Phùng Tiểu Hà không vào nhà, chỉ thò đầu nhìn vào trong từ ngoài cửa sổ.
Tường bên trong đã bong tróc, khắp nơi đều là vết mốc và vết nước đọng.
Nhưng ở thông thôn thì có điểm này tốt, đó là cả trong nhà lẫn ngoài nhà đều rộng rãi.
Đứng dưới mái hiên của ngôi nhà, đập vào mắt là sự xanh tươi, đằng sau nhà là đồi núi chập trùng, có một dòng suối uốn lượn chảy ra từ trong khe núi, tỏa sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời, chảy xuống sườn núi phía nam ngôi nhà rồi chảy về phương xa.
Ở bên kia đường bê tông, bên bờ suối còn có hai thửa ruộng nước, hai con cò trắng rụt chân lại, đứng im ở trong ruộng mọc đầy tử vân anh.
Đối với người thành phố mà nói, đây là phong cảnh hiếm có, nhưng đối với Phùng Tiểu Hà lớn lên ở nơi này mà nói, đây lại là nơi mà trước đây anh muốn thoát khỏi.
Anh mất mười mấy năm mới đi ra khỏi nơi này, chẳng lẽ bây giờ lại quay trở lại ư?
Nghĩ đến đây, Phùng Tiểu Hà vừa khó chịu lại xen lẫn sự mù mịt.
Quay đầu lại thì thấy Giai Tuệ đang đứng ở dưới gốc cây long não to nhất, sững sờ nhìn bóng cây xanh râm mát ở trên đỉnh đầu.
"Đi nào, về thôi." Anh gọi vợ mình một tiếng rồi cùng Hồ Xuân Bình đi xuống chỗ đỗ xe dưới sườn núi.
Giai Tuệ tỉnh táo lại, cũng chậm rãi đi xuống dốc.
Đến chân dốc, nghe thấy tiếng nước chảy róc rách ở bên cạnh, cô lại giẫm lên cỏ dại và bụi cỏ đi đến bên bờ suối.
Một dòng suối nông rộng ba bốn mét chảy qua những tảng đá lởm chởm, mép nước mọc đầy dã cần và xương bồ.
Giai Tuệ đứng ở bên bờ suối nhìn lại căn nhà trên chưng chừng núi, trong lòng lại dao động.
Bởi vì hai cây long não trước cửa, trong lòng cô sinh ra cảm giác thân thiết với nơi hoang vắng cũ nát này.
Nếu phải chọn ra chút kỷ niệm đẹp từ trong thời niên thiếu khốn khổ của cô thì chuyện nào cũng có liên quan đến ông bà ngoại.
Khi đó, hai ông bà sống trong một ngôi nhà cũ ở quê, trước cửa cũng có một gốc cây to như vậy, nhưng đó là một cây du già, dưới gốc cây có một chiếc bàn gỗ nhỏ.
Cô bị ăn đòn ở nhà cha mẹ, bị chửi mắng ở nhà bà nội, nơi duy nhất để đi chỉ có ngôi nhà cũ ở bên cạnh gốc cây kia.
Trên chiếc bàn vuông tróc sơn kia, mùa hè thường không thể thiếu đậu cô ve xào thịt, rau khoai lang xào ớt.
Cô luôn nhớ mãi hình ảnh bà ngoại vừa gắp đồ ăn vào trong bát cô vừa lải nhải an ủi cô: "Cháu ngoan của bà đừng đau lòng, cháu cứ yên tâm học hành.
Bọn họ không đưa tiền thì ông bà đưa! Học hành là chuyện tốt biết mấy, làm gì có chuyện thi đỗ cấp ba mà lại không đi học? Ông ngoại có tiền lương hưu, đủ cho cháu tiêu.
Cho dù không có tiền, bà có nhặt ve chai cũng phải chu cấp cho cháu đi học..."
Trở lại năm hai mươi chín tuổi, tuy ông ngoại đã qua đời nhưng bà ngoại vẫn còn mà...
Nghĩ đến bà ngoại, trong mắt Giai Tuệ ngấn nước.
Nếu như nói trước đó cô vẫn chưa nghĩ đến cuộc sống sau này, vậy thì giờ phút này, những gì mà cô muốn đã trở nên rõ ràng trong đầu.
Cô muốn Phùng Tiểu Hà sống lâu hơn, đời trước anh vất vả như vậy, dù thế nào cũng không nên rời khỏi thế giới này khi mới hơn bốn mươi tuổi.
Cô muốn đồng hành cùng quá trình trưởng thành của con gái, con có tiền đồ hay không không quan trọng, quan trọng là cô bé sẽ lớn lên thành một người khỏe mạnh lạc quan.
Cô còn muốn bảo vệ những người mà cô yêu thương, bà ngoại thân yêu của cô, và cả bà nội của Phùng Tiểu Hà, để hai bà cụ có chỗ dựa vào khi về già.
Cô càng muốn sống một cuộc sống không phải lo nghĩ.
Bây giờ, mỗi ngày được sống đều giống như đang ban ơn, cô không nên phụ lòng, cũng muốn truyền loại thái độ yêu cuộc sống này đến con gái...
Cô đứng yên bên bờ suối rất lâu mới đi từ trong bụi cỏ dại đến ven đường.
Hai người đàn ông đã hút thuốc nói chuyện được một hồi lâu rồi.
Lúc ba người lên xe đi ra ngoài, Phùng Tiểu Hà mới nói: "Anh Xuân Bình, chuyện lớn như vậy, bây giờ chúng em chưa quyết định được, chờ bàn bạc xong sẽ trả lời anh."