I.
Gail Wynand nâng khẩu súng lên thái dương.
Ông cảm thấy sức ép của vòng kim loại tì lên da mình – và không gì khác. Giống như ông đang cầm một chiếc tẩu hay một thứ đồ trang sức nào đó, chỉ là một vật hình tròn nho nhỏ chẳng có ý nghĩa gì. "Ta sắp chết", ông nói to – và ngáp.
Ông không cảm thấy thanh thản, không tuyệt vọng cũng không sợ hãi. Khoảnh khắc kết thúc cuộc đời không mang lại cho ông dù là cảm giác trang trọng. Nó chỉ là một khoảnh khắc vô danh; vài phút trước đó, ông cầm bàn chải đánh răng trong tay mình, và giờ đây ông cầm khẩu súng cũng có vẻ thờ ơ như thế.
Người ta không thể chết như thế được, ông nghĩ. Phải cảm thấy vui sướng tột cùng hoặc sợ hãi một cách chính đáng. Người ta phải kính cẩn chào vĩnh biệt cái chết của mình. Hãy để cảm thấy một cơn sợ hãi bao trùm toàn thân và tôi sẽ kéo cò súng. Nhưng ông không cảm thấy gì hết.
Ông nhún vai và hạ khẩu súng xuống. Ông đứng đập đập nòng súng vào lòng bàn tay trái của mình. Người ta vẫn nói tới những cái chết đen hay chết đỏ[95], ông nghĩ, còn cái chết của mày, Gail Wynand, sẽ là cái chết xám. Tại sao chưa có ai nhận ra rằng cái này mới thực sự là điều kinh khủng nhất? Không có những tiếng kêu gào, lời cầu khẩn hay những tràng cười thắt ruột. Không có trạng thái vô cảm, trống rỗng tuyệt đối của người vừa trải qua một một thảm kịch khủng khiếp nào đó. Chỉ có mỗi thế này – một cảm giác ghê tởm, ti tiện, bẩn thỉu, nhỏ mọn, thậm chí nó không đủ để khiến mình cảm thấy sợ hãi. Ta không thể chết như vậy được – ông tự bảo mình – và mỉm cười lạnh lùng – chết như vậy thật là kém phong cách.
Ông bước về phía bức tường trong phòng ngủ của mình. Căn hộ sát mái của ông nằm trên nóc tầng thứ 57 của một khách sạn lớn ở trung tâm Manhattan. Ông là chủ khách sạn này. Từ chỗ này, ông có thể nhìn thấy cả thành phố phía dưới ông. Phòng ngủ của ông là một chiếc lồng bằng kính ở trên nóc căn hộ; tường và trần của nó được làm từ những tấm kính khổng lồ. Trong phòng có những tấm rèm bằng da lộn màu xanh nhạt, có thể được kéo phủ kín các bức tường, bao lấy toàn bộ căn phòng, nếu ông muốn. Nhưng trần nhà thì không có gì che chắn cả. Nằm trên giường, ông có thể ngắm những ngôi sao trên đầu, nhìn những tia chớp loé lên, hay ngắm những hạt mưa đập vào mặt kính trong suốt rồi giận dữ bắn ngược lên thành những cái pháo hoa nhỏ. Ông thích tắt hết đèn và mở tất cả các tấm rèm khi nằm trên giường với một người đàn bà. Ông sẽ bảo người đó: "Chúng ta đang thông dâm trước mặt sáu triệu người".
Lúc này ông chỉ có một mình. Các tấm rèm đều đã được kéo ra. Ông đứng nhìn thành phố. Đêm đã khuya và những ánh đèn hỗn độn đủ màu ở phía dưới cũng đang tắt dần. Ông nghĩ mình sẽ không thấy phiền nếu phải ngắm nhìn thành phố này trong nhiều năm tới. Nhưng cũng chẳng sao nếu không bao giờ ông phải nhìn thấy nó nữa.
Ông tựa người vào tường và cảm thấy hơi lạnh của tấm kính thấm qua lớp vải lụa mỏng, tối màu của chiếc pijama đang mặc. Trên túi ngực của nó là hai chữ cái thêu lồng vào nhau: G.W... Hai chữ thêu này được tái tạo từ nét chữ của ông. Chúng giống hệt như chữ ký tắt của ông - ông thường ký bằng một động tác dứt khoát đầy uy lực.
Người ta thường nói trong nhiều thứ đánh lừa người khác, thì vẻ bề ngoài của Gail Wynand là sự đánh lừa hoàn hảo nhất. Trông ông giống như sản phẩm cuối cùng – điêu tàn và quá hoàn hảo – của một dòng họ cao quý và lâu đời; trong khi đó, tất cả mọi người đều biết là ông xuất thân trong cảnh bần hàn. Ông cao, quá mảnh khảnh để có thể gọi là có hình thể đẹp, cứ như thể tất cả cơ bắp của ông đều đã tàn lụi. Ông không cần đứng thẳng người cũng có thể làm người ta cảm thấy sự cứng rắn từ ông. Giống như một thứ thép cực tốt, ông cúi người, vai thõng xuống và làm cho những người xung quanh ý thức rõ về ông – không phải ở tư thế cúi mà ở cái nhận thức rằng ông luôn có thể bật thẳng đứng lên bất cứ lúc nào, như một chiếc lò xo mạnh mẽ. Cái dáng đứng ấy là tất cả những gì ông cần. Ông hiếm khi đứng thẳng người; ông thường có dáng uể oải. Dù mặc quần áo nào, dáng điệu ấy cũng tạo cho ông phong thái hết sức tao nhã.
Khuôn mặt của ông không thuộc về nền văn minh hiện đại mà là thời cổ La Mã; nó giống như khuôn mặt của một nhà quý tộc lâu đời. Mái tóc ông có những mảng chuối tiêu và được vuốt ngược nhẹ nhàng ra sau, để lộ vầng trán cao. Da ông dính chặt vào khuôn mặt góc cạnh, miệng dài và mỏng. Ở dưới cặp lông mày xếch là đôi mắt có màu xanh nhạt – trong các bức ảnh, chúng hiện ra giống như hai hình trái xoan màu trắng, đầy vẻ mỉa mai. Một họa sĩ từng mời ông ngồi làm mẫu để vẽ tranh quỷ Mephistopheles.[96] Wynand đã cười lớn và từ chối, khiến người họa sĩ lại càng tiếc rẻ vì khi ông cười, khuôn mặt ông trong càng phù hợp với ý tưởng bức tranh của người đó.
Lúc này, ông uể oải tựa người vào tấm kính trong phòng ngủ, khẩu súng đặt trên lòng bàn tay. Hôm nay – ông nghĩ – hôm nay là ngày thế nào nhỉ? Liệu có gì xảy ra trong ngày hôm nay có thể giúp ta vào lúc này và khiến cho khoảnh khắc này trở nên quan trọng?
Ngày hôm nay cũng như rất nhiều ngày khác đã trôi qua mà không để lại dấu ấn gì đặc biệt. Ông 51 tuổi, và hôm nay là một ngày giữa tháng Mười của năm 1932. Ông chỉ nhớ chắc chắn được chừng đó, tất cả những điều khác đều đòi hỏi sự nỗ lực của trí nhớ.
Ông thức dậy và mặc quần áo vào lúc sáu giờ sáng; ông chưa bao giờ ngủ quá bốn tiếng mỗi đêm kể từ khi ông lớn lên. Ông đi xuống phòng ăn, nơi người ta dọn bữa sáng cho ông. Căn hộ của ông nằm ở một góc của khoảng sân thượng rất rộng được bố trí như một khu vườn. Các căn phòng trong nhà ông đều là những tuyệt phẩm nghệ thuật, sự đơn giản và vẻ đẹp của chúng có thể khiến người ta phải trầm trù thán phục nếu chúng thuộc về một người nào khác. Tuy nhiên, người ta thường kinh ngạc đến mức không biết nói gì, khi họ biết đó là nhà riêng của ông chủ tờ Ngọn cờ New York, tờ báo dung tục nhất nước.
Sau bữa sáng, ông vào phòng làm việc. Trên bàn làm việc của ông chất đầy các tờ báo, sách và tạp chí quan trọng nhận được mỗi sáng từ khắp nơi trên cả nước. Ông làm việc một mình trong phòng trong khoảng ba tiếng, đọc và viết những ghi chú vắn tắt lên các trang in bằng một chiếc bút chì lớn màu xanh. Các ghi chú của ông trông gốing như bản tốc ký của gián điệp, không ai có thể giải mã được chúng trừ bà thư ký đứng tuổi và khô khan của ông; bà thường vào phòng làm việc của ông sau khi ông đi khỏi. Ông chưa từng nghe thấy giọng nói của bà ta trong năm năm, nhưng họ cũng chẳng cần phải nói chuyện với nhau. Khi ông trở lại phòng làm việc của mình vào buổi tối thì ở đó cũng không còn cả bà thư ký lẫn chồng giấy tờ. Trên bàn làm việc của ông lúc đó sẽ là những tờ giây đánh máy rõ ràng những gì ông ghi chú lúc sáng.
Vào 10 giờ sáng, ông đến trụ sở tờ Ngọn cờ, một toà nhà đơn giản và bụi bặm ở một khu phố bình thường trong khu Hạ Manhattan. Khi ông bước qua những sảnh hẹp trong toà nhà, các nhân viên ông gặp đều cất tiếng chào ông.
Lời chào của họ được thực hiện đúng nghi thức và ông cũng đáp lại một cách lịch sự nhưng sự gặp mặt chớp nhoáng ấy có tác dụng giống như một tia sáng chết người làm tê liệt các sinh vật sống.
Trong số các quy tắc chặt chẽ, áp dụng cho tất cả các nhân viên trong tập đoàn Wynand thì quy tắc khó nhất là không ai được dừng công việc của mình khi Wynand bước vào phòng, và cũng không ai được chú ý tới việc ông bước vào. Người ta không thể đoán được ông sẽ lựa chọn phòng nào và khi nào. Ông có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ở một nơi bất kỳ trong toà nhà và sự xuất hiện của ông cũng "kín đáo" như điện giật vậy. Các nhân viên của ông cố hết sức để tuân thủ quy tắc này nhưng họ thà làm thêm mười tiếng ngoài giờ còn hơn phải chịu đựng mười phút làm việc trước sự quan sát lặng lẽ của ông.
Buổi sáng hôm nay, tại phòng làm việc của mình, ông duyệt lại mục xã luận của tờ Ngọn cờ ngày Chủ nhật. Ông gạch những đường chì màu xanh lên những đoạn mà ông muốn bỏ. Ông không ký tắt tên mình lên trang báo nhưng tất cả mọi người đều biết là chỉ có Gail Wynand mới có thể gạch những đường chì màu xanh đó – những đường chì như xoá bỏ sự tồn tại của tác giả các bài viết.
Sửa xong, ông yêu cầu được nối dây nói với người biên tập tờ Thông tin Wynand ở Springville, bang Kansas. Khi ông gọi điện thoại tới các chi nhánh của mình, Wynand không bao giờ nói tên mình cho nạn nhân. Ông đòi hỏi tất cả các công dân quan trọng trong đế chế của ông đều phải nhận ra được giọng nói của ông.
“Chào Cummings” ông nói khi người biên tập trả lời máy.
“Lạy Chúa!” Anh ta hổn hển “Có phải là...”
“Phải!” Wynand nói “Anh nghe này, Cummings. Thêm một thứ rác rưởi như bài viết nhăng cuội ngày hôm nay về Bông hồng cuối cùng của mùa hè là anh có thể trở lại trường trung học Bugle được rồi đấy”.
“Vâng, thưa ngài Wynand”.
Wynand dập máy. Ông yêu cầu nối điện thoại với một Thượng nghị sĩ có tên tuổi ở Washington.
“Chào ngài Thượng nghị sĩ,” ông nói khi vị Thượng nghị sĩ trả lời điện thoại hai phút sau đó. “Ngài thật tốt bụng khi trả lời điện thoại. Tôi rất cảm kích. Tôi không muốn làm mất thời gian của ngài. Nhưng tôi cảm thấy tôi còn nợ ngài một lời cảm ơn trân trọng nhất. Tôi muốn cảm ơn ngài đã giúp thông qua Dự luật Hayes-Langston”.
“Nhưng mà... ngài Wynand!” – giọng ông Thượng nghị sĩ trở nên lúng túng. “Ngài thật chu đáo nhưng mà... Dự luật đó vẫn chưa được thông qua”.
“Ồ, đúng rồi. Tôi nhầm. Nó sẽ được thông qua vào ngày mai”.
Cuộc họp Hội đồng quản trị Tập đoàn Wynand được sắp xếp vào 11 giờ rưỡi buổi sáng hôm đó. Tập đoàn Wynand gồm có hai mươi hai tờ báo, bảy tạp chí, ba hãng thông tấn và hai kênh tin tức. Wynand chiếm bảy mươi lăm phần trăm số cổ phần của tập đoàn. Các thành viên hội đồng quản trị khác không biết chắc công việc hay nhiệm vụ của họ là gì. Wynand từng ra lệnh các cuộc họp đều phải bắt đầu đúng giờ, cho dù ông có mặt hay không. Hôm nay, ông bước vào phòng họp vào lúc 12 giờ 25. Một quý ông luống tuổi đang phát biểu. Các thành viên hội đồng quản trị không được phép dừng lại hay tỏ ra chú ý tới sự có mặt của Wynand. Ông bước tới chiếc ghế trống ở vị trí chủ toạ, đặt ở đầu chiếc bàn dài bằng gỗ gụ va ngồi xuống. Không ai quay mặt nhìn ông, cứ như thể có một bóng ma mà họ không dám thừa nhận sự tồn tại của nó vừa ngồi vào chiếc ghế. Ông im lặng lắng nghe trong 15 phút. Ông đứng lên trong khi diễn giả đang nói dở câu và rời khỏi phòng tương tự như khi ông bước vào.
Trên chiếc bàn lớn trong văn phòng của mình, ông trải rộng các bản đồ của Stoneridge, khu đất ông mới mua, và dành nửa tiếng để thảo luận về nó với hai nhà môi giới bất động sản. Ông đã mua một vùng đất rất lớn ở Long Island, vùng này sẽ được biến thành Dự án phát triển Stoneridge, một cộng đồng mới gồm các căn nhà riêng, cho tư nhân sở hữu. Tất cả đá lát đường, phố xá và nhà ở đều sẽ do tập đoàn Gail Wynand xây dựng. Một số ít người biết rõ các hoạt động đầu tư đất đai của ông từng bảo với ông là ông điên mất rồi. Chẳng ai nghĩ đến chuyện xây nhà vào thời điểm này. Nhưng Gail Wynand đã tạo dựng cơ nghiệp của ông chính nhờ những quyết định mà người khác gọi là điên rồ.
Ông vẫn chưa chọn kiến trúc sư thiết kế Stonerbridge. Tin tức về dự án này đã lan truyền tới ngành kiến trúc hiện đang trong cảnh sống dở chết dở. Trong nhiều tuần liền, Wynand từ chối đọc thư từ hay trả lời điện thoại của các kiến trúc sư nổi tiếng nhất trên toàn quốc cũng như bạn bè của họ. Ông từ chối thêm lần nữa và cuối buổi họp hội đồng quản trị, khi bà thư ký báo cho ông biết là ngài Ralston Ho be đang khẩn thiết xin được nói chuyện hai phút với ông trên điện thoại.
Khi các nhân viên môi giới bất động sản đã đi khỏi, Wynand bấm vào một nút trên bàn làm việc và triệu tập Alvah Scarret. Scarret bước vào văn phòng, mỉm cười vui vẻ. Alvah luôn trả lời chuông gọi của Wynand với vẻ háo hức bợ đỡ của một cậu bé chạy bàn giấy.
“Alvah, Viên sỏi mật can đảm là cái quái gì thế?”
Scarret cười lớn. “Cái đó à? Đó là tên một tiểu thuyết. Của Lois Cook.”
“Loại tiểu thuyết gì?”
“À, toàn thứ vớ vẩn thôi. Tác giả muốn nó như một bài thơ bằng văn xuôi. Truyện kể về một viên sỏi mật tự nghĩ rằng nó tồn tại độc lập như một cá thể gai góc trong túi mật, ông hiểu ý tôi chứ, và sau đó người chủ của nó uống một đống dầu thầu dầu[97] - và truyện mô tả cụ thể hậu quả xảy ra sau đấy - Tôi cũng không chắc là nó có chính xác về mặt y học hay không nhưng tóm lại, đấy là kết của của Viên sỏi mật can đảm. Truyện này được viết ra để chứng minh rằng không có sự tồn tại của ý chí tự do”.
“Truyện đó bán được bao nhiêu cuốn?”
“Tôi không rõ. Không nhiều lắm, tôi nghĩ thế. Chỉ trong giới trí thức. Nhưng tôi nghe nói gần dây, nó bán khá chạy, và...”
“Chính xác thì cái quái gì đang xảy ra thế, Alvah?”
“Cái gì? À, ông muốn nói là ông thấy nó được nhắc tới vài lần...”
“Tôi muốn nói là tôi thấy nó xuất hiện ở khắp mọi nơi trên tờ Ngọn cờ trong vài tuần trở lại đây. Làm khéo đấy, vì tôi phải mất khá lâu mới nhận ra chuyện đó không phải tình cờ.”
“Ý ông là gì vậy?”
“Thế anh nghĩ ý tôi là gì? Tại sao tên một tiểu thuyết lại xuất hiện liên tục ở những chỗ hoàn toàn không phù hợp như thế? Hôm thì nó có mặt trong một chuyện tử hình mấy thằng sát nhân và bọn chúng ‘đã chết một cách quả cảm như Viên sỏi mật can đảm’. Hai ngày sau, nó lại lên trang 16, trong một bài viết huyên thuyên từ Albany: ‘Thượng nghị sĩ Hazleton nghĩ rằng ông là một cá thể độc lập nhưng hoá ra ông cũng chỉ là một Viên sỏi mật can đảm thôi’. Rồi sau đó lại thấy nó trong mục tin buồn. Hôm qua, nó xuất hiện trên trang phụ nữ. Và ngày hôm nay là ở phần truyện tranh: ‘Snooxy gọi ông chủ giàu có của anh ta là Viên sỏi mật can đảm’.”
Scarret cười khẽ "Quả là ngớ ngẩn.”
“Tôi cũng nghĩ là nó ngớ ngẩn. Lúc đầu thì thế. Giờ thì không.”
“Nhưng có chuyện quái gì đâu hả Gail! Nó đâu phải chuyện gì quan trọng và các phóng viên chủ chốt của chúng ta đâu có cố nhồi nó vào trang báo. Chỉ là từ đám nhân viên nhăng cuội, loại nhận lương 40 đàn ông la một tuần thôi mà.”
“Đó mới chính là vấn đề. Một trong các vấn đề. Vấn đề khác nữa là cuốn sách này không phải là một cuốn best-seller. Nếu nó nổi tiếng, tôi có thể hiểu là tiêu đề của nó tự động lọt vào đầu các phóng viên. Nhưng hoàn toàn không. Như vậy hẳn là có ai đó đang cố nhét nó vào tờ báo. Tại sao?”
“Thôi mà Gail! Làm gì có ai mất công làm thế chứ? Mà việc gì chúng ta phải quan tâm? Nếu như đó là một vấn đề chính trị... Chứ ai có thể kiếm lợi gì từ việc nhồi nhét chuyện ủng hộ hay phản đối tự do ý chí?”
“Có ai hỏi ý kiến anh về việc nhồi nhét này không?”
“Không. Tôi cho là không có ai đứng đằng sau việc này cả. Chỉ là tình cờ thôi. Thì nhiều người nghĩ nó là một chuyện khôi hài.”
“Anh nghe thấy câu đó lần đầu từ ai?”
“Tôi không biết... Để tôi nghĩ... Chắc là... Đúng rồi. Tôi nghĩ là từ Ellsworth Toohey.”
“Chấm dứt đi. Và nhớ nói cho Toohey biết.”
“Được thôi, nếu ông nói thế. Nhưng thực sự chẳng có gì đâu. Chỉ là một số người muốn đùa vui thôi mà.”
“Tôi không thích có ai đùa vui trên báo của tôi.”
“Được rồi, Gail.”
Vào lúc hai giờ, Wynand tham dự bữa ăn trưa của Hội nghị các Câu lạc bộ Phụ nữ toàn quốc với tư cách khách mời danh dự. Ông ngồi bên tay phòng bà chủ tịch. Bữa tiệc sực nức mùi hoa cài nực - hoa dành dành và hoa đậu - và mùi gà rán. Sau bữa ăn, Wynand phát biểu. Hội nghị này ủng hộ việc phụ nữ có gia đình tìm kiếm việc làm trong khi các tờ báo của Wynand thì đấu tranh chống lại việc làm cho phụ nữ có gia đình từ nhiều năm nay. Wynand phat biểu trong hai mươi phút. Nhưng thực sự, ông chẳng nói gì cả mặc dù ông tạo ra ấn tượng là ông ủng hộ tất cả những cảm xúc mà người ta bày tỏ trong buổi họp này. Không ai có thể giải thích được ấn tượng mà Gail Wynand tạo ra với thính giả, nhất là với thính giả nữ. Ông không làm điều gì đặc biệt cả: giọng ông thấp, sắc cạnh và gần như đơn điệu; ông có một phong cách quán chỉn chu, tới mức có vẻ như ông đang cố ý nhạo báng sự chỉn chu. Thế nhưng, ông lại chinh phục được tất cả thính giả. Người ta nói rằng đó là nhờ vẻ nam tính tinh tế và mạnh mẽ của ông, nó khiến giọng nói thanh nhã đang nói về trường học, nhà cửa và gia đình của ông làm người thấy như thể ông đang làm tình với tất cả những bà nạ dòng có mặt ở đó.
