Sững Sờ Và Run Rẩy

Mọi người hỏi tôi:

- Cô khỏe chứ? Cô không quá mệt với công việc nhọc nhằn này đấy chứ?

Tôi mỉm cười trả lời:

- Mệt lắm. Tôi phải dùng thêm vitamin đấy.

Tôi thích công việc vất vả này. Có điều hơi bất lợi là nó chiếm quá ít thời gian của tôi, song được một việc là nó cho phép tôi sử dụng thang máy, và nhờ vậy, tôi được ngắm nhìn thành phố. Thêm nữa, công việc này cho tôi được gặp gỡ nhiều người.

về phương diện này, thì đỉnh cao là ngày phải chuyển lịch từ tháng Hai sang tháng Ba. Ngày hôm đó không phải chỉ có chuyển khung đỏ: tôi phải lật sang trang lịch khác, thậm chí phải xé bỏ trang tháng Hai.

Nhân viên của các phòng đón tiếp tôi như một vận động viên thể thao. Tôi tiêu diệt những tờ lịch tháng Hai với động tác mạnh mẽ của các võ sĩ Samourai, như thể đang chiến đấu một mất một còn với bức ảnh núi Phú Sỹ khổng lồ phủ đầy tuyết minh họa cho thời tiết giai đoạn này trong tờ lịch của Yumimoto. Rồi tôi ra khỏi chiến trường, vẻ mặt bơ phờ pha lẫn tự hào khiêm tốn của người chiến binh thắng trận, dưới tiếng hò reo chúc mừng của đám khán giả hào hứng.

Chiến công của tôi đã được đồn tới tai ông Saito. Tôi chờ đợi một lời trách mắng thậm tệ vì đã làm trò. Vậy nên tôi phòng vệ sẵn:

- Ông đã cho phép tôi bóc lịch, - tôi mở lời thậm chí trước khi ông kịp trút cơn thịnh nộ lên đầu tôi.

Ông ta trả lời tôi mà không hề tỏ ra cáu giận, với cái giọng khó chịu đã thành thói quen của ông ta:

- Đúng. Cô có thể tiếp tục. Nhưng đừng có phô diễn nữa: cô làm cho các nhân viên mất tập trung khi làm việc.

Tôi ngạc nhiên về lời quở trách nhẹ nhàng, ông Saito nói tiếp:

- Đi photo cho tôi cái này.

Ông ta chìa ra cho tôi một tập tài liệu cao ngất khổ A4. Chắc phải đến hàng ngàn trang.

Tôi xếp tập tài liệu vào ngăn giấy tự động của máy photo, nó thực hiện công việc rất nhanh và chuẩn xác. Tôi mang đến cho cấp trên của tôi tập gốc và tập đã photo.

Ông ta gọi tôi lại:

- Các bản photo hơi lệch, - ông ta vừa nói vừa chỉ cho tôi xem một tờ. Cô làm lại đi.

Tôi quay lại chỗ máy photo và nghĩ chắc mình đã đặt tập tài liệu vào ngăn để giấy tự động không được thẳng. Lần này, tôi làm hết sức cẩn thận: kết quả không chê vào đâu được. Tôi mang sản phẩm của mình tới cho ông Saito.

- vẫn bị lệch, - ông ta nói.

- Không đúng! - tôi thốt lên.

- Ăn nói như thế với cấp trên thật quá thể.

- Xin lỗi ông, nhưng tôi đã làm rất cẩn thận để bản photo được hoàn hảo.

- Nhưng kết quả lại không phải như thế. Cô nhìn đi.

Ông ta chỉ cho tôi một tờ photo mà tôi thấy chẳng có gì đáng chê trách cả.

- Không được chỗ nào ạ?

- Đây, cô nhìn xem: phần chữ với mép giấy không thẳng.

- Ông thấy vậy sao?

- Thế nên tôi mới nói với cô!

Ông ta ném tập photo vào sọt rác rồi nói tiếp:

- Cô dùng chế độ photo tự động hả?

- Vâng.

- Thảo nào. Không được dùng chế độ tự động. Nó không thật chính xác.

- Thưa ông Saito, nếu không dùng chế độ tự động, thì tôi phải mất rất nhiều giờ mới xong được.

- Có vấn đề gì nào? - ông ta mỉm cười. - Cô đang than là rỗi việc quá cơ mà!

Tôi hiểu đây là cách trừng trị cho vụ tôi đi bóc lịch.

Tôi đứng dán vào máy photo như người bị đi đày.

Mỗi một lần, tôi phải nhấc cái nắp lên, đặt tờ giấy hết sức cẩn thận, ấn nút rồi kiểm tra kết quả. Lúc tôi vào ngục là mười lăm giờ. Đến mười chín giờ, tôi vẫn chưa xong việc. Thi thoảng có mấy nhân viên đi qua: nếu họ muốn photo hơn mười bản thì tôi nhún nhường bảo họ chịu khó dùng máy photo ở đầu kia hành lang.

Tôi liếc nhìn nội dung văn bản mình vừa photo và suýt chết vì cười: đó là nội quy của câu lạc bộ golf mà ông Saito là thành viên.

Song chỉ một khoảnh khắc sau, tôi những muốn phát khóc khi nghĩ tới những cái cây tội nghiệp vô tội mà cấp trên của tôi đã phí phạm để trừng trị tôi. Tôi tưởng tượng ra những cánh rừng Nhật Bản của tuổi thơ tôi, những cây phong, cây bách Nhật và cây bạch quả, chúng bị đốn trụi chỉ để trừng phạt một con người chẳng có nghĩa lý gì như tôi. Và tôi nhớ họ của Fubuki cũng có nghĩa là rừng.

Vừa lúc đó ông Tenshi đi tới, ông phụ trách bộ phận các sản phẩm sữa. ông này ngang cấp với ông Saito, người phụ trách bộ phận kế toán tổng hợp. Tôi ngạc nhiên nhìn ông ta: một cán bộ cỡ quan trọng như ông mà phải tự đi photo tài liệu?

ông trả lời thắc mắc trong đầu tôi:

- Đã tám giờ tối. Trong phòng còn mỗi mình tôi làm việc. Sao cô không dùng chế độ photo tự động?

Tôi mỉm cười nhún nhường giải thích với ông rằng đây là lệnh của ông Saito.

- Tôi hiểu rồi, - ông nói giọng đầy ẩn ý.

Ông có vẻ suy nghĩ rồi hỏi tôi:

- Cô là người Bỉ phải không?

- Vâng.

- Thế thì tiện quá. Tôi đang có một dự án rất hay với nước cô. Cô có thể giúp tôi làm một nghiên cứu được không?

Tôi nhìn ông như thể người ta gặp được Chúa Cứu thế. Ông giải thích với tôi là có một công ty liên doanh của Bỉ đã phát triển một quy trình mới tách chất béo ra khỏi bơ.

- Tôi tin vào bơ tách béo, - ông nói. - Đấy là tương lai.

Tôi bịa ngay lập tức ý kiến của mình:

- Tôi cũng luôn nghĩ thế!

- Mai cô tới gặp tôi ở phòng làm việc của tôi.

Tôi kết thúc việc photo trong trạng thái vô thức. Một sự nghiệp quan trọng đang mở ra trước mắt tôi. Tôi đặt tập giấy A4 lên bàn ông Saito và ra về, lòng đầy hân hoan.

Hôm sau, khi tôi vừa đến công ty Yumimoto, Fubuki nói với tôi vẻ lo ngại:

- Ông Saito muốn cô photo lại tài liệu, ông ấy thấy chúng bị lệch.

Tôi bật cười và giải thích cho cô đồng nghiệp về cái trò tủn mủn mà hình như cấp trên của chúng tôi đang miệt mài chơi tôi.

- Tôi chắc chắn là thậm chí ông ta chưa hề ngó tới tập photo mới tôi đã làm. Tôi đã photo từng tờ một, đặt chính xác tới gần từng milimet. Tôi không biết mình đã mất bao giờ đồng hồ để làm việc này - tất cả chỉ vì nội quy câu lạc bộ golf của ông ta!

Fubuki động lòng trắc ẩn và nói với giọng bực mình nhưng vẫn nhẹ nhàng:

- Ông ta hành hạ cô!

Tôi an ủi Fubuki:

- Cô đừng lo. Ông ta đùa tôi thôi.

Tôi quay lại chỗ máy photo. Tôi đã bắt đầu sử dụng nó rất thành thạo. Tôi giao việc cho khay đặt giấy tự động và tin chắc là ông Saito đã gào lên phán quyết mà không hề nhìn một mảy tới công việc của tôi. Tôi mỉm cười xúc động khi nghĩ tới Fubuki: “Cô ấy tử tế quá! May là có cô ấy ở đây!”

Thực ra, trò trả miếng của ông Saito đã thất bại: tối qua, tôi mất hơn bảy giờ đồng hồ để photo từng tờ cái tập tài liệu hơn một nghìn trang này. Bởi vậy, việc này sẽ giúp tôi có lý do thật hợp lý để hôm nay có thể qua phòng làm việc của ông Tenshi mấy tiếng đồng hồ. Chế độ tự động của máy photo hoàn thành nhiệm vụ của tôi trong khoảng mười phút. Tôi mang tập giấy đi và lao tới bộ phận sản phẩm sữa.

Ông Tenshi giao cho tôi địa chỉ liên hệ của công ty bên Bỉ:

- Tôi cần một bản báo cáo hoàn chỉnh và chi tiết nhất về sản phẩm bơ tách béo mới này. Cô có thể ngồi ở bàn ông Saitama: ông ấy đang đi công tác.

Tenshi có nghĩa là “thiên thần”: tôi nghĩ cái tên này thật hợp với ông Tenshi. Không những mang tới cho tôi may mắn mà ông còn không hề ra lệnh cho tôi:

ông để cho tôi toàn quyền, một việc ngoại lệ ở Nhật Bản. Và ông đã chủ động làm việc này mà không hỏi ý kiến của ai: một nguy cơ rất lớn đối với ông.

Tôi đã ý thức được việc này. Vậy nên ngay tức thì, tôi cảm thấy tận tụy hết mực với ông Tenshi - lòng tận tụy mà bất kể một người Nhật nào cũng đều phải có với sếp của mình, song tôi lại không thể dành nó cho ông Saito và ông Omochi. ông Tenshi bỗng trở thành vị chỉ huy của tôi, thành thủ lĩnh của tôi: tôi sẵn sàng chiến đấu tới cùng vì ông, như một võ sĩ Samourai.

Tôi lăn vào trận chiến bơ tách béo. Không thể gọi điện sang Bỉ ngay vì lệch múi giờ: thế là tôi bắt đầu bằng việc điều tra các trung tâm tiêu thụ của Nhật và các bộ ngành Y tế để biết thói quen dùng bơ của người dân thay đổi ra sao và những thay đồi này có ảnh hưởng gì đến tỷ lệ cholesterol trong máu người dân toàn quốc. Kết quả là người Nhật ngày càng dùng nhiều bơ, và bệnh béo phì và các bệnh tim mạnh không ngừng tăng ở đất nước Mặt trời Mọc.

Đợi lúc múi giờ thuận lợi, tôi gọi điện cho công ty liên doanh ở Bỉ. Phía đầu dây, một giọng đặc Bỉ cất lên làm tôi xúc động vô cùng. Người đồng hương của tôi cảm thấy oai vì nhận được cú điện thoại từ Nhật nên bỏ hết công sức ra giúp tôi. Chỉ mười phút sau, tôi đã nhận được hai mươi trang fax bằng tiếng Pháp trình bày rõ quy trình tách bơ mới mà công ty đang giữ bản quyền sáng chế.

Tôi soạn bản báo cáo thế kỷ. Bắt đầu là nghiên cứu thị trường: lượng tiêu thụ bơ của người Nhật từ năm 1950 đến nay, kèm theo diễn biến của các vấn đề sức khỏe do việc tiêu thụ chất béo butiric quá mức. Tiếp đó, tôi mô tả những quy trình tách bơ cũ, công nghệ mới của Bỉ, những thuận lợi đáng kể của nó, v.v. Vì phải viết báo cáo bằng tiếng Anh nên tôi mang việc về nhà: tôi cần dùng từ điển để tra những thuật ngữ khoa học. Tôi thức trắng đêm.

Hôm sau, tôi đến công ty Yumimoto sớm hơn hai giờ đồng hồ, đánh máy bản báo cáo và chuyển nó cho ông Tenshi, rồi tới văn phòng của ông Saito mà vẫn đúng giờ.

Ông này gọi tôi ngay lập tức:

- Tôi đã kiểm tra tập photo mà cô để lại trên bàn tôi tối qua. Cô làm có tốt hơn, nhưng vẫn chưa thật chuẩn. Cô làm lại đi.

Nói rồi, ông ta ném tập photo vào sọt rác.

Tôi cúi đầu và y lệnh. Tôi khó có thể ngăn mình khỏi cười.

Ông Tenshi lại gặp tôi gần máy photo. ông khen tôi nhiệt tình hết mức mà bản tính lịch sự và ý tứ của ông cho phép:

- Bản báo cáo cô làm rất tuyệt và nhanh tới mức kinh ngạc. Cô có muốn tôi nêu tên người soạn báo cáo trong cuộc họp không?

Quả là một người rộng lượng hiếm có: ông ấy sẵn lòng phạm một sai lầm nghề nghiệp nếu tôi yêu cầu ông làm việc đó.

- Ôi không được đâu, thưa ông Tenshi. Làm như thế sẽ không hay cho cả ông và tôi.

- Cô nói phải. Tuy nhiên, vào các buổi họp lần sau, tôi có thể đề xuất với ông Saito và ông Omochi để cô giúp tôi. Cô có nghĩ ông Saito sẽ phật ý không?

- Trái lại là đằng khác, ông hãy nhìn những tập photo cao ngất ông ấy bắt tôi làm mà xem. Đó là cách để tôi tránh xa phòng làm việc của ông ta càng lâu càng tốt: rõ là ông ta đang kiếm cớ đề rũ tôi ra. Ông ấy sẽ rất vui nếu ông tạo cho ông ấy cơ hội này: ông Saito không thể chịu nổi tôi nữa rồi.

- Vậy cô sẽ không mếch lòng nếu tôi tự ký là người soạn báo cáo của cô chứ?

Tôi sửng sốt trước thái độ của ông Tenshi: ông không cần phải dành cho đứa nhân viên quèn như tôi sự kính trọng tới mức như vậy.

- Ôi thưa ông Tenshi, quả là một vinh dự lớn cho tôi khi ông muốn sử dụng bản báo cáo.

Chúng tôi chia tay với tình cảm đặc biệt quý trọng dành cho nhau. Tôi tin tưởng đi tới tương lai. Chẳng mấy sẽ chấm dứt những trò bắt nạt lính mới phi lý của ông Saito, sẽ chấm dứt máy photo và việc cấm nói thứ ngôn ngữ thứ hai của tôi.

Một bi kịch nổ ra vài ngày sau đó. Tôi bị triệu tới phòng làm việc của ông Omochi: tôi vô tư đi tới đó, không mảy may sợ hãi vì không biết ông ta muốn gì.

Lúc bước vào sào huyệt của phó chủ tịch, tôi thấy ông Tenshi đã ngồi đó, trên chiếc ghế. ông quay lại nhìn tôi và mỉm cười: đó là nụ cười nhân hậu nhất mà tôi từng biết. Nụ cười muốn nói: “Chúng ta sẽ phải qua một thử thách tồi tệ, nhưng chúng ta sẽ cùng qua.”

Tôi cứ tưởng mình đã từng nếm mùi và biết thế nào là một trận mắng chửi tàn tệ. Song thực ra vẫn chưa là gì so với những điều mà tôi đang phải hứng chịu. Ông Tenshi và tôi phải nghe những tiếng thét kinh hoàng. Tôi còn tự hỏi liệu điều gì tồi tệ hơn: nội dung hay hình thức.

Nội dung là những tiếng chửi rủa không thể tưởng tượng được. Tôi và người cùng chung vận rủi bị xỉa xói đủ kiểu: lũ phản bội, lũ vô dụng, lũ lươn lẹo, lũ xảo quyệt và - câu chửi rủa thậm tệ nhất là - lũ cá nhân chủ nghĩa.

Hình thức thì thể hiện nhiều khía cạnh của Lịch sử Nhật Bản: để những tiếng hét thô bỉ này dừng lại, có lẽ tôi phải có khả năng làm những điều tồi tệ nhất - xâm chiếm vùng Mãn Châu, ngược đãi hàng ngàn người Trung Hoa, tự vẫn nhân danh Hoàng Đế, lái máy bay lao vào chiến hạm Mỹ, và thậm chí là làm việc cho hai công ty Yumimoto cùng lúc.

Điều khiến tôi không chịu đựng nồi là phải nhìn thấy ân nhân của mình bị sỉ nhục vì lỗi của tôi. ông Tenshi là một người thông minh và chu đáo: ông đã dám liều vì tôi, dù biết rõ hậu quả. ông đã hành động không mảy may vì lợi ích cá nhân, mà chỉ bởi lòng vị tha. Vậy mà đáp lại lòng tốt của ông, người ta lại bắt ông chịu cảnh nhục nhã.

Tôi cố làm theo ông: ông ở trong tư thế cúi đầu và thu vai. Nét mặt ông lộ vẻ phục tùng và xấu hổ. Tôi bắt chước ông. Nhưng rồi lão phì nộn nói với ông:

- Ông chỉ nhằm mục đích là phá hoại ngầm công ty!

Mọi thứ lướt qua rất nhanh trong đầu tôi: không được để vụ rắc rối này làm hại tới việc thăng tiến sau này của thần hộ mệnh của tôi. Tôi bèn lăn xả vào cơn giận lôi đình kèm những tiếng thét kinh hoàng của ông phó chủ tịch:

- Ông Tenshi không muốn phá hoại công ty. Chính tôi đã năn nỉ ông ấy giao cho tôi một hồ sơ. Tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm.

Tôi vừa kịp thoáng gặp cái nhìn sợ hãi của người cùng chung số phận hẩm hiu quay về phía mình. Tôi đọc được trong mắt ông: “Cô im đi, tôi xin cô đấy!” - hỡi ôi, đã quá muộn.

Trong giây lát, ông Omochi sững sờ há hốc miệng rồi ông ta bước lại gần và hét thẳng vào mặt tôi:

- Cô dám cãi à!

- Không, trái lại là đằng khác, tôi xin nhận lỗi. Tất cả là do tôi mà ra. Chính tôi và chỉ có tôi là người đáng bị trừng phạt.

- Cô còn dám bảo vệ cho kẻ lươn lẹo này ư?

- Ông Tenshi không cần được bảo vệ. Những lời ông buộc tội ông ấy là không đúng.

Tôi thấy ân nhân nhắm mắt lại và hiểu rằng mình đã vừa buột miệng nói những lời không thể cứu vãn được nữa.

- Cô dám khẳng định lời tôi nói là sai à? Cô thật là một kẻ thô bỉ quá mức đấy!

- Tôi chưa bao giờ dám khẳng định một điều như vậy. Tôi chỉ nghĩ rằng ông Tenshi đã nói với ông những điều không đúng chỉ vì muốn tôi vô tội.

Có lẽ nghĩ rằng đến lúc này thì chẳng còn gì phải sợ nữa, người chung số phận hẩm hiu với tôi lên tiếng. Giọng ông như chứa đựng mọi nỗi thống khổ trên thế giới:

- Tôi xin ông đừng giận cô ấy. Cô Amélie không biết mình nói gì đâu. Cô ấy là người phương Tây, cô ấy còn trẻ, cô ấy chưa hề có kinh nghiệm gì. Tôi đã phạm phải một lỗi lầm không thể bào chữa được. Tôi thật hết sức xấu hổ.

- Đúng là lỗi lầm của ông không thể tha thứ được! - lão phì nộn rú lên.

- Dù sai lầm tôi phạm phải là vô cùng nghiêm trọng, song tôi phải thừa nhận cô Amélie đã làm một bản báo cáo tuyệt vời và hết sức nhanh chóng.

- Đấy không phải là vấn đề! Đó là nhiệm vụ của ông Saitama!

- Ông ấy đang đi công tác.

- Thế thì phải đợi ông ấy về.

- Chắc chắn còn rất nhiều công ty khác cũng quan tâm tới sản phẩm bơ tách béo mới này. Nếu đợi ông Saitama đi công tác về và soạn thảo bản báo cáo này thì e muộn mất.

- Có phải ông vô tình muốn nói chất lượng công việc của ông Saitama có vấn đề không?

- Hoàn toàn không phải vậy. Nhưng ông Saitama không nói tiếng Pháp và không hiểu nước Bỉ. ông ấy có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn cô Amélie.

- Ông im đi. Chủ nghĩa thực dụng ghê tởm này đúng là của một kẻ Tây phương.

Tôi thấy điều ông Omochi vừa phát ngôn trước mặt tôi mà không hề ngại ngùng là hơi quá.

- Xin ông thứ lỗi cho cái xấu xa Tây phương của tôi.

Đúng là chúng tôi đã phạm một sai lầm. Song vẫn có thể rút ra điều bổ ích từ sai lầm đó...

Ông Omochi lại gần tôi, ánh mắt dữ dằn chặn ngang lời tôi:

- Tôi báo cho cô biết: đây là bản báo cáo đầu tiên và cũng là cuối cùng của cô. Cô đã tự đặt mình vào hoàn cảnh rất tồi tệ. Ra khỏi đây! Tôi không muốn trông thấy mặt cô nữa!

Tôi không để cho ông ta hét đến tiếng thứ hai. Ra đến hành lang, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng gào rú của cái “núi thịt“ và sự im lặng ăn năn của nạn nhân. Rồi cánh cửa mở ra và ông Tenshi ra chỗ tôi. Chúng tôi cùng đi ra bếp ăn, cảm thấy đau đớn vì những lời chửi rủa mà chúng tôi vừa phải chịu.

- Mong cô thứ lỗi vì tôi đã làm cô phải liên lụy, - cuối cùng ông lên tiếng.

- Ôi, tôi xin ông Tenshi, ông đừng xin lỗi! Suốt đời tôi biết ơn ông. ông là người duy nhất ở đây cho tôi cơ hội được làm việc, ông quả là người dũng cảm và rộng lượng. Ngay từ đầu tôi đã biết điều này, và càng thấy rõ hơn từ khi thấy sự việc không hay đổ lên đầu ông. ông đã đánh giá họ quá cao: lẽ ra ông không nên nói bản báo cáo là do tôi viết.

ông nhìn tôi vẻ sững sờ:

- Tôi đâu có nói. Chắc cô vẫn nhớ chúng ta đã thỏa thuận với nhau thế nào: tôi dự tính sẽ nói chuyện đó hết sức thận trọng với cấp cao nhất, ông Haneda. Chỉ có nói với ông ấy thì may ra mới có thể đạt được điều gì đó. Còn nói với ông Omochi thì chúng ta chỉ chuốc họa vào thân thôi.

- Vậy hay ông Saito đã nói với ông phó chủ tịch? Đúng là kẻ đểu giả và ngu xuẩn: lẽ ra lão ta có thề xua tôi đi, vậy có phải là phúc cho tôi không. Nhưng không, lão ta lại...

- Cô đừng nói quá tệ về ông Saito. ông ấy tốt hơn cô nghĩ. Và không phải ông ấy đã tố cáo chúng ta đâu. Tôi đã nhìn thấy tờ giấy đặt trên bàn làm việc của ông Omochi, tôi biết ai đã viết nó.

- Ông Saitama?

- Không phải. Có thực sự cần thiết phải nói cho cô biết không?

- Rất cần!

Ông thở dài:

- Tờ giấy có chữ ký của cô Mori.

Với tôi, đó là một cú trời giáng:

- Fubuki ư? Không thể.

Người chung số phận hẩm hiu với tôi im lặng.

- Tôi không tin! - tôi nói tiếp. - Chắc chắn cái lão Saito hèn nhát đã bắt cô ấy viết tờ giấy này - lão ta thậm chí không đủ dũng cảm để tự tố cáo mà đã đổ vấy cho người khác!

- Cô đã nhầm về ông Saito rồi: ông ấy tính rụt rè, tự ti, đầu óc không mấy sáng láng, nhưng không phải người độc ác. Không bao giờ ông ấy lại đẩy chúng ta vào hoàn cảnh này đâu.

- Fubuki không thể làm một chuyện như vậy!

Ông Tenshi chỉ còn biết thở dài một lần nữa.

- Sao cô ấy lại làm một việc như thế chứ? - tôi tiếp tục. - Cô ấy ghét ông à?

- ò không. Cô ta làm việc đó không phải để chống lại tôi. Thực ra trong chuyện này cô chịu thiệt nhiều hơn tôi. Tôi thì tôi chẳng mất gì đâu. Còn cô thì mất cơ hội thăng tiến trong một thời gian rất, rất lâu.

- Tóm lại tôi chẳng hiểu gì cả! Cô ấy vẫn luôn tỏ ra thân thiện với tôi mà.

- Đúng vậy. Chừng nào nhiệm vụ của cô vẫn là đi bóc lịch và photo nội quy câu lạc bộ golf.

- Nhưng thật khó tin là tôi chiếm chỗ của cô ấy!

- Đúng thế. Cô ta chưa bao giờ lo sợ về chuyện đó.

- Vậy thì cớ gì cô ấy lại tố cáo tôi? Và việc tôi làm giúp ông thì phiền gì đến cô ấy?

- Cô Mori đã phải chịu đựng nhiều năm mới đạt được vị trí hiện nay. Chắc cô ấy không thể chịu nổi khi thấy cô được nâng bậc chỉ sau mười tuần làm việc ở công ty Yumimoto.

- Tôi không tin được. Như thế thì thật hèn hạ với một người như cô ấy.

- Tôi chỉ có thể nói cho cô biết là thực sự cô ấy đã phải chịu đựng rất nhiều, rất nhiều trong những năm đầu tiên làm việc ở đây.

- Và vì thế cô ấy muốn tôi phải chịu chung số phận! Thật quá thảm hại. Tôi phải nói chuyện với cô ấy.

- Cô định làm thế thật sao?

- Tất nhiên rồi. Làm sao giải quyết mọi việc ổn thỏa nếu không nói chuyện với cô ấy?

- Thì lúc nãy, cô đã nói chuyện với ông Omochi khi chúng ta bị chửi như tát nước vào mặt. Cô có cảm tưởng là mọi việc được thu xếp ổn thỏa không?

- Có điều chắc chắn là nếu không nói thì chẳng có cơ hội nào để giải quyết vấn đề cả.

- Điều tôi còn chắc chắn hơn là nếu chúng ta nói về nó thì có nhiều nguy cơ làm tình hình nghiêm trọng hơn.

- Ông yên tâm, tôi sẽ không để ông vướng vào những chuyện này đâu. Nhưng tôi cần phải nói chuyện với Fubuki. Nếu không tôi sẽ không thể nào chịu nổi.

Chú thích:

(1) Junichiro Tanizaki (1886-1965): Nhà văn Nhật nổi tiếng (tất cả các chú thích đều là của người dịch).

(2) Jacques Prévert (1900-1977): Nhà thơ Pháp nổi tiếng. Nhà thơ này có một bài thơ mang tựa đề “Inventaire”, trong đó liệt kê rất nhiều đồ vật chẳng có liên quan gì với nhau.

(3) Thành phố nằm trên đảo Honshu, từng là thủ đô cố định đầu tiên của Nhật từ năm 710 đến năm 784.

(4) Vùng nằm trên đảo Honshu, gồm 6 tỉnh, trong đó có tỉnh Nara với thủ phủ là thành phố Nara.

(5) Geisha trong tiếng Nhật chỉ những cô gái được tập múa, hát và trò chuyện từ bé để làm tiếp viên trong các quán trà hoặc trong các buổi tiệc tùng.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui