Tâm Lí Học Tổng Hợp

  Mùa hè đang đến, và hẳn bạn đã có kế hoạch lớn cho chuỗi ngày nghỉ dài sắp tới. Bạn dự định sẽ tham dự một lớp học hoặc theo đuổi một mục tiêu phát triển bản thân cao hơn. Giờ đây, mọi thứ xung quanh có vẻ hứa hẹn: cây đang đâm chồi nảy lộc và ánh mặt trời ấm áp luôn chiếu tỏa. Những tháng đầu năm cho con người nguồn động lực vô tận; ta cảm thấy như có thể hiện thực hóa toàn bộ các mong muốn và ước mơ của mình. Bạn sẽ làm được, đặc biệt nếu bạn biết cách tận dụng tối đa mọi nguồn năng lượng của mình. 

Mặt khác, nếu việc nhắc đến những kế hoạch và hoài bão khiến bạn cảm thấy mỏi mệt, thì có lẽ bạn chưa huy động năng lượng một cách trọn vẹn như mong muốn. Thường thì người ta bị thất thoát và mất năng lượng thông qua những kẽ hở mà họ ít khi chú ý đến. Khi điều này xảy ra, người ta cảm thấy mệt mỏi, tâm trí bị phân tán, ý chí và hy vọng sụt giảm so với mong đợi. Hậu quả là họ bắt đầu hạ thấp kỳ vọng của mình, thu nhỏ bớt ước mơ và chấp nhận "an phận" thay vì phấn đấu.

  I. Năng Lượng Của Bạn "Chảy" Về Đâu? 

Sẽ dễ hình dung hơn khi ta ví năng lượng của một người là dòng nước chảy trong ống dẫn. Và cũng giống như nước, năng lượng có thể bị rò rỉ. Những thói quen xấu và lối sống buông thả có thể khiến dòng năng lượng này chảy sang những chỗ vô ích, và vì thế bạn chỉ còn lại nguồn năng lượng nhỏ giọt mà thôi. Rất dễ phát hiện những chỗ rò rỉ và thất thoát năng lượng nếu bạn biết cách tìm kiếm, và đôi khi một "miếng vá" đơn giản là đủ để khắc phục hư tổn. Nhưng trong mọi trường hợp, việc trước tiên bạn cần làm là xác định đúng vấn đề. Ta hãy bắt đầu kiểm tra những chỗ thường bị rò rỉ nhất:

 1) Đè Nén Cảm Xúc 

Khi cảm xúc bộc phát nhưng bạn không thể hiện nó, thì tức là bạn đang đè nén nó. Và việc đè nén cảm xúc sẽ đòi hỏi một nguồn năng lượng khổng lồ.

 Xu hướng tự nhiên của cảm xúc là thể hiện ra bên ngoài. Bằng cách này hay cách khác, bạn phải bộc lộ thì mới hiểu rõ được những cảm xúc của mình. Và một khi được thấu hiểu, cảm xúc sẽ giúp bạn trở nên mạnh mẽ và khôn ngoan hơn. 

Cố chặn đứng quá trình tự nhiên này tức là ta đang tạo sức ép lên hệ thống cảm xúc của mình, giống như áp lực nước đè nặng lên con đập vậy. Và cuối cùng, một áp lực lớn như thế có thể gây hại: Ta không chỉ phải nỗ lực hơn để kìm nén và cố tỏ ra vui vẻ, mà còn mất dần sự kiểm soát đối với cảm xúc của mình. Ta sẽ dễ dàng nổi đóa hoặc làm tổn thương người khác mà không hiểu vì sao. 

Cách tốt nhất để khắc phục dạng rò rỉ này là thật lòng thể hiện cảm xúc của mình, qua những cách khéo léo như viết vào nhật ký hoặc đơn giản là hét to lên. Cách này thường hiệu quả hơn so với bộc lộ cảm xúc một cách công khai, vốn có thể khó thực hiện hơn rất nhiều do sự phức tạp của các tương tác xã hội.

 Một khi bạn đã bộc lộ cảm xúc của mình, áp lực sẽ giảm và chỗ rò rỉ sẽ được bịt lại. Khi ấy, bạn tự nhiên sẽ có trong tay nguồn năng lượng và rút ra những điều có ích nhằm giải quyết các vấn đề khác.

 2) Ưu Tiên Người Khác Hơn Bản Thân 

Khi có thói quen đặt nhu cầu và mong muốn của người khác cao hơn nhu cầu của bản thân, ta đang có nguy cơ chặn đứng nguồn năng lượng của mình. Việc luôn ưu tiên mọi người thay vì bản thân sẽ tạo ra tâm lý oán giận, bất kể ta có biểu hiện hoặc thậm chí ý thức được tâm lý này hay không. Hãy tưởng tượng tâm trí bạn lên tiếng, "Vì sao ai cũng có được thứ mình muốn, còn mình thì không?", nhưng bạn lại lờ tiếng nói đó đi. Khi sự oán giận ấy xuất hiện, bạn sẽ không thể khai thác các nguồn lực một cách trọn vẹn và cảm thấy kiệt quệ về cảm xúc, thể chất và nguồn lực. 

Chẳng phải ta nên ưu tiên người khác trước hay sao? Suy cho cùng, ngay từ thời thơ bé, ta đã được dạy là đừng bao giờ tỏ ra ích kỷ. Có một quan niệm xã hội cho rằng đặt nhu cầu của người khác lên trên nhu cầu của bản thân sẽ giúp ta trở thành người tốt và chính trực. Nhưng tôi rất tiếc phải nói với bạn rằng mọi thứ không diễn ra như vậy. Để thực sự sống có mục đích và cống hiến hết mình, bạn phải chịu trách nhiệm với những nhu cầu và mong muốn của bản thân. Khi thực sự hạnh phúc và thỏa mãn, bạn sẽ thấy mình phóng khoáng hơn, đặc biệt khi so với những người đã hy sinh quá nhiều thứ của bản thân và do đó chất chứa nhiều uất hận. Để bịt chỗ rò rỉ năng lượng này, hãy học cách nói không với những yêu cầu từ người khác, cho đến khi bạn có đủ nguồn lực để thỏa mãn nhu cầu và mong muốn thiết yếu của chính mình.

 3) Sống Thờ Ơ 

Người ta né tránh những vấn đề hệ trọng trong đời bằng nhiều cách khác nhau. Thông thường, chính những vấn đề này lại là yếu tố cốt lõi giúp định hình con người ta, và việc không chịu thấu hiểu nó sẽ cản trở và khiến ta thụt lùi. Ta cũng phải tiêu tốn một phần năng lượng cực lớn để cố gắng giữ khoảng cách với những vấn đề ấy. Hai cách né tránh phổ biến nhất là 1) kháng cự theo thói quen và 2) lạm dụng chất kích thích. 

Ở giai đoạn thơ bé hoặc tuổi teen, hầu hết chúng ta đều dựng nên cho mình những tấm khiên bảo vệ. Kháng cự là một cách để ta khẳng định mình trong suốt quá trình tập sống độc lập và khám phá những lĩnh vực mới. Tuy nhiên, cách này lại trở thành cạm bẫy khi ta trưởng thành. Chọn cách kháng cự một sự việc nghĩa là không chịu tìm hiểu nó kỹ càng. Chỉ vì thiếu thông tin, ta sẽ phải tiêu tốn rất nhiều nguồn lực trong suốt quá trình phát triển bản thân và nỗ lực để thành công. 

Một cách sống thờ ơ khác là hủy hoại bản thân hoặc tìm cách chạy trốn vấn đề. Những cách hủy hoại bản thân thường gặp là lạm dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá và thức ăn. Những hành vi trốn tránh thường gặp bao gồm nghiện mua sắm, xem ti-vi và máy vi tính. 

Thỉnh thoảng làm những việc đó thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, bạn sẽ dần mất năng lượng nếu thường xuyên lặp lại các hành vi đó để cảm thấy thoải mái hơn mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Để sửa chữa những chỗ rò rỉ này, bạn hãy thành thật với chính mình về thứ mà bạn đang muốn kháng cự hoặc trốn tránh, tìm ra lý do vì sao mình làm vậy và thực hiện các bước cần thiết để thay đổi hành vi. 

4) Trì Hoãn 

Việc nhận lấy trách nhiệm nhưng sau đó lơ đi hoặc trì hoãn sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng của bạn. Những nghĩa vụ như kiếm tiền, thay đất cho cây cảnh và gấp quần áo nên được xếp vào thời gian biểu, để bạn hoàn thành nó một cách vui vẻ và trọn vẹn. 

Có thể bạn cho rằng mình tránh làm việc nhà là để bản thân có được khoảng thời gian nghỉ ngơi cần thiết, nhưng thực ra là bạn đang mất năng lượng. Khoảng cách giữa trách nhiệm và hành động thực tế sẽ liên tục và nhanh chóng rút cạn năng lượng của bạn. 

Nếu nhiệm vụ phải làm vượt quá khả năng đáp ứng trong thực tế, có lẽ đã đến lúc bạn liệt kê chúng thành một danh sách và xem nhiệm vụ nào nên bỏ đi, nên được chuyển cho người khác, và những nhiệm vụ nào là quan trọng mà bạn phải hoàn thành cho kịp. Bạn cũng cần tìm hiểu lý do vì sao mình dành khoảng thời gian trống để đeo đuổi những việc khác nhưng lại không thừa nhận rằng mình có làm nó hoặc nó là việc đáng làm. 

5) Thất Hứa

 Sử dụng ngôn từ một cách có ý thức sẽ giúp ta có thêm sức mạnh – khi nói, ta đang cho cả thế giới thấy mình sẵn sàng và nghiêm túc trước một hành động hoặc ý tưởng. Trái lại, nếu sử dụng ngôn từ một cách bất cẩn, bạn đang rút đi một phần năng lượng đáng kể của mình.

 Tôi thường thấy người ta tha thiết được công nhận qua những điều họ nói hơn là qua những việc họ làm. Hầu hết hành động của họ không đi đôi với lời nói. Những người này rất thường thiếu sức mạnh và năng lượng cá nhân, vì phần nhiều nguồn này đã bị rò rỉ vào khoảng cách giữa lời nói và hành động thực tế của họ. 

Để bịt lại chỗ rò rỉ này, hoặc là bạn phải làm đúng như những gì mình đã nói, hoặc là bạn đừng nói gì cả. Hãy giữ lời hứa với chính bản thân và với những người xung quanh. Hãy tự hỏi trước khi nói: Mình đang phát đi tín hiệu gì cho cả thế giới? Mình có toàn tâm toàn ý với điều mình nói hay không? Nếu không thì khoan nói ra mà hãy đợi cho đến khi bạn đã đủ tự tin. 

II. Ván Bài Năng Lượng

 Tôi đã ví năng lượng cảm xúc giống như nước, nhưng bạn cũng có thể liên tưởng đến chồng tiền thẻ khi chơi bài poker. Nếu đặt cược rải rác tiền của mình ở khắp nơi mà không thực sự quan sát nó, bạn sẽ không còn đủ tiền cho những lần đặt cược quan trọng và rủi ro cao nữa.

 Bất kể bạn xem năng lượng của mình như tiền thẻ hay như dòng nước chảy trong ống, thì yêu cầu đặt ra cho bạn cũng vẫn như nhau: đảm bảo mình nắm rõ và quản lý chặt chẽ nguồn năng lượng quý giá. 

Hãy ngẫm nghĩ xem năng lượng của mình đang chảy về đâu và bắt đầu "khóa van" ở những nơi không đem lại lợi ích. Bạn sẽ thấy mình có nhiều năng lượng và nhiều cơ hội hơn để hiện thực hóa những mơ ước thiết thực nhất trong cuộc sống. 

III. Lấy Lại Năng Lượng 

Sau đây là hướng dẫn giúp bạn phát hiện và sửa chữa những chỗ rò rỉ năng lượng:

- Phát hiện những lúc lời nói và hành động không đi đôi với nhau. Hoặc là bạn thay đổi điều mình nói, hoặc là bạn đảm bảo hành động mình làm thể hiện đúng lời mình nói.-

- Ngừng giả tạo. Nếu có một khía cạnh nào đó trong đời làm bạn cảm thấy khốn khổ, hãy tìm cách hành động. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình giải phóng được bao nhiêu năng lượng! 

-Sống có ý thức. Nếu lúc nào cũng "chạy ngược chạy xuôi" để giúp người khác, bạn sẽ đánh mất mối liên kết với nhu cầu và mong muốn đích thực của mình – thứ vốn là suối nguồn năng lượng của bạn. Hãy sắp xếp thời gian – dù ngắn ngủi – để cầu nguyện hoặc viết ra những ý tưởng và cảm xúc của mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui