Bản tin của hiệp hội kiến trúc sư Hoa kỳ, trong mục Lặt vặt, đăng một tin ngắn thông báo Henry Cameron đã về hưu. Sáu dòng tin tóm tắt những thành tựu ông đạt được trong kiến trúc và in sai chính tả tên hai tòa nhà đẹp nhất của ông.
Peter Keating bước vào văn phòng của Francon và làm gián đoạn cuộc mặc cả đang hồi cao trào của Francon với một nhà buôn đồ cổ về một chiếc hộp thuốc lá hít từng thuộc về Phu nhân Pompadour. Francon đang bị dồn vào chỗ phải trả thêm 8 đô la 25 xu so với mức mà ông dự tính. Ông ta cáu kỉnh quay sang Keating, sau khi nhà buôn đồ cổ đã đi, và hỏi:
“Thế nào, lại chuyện gì nữa đây, Peter, chuyện gì đây?”
Keating ném bản tin xuống bàn của Francon, ngón tay trỏ xuống đoạn nói về Cameron.
“Cháu cần có người này,” Keating nói.
“Người nào?”
“Howard Roark.”
“Howard Roark là đứa chết tiệt nào?” Francon hỏi.
“Cháu đã nói với bác về cậu ấy rồi mà. Đó là người thiết kế của Cameron.”
“À... ờ, đúng rồi, tôi nghĩ là cậu đã nói rồi. Thế thì đi lôi cậu ta về đi.”
“Bác có cho cháu được toàn quyền quyết định chuyện này không?”
“Ôi dào? Tuyển thêm một thợ vẽ nữa thì có cái quái gì ghê gớm cơ chứ? Mà này, cậu làm gián đoạn cuộc mua bán của tôi chỉ vì chuyện này à?”
“Người này có thể khó khăn. Và cháu muốn có người này trước khi cậu ta quyết định đi làm ột công ty khác.”
“Thế cơ à? Anh chàng này sẽ làm khó cho ta về chuyện này cơ đấy! Cậu định vật nài xin anh ta đến đây sau khi đã làm cho Cameron hả? Làm việc ở văn phòng của Cameron chẳng phải là một lời giới thiệu hay ho ột thanh niên trẻ tuổi đâu.”
“Thật thế sao, bác Guy?”
“Ừ thì... nếu nói về mặt cấu trúc, chứ không phải về thẩm mỹ, thì Cameron đúng là có tạo cho họ một nền tảng vững chắc và... Tất nhiên, Cameron khá là quan trọng trong thời của ông ta. Thực ra thì chính tôi đã từng là một trong những thợ vẽ giỏi nhất của ông ấy, cách đây lâu lắm rồi. Trong chuyện luyện người làm thì đúng là ông già Cameron có tài thật. Thôi, tiến hành đi. Tuyển Roark đi nếu cậu nghĩ cậu cần anh ta.”
“Không phải cháu thực sự cần cậu ta. Nhưng đó là một người bạn cũ của cháu, và đang thất nghiệp, và cháu nghĩ giúp được cậu ấy thì nên giúp.”
“Được rồi, cậu muốn làm gì thì làm đi. Chỉ cần đừng có làm phiền tôi về chuyện đó là được... Nói đi, Peter, cậu có nghĩ đây là cái hộp thuốc lá hít đẹp nhất cậu từng nhìn thấy không?”
Tối hôm đó, Keating – không hề báo trước – trèo lên căn phòng của Roark, hồi hộp gõ cửa, và bước vào một cách vui vẻ. Anh thấy Roark đang ngồi trên cửa sổ hút thuốc.
“Tình cờ đi ngang qua” Keating nói, “mà lại đang rỗi rãi; rồi tôi nhớ ra cậu sống ngay đây, Howard; và tôi nghĩ tôi sẽ ghé qua thăm cậu một cái vì đã lâu không gặp.”
“Tôi biết anh muốn gì rồi,” Roark nói. “Được rồi. Bao nhiêu?”
“Cậu có ý gì, hả Howard?”
“Anh biết tôi có ý gì.”
“Sáu mươi nhăm đô một tuần,” Keating buột miệng. Đây không phải là phương án tinh vi mà anh đã chuẩn bị trước, thế nhưng anh đã không lường trước rằng chẳng cần phương án nào hết. “Sáu mươi nhăm đô là lương khởi điểm. Nếu cậu nghĩ như thế chưa đủ, thì có thể tôi sẽ...”
“Sáu mươi nhăm đô là đủ.”
“Cậu... cậu sẽ đến làm việc với chúng tôi hả, Howard?”
“Bao giờ anh muốn tôi bắt đầu?”
“Thì... càng sớm càng tốt! Thứ Hai?”
“Được”
“Cảm ơn, Howard!”
“Với một điều kiện,” Roark nói. “Tôi sẽ không làm bất kỳ một công việc thiết kế nào hết. Không gì hết. Không vẽ chi tiết. Không vẽ nhà chọc trời kiểu Louis XV nào. Hãy để tôi tránh xa phần mỹ thuật nếu anh muốn giữ tôi ở đó. Hãy để tôi làm trong bộ phận kỹ thuật. Cho tôi đi giám sát công trình, ở công trường ấy. Nào, giờ thì anh có muốn tôi vào làm nữa không?”
“Tất nhiên rồi. Điều kiện nào cũng được. Cậu sẽ thích chỗ đó, cậu cứ chờ xem. Cậu sẽ thích Francon. Chính ông ấy cũng từng làm cho Cameron đấy.”
“Ông ta chẳng nên khoe khoang về việc đó.”
“Ừm...”
“Không. Đừng lo gì cả. Tôi sẽ không nói thế trước mặt ông ta đâu. Tôi sẽ chẳng nói gì với bất cứ ai. Đó có phải là điều anh muốn biết không?”
“Ôi, không, tôi không lo gì cả, tôi thậm chí không nghĩ đến điều đó.”
“Thế thì mọi chuyện đã xong. Chào anh. Gặp lại vào thứ Hai.”
“À, ừ... nhưng tôi cũng chẳng vội lắm, thực ra tôi đến để gặp cậu và...”
“Có chuyện gì vậy, Peter? Có gì làm anh lo lắng à?”
“Không... Tôi...”
“Anh muốn biết vì sao tôi nhận lời làm chứ gì?” – Roark cười, chẳng bực bội mà cũng chẳng quan tâm – “Có phải thế không? Tôi sẽ nói cho anh, nếu anh muốn biết. Tôi chẳng quan tâm mình sẽ làm việc tiếp ở đâu. Tôi chẳng muốn làm việc cho bất cứ kiến trúc sư nào ở đây cả. Nhưng tôi phải làm việc ở đâu đó, cho nên chỗ đó có là ông Francon của anh thì cũng chẳng sao – nếu tôi có thể nhận được cái tôi muốn. Tôi đang bán mình, và tôi sẽ bán mình kiểu đó – ít nhất là vào lúc này.”
“Thật sự, Howard ạ, cậu không cần phải nhìn sự việc như thế. Chẳng có giới hạn nào về việc thăng tiến của cậu trong công ty bọn tôi, một khi cậu đã quen với nó. Rồi cậu sẽ thấy một văn phòng thực sự trông như thế nào. Sau cái ổ chuột của Cameron...”
“Chó chết, chúng ta sẽ không nói chuyện đó, Peter!”
“Tôi không định phê phán hay... tôi không có ý gì cả.” Keating không biết phải nói gì và cũng chẳng biết nên cảm thấy thế nào. Đó là một chiến thắng, nhưng nó có vẻ trống rỗng. Nhưng dù sao đó cũng vẫn là một chiến thắng và anh cảm thấy anh muốn có thể yêu mến Roark.
“Howard, ra ngoài uống chút gì đó đi, đại loại là để ăn mừng dịp này.”
“Xin lỗi Peter. Đó không phải một phần của công việc.”
Khi đến đây, Keating đã chuẩn bị tinh thần để huy động tối đa sự cẩn thận và tế nhị của mình; anh đã đạt được mục đích mà anh không nghĩ mình sẽ đạt được; anh biết anh không nên mạo hiểm, không nên nói gì nữa và nên đi. Nhưng có một cái gì đó không thể giải thích được, một cái gì vượt trên tất cả những tính toán thực dụng, đang thúc đẩy anh. Anh buột miệng nói:
“Cậu có thể là con người một lần trong đời cậu được không?”
“Cái gì?”
“Là con người! Đơn giản. Tự nhiên.”
“Nhưng tôi là con người.”
“Chẳng lẽ cậu không bao giờ thoải mái được à?”
Roark cười, bởi anh đang ngồi trên khung cửa sổ và dựa vào tường một cách trễ nải, đôi chân dài đung đưa, điếu thuốc lá kẹp hờ hững giữa những ngón tay thả lỏng.
“Ý tôi không phải thế!” Keating nói. “Tại sao cậu không thể ra ngoài uống nước với tôi?”
“Để làm gì?”
“Tại sao lúc nào cậu cũng cần phải có mục đích thế? Tại sao lúc nào cậu cũng cứ phải nghiêm túc quá thể như thế? Cậu không thể làm việc mà không cần lý do như mọi người khác được à? Cậu quá nghiêm túc, quá già nua. Cái gì với cậu cũng nghiêm trọng, cũng vĩ đại, cũng ý nghĩa, mọi giây, mọi phút, ngay cả khi cậu ngồi yên. Chả nhẽ cậu không thể thoải mái ra một chút à? Không thể vớ vẩn đi một chút được à?
“Không.”
“Cậu không mệt mỏi vì phải làm người hùng à?”
“Tôi có gì là người hùng?”
“Chẳng gì cả. Tất cả. Tôi không biết. Nó không phải là việc cậu làm. Nó là cái mà cậu làm ọi người xung quanh cậu cảm thấy.”
“Cái gì?”
“Cái không-bình-thường. Sự căng thẳng. Khi tôi ở cạnh cậu – nó luôn luôn giống như một lựa chọn. Hoặc cậu – hoặc phần còn lại của thế giới. Tôi không muốn kiểu lựa chọn đấy. Tôi không muốn là người ngoài cuộc. Tôi muốn là người trong cuộc. Thế giới có rất nhiều điều đơn giản và dễ chịu. Không phải lúc nào cũng phải đấu tranh và từ bỏ. Nhưng mà với cậu thì lúc nào là đấu tranh và từ bỏ.”
“Tôi đã từ bỏ cái gì?”
“Ồ, cậu sẽ chẳng bao giờ từ bỏ cái gì cả! Cậu sẽ bước qua xác người ta để đạt được cái cậu muốn. Nhưng cậu từ bỏ chính bằng cách không bao giờ ham muốn nó.”
“Đó là bởi vì người ta không thể muốn cả hai thứ.”
“Hai thứ gì?”
“Nghe này, Peter. Tôi chưa bao giờ nói với anh những điều anh vừa nói. Cái gì làm cho anh thấy như thế? Tôi chưa bao giờ yêu cầu anh phải lựa chọn giữa tôi và bất kỳ cái gì khác. Cái gì làm anh cảm thấy có một sự lựa chọn? Cái gì làm cho anh khó chịu khi cảm thấy điều đó – nếu mà anh chắc chắn rằng tôi sai?”
“Tôi... tôi không biết.” Anh nói thêm: “Tôi không biết cậu đang nói về cái gì.” Và sau đó anh đột ngột hỏi:
“Howard, tại sao cậu lại căm ghét tôi?”
“Tôi không căm ghét anh.”
“Đấy, vấn đề là ở đấy! Thế ít nhất tại sao cậu lại không căm ghét tôi?”
“Tại sao tôi lại phải căm ghét anh?”
“Để ít nhất cũng cho tôi một cái gì đó. Tôi biết cậu không thể thích tôi. Cậu không thể thích ai cả. Bởi vậy sẽ tử tế hơn khi công nhận sự tồn tại của mọi người bằng cách căm ghét họ.”
“Tôi không tử tế Peter ạ.”
Và khi Keating thấy không có gì để nói nữa, Roark nói thêm:
“Về nhà đi Peter. Anh đã có cái anh muốn. Hãy để mọi sự như thế. Hẹn gặp anh thứ Hai.”
*
* *
Roark đứng cạnh một chiếc bàn trong phòng vẽ của hãng Francon & Heyer, một chiếc bút chì trong tay, một sợi tóc vàng cam rủ xuống mặt anh, chiếc áo khoác màu xám mặc theo quy định trông giống một bộ áo tù trên người anh.
