Sống Lại Từ Tro Tàn

Chiều tà buông xuống trên ngôi làng nhỏ mang tên “Quyết Tâm” ở Nghệ An, nơi Lan Phương lớn lên. Không khí dịu mát của buổi hoàng hôn mang theo hương lúa chín và mùi cỏ non. Trên con đường làng, những nhóm người dân đang vui vẻ trò chuyện, tiếng cười rộn rã vang lên hòa cùng tiếng gió thổi qua những rặng tre xanh mướt.

“Á Hoa ơi, năm ni nhà á được mùa lắm phải không?" một người phụ nữ hỏi, tay thoăn thoắt nhặt từng cọng rau.

“Ừ, cũng tàm tạm, nhưng còn phải chăm sóc kỹ lưỡng thêm nữa,” cô Hoa đáp, nụ cười hiền hậu trên môi. Các bà, các mẹ ngồi trước cổng nhà, miệng không ngớt kể về những câu chuyện đời thường, từ mùa màng đến chuyện con cái học hành.

Cụ ông ngồi trên ghế gỗ, nhâm nhi cốc nước chè, mắt nhìn về phía chân trời xa xa: “Năm ni lúa tốt quá, chắc được mùa lớn đây,” cụ nói với giọng trầm ấm.

Gần đó, ở khoảng sân rộng trước đình làng, tiếng hò reo cổ vũ vang lên từng đợt: “Chuyền đi tề, chuyền mồ!” một thanh niên gọi to, chuẩn bị đón quả bóng đá từ đồng đội. Một nhóm thanh niên đang hăng say đá bóng, quả bóng lăn trên sân cỏ xanh mướt, mỗi cú sút đều mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ. Những đôi chân nhanh nhẹn lướt qua lại, tiếng bóng chạm vào lưới hòa cùng tiếng reo hò làm sống động cả một góc làng.

“Vô rồi! Chết cha bây nha!” tiếng reo hò vang dội khi một cú sút đẹp mắt đưa bóng vào lưới.

Ở góc sân khác, những cô gái và các cậu thiếu niên đang hăng say chơi bóng chuyền: “Đập mạnh lên! Thằng tê hay ri hè!” một cô gái cổ vũ đồng đội sau một pha đập bóng đẹp mắt. Những đường chuyền bóng nhịp nhàng, những cú đập mạnh mẽ cùng tiếng cười giòn tan khiến không gian tràn ngập niềm vui. Mọi người dừng lại cổ vũ, vỗ tay khen ngợi mỗi khi có một pha bóng đẹp.

Lan Phương đứng đó, lặng ngắm khung cảnh bình yên của quê hương. Cô cảm nhận được sự ấm áp và gắn kết của cộng đồng, những giá trị giản dị mà sâu sắc của cuộc sống thôn quê. Những năm tháng xa quê đã không làm phai mờ tình yêu của cô đối với nơi này, ngược lại, cô càng thêm trân trọng và yêu thương hơn.

“Phương ơi, về khi mô rứa cháu!” Một giọng nói quen thuộc vang lên. Đó là bà Minh, hàng xóm của gia đình Phương.

“Dạ vâng, cháu về hôm qua. Nhìn bà vẫn khỏe mạnh như xưa,” Lan Phương đáp, nụ cười rạng rỡ.

“Cha mi, mi ngày càng đẹp ra nớ. Khi mô mi lấy chồng hầy?” một bà đi cùng bà Minh hỏi.

Lan Phương gãi đầu cười nói: “Khi nào có ai thích hợp, yêu rồi cưới thôi bà.”

Bà Phượng người có tiếng là nhiều chuyện nhất trong xóm, nhanh chóng tiến tới, cười giả lả: “Ơ kìa Phương! Về rồi à? Mần chi bên đó sao rồi, được không con?”

Lan Phương mỉm cười đáp lại, cố gắng giữ cho giọng nói của mình bình thản: “Dạ, cũng tạm ổn thưa bác. Cháu vừa về hôm qua, đang định đi chào hỏi mọi người ạ.”

Không đợi Lan Phương kịp nói bà Tú đã chen vào với ánh mắt soi mói: "Thế nào, năm ni về có tính chuyện chồng con chi chưa? Tuổi trẻ qua nhanh lắm.”

Câu nói khiến Lan Phương hơi nhíu mày, nhưng cô vẫn cố giữ nụ cười trên môi: “Dạ, cháu cũng chưa nghĩ đến chuyện đó, còn nhiều việc phải lo.”

Bà Hoa, với nụ cười ngọt ngào nhưng ánh mắt đầy tính toán, liền thừa cơ hội: “Nếu chưa tính chi thì hay lắm, cô có thằng cháu bên nhà tề, mần ăn khá lắm, lại còn hiền lành. Cô nói thật đấy, về đây mà lấy chồng thì nhất mi rồi.”

Lan Phương cảm thấy bối rối trước lời đề nghị bất ngờ này, cô cười gượng, không biết nên trả lời thế nào. Nhưng với tính tình cởi mở lại hiểu chuyện cô trả lời cho vui lòng mấy bà hàng xóm: “Vậy hôm nào bác dắt cháu qua nhà đó, cháu xem nếu hợp thì cháu đồng ý luôn.”

Mọi người nhìn Lan Phương, một cô gái trẻ trung và năng động, ai nhìn cũng đều thích mắt. Trông cô thật lanh lợi, tràn đầy sức sống, dù công việc có bận rộn đến đâu, cô vẫn luôn hăng hái và nhẹ nhàng như không có chuyện gì cả. Những bà hàng xóm nhiều chuyện, những chàng thanh niên tuổi mới lớn hay những cụ già suốt ngày cau có, buồn bực, chỉ cần đứng gần cô và nói chuyện với cô một lúc là có cảm giác như chính mình cũng đâm ra giống cô. Ai đã từng nói chuyện với Lan Phương, đã được thấy nụ cười rạng rỡ và hàm răng trắng tinh của cô luôn luôn lộ rõ mỗi khi cô nói, cũng đều nghĩ rằng mình hôm nay chắc phải lịch sự, đáng yêu hơn mọi khi nhiều. Và hầu hết ai gặp Lan Phương cũng đều nghĩ như thế.

Buổi chiều hôm đó, khi Lan Phương dạo bước trên con đường làng nhỏ, cô bỗng bắt gặp một cảnh tượng lạ lùng. Một người đàn ông trẻ, tầm tuổi đôi mươi, với vẻ ngoài rách rưới và ánh mắt lém lỉnh, đang loay hoay với một chiếc máy tính xách tay cũ kỹ. Anh ta chính là Bính Quang, một kẻ lang thang vô gia cư, nổi danh khắp vùng về tài năng hacking vượt trội nhưng cũng nổi tiếng không kém về những trò lừa đảo và trộm cắp.

Lan Phương tiến lại gần hơn, cố gắng không gây chú ý. Nhưng ánh mắt sắc sảo của Bính Quang đã nhận ra cô.

“Chị về khi mô rứa?” Bính Quang hỏi, giọng đầy phòng bị.

“Em đang làm gì đấy?” Lan Phương đáp lại, mắt nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính của Bính Quang.

“Có phải việc của chị mô," Bính Quang nói, đóng ngay laptop lại.

“Chị đã thấy hết rồi," Lan Phương nói, giọng bình tĩnh nhưng cương quyết: "Có phải em tính làm chuyện xấu gì nữa phải không? Chị nói cho biết em mà không bỏ ngay đi chị báo công an đấy.”

Bính Quang cười nhạt: “Cái chị ni hay tề, chị nghĩ chị là ai mà có thể ra lệnh cho tui?"

Đúng lúc đó, một viên công an xã đi ngang qua. Lan Phương nhanh chóng nắm lấy cánh tay Bính Quang, cố đe dọa: "Em không còn thời gian để suy nghĩ nữa đâu. Sao giờ em có nghe lời chị không?”

Bính Quang nhìn vào mắt Lan Phương, thấy sự chân thành nhưng cũng đầy cương quyết trong đó. Anh ta biết mình không còn lựa chọn nào khác: “Được, em sẽ theo chị,” anh ta nói, giọng đầy miễn cưỡng.

“Em phải làm theo những gì chị nói đây,” Lan Phương nói khi viên công an xã đi xa họ: “Em là một người đầy tài năng, đừng làm những việc như ăn cắp vặt thế này nữa, chị sẽ giúp em, nhưng em hứa với chị từ nay về sau bỏ cái thói ăn cắp vặt này đi được không?"

Bính Quang nhìn Lan Phương, ánh mắt đầy nghi ngờ: “Chị cần tui mần chi?”

“Chị có một dự án lớn cần sự giúp đỡ của em," Lan Phương nói: “Nếu chúng ta làm tốt, em sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời mình.”

Bính Quang im lặng một lúc, rồi nói: “Đừng nói dự án lớn của chị là kêu em ăn cắp tiền trong ngân hàng đó nha, em không mần được mô.”

Lan Phương bật cười với câu trả lời ngớ ngẩn của Bính Quang: “Em bị ngớ hả, có mười em cũng không ăn cắp tiền của ngân hàng được, việc chị sắp cần em làm đây là công việc đàng hoàng chứ không phải ăn cắp, ăn trộm.”

Bính Minh suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Được rồi, giờ chị cần em mần chi?”

Lan Phương nhìn Bính Quang mặt mày lấm lét, người ngợm thì đen thui, mùi hôi bốc lên nồng nặc, cô nói: “Giờ em về tắm rửa sạch sẽ đi đã, ngày mai 8h sáng tại quán trà sữa quê choa, chị sẽ cho em biết. Ok?”

Bính Quang nhìn người mình một lượt rồi đưa cánh tay lên hửi hửi, thấy Lan Phương nói cũng đúng vì mình nhiều ngày chưa tắm rửa rồi. Anh cười hề hề rồi nói: “Chị mới về, chắc nhiều tiền lắm. Cho em xin ít mồ?”

Lan Phương móc trong ví ra tờ năm trăm ngàn đưa cho Bính Quang: “Cầm lấy đi, nhớ nhé 8h sáng mai gặp lại.”

Bính Quang giật lấy ngay tờ năm trăm ngàn cho vào túi rồi quay mặt bỏ đi: “Em biết rồi.”

Mặt trời chưa kịp ló dạng, bầu trời đã nhàn nhạt ánh hồng, hứa hẹn một ngày mới đầy nắng ấm. Sương sớm còn đọng lại trên những chiếc lá non, lấp lánh như những viên ngọc nhỏ li ti, thả mình trên cánh đồng xanh mướt. Đâu đó, tiếng chim sớm đã ríu rít chào bình minh, tạo nên bản hòa tấu tự nhiên mà mỗi sớm mai người ta lại mong chờ.

Con đường làng quanh co dẫn lối qua những ngôi nhà mái ngói đỏ, những bức tường rêu phong và những hàng rào cây dại. Khói bếp nhà ai tỏa ra, lượn lờ trên những mái tranh, báo hiệu một ngày lao động đã bắt đầu. Mùi thơm của rơm rạ, của cỏ cây lẫn trong không khí, làm cho ai đó phải dừng lại hít hà, cảm nhận cái hương vị ngọt ngào của quê hương.

Những con trâu, con bò lững thững bước trên con đường mòn, đôi khi dừng lại nhấm nháp cỏ non bên vệ đường. Bọn trẻ con, chân đất, áo nâu, đang vui vẻ chơi đùa, đuổi bắt nhau qua từng cánh đồng, tiếng cười vang vọng khắp nơi.

Cánh đồng lúa xanh ngát trải dài như một tấm thảm mềm mại, dưới ánh mặt trời đang lên dần, từng hạt sương tan ra, để lại một lớp láng bóng trên từng chiếc lá. Xa xa, các bà, các chị đang cặm cụi làm cỏ, cuốc đất, gương mặt tươi cười rạng rỡ, mồ hôi rơi xuống như chứng tích cho những ngày tháng lao động vất vả nhưng tràn đầy niềm vui.

Dòng sông uốn lượn quanh làng, nước chảy lững lờ, phản chiếu ánh mặt trời lấp lánh. Những chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ trôi, mang theo tiếng gọi í ới của những ngư dân đang thả lưới, bắt cá.

Cả thôn quê như bừng tỉnh dưới ánh sáng buổi sớm, mỗi cảnh vật, mỗi con người đều mang trong mình một sức sống mãnh liệt, tự nhiên nhưng không kém phần lãng mạn và thơ mộng.

“Em phải làm theo những gì chị nói,” Phương nhắc lại khi họ ở trong một quán trà sữa.

Bính Quang nhấp một ngụm cà phê, mắt vẫn đầy sự nghi ngờ: “Chị cần em làm chi?”

Lan Phương đặt cốc trà sữa xuống, nghiêm túc nhìn Bính Quang: “Chị có một dự án lớn liên quan đến công nghệ thông tin. Công ty chị đang phát triển một hệ thống an ninh mạng. Chị cần một người có kỹ năng về hacking để kiểm tra độ bảo mật của hệ thống này, và em là người thích hợp."

Bính Quang nhướng mày, không tin vào tai mình: “Chị muốn em làm hacker mũ trắng?”

“Đúng vậy,” Phương trả lời. “Em sẽ giúp chị tìm ra các lỗ hổng trong hệ thống để công ty chị có thể khắc phục kịp thời. Nếu em làm tốt, em sẽ có cơ hội thay đổi cuộc đời mình, và thậm chí có thể kiếm được một công việc ổn định.”

Bính Quang im lặng suy nghĩ. Đây là cơ hội duy nhất để anh ta thoát khỏi cuộc sống vô gia cư và tránh xa những rắc rối với pháp luật: “Được, em sẽ thử. Nhưng mà, chị phải chắc chắn không có ai biết em từng là một tên trộm vặt?”

Lan Phương gật đầu, hiểu rõ yêu cầu của Bính Quang: “Chị sẽ đảm bảo danh tính của em được giữ bí mật. Bây giờ, hãy bắt đầu công việc. Chị sẽ giới thiệu em với đội ngũ của chị và cung cấp cho em mọi thứ em cần."

Sau nhiều ngày làm việc chung Bính Quang cảm nhận được sự hoan nghênh và tôn trọng từ đồng nghiệp mới. Đây là lần đầu tiên anh ta cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó. Công việc bắt đầu ngay lập tức, với những cuộc họp kéo dài và những đêm trắng trước màn hình máy tính.

Bính Quang nhanh chóng chứng tỏ tài năng của mình, phát hiện ra nhiều lỗ hổng và đề xuất các biện pháp khắc phục. Lan Phương không thể ngờ rằng anh ta lại làm việc chăm chỉ và nghiêm túc đến vậy. Họ dần dần hình thành một mối quan hệ đồng nghiệp, từ đó Lan Phương cũng thấy được những khía cạnh tốt đẹp và tiềm năng của Bính Quang.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui