Các Mô Hình Trí Nhớ
Tại sao chúng ta ghi nhớ một số thông tin này tốt hơn một số thông tin khác? Ví dụ, trong một bữa tiệc, tại sao có những người gây ấn tượng cho bạn hơn những người khác? Tại sao có những cuộc gặp gỡ kể cả khi ở tuổi già bạn cũng không thể quên trong khi với đa số người khác bạn lại không thể nhớ nổi tên kể cả khi họ vừa giới thiệu xong? Tại sao một số kích thích chỉ tạo cảm giác thoáng qua hời hợt trong khi các kích thích khác lại ở trong ký ức mãi mãi? Hãy cùng ACM tìm hiểu về 5 mô hình của trí nhớ trong mô hình dưới đây.
Có 5 mô hình trí nhớ đó là: xử lý thông tin, các cấp độ xử lý, quá trình chuyển hóa phù hợp, phân phối và xử lý song song và hệ thống đa trí nhớ.
1. Mô hình xử lý thông tin:
Mô hình xử lý thông tin là một mô hình trí nhớ mà trong đó thông tin được cho là quá trình trải qua 3 bước trí nhớ cảm giác, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn.
Ở giai đoạn trí nhớ cảm giác, thông tin đi vào từ các cơ quan cảm giác (như nhìn hoặc nghe) được giữ lại trong một khoảng thời gian ngắn và thường ít hơn một giây. Thông tin này có thể sẽ được phân tích và mã hóa như một thông tin có ý nghĩa.
Khi thông tin trong trí nhớ cảm giác tiếp tục được phân tích và mã hóa thông qua tri giác, nó có thể đi tới trí nhớ ngắn hạn. Nếu không có gì đặc biệt xảy ra, thông tin trong trí nhớ ngắn hạn sẽ biến mất sau nhiều nhất là 20.
Các thông tin trong trí nhớ ngắn hạn tiếp tục được xử lý sẽ mã hóa thành trí nhớ dài hạn.
Ví dụ: Trong quá trình xem video, khi bất cứ hình ảnh và âm thanh nào trong clip xuất hiện, năng lượng ánh sáng sẽ phản xạ đến mắt và tai bạn, nơi đó sẽ được chuyển hóa thành xung thần kinh và được tiếp nhận vào trí nhớ cảm giác của bạn. Nếu bạo chú ý vào kích thích thị giác và thính giác này, nhận thức của bạn về âm thanh và ánh sáng có thể được giữ lại trong trí nhớ ngắn hạn. Bước này sẽ được giữ lại phần đầu video để tích hợp và hiểu nó khi bạn xem phần sau của video đó. Khi bạn xem, bạn lập tức nhận ra ý nghĩa của video bằng cách khớp các hình ảnh, âm thanh lại với nhau mà bạn đã ghi lại trong trí nhớ dài hạn. Tóm lại, trong mô hình này, nhờ có sự tương tác của 3 quá trình trí này này mà bạn hiểu được video.
2. Mô hình cấp độ xử lý:
Mô hình xử lý thông tin coi quá trình mã hóa, lưu giữ, và tái hiện đều quan trọng như nhau.Nhưng mô hình cấp độ xử lý cho rằng thông tin đó được ghi nhớ tốt hay không phụ thuộc vào mức độ mà thông tin đó được hệ thần kinh xử lý.
Có hai cấp độ xử lý thông tin, đó là ôn tập duy trì và ôn tập chi tiết
Ôn tập duy trì là lặp lại thông tin nhiều lần nhằm giữ chúng luôn được kích hoạt trong trí nhớ ngắn hạn.
Ví dụ: Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng biết phương pháp này, đó là nhẩm đi nhẩm lại các công thức toán trước khi vào phòng thi. Bạn đã từng như vậy chưa?
Ôn tập chi tiết là phương pháp ghi nhớ bằng cách yêu cầu suy nghĩ về mối liên hệ giữa thông tin mới với thông tin đã biết được lưu trữ trong trí nhớ dài hạn.
Ví dụ: Khi học ngoại ngữ, bạn gặp một từ mới và đừng chỉ đọc phần giải nghĩa. Hãy thử liên hệ từ đó bằng cách đưa ra vài ví dụ có nội dung lên quan đến kinh nghiệm và những từ mà bạn đã biết.
3. Mô hình quá trình chuyển hóa phù hợp:
Mô hình quá trình chuyển hóa phù hợp là mô hình cho rằng yếu tố quan trọng quyết định đến trí nhớ là sự phù hợp giữa quá trình tái hiện trí nhớ và quá trình mã hóa thông tin ban đầu.
Việc tái hiện sẽ được cải thiện khi bạn nhớ lại thông tin theo cách mà nó được mã hóa.
Ví dụ: các nhà khoa học thử thí nghiệm mà ở đó 1 nửa sinh viên được thông báo rằng bài kiểm tra tới là kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, số còn lại là thi theo hình thức tự luận. Tuy nhiên, bài kiểm tra thực chất lại chỉ có tự luận. Kết quả cho thấy sinh viên được thông báo kiểm tra trắc nghiệm nhưng sau đó phải làm bài tự luận sẽ khó làm bài hơn sinh viên được thông báo trước làm bài trắc nghiệm.
4. Mô hình phân phối và xử lý song song:
Mô hình phân phối và xử lý song song cho rằng kinh nghiệm mới được thêm vào tạo sự thay đổi cả khối kiến thức sẵn có của chúng ta. Chúng không tồn tại theo dạng tách biệt và không liên quan đến nhau.
Nghĩa là các thông tin liên kết với nhau tạo thành một mạng lưới dựa trên cơ sở mạng thần kinh gồm các tế bào thần kinh liên kết với nhau; do đó thông tin mới không chỉ được lưu giữ và tái hiện một cách riêng lẻ mà nó được liên kết và tái hiện cùng với các thông tin khác trong mạng lưới.
Ví dụ: Khi nhắc đến một chiếc điện thoại iphone, bạn không chỉ nhớ đến việc nó đẹp như thế nào và hình dáng nó ra sao, mà cùng một lúc bạn có thể nhớ đến nguồn gốc của nó xuất xứ ở đâu, người nào bạn quen dùng nó hay là giá cả của nó như thế nào.
5. Mô hình hệ thống đa trí nhớ:
Mô hình hệ thống đa trí nhớ là mô hình cho rằng bộ não có chứa vài hệ thống trí nhớ độc lập tương đối, mỗi hệ thống khu trú ở một vùng khác nhau và thực hiện các mục đích khác nhau.
Ví dụ: Có nghiên cứu cho thấy rằng ức chế hoạt động của hồi hải mã bằng thuốc gây ra sự gián đoạn lớn trong trí nhớ rõ ràng, nhưng điều này lại không xảy ra với trí nhớ tiềm ẩn
Dưới đây là bảng tóm tắt về 5 mô hình trí nhớ này. Mỗi mô hình sẽ phần nào giải thích những thắc mắc mà chúng mình đặt ra ở phần đầu: Tại sao có kích thích biến mất rất nhanh trong khi một số kích thích khác lại làm chúng ta nhớ rất lâu? Câu trả lời là có nhiều mô hình cần thiết để hiểu được về trí nhớ. Còn bạn, bạn nhớ mô hình nào nhất, và tại sao lại như vậy? Hãy comment ở dưới cho chúng mình biết nhé!
Yến Nhi tổng hợp.