Trên đường quay trở về văn phòng, Wynand dừng chân tại phòng tin tức New York. Ông đứng bên chiếc bàn cao và cầm một cây bút chì lớn màu xanh da trời trong tay. Ông viết một bài xã luận hùng hồn và thẳng thừng lên án tất cả những người ủng hộ việc làm cho phụ; ông viết bằng những nét chữ có chiều cao đúng một inch[98], lên một tờ giấy lớn. Chữ ký G.W. ở cuối bài trông giống như một vệt lửa màu xanh. Ông không đọc lại bài viết của mình - chưa bao giờ ông cần đọc lại - mà quẳng nó lên bàn của biên tập viên đầu tiên mà ông nhìn thấy. Rồi ông bước ra khỏi phòng.
Vào cuối buổi chiều, khi Wynand chuẩn bị rời khỏi văn phòng, thư ký của ông thôngbáo là Ellssworth Toohey xin được gặp ông. “Cho ông ta vào” - Wynand nói.
Toohey bước vào với nụ cười nửa miệng thận trọng trên mặt - nụ cười vừa như chế giễu bản thân vừa chế giễu ông chủ của mình, tuy nhiên, ông giữ được sự cân bằng mỏng manh với chừng sáu mươi phần trăm phần chế giễu là dành cho bản thân. Ông biết Wynand không muốn gặp mình và việc được gặp Wynand không hẳn là việc có lợi cho ông.
Wynand ngồi sau bàn làm việc, khuôn mặt của ông trống rỗng một cách lịch sự. Hai đường chéo nổi lên mờ mờ trên trán ông, song song với cặp lông mày xếch. Đấy là vẻ mặt bối rối mà ông thỉnh thoảng có; nó bộc lộ hai thứ tình cảm trái ngược cùng lúc nó làm người đối thoại càng lo ngại.
“Mời ông ngồi, ông Toohey. Tôi có thể giúp ông việc gì?”
“Ồ, tôi tự phụ hơn thế cơ, thưa ngài Wynand.” Toohey nói một cách vui vẻ “Tôi không đến để mong ngài giúp đỡ mà để đề nghị giúp đỡ ngài.”
“Trong việc gì?”
“Soneridge.”
Hai đường chéo hằn rõ hơn trên trán của Wynand.
“Một người viết chuyên mục như ông thì có thể có ích gì cho Stoneridge?”
“Một người viết chuyên mục thì không, thưa ngài Wynand. Nhưng một chuyên gia kiến trúc thì...” to để giọng của mình kéo dài thành một dấu hỏi giễu cợt.
Nếu đôi mắt của Toohey không nhìn chằm chằm một cách tự phụ vào Wynand thì hẳn là ông đã bị yêu cầu ra khỏi văn phòng ngay lập tức. Nhưng cái nhìn đó khiến Wynand hiểu rằng Toohey đã biết tới việc ông bị người ta làm phiền rất nhiều bởi những người giới thiệu cho ông các kiến trúc sư. Toohey biết ông đã phải cố gắng hết sức để tránh họ; và Toohey đã láu cá hơn ông khi đề nghị gặp ông vì một mục đích mà Wynand hoàn toàn không nghĩ đến. Sự tự phụ đó làm Wynand cảm thấy thích thú và Toohey cũng biết trước điều này.
“Được thôi, ông Toohey. Ông đang định bán ai?”
“Peter Keating.”
“Rồi sao?”
“Xin lỗi ngài, rồi sao là sao?”
“Thì ông bán anh ta đi xem nào.”
Toohey dừng lại, sau đó ông khẽ nhún vai một cách vui vẻ và lấy giọng “Tất nhiên ngài cũng biết là tôi không có liên hệ gì với ông Keating cả. Tôi chỉ đóng vai trò là bạn của ông ấy và của ngài thôi.” Giọng nói của ông ta tỏ ra dễ chịu và thân thiện nhưng nó đã mất đi phần nào sự quả quyết. “Nói thực, tôi biết nói thế này nghe có vẻ sáo rỗng nhưng tôi còn biết nói gì khác? Chẳng may sự thật lại đúng là như vậy.” Wynand không hề đỡ lời ông. “Tôi mạo muội đến đây vì tôi cảm thấy có bổn phận phải nêu ý kiến với ngài. Không, không phải là bổn phận đạo đức. Hãy gọi đó là bổn phận với nghệ thuật. Tôi biết là ngài luôn đòi hỏi phải có được cái tốt nhất trong tất cả các công việc của ngài. Với một dự án với quy mô như ngài đang dự tính thì không có kiến trúc sư nào hiện nay có thể sánh với Peter Keating về hiệu quả, óc thẩm mỹ, khả năng tưởng tượng. Đó, thưa ngài Wynand, là ý kiến trung thực của tôi.”
“Tôi khá tin đó là ý kiến trung thực của ông.”
“Ngài tin?”
“Tất nhiên. Có điều, ông Toohey, tại sao tôi lại phải quan tâm tới ý kiến của ông?”
“Dù sao thì tôi cũng là chuyên gia về kiến trúc của ngài!” Ông không hoàn toàn kiềm chế được sự tức giận trong giọng nói.
“Ông Toohey thân mến, xin ông đừng nhầm tôi với các độc giả của tôi.”
Một khoảnh khắc trôi qua, rồi Toohey ngã người về sau và dang tay ra cười với vẻ bất lực.
“Thực tình, ngài Wynand, tôi không nghĩ là lời nói của tôi có thể có trọng lượng với ngài. Vì thế tôi cũng không định bán Peter Keating cho ngài.”
“Không à? Thế ông có ý định gì?”
“Tôi chỉ xin ngài dành nửa tiếng để gặp một người có thể thuyết phục ngài về khả năng của Peter Keating và thuyết phục tốt hơn tôi nhiều lần.”
“Ai?”
“Bà Peter Keating.”
“Bởi vì bà ấy là một người phụ nữ rất đẹp và cực kỳ khó có được.”
Wynand ngả đầu về phía sau và cười phá lên.
“Lạy Chúa, Toohey, chẳng nhẽ tôi lai lộ liễu đến thế sao?”
Toohey hấp háy mắt; ông chưa biết phản ứng ra sao.
“Quả thực, ông Toohey, tôi nợ ông một lời xin lỗi, nếu như với việc để lộ sở thích của tôi cho nhiều người biết, tôi đã khiến ông trở nên thô lậu như vậy. Nhưng quả thật, tôi không hề biết là trong số rất nhiều công việc nhân đạo khác của ông, ông còn làm cả ma-cô nữa.”
Toohey đứng lên.
“Xin lỗi đã làm ông thất vọng, ông Toohey. Tôi không hề có ý mong muốn gặp bà Peter Keating.”
“Tôi cũng không nghĩ là ngài có mong muốn nếu như chỉ có những gợi ý suông của tôi. Tôi đã biết trước điều này từ cách đây vài giờ. Chính xác là biết từ sáng sớm hôm nay. Do đó, tôi đã phải chuẩn bị sẵn một cơ hội khác để bàn luận việc này với ngài. Tôi đã tự cho phép mình gửi cho ngài một món quà. Khi ngài về đến nhà đêm nay, ngài sẽ thấy món quà của tôi. Và sau đó, nếu ngài cảm thấy tôi đã có lý khi đề nghị với ngài việc này thì ngài có thể gọi điện thoại cho tôi và tôi sẽ đến ngay lập tức và ngài sẽ bảo cho tôi biết ngài có muốn gặp bà Peter Keating hay không.”
“Toohey, việc này thật khó tin, nhưng tôi buộc phải tin rằng ông đang hối lộ tôi.”
“Tôi đang.”
“Ông biết là cái trò nguy hiểm này có thể được việc cho ông nhưng cũng có thể làm ông mất việc.”
“Tôi sẽ chờ ý kiến của ngài về món quà tối nay.”
“Được thôi, ông Toohey. Tôi sẽ xem món quà của ông.”
Toohey cúi chào và quay người đi. Ông đã đến cửa thì Wynand nói thêm “Ông biết đấy, Toohey, một ngày nào đó, ông sẽ làm tôi thấy chán ngấy.”
“Tôi sẽ cố gắng không để việc đó xảy ra cho đến khi cần thiết.” Toohey nói. Ông cúi chào lần nữa và bước ra ngoài.