III.
Khi Peter keating bước vào văn phòng, tiếng cánh cửa mở nghe như một tiếng kèn trôm-pét chói tai. Cánh cửa vung ra phía trước, như thể nó tự mở khi người đàn ông này tiến tới gần; đây là người mà tất cả các cánh cửa khác đều phải mở theo thể thức như vậy.
Một ngày làm việc của anh ở văn phòng bắt đầu với việc đọc báo. Đợi anh trên bàn là một chồng báo chí đã được cô thư ký xếp gọn gàng. Anh thích được thấy báo chí đề cập đến những diễn tiến mới về Tòa nhà Cosmo-Slotnick hoặc về công ty Francon & Keating.
Không hề có lời đề cập nào trên các báo sáng nay, và Keating cau mày. Tuy nhiên, anh lại nhìn thấy một bài về Ellsworth Toohey. Đây là một câu chuyện khiến người ta giật mình. Thomas L.Foster, một nhà hảo tâm, đã chết và để lại, trong số những khoản thừa kế lớn, một khoản tiền khiêm nhường có trị giá một trăm ngàn đô la cho Ellsworth Toohey, “người bạn và người hướng đạo linh hồn của tôi – để tỏ lòng trân trọng tới trí tuệ thanh cao và sự cống hiến hết mình cho nhân loại.” Ellsworth M.Toohey đã chấp nhận khoản thừa kế này và đã chuyển nó, một cách nguyên vẹn, tới Viện Nghiên cứu Xã hội, một viện đại học tiên tiến nơi ông ta giữ vị trí giảng viên môn Nghệ thuật như một Hiện tượng Xã hội. Ông giải thích một cách đơn giản rằng ông “không tin vào việc để thừa kế ột cá nhân.” Ông từ chối không bình luận thêm gì nữa. “Không, các bạn của tôi ạ,” ông nói, “không bình luận thêm gì về điều này nữa.” Và ông nói thêm – với khả năng tuyệt vời trong việc hài hước hóa những giây phút quan trọng của mình – “Tôi muốn đắm mình trong thú vui bình luận chỉ khi có những chủ đề thú vị. Tôi không coi bản thân mình là một trong những chủ đề này.”
Peter Keating đọc câu chuyện. Và vì anh biết rằng đó là một hành động anh sẽ không bao giờ thực hiện, nên anh cực kỳ ngưỡng mộ nó.
Rồi anh nghĩ, với một thoáng tức giận quen thuộc, rằng anh vẫn chưa gặp được Ellsworth Toohey. Toohey đã đi thực hiện một tua giảng bài ngay sau khi diễn ra lễ trao giải cuộc thi Cosmo-Slotnick, và những cuộc gặp mặt sáng giá mà Keating tham dự kể từ đó đã bị trống vắng vì thiếu sự có mặt của người mà anh khao khát được gặp nhất. Cái tên Keating chưa bao giờ được nhắc đến trong mục của Toohey. Keating khấp khởi lật trang báo, như anh làm mỗi sáng, sang mục Một tiếng nói nhỏ trong tờ Ngọn cờ New York. Nhưng mục Một tiếng nói nhỏ hôm nay đăng bài Bài hát và những thứ khác, và nội dung của nó xoay quanh việc chứng minh tính siêu việt của các bài hát dân ca đối với các thể loại âm nhạc khác, và chứng minh tính siêu việt của việc hát theo dàn đồng ca đối với bất kỳ một phong cách thể hiện âm nhạc nào khác.
Keating bỏ tờ Ngọn cờ xuống. Anh đứng lên và bực bội đi lại trong văn phòng, vì bây giờ anh phải chuyển sang một vấn đề đau đầu. Anh đã trì hoãn nó trong vài buổi sáng. Đó là vấn đề chọn một nhà điêu khắc cho Tòa nhà Cosmo-Slotnick. Cách đây mấy tháng, hợp đồng điêu khắc bức tượng lớn mang chủ đề “Lao động”[66] để đặt trong gian tiền sảnh của tòa nhà đã được giao cho – tạm thời giao cho – Steven Mallory. Việc này làm Keating thấy khó hiểu, nhưng nó lại do ông Slotnick quyết định, nên Keating đã đồng ý. Anh đã phỏng vấn Mallory và nói: “... vì thừa nhận khả năng khác thường của anh... tất nhiên anh chưa có tên tuổi, nhưng anh sẽ có, sau khi thực hiện một hợp đồng như thế này... những hợp đồng cho những tòa nhà như của tôi không phải ngày nào cũng có đâu.”
Anh không thích Mallory. Mắt Mallory trông giống như những cái hố màu đen còn lại sau một vụ hỏa hoạn không được dập tắt hoàn toàn, và Mallory chưa hề cười lấy một lần. Anh ta hai mươi tư tuổi, đã từng có một triển lãm cho các công trình của riêng mình, nhưng không có nhiều hợp đồng lắm. Tác phẩm của anh ta lạ lùng và quá bạo lực. Keating nhớ rằng cách đây đã lâu Ellsworth Toohey từng nói trong mục Một tiếng nói nhỏ như sau:
“Những tượng người của ông Mallory sẽ rất đẹp nếu không tính đến giả thuyết rằng Chúa Trời tạo ra thế giới và hình dạng cho loài người. Cứ nhìn vào những gì mà ông cho là chấp nhận được với thân thể con người, thì nếu ông Mallory mà được giao cho công việc sáng thế, có thể ông sẽ làm tốt hơn cả Đấng Toàn năng. Nhưng liệu ông ta có thể được giao một việc như vậy?”
Keating thấy hoang mang trước sự lựa chọn của ông Slotnick, cho đến khi anh nghe nói rằng Dimples Williams đã từng sống cùng khu chung cư với Steven Mallory ở Greenwich Village, và ông Slotnick hiện không thể từ chối Dimples Williams bất kỳ điều gì. Mallory đã được thuê, đã làm việc và đã nộp mô hình bức tượng “Lao động.” Khi anh trông thấy nó, Keating biết rằng bức tượng sẽ như một vết rạch lớn, một đống đất giữa gian tiền sảnh nhã nhặn thanh lịch của anh. Đó là một người đàn ông với thân thể mảnh dẻ để trần, trông như thể anh ta có thể xuyên thủng những vỏ thép của một chiếc tàu chiến hoặc bất kỳ một hàng rào ngăn cản nào. Bức tượng đứng như một thách thức. Nó để lại một dấu ấn kỳ lạ trong mắt người xem. Nó khiến những người xung quanh như nhỏ hơn và buồn bã hơn thường lệ. Lần đầu tiên trong đời, khi nhìn vào bức tượng ấy, Keating nghĩ anh hiểu được từ “anh hùng” có nghĩa là gì.
Anh chẳng nói gì. Nhưng mô hình bức tượng đã được gửi cho ông Slotnick và nhiều người đã nói toạc ra, với sự bực bội, những gì Keating đã cảm thấy. Ông Slotnick yêu cầu anh chọn một nhà điêu khắc khác và để mặc anh quyết định lựa chọn.
Keating thả mình trong ghế bành, ngả người về phía sau và tặc lưỡi. Anh tự hỏi liệu anh có nên giao công việc này cho Bronson, nhà điêu khắc và là bạn của bà Shupe, vợ chủ tịch công ty Cosmo; hay nên trao nó cho Palmer – người đã được đề cử bởi ông Huseby, một người đang định xây một nhà máy sản xuất mỹ phẩm trị giá năm triệu đô la. Keating phát hiện ra rằng anh thích quá trình do dự này; anh nắm vận mệnh của hai người và có khả năng là của nhiều người khác nữa; anh nắm vận mệnh, công việc, hy vọng, và có thể cả lượng thực phẩm trong dạ dày của họ nữa. Anh có thể tùy ý lựa chọn, vì bất kỳ lý do gì, hoặc chẳng vì lý do gì; anh có thể tung một đồng xu, anh có thể đếm số khuy áo trên chiếc áo vét của mình. Anh là một người vĩ đại – nhờ ân điển với những người phải phụ thuộc vào anh.
Sau đó anh lưu ý đến chiếc phong bì.
Nó nằm trên đống thư từ trên bàn. Đó là một chiếc phong bì hẹp, đơn giản, mỏng, nhưng có in biểu trưng của tờ Ngọn cờ trên một góc. Anh vội vàng với lấy nó. Chẳng có thư gì bên trong phong bì; chỉ vỏn vẹn một bản in thử cho số ngày mai của tờ Ngọn cờ. Anh thấy mục Một tiếng nói nhỏ quen thuộc của Ellsworth M. Toohey và dưới đó là một từ duy nhất làm nhan đề cho bài báo. Nó được in cỡ chữ lớn, thưa, một từ duy nhất, nổi bật vì sự duy nhất của nó – sự duy nhất có ý nghĩa như một cái nghiêng mình cúi chào:
KEATING
Anh đánh rơi mẩu báo rồi túm chặt lấy nó và đọc, mắc nghẹn vì những miếng lớn câu chữ không được nhai hết. Mẩu báo run rẩy trong tay anh, da trán anh nhăn chặt lại thành những rãnh màu hồng. Toohey viết:
“Vĩ đại là một từ có tính phóng đại, và giống như mọi sự phóng đại khác, nó lập tức chuốc lấy hệ quả là sự rỗng tuếch. Người ta hẳn sẽ nghĩ đến một quả bóng bay được thổi căng của một cậu bé? Tuy nhiên, có những trường hợp mà chúng ta bắt buộc phải công nhận cái triển vọng về việc tiệm cận – cực kỳ gần – đến cái mà chúng ta gọi một cách nôm na bằng từ vĩ đại. Triển vọng này đang lấp ló ở phía chân trời kiến trúc của chúng ta, trong con người một thanh niên trẻ mang tên Peter Keating.
“Chúng ta đã nghe rất nhiều – và hoàn toàn công bằng – về Tòa nhà Cosmo-Slotnick tuyệt vời mà anh đã thiết kế. Giờ đây, chúng ta sẽ thử bỏ qua tòa nhà và liếc qua một chút vào con người mà nhân cách của người ấy đã được in dấu trên tòa nhà.
“Chẳng có một nhân cách nào được in dấu trên tòa nhà đó – và chính ở điểm này, các bạn của tôi ạ, là sự vĩ đại của nhân cách. Đó là sự vĩ đại của một tinh thần trẻ trung biết quên cái tôi của mình để hấp thụ mọi thứ và trả lại chúng cho thế giới mà từ đó chúng sinh ra, sau khi làm giàu thêm cho chúng bằng tài năng sáng chói của tinh thần ấy. Như thế, một con người trở thành đại diện không phải ột cá thể lập dị mà cho hằng hà sa số những con người khác, để hiện thân cho sức rướn của tất cả những đam mê, thông qua đam mê của chính mình...
“... Những người có khả năng phân biệt sẽ có thể nghe được thông điệp mà Peter Keating gửi đến chúng ta trong hình hài của Tòa nhà Cosmo-Slotnick, có thể thấy rằng ba tầng trệt đơn giản, vĩ đại, là khối giai cấp công nhân đang nuôi sống cả xã hội; thấy rằng những hàng cửa sổ giống hệt nhau với những tấm kính cửa phơi mình dưới nắng là biểu tượng cho linh hồn của công chúng bình dân, của vô số những người vô danh đang tụ nhau dưới tình bằng hữu và đang vươn tới ánh sáng; rằng những trụ tường vươn lên từ phần móng vững chắc trong các tầng trệt và nở tung thành những đầu cột rực rỡ theo lối kiến trúc Corinthian là biểu tượng của những bông hoa Văn hóa chỉ nở tung khi cắm rễ trên mảnh đất màu mỡ là quần chúng nhân dân...
“... Để đáp lại cho những ai vốn coi tất cả những nhà phê bình là lũ quỷ dữ chỉ biết phá hoại những tài năng nhạy cảm, thì mục này muốn cảm ơn Peter Keating vì đã cho chúng tôi cơ hội hiếm hoi – ôi, rất hiếm hoi! – được bày tỏ niềm hạnh phúc của người làm phê bình trong sứ mạng thật sự của mình – đấy là sứ mạng khám phá các tài năng trẻ – khi có các tài năng trẻ như thế để khám phá. Và nếu Peter Keating đọc được những dòng này thì chúng tôi cũng không muốn anh mang ơn chúng tôi. Thực sự chúng tôi phải mang ơn anh mới đúng.”
Khi Keating bắt đầu đọc bài báo đến lần thứ ba, anh mới nhận thấy một vài dòng viết bằng bút chì đỏ bên cạnh phần nhan đề:
“Peter Keating thân mến,
“Hãy ghé vào văn phòng tôi lúc nào đó. Rất mong được biết anh trông thế nào.”
E.M.T
Anh để mẩu báo rơi chầm chậm xuống bàn, và anh đứng cạnh bàn, các ngón tay vân vê một lọn tóc, ngẩn ngơ vì sung sướng. Rồi anh xoay người ngắm bức vẽ Tòa nhà Cosmo-Slotnick của anh, được treo trên bức tường, giữa một bức ảnh lớn chụp đền Parthenon và một bức chụp Điện Louvre. Anh ngắm nhìn những trụ tường của tòa nhà. Anh chưa bao giờ nghĩ chúng là Văn hóa nở rộ từ trong quần chúng nhân dân, nhưng anh quyết định rằng người ta hoàn toàn có thể nghĩ như thế và nghĩ tất cả những thứ đẹp đẽ như thế.
Rồi anh cầm điện thoại, nói chuyện với cái giọng đều đều chối tai của cô thư ký của Ellsworth Toohey, và anh đặt một cuộc hẹn với Toohey vào bốn giờ rưỡi chiều hôm sau.
Vào những giờ tiếp theo, công việc hàng ngày của anh mang một hương vị mới. Cứ như thể hoạt động bình thường của anh vốn chỉ là một bức họa bình thường sáng màu nhưng giờ đây đã trở thành một bức phù điêu khắc nổi nhờ được trao cho cái thực tại ba chiều từ những lời của Ellsworth Toohey.
Guy Francon đôi lúc từ văn phòng của mình đi xuống, chẳng vì một mục đích rõ ràng nào. Màu nhàn nhạt của áo sơ mi và tất của ông ta hợp với màu tóc hoa râm hai bên thái dương ông. Ông đứng mỉm cười hiền lành trong im lặng. Keating đi qua ông trong phòng vẽ, ra ý đã nhận ra sự có mặt của ông, nhưng anh không dừng lại, mà đi chậm đủ để nhét một mẩu báo vào những nếp gấp của chiếc khăn tay màu hoa cà trong túi ngực áo của Francon, với lời nhắn “Guy, khi nào có thời gian, bác nhớ đọc cái này.” Anh nói thêm, khi đã đi đến một nửa căn phòng kế tiếp: “Ăn trưa với cháu hôm nay không bác Guy? Đợi cháu ở chỗ Plaza nhé.”
Khi anh trở về từ bữa trưa, Keating bị một thợ vẽ trẻ giữ lại. Anh này hỏi Keating với một giọng đầy hồi hộp:
“Ông Keating, ông có biết ai đã bắn Ellsworth Toohey không?”
Keating hổn hển:
“Ai làm gì cơ?”
“Bắn ông Toohey.”
“Ai?”
“Đó chính là điều tôi muốn biết, ai.”
“Bắn... Ellsworth Toohey?”
“Tôi nhìn thấy thế trên tờ báo của một anh chàng trong một tiệm ăn. Tôi không có thời gian mua một tờ.”
“Ông ta đã... bị bắn chết?”
“Đó là cái mà tôi không biết. Tôi chỉ thấy nói về việc bắn.”
“Nếu ông ta chết, thì họ sẽ không đăng bài của ông ta trên tờ báo ngày mai, đúng không?”
“Tôi không biết. Tại sao, ông Keating?”
“Đi kiếm cho tôi một tờ báo.”
“Nhưng tôi phải...”
“Kiếm cho tôi tờ báo đó ngay, đồ ngu!”
Câu chuyện được đăng ở đó, trên các báo buổi chiều. Ai đó đã bắn Ellsworth Toohey vào sáng hôm đó, khi ông bước ra khỏi xe trước một đài phát thanh, nơi ông sẽ phát biểu về “Những người không có tiếng nói và không được bảo vệ.” Cú bắn trượt đích. Ellsworth Toohey vẫn bình tĩnh và sáng suốt sau khi xảy ra sự việc. Cách ứng xử của ông mang vẻ sân khấu, chỉ có điều chẳng có bất cứ cái gì thuộc về sân khấu đang diễn ra. Ông nói: “Chúng ta không thể bắt thính giả đợi được,” và vội vàng bước lên cầu thang tới chỗ micro, nơi mà ông không hề đả động đến vụ bắn vừa rồi và phát biểu không cần giấy trong vòng nửa tiếng đồng hồ, giống như ông vẫn thường làm. Kẻ tấn công ông chẳng nói năng gì khi bị bắt.
Keating nhìn chằm chằm vào tên của kẻ ám sát hụt – họng anh khô rát. Cái tên đó là Steven Mallory.
Chỉ có những gì không thể giải thích nổi mới làm Keating sợ, đặc biệt là khi cái không thể giải thích nổi ấy không nằm trong những sự việc hữu hình mà ở cái cảm giác sợ hãi không rõ nguồn gốc trong anh. Chẳng có gì có thể trực tiếp làm anh lo lắng trong vụ việc đã xảy ra; có điều, Keating vẫn cứ mong muốn giá mà kẻ tấn công là một người nào khác, bất kỳ một người nào chứ không phải Steven Mallory; và anh ước rằng anh không biết lý do tại sao anh lại ước như vậy.
Steven Mallory vẫn im lặng. Anh ta chẳng đưa ra một lời giải thích nào cho hành động của mình. Đầu tiên, người ta cho rằng nguyên nhân có thể là do anh ta đã bị kích động bởi sự tuyệt vọng khi mất hợp đồng làm việc cho Tòa nhà Cosmo-Slotnick, bởi vì người ta thấy rằng anh ta sống nghèo khổ cùng cực. Nhưng rồi người ta nhận thấy một cách rõ ràng rằng Ellsworth Toohey chẳng có liên quan gì đến việc Steven mất hợp đồng này cả. Toohey chưa bao giờ nói chuyện với ông Slotnick về Steven Mallory. Toohey chưa bao giờ nhìn thấy bức tượng “Lao động.” Về điểm này, Mallory đã phá vỡ sự im lặng của mình để thừa nhận rằng anh chưa bao giờ gặp Toohey cũng như chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy ông này, và cũng không biết bất kỳ một bạn bè nào của Toohey. “Anh có cho rằng ông Toohey một phần nào chịu trách nhiệm trong việc anh bị mất công việc đó không?” người ta hỏi anh ta. Mallory trả lời: “Không.” “Vậy thì tại sao?” Mallory chẳng nói gì.
Toohey không nhận ra kẻ tấn công mình khi thấy anh ta bị cảnh sát bắt trên vỉa hè phía ngoài đài phát thanh. Ông không biết tên anh ta cho đến sau khi buổi phát thanh kết thúc. Sau đó, khi bước ra khỏi phòng thu vào phòng khách bên ngoài, trong đó đã tề tựu đông đủ các nhà báo, Toohey phát biểu: “Không, tất nhiên tôi sẽ không đòi xét xử gì hết. Tôi mong người ta thả anh ta. Nhân tiện tôi muốn hỏi anh ta là ai vậy?” Khi ông nghe được cái tên, ánh mắt của Toohey vẫn cố định ở đâu đó giữa vai của một người và vành mũ của một người khác. Rồi Toohey – người đã hết sức bình tĩnh khi một viên đạn trượt cách mặt ông vài xăng-ti-mét và đập vào kính cửa ra vào phía dưới – đã thốt lên một từ và từ này có vẻ như rơi xuống chân ông, nặng nề vì sợ hãi: “Tại sao?”
Không ai có thể trả lời được. Toohey ngay sau đó nhún vai, mỉm cười, và nói: “Nếu đó là một nỗ lực để được nổi tiếng mà không mất tiền – thì đây thật là một sự chọn người sai lầm!” Nhưng chẳng ai tin được lời giải thích này, bởi vì tất cả đều cảm thấy rằng chính Toohey cũng chẳng tin nốt. Trong những cuộc phỏng vấn tiếp theo, Toohey trả lời các câu hỏi một cách vui vẻ. Ông tuyên bố: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình đủ quan trọng để người ta phải ám sát. Đây là cách thể hiện lòng kính trọng lớn nhất mà người ta có thể nhận được – nếu nó không mang vẻ nhạc kịch nhiều đến thế.” Ông gây ấn tượng rằng cái xảy ra chẳng có gì quan trọng và trên trái đất này, chả có gì quan trọng cả...
Mallory bị tống giam để chờ ngày xét xử. Tất cả những nỗ lực tra hỏi anh ta đều thất bại.
Tối hôm đó, ý nghĩ khiến cho Keating trằn trọc thao thức trong nhiều giờ là cảm giác chắc chắn một cách vô căn cứ rằng Toohey cũng cảm thấy chính xác những gì anh đang cảm thấy. Ông ấy biết, Keating nghĩ, và mình cũng biết, rằng có một mối nguy hiểm lớn hơn trong động cơ thúc đẩy Steven Mallory, so với mối nguy trong chính hành động giết người của anh ta. Nhưng ông ấy và mình sẽ không bao giờ biết được động cơ ấy. Hay bọn mình sẽ biết nhỉ?... Và rồi anh chạm đến cốt lõi của nỗi sợ: đó là niềm mong muốn bất thần rằng anh sẽ không bao giờ, trong những năm tới, cho đến cuối đời, phải biết động cơ ấy là gì.