Anh đã học cách chấp nhận công việc mới của mình. Những dòng kẻ anh vẽ là những đường thẳng tượng trưng cho các thanh rầm sắt, và anh cố không nghĩ đến việc những thanh rầm này sẽ đỡ những gì. Thỉnh thoảng, việc này trở nên khó khăn. Đứng chắn giữa anh và bản vẽ tòa nhà anh-đang-phải-vẽ là bản vẽ tòa nhà như-lẽ-ra-phải-thế. Anh nhìn thấy rõ anh có thể làm gì với nó nếu được quyền, anh nhìn rõ anh có thể thay đổi những đường vẽ như thế nào, đưa những nét chì đi đâu để có thể có công trình tuyệt vời. Anh phải nuốt chửng sự thấy-biết đó. Anh phải tiêu diệt tưởng tượng của mình. Anh phải tuân lệnh và vẽ những đường người ta ra lệnh cho anh. Điều đó làm tổn thương anh đến mức anh rùng mình trong sự giận dữ tê điếng. Anh nghĩ: khó à? – khó thì học đi.
Nhưng nỗi đau vẫn ở lại – cùng với nó là một sự hoang mang vô vọng. Cái mà anh nhìn thấy còn hiện thực hơn nhiều lần so với cái thực tại của giấy tờ, văn phòng và công việc. Anh không thể hiểu cái gì đã làm cho những người khác đui mù trước nó, và cái gì làm cho họ có thể thờ ơ vô cảm đến vậy. Anh nhìn tấm giấy trước mặt. Anh tự hỏi tại sao sự phi lý lại tồn tại và ngự trị. Anh chưa bao giờ biết điều đó. Và cái thế giới đã cho phép sự phi lý tồn tại và ngự trị chưa bao giờ có thực với anh.
Nhưng anh biết rằng những thứ này sẽ không tồn tại mãi – anh phải đợi – đó là nhiệm vụ duy nhất của anh: chờ đợi – việc anh cảm thấy gì không quan trọng – đấy là việc phải làm – anh phải đợi.
“Ông Roark, ông đã xong cái khung sắt cho cái tum[1] kiểu Gothic của Tòa nhà Đài Phát thanh Hoa Kỳ chưa?”
Anh chẳng có bạn nào trong phòng vẽ. Anh ở đó giống như một thứ đồ đạc, cũng hữu ích, cũng vô danh tính và yên lặng như thế. Chỉ có ông trưởng phòng kỹ thuật, sếp của Roark, là nói với Keating, hai tuần sau khi Roark vào làm việc: “Cậu có đầu óc hơn là tôi tưởng đấy Keating ạ. Cảm ơn.” “Vì cái gì?” Keating hỏi. “Vì một thứ mà chắc cậu tình cờ mang lại” ông trưởng phòng nói.
Thỉnh thoảng Keating ghé lại bàn của Roark để nói khẽ: “Cậu ghé vào văn phòng tôi khi xong việc tối nay được không Howard? Cũng không có gì quan trọng đâu.”
Khi Roark đến, Keating mở đầu bằng cách hỏi: “Thế nào, cậu thích ở đây chứ Howard? Nếu có gì cậu muốn thì cậu cứ nói và tôi sẽ...” Roark ngắt lời: “Nó đâu?” Keating liền lấy những bản vẽ từ một ngăn kéo và nói: “Tôi biết là cứ như thế này thì cũng được, cứ để nguyên kiến trúc thế này; nhưng mà cậu nghĩ sao, một cách đại thể ấy?” Roark nhìn vào những bản vẽ, và mặc dù anh muốn ném chúng vào mặt Keating và bỏ việc, nhưng một ý nghĩ ngăn anh lại: ý nghĩ rằng đây là một tòa nhà và rằng anh phải cứu nó, giống như người ta không thể bỏ mặc một người chết đuối mà không nhảy xuống cứu.
Để rồi anh làm việc hàng tiếng đồng hồ, đôi lúc cả đêm, trong khi Keating ngồi xem. Anh quên bẵng sự có mặt của Keating. Anh chỉ nhìn thấy một tòa nhà và cơ hội được tạo hình dáng cho nó. Anh biết rằng rồi người ta sẽ sửa đổi, sẽ đục khoét, và bóp méo nó. Dù thế, một trật tự và sự hợp lý nào đó sẽ vẫn được duy trì. Tòa nhà vẫn sẽ đẹp hơn so với những gì sẽ xảy ra, nếu anh từ chối thiết kế.
Đôi lúc, khi nhìn vào một bản phác thảo đơn giản, sạch sẽ, và trung thực hơn những bản khác, Roark sẽ nói: “Cũng không tồi, Peter ạ. Anh đang tiến bộ đấy.” Và Keating sẽ cảm thấy một niềm vui nhỏ, kỳ lạ – một niềm vui lặng lẽ, riêng tư và quý giá mà anh không bao giờ cảm thấy từ những lời khen của Guy Francon, từ khách hàng, và tất cả những người khác. Nhưng rồi anh sẽ quên điều đó và cảm thấy thỏa mãn hơn nhiều khi một quý bà giàu có thì thào bên một tách trà: “Anh sẽ trở thành kiến trúc sư giỏi nhất nước Mỹ, Keating ạ,” mặc dù bà ta chưa bao giờ nhìn thấy các tòa nhà của anh.
Anh đã tìm được cách đền bù cho việc chịu nhịn Roark. Anh sẽ bước vào phòng vẽ vào buổi sáng, ném một công việc chép bản vẽ hạng bét lên bàn Roark và nói: “Howard, chép lại cho tôi, được chứ? – và nhanh lên đấy.” Vào buổi trưa, anh sẽ cử một nhân viên đến bàn của Roark và nói lớn: “Ông Keating muốn gặp ông tại văn phòng của ông ấy ngay lập tức.” Anh sẽ bước ra khỏi văn phòng, đi về phía Roark và nói to cho cả phòng nghe thấy: “Mấy cái chỉ tiêu kỹ thuật của hệ thống ống nước Đường 12 ở chỗ quái nào thế nhỉ? A, Howard, cậu làm ơn lục trong đống hồ sơ và lôi nó ra cho tôi được không?”
Lúc đầu, anh sợ Roark sẽ phản ứng. Khi anh thấy Roark không phản ứng, chỉ lặng lẽ tuân lệnh, thì anh không thể kìm mình hơn được nữa. Anh cảm thấy một sự thỏa mãn đầy nhục cảm trong việc ra lệnh cho Roark; và anh cũng cảm thấy một cơn giận dữ điên cuồng trước sự tuân phục thụ động của Roark. Anh tiếp tục làm thế vì biết rằng anh chỉ có thể tiếp tục làm thế chừng nào Roark không tỏ ra tức giận; đồng thời, anh lại khát khao được làm cho Roark bùng nổ cơn tức giận. Nhưng chẳng có sự bùng nổ nào hết.
Roark thích những ngày mà anh được cử ra ngoài để thị sát các tòa nhà đang được xây dựng. Anh bước qua những khung nhà bằng thép một cách tự nhiên hơn cả bước đi trên hè phố. Những người công nhân quan sát một cách tò mò khi thấy anh đi trên những miếng ván hẹp, trên những thanh rầm trần trụi bắc giữa khoảng không, một cách dễ dàng như người thạo việc nhất trong bọn họ.
Đó là một ngày tháng Ba, và bầu trời mang màu xanh nhạt với dấu ấn đầu tiên của mùa xuân. Trong Công viên Trung tâm, cách bầu trời vài trăm mét[2] mặt đất hòa với màu trời bằng một sắc nâu hứa hẹn sẽ trở thành màu xanh lá cây, và những hồ nước trông giống những mảnh gương nằm dưới những tấm mạng đan bằng những cành cây khẳng khiu. Roark bước trên nền một công trình khách sạn lớn, và dừng lại trước một người thợ điện đang làm việc.
Người này đang chăm chỉ uốn những đường cáp điện xung quanh một thanh rầm. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều giờ căng thẳng và kiên nhẫn, trong một không gian hẹp mà mỗi cử động đều phải tính toán. Roark đứng, hai tay đút túi quần, xem người thợ làm việc một cách chậm chạp và khó nhọc.
