũng gật đầu nói: "Đúng là đạo lý này! Bây giờ Hàm Hàm đã lên cấp ba, vốn đã rất mệt mỏi, có chuyện gì thì con nói tử tế với con bé, đừng hở tí là nổi giận với con..."