Nếu có một người đến gặp bạn, và hỏi bạn một câu rằng bạn đang cảm thấy cuộc sống của mình như thế nào, thì liệu câu trả lời của bạn sẽ là một tính từ mang hàm ý tích cực hay nó không được tích cực cho lắm? Cuộc sống hiện đại với nhịp sống quá nhanh, sự thay đổi liên tục kéo theo những kỳ vọng của chúng ta về cuộc sống. Nó làm cho nhiều người ít hơn sự hài lòng về bản thân, từ đó dẫn đến việc mất đi hạnh phúc và những niềm vui, chỉ còn ở lại với những bộn bề, áp lực, căng thẳng, lo lắng.
Nếu bạn đang cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống của mình, điều đó thật tốt. Bạn không cần phải thay đổi điều gì cả. Còn nếu như bạn đang mang bên mình quá nhiều áp lực, quá nhiều suy nghĩ, cảm thấy mệt mỏi, đôi lúc cảm thấy mất năng lượng, không hứng thú với nhiều thứ, thì có lẽ bạn nên dừng lại một chút để thay đổi một điều gì đó.
Bác sĩ David Burns - một chuyên gia điều trị bệnh nhân trầm cảm với cuốn sách kinh điển "Đừng Để Trầm Cảm Tấn Công Bạn" (TGM BOOKS dịch) có chỉ ra một loại tư duy sai lệch mà những người liên tục trầm cảm không nhận ra. Bạn không nhất thiết phải là một người đang bị trầm cảm. Nhưng nếu như bạn đang là một người không cảm thấy hài lòng và mãn nguyện về cuộc sống, có những căng thẳng nhất định từ gia đình, học tập, sự nghiệp thì cũng rất có thể bạn đang gặp phải.
Tư duy sai lệch khiến cho rất nhiều người không cảm thấy hài lòng về cuộc sống của mình đó chính là loại tư duy "được ăn cả, ngã về không". Điều này nói đến khuynh hướng đánh giá phẩm chất cá nhân của bạn một cách cực đoan, chỉ có trắng hoặc có đen.
Chẳng hạn, một chính trị gia xuất chúng có thể đánh giá bản thân rằng "mình chẳng là gì cả", chỉ bởi vì ông ta thua cuộc trong một chiến dịch tranh cử.
Một sinh viên toàn điểm A trong một kỳ thi lại kết luận rằng "mình là một kẻ thất bại toàn diện" vì bị một điểm B trong kỳ thi cuối học kỳ.
Một nhân viên làm mọi việc rất tốt nhưng lại cảm thấy "mình là một kẻ vô dụng" khi có một việc làm không đúng với yêu cầu của sếp.
Kiểu tư duy "được ăn cả, ngã về không" là nền tảng của chủ nghĩa cầu toàn, nó làm bạn cảm thấy khó mà hài lòng về cuộc sống của mình. Có nhiều người, họ luôn cảm thấy không hài lòng về bản thân. Hay nói cách khác, họ có khuynh hướng nhìn thấy lỗi lầm của mình nhiều hơn. Vô tình, kiểu tư duy này làm bạn sợ mắc sai lầm và khó mà tiến về phía trước.
Tệ hơn nữa, nó tạo thành một vòng lặp luẩn quẩn. Bạn thiếu tự tin vào bản thân mình, mất hứng thú với cuộc sống, sự căng thẳng và áp lực luôn bủa vây xung quanh.
Thực ra thì kiểu tư duy này là không thực tế, bởi vì cuộc sống hiếm khi hoàn toàn nằm ở thái cực này hoặc ở thái cực kia. Chẳng hạn không một ai thông minh tuyệt đối hoặc ngu ngốc toàn tập. Không có ai luôn luôn thành công mà không bao giờ mắc phải sai lầm. Không có ai mọi thứ đều hoản hảo hay không có ai mọi thứ đều kém cỏi.
Tư duy cực đoan theo một chiều đen và trắng đúng trong toán học. Chẳng hạn những con số cộng trừ, nhân chia thì kết quả chỉ có thể là một đáp án. Còn cuộc sống thì không cực đoan như vậy. Có những thứ không đen, chẳng trắng, nó gọi là vùng xám. Vậy thì tại sao chúng ta lại phải cực đoan theo một chiều tư duy để rồi vô tình không hài lòng và không hạnh phúc về bản thân cũng như cuộc sống?
Nếu bạn đang không cảm thấy hài lòng về cuộc sống cũng như bản thân mình, có lẽ đã đến lúc bạn cần làm một điều gì đó khác đi.
Một cách đơn giản là dừng lại những suy nghĩ tiêu cực ở trong đầu. Hãy đặt lệnh dừng. Hoặc giới hạn thời gian suy nghĩ tiêu cực cho bản thân, chẳng hạn hết ngày hôm nay. Rồi hãy bắt đầu lại bằng những thứ tích cực hơn. Làm những việc đã từng mang lại niềm vui và hạnh phúc cho bạn. Thử một cái gì đó mới cũng là một trải nghiệm hay cho tinh thần. Rèn luyện những thói quen tích cực cũng là một cách tốt để cuộc sống của bạn tốt hơn. Một thói quen hữu ích khác đó là ghi chép lại nhật ký thành công - tức những gì mà bạn làm được, cho dù là nhỏ hay lớn, hãy ghi chép lại để gia tăng sự tự tin cho chính mình.
Đôi lúc, bạn cũng nên dành thời gian cho những thú vui đơn giản không liên quan đến vấn đề mà bạn đang cảm thấy áp lực hay không hài lòng. Chẳng hạn xem một trận bóng, đi dạo ở một nơi nào đó, chơi một trò chơi, tìm gặp và nói chuyện với những người đã lâu bạn không gặp hoặc mới quen. Bất kỳ cách nào cũng được, nhưng ít nhất thì bạn cũng phải làm một điều gì đó khác đi.
Cuộc sống phải có ngày nắng - ngày mưa, đó là quy luật của tự nhiên. Tương tự như vậy với cuộc đời, có những lúc bạn hạnh phúc hoặc cũng có thể có những khoảng thời gian "xám xịt" với bạn, đó cũng là một chuyện tất yếu. Cho nên, việc đơn giản của bạn, đôi khi lại là chẳng phải suy nghĩ quá nhiều, chấp nhận nó là một phần của cuộc sống, và học cách thích nghi để thay đổi.
*Bài viết độc quyền tại Tâm Lý Học Ứng Dụng