Người này ngẩng đầu lên và thình lình quay sang anh. Anh ta có một cái đầu to và một khuôn mặt xấu tới mức nó trở nên thú vị; nó không già cũng không chảy xệ, nhưng nhăn thành những vệt sâu và cái cằm to khỏe xệ xuống giống như má của giống chó bulldog[3]; một đôi mắt làm người ta giật mình – to, tròn, và xanh như men sứ.
“Thế nào?” người đàn ông nói một cách giận dữ, “nhìn gì thế hả Tóc Đỏ[4]?”
“Anh đang tiêu phí thời gian,” Roark nói.
“Thế hả?”
“Thật đấy.”
“Đừng có nói vớ vẩn!”
“Anh sẽ mất hàng giờ mới uốn được mấy cái ống của anh xung quanh cái rầm ấy.”
“Cậu biết cách làm tốt hơn à?”
“Tất nhiên rồi.”
“Biến đi, nhóc con. Bọn tao không thích mấy thằng nhãi từ đại học lăng xăng ra vẻ ta đây.”
“Anh hãy đục một lỗ trong thanh rầm ấy và đâm những ống cách điện xuyên qua đó.”
“Cái gì?”
“Đục một lỗ qua thanh rầm.”
“Điên mà làm thế!”
“Có điên mới không làm thế.”
“Không ai làm thế cả.”
“Tôi đã làm thế.”
“Cậu?”
“Người ta làm thế khắp nơi.”
“Nhưng không phải ở đây. Tôi không làm thế.”
“Thế thì tôi sẽ làm cho anh.”
Người đàn ông gầm lên. “Gớm nhỉ! Mấy thằng nhãi văn phòng đòi làm việc của người lớn cơ đấy!”
“Đưa cho tôi đèn hàn.”
“Cẩn thận đấy cậu nhóc! Nó sẽ làm bỏng những ngón chân hồng hào xinh xẻo của cậu!”
Roark đeo găng tay và kính hàn của người đàn ông, cầm cây đèn hàn a-xê-ty-len, quỳ xuống, và dí một ngọn lửa xanh vào đúng giữa thanh rầm. Người đàn ông đứng theo dõi anh. Cánh tay của Roark vững chãi, kiểm soát chặt chẽ ngọn lửa chói sáng đang kêu xì xì. Anh rùng mình chút xíu vì sức mạnh của nó, nhưng vẫn giữ chắc nó ở đúng vị trí mục tiêu. Không hề có dấu hiệu của căng thẳng hay nỗ lực trong cả thân người thả lỏng của anh, ngoại trừ cánh tay. Dường như sức mạnh màu xanh đang từ từ ăn qua miếng kim loại không phải đến từ ngọn lửa mà từ chính bàn tay đang cầm nó.
Roark làm xong, đặt đèn hàn xuống, và đứng lên.
“Lạy Chúa!” người thợ điện nói. “Cậu đúng là biết dùng đèn hàn đấy!”
“Trông có vẻ thế đúng không?” Anh tháo găng tay, kính hàn, và đưa trả nó cho người thợ điện. “Từ bây giờ anh cứ làm thế đi. Anh bảo với người đốc công là tôi bảo thế.”
Người thợ điện kính cẩn nhìn vết cắt sắc gọn xuyên qua thanh rầm. Anh ta thì thầm: “Cậu học hàn ở đâu thế hả Tóc Đỏ?”
Nụ cười vui vẻ chậm rãi của Roark chấp nhận sự đầu hàng này. “À, tôi đã từng là thợ điện, và thợ nước, và thợ tán đinh, và nhiều thứ nữa.”
“Và vẫn đi học trong lúc đi làm?”
“Phải, theo một nghĩa nào đó.”
“Sẽ thành một kiến trúc sư chứ?”
“Vâng.”
“Thế thì cậu sẽ là kiến trúc sư đầu tiên biết một cái gì đó ngoài những bức tranh đẹp đẽ và những tiệc trà đấy. Cậu nên nhìn những cục cưng mọt sách mà văn phòng gửi xuống đây.”
“Nếu anh đang xin lỗi thì không cần đâu. Tôi cũng chẳng thích mấy người đó. Anh tiếp tục làm việc đi. Tạm biệt.”
“Tạm biệt Tóc Đỏ.”
Lần tiếp theo khi Roark xuất hiện ở chỗ đó, người thợ điện mắt xanh vẫy chào anh từ phía xa, và gọi anh tới để xin ý kiến anh về công việc; anh ta nói tên anh ta là Mike và rằng anh đã ngóng chờ Roark mấy hôm rồi. Vào lần viếng thăm tiếp theo, khi ca làm việc ban ngày đã gần hết, Mike đợi ở ngoài chờ Roark thị sát công trình. “Đi làm một cốc bia chứ Tóc Đỏ?” anh ta mời, khi Roark bước ra ngoài. “Tất nhiên rồi,” Roark nói, “cảm ơn anh.”
Họ ngồi bên một chiếc bàn trong góc một cửa hàng rượu dưới tầng hầm, và uống bia; Mike kể câu chuyện ưa thích của mình về việc anh ta đã ngã từ tầng năm xuống khi một chiếc giàn giáo bị gãy và anh đã bị gẫy ba xương sườn nhưng vẫn còn sống để kể chuyện này; Roark kể về những ngày anh đi làm thợ. Mike có tên thật là Sean Xavier Donnigan, nhưng mọi người đã quên cái tên này từ lâu; anh ta có một bộ dụng cụ và một chiếc xe Ford cổ, và tồn tại với mục đích duy nhất là đi khắp đất nước từ công trình xây dựng lớn này đến công trình xây dựng lớn khác. Mike không để ý lắm tới con người, nhưng anh để ý nhiều tới việc họ làm. Anh tôn thờ sự thành thạo trong bất cứ lĩnh vực nào. Anh say mê công việc của mình và không thể chịu được bất kỳ điều gì ngoài sự cống hiến hết mình. Anh rất thành thạo trong lĩnh vực của mình và không đồng cảm với bất cứ cái gì ngoài sự thành thạo. Quan điểm của anh về thế giới rất đơn giản: có những người có khả năng và những người không có khả năng; anh không quan tâm đến nhóm thứ hai. Anh say mê các tòa nhà. Tuy nhiên anh khinh bỉ tất cả những kiến trúc sư.
“Chỉ trừ một người, Tóc Đỏ ạ” Mike nói một cách say sưa sau khi uống hết năm vại bia “chỉ trừ một người nhưng cậu lại quá trẻ để biết người này, nhưng đó là người duy nhất biết xây dựng. Tôi làm việc cho ông ấy khi tôi bằng tuổi cậu.”
“Ai thế?”
“Tên ông ấy là Henry Cameron. Ông ấy chết rồi, tôi đoán thế, nhiều năm rồi.”
Roark nhìn anh một lúc lâu rồi nói: “Bác ấy chưa chết, Mike ạ,” và nói thêm: “Tôi đã từng làm cho bác ấy.”
“Cậu đã làm cho ông ấy hả?”
“Gần ba năm.”
Họ nhìn nhau lặng lẽ, và đó là con dấu cuối cùng đóng lên tình bạn của họ.
Vài tuần sau, một hôm Mike giữ Roark lại ở công trường; khuôn mặt xấu xí của anh ta trông bối rối. Anh hỏi: “Này, Tóc Đỏ, tớ nghe sếp bảo một anh chàng trong hội nhà thầu rằng cậu vênh váo, cứng đầu, và là anh chàng khó chịu nhất mà hắn gặp phải. Cậu đã làm gì hắn thế?”
“Chẳng gì cả.”
“Thế hắn nói thế là nghĩa lý quái gì nhỉ?”
“Tôi không biết,” Roark nói. “Anh có biết không?”
Mike nhìn anh, nhún vai và cười.
“Không,” Mike nói.
[1] Tum (còn gọi là cửa trời): thường ở trên nóc các tòa nhà. (NHĐ)
[2] Nguyên văn: cách 500 feet (1 feet = 0,3 mét)
[3] Chó trâu, chó ngao. (NHĐ)
[4] Nguyên văn: Brick-top, tức là Đầu-Gạch (vì tóc Roark màu đỏ). (ND)