Con đường đến sự tự tin bắt đầu bằng nghi thức trang trọng mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu một ngày mới: tự nhủ với chính mình ta là một người ngu ngốc, ngớ ngẩn, ngờ nghệch. Và thế là một vài hành động điên rồ thêm nữa cũng chẳng có vấn đề gì cả.
Để tăng cường sự tự tin trước những thời khắc gian nan, những người có chí hướng thường cố gắng hướng sự chú ý tới những điều tốt đẹp: sự thông minh, sự giỏi giang, và nội lực.
Nhưng lạ thay, điều này lại có những tác động kì lạ. Chúng ta càng gồng mình bám vào những điều tốt đẹp của bản thân, thì càng phải lo lắng về những tình huống có thể làm hạ giá trị của mình, và càng cảm thấy thiếu tự tin. Chúng ta do dự trước những thách thức ẩn chứa nguy cơ thất bại bởi vì chúng ta sợ mình trông ngớ ngẩn.
Khi ở một thành phố xa lạ, chúng ta trở nên do dự, không dám hỏi mọi người nhà ga ở đâu, vì e sợ rằng họ nghĩ chúng ta là người ngu ngốc, là một du khách lạc đường tội nghiệp. Hoặc là, chúng ta muốn hôn một ai đó – nhưng không dám làm bởi vì sợ người ta sẽ đánh giá mình là người thất tình yếu đuối, tuyệt vọng. Hay ở nơi làm việc, chúng ta không dám đề nghị thăng chức, vì sợ ban quản trị cấp cao cho rằng chúng ta kiêu ngạo và ảo tưởng sức mạnh. Vì quyết tâm không để mình trông ngu ngốc, chúng ta chẳng dám làm gì nhiều; vì thế mà chúng ta, ít nhất cũng đã đôi ba lần, bỏ lỡ những cơ hội tuyệt vời nhất trong đời.
Sự tự ti bắt nguồn từ bức tranh sai lệch về những phẩm chất mà một người bình thường nên có. Chúng ta cho rằng đến một độ tuổi nhất định chúng ta có thể được tôn trọng và không còn sự nhạo báng. Chúng ta âm thầm bắt chước hình mẫu của những người không hề từng trải, không có những lần làm tình vụng về cùng với người yêu, không gặp thất bại thảm hại trong việc kết bạn và không mắc sai lầm kinh khủng nơi làm việc. Chúng ta cho rằng lựa chọn này sẽ giúp ta có một cuộc sống tốt đẹp mà không thường xuyên biến mình thành kẻ ngốc.
Năm 1509, Erasmus một học giả, triết gia người Hà Lan, đã viết cuốn sách có tên là "In Praise of Folly" (tạm dịch Tôn sùng sự ngu ngốc), một trong những cuốn sách hay nhất châu Âu giai đoạn đầu thời kì hiện đại. Trong cuốn sách này, Erasmus đã đưa ra một lí lẽ đầy táo bạo. Với giọng điệu trầm ấm, ông nhắc nhở chúng ta rằng tất cả mọi người, cho dù những người quyền cao chức trọng và có học thức đi chăng nữa, đều là kẻ ngốc. Chẳng có ai là ngoại lệ, kể cả tác giả. Cho dù thông minh đến đâu, Erasmus quả quyết ông cũng chỉ là một kẻ ngốc giống như bao người khác. Chính điều này đã mang đến sự khích lệ to lớn bởi nó chứng tỏ rằng sự ngu ngốc ta thường mắc phải không hề ngăn cản ta có những đồng đội tốt nhất. Giống như một tên ngốc, việc mắc lỗi ngớ ngẩn và làm những điều kì quặc vào ban đêm không hề khiến chúng ta trở nên lạc lõng trong xã hội mà khiến ta giống với học giả vĩ đại nhất Bắc Âu thời kì Phục Hưng.
Tác phẩm của Pieter Bruegel cũng cho thấy một thông điệp tương tự. Tác phẩm quan trọng của ông – The Dutch Proverbs (Tục ngữ Hà Lan) thể hiện cái nhìn thực tế hài hước về bản chất con người.
Ông cho rằng, mọi người đều có chút không bình thường và ngớ ngẩn: một người đàn ông ném tiền xuống sông; một người lính đang ngồi xổm và đốt quần mình trên đống lửa; một người cố tình đập đầu vào tường, một người khác đang ôm cột. Điều quan trọng là bức tranh không phải là đòn tấn công vào một vài người không bình thường mà là bức tranh tái hiện đôi phần con người chúng ta.
Từ các tác phẩm của Bruegel và Erasmus, chúng ta nhận thức được rằng trở nên tự tin hơn không phải là dùng nhân cách tốt đẹp của mình để trấn an mình, mà là phát triển hài hòa, chấp nhận sự ngốc nghếch theo đúng bản chất. Ta hiện tại là kẻ ngốc, trong quá khứ đã từng là kẻ ngốc, và tương lai cũng sẽ là những kẻ ngốc – điều này hoàn toàn bình thường. Loài người chẳng còn sự lựa chọn nào khác.
Chúng ta trở nên xấu hổ vì phải tiếp xúc với những điều tốt đẹp của người khác quá nhiều. Mọi người phải chịu đựng những nỗi khổ như thế để được bình thường. Chúng ta cùng nhau tạo ra ảo tưởng là mọi người đều có thể bình thường, và chính ảo tưởng đó khiến nhiều người bị tổn thương.
Nhưng một khi mà chúng ta đã học cách nhìn nhận bản thân mình là những người ngu ngốc theo đúng bản chất, kể cả nếu chúng ta có làm những chuyện ngu ngốc hơn thì cũng không thành vấn đề. Người mà ta muốn hôn có thể nghĩ ta thật ngớ ngẩn. Người mà ta hỏi đường ở một thành phố khác có thể xem thường ta. Nếu họ làm thế cũng chẳng có gì lạ; họ chỉ đang khẳng định một điều mà chúng ta đã ghi sâu vào trái tim mình từ rất lâu rồi: chúng ta, giống như họ – và mọi người khác trên trái đất – đều là những kẻ ngốc. Nỗi lo việc chấp nhận thử thách và thất bại có thể gây ra đau đớn cũng được loại bỏ đáng kể. Nỗi sợ bị bẽ mặt không còn bám theo ta trong tiềm thức nữa. Bằng cách chấp nhận thất bại là chuyện thường tình, chúng ta có thể tự do thử làm mọi thứ. Và cứ thế, bất chấp vô số thảm họa mà ta đã kể ra ngay từ đầu, ta cũng thu được kết quả: ta sẽ có một nụ hôn, ta sẽ có bạn bè, ta sẽ được tăng lương.
Con đường đến sự tự tin bắt đầu bằng nghi thức trang trọng mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu một ngày mới: tự nhủ với chính mình ta là một người ngu ngốc, ngớ ngẩn, ngờ nghệch. Và thế là một vài hành động điên rồ thêm nữa cũng chẳng có vấn đề gì cả.