Đương nhiên anh dùng bản vẽ thứ nhất giống hình lá phong trong đầu.
Thật ra nó có tên là Trường Thanh Đằng, có hình dạng lá cây trường thanh ở Tu Chân Giới, sản phẩm điêu khắc ra cũng gọi là vòng cổ Trường Thanh Đằng.
Đây chỉ tên trong tài liệu điêu khắc mà sư phụ truyền cho anh, anh điêu khắc xong cũng có thể đổi tên.
Nhưng Dương Bách Xuyên cảm thấy cái tên này rất hay, không cần đổi lại, rất hợp để tặng mẹ Lâm Hoan.
Lúc bắt đầu điêu khắc hình dạng, Dương Bách Xuyên hạ dao rất thuận lợi.
Nhờ có linh thức mạnh mẽ, anh có thể khống chế độ mạnh yếu của mỗi nhát dao.
Hơn nữa bản vẽ đều là sư phụ dùng thần hồn cường đại truyền vào đầu anh, chẳng khác gì mọc ra trong đầu anh, hình ảnh vô cùng rõ ràng.
Có nền tảng mạnh mẽ như vậy để tham khảo, anh có thể điêu khắc ra một tác phẩm giống y như đúc.
Mỗi nhát dao điêu khắc đều dùng linh thức khống chế lực, quá trình rất thuận lợi nhưng cũng rất hao tổn tinh thần.
Khoảng mười phút anh đã điêu khắc xong phần cơ bản, một chiếc lá trường thanh đẹp đẽ sống động xuất hiện.
Tuy nhiên, đến đây cũng chỉ mới hoàn thành sơ sơ thôi.
Tiếp theo còn phải khắc hoa văn trên lá, đây mới là khâu quan trọng nhất, cũng là khâu hao tổn tinh thần và chân khí nhất.
Dương Bách Xuyên cho rằng điêu khắc hoa văn không chỉ yêu cầu tính thẩm mỹ, mà còn phải dùng chân khí khắc trận pháp lên, đó mới là tác phẩm hoàn chỉnh.
Nếu không, nó chỉ là một chiếc vòng cổ trông đẹp đẽ mà thôi.
Không khắc trận pháp phòng ngự thì không có tác dụng phòng thân.
Dương Bách Xuyên đã tự tay điêu khắc thì tất nhiên phải thật xuất sắc.
Khắc trận pháp mới có thể phòng thân, anh cho rằng đây mới là món quà tốt nhất dành tặng mẹ Lâm Hoan.
Kế tiếp, lúc khắc đường vân trận pháp, Dương Bách Xuyên còn chưa dùng sức, mới hạ nhát dao đầu tiên đã nghe thấy tiếng "rắc" vang lên, vòng cổ vỡ làm đôi.
Thất bại!
Sau đó anh đưa ra kết luận: rót chân khí quá nhiều, phỉ thúy không chịu nổi vỡ luôn.
Anh không nản lòng, tiếp tục lấy một mảnh từ khối phỉ thúy ban đầu rồi điêu khắc lần nữa.
Có kinh nghiệm từ lần đầu tiên, đến mảnh thứ hai anh cẩn thận hơn rất nhiều.
Anh khắc một lèo đến lúc sắp thành công thì dùng lực mạnh quá, phỉ thúy không vỡ nhưng trên bề mặt có một vết xước.
Dương Bách Xuyên thuộc cung Xử Nữ, anh xem nó là sản phẩm thất bại.
Sau đó, anh lại điêu khắc mảnh phỉ thúy thứ ba.
Lần này, đến thời khắc sau cùng anh tập trung toàn bộ tinh thần rót chân khí và sức mạnh linh thức vào một dao cuối cùng rồi hạ dao.
Mảnh phỉ thúy đỏ rực trong suốt lập tức phát ra quầng sáng lấp lánh, loé lên rồi biến mất ngay.
Dương Bách Xuyên lau mồ hôi trên trán, nhoẻn miệng cười: "Cuối cùng cũng thành công! Mẹ nó chứ, chẳng dễ chút nào!"
Điêu khắc ba cái thì hỏng hai cái, một cái thành công, mỗi cái đều phải rót chân khí và sức mạnh linh thức, cộng thêm tập trung tinh thần cao độ, cực kỳ tốn sức.
May mà thành công!
Mảnh phỉ thúy bốn tấc sau khi thành phẩm biến thành ba tấc, trông sống động như thật.
Bởi vì có đường vân trận pháp trên bề mặt nên bên trong có chân khí và sức mạnh linh thức, cả chiếc vòng phỉ thúy trông rất lộng lẫy và đẹp mắt.
Tên là vòng cổ Trường Thanh Đằng.
Bây giờ chỉ cần xỏ một sợi dây và đóng hộp là thành một món quà hoàn mỹ, cửa hàng trang sức có thể giải quyết vấn đề này.
Sau đó, Dương Bách Xuyên bắt đầu chọn bản vẽ cho ba Lâm Hoan.
Ba Lâm Hoan là quan chức, chọn quà phải sang trọng.
Cuối cùng Dương Bách Xuyên chọn một bản vẽ có tên Trúc Cửu Tiết Phỉ Thúy trong mấy trăm tấm bản vẽ mình đã tiếp thu.
Đó là một loại trúc ở Tu Chân Giới, bởi vì nó mọc tổng cộng chín đốt, bề ngoài lấp lánh nhìn như trong suốt, cho nên có tên Trúc Cửu Tiết Phỉ Thúy..