Ta ở trong phòng ngủ của Thiên Thanh một ngày một đêm, tính ngủ để khoả lấp nỗi thấp thỏm trong lòng, thế nhưng ta lại mơ thấy một giấc mộng hoang đường vô lý.
Trong mơ, cuối cùng ta cũng tìm được tấm chồng như ý, mặt mũi tính tình nhân cách tài năng gia thế xuất thân, mặt nào cũng ổn thoả.
Vất vả lắm mới tới thời khắc mấu chốt động phòng hoa chúc, thì tự dưng Tinh Trầm tiên quan lại đá văng cửa phòng, giơ một cái gậy to chia rẽ đôi uyên ương hạnh phúc bọn ta.
Ta đang định cãi lý trong mộng với ngài, thì hương trà xanh nhàn nhạt bỗng phả vào khoang mũi.
Ta hắt xì một cái, mở mắt ra.
Thiên Thanh đang ngồi bên mép giường, ra sức đẩy vai ta.
“Dậy đi, mau dậy đi, muội kể tỷ nghe này…”
Ta dụi mắt ngồi dậy, thấy khuôn mặt không giấu được vẻ hí hửng của con bé.
Chuyện có thể khiến con nhóc rụt rè ngoài lạnh trong nóng Thiên Thanh này hưng phấn như thế, chắn hẳn là kẻ thù gặp vạ.
Ta không khỏi thấy tò mò.
Thiên Thanh như bị ám vía của Tiểu Thạch Lựu, hớn hở mặt mày nói: “Phinh Phinh tỷ đoán đi, con ả Thanh Hoa xúi quẩy rồi.”
Ta còn đang bận thán phục bản thân đúng là con giun trong bụng Thiên Thanh, phải một lúc lâu sau mới thủng được hết ý của câu này: “Cái gì, muội nói ai cơ?”
Thiên Thanh cười khẩy: “Đương nhiên là Thanh Hoa chứ ai, tỷ ngủ lâu quá bỏ lỡ trò hay rồi đấy.”
Ta chỉ nhớ là vụ tranh chấp hôm qua giữa mình và Thanh Hoa còn chưa chấm dứt, sao mới ngủ một giấc, cô ta đã gặp chuyện xúi quẩy rồi?
Thấy vẻ mặt hoang mang của ta, Thiên Thanh không úp mở lấp lửng như mọi ngày nữa, con bé đứng dậy, dùng cả tay lẫn chân diễn tả sinh động lại tích Thanh Hoa xui xẻo tột đỉnh vừa diễn ra.
Hóa ra hôm qua Tinh Trầm tiên quan đã nhặt cả Thanh Hoa lẫn những mảnh sứ tan tác trên nền đất của cô ta về.
Ngài bỏ ngang chiếc bình đang sửa dở, tốn nửa đêm ròng chữa trị cho Thanh Hoa lành lại như cũ.
Ta nghe tới đây thì hơi nhăn đầu mày lại.
Con người Tinh Trầm tiên quan lắm cái hay, nhưng cũng có mấy chỗ dở.
Đơn cử, ngài là thần tiên, mà không ngờ lại giống hầu hết đám đàn ông dại gái trên đời, bị thứ yêu tinh kệch cỡm màu mè kia làm cho mê tơi, nên xót xa thương cảm, ân cần chu đáo với mấy ả.
Nhưng họ không biết đấy là chiêu trò bất chấp của hạng đàn bà ấy, lòng dạ mấy ả cứng rắn mạnh mẽ, chưa chắc đã kém cạnh cánh mày râu bảy thước ở khoản sát phạt quyết đoán đâu.
Nếu người xử lý chuyện này là ta, một khi Thanh Hoa đã nguyện ý chịu đau như thế, chẳng thà cứ để cô ả đau cho sướng đời mấy hôm rồi hẵng chữa trị cũng không muộn.
Ta chưa kịp bày tỏ nỗi bứt rứt trong lòng, thì đã thấy Thiên Thanh nói tiếp: “Con ả Thanh Hoa lẳng lơ đê tiện kia, được tiên quan chăm bẵm nửa đêm ròng, nên lâng lâng tưởng là mình giỏi giang hay hớm lắm.
Tiên quan chữa cho ả toàn vẹn như cũ, ả vô liêm sỉ bám mãi trên bàn tiên quan không chịu đi.
Tiên quan nhỏ nhẹ khuyên ả về ngủ, nhưng ả nhất quyết đòi ân cần hầu hạ cạnh ngài.
Ả nói ơn cứu mạng không gì báo đáp nổi, ngày sau đành phải hầu hạ kề cận như bóng với hình.”
Ta chớp chớp đôi mắt khô khốc, không thể không thừa nhận, cô ả Thanh Hoa khôn vặt này cũng có tí da mặt với chiêu trò đấy.
Thiên Thanh đã quên mất hình tượng cao ngạo lạnh lùng rụt rè thường ngày của nó, con bé chống nạnh y như Tiểu Thạch Lựu, phỉ nhổ: “Chắc hẳn lúc nghe câu đấy, tiên quan phải sởn hết gai ốc.
Dù sao đống bình lọ vây ngoài cửa vịn cửa sổ nghe lén đều thấy rợn cả người đó.”
Ta hả hê lắm.
Thật ra thời Thiên Thanh mới đến, tướng mạo xuất thân của con bé còn hơn cả Thanh Hoa, con đường nó chọn rất giống Thanh Hoa, hồi ấy cũng từng gây nhiều sóng gió.
Nhưng điểm khác biệt lớn nhất giữa con bé và Thanh Hoa là, Thanh Hoa tự cho là bản thân thông minh, còn Thiên Thanh thì thực sự có chút đầu óc.
Năm ấy Thiên Thanh cũng mơ ước vị trí của ta, nhưng sau mấy lần ỡm ờ ướm hỏi, con bé quyết đoán dừng lại, cắt đứt suy nghĩ thay thế ta, ngược lại còn thật lòng làm bạn với ta.
Những món nghề khiêu khích thử nghiệm khi ấy của con bé giống mấy chiêu đầu trong trận đánh đấm ẩu đả.
Phải dò ra được võ công nội lực của địch sâu cạn thế nào, thì mới biết tiếp theo nên tiến lùi ra sao.
Có lẽ ban đầu Thiên Thanh cho rằng ta chỉ là một tên côn đồ quèn đánh hai ba chiêu là gục, ai ngờ giáng một quyền lại vấp phải nội lực sâu không thấy đáy.
Con bé chắc chắn không có phần thắng, nên thông minh không đối địch với ta nữa.
So ra, Thanh Hoa thiếu đi cái sự biết điều và thông minh ấy.
Tuy lòng Thiên Thanh đã tỏ như gương, nhưng ngoài miệng con bé vẫn không chịu thua, cũng không thừa nhận những điểm mạnh của ta.
Trong vấn đề này, nó và con nhóc Tiểu Thạch Lựu suốt ngày nói được ba câu là lao vào chí chóe choảng nhau lại nhất trí lạ thường.
Tiểu Thạch Lựu rằng: “Phinh Phinh ơi, kiếp trước tỷ chắc hẳn phải là chủ nợ của Tinh Trầm tiên quan, nên kiếp này mới tốt vía như thế.”
Thiên Thanh rằng: “Lũ chai lọ bình vại khắp viện này không thua tỷ, mà là thua tiên quan.
Ngài đã quyết bảo vệ tỷ, thì dù có tung âm mưu quỷ kế gì ra, cũng chẳng thấm tháp gì với ngài.”
Một người vừa thông thái vừa hiểu biết vừa giỏi đùa bỡn với mưu quyền như ta, cảm thấy rất không đồng tình.
Ta vừa ngẫm ngợi xa xôi lạc đề một tí, thì đã bị cái khăn tay Thiên Thanh đang cầm quẹt qua mắt.
Ta dụi dụi mắt, nghe con bé kể tiếp: “Thanh Hoa ăn vạ không đi, Tinh Trầm tiên quan nhẹ nhàng khuyên ả rằng, ngài có Phinh Phinh tỷ đây trông nom là đủ rồi, không cần ai đỡ việc nữa.
Thanh Hoa nghe vậy, lại tủi hổ khóc rưng rức.
Ả vừa khóc như hoa lê dính mưa, vừa kể lể những thói hư thường ngày của Phinh Phinh tỷ.
Ả chê thân thể tỷ khuyết tật, tướng mạo bình thường, chân tay vụng về, cẩu thả, đã thế còn xấu bụng nóng tính, vì đâu lại dám trơ trẽn bám dính trên chiếc bàn quý báu của tiên quan, ngày lại ngày quấy quả tiên quan.
Một cái bình có xuất thân tướng mạo phẩm giá như ả ta, mới xứng bầu bạn với tiên quan hằng ngày.”
Ta nghe vậy thì phừng phừng lửa giận, may thay Thiên Thanh lập tức nhoẻn miệng cười nói: “Tỷ đoán xem tiên quan nghe xong thì đáp sao?”
Ta làm sao biết được ngài ấy sẽ phải ứng thế nào.
Thiên Thanh bắt chước điệu bộ của tiên quan, mặt lạnh te cân nhắc một lát, sau đó gật đầu: “Cô nói đúng lắm.”
Ta nghe vậy, suýt ngất xỉu vì tức.
Thiên Thanh nghịch ngợm nháy mắt với ta, sau đó lại bắt chước giọng điệu của tiên quan: “Cô đúng là một báu vật hiếm có, phải đặt ở nơi trang trọng nhất mới là thỏa đáng.”
Thiên Thanh bắt chước vẻ mặt của tiên quan xong, bỗng đổi lại thành biểu cảm xấu tính thường ngày của con bé.
Nó cười khẩy nói: “Thế là tiên quan đứng dậy tìm một cái hộp gấm, đặt con ả ngay ngắn trong đấy, đậy nắp hộp vào, bọc thêm ba lớp bùa chú phong ấn, sau đó cất chiếc hộp kia lên ngăn cao nhất của giá Đa Bảo Cách trong phòng ngài.”
Ta trợn tròn mắt há hốc mồm nói: “Thoả đáng, đúng là thoả đáng thật.”
Nói xong ta bò xuống giường, tìm một ấm trà tử sa nhỏ trong phòng Thiên Thanh, tiện tay giật túi thơm đựng Bích Loa Xuân giắt bên hông con bé xuống.
(Ấm tử sa: loại ấm pha trà làm bằng đất nung ở nhiệt độ cao, không tráng men.
Đất này có chứa thạch anh, mica và nhất là chất sắt.)
Ta bưng một ấm trà Bích Loa Xuân ngon nhất đi tìm tiên quan.
Lúc đi ngang qua mấy cây lê hoa rơi như tuyết, ta dừng bước chân, ngồi xổm xuống nhặt dăm ba đóa hoa nhí trắng muốt đặt lên cái khay sơn mài đen bóng, thấy chân mình đi như đón gió.
Tiên quan đang chuyên chú chọn lựa đống sứ vỡ trên bàn, ta túm vạt áo sã xuống của ngài.
Ngài cúi đầu nhướng mày liếc mắt nhìn ta, sau đó nhận khay trà từ tay ta.
Ngài tự rót một chén đầy cho mình, nhấp nhẹ một ngụm.
Ta trèo lên bàn, chủ động mở lời với ngài, coi như đang làm hòa.
Ngài đặt chén trà tử sa lên khay, thong thả hỏi ta: “Sao món trà Bích Loa Xuân của muội lại kém đậm đà vậy?”
Ta cầm chén trà nên nếm thử, quả nhiên lạt nhách, bèn giải thích với ngài: “Thiên Thanh lấy Bích Loa Xuân của em làm túi hương, nó đeo đi rêu rao khắp nơi, có lẽ bay hết vị rồi ạ.”
Tiên quan miễn cưỡng nuốt nửa ngụm trà vừa nhấp ban nãy xuống, mặt tái xanh tái trắng, sau đấy quát ta: “Muội cảm tạ ta như vậy sao?”
Nhìn mà xem, tính tình thì cáu bẳn, đã thế còn kén ăn khảnh uống, đúng là khó hầu hạ ghê.
Nhưng nể tình ngài ấy vừa đòi lại công bằng cho ta, ta sẽ bao dung không so đo với ngài nữa.
Ta cụp mi rủ mắt hỏi: “Vậy em phải cảm tạ ngài thế nào đây?”
Mặt Tiểu Trầm Trầm đột nhiên hiện lên vẻ hậm hực như nhìn đứa ngu lâu dốt bền khó đào tạo.
Ngài chỉ một quyển sách cũ kỹ dày cui trên mặt bàn: “Mỗi ngày muội đọc sách thêm một canh giờ, đó là cảm tạ ta rồi.”
Ta bỗng thấy đầu mình bươu ra như cái đấu.
Không phải tại ta không thích đọc sách, mà là vì quyển sách này dị hợm lắm, quả thực không thể hiểu nổi.
Nhưng hôm nay ta thật lòng muốn cởi bỏ hết những hiềm khích ngày xưa với ngài, dỗ cho ngài được vui, nên đành phải cố đấm ăn xôi ngồi xuống, uể oải mở quyển sách khó hiểu kia ra.
Một đoạn thơ lung tung rối loạn, cực kì sáo rỗng đập vào mắt ta.
Ta cất giọng đọc yếu xìu: “Vân mẫu bình phong bóng nến in, Ngân hà dần thấp ánh mai chìm.
Phinh Phinh không hối hỏi linh dược, Trời biếc biển xanh tỏ nỗi niềm.”
(Bài Thường Nga của Lý Thương Ẩn thời Đường, bản dịch của Nguyễn Phước Hậu.
Phần trích trong truyện đã được biến tấu, gồm tên của nam chính Tinh Trầm – ánh sao chìm, và tên của nữ chính là Phinh Phinh.
Link đọc và xem giải nghĩa:.)
Tiểu Trầm Trầm nghe tiếng, đột nhiên dừng tay.
Ngài ngước đôi mắt phượng hẹp dài lên nhìn về phía ta, ánh mắt bỗng trở nên dịu dàng.
Ta đang sầu lo với từng câu chữ trong quyển sách chết tiệt kia, còn chẳng muốn liếc nó lấy một cái, nên bình tĩnh đọ mắt với ngài.
Ánh mắt dịu dàng của Tiểu Trầm Trầm dần vấn vương phiền muộn, trong phiền muộn lại nhuốm màu bi thương, giữa bi thương lại hoà thêm chút sâu lắng…
Ta chỉ cảm thấy nếu mình còn không chớp mắt, chắc mí mắt sẽ giật đùng đùng vì xót mất.
Ngài cúi đầu, cuối cùng không nhìn ta nữa.
Thắng rồi.
Ta hài lòng chớp chớp mí mắt cay xè.
Ngài không để ý tới ta nữa, ta đành chán chường lật sách tiếp.
Quyển sách lộn xộn mông lung này có một cái tên rất êm tai, đó là Tấn Như Sương.
Theo ý của ta, cái tên này đặt hợp lý ra phết.
Mỗi lần mở sách ra đọc, ta toàn thấy sách ghi dăm câu ba điều mà ta không hiểu nổi, còn biến đổi khó lường, khiến người ta phải vắt óc ngẫm ngợi, không luận ra được mấu chốt.
Cứ thế này mãi, chẳng mấy mà sầu lo bạc đầu, tóc mai như sương còn gì nữa.
(Tấn Như Sương: tóc mai bạc trắng như sương)
Quyển sách này được dành riêng để hại đời cháu con đây.
Khi ta cúi xuống đọc lần nữa, bài thơ ban nãy đã biến mất tiêu.
Một hàng chữ cứng cáp phóng khoáng hiện lên trên trang giấy thô ráp.
Ta rà ngón tay lên mặt giấy, nhận mặt chữ thật cẩn thận, thì thầm từng từ: “Sao ta nóng lòng về nhà quá chừng… Vì muội mà ta bỗng nảy sinh suy nghĩ tham sống sợ chết…”
Ta che quyển sách lại, cười ha hả: “Kẻ viết câu này rõ là da mặt dày hơn cả tường thành.
Bản thân hắn tham sống sợ chết, vậy mà còn đẩy trách nhiệm cho người khác.”
Tiểu Trầm Trầm lườm ta một cái rét căm căm, tai dần ửng đỏ…
[HẾT CHƯƠNG 3].