#Trans
10 Tips giúp bạn dễ dàng nói chuyện về mọi chủ đề với bất kì ai
Đa phần chúng ta đều cảm thấy lúng túng, im lặng khi gặp gỡ với người lạ. Có thể việc này sẽ diễn ra khi bạn tham dự một bữa tối vì mục đích kinh doanh, và bạn đang ngồi cạnh một người đồng nghiệp mới. Hay đó là khi tham gia đám cưới, bạn gặp một người bạn của một người bạn của bạn...Làm thế nào để có được một phần giới thiệu thật suôn sẻ? Phải làm gì khi bị đặt trong tình huống nghiêm túc, ví dụ như một cuộc phỏng vấn xin việc và bạn phải gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng để vượt qua các ứng viên khác? Và khi bạn tham gia một buổi hẹn hò Blind date ( cuộc gặp gỡ giữa hai người chưa từng biết nhau do người khác sắp đặt), làm thế nào để biến cơ hội này thành bước khởi đầu hoàn hảo cho một mối quan hệ nghiêm túc?
Mỗi người sẽ có một phong cách trò chuyện khác nhau. Nếu là người hướng ngoại, việc giao tiếp với người khác trong bất kì tình huống nào cũng không khiến bạn cảm thấy quá mệt mỏi. Tuy nhiên, nếu bạn là người hướng nội thì thực sự đó là một thử thách khó nhằn. Tất cả những gì xuất hiện trong đầu lúc đó là làm sao có thể trốn thoát khỏi nơi này. Đa phần, mọi người đều ở giữa khoảng hướng nội – hướng ngoại, bạn có thể có giây phút tuyệt vời khi trò chuyện nhưng cũng có những lúc cảm thấy bối rối khi phải chịu áp lực lớn.
Thành công trong những buổi trò chuyện xã giao (small talk) cũng tương tự như việc đạt được kết quả tích cực trong các tình huống giao tiếp xã hội khác như trò chuyện trực tuyến, phỏng vấn xin việc...Đầu tiên, ta cần tìm điểm chung với người mà bạn giao tiếp thông qua việc chia sẻ đôi chút thông tin về bản thân, thể hiện sự đồng cảm và đối đáp khéo léo.Theo tôi, để giao tiếp hiệu quả, chúng ta nên tìm hiểu phương pháp trị liệu tập trung vào yếu tố con người của Carl Rogers. Vào những năm 1970, Roger đã có đóng góp to lớn cho lĩnh vực tư vấn và tâm lý học lâm sàng thông qua việc dạy các nhà trị liệu cách lắng nghe, phản ánh và thấu hiểu cảm xúc của khách hàng, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực một cách tốt nhất. Tất nhiên, bạn sẽ không thực hiện liệu pháp tâm lý với những cuộc hội thoại hay khi tán gẫu với những người mới quen biết. Nhưng bạn có thể sử dụng những kiến thức mà Roger cung cấp để giải quyết cũng như giúp cuộc trò chuyện của mình với người lạ tốt hơn. Việc ứng dụng những kiến thức quý báu từ tâm lý xã hội sẽ mang đến một công thức hoàn hảo, giúp bạn giao tiếp thành công với bất kì ai, bất kể bạn có thích hay không thích người đó.
Và đây là 10 tips bạn cần ghi nhớ:
1. Lắng nghe: Thông thường khi gặp một người lạ, chúng ta sẽ cố gắng lấp đầy những khoảng lặng bằng câu chuyện phiếm về bản thân mình. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu bạn lắng nghe trước rồi nói sau. Tất nhiên, ai đó phải là người bắt đầu trước, nhưng nếu bạn và người đó đều thực sự lắng nghe đối phương và không lo lắng về những gì sẽ nói tiếp theo thì mọi thứ sẽ diễn ra một cách trôi chảy, tự nhiên hơn.
2. Phản ứng một cách đồng cảm (empathic reflecting): Cấp độ tiếp theo trong giao tiếp Rogerian liên quan tới việc hồi đáp lại những gì bạn đã được nghe. Điều này khiến đối phương cảm thấy bạn đã thực sự lắng nghe và xác định rõ liệu bạn có suy nghĩ về những chuyện vừa nghe được hay không.
3. Chú ý tới ngôn ngữ cơ thể: Rogers nổi tiếng với khả năng đọc ngôn ngữ cơ thể của khách hàng một cách "thần sầu". Bạn cũng có thể làm điều này một cách dễ dàng nếu tập trung sự chú ý của mình vào việc bạn đang cảm thấy như thế nào, cách người khác đang cảm thấy ra sao dựa trên tín hiệu phi ngôn ngữ của họ. Nếu người đó cảm thấy không thoải mái với nội dung cuộc trò chuyện, hãy thử đổi chủ đề. Dù đa số mọi người thích tranh luận về chính trị, tôn giáo, tình dục thì vẫn có những người thích trò chuyện về chủ đề nhẹ nhàng hơn. Chú ý tìm hiểu phản ứng của đối phương với những gì bạn đang đề cập thông qua ngôn ngữ cơ thể như tư thế, điệu bộ, giao tiếp bằng mắt, cử động tay...
4. Tránh đưa ra phán xét vội vàng: Nếu bạn thực hiện theo bước 1-> 3, bạn sẽ ít có khả năng đánh giá sai về đối phương nhưng thực tế, tất cả chúng ta đều không cưỡng lại được sự "cám dỗ" của việc đánh giá, kết luận về người khác dựa trên những thông tin sơ sài. Mọi thứ không phải lúc nào cũng đúng nếu bạn chỉ gặp ai đó lần đầu tiên. Nếu đã lắng nghe cẩn thận, phản hồi lại những gì bạn đã nghe, giữa cho mình tinh thần cởi mở thì bạn sẽ ít đưa ra các phán đoán sai hơn khi chỉ dựa trên những tín hiệu bên ngoài.
5. Trở thành một "thám tử": Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn có cơ hội tìm hiểu trước về những người bạn sắp gặp mặt. Sau đó, bạn hãy chuẩn bị một vài câu hỏi liên quan tới đối phương. Nhưng nếu bạn không có cơ hội đó thì hãy thực hành khả năng phán đoán của bạn thông qua những biểu hiện của người mà bạn trò chuyện. ( Học theo cách của Sherlock Holmes, người có khả năng đoán biết nghề nghiệp của người khác thông qua bàn tay của họ)
6. Đừng cho rằng mọi người sẽ đồng ý với bạn: Nghiên cứu tâm lý học xã hội cho thấy chúng ta thường có khuynh hướng " thiên vị giả định" (assumed similarity bias). Khi bạn phản đối, không thích một đảng phái nào đó thì không có nghĩa người đang nói chuyện với bạn cũng như vậy. Các cuộc tranh luận có thể khiến cuộc trò chuyện thú vị hơn. Nhưng nếu bạn cho rằng mọi người đều cảm thấy như bạn, thì rất có khả năng bạn sẽ bắt đầu sai cách và kết thúc cuộc trò chuyện theo cách mà ban đầu bạn không hề mong muốn.
7. Cố gắng học hỏi từ mọi người: Một người bạn mới gặp lần đầu, có thể họ đã làm những việc mà bạn chưa bao giờ làm, ở những nơi bạn chưa bao giờ tới. Do đó, họ có thể chia sẻ với bạn những góc nhìn, quan điểm mới. Tuy nhiên, họ chỉ chia sẻ nếu bạn quan tâm và thực sự hứng thú với những thông tin đó. Bạn có thể mở rộng kiến thức về các lĩnh vực, các nền văn hóa, quốc gia khác nhau và cuối cùng điều này sẽ giúp bạn trở thành người có cách thức giao tiếp thú vị hơn.
8. Cập nhật tin tức hàng ngày: Nắm bắt các sự kiện mỗi ngày là cách tốt nhất giúp bạn có thể đưa ra các chủ đề bàn luận trong bất kì cuộc trò chuyện nào. Các chủ đề đó không nhất thiết phải liên quan tới chuyên môn, có "sức nặng" hay quá nghiêm túc. Biết tới những bộ phim "cháy vé", các bài hát hay video đang thịnh hành...sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc bạn không biết điều gì đang diễn ra trong thế giới xung quanh.
9. Biết khi nào nên im lặng: Một số người không thích trò chuyện, đặc biệt trong một số tình huống như tham gia giao thông công cộng. Bạn có thể nghĩ rằng cách tốt nhất để "giết thì giờ" trên một chuyến bay dài là trò chuyện với ai đó. Tuy nhiên, nếu bạn nhận được tín hiệu từ hành khách đó ( hoặc những hành khách xung quanh) thì lúc này "im lặng là vàng". Để tránh sự nhàm chán thì bạn có thể mang theo một cuốn sách để đọc hoặc làm những việc khác giúp bản thân đỡ buồn chán hơn.
10. Đừng tiết lộ quá nhiều: Có thể bạn đã nghe ở đâu đó rằng có thể thoải mái tâm sự với người lạ mọi bí mật riêng tư của mình, và rồi bạn cũng sẽ không bao giờ gặp lại họ. Điều này có thực sự đúng như vậy? Có 3 sai sót trong ý kiến trên:
• Bạn có thể gặp lại người đó, người đó có thể biết ai đó mà bạn biết. Trong thế giới "6 nút trung gian" này (nguyên gốc: "six degrees of separation world" ám chỉ trong một thế giới mọi người dù ở đâu cũng có thể kết nối với nhau thông qua một chuỗi tối đa 6 nút trung gian, nhất là trong thời đại internet bùng nổ. Để hiểu hơn về cụm từ này bạn hãy tìm đọc thí nghiệm gửi 60 lá thư của Stanley Milgram), những bí mật của bạn có thể lan truyền nhanh đến mức độ nào.
• Mọi người thường cảm thấy khó chịu khi phải nghe những bí mật thầm kín của một người lạ. Hãy thử đặt mình vào vị trí của người khác, bạn sẽ cảm thấy như thế nào khi nghe một người lạ nói với bạn về các vấn đề tình yêu, tình trạng y tế, tranh chấp trong gia đình của họ?
• Việc chia sẻ, tiết lộ quá nhiều thông tin có thể khiến bạn trở nên nhàm chán. Mặc dù chúng ta có thể chọn không đọc những thông tin tẻ nhạt, lời luyên thuyên của bạn bè trên facebook nhưng trong trường hợp này thì sự từ chối có thể khó hơn một chút. Nếu bạn nhớ lại Tip số 3, bạn có thể biết được khi nào bạn "phạm tội" TMI ( biết quá nhiều).
Việc gặp gỡ và trò chuyện với những người lạ không phải là trò tiêu khiển yêu thích của nhiều người. Nhưng nếu bạn làm theo những chỉ dẫn đơn giản này, bạn có thể nhận được những niềm vui, những lợi ích từ việc giao tiếp giúp cân bằng phần hướng nội trong bạn.
Nguồn: Psychologytoday
Người dịch: Dakota Le
Ảnh: The NewYorkTimes